OCTAVIO PAZ
(Nobel Văn Chương 1990)
Nhà thơ Mexico Octavio Paz
Tố Tâm
Thế giới kết bằng dục Avec ce seul objet dont
cũng bằng dục được giải kết le Néant s’honore
- Kinh Mật tông Tantra Hevajra Với mục tiêu duy nhất này
mà chân không tự vinh
- Mallarmé
gây nhân
tung hạt
gieo mầm
ngủ yên
lời ở ngay trên đầu ngọn lưỡi
không hề nghe không thể nghe
so le
phì nhiêu son sẻ
không có tuổi
người đàn bà bị chôn đôi mắt mở to
ngây thơ lang chạ
lời
không tên không nói
Leo lên và leo xuống
Những thang hầm mỏ:
Ngôn ngữ bỏ hoang.
Một ngọn đèn bập bùng
Dưới lớp da tranh tối tranh sáng.
Một kẻ sống sót
Giữa hoang mang lặng câm,
Nó vươn
Trên một cánh đồng.
Nhạt nhoà
Trong lùm ánh sáng:
Nơi trú ẩn
Của những thực tế sa đoạ.
Ngủ vùi
Hoặc tiêu ma,
Ngất ngưởng trên trụ
(Đầu trên ngọn dáo)
Một bông hướng dương
Nay ánh sáng cháy tàn
Trong bình
Bóng tối.
Trong lòng một bàn tay
Giả tạo,
Bông hoa
Không ai thấy không ai nghĩ:
Nghe được,
Xuất hiện
Bình vàng
Phụ âm và nguyên âm,
Tất cả đều cháy.
trên vách bóng ngọn lửa ánh lửa vây quanh là bầy sư tử
trong lửa bóng anh và em sư tử cái trong vòng xiếc lửa
ngọn lửa cởi và cột em linh hồn giữa cảm xúc
Bánh mì Bình thánh Than hồng quả kết do loé sáng
Cô nường giác quan mở bung
em cười – trần truồng trong đêm nam châm
trong vườn ánh lửa
Thương khó của than đá từ bi
Một mạch đập, một trào dâng nằn nì,
Của những vần ướt át,
Không thốt một lời
Trán tôi âm u:
Một dự cảm về ngôn ngữ.
Kiên nhẫn, kiên nhẫn nào
(Livingstone trong hạn hán)
Sông dâng một chút
Sông tôi đỏ và thiêu đốt
Giữa những đụn cát bừng bừng:
Những vương quốc Castile bằng cát,
Những quân bài đổ nát
Và linh tự (nước với than)
Trên lồng ngực Mêxicô suy tàn.
Tôi là bụi của đất ấy.
Con sâu máu,
Con sông của bao lịch sử
Làm bằng máu
Con sông cạn khô:
Đầu nguồn
Tắc nghẽn
Vì âm mưu không tên
Của xương xảu
Vì đá tảng lầm lì của bao thế kỉ
Và bao phút giây:
Là một sự thục tội,
Giải oan
Cho kẻ không lên tiếng,
Nằm trong mồ
Bị ám sát
Mỗi ngày,
Vô vàn kẻ chết.
Nói lên
Trong khi những người khác làm việc
Là trau chuốt xương xảu,
Là mài sắc
Im lặng
Thành suốt trong,
Thành nhấp nhô,
Sóng bạc đầu
Thành nước:
Những dòng sông thân em dòng sông những thân thể
miền nhịp đập tinh tú trùng cỏ rắn rết
vào em lũ cuốn chất thần sa mộng du
miền mắt nhắm trào dâng tộc hệ
nước không suy tư trò chơi ú tim si lượn
vào tôi chủ và khách hèn hạ và tha cho
nhập vào thân em sông những mặt trời
miền gương không ngủ “lũ thú cao da sáng loáng”
miền nước tỉnh thức sông tinh dịch những cõi thế vần xoay
trong đêm triền miên con mắt ngắm nó là một dòng sông khác
lúc ngắm là tôi ngắm tôi cái tôi nhìn là sáng tạo của tôi
như để nhập bằng mắt tôi tri giác là thai nghén
vào con mắt rất trong pha lê nước của suy tư
cái tôi ngắm lại ngắm tôi tôi là sự sáng tạo ra cái tôi ngắm
hình ba góc cánh tay ham muốn nước của sự thật
trong chiếc giường tít quay sự thật của nước
Tất cả chỉ còn suốt trong
Sa mạc cháy
Từ màu vàng sang màu xác thịt:
Đất là ngôn ngữ bị hoả thiêu.
Có những xương sống vô hình, có
những gai trong mắt
Ba con kên kên no nê
Trên một bức vách hồng.
Không thân không mặt không hồn
Nó ở khắp nơi,
Nghiền nát tất cả chúng ta:
Mặt trời này thì bất công.
Giận dữ là chất khoáng.
Mầu sắc
Thì bướng bỉnh.
Chân trời bướng bỉnh.
Trống dồn trống dồn trống dồn.
Trời làm đen kịt
Như trang giấy này.
Lũ quạ tan tác.
Sắp có hung dữ tím ngắt.
Cát dâng mây vần vũ
Những đám tro đen tối.
Bầy cây bị xiềng xích tru tréo.
Trống dồn trống dồn trống dồn
Trời kia ta nện ngươi
Đất kia ta nện ngươi
Trời mở đất khép
Sáo và trống chớp và sấm
Ta mở ngươi ta nện ngươi
Ngươi mở đất
Miệng ngươi đầy nước
Thân ngươi phun vọt trời
Đất chấn động
Bụng ngươi rung chuyển
Hạt giống ngươi nổ tung
Lời hoá tươi xanh
cởi ra xòe bung nhấp nhô cằn khô
vươn cứng thẳng hóa thành Ngẫu tượng giữa vòng tay cát
trần truồng như tâm hồn tỏa sáng nhân lên từ chồi
trong phản hồi của dục vọng tái sinh lẩn trốn tự truy
quay đều quay đều cái nhìn của tư tưởng chim ưng
quanh ý nghĩ đen dê trong kẽ đá
mớ lông kết nối nơi trần truồng
nơi người nữ trần truồng khoái ảnh một nhịp đập thời gian
đom đóm quấn quít hiện thể thực hư tĩnh động
bất động dưới mặt trời bất động đồng cỏ cháy
mầu đất mầu trời trên cát
bóng tôi cỏ mọc trên nơi kết nối
tay tôi mưa rơi chim làm u tối
trên ngực em xanh tươi linh thiêng
người nữ vươn mình tạo nên theo hình thế giới
Thế giới cạp bịn những hình em
Từ vàng ra đỏ ra xanh,
Một cuộc hành hương về hiển minh
Lời ngóng về lam
Cuốn lốc.
Chiếc vòng say sưa quay đều.
Năm giác quan quay đều
Quanh hạt thạch anh tím
Hướng tâm.
Lung linh:
Tôi không nghĩ, tôi thấy,
- Không phải cái tôi thấy,
Mà những phản ánh suy tư tôi thấy
Những trầm ngưng của âm nhạc,
Con số kết tinh.
Quần đảo kí hiệu.
Mờ trong
Miệng của chân lí,
Hiển minh xóa trong một vần,
Mờ đục như là im lặng
Tôi không nghĩ, tôi thấy
- Không phải cái tôi nghĩ,
Diện mục trống, không trí nhớ,
Vẻ huy hoàng của chân không.
Tôi mất bóng tôi,
Tôi di động
Qua những cánh rừng mơ hồ
Những điêu khắc vi vút của gió,
Những vật khôn cùng,
Những lối thoăn thoắt,
Tôi di động,
Bước chân tôi
Nhạt nhòa
Trong một không gian tỏa hơi
Trong những suy tư tôi không nghĩ tới.
Bước chân tôi
Nhạt nhòa
Trong một không gian tỏa hơi
Trong những suy tư tôi không nghĩ tới.
em rơi từ thân xuống bóng không phải ở kia nhưng trong mắt tôi
trong sự bất động của thác nước rơi trời với đất giao hội
em rơi từ bóng xuống tên chân trời không đụng tới
em trút qua nhiều chân dung tôi là em xa vời
em rơi từ tên xuống thân điểm nút nhìn thấy
trong một hiện tại không ngừng hư cấu của cát
em rơi về ban sơ những ngụ ngôn rắc tung của gió
tràn trề thân tôi tôi là bia đá những xói mòn của em
em chia tôi như từ loại thần không gian chia tư
chia tôi ra trong phân thân em án thờ tư tưởng và dao
bụng hí trường của máu trục của những chí tuyến
dây thường xuân chùm gửi hỏa hồng lưỡi mát vòm trời là âm và dương
động đất mông em chứng cứ của trứng dái mặt trời
mưa gót em trên lưng tôi tư tưởng dương vật lời tử cung
con mắt beo đốm trong lùm lông mi không gian là thân kí hiệu tư tưởng
cái khe sắc thịt trong bụi mâm xôi luôn luôn hai vầng yêu đương
cặp môi đen của nữ vu Thai đố
em phân thân mỗi phần đều tròn vẹn xoáy trôn ốc trút lốt
những thân thể trong khoảng khắc là thân em thời gian thế giới là thân thể
tư tưởng mơ là hóa thân sờ thấy là tan biến
nhìn em bằng tai Chân trời âm nhạc vươn dài
ngửi em bằng mắt Cầu bắc từ sắc sang mùi
mơn trớn em bằng mũi Hương trần truồng trong đôi bàn tay gió
nghe em bằng lưỡi Nhã ca tư vị
ăn em bằng mân mê Yến tiệc sương mờ
để ngụ em trong tên em Để giảm nhân số thân em
để rơi cùng em trong tiếng em la Căn nhà của gió
Hư tính của vật coi ngắm
Ban thật tính cho việc ngắm coi
Của thế giới của thân thể của tinh thần
Cái khe Sự huy hoàng
Không
Trong cơn lốc những tiêu biến
Cơn lốc những biểu hiện
Có
Cây danh sắc
Không
Là một lời
Có
Là một lời
Chúng là không hư
Chúng là
Con bọ này
Rập rờn giữa các hàng
Của trang giấy
Chưa hết
Chưa thể hết
Tư tưởng
Rập rờn
Giữa những lời này
Chúng là
Bước chân em trong căn buồng kế
Lũ chim quay về
Cây vông nem che chở chúng ta
Che chở chúng
Cành cây làm sấm yên
Làm chớp tắt
Trong tàn lá cơn hạn hán uống nước
Chúng là
Đêm này
(Nhạc này)
Ngắm nó trôi
Giữa ngực em
Rơi xuống bụng em
Trắng và đen
Đêm xuân
Bông nhài và cánh quạ
Trống tabla và đàn sitar
Không và có
Cùng chung
Hai vần yêu đương
Nếu thế giới là thực
Lời là hư
Nếu thực là lời
Thế giới
Là khe huy hoàng cơn lốc
Không
Tiêu biến và hiển hiện
Có
Cây danh sắc
Thực hư
Lời chúng có
Gió chúng hư
Tiếng nói
Không hư
Ban thực tại cho im lặng
Tĩnh tại
Là dệt đan ngôn ngữ
Im lặng
Dấu ấn
Lung linh
Trên trán
Trên môi
Trước khi tỏa hơi
Hiển hiện và tiêu biến
Thực tại và bao cuộc tái sinh
Im lặng ngụ trong tiếng nói.
Tinh thần
Là một phát minh của thân thể
Thân thể
Là một phát minh của thế giới
Thế giới
Là một phát minh của tinh thần
Không Có
Hư tính của vật coi ngắm
Tất cả chỉ còn suốt trong
Bước chân em trong căn buồng kế
Sấm xanh tươi
Đỏ chín
Trong tàn lá trời
Em trần truồng
Như một vần
Như ngọn lửa
Một hòn đảo bừng bừng
Thương khó của than từ bi
Thế giới
Cạp bịn hình em
Đắm đuối trong nhạc
Thân em
Rưới trên thân tôi
Thấy rồi
Tan rồi
Ban thực tính cho việc ngắm coi.
Ấn Độ, Delhi, 23. VIII - 25.IX, 1966
(SH284/10-12)
------------------------
Chú thích của tác giả Octavio Paz
Tố tâm (Blanco) = trắng; bạch; trống; không gian không dấu; chân không; không hư; cõi vô; tố tâm đích điểm giữa mục tiêu.
Bài thơ "Tố tâm" được đọc như một chuỗi kí hiệu trên một trang duy nhất. Trang giấy trải theo chiều dọc: không gian cùng lúc mở ra khiến xuất hiện và, hiểu theo một nghĩa, đồng thời sáng tạo văn bản. Phần nào giống như cuộc lữ bất di động mở phơi một tranh cuốn Mật tông gồm hình ảnh và biểu tượng: khi chúng ta mở nó ra, thì một nghi lễ mở ra trước mắt ta, một cuộc rước lễ hay hành hương đến -- đâu? Không gian luân lưu, nẩy sinh một văn bản, biến tan nó -- nó trôi qua như thể là thời gian. Sự sắp xếp cái trật tự thời gian này là dạng mà diễn tiến bài thơ khoác lấy: diễn trình bài thơ tương ứng với diễn trình không gian: những phần biệt lập họp thành bài thơ được phân bố như tiết đoạn, sắc màu, tượng trưng, và đồ hình của một bức mạnđàla... Cách in và khuôn khổ của ấn bản gốc bài thơ "Tố tâm" nhằm nhấn mạnh không phải sự hiện diện của văn bản mà là không gian chủ trì của nó: cái làm cho việc viết và đọc có được; cái trong đó mọi việc viết và đọc kết liễu.
Tố tâm là một tổ thành cung ứng khả năng có nhiều cách đọc biến thiên:
a - Đọc toàn thể, như một văn bản duy nhất;
b - Cột giữa, tách khỏi cột trái và cột phải, là một bài thơ mà chủ đề là sự thông qua của lời từ im lặng đến im lặng, trải 4 giai đoạn: vàng, đỏ, lục, và xanh;
c - Cột trái là một bài thơ chia làm bốn thời, tương ứng với bốn nguyên tố truyền thống (tứ đại: đất, nước, gió, lửa);
d - Cột phải là một bài thơ khác, đối đãi với cột trái, và gồm bốn biến thiên về xúc cảm, tri giác, tưởng tượng, và thông hiểu.
e - Mỗi phần trong 4 phần do 2 cột hình thành có thể không biết đến sự phân chia, và đọc, như một văn bản duy nhất - 4 bài thơ độc lập.
f - Cột giữa có thể đọc như 6 bài thơ biệt lập; cột trái và phải như 8 bài.
Lê Ý Đức dịch
Đăng tải lần đầu trên tạp chí Trăm Con số 7 tháng 12 - 1992 (Toronto, Canada), trang 54 - 62.
JEZIBELl - RM.SHANMUGAM CHETTIAR
L.T.S: Cùng với Blok, Mai-a-cốp-xki, Ê-xê-nhin, Pa-xter-nak... Ma-ri-na Xvê-ta-ê-va (Marina Tsvetaeva 1892 - 1941) là một trong những nhà thơ Nga - Xô Viết lớn nhất của thế kỷ XX. Đường đời của bà là con đường đầy gian truân của một trí thức phải khắc phục nhiều lầm lỗi để đến với chân lý cách mạng. Một trái tim nồng cháy tình yêu Tổ quốc, dân tộc, nhưng Xvê-ta-ê-va mất gần 20 năm sau Cách mạng Tháng Mười sống lưu vong ở nước ngoài và trở về đất nước không được bao lâu thì mất.
Eduardas Megielaitis sinh năm 1919 (đã mất 6/6/1997), Chủ tịch Hội Nhà văn Litva (Liên Xô cũ) từ năm 1959, có tác phẩm được in từ 1934. Anh hùng lao động Liên Xô, Giải thưởng Lê-nin về văn học (năm 1961).
Lép Ôsanhi - Vlađimia Xôkôlôp
LGT: Charles Simic sinh năm 1938 tại Belgrade, Nam Tư. Năm 16 tuổi ông cùng với mẹ sang Mỹ sống với người cha ở New York City. Hiện ông là giáo sư khoa tiếng Anh ở trường Đại học New Hamsphire. Thơ Simic không dễ xếp loại. Một số bài thơ của ông có khuynh hướng siêu thực, siêu hình trong khi các bài khác là những chân dung hiện thực của bạo lực và tuyệt vọng.
Sam Hamill - Kevin Bowen - Martha Collins - Yusef Komunyakaa - Fred Marchant - Lady Borton - Nguyễn Bá Chung - Bruc Weil - Carolyn Forché - Larry Heinemann - George Evans
F.G. Lorca: Nhà thơ Tây Ban Nha, một trong những nhà thơ lớn của thế kỷ, một chiến sĩ chống phát xít đã bị kẻ thù ám hại năm 1938, khi ông vừa tròn 40 tuổi.
Bạn đọc chắc hãy còn nhớ vào tháng 2 năm 2011, Tạp chí Sông Hương đón nhận sự ghé thăm của đoàn Nhà văn Nga, trong đó có nhà thơ Terekhin Vadim.
FREDERICK TURNER
FREDERICK FEIRSTEIN
Jean Amrouche (1906-1962), người An-giê-ri, dạy học ở Tuy-ni-di, viết báo. Có nhiều thi phẩm in ra trước 1940. Chết trước khi An-giê-ri dành được độc lập, trong khi ông vẫn là một trong những người thành tâm và quyết liệt tìm giải pháp cho vấn đề thiết cốt này.
Từ nhiều thế kỷ nay, chúng ta đã quen với chuyện họa thơ Đường. Còn đây là một cuộc họa thơ bằng tiếng Tây Ban Nha. Và là một cuộc họa thơ độc đáo về Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
Trong một lần thăm Ang-co, tôi cùng đi với chị Khô Chan dra, một cựu sinh viên văn khoa Đại học Phnôm Pênh. Chị ở trong một gia đình trí thức công chức dưới thời Si-ha-nuc nên hầu hết những người thân đều bị Pôn Pốt sát hại.
L.T.S: Ma-xê-đoan (Nam Tư) là xứ sở thơ mộng của phong cảnh đẹp, của du lịch, hội hè và của thơ, là một cái nôi văn hoá cổ xưa của nhân loại, nằm trên bán đảo Ban-căng, có một cái gì gợi nên một số nét tương đồng với Huế.
L.T.S: “Mẹ và bom nơ-tơ-rôn” là trường ca của nhà thơ Liên Xô nổi tiếng E.Ép-tu-sen-cô. Trường ca được trao giải thưởng Nhà nước Liên Xô năm 1984. Xin trân trọng giới thiệu một đoạn trích từ trường ca.
Nhà thơ nữ Ana Blandiana (sinh năm 1942) hiện là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học hiện đại Ru-ma-ni.
Paul Henry là một trong những nhà thơ hàng đầu xứ Wales. Được cố thi sĩ Ursula Askham Fanthorpe diễn tả như “một nhà thơ của nhà thơ”, kết hợp “cảm xúc nhạc của những con chữ với sự tưởng tượng sáng tạo không ngừng nghỉ”, ông đến với thơ qua việc viết lời ca.
PI-MEN PAN-TREN-CƠNhững vật dụng của lính
LTS: Bruce Weigl nhà thơ Mỹ từng là cựu chiến binh tham chiến tại Quảng Trị những năm 1967-1968. Là người chứng kiến những sự thật kinh hoàng trong chiến tranh Việt Nam, ông tìm đến với thơ ca như một sự cứu rỗi linh hồn. Năm 1987, Bruce Weigl lần đầu tiên trở lại Việt Nam và “Tôi không bao giờ tưởng tượng được người Việt Nam lại tiếp đãi mình ân cần như thế”.
PABLO NERUDATrên đỉnh Machu Picchu(*)