ĐÔNG HÀ
Tôi không biết từ đâu, tôi lại tha thiết yêu những câu hát đẹp như mơ được cất lên từ chị, có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em đã nương theo vào đời làm từng nỗi ưu phiền…
Ảnh: internet
Đó có thể là tiếng hát từ những tháng năm thời trẻ tuổi, tôi đã được nghe dưới vòm xanh vô ưu trên con đường Long não đi về giữa tiếng chuông ngân. Đã có một lần, nơi ngôi nhà xanh trên con đường đó, tôi đã thảng thốt nghe những dòng chữ nhảy nhót dưới những trang sách vàng nâu dại dột gọi tên mình, khi tựa vào kệ sách Người hái phù dung ngẩng đầu nhìn ra bắt gặp ánh chớp đôi mắt từ thiên thu gọi.
Buổi đó, tôi biết căn gác khô gầy ấy, là nơi trú ngụ của những tâm hồn nghệ sĩ của một thời giờ trở thành yêu mến của biết bao người còn mong muốn gìn giữ ký ức vàng son.
Nhưng âm nhạc Trịnh Công Sơn với tôi, phải từ một nơi đầy hoa cỏ may, đầy gió bụi, đầy cát bay và nắng chao chát trong quán nhỏ trên một ngọn đồi có tên Cheo Leo xứ gió Lào bụi đỏ của những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Nơi đó, tôi đã trải qua thời của những bông hoa vàng mỏng manh cuối trời để nghe những lời chia tay thật hiền, thật dịu dàng, thật buồn và thật hồn nhiên ở quãng tuổi đời chưa vướng bụi. Và những năm tháng ấy, thế hệ chúng tôi lớn lên cùng âm nhạc của anh, lấy thanh âm làm niềm đắm đuối vô biên, lấy lời ca làm mật ngọt đời mình, để sống an bình và hạnh phúc trong cái nghèo khổ mà sao mỗi ngày mới đến là một nỗi hân hoan.
Trong những tháng ngày ấy, mỗi hiện hữu trần gian là một “ở trọ” kiếp người nương nhờ âm thanh của con người tài hoa ấy đã tạo khởi. Mỗi lời anh nói, mỗi dòng tâm sự trên những cuốn tạp chí, hay trong những lời phi lộ ngắn ngủi trong những cuốn băng cát-xét xưa cũ, luôn đưa đến cho người nghe những ân cần nồng ấm và an nhiên tự tại trong dòng thác vui buồn đời người cát bụi. Lạ lùng, chỉ vài câu nói của anh, và sau đó, âm nhạc cất lên, đủ làm ấm áp và ngập tràn yêu thương về trong căn buồng tim người cô đơn lộng lẫy của chính mình. Tôi gọi đó là những hạt thuốc ngọt lành dỗ cơn đau đắng chát tự tâm. Mỗi niềm vui, nỗi buồn tự tâm mình khởi sự, không ai có thể đến cùng an ủi, sẻ chia. Nhưng âm nhạc Trịnh Công Sơn, hay đúng hơn là những lời tâm tình rứt ruột của anh, lại đi vào vùng mờ của những cơn đau làm lành được nỗi niềm tự tính đó. Là những hạt thuốc được viên thành tự trong những căn nguyên nỗi niềm của chính mỗi người trong cuộc đời này mà thôi. Lạ lùng thay, nỗi niềm của ai, cũng thấy âm nhạc của anh chờ sẵn đó, để lặn vào, để sẻ chia, ủi an và “chìm xuống cơn đau” hay vào “mãi thiên thu” cùng riêng nỗi mỗi hạt cát nhỏ nhoi mà tận tụy của đời này.
Tôi đã nghe tiếng hát của anh, vào những năm tháng khó khăn của đời người, và nhận được thật nhiều yêu thương chỉ từ thanh âm vang lên trong căn nhà gỗ một mình cô độc. Ở đó, tôi nghe tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng mưa đêm thiết tha, tiếng con thạch sùng rượt đuổi nhau tí tách, tiếng chân loài bò sát quẫy mình trên lá khô, và con đường xa ngái phận người mở ra trong tâm trí một đứa bé mồ côi hóng mẹ vang lên bởi tiếng hát rát bỏng xót xa của Khánh Ly dội vào lòng đêm xát muối, mẹ bỏ con đi đường xa vạn dặm, đường xa vạn dặm mẹ bỏ con đi… Tôi đã nghe con đường dài biết mấy, xa thăm thẳm và cái rứt ruột đớn đau của sự chia lìa… Tôi tưởng mình đã lịm đi trong tiếng hát khô gầy và mong manh kia. Nhưng âm nhạc của anh, luôn luôn, bên cạnh nỗi buồn thiết tha, là niềm cứu rỗi dịu dàng hiện hữu, để khi tận cùng vực sâu người nghe lại được an ủi từ những lời nói thiết tha ân cần, đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng…
Có bao giờ bạn gặp một người xa lạ, mà người đó đủ sức nhấn bạn xuống vực thẳm cô đơn lòng mình rồi lại kéo bạn dậy sững sững đối diện cùng nỗi buồn của mình để nhận ra cái cô độc của mình đang phản tư cái tôi lộng lẫy riêng bạn nhận biết cho chính mình không? Trong hành trình đơn độc của mình, những lúc rơi xuống vực sâu, tôi lại được tiếng hát của loài liêu trai đưa tôi lên và quay lại cuộc đời, trong nỗi huy hoàng rực rỡ của những nỗi buồn kết tủa lại, để vui buồn với chính mình như một ân sủng trời trao, trong từng nốt nhạc, trong từng hạt thanh âm rơi xuống trái tim mình.
Và tôi nhận ra, âm nhạc Trịnh Công Sơn thường nói về niềm vui sau cái chết. Đó là niềm vui được trở về với Mẹ. Chữ Mẹ viết hoa đẹp nhất trong đời này mà tôi cứ đồ rằng, khi chạm đến chữ này, anh bao giờ cũng đã mỉm cười. Đề tài về tình yêu, thân phận và con người rộng lớn hiện diện trong nhạc của anh thật nhiều và bao khắp, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy tất cả những điều đó đều nằm trong sự phủ trùm của tâm tình Mẹ. Tôi vẫn thấy người Mẹ ấy đang ôm con, đang lau sạch những nát tan con mình mà vỗ về ôm vào lòng những yêu thương còn sót lại trên đời này riêng dành cho mẹ. Bao giờ, khi âm nhạc của anh đến những thanh âm này vang lên trong đêm thẳm, tôi lại nhớ về câu thơ trong lời đề từ một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Trần Nhã Thụy, “Có bao nhiêu nát tan/ Đội cả lên đầu mà Hát”. Và lúc này, niềm vui không phải chỉ là niềm vui, nỗi buồn không chỉ là nỗi buồn. Mà chính “buồn vui kia là một”, là xem như “phút đó tình cờ”.
Mà suy cho cùng đời này, có gì đến, đi, xuất hiện, biến mất, khởi tạo, rốt sau… đều không phải là sự “tình cờ” đâu!
Như một lời thơ tinh khôi anh đã từng viết đâu đó, để sau này muôn người hát lên: “Trăm năm ở đậu ngàn năm/ Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn/ Ơ hay là một vòng xinh/ Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời”. Trăm năm hay ngàn năm, buồn hay vui, hạnh phúc hay đau khổ… cũng chỉ trong một vòng xinh giữa nhân gian này. Và con người ấy, đã biết mình ở trọ, thì hai chữ lênh đênh giữa đời cũng là một quê hương neo đậu riêng trong trái tim tâm tưởng mình đó thôi. Để cho những người như tôi, dẫu tuổi đời vừa xanh hay tóc mình chớm bạc hoặc mai này mắt hiền ngóng núi, vẫn được sống trong những âm thanh thật hiền, thật buồn nhưng vẫn lộng lẫy yêu thương mà người nhạc sĩ tài hoa đẫm tình ấy đã để lại cho đời, cho mỗi ngày được đi về trên xanh lối vô ưu tấm lòng mình.
Dù chốn trọ ơ hờ này, thiên hạ đã tiếc thương người vắng bóng hai mươi năm.
Đ.H
(TCSH386/04-2021)
Sau khi hoàn tất bản thảo tập thơ Độc Hành thì nhà thơ Hải Bằng cũng “độc hành” về chốn vĩnh hằng vào ngày 7 tháng 7 năm 1998.
CÁT LÂM
Bình đẳng giới, nữ quyền, những vấn đề tưởng như mới mẻ ở nước ta nhưng thực chất vấn đề này đã được luận bàn từ những năm đầu của thế kỷ XX.
NGUYỄN QUANG HÀ
Ghi chép
Trước, và ngay cả khi vừa giải phóng, vào lúc gần tối, nếu có một người khách nào đón đường gọi xe thồ, xe xích lô xin về làng Thế Lại, thì sẽ bị chủ xe lắc đầu ngay. Bởi chủ xe sợ một điều này: có đi mà không có về. Hoặc ít nhất là cũng về hai tay trắng.
NGUYỄN QUANG HÀ
Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Quảng Điền ở mãi dưới sâu, phải mượn địa bàn của xã Phong Sơn huyện Phong Điền làm chiến khu.
NGUYỄN QUANG HÀ
Ngoảnh đi ngoảnh lại, vừa mới đó, vậy mà đã 100 số Sông Hương trình làng.
PHẠM HỮU THU
Ghi chép
Ngót nửa thế kỷ trôi qua, từ những chàng trai, cô gái giờ họ đã là những ông, những bà.
NGUYỄN QUANG HÀ
Hồi ký
NGUYỄN QUANG HÀ
Năm 1947 có hai chiến sĩ được cử về công tác tại chiến khu Ba Lòng. Đó là Trần Quốc Tiến, quê Quảng Trị và Hải Bằng, quê Thừa Thiên.
BẠCH DIỆP
Bút ký
Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ hàng. Khi bọn trẻ cùng lứa đánh khăng tập trận, chạy băng vườn cải mụ Tép, vượt rào bứt dưa hấu nhà ông Phường, phá nát ụ rơm cậu Dưỡng, thì tôi vẫn ngồi yên nghe ngoại kể chuyện. Chỉ có trò họp chợ, chơi mua bán với các dì mới rứt tôi ra khỏi ngoại.
NGUYỄN QUANG HÀ
Hồi ký
Mùa mưa 1968 là mùa mưa nghiệt ngã nhất. Sau trận càn lớn chưa từng có lên miền tây Thừa Thiên, địch tiếp tục phong tỏa miền núi bằng biệt kích.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Ghi chép
Từ mùa xuân năm ấy đến nay vừa tròn 30 năm, chẳng phải vì con số tròn ba thập kỷ mà tôi nhắc lại chuyện cũ. Chỉ vì từ mùa xuân năm ấy, cuộc đời tôi có một bước ngoặt mới và nhờ có mùa xuân năm ấy, cuốn sách đầu tay của tôi đã ra đời.
HỒ THANH THOAN
Đã gần 34 năm nay chúng ta không còn nghe đến tên Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên nữa, chuyện đã trở về dĩ vãng của một thời vàng son.
CHÂU PHÙ
Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1881 - 1968) sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Huế, tinh thông Nho học và chữ Pháp. Cụ cùng Ưng Bình Thúc Giạ Thị thành lập Hương Bình thi xã và giữ vai trò phó soái của thi xã này.
LỆ HẰNG
Bút ký dự thi
"Bánh lọc em ơi! Bánh mới hấp xong, nóng hổi luôn nì, lấy giùm chị ít chục hí?”
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Mấy năm trước, trong dịp cùng lên thăm vườn An Hiên của bà Nguyễn Đình Chi, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã giới thiệu cho tôi biết cụ Sa Giang Đào Thái Hanh (thân phụ của bà Nguyễn Đình Chi, tức bà Đào Thị Xuân Yến) có tập thơ "Ái Châu danh thắng" (trong "Mộng Châu thi tập") được các danh nho đương thời đánh giá rất cao.
NGUYỄN QUANG HÀ
Bút ký
BẠCH DIỆP
Bút ký dự thi
Tôi uống chậm, từng ngụm nhỏ.
VIỆT HÙNG
Ký
Tuổi hai mươi tràn trề hoài bão lớn và tuổi hai mươi... Ở thời đại nào cũng được coi là lứa tuổi hồn nhiên trong sáng, ấp ủ bầu nhiệt huyết, khát khao làm được cái gì có ích cho đời.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Ghi chép
Trời bỗng nhiên mưa, những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa rét đậm. Với tôi, hình như mưa bao giờ cũng là cánh cửa mở cho những vũ khúc hoài niệm ùa về.
LỆ HẰNG
Bút ký dự thi
“Thấu Huế rồi.”