ĐÔNG HÀ
Tôi không biết từ đâu, tôi lại tha thiết yêu những câu hát đẹp như mơ được cất lên từ chị, có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em đã nương theo vào đời làm từng nỗi ưu phiền…
Ảnh: internet
Đó có thể là tiếng hát từ những tháng năm thời trẻ tuổi, tôi đã được nghe dưới vòm xanh vô ưu trên con đường Long não đi về giữa tiếng chuông ngân. Đã có một lần, nơi ngôi nhà xanh trên con đường đó, tôi đã thảng thốt nghe những dòng chữ nhảy nhót dưới những trang sách vàng nâu dại dột gọi tên mình, khi tựa vào kệ sách Người hái phù dung ngẩng đầu nhìn ra bắt gặp ánh chớp đôi mắt từ thiên thu gọi.
Buổi đó, tôi biết căn gác khô gầy ấy, là nơi trú ngụ của những tâm hồn nghệ sĩ của một thời giờ trở thành yêu mến của biết bao người còn mong muốn gìn giữ ký ức vàng son.
Nhưng âm nhạc Trịnh Công Sơn với tôi, phải từ một nơi đầy hoa cỏ may, đầy gió bụi, đầy cát bay và nắng chao chát trong quán nhỏ trên một ngọn đồi có tên Cheo Leo xứ gió Lào bụi đỏ của những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Nơi đó, tôi đã trải qua thời của những bông hoa vàng mỏng manh cuối trời để nghe những lời chia tay thật hiền, thật dịu dàng, thật buồn và thật hồn nhiên ở quãng tuổi đời chưa vướng bụi. Và những năm tháng ấy, thế hệ chúng tôi lớn lên cùng âm nhạc của anh, lấy thanh âm làm niềm đắm đuối vô biên, lấy lời ca làm mật ngọt đời mình, để sống an bình và hạnh phúc trong cái nghèo khổ mà sao mỗi ngày mới đến là một nỗi hân hoan.
Trong những tháng ngày ấy, mỗi hiện hữu trần gian là một “ở trọ” kiếp người nương nhờ âm thanh của con người tài hoa ấy đã tạo khởi. Mỗi lời anh nói, mỗi dòng tâm sự trên những cuốn tạp chí, hay trong những lời phi lộ ngắn ngủi trong những cuốn băng cát-xét xưa cũ, luôn đưa đến cho người nghe những ân cần nồng ấm và an nhiên tự tại trong dòng thác vui buồn đời người cát bụi. Lạ lùng, chỉ vài câu nói của anh, và sau đó, âm nhạc cất lên, đủ làm ấm áp và ngập tràn yêu thương về trong căn buồng tim người cô đơn lộng lẫy của chính mình. Tôi gọi đó là những hạt thuốc ngọt lành dỗ cơn đau đắng chát tự tâm. Mỗi niềm vui, nỗi buồn tự tâm mình khởi sự, không ai có thể đến cùng an ủi, sẻ chia. Nhưng âm nhạc Trịnh Công Sơn, hay đúng hơn là những lời tâm tình rứt ruột của anh, lại đi vào vùng mờ của những cơn đau làm lành được nỗi niềm tự tính đó. Là những hạt thuốc được viên thành tự trong những căn nguyên nỗi niềm của chính mỗi người trong cuộc đời này mà thôi. Lạ lùng thay, nỗi niềm của ai, cũng thấy âm nhạc của anh chờ sẵn đó, để lặn vào, để sẻ chia, ủi an và “chìm xuống cơn đau” hay vào “mãi thiên thu” cùng riêng nỗi mỗi hạt cát nhỏ nhoi mà tận tụy của đời này.
Tôi đã nghe tiếng hát của anh, vào những năm tháng khó khăn của đời người, và nhận được thật nhiều yêu thương chỉ từ thanh âm vang lên trong căn nhà gỗ một mình cô độc. Ở đó, tôi nghe tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng mưa đêm thiết tha, tiếng con thạch sùng rượt đuổi nhau tí tách, tiếng chân loài bò sát quẫy mình trên lá khô, và con đường xa ngái phận người mở ra trong tâm trí một đứa bé mồ côi hóng mẹ vang lên bởi tiếng hát rát bỏng xót xa của Khánh Ly dội vào lòng đêm xát muối, mẹ bỏ con đi đường xa vạn dặm, đường xa vạn dặm mẹ bỏ con đi… Tôi đã nghe con đường dài biết mấy, xa thăm thẳm và cái rứt ruột đớn đau của sự chia lìa… Tôi tưởng mình đã lịm đi trong tiếng hát khô gầy và mong manh kia. Nhưng âm nhạc của anh, luôn luôn, bên cạnh nỗi buồn thiết tha, là niềm cứu rỗi dịu dàng hiện hữu, để khi tận cùng vực sâu người nghe lại được an ủi từ những lời nói thiết tha ân cần, đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng…
Có bao giờ bạn gặp một người xa lạ, mà người đó đủ sức nhấn bạn xuống vực thẳm cô đơn lòng mình rồi lại kéo bạn dậy sững sững đối diện cùng nỗi buồn của mình để nhận ra cái cô độc của mình đang phản tư cái tôi lộng lẫy riêng bạn nhận biết cho chính mình không? Trong hành trình đơn độc của mình, những lúc rơi xuống vực sâu, tôi lại được tiếng hát của loài liêu trai đưa tôi lên và quay lại cuộc đời, trong nỗi huy hoàng rực rỡ của những nỗi buồn kết tủa lại, để vui buồn với chính mình như một ân sủng trời trao, trong từng nốt nhạc, trong từng hạt thanh âm rơi xuống trái tim mình.
Và tôi nhận ra, âm nhạc Trịnh Công Sơn thường nói về niềm vui sau cái chết. Đó là niềm vui được trở về với Mẹ. Chữ Mẹ viết hoa đẹp nhất trong đời này mà tôi cứ đồ rằng, khi chạm đến chữ này, anh bao giờ cũng đã mỉm cười. Đề tài về tình yêu, thân phận và con người rộng lớn hiện diện trong nhạc của anh thật nhiều và bao khắp, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy tất cả những điều đó đều nằm trong sự phủ trùm của tâm tình Mẹ. Tôi vẫn thấy người Mẹ ấy đang ôm con, đang lau sạch những nát tan con mình mà vỗ về ôm vào lòng những yêu thương còn sót lại trên đời này riêng dành cho mẹ. Bao giờ, khi âm nhạc của anh đến những thanh âm này vang lên trong đêm thẳm, tôi lại nhớ về câu thơ trong lời đề từ một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Trần Nhã Thụy, “Có bao nhiêu nát tan/ Đội cả lên đầu mà Hát”. Và lúc này, niềm vui không phải chỉ là niềm vui, nỗi buồn không chỉ là nỗi buồn. Mà chính “buồn vui kia là một”, là xem như “phút đó tình cờ”.
Mà suy cho cùng đời này, có gì đến, đi, xuất hiện, biến mất, khởi tạo, rốt sau… đều không phải là sự “tình cờ” đâu!
Như một lời thơ tinh khôi anh đã từng viết đâu đó, để sau này muôn người hát lên: “Trăm năm ở đậu ngàn năm/ Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn/ Ơ hay là một vòng xinh/ Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời”. Trăm năm hay ngàn năm, buồn hay vui, hạnh phúc hay đau khổ… cũng chỉ trong một vòng xinh giữa nhân gian này. Và con người ấy, đã biết mình ở trọ, thì hai chữ lênh đênh giữa đời cũng là một quê hương neo đậu riêng trong trái tim tâm tưởng mình đó thôi. Để cho những người như tôi, dẫu tuổi đời vừa xanh hay tóc mình chớm bạc hoặc mai này mắt hiền ngóng núi, vẫn được sống trong những âm thanh thật hiền, thật buồn nhưng vẫn lộng lẫy yêu thương mà người nhạc sĩ tài hoa đẫm tình ấy đã để lại cho đời, cho mỗi ngày được đi về trên xanh lối vô ưu tấm lòng mình.
Dù chốn trọ ơ hờ này, thiên hạ đã tiếc thương người vắng bóng hai mươi năm.
Đ.H
(TCSH386/04-2021)
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020)
MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN
PHI TÂN
Làng Đại Lộc quê tôi cách biển không xa, nhưng người làng tôi không một ai biết đi biển đánh cá. Nghề đi biển là của những người đàn ông làng biển.
LÊ QUỐC HÁN
Huy Cận (31/5/1919 - 19/2/2005) là một trong những nhà thơ xuất sắc trong phong trào Thơ Mới (1939 - 1945). Nhiều nhà phê bình xếp ông cùng với Xuân Diệu, Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử vào hàng “tứ bất tử” trong thi ca Việt Nam của thời kỳ này.
BÙI KIM CHI
Tôi rời trường xưa, Đại học Sư phạm Huế chạm ngưỡng 50 năm. Bàng hoàng. Xao xuyến. Thuở vàng son của những tháng năm cũ vẫn lặng lẽ theo tôi, giao cảm tuyệt vời.
NGUYỄN XUÂN HOA
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Sáu chục năm trước, tôi chỉ là người hoạt động văn nghệ “tay trái”, vì “tay phải” còn lo làm công ăn lương. Sau khi rời ngành giao thông 1974 cho đến lúc về hưu năm 1999, thì làm văn nghệ cả hai tay!
DƯƠNG PHƯỚC THU
Theo báo Quyết Chiến, Cơ quan Thành bộ Việt Minh Thuận Hóa, về sau là của Việt Minh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên), do nhà báo Vĩnh Mai (bí danh và cũng là bút danh của Nguyễn Hoàng) làm chủ bút; các nhà báo Nguyễn Đức Phiên, Vĩnh Hòa, Nguyễn Cửu Kiếm kế nhau làm quản lý và trị sự.
TRẦN NGUYÊN HÀO
Bác Hồ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, là người sáng lập và linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên trong lịch sử báo chí ở nước ta và trên thế giới.
Kỷ Niệm 130 Năm Ngày Sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020)
VÕ VÂN ĐÌNH
PHẠM XUÂN PHỤNG
Về quê mẹ là về quê nội của mạ mình, tức là làng Tân Xuân Lai thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Còn “Quê Mẹ” là nhan đề một bài thơ của Tố Hữu viết về quê hương mình (cả quê nội lẫn quê ngoại), mà địa danh đại diện trong bài là Huế: “Huế ơi! Quê mẹ của ta ơi!”
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020)
PHONG LÊ
ĐÔNG HÀ
Người ta mỗi ngày thường hay nhìn tới để đi, nhưng cũng nhiều lúc, chọn cho mình một góc riêng tư, lại thường nhớ về những nỗi nhớ.
XUÂN CỬU
Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế
BÙI HIỂN
Giữa năm 1949, lúc ấy tôi đang là ủy viên kiểm tra sở thông tin tuyên truyền liên khu IV, ông Hải Triều gợi ý tôi nên đi công tác một chuyến vào vùng tạm chiếm Bình Trị Thiên.
LÊ QUANG THÁI
Nhà thơ Nguyễn Khoa Vy (1881-1968) ở làng An Cựu, phủ Thừa Thiên, bút hiệu Thảo Am, đã sáng tác bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú theo hạn mỗi câu có tên một con thú.
ĐỖ QUÝ DÂN
Có lẽ tất cả những ai lớn lên ở Việt Nam đều biết đến nước mắm. Và đây chỉ là một câu chuyện. Một câu chuyện có chút liên quan đến nước mắm. Câu chuyện này cũng liên quan đến một người đàn bà được hoặc bị người ta gán cho cái tên Nước Mắm, hoặc Mắm, nếu người ta lười, chỉ muốn dùng một chữ để cho tiện gọi tên.
HỒ NGỌC DIỆP
Rất nhiều nhà viết sử, làm văn ao ước một lần được Bác Hồ tiết lộ một chút đời tư, nhưng may mắn đó chỉ thuộc về một người, đó là cố Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn Sơn Tùng.
CHÍ QUANG
Tết Nguyên đán là ngày lễ hội lớn nhất trong năm của toàn dân tộc. Những nghi lễ, tập tục ngày Tết biểu hiện đậm nét văn hóa Việt Nam, chứa đựng tổng thể văn hóa tâm linh, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa nghệ thuật trong đời sống.
PHẠM THỊ CÚC
Chú tên là Đô, người làng Thanh Thủy, nhưng không phải làng Thanh Thủy Chánh có Cầu Ngói, mà là Thanh Thủy Thượng, bây giờ gọi là Thủy Dương, cùng quê với nhà thơ Phùng Quán. Chú không phải là nhà thơ nên ngất ngưỡng kiểu khác, đặc biệt hơn.