Trong chân trời phiếm định

15:35 01/09/2008
LÊ VIẾT THỌTự nghìn năm, lụa đã hiện diện trong đời sống dân tộc Việt. Nghề tằm tang đến sớm, trong những di chỉ khảo cổ thuộc hậu kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 5000 năm, đã có dấu vết của vải, có dọi xe chỉ bằng đất nung. Chất liệu mỏng, nhẹ, thoáng và đẹp một cách tự nhiên, nền nã, óng ả này rất phù hợp với môi trường tự nhiên của cư dân phương nam làm nông nghiệp.

Tranh lụa Chơi Ô Ăn Quan của Nguyễn Phan Chánh

Cái yếm nâu để đi làm; yếm hồng, yếm thắm, yếm đào đi hội; chiếc áo cánh khoác hờ lên; chiếc váy nâu gụ - màu của đất hay chiếc áo dài tứ thân, năm thân và cả chiếc áo dài tân thời khởi từ những năm 30 của thế kỷ này đi nữa đều là bản hoà ca của màu, sắc và chất liệu. Đó là lần nhập thân đầu tiên của chất liệu vào truyền thống thẩm mĩ dân tộc.
Lần nhập thân thứ hai, lụa hoá thân vào nền nghệ thuật tạo hình dân tộc - mĩ thuật của người Việt. Khởi điểm cho cuộc hóa thân ấy, có thể là đã rất dài lâu từ khi có sự hiện hữu của lụa, cũng có thể là mãi ở thế kỷ XVIII-XIX với những tranh lụa vẽ phong cảnh, vẽ Phật hay chân dung Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan... còn lại đến giờ - về điểm này, cho đến nay, chúng ta chưa có một mốc niên đại chính xác. Đúng hơn, có lẽ là phải có một sự dấn thân dài lâu của những người nghệ sĩ vô danh để phát hiện ra những vẻ đẹp của chất liệu mà kết quả là tranh lụa đã phản ánh chính xác cái thần của văn hoá Việt, một nét trong trạng thái tâm hồn Việt.
Cuộc nhập thân lần thứ hai này đã mang lại cho lụa nhiều lắm nhưng trước hết và trên hết là đánh thức khả năng của chất liệu và thức nhận không gian của tranh lụa để chiếm lĩnh nó theo mắt nhìn của thẩm mĩ Việt. Tranh lụa Việt Nam truyền thống thường cắt hẹp không gian và dàn về đường nét, sắc màu ra sát mép tranh chứ không để trắng không gian tranh bằng nền lụa nhiều và thoáng như tranh lụa Trung Quốc cũng không nhiều tranh sinh hoạt, lâu đài, thành quách và thần linh như truyền thống tranh lụa Trung Quốc và Nhật Bản. Tranh lụa Việt Nam không đứng riêng mà là có nét riêng, mang đậm cảm thức và phong cách sống của văn hoá dân tộc.
Nhưng lụa sẽ chỉ mãi mãi là ký ức vọng về từ truyền thống nếu không có cuộc tái sinh trở lại vào nền mỹ thuật dân tộc được diễn ra từ những năm 30 của thế kỷ này. Chính trong bầu không khí đặc nghẽn những xu hướng mới đến từ cuộc tương hợp Đông - Tây, nền mỹ thuật dân tộc đang náo nức trước chất liệu mới: sơn dầu, những tưởng chất liệu lụa truyền thống đã mất hẳn chỗ đứng trong cuộc sống hiện đại thì ngược lại, đã có một cuộc tái sinh. Có lẽ những trở mình chật vật trong từng con người và sự thành hình một cái nhìn về thế giới đã vừa là cơ sở cho một không gian tạo hình mới, vừa đánh thức những thức nhận về truyền thống để có được một lần hồi sinh. Từ Nguyễn Phan Chánh rồi Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị... đã thực sự hồi sinh cho lụa.

Hãy bắt đầu từ Nguyễn Phan Chánh.
Nền nã và bình dị làm một người nhà quê trong nghệ thuật hiện đại với: Chơi ô ăn quan, Lên đồng, Rửa rau cầu ao, Em bé cho chim ăn... từ những bài học trong nhà trường về lối tạo hình trên sơn dầu, áp dụng phép viễn cận của hội hoạ cổ điển Âu châu, Nguyễn Phan Chánh đi vào tranh lụa. Ở tuổi 39, 40 của đời mình, Nguyễn Phan Chánh đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp nghệ thuật và tạo lập một bước ngoặt quan trọng cho nghệ thuật tranh lụa Việt . Bình tĩnh và tự trọng để là mình qua tiếng vọng gián tiếp của thời gian và hồi tưởng - một quãng lùi mơ hồ để Nguyễn Phan Chánh là Nguyễn Phan Chánh. Tôn phẩm chất của lụa, cái vẻ trắng ngà óng ả và tươi mát qua chất da thịt mịn màng của người phụ nữ và gam màu nâu đen đậm đà, thô mộc qua bố cục theo lối bố cục tranh giá vẽ của Châu Âu, gần với tự nhiên của mắt nhìn hơn tranh lụa truyền thống, Nguyễn Phan Chánh đã dồn hết cái "tâm chất tinh thần" của mình bừng sáng trên lụa và cho lụa để tạo thành "thời cổ điển của Nguyễn Phan Chánh" (Chữ của Thái Bá Vân). Để rồi nửa thế kỷ sau đó, cho dù ông có cố gắng để lăn mình vào hiện thực, đằm trong xóm làng quê hương, trau dồi lại hình hoạ hàn lâm, bồng bềnh theo những cảm xúc mới với đĩa màu trở nên xanh non và nâu non thì cũng không thể nào tìm thấy lại sự thăng bằng cổ điển ấy - "Không có hai mùa xuân trong một đời người", Văn Cao chẳng đã từng nói vậy.
Từ Nguyễn Phan Chánh nền nã, bình dị; thiều quang Lê Phổ ở thời kỳ cổ điển (từ 1934 đến 1945) với Người thiếu phụ ngồi, Chim ngói... ảnh hưởng nhiều của hội hoạ Đường - Tống với nét bút thanh thoát, mềm mại; vừa mong manh, tế nhị, vừa lạnh lùng, chay tịnh qua độc sắc; Lê Thị Lựu êm dịu ánh sáng, nhẹ nhàng sắc màu, mềm mại trong nét bút; rồi Nguyễn Thụ, Kim Bạch, Lương Xuân Đoàn... với nhiều tìm tòi đã tạo cho tranh lụa Việt Nam những bước đi song hành cùng thời đại và là hiện tại với nghệ thuật.
Đi trọn đến cuối con đường, lụa, qua ba lần thấu nhập vào cõi người, ba lần phô diễn những khả năng của chất liệu. Đặt một nét bút trên lụa, nét bút đi êm và ngọt, mảng màu thấm nước và loang vừa độ. Lụa vốn mang sẵn cái đẹp nõn nà, óng chuốt và thanh nhẹ như tạng chất Á Đông, khác biệt với chất đặc sánh của sơn dầu, bản chất lộng lẫy và huyền thoại của sơn mài. Màu sắc tranh lụa không chói chang về sắc độ, không đối chọi nhau mà mảng màu phải nhẹ đi, đến nỗi cái sắc trắng tinh, vô bản sắc cũng phải thấm nhẹ một màu nâu hay lam nhạt. Và chính như thế lại càng tạo trong người thưởng ngoạn những cảm giác về sắc trắng thật, tinh khôi chứ không phải là cái màu trắng tinh những vô bản sắc. Yêu tha thiết cái cuộc sống giản dị và êm ái, nồng nàn trong vẻ bề ngoài giản đơn và u tịch, thế giới phiếm định của lụa không là thực mà được gián tiếp hoá. Phiếm định không gian, phiếm định thời gian, không gian của lụa không dung hiện thực của mắt nhìn, cũng không nuốt trôi mọi táo tợn trong thể nghiệm, nó chỉ đón nhận những tâm hồn an bằng, trọn lòng cho nghệ thuật. Bởi thế, các họa sĩ trẻ hôm nay không thật gần với lụa. Mê mải trong những thể nghiệm của hình và sắc trong sơn dầu hay lăn lộn để mở ra cho sơn mài một phổ màu rộng hơn nhưng ít người trong họ mặn lòng để thức nhận những thế mạnh của chất liệu lụa. Các cuộc triển lãm gần đây có thật ít những tranh lụa thành công.
Để tìm thấy lại một mùa cổ điển cho lụa, liệu ta còn có thể mong chờ một cuộc nhập thân với những tao ngộ mới chăng? Điều này không hoàn toàn là viễn tưởng. Bởi một chất liệu đã có truyền thống trong nền mĩ thuật dân tộc với những thế mạnh đã được khẳng định so với các chất liệu khác, tranh lụa ẩn chứa một trạng thái của linh hồn dân tộc thì chất liệu đó sẽ không bao giờ là lạc hậu với thời đại. Hơn thế, khi mà những tiến bộ kỹ thuật của nền văn minh kĩ trị đang dần đưa con người rời xa với tự nhiên thì lụa với bẩm chất tự nhiên, vừa thô mộc, vừa sang trọng hoàn toàn có thể tìm thấy chỗ đứng của mình. Chỉ có những con người đang bất lực trước ngôn ngữ của chất liệu.
L.V.T

(nguồn: TCSH số 162 - 08 - 2002)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TUỆ NGỌC

    Lê Anh Hoài là người thực hành nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực như văn học, hội họa, trình diễn...

  • LÊ HUỲNH LÂM

    "Nghệ thuật không phải là vẽ lại các đồ vật, con người mà họa sĩ thấy. Nghệ thuật phải là sáng tạo nên các đồ vật, con người không thấy được."(Paul Klee)

  • LÊ HUỲNH LÂM

    Tánh nước vốn vô hình và mềm mại. Nhưng nước lại có quyền năng biến hiện và tùy duyên hóa thân thành mọi vật, có khi là đám mây, khi là cơn mưa, có khi làm ngọn sóng cao vút nhấn chìm mọi vật, có lúc là những đợt sóng êm đềm, là dòng sông, con suối, là thác ghềnh, là biển cả bao la,... lại có khi là giọt lệ trên khóe mắt con người. Tuy nước rất mềm mại nhưng sức mạnh của nước có thể xô ngã mọi tượng đài tưởng chừng là thường hằng ở mặt đất này.

  • LÊ HUỲNH LÂM

    Sản phẩm từ cái khuôn mẫu đầu tiên đã đặt định con người trong thế bị động, và từ khởi thủy đầy hư cấu và huyền thoại đó bao nhiêu trí tưởng tượng đã được tạo dựng, việc chế tác một khuôn mẫu mới cho con người đã được đề cập đến nhiều lần.

  • Nhiều điều bí ẩn giấu đằng sau những chi tiết có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong bức tranh "Susanna and the Elders" (Susanna và các Trưởng lão) của họa sỹ nổi tiếng thế giới người Hà Lan Rembrandt van Rijn vừa được công bố trên tạp chí Khoa học Vật liệu và Chế tạo số ra mới đây.

  • Các tác phẩm chọn lọc của thế hệ các nghệ sỹ trẻ Đức sẽ được quy tụ và giới thiệu đến công chúng thủ đô Hà Nội trong không gian triển lãm “Hội họa mới từ Đức,” khai mạc vào 17 giờ ngày 14/05 và trưng bày tới hết ngày 31/05, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học.

  • LTS: Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh ngày 27/6/1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông đã ra đi vào ngày 7/3 tại Thủ đô Paris nước Pháp, để lại dự án dang dở đáng tiếc về “một bức tranh rất lớn nằm ngửa trên mặt đất”, ước mong góp phần cho Huế trở nên một Kinh đô Mỹ thuật.
    Sông Hương giới thiệu “lời chia buồn sâu sắc” đọc trong Lễ tưởng niệm họa sĩ Lê Bá Đảng của tỉnh Thừa thiên Huế vào chiều 9/3 tại Trung tâm Nghệ thuật mang tên ông.

  • Đối với họa sĩ, để đi đến trừu tượng hay trạng thái “không gì cả”, anh ta đã phải cần đến rất nhiều thứ.

  • LÊ MINH PHONG

    (Nhân đọc Van Gogh của David Haziot, Phan Hồng Hạnh chuyển ngữ, Nxb. Đà Nẵng, 2014)

  • ...Nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa ảo giác (illusionist) đều xem nhẹ phương tiện, chúng dùng nghệ thuật để che giấu nghệ thuật. Chủ nghĩa hiện đại lại dùng nghệ thuật để thu hút sự chú ý vào nghệ thuật.

  • “Từ mô phỏng đến phá hủy tự nhiên”: đây hoàn toàn có thể là nhan đề của một lịch sử nghệ thuật phương Tây. Một trong những nghệ sĩ hiện đại quan trọng nhất, và cũng có lẽ hiền minh nhất, Picasso, có nói: nếu chúng ta không thể thoát khỏi tự nhiên, như một số nghệ sĩ tiền bối và đương thời với ông đang cố gắng một cách vô ích, thì ít nhất chúng ta có thể làm biến dạng nó, phá hủy nó. Về cơ bản, đó chính là một hình thức mới của lòng sùng kính tự nhiên...

  • Năm mới là thời điểm của những tiệc tùng liên miên. Hội họa từ lâu đã rất quan tâm tới chủ đề này. Hãy cùng nhìn lại những bữa tiệc linh đình, nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa.

  • Trong tiếng Hy Lạp cổ, từ chỉ “nghệ thuật” là techne, chính là nguồn gốc của các từ technique (kĩ thuật) và technology (công nghệ) - những thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong cả ngành khoa học và nghệ thuật. Nhìn vào hội họa thế kỷ 19, ta nhận thấy các họa sĩ thực sự là những kỹ sư ánh sáng và màu sắc tài tình.

  • Một ngày nọ, khi vẽ một thiếu nữ, tôi chợt nhận ra điểm duy nhất sống động ấy là ánh nhìn như bất động của nàng. Những thứ còn lại có ý nghĩa không hơn gì cái sọ người. Người ta luôn muốn tạc nên một con người sống, nhưng điều khiến pho tượng ấy có sự sống chỉ có thể là ánh nhìn của người đó.

  • Các nghệ sĩ nữ thường là bộ phận ngoại vi trong những mô tả về tiến trình lịch sử, không chỉ của hội họa mà còn của nhiều loại hình nghệ thuật khác. Nhưng thực sự chính từ những nghệ sĩ nữ, những ý tưởng nghệ thuật táo báo, đột phá nhất, gây ảnh hưởng lớn thường được khai sinh. Ba nghệ sĩ nữ được giới thiệu trong chùm bài viết này đã cho thấy sự trực cảm, tinh nhạy và quyết liệt ở họ đã mở ra những cách tiếp cận nghệ thuật bất ngờ và giàu sức sống cho đến tận bây giờ.

  • Sau nhiều thập niên tồn tại vô danh, La Bella Principessa đang trải nhiều công đoạn đánh giá phức tạp nhằm xác định liệu nó là tác phẩm mất tích của Leonardo da Vinci hay chỉ là kẻ mạo danh.

  • Vào những năm 1970, bức tranh sơn dầu (về sau được gọi tên là Bình văn) được tìm thấy trong ngôi nhà của một người dân ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Bức tranh được cho là do Lê Văn Miến (Lê Huy Miến), họa sĩ Tây học đầu tiên người VN, vẽ nên nhưng một số phát hiện vừa qua lại dấy lên giả thiết mới.

  • Tôi quen với họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Hè từ những năm anh còn là sinh viên trường Đại học Nghệ thuật Huế. Cà phê vỉa hè ở đường Phạm Hồng Thái là nơi chúng tôi thường gặp gỡ chuyện trò vào những chiều cuối tuần. Hè có một đời sống nội tâm hết sức mạnh mẽ nhưng ứng xử vô cùng nhẹ nhàng và kín đáo.