Khúc ca về Ô leg minh quân

15:26 11/04/2013

A.X.PUSKIN

Khúc ca về Ô leg minh quân

Chân dung Oleg minh quân, vẽ bởi Viktor Vasnetsov - Ảnh: wiki

Ô leg minh quân (1) nay ra trận
Để trả thù lũ ngu xuẩn Ho zar (2)
Làng mạc Ho zar người thiêu trụi ra tro
Vì cái tội dám ngang tàng cướp phá.
Trong giáp trụ thành đô (3), với gia binh cơ ngũ
Người trên yên con tuấn mã kiên trung.

Từ cánh rừng sâu thẳm tiến ngược đường
Vị phù thủy đầy tươi vui hưng phấn.
Bậc lão trượng chỉ thờ Pe run thánh (4)
Người đưa tin di huấn của tương lai,
Chuyên nguyện cầu và bói toán suốt đời
Và Ô leg liền tiến lên chào đón.

"Xin hãy nói , con cưng của thần thánh.
Có chuyện gì sắp đến trong đời tôi?
Liệu kẻ thù có sớm được mừng vui
Vì đất lạnh chôn vùi tôi xuống mộ?
Cứ nói thật, xin người đừng e sợ:
Thưởng công người, ngựa quý đấy, tùy người"

Bậc tiên tri đâu sợ đấng quyền oai,
Mà quà tặng của công vương đâu thiết.
Miệng lưỡi tiên tri vốn tự do chân thực.
Và kết thân cùng ý chí thiên cung,
Năm tháng tương lai ẩn giữa mù sương,
Còn số phận của người in trên trán.

Lời ta nói từ đây người tâm niệm:
Niềm vinh quang người lính - ấy nguồn vui!
Chiến thắng ngời chói lọi tên tuổi người,
Khiên mộc ngươi cổng Thành đô treo sáng, (5)
Người ngự trị cả dưới sông trên cạn.
Số phận diệu kỳ chọc tức kẻ thù:

Cả sóng thần điên đảo giữa biển xa
Trong giờ khắc bão dông nguy khốn,
Nỏ đá, mũi tên, ranh ma đường kiếm…
Đều xót thương năm tháng kẻ anh hùng
Giáp trụ chở che không để sát thương,
Thần hộ mệnh vô hình luôn che đỡ.


 

Oleg đã treo khiên mộc lên cổng thành, vẽ bởi Fyodor Bruni - Ảnh: wiki


Ngựa của ngươi gian nguy không hề sợ.
Linh cảm từng ý chí chủ trên yên.
Khi mưa tên dừng sững lại lặng im
Lúc vun vút bãi chiến trường ngang dọc.
Dù gió lạnh, dù nóng nung đều mặc…
Nhưng cái chết của người lại chính ngựa sẽ trao!"

Ô leg cười, nhưng vầng trán thanh tao
Và ánh mắt chìm sâu trong suy tưởng.
Vịn vành yên, người buồn rầu ảm đạm
Không một lời vội xuống ngựa, buông cương.
Đưa bàn tay từ giã bạn thân thương:
Người ve vuốt dướn cao bờm cổ ngựa.

"Hỡi bề tôi trung thành, người đồng chí.
Đến lúc rồi ta phải cách xa nhau.
Hãy nghỉ ngơi! Từ nay mãi mãi về sau
Yên cương ngựa ta chẳng hề động tới
Thôi từ biệt, nhớ tới ta ngựa hỡi!
Này tiểu đồng, nhận lấy ngựa mang đi.

Hãy lấy chăn, thảm len ấm phủ che,
Dẫn ngựa tới đồng cỏ nhà chăn thả,
Hãy tắm mát, thóc ngon cho ăn thỏa,
Nước uống trong dẫn ngựa đến ngọn nguồn".
Mấy chú tiểu đồng vội dắt ngựa đi luôn,
Và ngựa khác dẫn về cho công tước.

Năm tháng qua, bữa kia người mở tiệc
Cùng gia binh chiến hữu uống say sưa.
Những mái đầu trắng như tuyết đầu mùa
Trên đỉnh ngọn mộ gò đầy vinh hiển…
Cùng hồi tưởng chuỗi ngày qua lãng đãng
Những trận giao tranh gươm kiếm bên nhau.

Sực nhớ ra: "Con ngựa của ta đâu?
Các bạn nhỉ, con ngựa xưa cần mẫn?
Vẫn khỏe mạnh? Bước phi còn loang loáng?
Vẫn vui tươi, mãnh liệt như xưa?"
"Đã từ lâu ngựa yên giấc ngàn thu
Trên đỉnh ngọn đồi cao, thưa công tước."

Vị anh hùng đầu cúi gằm thương tiếc
Và trầm tư: "Lời tiên đoán thì sao?
Ô lão già, mi dối trá, tào lao…
Giá đừng tin lời mi xưa tiên đoán
Thì ngựa vẫn chờ ta đi khắp chốn"
Người xót xa muốn viếng nắm xương khô.

Rời lâu đài cùng Ô leg uy nghi
Còn có cả Igo (6) và tân khách.
Và trước mặt- đồi cao bờ Đơ nhiep,
Nằm chơ vơ đống hài cốt ngựa xưa,
Mưa tắm, tháng năm phủ lớp bụi mờ,
Gió lay động cỏ che trùm nghiêng ngả,

Công tước nhẹ đặt chân lên sọ ngựa
Và cất lời: "Ôi người bạn cô đơn,
Bạn ngủ rồi, chủ lại sống lâu hơn,
Trong lễ cầu siêu, hẳn chẳng còn lâu nữa,
Không phải bạn sẽ nhuộm hồng thảm cỏ,
Đón lưỡi rìu máu nóng tưới hồn ta!

Cái chết của ta ẩn náu ở đây ư?
Đống xương trắng đem cho ta cái chết?!"
Trong lúc đó, phì phì khoanh rắn độc
Lẹ trườn ra từ cái sọ không hồn.
Như dải băng đen quấn chặt lấy hai chân
Bị rắn cắn công tước kêu thảng thốt.

Trong lễ tiệc cầu siêu cho Ô leg
Rượu truyền tay sủi bọt chảy tràn trề.
Công tước Igo, nữ công tước Ônga (7)
Trên đỉnh đồi, bờ sông - quan say chén,
Họ hồi tưởng chuỗi ngày qua lãng đãng
Những trận giao tranh gươm kiếm bên nhau…

                                                             1822
Thúy Toàn dịch

(SH25/6-87)

-------------
1. Ô leg minh quân - (thế kỷ X) công vương đầu tiên của Ki ép Nga, trị vì những năm 879 - 912, được mệnh danh "Minh quân" sau chiến thắng quân Hy Lạp năm 907.
2. Ho zar - Bộ lạc du mục phương Nam, gốc Mông Cổ.
3. Thành đô - (Txa zagrát) chỉ Kông xtan ti nô pôn, kinh đô đế quốc Vi-zan-ti.
4. Petzun thánh - Thần sấm trong thần thoại Xlavi bảo hộ các công vương và quân sĩ.
5. Theo sử biên niên, Ô leg chiến thắng VizanJi, chiếm Thành đô, khi ra về đã treo khiên mộc lên cổng thành để ghi chiến công của mình.
6. I go Rưc zi kô vits - Đại công tước Ki ép, nối ngôi Ô leg sau khi qua đời, 912 - 945.
7. Onga - vợ I go, lên nối ngôi chồng sau khi chồng bà qua đời.









 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THÁI KIM LAN

    KINHIN* im Frühling
    (*Das Gehen in Achsamkeit und Bewußtheit)

  • EVGHÊNI EVTUSENKÔ

    Tưởng niệm Anđrây Đimitiêvich Xakharôv

  • LTS: Ca khúc “Thời gian đang chuyển mình” được phát hành trong album cùng tên vào năm 1964. Dylan viết ca khúc này nhằm phản ánh những sự biến đổi của thời cuộc.

  • Thi sĩ Christopher Merrill được giới phê bình văn chương Mỹ trân trọng, như W.S. Merwin đánh giá, là “một trong những nhà thơ tài năng, táo bạo, và thành công nhất của một thế hệ thi ca hiện đại.”

  • Nhà thơ Müesser Yeniay, sinh năm 1984, tại Izmir - Thổ Nhĩ Kỳ. Chị tốt nghiệp Đại học Ege môn Anh ngữ và Văn học, nhận bằng Tiến sĩ Văn học Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Bilkent. Chị từng đoạt một số giải thưởng Văn học tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thơ Müesser Yeniay đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Müesser Yeniay hiện là biên tập viên Tạp chí Văn học Şiirden, Thổ Nhĩ Kỳ.

  • Jan Skacel (1922 - 1989) là một trong số những nhà thơ chủ chốt trong văn học Séc nửa sau thế kỷ 20. Ông cũng là nhân vật có vai trò quan trọng trong đời sống văn học Tiệp Khắc với tư cách là Tổng Biên tập tạp chí Host do domu trong các năm từ 1963 đến 1969.

  • LTS: Khi Sông Hương gửi những dòng thơ này đến với bạn đọc thì Paris đã yên bình sau cơn ác mộng khủng bố IS. Nhân loại đang đứng bên người Pháp: “Je suis Paris! Tôi là Paris! Nhân loại là Paris!” Lá cờ nước Pháp nhung phủ hàng triệu gương mặt người. Và những bài thơ dành cho Paris đã ngân lên, đơn giản, đó là biểu tượng xứ sở nghệ thuật của thế giới, là nơi Cách mạng Pháp với Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền đã mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho nhân loại…


  • Buổi sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001, bạn làm gì?

  • LTS: "Maiacôpxki là lá cờ đầu của thơ ca tháng Mười. Và làm thơ ca ngợi cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, ông luôn luôn đặt ra những câu hỏi lớn về viễn cảnh của cuộc cách mạng, về tương lai của nhân loại.

  • LGT: Nhà thơ Charles Simic sinh vào ngày 9/5/1938 tại Nam Tư, nơi ông có một tuổi thơ đau thương trong chiến tranh thế giới thứ II. Năm 1954, ông theo gia đình di cư sang Mỹ.

  • JOSEPH BRODSKY

    LTS: Sinh năm 1940 tại Peterbuorg. Năm 1970, ông sang định cư ở Mỹ và dạy học tại Đại học Columbia. Ông làm thơ bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Năm 1987 ông đoạt giải Nobel văn chương.
    Những bài thơ Sông Hương chọn giới thiệu được trích trong tập “Tĩnh vật và những bài thơ khác” từ bản dịch của Hoàng Ngọc Biên.

  • Billy Collins (sinh ngày 22/3/1941) là thi sĩ nổi tiếng ở Mỹ. Ông đã từng hai lần được bầu là Thi bá, hay còn gọi là Nhà thơ danh dự (Poet Laureate) của Hoa Kỳ, lần đầu vào năm 2001 và lần thứ hai vào năm 2003. Trong các năm từ 2004 đến 2006 ông được bầu là Thi sĩ của bang New York.

  • LGT: Nakahara Chuya (Trung Nguyên Trung Dã) (1907-1937) là một gương mặt chói ngời của văn học Nhật Bản cận đại dù mất ở tuổi ba mươi và chỉ kịp để lại hai thi tập “Bài ca sơn dương” (Yagi no uta) và “Bài ca ngày tháng cũ” (Arishihi no uta).


  • A. VÔZNHÊXENXKI

  • LTS: Ngày 18-2-1987, phiên họp của Ban thư ký Hội nhà văn Liên Xô đã hủy bỏ quyết định năm 1958 khai trừ nhà thơ, nhà văn Xô-viết Bôrít Pasternak ra khỏi Hội nhà văn.

  • Liana Margescu sinh ngày 7/5/1969 tại Campulung Muscel, ở Romania trong một thị trấn nhỏ miền núi. Vì là đứa con duy nhất nên người cha còn hơn là hình tượng một người cha đã đóng một vai trò thiết yếu trong sự trưởng thành của con gái. Một người cha dạy những giá trị đích thực của đời sống, như là tình bằng hữu, tự do, sự thật, ngay cả khi Romania nằm dưới sự kiểm soát của chế độ chuyên chế Ceausescu. Tác giả đã nhận được giải thưởng ở Italia.

  • Jaroslav Seifert - Frana Sramek - Miroslav Kapek - Michal Cernik

  • Gwendolyn Elizabeth Brooks (1917 - 2000), là nhà thơ Hoa Kỳ gốc châu Phi. Bà từng có thơ đăng tạp chí từ năm 13 tuổi. Năm 1950 bà được giải Pulitzer về thơ, và như thế là người da đen đầu tiên ở Hoa Kỳ có vinh dự này.

  • JEZIBELl - RM.SHANMUGAM CHETTIAR