NGUYỄN NGỌC LỢI
Cả tuần nay mới thực sự đông. Tinh mơ tốc chăn, mở cổng ra đường, cái rét buôn buốt phả vào nhưng nhức tê tê nơi da mặt.
Ảnh: internet
Rét này gọi là giá, giá buốt. Tiết giá thường có sương muối, sương giá. Nhưng rét này không có sương, nếu có sương kèm theo rét càng thêm buốt. Sáng dần, vòm trời quang khô, thấp thoáng dọc đường những mảnh vườn, những ngôi nhà cao thấp. Mấy gốc đào trụi lá do mùa hay chủ nhà đã vặt trước để thúc hoa. Lóe lên đâu đó một vài bông nở sớm. Màu hồng của hoa đánh thức cả mùa xuân.
Ôi mùa xuân! Chẳng thể nói hết vẻ diệu kỳ của mùa xuân, chẳng thể diễn tả hết cái náo nức mà mùa xuân mang đến cho con người mỗi độ tết đến xuân về. Sự náo nức như có cả nơi cành đào mà mỗi độ xuân sang nhà nhà đều có.
Mai Nam đào Bắc, đó là phong vị tết của mỗi miền quê. Khí hậu thời tiết cho mỗi vùng sự khác biệt thật dễ thương nơi màu hoa sắc lá. Nếu đất phương Nam mai rực vàng màu nắng tiết xuân sang thì trời Bắc đỏ hồng màu hoa đào khắp mọi nơi khi tết đến. Từ biển lên rừng, từ đồng bãi đến núi đồi, đến đâu ta cũng gặp đào. Đào trong vườn đào ngoài ngõ, đào trên dốc, đào dưới thung, đào dọc lối đi. Có cả những vườn đào bao phủ cả quả đồi, có cảm giác màu hoa tràn ngập hồn người.
Cũng như miền Nam chơi mai, tết đến hầu như dân Bắc nhà nào cũng chơi đào. Nhà cửa sửa sang dọn dẹp, đồ đạc lau chùi. Bàn thờ bày biện hương hoa bánh trái, và kèm theo cành/gốc đào, không gian đã ngập tràn không khí tết.
Nhiều năm nay, hễ ngoài 20 tháng chạp ngõ phố quê tôi đã rục rịch chợ đào. Mờ sáng mở cổng bước ra, bóng người bóng xe với những gốc, những cành đào nhấp nhô ẩn hiện trong sương sớm. Đời sống cao dần, thú chơi ngày càng tao nhã. Biết vậy, dân quê nhiều vùng chuyển đổi, đổi khoai sắn, trồng đào và có thêm những người buôn đào “chuyên nghiệp”. Trước tết cả tháng, người buôn đào dạo về các vùng trồng đào khảo sát, rồi thỏa thuận, rồi đặt tiền. Trước tết mấy phiên cho xe đến cắt cả loạt mang về. Cũng lại có người buôn lại, chặn đầu các lối vào chợ, chọn lấy những gốc, những cành đào độc ghìm lại chờ bán cho các đại gia. Số này thường hốt lớn, có năm kiếm vài chục triệu ngon ơ.
Chợ đào rậm rịch ồn ào suốt mấy ngày trước tết. Ô tô, xe máy kéo theo rơ moóc chở đào liên tiếp đổ về. Dòng người lũ lượt dạo đi, nhìn ngó ngắm nghía, đàn ông đàn bà gặp gỡ chào hỏi thật nhàn tản, thật vui tươi giữa ồn ào cười nói xen trong tiếng còi xe xin đường, ồn ào chật chội, thế mà tuyệt nhiên không một lời gắt gỏng nạt nộ phiền lòng.
Đào bày bán thành rừng, đào cắt nhánh đào bứng nguyên gốc, cành to cành nhỏ, gốc lớn gốc bé, có cả gốc đào có thể chiếm trọn một phòng lớn, giá bán nhiều chục triệu đồng. Đào phai đào thắm, đào sum sê đào khẳng khiu rêu phong cổ kính. Còn có cả đào được mang về từ miền núi xa thật xa, mãi tận biên giới Việt - Lào. Thỏa mãn mọi nhu cầu thú chơi, gu chơi và cả túi tiền.
Dạo đi trong rừng hoa như thế có khi lóa mắt, khó chọn. Nếu thế bạn có thể thả lỏng hồn mình mà phóng xe ra ngoại ô. Quê tôi, vùng nào cũng trồng nhiều đào. Đào trong vườn đào ngoài đồi, tha hồ nhàn tản ngắm nghía, biết đâu sẽ gặp cành ưng ý.
Trong tiết trời se lạnh của buổi sáng có sương giăng như tấm voan mỏng quanh các vùng đồi, đôi ba cánh én nhào lộn trên cánh đồng xuân sớm, áo quần đủ ấm nổ máy xe từ từ phóng đi. Hết quốc lộ sang đường làng, hết đường nhựa sang đường bê tông.
Vùng đồi nhà cửa cổng ngõ vườn tược nhấp nhô đủ mọi sắc màu. Bức tranh “nông thôn mới” hiện ra sinh động quá chừng. Như thế là ta đã dạo đi giữa không gian tết rồi, không gian có mùi hương trầm ngào ngạt, ta được ngắm nhìn mọi sắc màu của cuộc sống yên ấm đủ đầy. Người phương xa về quê ăn tết, váy áo thướt tha, túi xách vali, con cái vợ chồng ông bà ríu rít. Ấy là bạn đã được hưởng thêm không khí tết. Và biết đâu, sau khúc cua ngoặt kia, ở nơi cuối dốc mờ ảo kia bất ngờ hiện ra điều ta tìm kiếm. Một cành đào lộng lẫy sây cành dày nụ, một cành đào phù hợp với không gian sẵn có của nhà mình. Và thế, tết sẽ ấm áp hồng hào thêm nữa. Và cả những tiếng cười vui kèm theo lời tấm tắc. Ngày xuân tiếc gì lời nói làm đẹp lòng nhau.
Hoa đào mùa xuân Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh dẹp giặc Thanh. Tại kinh thành Thăng Long khi chiến bào còn ám màu lửa khói, ngài không khỏi cầm lòng khi ngắm những cánh đào Nhật Tân rực hồng trong gió lạnh mà sai người lính phóng ngựa mang cành đào về tặng công chúa Ngọc Hân mãi tận kinh đô Phú Xuân xa xôi.
Người xưa yêu đào đến vậy, người nay yêu đào đâu có kém. Hãy nhìn xem, đào hoa ngập phố ngập làng. Hòa trong dòng người len lỏi giữa chợ hoa đào, bạn có thấy hồn ngập tràn ngây ngất, bạn đã hưởng sớm một mùa xuân?
Dạo về những vùng quê hay chen giữa chợ đào rồi cuối cùng bạn cũng sẽ chọn được cành ưng ý. Ấy là bạn đã chọn được mùa xuân, mùa xuân cho riêng mình.
N.N.L
(TCSH408/02-2023)
NGUYỄN XUÂN SANH Hồi ký Tôi và Huy Cận đều là học sinh Trường Quốc học Huế. Khác lớp nhau, nhưng cùng chung một ký túc xá. Hết sức thương nhau.
MAI VĂN HOAN (Trại sáng tác văn học Hương Vân)
NHẤT LÂM (Trại sáng tác văn học Hương Vân) “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai” (Tố Hữu)
NGUYỄN THỊ CẨM THẠNH Hồi ký Đoàn nữ sinh trường Đồng Khánh Huế chúng tôi, đồng phục áo dài màu xanh biển, sắp hàng đôi, rời mái trường ngói đỏ, tường hồng, đi dọc theo hè đường, sang trường Việt Anh dự buổi tổng duyệt vở kịch Trưng Trắc Trưng Nhị của nhà thơ Thanh Tịnh.
L.T.S: Bửu Tiến, sinh năm 1916 ở Huế. Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên ở Huế tham gia kháng chiến sau cách mạng tháng Tám 1945.
Nếu ai đó nói, con đò là một trong những biểu tượng thi ca và văn hóa Huế, chắc rằng ít người sẽ dám phủ nhận điều đó. Nhắc đến Huế không thể không nói đến dòng Hương thơ mộng, nhưng chỉ là dòng sông lững lờ chảy qua miền đất thần kinh không thôi, e là đơn điệu lắm khi thiếu vắng sự tô điểm của những con đò.
NGUYỄN CƯƠNGKỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Huế 26/3/1975 - 26/3/2011
NGUYỄN DUY HIỀNHồi ký
TRƯƠNG THỊ KHUÊ(Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân) Hồi ký
CHƠN HỮU Tản vănNhững giọt sương lấp lánh. Một chồi non mới nhú. Ồ! Mùa xuân đã về!
LTS: Ông Đặng Văn Đông - một cao niên gần 90 tuổi ở Huế, là người gửi nhiều bài dịch cho Sông Hương song chưa hợp với tiêu chí “nhìn ra văn học thế giới đương đại”. Vừa qua chúng tôi nhận được thư của ông cùng bài viết về một kỷ niệm đầy nhân ái trong gia đình.Sông Hương xin đăng, và kính chúc ông năm mới dồi dào sức khỏe!
PHẠM VĂN HỌC1. Chào xuân đẹp, có gì vui thế…!
PHẠM NGUYÊN TƯỜNG Ghi chép
NGUYỄN KHOA BỘI LANChúng tôi đi theo anh Hoan, bí thư huyện ủy Triệu Hải, về kiểm tra vụ đông xuân. Anh có thói quen mỗi lần về đây thế nào cũng tranh thủ ghé Phường Sắn thăm bà mẹ Mít.
XUÂN HOÀNGHuy đang nói chuyện với mấy người bạn trẻ viết văn cùng quê thì Trường, anh bạn làm thơ trẻ người dân tộc ở phòng bên nghe tiếng, vui vẻ chạy sang.
HỒNG NHU(Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế)Đại hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 7 (4-1994) tại thành phố Huế đã nhất trí khẳng định về năm chính thức thành lập của Hội là năm 1950.
LÊ QUANG VỊNH (Trích hồi ký)…Tôi và Niệm thì đi học phổ thông, chị Mai tôi - theo ba tôi, con gái không cần học chữ nhiều - đi học nữ công gia chánh để chuẩn bị làm vợ làm mẹ sau này.
NGUYỄN KHẮC PHÊ Ghi chép Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, Đại hội Nhà văn Việt Nam (ĐHNV) lần thứ 8 sẽ họp tại Hà Nội. So với các Đại hội chuyên ngành văn học nghệ thuật khác, hầu như lần nào ĐHNV cũng “xôm trò” hơn, được dư luận chú ý hơn.
PHAN THỊ THU QUỲ(Kỷ niêm ngày thương binh - liệt sỹ 27.7)
CHÍ CÔNGNghe xã ấy chuẩn bị gặt chiêm, làm được nghĩa vụ lương thực, thuế nông nghiệp và hè thu 1983 sớm hơn các nơi khác, tôi cùng hai cán bộ cơ quan đi về đấy rút kinh nghiệm để có kế hoạch tuyên truyền sát thực tế.