NGUYỄN NGỌC LỢI
Cả tuần nay mới thực sự đông. Tinh mơ tốc chăn, mở cổng ra đường, cái rét buôn buốt phả vào nhưng nhức tê tê nơi da mặt.
Ảnh: internet
Rét này gọi là giá, giá buốt. Tiết giá thường có sương muối, sương giá. Nhưng rét này không có sương, nếu có sương kèm theo rét càng thêm buốt. Sáng dần, vòm trời quang khô, thấp thoáng dọc đường những mảnh vườn, những ngôi nhà cao thấp. Mấy gốc đào trụi lá do mùa hay chủ nhà đã vặt trước để thúc hoa. Lóe lên đâu đó một vài bông nở sớm. Màu hồng của hoa đánh thức cả mùa xuân.
Ôi mùa xuân! Chẳng thể nói hết vẻ diệu kỳ của mùa xuân, chẳng thể diễn tả hết cái náo nức mà mùa xuân mang đến cho con người mỗi độ tết đến xuân về. Sự náo nức như có cả nơi cành đào mà mỗi độ xuân sang nhà nhà đều có.
Mai Nam đào Bắc, đó là phong vị tết của mỗi miền quê. Khí hậu thời tiết cho mỗi vùng sự khác biệt thật dễ thương nơi màu hoa sắc lá. Nếu đất phương Nam mai rực vàng màu nắng tiết xuân sang thì trời Bắc đỏ hồng màu hoa đào khắp mọi nơi khi tết đến. Từ biển lên rừng, từ đồng bãi đến núi đồi, đến đâu ta cũng gặp đào. Đào trong vườn đào ngoài ngõ, đào trên dốc, đào dưới thung, đào dọc lối đi. Có cả những vườn đào bao phủ cả quả đồi, có cảm giác màu hoa tràn ngập hồn người.
Cũng như miền Nam chơi mai, tết đến hầu như dân Bắc nhà nào cũng chơi đào. Nhà cửa sửa sang dọn dẹp, đồ đạc lau chùi. Bàn thờ bày biện hương hoa bánh trái, và kèm theo cành/gốc đào, không gian đã ngập tràn không khí tết.
Nhiều năm nay, hễ ngoài 20 tháng chạp ngõ phố quê tôi đã rục rịch chợ đào. Mờ sáng mở cổng bước ra, bóng người bóng xe với những gốc, những cành đào nhấp nhô ẩn hiện trong sương sớm. Đời sống cao dần, thú chơi ngày càng tao nhã. Biết vậy, dân quê nhiều vùng chuyển đổi, đổi khoai sắn, trồng đào và có thêm những người buôn đào “chuyên nghiệp”. Trước tết cả tháng, người buôn đào dạo về các vùng trồng đào khảo sát, rồi thỏa thuận, rồi đặt tiền. Trước tết mấy phiên cho xe đến cắt cả loạt mang về. Cũng lại có người buôn lại, chặn đầu các lối vào chợ, chọn lấy những gốc, những cành đào độc ghìm lại chờ bán cho các đại gia. Số này thường hốt lớn, có năm kiếm vài chục triệu ngon ơ.
Chợ đào rậm rịch ồn ào suốt mấy ngày trước tết. Ô tô, xe máy kéo theo rơ moóc chở đào liên tiếp đổ về. Dòng người lũ lượt dạo đi, nhìn ngó ngắm nghía, đàn ông đàn bà gặp gỡ chào hỏi thật nhàn tản, thật vui tươi giữa ồn ào cười nói xen trong tiếng còi xe xin đường, ồn ào chật chội, thế mà tuyệt nhiên không một lời gắt gỏng nạt nộ phiền lòng.
Đào bày bán thành rừng, đào cắt nhánh đào bứng nguyên gốc, cành to cành nhỏ, gốc lớn gốc bé, có cả gốc đào có thể chiếm trọn một phòng lớn, giá bán nhiều chục triệu đồng. Đào phai đào thắm, đào sum sê đào khẳng khiu rêu phong cổ kính. Còn có cả đào được mang về từ miền núi xa thật xa, mãi tận biên giới Việt - Lào. Thỏa mãn mọi nhu cầu thú chơi, gu chơi và cả túi tiền.
Dạo đi trong rừng hoa như thế có khi lóa mắt, khó chọn. Nếu thế bạn có thể thả lỏng hồn mình mà phóng xe ra ngoại ô. Quê tôi, vùng nào cũng trồng nhiều đào. Đào trong vườn đào ngoài đồi, tha hồ nhàn tản ngắm nghía, biết đâu sẽ gặp cành ưng ý.
Trong tiết trời se lạnh của buổi sáng có sương giăng như tấm voan mỏng quanh các vùng đồi, đôi ba cánh én nhào lộn trên cánh đồng xuân sớm, áo quần đủ ấm nổ máy xe từ từ phóng đi. Hết quốc lộ sang đường làng, hết đường nhựa sang đường bê tông.
Vùng đồi nhà cửa cổng ngõ vườn tược nhấp nhô đủ mọi sắc màu. Bức tranh “nông thôn mới” hiện ra sinh động quá chừng. Như thế là ta đã dạo đi giữa không gian tết rồi, không gian có mùi hương trầm ngào ngạt, ta được ngắm nhìn mọi sắc màu của cuộc sống yên ấm đủ đầy. Người phương xa về quê ăn tết, váy áo thướt tha, túi xách vali, con cái vợ chồng ông bà ríu rít. Ấy là bạn đã được hưởng thêm không khí tết. Và biết đâu, sau khúc cua ngoặt kia, ở nơi cuối dốc mờ ảo kia bất ngờ hiện ra điều ta tìm kiếm. Một cành đào lộng lẫy sây cành dày nụ, một cành đào phù hợp với không gian sẵn có của nhà mình. Và thế, tết sẽ ấm áp hồng hào thêm nữa. Và cả những tiếng cười vui kèm theo lời tấm tắc. Ngày xuân tiếc gì lời nói làm đẹp lòng nhau.
Hoa đào mùa xuân Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh dẹp giặc Thanh. Tại kinh thành Thăng Long khi chiến bào còn ám màu lửa khói, ngài không khỏi cầm lòng khi ngắm những cánh đào Nhật Tân rực hồng trong gió lạnh mà sai người lính phóng ngựa mang cành đào về tặng công chúa Ngọc Hân mãi tận kinh đô Phú Xuân xa xôi.
Người xưa yêu đào đến vậy, người nay yêu đào đâu có kém. Hãy nhìn xem, đào hoa ngập phố ngập làng. Hòa trong dòng người len lỏi giữa chợ hoa đào, bạn có thấy hồn ngập tràn ngây ngất, bạn đã hưởng sớm một mùa xuân?
Dạo về những vùng quê hay chen giữa chợ đào rồi cuối cùng bạn cũng sẽ chọn được cành ưng ý. Ấy là bạn đã chọn được mùa xuân, mùa xuân cho riêng mình.
N.N.L
(TCSH408/02-2023)
SONG CẦM
Bút ký
Với tôi, nước Nhật không những không xa lạ mà còn rất gần gũi. Tuy vậy, tám năm ở Nhật trước đây chưa phải là dài lắm để tôi đủ thời gian và cơ hội trải nghiệm tất cả.
PHÙNG SƠN
Truyện ký
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Chúng tôi về Điền Lộc vào một ngày tháng năm, nắng hực trảng cát hun hút trải dài mùa biển.
NGUYỄN PHƯƠNG ANH
LGT: Chu kỳ biến đổi khí hậu khiến thời tiết Huế mấy năm gần đây thay đổi rõ rệt. Huế ít lụt hẳn đi, thậm chí lụt cũng thay đổi chu kỳ lụt, ai đời như năm nay, lụt (tiểu mãn) vào tháng hai ta.
Lụt Huế thay ngày tháng năm, nhưng ký ức thì khó phai mờ, như tùy bút dưới đây…
HÀ LINH
1.
Con đường xa tắp. Chuyến đi xuất phát với lòng tin nơi đến là cuộc hành trình từ bỏ hạnh phúc con người.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Bút ký
Ngắm những ruộng bậc thang chín vàng rực rỡ cả thung lũng, ít ai nghĩ rằng cái tên Mù Cang Chải theo tiếng người H’Mông có nghĩa là làng Cây Khô.
Lời người sưu tầm: Có những người xuất hiện với tác phẩm đầu tay như một ánh chớp, gây xôn xao và hâm mộ trong bạn đọc một thời nhưng rồi sau đó, mặc dầu cũng có một sự nghiệp văn học, có hàng bao nhiêu trăn trở tìm tòi, rồi cũng có dăm bảy, thậm chí hàng chục tác phẩm tiếp theo nhưng không sao tìm thấy được sự khởi sắc sâu đậm như tác phẩm ban đầu.
HÀ KHÁNH LINH
Bút ký
Trường được thành lập từ năm 1963.
Thầy và trò lần lượt ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến nay chỉ còn sót lại hơn một nửa, tìm cách liên lạc với nhau mãi mới thực hiện được một chuyến trở về tìm lại dấu tích mái trường xưa - giờ đã nằm sâu vào lãnh thổ nước Lào...
PHƯƠNG ANH
Tôi thường chọn cho mình những phút giây lặng lẽ, bình yên của những ngày vào thu ở một góc quán vắng để ngắm nhìn dòng xe xuôi ngược, mỗi chuyến xe là một cuộc đi.
VÕ NGỌC LAN
Tôi vẫn thường thắc mắc không hiểu có ai sống với nhau tròn trăm năm không? Bởi tuổi của đời người mong manh, chẳng ai chờ ai, rồi lại nghĩ mình có ngộ nhận chữ nghĩa trăm năm đó không?
PHI TÂN
Bút ký
Phá Tam Giang trải dài theo hướng từ Bắc vào Nam, song song với bờ biển từ huyện Phong Điền cho đến huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), được chảy vào bởi ba con sông lớn là sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương.
NGUYỄN THẾ TƯỜNG
Truyện ký
"Kiến Giang nước chảy một dòng
Bên bồi bên lở đau lòng hay chưa"
(Ru con Lệ Thủy)
VI THÙY LINH
Trong các phần của cơ thể con người, tóc thuộc về ngoại hình mà câu chuyện tóc liên quan, ảnh hưởng tới nhiều mặt, từ mỗi con người tới lịch sử nghệ thuật, xã hội. Tóc rụng hằng ngày nhưng mấy ai thương tóc. Đời tóc đi qua những đời người.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Bút ký
Bạch Mã có mối lương duyên thuần khiết với mây, đến cái tên gọi cũng bắt nguồn từ những áng mây quanh năm quần vũ trên chóp núi.
NGUYỄN NGỌC PHÚ
Bút ký
Trong chuyến hành hương trên đất Phật chúng tôi đã đến ba vùng đất quan trọng liên quan đến cuộc đời Đức Phật, ba địa danh nằm trên đất Ấn Độ đó là Boddhgaya nơi Đức Phật sau bao thăng trầm trong cuộc tìm kiến chân lý đến ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ Đề và giác ngộ.
PHƯƠNG ANH
Tôi đã từng nhìn vào ánh mắt của những người đàn bà, những người mẹ; những đôi mắt luôn ẩn giấu những câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Bởi cuộc đời họ dường như chẳng có lấy được một phút giây thanh thản để tự hỏi rằng: Mình là ai?
NGUYỄN VĂN UÔNG
Tết về là gói bánh tét. Thế mà bây giờ cái mặc nhiên ấy không còn là mặc nhiên. Cái ông già tuổi đã cổ lai hy cứ nhớ vẩn vơ chuyện ấy mỗi khi Tết về.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Đi qua miền sơn cước lớp lớp mây mù giăng trên những đầu núi, vượt đèo A Co, những cơn gió đông của A Lưới heo hút, lạnh băng xộc từ những hẻm núi sâu táp sa mặt mũi.
LÊ THỊ MÂY
Bút ký
O tôi đã gần tám mươi tuổi. Thuở con gái o đã từ chối đôi ba đám trai làng đội cau trầu đến ngõ dạm hỏi. Ở vậy không chồng con, o sớm tối vào ra một mình, cửa nhà heo hút.
NGUYỄN TUYẾT LỘC
Những tháng ngày đẹp nhất và có ý nghĩa nhất với tôi, không phải thời thơ ấu chỉ nghe và thấy cảnh chết chóc lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang cao trào khi theo ba là bác sĩ chuyển nhiệm sở từ Huế ra Đồng Hới, Quảng Bình.