Những chương trình nhân văn

15:17 18/06/2013

VỸ GIẠ

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng tạp chí, từ tháng 8 năm 2008, Sông Hương xúc tiến bốn chương trình nhân văn với phương thức xã hội hóa hoàn toàn. Các chương trình ấy vừa thể hiện tình cảm nhân ái, vừa thể hiện mong ước được đóng góp cho văn hóa Huế của giới văn nghệ sĩ - trí thức quê nhà.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc tặng hoa cho Cụ bà Huỳnh Thị Cam, vợ của ông Tăng Duyệt - Giám đốc NXB Tinh Hoa - trong Gala Tinh Hoa - Sông Hương.

1. Chương trình Phát triển Không gian Văn hóa Nghệ thuật

Chương trình này nhằm tổ chức các diễn đàn để tạo bầu không khí sôi động về sinh hoạt văn học nghệ thuật - nghiên cứu văn hóa tại Huế. Từ tháng 8 năm 2008, chương trình đã tổ chức các buổi trao đổi “Thơ Huế thế hệ tôi” do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trình bày, “Ngôn ngữ, văn bản và dịch thuật” do TS. Lê Đức Quang trình bày. Năm 2009, giao lưu về thi ca với nhà thơ Đặng Tiến (CH Pháp), nhóm tác giả vào chung khảo Giải Thơ Bách Việt, nhà văn Nguyễn Đặng Mừng (TP. HCM)...

Năm 2010 là năm chương trình tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa lớn. Tạp chí phối hợp với Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức các buổi tọa đàm như Thơ đến từ đâu với sự góp mặt của gần 100 văn nghệ sĩ cả nước; tổ chức giới thiệu các tác phẩm của nhiều nhà văn như Bửu Ý, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Đắc Xuân, Thái Kim Lan, Nguyễn Văn Dũng...; tổ chức các cuộc giao lưu văn nghệ sĩ trong và ngoài nước như nhà phê bình Đặng Tiến, dịch giả Trần Thiện Đạo, nhà thơ Mỹ Bruce Weigl... Đặc biệt xúc động là Tạp chí đã tổ chức thành công Gala Tinh Hoa - Sông Hương nhằm tôn vinh NXB Tinh Hoa - NXB ấn phẩm âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất hiện tại Huế từ những năm 1940. NXB này đã tổ chức ấn hành các tác phẩm của nền tân nhạc Việt Nam từ buổi sơ khai, tạo điều kiện cho các tác phẩm đó nhanh chóng đến được với công chúng, khiến cho nền tân nhạc thuở ban đầu được chắp cánh, để lại những ca khúc bất hủ mà đến tận bây giờ, sau 70 năm, chúng ta vẫn đang còn nghe và hát với một sự đồng cảm và yêu mến sâu sắc.

Năm 2011, Tạp chí đã tổ chức giao lưu với Đoàn Nhà văn Nga do Thứ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang Nga Vadim Fedrovic Terekhin dẫn đầu. Tạp chí phối hợp với Viện Goethe Hà Nội, cổ xúy Tuần lễ phim Đức tại Huế thu hút hàng ngàn lượt người đến xem phim... Liên tục các kỳ Festival Huế, Tạp chí đều có những chương trình hoạt động hưởng ứng mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Nhiều tác phẩm cũng đã được người của Tạp chí đứng ra tổ chức in ấn, giới thiệu như các tác phẩm “Cõi tạm phù hoa” (Nguyễn Xuân Hoàng), “Vũ điệu không vần và những tiểu luận khác”, “Thơ Khác” (Khế Iêm), “Ấn tượng Bạch Mã” (Nhiều tác giả), “Bái Biệt Huế” (Trần Kiêm Thêm), “Thúy Liên khúc ngoài”, “Rốn lún” (Biển Bắc)...

Chương trình còn tiếp đón và giao lưu với hàng chục đoàn văn nghệ sĩ từ khắp nơi trong nước đến Huế mỗi năm. Nhóm họa sĩ “Lại về Lại” đã có nhiều cuộc triển lãm tranh tại Tạp chí Sông Hương thông qua chương trình này.

2. Chương trình Phát triển Tài năng Trẻ

Tạp chí đã cùng với Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế xúc tiến thành lập CLB Văn học Trẻ, trên cơ sở đó phát hiện, bồi dưỡng các cây bút trẻ trên các lĩnh vực sáng tác và phê bình lý luận. Năm 2009, với sự giúp đỡ của Hội đồng hương TP. Cần Thơ, Tạp chí đã tổ chức xuất bản ấn phẩm Viết Trẻ Huế. Trong hai năm 2009 - 2010, Tạp chí Sông Hương tổ chức cuộc thi Truyện ngắn hay dành cho sinh viên Huế. Kết quả cuộc thi này đã hết sức thành công. Ban tổ chức đã chọn được các tác phẩm xứng đáng để trao giải, phát hiện được một số tác giả trẻ để có hướng đào tạo cho lực lượng viết văn kế thừa. Cùng với việc duy trì chuyên mục “Trang viết đầu tay”, Tạp chí còn tổ chức những chuyên đề sáng tác Trẻ để khuyến khích các nỗ lực sáng tạo của chủ nhân nền văn học tương lai...

3. Chương trình Tặng thưởng Sông Hương

Hàng năm, Tạp chí Sông Hương có tổ chức tặng thưởng cho các tác phẩm xuất sắc trên các lĩnh vực thơ, văn xuôi, phê bình lý luận. Chương trình bên cạnh tôn vinh các tác phẩm chất lượng, còn cổ xúy những đóng góp mới cho nền văn học, đặc biệt là các tác giả trẻ. Các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình lý luận nhận Tặng thưởng Sông Hương những năm gần đây bao gồm: Tô Nhuận Vỹ, Trần Thùy Mai, Nguyễn Đặng Mừng, Đỗ Lai Thúy, Bùi Minh Đức, Đào Duy Anh, Đinh Thị Như Thúy (2008); Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đức Tùng, Mai Ninh, Nguyên Quân, Lê Huỳnh Lâm, Trần Thị Linh Chi (2009); Nguyễn Văn Dũng, Dạ Ngân, Nguyễn Minh Khiêm, Irasara (2010); Bạch Lê Quang, Hữu Thu - Bảo Hân, Bạch Diệp, Ngọc Tuyết, Nguyễn Quang Huy (2011); Nguyễn Đức Tùng, Hạo Nguyên, Nguyễn Mạnh Tiến (2012)...
 

Dàn đồng ca của cựu Nữ sinh Đồng Khánh trình bày bài “Thương về xứ Huế” trong đêm văn nghệ từ thiện Tình Sông Hương do Tạp chí Sông Hương và Hội đồng  hương tỉnh Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức


4. Chương trình “Tình Sông Hương”

Chương trình đã có những hoạt động mở đầu hết sức cảm động. Biết Tạp chí có ý định tặng quà Trung thu 2008 cho các cháu bệnh tật ngặt nghèo, chị Võ Ngọc Lan đã kêu gọi Công ty Giáng Ngọc (TP. HCM) hỗ trợ thêm để tặng cho 20 trẻ em dị tật, nạn nhân chất độc da cam. Mỗi suất quà bao gồm 300.000đ tiền mặt và quà bánh trị giá 100.000đ (tổng trị giá của các suất quà này là 8.000.000đ). Trong đó có cháu Hồ Giáp Tuất bị chân voi, cháu nặng 68 kg mà cái chân “hút” hết 20kg. Cùng dịp đó, Tạp chí đã tặng 60 suất quà bánh trị giá 2 triệu đồng cho các cháu con em xích lô, xe thồ xứ Huế. Dịp giáp Tết Kỷ Sửu, “Tình Sông Hương” tiếp tục tặng gạo cho những người đang đạp xích lô xe thồ ở chợ Đông Ba, hỗ trợ tiền ăn tết cho các cháu trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ...

Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm trước, Tạp chí đã tổ chức tiệc Liên hoan cho 100 cháu mồ côi, trẻ lang thang đường phố ở Huế, với sự giúp đỡ về tài chính của CLB Ca Huế - Phú Xuân, Trung tâm Văn hóa TP. HCM. Năm 2011, từ tài trợ của nhà thơ Văn Cát Tiên (tiền phát hành cuốn truyện thơ “Phù Hoa”), Công ty Saydo TP. HCM, Tình Sông Hương đã tiến hành 3 đợt trao quà cho các nạn nhân da cam ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Hương Trà, Huế. Tổng số tiền được trao 3 đợt là 60.400.000 đồng... Số tiền đó là không nhỏ, nhưng lớn hơn thế, là tấm lòng của những người trong cuộc... Tháng 4 năm 2012, Tạp chí đã cùng Hội Đồng Hương Tỉnh Thừa Thiên Huế tại TP. HCM, nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh tổ chức thành công Đêm Văn nghệ Tình Sông Hương, quyên góp được số tiền trên 80 triệu đồng, 400 USD và 100 quan Thụy Sĩ. Số tiền ấy đã được tiếp tục chia sẻ đến các số phận không may, trao học bổng cho học sinh nghèo, tặng quà cho con em có bố mẹ chết do tai nạn lao động... Đặc biệt, tháng 9 năm 2012, Quỹ Tình Sông Hương đã cùng nhà thơ Văn Cát Tiên xây dựng và khánh thành ngôi nhà tình nghĩa cho chị Hồ Thị Ly, một nạn nhân da cam ở A Lưới sinh 5 người con thì đã có 3 cháu qua đời, 1 cháu nằm liệt 18 năm nay và 1 cháu đang bị suy tim...
 

Ngôi nhà do Tạp chí Sông Hương xây dựng cho chị Trần Thị Ly (A Lưới) có 3/5 cháu chết vì chất độc gia cam, 1 cháu nằm liệt 18 năm nay, 1 cháu đang bị suy tim...


Mới đây, Tạp chí đã vận động nhóm văn nghệ sĩ Thụy Sĩ hỗ trợ cho trẻ em da cam ở Hương Lâm, A Lưới 30 triệu đồng (chủ yếu từ Đêm nhạc “Say Trăng” do ca sĩ Camille Huyền tổ chức tại ngôi làng Viznau - Thụy Sĩ) để xây dựng sân chơi mầm non... Trong các năm 2012, 2013, Tạp chí đã tổ chức liên tiếp 2 phòng triển lãm tranh cho các họa sĩ khuyết tật đến từ khắp nơi trong nước. Hiện chương trình Tình Sông Hương đang tiếp tục trao một số suất học bổng cho con em nghèo học giỏi...

Với các chương trình ấy, Tạp chí Sông Hương đã bắc một nhịp cầu nhân văn nối những trái tim yêu thương của những người con xa Huế về lại với dòng sông Hương xanh thẳm, nối những trái tim nghệ sĩ khắp mọi miền.

V.G
(SDB9/6-13)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGÔ MINH

    Chương trình kỷ niệm “30 năm Tạp chí Sông Hương” đã qua gần tháng rồi, mà trong tôi những xúc động vẫn không nguôi. Quả thực tôi chưa thấy cuộc “kỷ niệm” nào lại ám ảnh và ấn tượng đến vậy.

  • HƯƠNG BÌNH

    30 năm Tạp chí Sông Hương ra số báo đầu tiên là dấu mốc hết sức quan trọng. 30 năm của những thành quả, những đổi thay và cả những kỷ niệm còn vương mùi mực cũ. Sông Hương đã nỗ lực hết mình, được sự trợ giúp, động viên của đông đảo bằng hữu mọi miền để làm nên một tuần lễ kỷ niệm với nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc diễn ra từ ngày 14/6 đến 22/6.

  • LTS: Trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương, Lễ Hội “Tri Ân Dòng Sông” đặc biệt có ý nghĩa bởi đây là lần đầu tiên, những người làm Tạp chí Sông Hương tổ chức lễ tri ân dòng sông mình đã mang tên.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    (Diễn văn của TBT Tạp chí Sông Hương trong Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập)

  • (Phát biểu của Đồng chí Ngô Hòa - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương)

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

    Tháng 6/1983, Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, mang tên dòng sông duyên dáng thả mình bên thành phố Huế thân yêu. Đó là niềm phấn khởi của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ ở Bình Trị Thiên nói riêng và cả nước nói chung.

  • KHÁNH PHƯƠNG

    Huế là nơi tôi thường tự hỏi, “tại sao tôi không sống ở nơi đây?”. Sông Hương là nơi tôi thường tự hỏi, “tại sao tôi không làm điều gì đó cho nơi này?”.

  • GIA HỘI

    Đầu năm 1983, lãnh đạo tỉnh và Hội VHNT Bình Trị Thiên xác định nên có một tờ tạp chí văn nghệ. Theo nhà văn Hà Khánh Linh, từ tháng 2/1983, nhiều cuộc họp bàn chuẩn bị ra mắt số tạp chí văn học nghệ thuật được tổ chức.

  • VÕ QUÊ

    Tin tạp chí văn nghệ tỉnh nhà được mang tên mới: Sông Hương là một nguồn vui lớn không chỉ trong giới văn nghệ sĩ chúng tôi, mà còn sớm lan tỏa trong mọi tầng lớp dân chúng của quê nhà yêu dấu trong thời điểm ấy (6/1983).


  • (Lê Minh Phong phỏng vấn các nhà lý luận, phê bình)

  • LTS: 30 năm đã tạo nên vóc dáng một Tạp chí Sông Hương bản lĩnh như ngày hôm nay. Từ lúc mới ra đời Sông Hương đã nhận được sự cộng tác nhiệt tâm của nhiều cây bút tài hoa trên mọi miền đất nước, góp phần đưa tạp chí vượt thoát biên giới địa phương đi vào thế giới văn chương Việt đầy sôi động. Dưới đây là những tâm tình của một số cộng tác viên từng gắn bó với Sông Hương.

  • LTS: Góp phần để Sông Hương có “văn hiệu” trên diễn đàn văn học nghệ thuật cả nước cũng như đến với độc giả mọi miền phải kể đến vai trò của những nhà văn nhà thơ đại diện cho tạp chí. Chúng tôi xin được trích đăng một vài cảm nhận của họ nhân dịp kỷ niệm 30 năm Sông Hương ra số báo đầu tiên.

  • TRẦN NGUYÊN

    Hòa nhập với làng văn nước nhà, Sông Hương còn phải chở nặng phù sa văn hóa của chính nơi mình sinh ra. Mấy năm trở lại đây, Sông Hương tạo được ảnh hưởng trong giới độc giả với nhiều chuyên đề văn học mang tính chất khai mở, dám nói và làm những hiện tượng, trào lưu văn học còn ngại ngần.

  • ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG

    Mới đó mà đã 30 năm rồi. Với tôi, Sông Hương luôn là một kỷ niệm và là một hành trình đẹp. Sông Hương 30 năm thì tôi có hơn 2/3 quãng thời gian ấy là… người nhà của Sông Hương.

  • Kính gửi BBT Tạp chí Sông Hương!

    Gia đình tôi (7 thành viên đều là giáo chức) không phải cư dân Huế, nhưng mỗi người trong chúng tôi đều đã là một độc giả trong số những chuyên mục thường xuyên của tạp chí Sông Hương từ nhiều năm nay.

  • PHẠM PHÚ PHONG
    (Nhìn lướt qua các tuyển tập kỷ niệm 30 năm Tạp chí Sông Hương)

    Cũng như người, sông có đời sông. Nhưng người có tuổi, còn sông không có tuổi. Không ai biết dòng sông chảy qua kinh thành gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử một vùng đất có từ bao giờ? Nhưng cách đây ba mươi năm đã ra đời một cuộc sống khác, một dòng chảy khác, tồn tại song song với nó, góp phần khẳng định và phát huy đời sống tinh thần của con người xứ Huế, đó là Tạp chí Sông Hương.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU 

    Chiều thứ bảy, ngày 12 tháng 6 năm 1983, Tạp chí sáng tác phê bình nghiên cứu văn học nghệ thuật văn hóa của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên ra số đầu tiên, lấy tên Sông Hương. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập, nhà văn Nguyễn Khắc Phê là Phó, Ban Biên tập gồm có các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, họa sĩ tên tuổi như: Lương An, Bửu Chỉ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Minh Hằng, Xuân Hoàng, Hà Khánh Linh, Lê Thị Mây, Trần Hữu Pháp, Võ Quê, Thái Ngọc San, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Xuân Việt, Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Đắc Xuân.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Trong tủ sách của tôi, sau bao dâu biển, còn lại một cuốn Sông Hương hai mươi mấy năm trước, trong đó có thư trả lời độc giả của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, hình như là Tổng Biên tập.

  • Thực tiễn sáng tạo nghệ thuật luôn luôn biến đổi cùng với sự thức nhận tri thức khách quan và tâm thức sáng tạo của người nghệ sĩ. Sáng tạo là tìm ra cái mới, cái mới nằm trong nhận thức, trong quan niệm, trong cách chúng ta nhìn vào sự vật và nhìn vào chính mình.