LTS: 30 năm đã tạo nên vóc dáng một Tạp chí Sông Hương bản lĩnh như ngày hôm nay. Từ lúc mới ra đời Sông Hương đã nhận được sự cộng tác nhiệt tâm của nhiều cây bút tài hoa trên mọi miền đất nước, góp phần đưa tạp chí vượt thoát biên giới địa phương đi vào thế giới văn chương Việt đầy sôi động. Dưới đây là những tâm tình của một số cộng tác viên từng gắn bó với Sông Hương.
Lê Vũ Trường Giang: Anh (chị) có thể cho biết những cảm nhận về Tạp chí Sông Hương và những gì Sông Hương đã gửi đến bạn đọc trong thời gian qua?
![]() |
Nhà văn Dạ Ngân: Tôi ít được cầm tờ Sông Hương bằng giấy in trên tay mà hay đọc tạp chí trên Internet. Cũng không phải tờ tạp chí nào mình cũng có thời gian ghé mắt nhưng Sông Hương online là một trong những địa chỉ tôi yêu thích. Gặp ở đó những cố gắng công dân để tờ tạp chí không chỉ chuyên về văn nghệ. Ví như lúc nào cũng có góc dành cho biển đảo. Và cũng để gặp ở đó những sáng tác của những tác giả mà mình muốn biết và đọc của họ.
Nói chung, các bạn không “co đầu rụt cổ” với những vấn đề bức bối của xã hội, không nguội lạnh hay cao đàm khoát luận, đặc biệt phần dành cho sáng tác văn học có chọn lọc, khá chuẩn.
![]() |
Nhà thơ Văn Cát Tiên: Nỗ lực của Tạp chí là sự nỗ lực tự thân và chính Sông Hương là ấn phẩm có chất lượng tiên phong, ủng hộ cái mới, cái đẹp trong tình hình văn học hiện nay. Cả khu vực miền Trung chỉ có Sông Hương là nơi văn học đúng nghĩa, mạnh dạn chuyển tới độc giả những bài viết có nội dung sâu sắc, mới mẻ. Ấn phẩm Sông Hương thể hiện rõ quan điểm Chân - Thiện - Mỹ độc đáo, bản sắc.
![]() |
Nhà thơ Ngọc Tuyết: Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, người ta càng ngày càng ý thức được giá trị của văn học. Văn chương không cởi mở chắc chắn không đủ khả năng giúp người viết vượt thoát những rào cản để tự hoàn thiện trên hành trình nghệ thuật. Trong ý nghĩa đó, văn chương được biểu hiện như một dạng hoạt động thực tiễn. “Sức mạnh văn chương”, “bản lĩnh văn chương” chính là nói đến sự tiềm ẩn nằm chìm trong đời sống với một cấu trúc có bề sâu.
Sự đồng thuận đó tôi đã nhìn thấy được nơi Sông Hương, với những chuyên đề gần đây như: Dấu ấn Hậu hiện đại, Thơ Tân Hình Thức, Văn chương Việt Nam đương đại… Với một diện mạo thiên biến và lối viết đa dạng, những chuyên đề đã góp phần đưa ra một hướng nhìn toàn cảnh và chuyên biệt hơn cho văn học Việt Nam. Sông Hương giúp cho bạn đọc hiểu và nhận định đúng những gì mà các văn nghệ sĩ đã chuyển tải trên con đường cầm bút lắm thử thách.
![]() |
Nhà văn Nguyễn Toàn: Có thể nói trong mấy năm gần đây Sông Hương đã gặt hái được những thành tựu xứng đáng với nỗ lực góp phần làm mới nền văn học nước nhà và giữ được bản sắc riêng của một tờ tạp chí văn học nghệ thuật Cố đô. Chất lượng các chuyên mục tương đối đồng đều và trong mỗi số đều có bài đáng đọc. Chưa thấy hiện tượng “đuối” giữa số này với số khác, điều không dễ duy trì ngay cả với những tạp chí chuyên ngành trung ương. Tôi rất yêu thích trang nghiên cứu, lý luận, phê bình với những gợi mở lý thú và thông tin bổ ích. Điều tưởng chừng đã cũ, việc tưởng đã an bài lại hóa mới mẻ dưới góc nhìn khác trong một số bài trên Sông Hương, tạo nên tính hấp dẫn của tạp chí.
![]() |
Nhà văn Uông Triều: Tôi cho rằng điều lớn nhất Sông Hương có được là Tạp chí đã vượt qua khuôn khổ địa phương của một tạp chí văn nghệ thông thường. Chất lượng bài vở cao, có được sự tin tưởng, cộng tác của các cây bút hàng đầu giới văn nghệ và nghiên cứu học thuật của cả nước. Cách tân và ủng hộ cách tân cũng là một điều đáng nói về Sông Hương, điều mà ngay cả một số tờ báo, tạp chí trung ương cũng không có được. Hình thức trình bày tạp chí đẹp, sang trọng, mỹ thuật cũng là một điểm nhấn. Những nỗ lực của Sông Hương trong thời gian qua mang tới diện mạo mới và chất lượng. Tôi nghĩ độc giả sẽ luôn dành tình yêu mến cho Sông Hương.
![]() |
Nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiểu: Sông Hương là tờ tạp chí địa phương. Những người phụ trách tờ báo có ý thức rất sớm là phải vượt thoát ra khỏi thân phận tỉnh lẻ, đã chiêu được về cho mình những cây bút “đại gia” của cả nước và hải ngoại làm cho chất lượng tờ tạp chí được nâng lên tầm quốc gia. Chất lượng là thước đo, là chuẩn để chọn bài đăng, nếu lơi là việc này tờ báo sẽ xuống cấp ngay. Ba mươi năm tồn tại và phát triển của Sông Hương là cả một sự nỗ lực tự thân. Hay và đẹp. Uy tín lại sinh ra uy tín, người ta ưa đọc Sông Hương là vì vậy.
Lê Vũ Trường Giang: Với Tạp chí Sông Hương và Huế, anh (chị) có những kỉ niệm nào đặc biệt?
Nhà văn Dạ Ngân: Chao ơi, những gì đã qua thì không bao giờ có lại được nữa. Huế và Sông Hương, đó luôn là những cái tên “hai trong một” trong ký ức tôi. Đặc biệt nhất với tôi có lẽ là những chuyến đi Huế khi Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thùy Mai… còn thanh xuân (với ý nghĩa tráng niên tinh thần của từ này). Huế thâm trầm sâu lắng nhưng cũng đã từng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ. Sau đó, khi tôi làm ở Ban Văn Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) thì khôi nguyên Trần Hạ Tháp trong Cuộc thi truyện ngắn 2000 - 2001 khiến cho Huế trong tôi gần thêm nhiều vì Huế đã có được một tác giả như thế. Và những truyện ngắn của cô bạn Trần Thùy Mai in liên tục trên Văn Nghệ những năm đó làm cho Huế nổi bật hơn, lấp lánh, rất đáng nể. Và với một tác giả khác nữa. Tôi còn nhớ hương vị của những buổi chiều nói chuyện điện thoại máy bàn đường dài với Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Trong tim tôi, vị Thầy ấy, đến giờ, vẫn được viết hoa.
Nhà thơ Văn Cát Tiên: Sông Hương và các bạn trẻ trong Ban Biên tập, cụ thể là nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc đã đồng hành cùng cá nhân tôi triển khai chương trình thiện nguyện nhỏ hỗ trợ nạn nhân da cam ở A Lưới một cách nhiệt huyết và công tâm là một cảm xúc khó phai nhạt. Tôi biết ơn sâu sắc những người bạn văn như Lê Vĩnh Thái, Lê Vũ Trường Giang, Lê Minh Phong… đã cùng tôi tham dự và triển khai chương trình thiện nguyện đến nơi chốn cần nhất. Đó chính là ấn tượng mà tôi ghi nhớ nhiều. Cảm ơn các bạn nhé.
Nhà thơ Ngọc Tuyết: Kỷ niệm thì tất nhiên gắn liền với ký ức. Những ký ức chung về người này, người kia, con đường này, con sông nọ. Thế nhưng kỷ niệm riêng của mỗi nơi, mỗi cảnh trong số ngần ấy người thì lại khác nhau, khác một cách khá triệt để! Tôi viết có cái chung và riêng. Bài thơ Sói, tôi viết cho riêng mình (hihi… vì tôi tuổi Tuất), viết trong một ý thức cũng như ý tưởng hoài nghi, tiêu cực với cuộc sống. Những dòng tư tưởng ấy tôi nghĩ rằng Sông Hương sẽ không đăng nhưng lại nhận được báo biếu tác giả. Tôi thật sự cảm động khi thấy những lời riêng của mình được chia sẻ đến bạn đọc, đó là bài thơ Sói của tôi.
Nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiểu: Năm 1995, ghé thăm Tạp chí Sông Hương, tôi rất cảm động khi gặp lại người bạn cố tri hồi anh còn sống và làm việc ngoài Nghệ An là nhà văn Hồng Nhu. Hai anh Quang Hà và Hồng Nhu mời tôi cộng tác. Và, thế là bài tiểu luận đầu tiên của tôi in Sông Hương là bài Ông tổ thơ Nôm xuất hiện. Đó là chuyên luận thi tốt nghiệp đại học. Từ đó đến nay dễ đã đến 18 năm với vài chục bài phê bình, tiểu luận của tôi đã được Sông Hương trân trọng đăng tải. Chính Sông Hương đã làm vẻ vang cho Thái Doãn Hiểu trong việc phổ biến tâm thuật của mình từ những bộ sách như Thi nhân Việt Nam Hiện đại, Giai thoại nhà văn...
Lê Vũ Trường Giang: Anh (chị) gửi gắm gì qua sự hưởng ứng, cổ súy của Sông Hương cho những tìm tòi, cách tân sáng tạo nghệ thuật trên hành trình hướng về CÁI ĐẸP.
Nhà văn Dạ Ngân: Nhân kỷ niệm ngày khai sinh tạp chí, tôi chỉ nhớ Sông Hương từng có thời hoàng kim, được nhiều nhà văn nhà thơ và bạn đọc xếp riêng cho một góc trên giá sách. Tôi chỉ mong các bạn có lại được vị thế xã hội của thời ấy, bởi dù gì đi nữa thì Tạp chí cũng là để cho bạn đọc tin yêu mình mà khi đã có điều đó, các bạn có in đều đều những thể nghiệm “khó nuốt”, người đọc vẫn cứ nhâm nhi được như thường.
Nhà thơ Văn Cát Tiên: Cái đẹp mà Sông Hương hướng đến có lẽ cần thiết nhất chính là dám đăng những bài viết thể hiện quan điểm đầy cá tính của các bạn viết trẻ. Điều này không đơn giản nhưng nó là sự cổ súy cái đẹp mà văn học cần nhất lúc này.
Nhà thơ Ngọc Tuyết: Trong cảnh văn học đương đại, thiếu và thừa tạo nên lỗ hổng, người viết dễ rơi vào khoảng rỗng. Hiện thực đang thách thức. Vì vậy tìm kiếm cái Đẹp, tạo ra cái Đẹp của người cầm bút như “nhu cầu cần nước của thực vật”. Đây là một thách thức lớn vì cái Đẹp phải mới hơn cái cũ, cái Đẹp được trau dồi trên nền cái cũ. Và tôi đã nhận thấy sự dấn thân táo bạo của Sông Hương. Tôi sẽ luôn đồng hành cùng Sông Hương và xin chúc Sông Hương ngày càng vững mạnh, để độc giả được đọc những sáng tác mới, những công trình nghiên cứu… và cái ĐẸP trong văn học.
Nhà văn Nguyễn Toàn: Cổ vũ phong cách mới, chú trọng học thuật hàn lâm là xu hướng chung của nhiều tạp chí văn nghệ uy tín hiện nay. Sông Hương đang có những nỗ lực bứt phá mạnh mẽ mang sắc thái riêng, tạo được hiệu ứng nhất định với bạn đọc. Kèm theo là bản sắc văn hóa Huế được chuyển tải đậm nét trên mỗi số tạp chí. Với người yêu Huế, muốn tìm hiểu về Huế, đó là nét độc đáo đáng quý vì vậy họ đã, đang và sẽ là lớp người đồng hành tin cậy, gắn bó lâu dài với tạp chí. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, dẫu biết vậy mà tôi vẫn còn chút băn khoăn. Từng trải 30 năm cay đắng ngọt bùi làm nên văn hiệu, Sông Hương giờ không còn khu biệt của riêng Huế nữa mà đã mang tầm vóc khác. Vì vậy việc quảng bá, nhân rộng đối tượng độc giả ở các vùng miền cũng hết sức cần thiết. Và nếu xem đây cũng là mục tiêu hướng tới, nên chăng cần có sự sắp xếp lại bài vở, chẳng hạn những bài viết về đất nước, con người, ẩm thực Huế nên đưa vào các số đặc biệt, những số thường chỉ xen kẽ để dành đất cho những bài mang tính phổ quát, đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc ở mọi miền đất nước. Như vậy, tinh thần, bản sắc Huế vẫn được nâng niu giữ gìn nhưng sức lan tỏa, cộng hưởng của tạp chí sẽ sâu rộng hơn, trên bình diện khác.
Nhà văn Uông Triều: Tôi mong rằng Sông Hương luôn giữ vững được những phẩm chất vốn có của mình và càng tiến xa thêm nữa. Là bà đỡ cho những cách tân táo bạo, mới mẻ. Nghệ thuật và cái đẹp là trên hết, không điều gì có thể lay chuyển được điều đó. Sông Hương luôn đón nhận sự tin cậy, mến yêu hiện tại và cả sau này nữa.
Nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiểu: Sông Hương là sân chơi tốt và thân thiết của mình, nên tôi sẽ dành cho Sông Hương những bài viết tốt nhất.
Mong rằng tạp chí hãy quan tâm gắn bó hơn đến đời sống của nhân dân. Đừng như các tờ báo quốc doanh khác thường yên phận thủ thường né tránh những vấn đề nhạy cảm của đất nước, nhân dân sống một đường, văn chương phô một nẻo. Hành trình về Cái Đẹp tốt nhất là hành trình về Cái chân - chân lý. Đó là tiêu chí đầu tiên của người làm nghệ thuật Chân - Thiện - Mỹ.
Lê Vũ Trường Giang: Xin cảm ơn các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học.
(SDB9/6-13)
NGÔ MINH
Chương trình kỷ niệm “30 năm Tạp chí Sông Hương” đã qua gần tháng rồi, mà trong tôi những xúc động vẫn không nguôi. Quả thực tôi chưa thấy cuộc “kỷ niệm” nào lại ám ảnh và ấn tượng đến vậy.
HƯƠNG BÌNH
30 năm Tạp chí Sông Hương ra số báo đầu tiên là dấu mốc hết sức quan trọng. 30 năm của những thành quả, những đổi thay và cả những kỷ niệm còn vương mùi mực cũ. Sông Hương đã nỗ lực hết mình, được sự trợ giúp, động viên của đông đảo bằng hữu mọi miền để làm nên một tuần lễ kỷ niệm với nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc diễn ra từ ngày 14/6 đến 22/6.
LTS: Trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương, Lễ Hội “Tri Ân Dòng Sông” đặc biệt có ý nghĩa bởi đây là lần đầu tiên, những người làm Tạp chí Sông Hương tổ chức lễ tri ân dòng sông mình đã mang tên.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
(Diễn văn của TBT Tạp chí Sông Hương trong Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập)
(Phát biểu của Đồng chí Ngô Hòa - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương)
* Số Đặc Biệt 9/6-2013:
Tạp chí Sông Hương & Bản lĩnh văn hóa - TÔ NHUẬN VỸ
Cùng chung sức, chung lòng chắp cánh cho Sông Hương
Sông Hương trên hành trình hướng về cái đẹp - Trường Giang thực hiện
Nhớ hoài chuyện phát hành - VÕ QUÊ
Kết bạn với Sông Hương - KHÁNH PHƯƠNG
Sông Hương nhớ, Sông Hương chờ - TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Sông Hương 30 năm, những dòng tâm cảm - ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG
Cảm nhận về Sông Hương - Lê Hưng VKD
Những chuyên đề về Huế trên Sông Hương - TRẦN NGUYÊN
Những chương trình nhân văn - VỸ GIẠ
Sông Hương và tên gọi Tạp chí Sông Hương - GIA HỘI
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Tháng 6/1983, Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, mang tên dòng sông duyên dáng thả mình bên thành phố Huế thân yêu. Đó là niềm phấn khởi của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ ở Bình Trị Thiên nói riêng và cả nước nói chung.
KHÁNH PHƯƠNG
Huế là nơi tôi thường tự hỏi, “tại sao tôi không sống ở nơi đây?”. Sông Hương là nơi tôi thường tự hỏi, “tại sao tôi không làm điều gì đó cho nơi này?”.
GIA HỘI
Đầu năm 1983, lãnh đạo tỉnh và Hội VHNT Bình Trị Thiên xác định nên có một tờ tạp chí văn nghệ. Theo nhà văn Hà Khánh Linh, từ tháng 2/1983, nhiều cuộc họp bàn chuẩn bị ra mắt số tạp chí văn học nghệ thuật được tổ chức.
VÕ QUÊ
Tin tạp chí văn nghệ tỉnh nhà được mang tên mới: Sông Hương là một nguồn vui lớn không chỉ trong giới văn nghệ sĩ chúng tôi, mà còn sớm lan tỏa trong mọi tầng lớp dân chúng của quê nhà yêu dấu trong thời điểm ấy (6/1983).
(Lê Minh Phong phỏng vấn các nhà lý luận, phê bình)
LTS: Góp phần để Sông Hương có “văn hiệu” trên diễn đàn văn học nghệ thuật cả nước cũng như đến với độc giả mọi miền phải kể đến vai trò của những nhà văn nhà thơ đại diện cho tạp chí. Chúng tôi xin được trích đăng một vài cảm nhận của họ nhân dịp kỷ niệm 30 năm Sông Hương ra số báo đầu tiên.
TRẦN NGUYÊN
Hòa nhập với làng văn nước nhà, Sông Hương còn phải chở nặng phù sa văn hóa của chính nơi mình sinh ra. Mấy năm trở lại đây, Sông Hương tạo được ảnh hưởng trong giới độc giả với nhiều chuyên đề văn học mang tính chất khai mở, dám nói và làm những hiện tượng, trào lưu văn học còn ngại ngần.
VỸ GIẠ
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng tạp chí, từ tháng 8 năm 2008, Sông Hương xúc tiến bốn chương trình nhân văn với phương thức xã hội hóa hoàn toàn. Các chương trình ấy vừa thể hiện tình cảm nhân ái, vừa thể hiện mong ước được đóng góp cho văn hóa Huế của giới văn nghệ sĩ - trí thức quê nhà.
ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG
Mới đó mà đã 30 năm rồi. Với tôi, Sông Hương luôn là một kỷ niệm và là một hành trình đẹp. Sông Hương 30 năm thì tôi có hơn 2/3 quãng thời gian ấy là… người nhà của Sông Hương.
Kính gửi BBT Tạp chí Sông Hương!
Gia đình tôi (7 thành viên đều là giáo chức) không phải cư dân Huế, nhưng mỗi người trong chúng tôi đều đã là một độc giả trong số những chuyên mục thường xuyên của tạp chí Sông Hương từ nhiều năm nay.
PHẠM PHÚ PHONG
(Nhìn lướt qua các tuyển tập kỷ niệm 30 năm Tạp chí Sông Hương)
Cũng như người, sông có đời sông. Nhưng người có tuổi, còn sông không có tuổi. Không ai biết dòng sông chảy qua kinh thành gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử một vùng đất có từ bao giờ? Nhưng cách đây ba mươi năm đã ra đời một cuộc sống khác, một dòng chảy khác, tồn tại song song với nó, góp phần khẳng định và phát huy đời sống tinh thần của con người xứ Huế, đó là Tạp chí Sông Hương.
DƯƠNG PHƯỚC THU
Chiều thứ bảy, ngày 12 tháng 6 năm 1983, Tạp chí sáng tác phê bình nghiên cứu văn học nghệ thuật văn hóa của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên ra số đầu tiên, lấy tên Sông Hương. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập, nhà văn Nguyễn Khắc Phê là Phó, Ban Biên tập gồm có các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, họa sĩ tên tuổi như: Lương An, Bửu Chỉ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Minh Hằng, Xuân Hoàng, Hà Khánh Linh, Lê Thị Mây, Trần Hữu Pháp, Võ Quê, Thái Ngọc San, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Xuân Việt, Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Đắc Xuân.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Trong tủ sách của tôi, sau bao dâu biển, còn lại một cuốn Sông Hương hai mươi mấy năm trước, trong đó có thư trả lời độc giả của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, hình như là Tổng Biên tập.
Thực tiễn sáng tạo nghệ thuật luôn luôn biến đổi cùng với sự thức nhận tri thức khách quan và tâm thức sáng tạo của người nghệ sĩ. Sáng tạo là tìm ra cái mới, cái mới nằm trong nhận thức, trong quan niệm, trong cách chúng ta nhìn vào sự vật và nhìn vào chính mình.