Mùa xuân đi chọn hoa đào

12:51 20/01/2023

NGUYỄN NGỌC LỢI

Cả tuần nay mới thực sự đông. Tinh mơ tốc chăn, mở cổng ra đường, cái rét buôn buốt phả vào nhưng nhức tê tê nơi da mặt.

Ảnh: internet

Rét này gọi là giá, giá buốt. Tiết giá thường có sương muối, sương giá. Nhưng rét này không có sương, nếu có sương kèm theo rét càng thêm buốt. Sáng dần, vòm trời quang khô, thấp thoáng dọc đường những mảnh vườn, những ngôi nhà cao thấp. Mấy gốc đào trụi lá do mùa hay chủ nhà đã vặt trước để thúc hoa. Lóe lên đâu đó một vài bông nở sớm. Màu hồng của hoa đánh thức cả mùa xuân.

Ôi mùa xuân! Chẳng thể nói hết vẻ diệu kỳ của mùa xuân, chẳng thể diễn tả hết cái náo nức mà mùa xuân mang đến cho con người mỗi độ tết đến xuân về. Sự náo nức như có cả nơi cành đào mà mỗi độ xuân sang nhà nhà đều có.

Mai Nam đào Bắc, đó là phong vị tết của mỗi miền quê. Khí hậu thời tiết cho mỗi vùng sự khác biệt thật dễ thương nơi màu hoa sắc lá. Nếu đất phương Nam mai rực vàng màu nắng tiết xuân sang thì trời Bắc đỏ hồng màu hoa đào khắp mọi nơi khi tết đến. Từ biển lên rừng, từ đồng bãi đến núi đồi, đến đâu ta cũng gặp đào. Đào trong vườn đào ngoài ngõ, đào trên dốc, đào dưới thung, đào dọc lối đi. Có cả những vườn đào bao phủ cả quả đồi, có cảm giác màu hoa tràn ngập hồn người.

Cũng như miền Nam chơi mai, tết đến hầu như dân Bắc nhà nào cũng chơi đào. Nhà cửa sửa sang dọn dẹp, đồ đạc lau chùi. Bàn thờ bày biện hương hoa bánh trái, và kèm theo cành/gốc đào, không gian đã ngập tràn không khí tết.

Nhiều năm nay, hễ ngoài 20 tháng chạp ngõ phố quê tôi đã rục rịch chợ đào. Mờ sáng mở cổng bước ra, bóng người bóng xe với những gốc, những cành đào nhấp nhô ẩn hiện trong sương sớm. Đời sống cao dần, thú chơi ngày càng tao nhã. Biết vậy, dân quê nhiều vùng chuyển đổi, đổi khoai sắn, trồng đào và có thêm những người buôn đào “chuyên nghiệp”. Trước tết cả tháng, người buôn đào dạo về các vùng trồng đào khảo sát, rồi thỏa thuận, rồi đặt tiền. Trước tết mấy phiên cho xe đến cắt cả loạt mang về. Cũng lại có người buôn lại, chặn đầu các lối vào chợ, chọn lấy những gốc, những cành đào độc ghìm lại chờ bán cho các đại gia. Số này thường hốt lớn, có năm kiếm vài chục triệu ngon ơ.

Chợ đào rậm rịch ồn ào suốt mấy ngày trước tết. Ô tô, xe máy kéo theo rơ moóc chở đào liên tiếp đổ về. Dòng người lũ lượt dạo đi, nhìn ngó ngắm nghía, đàn ông đàn bà gặp gỡ chào hỏi thật nhàn tản, thật vui tươi giữa ồn ào cười nói xen trong tiếng còi xe xin đường, ồn ào chật chội, thế mà tuyệt nhiên không một lời gắt gỏng nạt nộ phiền lòng.

Đào bày bán thành rừng, đào cắt nhánh đào bứng nguyên gốc, cành to cành nhỏ, gốc lớn gốc bé, có cả gốc đào có thể chiếm trọn một phòng lớn, giá bán nhiều chục triệu đồng. Đào phai đào thắm, đào sum sê đào khẳng khiu rêu phong cổ kính. Còn có cả đào được mang về từ miền núi xa thật xa, mãi tận biên giới Việt - Lào. Thỏa mãn mọi nhu cầu thú chơi, gu chơi và cả túi tiền.

Dạo đi trong rừng hoa như thế có khi lóa mắt, khó chọn. Nếu thế bạn có thể thả lỏng hồn mình mà phóng xe ra ngoại ô. Quê tôi, vùng nào cũng trồng nhiều đào. Đào trong vườn đào ngoài đồi, tha hồ nhàn tản ngắm nghía, biết đâu sẽ gặp cành ưng ý.

Trong tiết trời se lạnh của buổi sáng có sương giăng như tấm voan mỏng quanh các vùng đồi, đôi ba cánh én nhào lộn trên cánh đồng xuân sớm, áo quần đủ ấm nổ máy xe từ từ phóng đi. Hết quốc lộ sang đường làng, hết đường nhựa sang đường bê tông.

Vùng đồi nhà cửa cổng ngõ vườn tược nhấp nhô đủ mọi sắc màu. Bức tranh “nông thôn mới” hiện ra sinh động quá chừng. Như thế là ta đã dạo đi giữa không gian tết rồi, không gian có mùi hương trầm ngào ngạt, ta được ngắm nhìn mọi sắc màu của cuộc sống yên ấm đủ đầy. Người phương xa về quê ăn tết, váy áo thướt tha, túi xách vali, con cái vợ chồng ông bà ríu rít. Ấy là bạn đã được hưởng thêm không khí tết. Và biết đâu, sau khúc cua ngoặt kia, ở nơi cuối dốc mờ ảo kia bất ngờ hiện ra điều ta tìm kiếm. Một cành đào lộng lẫy sây cành dày nụ, một cành đào phù hợp với không gian sẵn có của nhà mình. Và thế, tết sẽ ấm áp hồng hào thêm nữa. Và cả những tiếng cười vui kèm theo lời tấm tắc. Ngày xuân tiếc gì lời nói làm đẹp lòng nhau.

Hoa đào mùa xuân Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh dẹp giặc Thanh. Tại kinh thành Thăng Long khi chiến bào còn ám màu lửa khói, ngài không khỏi cầm lòng khi ngắm những cánh đào Nhật Tân rực hồng trong gió lạnh mà sai người lính phóng ngựa mang cành đào về tặng công chúa Ngọc Hân mãi tận kinh đô Phú Xuân xa xôi.

Người xưa yêu đào đến vậy, người nay yêu đào đâu có kém. Hãy nhìn xem, đào hoa ngập phố ngập làng. Hòa trong dòng người len lỏi giữa chợ hoa đào, bạn có thấy hồn ngập tràn ngây ngất, bạn đã hưởng sớm một mùa xuân?

Dạo về những vùng quê hay chen giữa chợ đào rồi cuối cùng bạn cũng sẽ chọn được cành ưng ý. Ấy là bạn đã chọn được mùa xuân, mùa xuân cho riêng mình.

N.N.L
(TCSH408/02-2023)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN QUANG HÀ
                             Ký sự

    Trước Mậu Thân 1968, Thành đội Huế lập chiến khu ở giữa rừng phía đông tỉnh. Ban Chỉ huy Thành đội gồm Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Hậu cần.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚ
                       Tùy bút

    Tôi tin rằng trong đời mỗi con người ai cũng qua quãng thời ấu thơ nghe tiếng ru của mẹ trong cánh võng “ầu ơ”; cứ thế mà lớn lên mà trưởng thành.

  • NGUYÊN QUÂN

    Đôi khi trong sự trầm lặng tĩnh mịch thường hằng, và những con người quen sống với sự tĩnh lặng ấy thường vô tình không nhận thấy những sự thay đổi chung quanh vì nó cũng âm thầm không xôn xao ầm ĩ.

  • HẢI HẠC PHAN
         Bút ký dự thi

    Con chim xanh tìm hạt dẻ sa cánh chợt khép mỏ vút bay khi nghe tiếng động cơ xe di chuyển về phía Tây dãy Trường Sơn.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                      Ký sự

    Tôi là phóng viên của báo Cờ Giải phóng - Thừa Thiên Huế. Sống ở trên chiến khu, đi viết, chúng tôi thường lên các bản vùng cao, đến các đơn vị quân đội đóng trong rừng, gặp các chiến sĩ từ vùng sâu lên,… chứ chưa đi vùng sâu lần nào. Dù biết vùng tranh chấp rất hấp dẫn, nhưng chưa có cơ hội.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                       

    Viết về bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Lớn, xã Thủy Dương (xã anh hùng) huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

  • HÀ LÊ
       Tản văn

    Cây gòn bên bến nước phía sông An Cựu đã bắt đầu bung nở những đám mây trắng đầu tiên. 

  • NGUYÊN QUÂN
            Bút ký dự thi

    Người đàn bà trung niên dừng lại giữa lưng chừng dốc rồi nói:
    - Đã tới nơi rồi chú.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ

                Bút ký dự thi

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                        Ghi chép

    A Lưới là một huyện phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, có biên giới giáp nước bạn Lào.

  • LÊ HÀ

    Cây hoa gạo bên phía cầu Dã Viên sáng nay bỗng thắp lửa đỏ cả một khung trời. Cái màu đỏ chói lòa như ngọn đuốc rực cháy giữa một bầu trời xanh thẳm tháng ba còn vươn mùi ẩm lạnh.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                        Bút ký

    Đã hai năm nay tôi mới lại về thăm nhà máy sợi Huế. Cái đập vào mắt tôi trước tiên là bức tượng những bàn tay con gái rất đẹp, các ngón thon thả, tất cả đều giơ lên, nâng cao búp sợi trắng ngần. Bốn xung quanh là những vòi nước phun, rất mảnh, như những dòng sợi mỏng manh bay lên.


  • LÊ QUỐC HÁN

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

    Những khoảnh khắc mùa trôi đi trong dòng mưa ngút ngàn. Vùng này, mưa không ngớt mà nắng cũng chát chao. Khoảng khắc không nhớ bỗng dưng lại khiến người ta không thể nguôi ngoai về một điều đã cũ.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                        Bút ký

    Tưởng nhớ Phan Thế Phương và Nguyễn Như Tùng

  • LÊ QUỐC HÁN

    Mùa thu mùa của chia ly
    Nên con sông chảy chẳng khi nào ngừng

  • VIỆT HÙNG
            Ghi Chép

    Vào một đêm mùa thu của Hà Nội ông Nguyễn Ngọc Dũng, vụ trưởng thanh tra Bộ tài chính, trong một giấc mộng, ông thấy người anh ruột của mình hiện về.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ  
                   Bút ký  

    1.
    Bất giác, văng vẳng “con đường cái quan” Phạm Duy ca rằng:
    “Người về chưa ghé sông Hương
    Đã nghe tiếng gọi đôi đường đắng cay”

  • CHÂU PHÙ  

    Tôi về đây giữa mùa hạ khi cơn mưa rào rạt trên biển vắng, gieo hoang vu xuống chiều xa xăm. Từ trong lều quán nhìn ra biển, một màu xám giăng ngang trời.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG   
                            Bút ký   

    Nước non ngàn dặm ra đi
    Cái tình chi?