PHAN THUẬN THẢO
“Di tình nhã điệu” là một văn bản Hán Nôm quý hiếm của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Tác giả và niên đại không được ghi chép trên tài liệu này nên chưa được xác định chính xác.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Sách gồm 52 trang, ghi chép phần giai điệu 43 bài bản âm nhạc của Ca Huế, trong đó, nhiều bài còn lưu truyền đến ngày nay và nhiều bài khác đã thất truyền. Đối với công tác phục hồi, bảo tồn các bài bản âm nhạc cổ truyền, đây là một tài liệu quý giá giúp làm sống lại các giai điệu cổ xưa có cách đây hàng trăm năm của nghệ thuật Ca Huế - thể loại âm nhạc thính phòng đặc sắc ở miền Trung Việt Nam.
Về thể thức, đây là một văn bản viết tay có kích cỡ 31cm x 22cm, nét chữ đều, đẹp, chân phương. Điều đáng quý là văn bản còn ở trong tình trạng tốt, không rách nát, chữ vẫn còn đọc rõ, cho nên nội dung các bài bản bên trong không bị khuyết thiếu. Đây là điều quan trọng bởi nó cung cấp các thông tin làm căn cứ để giải mã, phục hồi các giai điệu bài bản âm nhạc của ngày xưa.
Các bài bản âm nhạc trong “Di tình nhã điệu” được ghi theo 2 lối: thứ nhất là chỉ có phần giai điệu, thứ hai là ghi cả giai điệu và lời ca. Trong đó, lối ghi thứ nhất được sử dụng nhiều hơn. Dù niên đại không được ghi trên văn bản, nhưng căn cứ vào nội dung bên trong, chúng tôi suy đoán rằng tài liệu này có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Trong số 43 bài bản ghi trong sách này có đến 5 bài Lưu thủy. Là một bài bản phổ biến của Ca Huế, Lưu thủy có mặt ở hầu hết các cuộc trình diễn cũng như trong các văn bản. Các bài Lưu thủy được ghi chép trong sách “Di tình nhã điệu” gồm có:
- Lưu thủy khúc (gồm 3 phiên bản khác nhau)
- Lưu thủy giọng ngâm khách
- Lưu thủy giọng ngâm
- Lưu thủy đơn điệu
- Lưu thủy thượng cung
![]() |
Minh họa 1 |
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát bản Lưu thủy khúc được ghi ở các trang đầu của sách. Thực ra, ở đây có giai điệu của 3 phiên bản bài Lưu thủy dùng cho các trường hợp khác nhau. Những bài bản khác trong sách sẽ được giới thiệu trong những bài nghiên cứu tiếp theo.
1. Bài Lưu thủy thứ nhất
Trong phần minh họa 1 là giai điệu của bản Lưu thủy thứ nhất được ghi ở trang đầu tiên của quyển “Di tình nhã điệu”.
Giai điệu được ghi theo kiểu chữ nhạc cổ truyền, từng hàng dọc từ trên xuống dưới. từ phải qua trái. Nhịp của giai điệu được đánh dấu bằng một dấu chấm phía bên phải chữ nhạc, và chữ nhạc đó được ghi cách chữ nhạc tiếp theo một khoảng trống. Theo đó thì bài bản này có 16 nhịp. Dưới đây, chúng tôi xin chuyển biên bài bản này thành hệ thống solfege, lấy Hò tương đương với do 1.
Bài bản này có giai điệu đơn giản dựa trên thang 5 âm Hò - xự - xang - xê - cống, tương đương với Do - re - fa - sol - la. Đây là thang âm rất phổ biến trong nhạc
Huế nói riêng và nhạc Việt Nam nói chung.
So sánh với bản Lưu thủy hiện nay, giai điệu này vẫn được giữ nguyên, tất nhiên là chỉ giữ nguyên khung sườn giai điệu. Điều khác biệt là bài bản hiện nay có 32 nhịp, nghĩa là người ta đã chia đôi các khung nhịp của bài Lưu thủy ngày xưa (mỗi 1 nhịp được chia nhỏ thành 2 nhịp). Vì vậy, bài 16 nhịp đã trở thành bài 32 nhịp như chúng ta có hiện nay. Bên cạnh đó, người ta đã thêm thắt các nốt nhạc “hoa lá” khiến giai điệu bài Lưu thủy hiện nay trở nên mượt mà hơn. Như vậy, bản Lưu thủy thứ nhất gồm 16 nhịp tồn tại từ ít nhất 100 năm về trước đã được truyền thừa cho đến ngày nay với sự biến đổi ít nhiều về nhịp và giai điệu, nhưng không ảnh hưởng đến cấu trúc khung sườn của bài bản.
Ghi chú: Phần nhịp lấy đà ở đây là theo cách ghi nhạc của Tây phương, còn trong cách ghi nhạc truyền thống Việt Nam thì nó nằm trong khuôn nhịp thứ nhất của bài bản.
![]() |
Minh họa 2 |
2. Bài Lưu thủy thứ hai
Bài thứ hai có giai điệu căn bản giống với bài thứ nhất, song có nhiều chữ nhạc hơn và vì thế, tính giai điệu cao hơn. Thêm vào đó, bài này bắt đầu bằng chữ Hò, chúng tôi suy đoán rằng đây là dấu hiệu cho thấy bài bản này dành cho nhạc cụ.
Với cách ghi nhịp thống nhất trong toàn quyển sách, tức mỗi nhịp được đánh dấu bằng một dấu chấm bên cạnh nốt nhạc, bài bản này có 18 nhịp tương đương với 18 dấu chấm nhịp trong bài (xem minh họa 2), nhiều hơn 2 nhịp so với bản thứ nhất.
Xin xem bản chuyển biên dưới đây:
So sánh giai điệu bài này với bài thứ nhất, có thể thấy chúng có cùng giai điệu như nhau, và bài thứ hai có nhiều hơn 2 nhịp là do người xưa đã viết thừa 2 dấu chấm nhịp được chúng tôi khoanh tròn trong minh họa 2. Sự nhầm lẫn đó khiến một bài bản từ 16 nhịp trở thành 18 nhịp. Nếu không có 2 dấu chấm nhịp này thì bài thứ hai sẽ giống hoàn toàn với bài thứ nhất, chỉ khác là nhiều chữ nhạc hơn mà thôi.
![]() |
Ghi chú: chữ hò (do) đầu tiên có thể nằm trong khuôn nhịp lấy đà |
Để bổ sung chứng cứ, chúng tôi so sánh các bản Lưu thủy trong các tài liệu được cho là cùng thời với “Di tình nhã điệu” mà chúng tôi sưu tầm được. Chúng đều có 16 nhịp. Mãi cho đến năm 1919, khi cụ Hoàng Yến xuất bản bài viết “Âm nhạc Huế - đờn nguyệt và đờn tranh” in trong BAVH, bản Lưu thủy đã trở thành 32 nhịp. Kể từ đó, bản Lưu thủy 32 nhịp được lưu truyền cho đến nay.
Như vậy, bài Lưu thủy thứ hai có thể được chỉnh lại như sau:
![]() |
Minh họa 3 |
3. Bài Lưu thủy thứ ba
Bài thứ ba là bài dành cho đàn tranh, lý do là vì kỹ thuật Á đặc trưng của đàn tranh (là tay phải vuốt dây liên tục từ trên xuống hoặc từ dưới lên) xuất hiện ở đầu bài và cả ở trong phần giai điệu giữa bài. Thêm vào đó, giai điệu có nhiều nốt đôi quãng 8 thường hay bắt gặp trong kỹ thuật tay phải của đàn tranh. Hãy xem xét bài bản này trong văn bản bằng minh họa 3 dưới đây:
Ở đây, bài bản có 17 dấu chấm nhịp được ghi trong văn bản, tương đương với 17 nhịp. Bài bản này được chuyển biên như dưới đây:
So sánh bài này với bài thứ nhất có 16 nhịp và các bản Lưu thủy 16 nhịp khác, chúng ta thấy bản thứ ba này có vấn đề về nhịp và về giai điệu.
- Về nhịp, trong văn bản chữ Hán có 2 nhịp được chúng tôi khoanh tròn để lưu ý, đó là các nhịp thứ 3, thứ 6 của bài bản trong minh họa 3. So với giai điệu các bài 16 nhịp, đây là hai chấm nhịp ghi bị thừa, cần phải bỏ đi.
Nếu bỏ đi hai nhịp đó, bài bản chỉ còn 15 nhịp, thiếu mất một nhịp so với bài Lưu thủy thứ nhất. Nhịp thiếu đó nằm ở vị trí nào? Muốn xác định điều này, ta phải xét đến yếu tố giai điệu của bài bản.
- Về giai điệu, nếu không tính 2 chấm nhịp bị thừa thì chúng tôi nhận thấy có vấn đề từ nhịp thứ 10 đến nhịp thứ 11, lẽ ra ở đây phải có thêm một nhịp nữa thì khi bắt vào nhịp thứ 13 mới khớp với giai điệu của bài Lưu thủy. Như vậy, văn bản Hán Nôm bị thiếu mất một nhịp ở vị trí này. Tóm lại, phiên bản thứ ba này vừa thừa lại vừa thiếu nhịp so với bài Lưu thủy thứ nhất.
4. Vài lời nhận xét
Ba phiên bản của bài Lưu thủy trên đây thực chất chỉ là một bài, nhưng được dùng cho các nhạc cụ khác nhau, kể cả giọng hát. Có thể thấy rằng người xưa đã phân biệt rõ sự khác nhau trong diễn tấu bài bản này trên những nhạc cụ khác nhau. Đây là một lưu ý cần thiết cho thế hệ nhạc công trẻ, bởi ngày nay, chúng ta có xu hướng diễn tấu các nhạc cụ trên cùng một giai điệu, và giai điệu đó cũng trùng cả với giọng hát. Chúng ta cần chú ý đến điều này để giữ gìn sự tinh tế, nét đặc thù của từng nhạc cụ, dù mỗi thứ vang lên một giai điệu riêng, nhưng khi hòa tấu vẫn ăn khớp với nhau thành một tổng thể thống nhất. Đó là cái hay của nghệ thuật hòa tấu trong Ca Huế, cần phải được gìn giữ.
Tài liệu lịch sử âm nhạc, ở đây là các bản ghi nhạc cổ, có khi là không chính xác, chẳng hạn như trong ba phiên bản vừa nêu. Đó là sự nhầm lẫn về việc chấm thừa nhịp trong các bài thứ 2 và 3, cũng như sự ghi chép thiếu hẳn 1 nhịp trong bài thứ 3. Qua đây, chúng ta có thể rút ra bài học về phương pháp nghiên cứu là cần thận trọng với việc dựa vào một văn bản chữ nhạc cổ nào đó để phục hồi bài bản. Chúng ta cần đối chiếu, so sánh nhiều văn bản với nhau nhằm nâng cao tính chính xác của cứ liệu lịch sử, phục vụ cho công tác nghiên cứu, phục hồi các bài bản cổ.
![]() |
Bài Lưu thủy hiện nay (in trong sách Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2012). |
Cần lưu ý đến sự biến đổi về nhịp của bài Lưu thủy từ cách đây khoảng 100 năm và phiên bản hiện nay. Từ bản 16 nhịp, bài Lưu thủy đã biến đổi thành 32 nhịp. Điều này cho thấy các nghệ sĩ Ca Huế các thế hệ trước đã có tư duy thay đổi nhịp của bài bản. Phải chăng đây là manh nha của việc mở rộng lòng bản âm nhạc cổ truyền và hiện tượng này đã được phát triển mạnh mẽ trong nhạc Tài tử Nam bộ? Đây chỉ là câu hỏi đặt ra để cùng quan tâm, chúng ta cần tìm thêm chứng cứ để khẳng định, chứng minh trong những công trình nghiên cứu tiếp theo.
Việc khảo sát bản Lưu thủy khúc trong quyển “Di tình nhã điệu” đã gợi mở nhiều vấn đề liên quan đến nhận thức về cả mặt lý thuyết và thực hành di sản âm nhạc Ca Huế. Nó đóng góp phần nào vào công tác nghiên cứu, bảo tồn loại hình âm nhạc di sản độc đáo này của cố đô Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
P.T.T
(TCSH381/11-2020)
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Trung Phán, Nguyễn Trung Nghệ (1928), Sách dạy hát tiếng Nam, Nhà in Tiếng Dân, Huế.
2. Nguyễn Đình Sáng, Nguyễn Thị Kim Liên (2012), Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
3. Hoàng Yến (1919), Âm nhạc Huế: đờn nguyệt và đờn tranh, Những người bạn cố đô Huế, bản dịch của Đặng Như Tùng, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998, tr.83 - 237.
DƯƠNG BÍCH HÀ
Âm nhạc dân gian (ÂNDG) xứ Huế (chúng tôi muốn mở rộng không gian địa lý của nó bao gồm một số huyện từ phía Nam Quảng Trị trở vào) là một thành phần của văn hóa dân gian Huế, nhưng cũng là một bộ phận của âm nhạc truyền thống dân tộc.
TRƯƠNG TRỌNG BÌNH
Nằm trong hệ thống Tiểu nhạc, mỗi bài trong “Mười bản ngự” đều có thể diễn tấu một cách độc lập nhưng khi liên kết và trình tấu liên tục “Mười bản ngự” trở thành một hệ thống bài bản liên hoàn thống nhất tựa như một bài bản lớn.
PHAN THUẬN THẢO
Ca Huế là thể loại âm nhạc thính phòng dành cho giới danh gia vọng tộc, tao nhân mặc khách của Huế xưa. Thời điểm ra đời của Ca Huế không được ghi trong sử sách, song nhiều học giả đã dựa trên một số chứng cứ văn hóa - xã hội để đoán định rằng nó bắt đầu hình thành dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725).
PHAN THUẬN THẢO
Trong nhạc mục của Ca Huế hiện nay có một bài bản chính thống nhưng không mấy phổ biến, đó là bài Lộng điệp.
TÔN THẤT BÌNH
Nước Trung Quốc, về thời cổ "Vua Hán Vũ Đế (140 - 86 tr. Tây lịch) định lễ Giao tự để tế tiên địa tôn miếu và bách thần, mới đặt ra nhạc phủ.
DƯƠNG BÍCH HÀ
Xứ Huế là mảnh đất của thơ ca, là không gian của nhạc. Đặc điểm của Huế là sự dung hợp tự nhiên giữa dân dã với đô thị, cung đình; là ranh giới khó phân định giữa bác học với dân gian, giữa ngoại ô và nội thị...
TRẦN HỮU PHÁP
Những nhạc sĩ sáng tác chúng tôi mỗi khi gặp nhau thường nói vui có lẽ chúng ta phải chuyển ngành, bởi vì những tác phẩm chúng ta tạo ra từ trái tim của mình cứ phải nằm trong ngăn kéo qua năm tháng.
PHAN THUẬN THẢO
Các khái niệm trống và mái là một biểu tượng của cặp phạm trù âm - dương đã được sử dụng trong âm nhạc truyền thống Huế. Cũng như cặp phạm trù âm - dương, trống và mái thể hiện hai mặt đực và cái, sáng và tối, cương và nhu… đối lập.
NGUYỄN CÔNG TÍCH
Được sự đồng ý về mặt chủ trương của Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Trại sáng tác Âm nhạc “Huế xưa và nay”, diễn ra từ ngày 08 đến 29/9/2018 với sự tham gia của 16 nhạc sĩ tên tuổi trong cả nước.
PHAN THUẬN THẢO
Quạnh quẽ màn loan, tay ôm đàn tình tang tích tịch
Cung réo rắt đau lòng riêng càng thêm chạnh, vì ai thêm bận
Ngồi trông bạn, kìa đâu bạn, mờ mịt trời mây én nhạn lìa đôi
Tình đau thương tình ôi…
VĨNH PHÚC
Dưới thời Khải Định (1916 - 1925), năm 1919 nhà vua cho lập một dàn nhạc kèn hơi theo kiểu Pháp để làm công tác đối ngoại, phục vụ cho các nghi lễ do triều đình tổ chức như các buổi đón khách, tiếp sứ…
Có tiếng trong giới mộ điệu âm nhạc từ thập niên 1990, song đến bây giờ nhạc sĩ (NS) Nguyễn Việt Hoàng mới đóng góp cho quê hương nhạc phẩm “Ai về cầu ngói Thanh Toàn” nhân Festival Huế 2018.
Trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 4/3 sau khi đến Huế, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã đến thăm Đại Nội và xem biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế tại Nhà hát Duyệt Thị Đường.
PHAN THUẬN THẢO
Bước sang thế kỷ XX, tình hình văn hóa xã hội của nước ta có nhiều biến chuyển theo những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây sau nhiều thập kỷ chịu sự đô hộ của Pháp.
TRỌNG BÌNH
Những vũ khúc cung đình Huế luôn mang đậm tính triết lý và thẩm mỹ phương Đông. Ở đó, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng biệt.
Nhạc: NGUYỄN TRUNG DŨNG
Thơ: LÊ BÁ NGỮ
TÔN THẤT BÌNH
Ba Vũ là đoàn múa cung đình độc nhất còn lại ở Huế đến ngày nay. Đây là một đoàn có nguồn gốc lịch sử lâu đời; có nghệ thuật trình diễn độc đáo.
Nhạc: THANH SỬ
Thơ: TRẦN THỊ TỐ NGA
Nhạc: ĐỨC TÙNG
Thơ: HẠO NHIÊN