Nhớ hoài chuyện phát hành

16:13 19/06/2013

VÕ QUÊ

Tin tạp chí văn nghệ tỉnh nhà được mang tên mới: Sông Hương là một nguồn vui lớn không chỉ trong giới văn nghệ sĩ chúng tôi, mà còn sớm lan tỏa trong mọi tầng lớp dân chúng của quê nhà yêu dấu trong thời điểm ấy (6/1983).

Hình ảnh biểu tượng dòng sông Hương được cách điệu thành cánh chim phụng trên núi Ngự Bình do họa sĩ Bửu Chỉ thực hiện lần đầu tiên xuất hiện trên bìa Tạp chí Sông Hương số 1, đã tạo cho chúng tôi một ấn tượng tốt lành, với niềm tin Tạp chí Sông Hương rồi sẽ thiết thân hòa nhập vào cộng đồng Huế, với bạn đọc trong nước, hải ngoại… Với ước muốn tâm thành đó mà chúng tôi đã rất sung sướng, hân hoan khi được Tổng Biên tập giao nhiệm vụ phát hành Sông Hương số 1 bằng hình thức xe loa đi trên các nẻo đường thành phố Huế.

Với sự nghiêm túc, cẩn trọng, chúng tôi đã cố gắng chuẩn bị bản nội dung phát thanh làm sao cho có chất lượng tốt, vừa giới thiệu được sự có mặt một diễn đàn văn học nghệ thuật của Hội, vừa ra mắt công chúng Huế các bài vở, tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng, đề cao những giá trị văn hóa Huế, gìn giữ, tôn vinh đời sống tinh thần của một vùng đất giàu truyền thống, đẹp và thơ; trân trọng tiếp thu và phổ biến các tinh hoa văn học, văn hóa nhân loại… như trong “Thư Sông Hương” của số 1 đã gợi mở: “Mang tên dòng sông duyên dáng thả mình bên thành phố Huế - SÔNG HƯƠNG, những trang tạp chí này là dòng chảy của những cảm xúc tươi đẹp trên “khúc ruột miền Trung” đất nước. Từ nơi đây như truyền thống đã có, sẽ bắt đầu cuộc gặp gỡ giữa những văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu với bạn đọc cùng thời của họ. SÔNG HƯƠNG sẽ chuyển đến các bạn những sáng tác mới, những công trình nghiên cứu, phê bình, những cuộc mạn đàm về văn học, nghệ thuật và văn hoá, cùng trang văn học nước ngoài nằm trong tầm quan tâm của mỗi chúng ta.”

Nội dung đã được soạn thảo chu đáo, thiết thực, gần gũi với tất cả mọi đối tượng độc giả nhưng hình thức chuyển tải qua máy phóng thanh còn đòi hỏi những người thực hiện phải tập trung công sức nhiều hơn bằng cách luyện chất giọng tốt, đọc rõ lời, đọc truyền cảm để thu hút sự chú ý, quan tâm của công chúng trong thành phố Huế.

Thế là trong một buổi chiều tháng 6 năm 1983 trên các nẻo đường thành phố Huế, những âm thanh trang trọng gọi mời đã được cất lên từ chiếc xe loa phát hành Tạp chí Sông Hương số 1. Đáp lại lời giới thiệu mời gọi là tấm lòng độc giả Huế. Từng cánh tay đưa lên tiếp nhận đón mua Tạp chí Sông Hương số 1. Những trang báo mới được mở ra trìu ái với các bài viết về sông Hương về Huế: Sông Hương đã có tên ấy tự bao giờ? - Nguyễn Hữu Đính, Tôi sẽ trở lại thành phố này - Vĩnh Quyền, Món ăn Huế - Nguyễn Đắc Xuân, Huế trong “Chương trình nghiên cứu các đô thành lịch sử ở Châu Á” của UNeSCo - Lê Văn Hảo, Phiếm luận về tiếng Huế ngày xưa - Mặc Khách; về văn chương: Văn xuôi Bình Trị Thiên những năm gần đây - Lê Xuân Việt, Một vài suy nghĩ về thể ký - Hoàng Phủ Ngọc Tường… bên cạnh truyện ngắn Một chút màu xanh - Trần Thùy Mai cùng những bài thơ nồng đượm, đầy tình: Hát về Sông Hương - Xuân Hoàng, Lá rụng - Nguyễn Quang Hà, Bên tượng Mỵ Châu - Lâm Thị Mỹ Dạ, Đề ảnh - Vũ Quần Phương, Âm thanh mới nơi dòng sông cũ - Ngô Minh, Đêm trên cát - Thanh Thảo, Nước giếng - Hải Bằng… cùng những trang văn học nước ngoài chọn lọc: Kỷ niệm khốc liệt về ngôi làng Ka-tin - Alêchxăngdrơ Adamôvich, Câu chuyện về cánh sếu và bông sen, Bố - Vơ la-đi-mia Xô-rô-kin…

Và có lẽ điều đáng nhớ nhất của chúng tôi khi phát hành Tạp chí Sông Hương số 1 là việc đọc giới thiệu trước công chúng Huế toàn văn bài thơ “Không đề” của nhà thơ Thanh Hải với Lời tòa soạn “Đây là một trong những bài thơ của anh Thanh Hải trong những ngày cuối đời. Bài này chúng tôi chép trong sổ tay của chị Thanh Tâm, vợ anh. Bài thơ không có đầu đề”. Tình nghĩa phu thê trong cơn hoạn nạn ốm đau, hình ảnh người vợ hiền chịu khó, chịu thương cùng cơn bệnh hiểm nghèo của chồng trong bệnh viện mà nhà thơ Thanh Hải đưa vào bài thơ năm chữ, đã tạo nên nguồn cảm xúc, thương cảm chân thành trong công chúng Huế. Đã có những người nghẹn ngào, rưng rức nước mắt khi cầm trên tay Tạp chí Sông Hương số 1. Và chính Tạp chí Sông Hương số 1 được phát hành với lượng lớn cũng là nhờ có “Vô đề” của nhà thơ Thanh Hải. Tuyệt vời thay thi ca!

Kỷ niệm với Tạp chí Sông Hương số ra mắt đầu tiên trên thành phố Huế với chúng tôi là vậy. Độc đáo bởi phát hành bằng hình thức xe loa tạo cho chúng tôi cảm giác vui vui, hay hay là văn học nghệ thuật đang được hòa nhập vào dòng chảy của xe cộ phố phường thân thuộc; gần gũi, tâm thành, chan hòa biết mấy!

Chúng tôi hoan hỷ nói với nhau: 30 năm Sông Hương thật đẹp, thật sinh động và được công chúng trong ngoài nước mến yêu bởi từ số 1, Sông Hương đã biết “xuống đường”!

V.Q
(SDB9/6-13)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGÔ MINH

    Chương trình kỷ niệm “30 năm Tạp chí Sông Hương” đã qua gần tháng rồi, mà trong tôi những xúc động vẫn không nguôi. Quả thực tôi chưa thấy cuộc “kỷ niệm” nào lại ám ảnh và ấn tượng đến vậy.

  • HƯƠNG BÌNH

    30 năm Tạp chí Sông Hương ra số báo đầu tiên là dấu mốc hết sức quan trọng. 30 năm của những thành quả, những đổi thay và cả những kỷ niệm còn vương mùi mực cũ. Sông Hương đã nỗ lực hết mình, được sự trợ giúp, động viên của đông đảo bằng hữu mọi miền để làm nên một tuần lễ kỷ niệm với nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc diễn ra từ ngày 14/6 đến 22/6.

  • LTS: Trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương, Lễ Hội “Tri Ân Dòng Sông” đặc biệt có ý nghĩa bởi đây là lần đầu tiên, những người làm Tạp chí Sông Hương tổ chức lễ tri ân dòng sông mình đã mang tên.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    (Diễn văn của TBT Tạp chí Sông Hương trong Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập)

  • (Phát biểu của Đồng chí Ngô Hòa - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương)

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

    Tháng 6/1983, Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, mang tên dòng sông duyên dáng thả mình bên thành phố Huế thân yêu. Đó là niềm phấn khởi của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ ở Bình Trị Thiên nói riêng và cả nước nói chung.

  • KHÁNH PHƯƠNG

    Huế là nơi tôi thường tự hỏi, “tại sao tôi không sống ở nơi đây?”. Sông Hương là nơi tôi thường tự hỏi, “tại sao tôi không làm điều gì đó cho nơi này?”.

  • GIA HỘI

    Đầu năm 1983, lãnh đạo tỉnh và Hội VHNT Bình Trị Thiên xác định nên có một tờ tạp chí văn nghệ. Theo nhà văn Hà Khánh Linh, từ tháng 2/1983, nhiều cuộc họp bàn chuẩn bị ra mắt số tạp chí văn học nghệ thuật được tổ chức.


  • (Lê Minh Phong phỏng vấn các nhà lý luận, phê bình)

  • LTS: 30 năm đã tạo nên vóc dáng một Tạp chí Sông Hương bản lĩnh như ngày hôm nay. Từ lúc mới ra đời Sông Hương đã nhận được sự cộng tác nhiệt tâm của nhiều cây bút tài hoa trên mọi miền đất nước, góp phần đưa tạp chí vượt thoát biên giới địa phương đi vào thế giới văn chương Việt đầy sôi động. Dưới đây là những tâm tình của một số cộng tác viên từng gắn bó với Sông Hương.

  • LTS: Góp phần để Sông Hương có “văn hiệu” trên diễn đàn văn học nghệ thuật cả nước cũng như đến với độc giả mọi miền phải kể đến vai trò của những nhà văn nhà thơ đại diện cho tạp chí. Chúng tôi xin được trích đăng một vài cảm nhận của họ nhân dịp kỷ niệm 30 năm Sông Hương ra số báo đầu tiên.

  • TRẦN NGUYÊN

    Hòa nhập với làng văn nước nhà, Sông Hương còn phải chở nặng phù sa văn hóa của chính nơi mình sinh ra. Mấy năm trở lại đây, Sông Hương tạo được ảnh hưởng trong giới độc giả với nhiều chuyên đề văn học mang tính chất khai mở, dám nói và làm những hiện tượng, trào lưu văn học còn ngại ngần.

  • VỸ GIẠ

    Bên cạnh việc nâng cao chất lượng tạp chí, từ tháng 8 năm 2008, Sông Hương xúc tiến bốn chương trình nhân văn với phương thức xã hội hóa hoàn toàn. Các chương trình ấy vừa thể hiện tình cảm nhân ái, vừa thể hiện mong ước được đóng góp cho văn hóa Huế của giới văn nghệ sĩ - trí thức quê nhà.

  • ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG

    Mới đó mà đã 30 năm rồi. Với tôi, Sông Hương luôn là một kỷ niệm và là một hành trình đẹp. Sông Hương 30 năm thì tôi có hơn 2/3 quãng thời gian ấy là… người nhà của Sông Hương.

  • Kính gửi BBT Tạp chí Sông Hương!

    Gia đình tôi (7 thành viên đều là giáo chức) không phải cư dân Huế, nhưng mỗi người trong chúng tôi đều đã là một độc giả trong số những chuyên mục thường xuyên của tạp chí Sông Hương từ nhiều năm nay.

  • PHẠM PHÚ PHONG
    (Nhìn lướt qua các tuyển tập kỷ niệm 30 năm Tạp chí Sông Hương)

    Cũng như người, sông có đời sông. Nhưng người có tuổi, còn sông không có tuổi. Không ai biết dòng sông chảy qua kinh thành gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử một vùng đất có từ bao giờ? Nhưng cách đây ba mươi năm đã ra đời một cuộc sống khác, một dòng chảy khác, tồn tại song song với nó, góp phần khẳng định và phát huy đời sống tinh thần của con người xứ Huế, đó là Tạp chí Sông Hương.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU 

    Chiều thứ bảy, ngày 12 tháng 6 năm 1983, Tạp chí sáng tác phê bình nghiên cứu văn học nghệ thuật văn hóa của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên ra số đầu tiên, lấy tên Sông Hương. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập, nhà văn Nguyễn Khắc Phê là Phó, Ban Biên tập gồm có các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, họa sĩ tên tuổi như: Lương An, Bửu Chỉ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Minh Hằng, Xuân Hoàng, Hà Khánh Linh, Lê Thị Mây, Trần Hữu Pháp, Võ Quê, Thái Ngọc San, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Xuân Việt, Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Đắc Xuân.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Trong tủ sách của tôi, sau bao dâu biển, còn lại một cuốn Sông Hương hai mươi mấy năm trước, trong đó có thư trả lời độc giả của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, hình như là Tổng Biên tập.

  • Thực tiễn sáng tạo nghệ thuật luôn luôn biến đổi cùng với sự thức nhận tri thức khách quan và tâm thức sáng tạo của người nghệ sĩ. Sáng tạo là tìm ra cái mới, cái mới nằm trong nhận thức, trong quan niệm, trong cách chúng ta nhìn vào sự vật và nhìn vào chính mình.