ĐÔNG HÀ
Tôi không biết từ đâu, tôi lại tha thiết yêu những câu hát đẹp như mơ được cất lên từ chị, có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em đã nương theo vào đời làm từng nỗi ưu phiền…
Ảnh: internet
Đó có thể là tiếng hát từ những tháng năm thời trẻ tuổi, tôi đã được nghe dưới vòm xanh vô ưu trên con đường Long não đi về giữa tiếng chuông ngân. Đã có một lần, nơi ngôi nhà xanh trên con đường đó, tôi đã thảng thốt nghe những dòng chữ nhảy nhót dưới những trang sách vàng nâu dại dột gọi tên mình, khi tựa vào kệ sách Người hái phù dung ngẩng đầu nhìn ra bắt gặp ánh chớp đôi mắt từ thiên thu gọi.
Buổi đó, tôi biết căn gác khô gầy ấy, là nơi trú ngụ của những tâm hồn nghệ sĩ của một thời giờ trở thành yêu mến của biết bao người còn mong muốn gìn giữ ký ức vàng son.
Nhưng âm nhạc Trịnh Công Sơn với tôi, phải từ một nơi đầy hoa cỏ may, đầy gió bụi, đầy cát bay và nắng chao chát trong quán nhỏ trên một ngọn đồi có tên Cheo Leo xứ gió Lào bụi đỏ của những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Nơi đó, tôi đã trải qua thời của những bông hoa vàng mỏng manh cuối trời để nghe những lời chia tay thật hiền, thật dịu dàng, thật buồn và thật hồn nhiên ở quãng tuổi đời chưa vướng bụi. Và những năm tháng ấy, thế hệ chúng tôi lớn lên cùng âm nhạc của anh, lấy thanh âm làm niềm đắm đuối vô biên, lấy lời ca làm mật ngọt đời mình, để sống an bình và hạnh phúc trong cái nghèo khổ mà sao mỗi ngày mới đến là một nỗi hân hoan.
Trong những tháng ngày ấy, mỗi hiện hữu trần gian là một “ở trọ” kiếp người nương nhờ âm thanh của con người tài hoa ấy đã tạo khởi. Mỗi lời anh nói, mỗi dòng tâm sự trên những cuốn tạp chí, hay trong những lời phi lộ ngắn ngủi trong những cuốn băng cát-xét xưa cũ, luôn đưa đến cho người nghe những ân cần nồng ấm và an nhiên tự tại trong dòng thác vui buồn đời người cát bụi. Lạ lùng, chỉ vài câu nói của anh, và sau đó, âm nhạc cất lên, đủ làm ấm áp và ngập tràn yêu thương về trong căn buồng tim người cô đơn lộng lẫy của chính mình. Tôi gọi đó là những hạt thuốc ngọt lành dỗ cơn đau đắng chát tự tâm. Mỗi niềm vui, nỗi buồn tự tâm mình khởi sự, không ai có thể đến cùng an ủi, sẻ chia. Nhưng âm nhạc Trịnh Công Sơn, hay đúng hơn là những lời tâm tình rứt ruột của anh, lại đi vào vùng mờ của những cơn đau làm lành được nỗi niềm tự tính đó. Là những hạt thuốc được viên thành tự trong những căn nguyên nỗi niềm của chính mỗi người trong cuộc đời này mà thôi. Lạ lùng thay, nỗi niềm của ai, cũng thấy âm nhạc của anh chờ sẵn đó, để lặn vào, để sẻ chia, ủi an và “chìm xuống cơn đau” hay vào “mãi thiên thu” cùng riêng nỗi mỗi hạt cát nhỏ nhoi mà tận tụy của đời này.
Tôi đã nghe tiếng hát của anh, vào những năm tháng khó khăn của đời người, và nhận được thật nhiều yêu thương chỉ từ thanh âm vang lên trong căn nhà gỗ một mình cô độc. Ở đó, tôi nghe tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng mưa đêm thiết tha, tiếng con thạch sùng rượt đuổi nhau tí tách, tiếng chân loài bò sát quẫy mình trên lá khô, và con đường xa ngái phận người mở ra trong tâm trí một đứa bé mồ côi hóng mẹ vang lên bởi tiếng hát rát bỏng xót xa của Khánh Ly dội vào lòng đêm xát muối, mẹ bỏ con đi đường xa vạn dặm, đường xa vạn dặm mẹ bỏ con đi… Tôi đã nghe con đường dài biết mấy, xa thăm thẳm và cái rứt ruột đớn đau của sự chia lìa… Tôi tưởng mình đã lịm đi trong tiếng hát khô gầy và mong manh kia. Nhưng âm nhạc của anh, luôn luôn, bên cạnh nỗi buồn thiết tha, là niềm cứu rỗi dịu dàng hiện hữu, để khi tận cùng vực sâu người nghe lại được an ủi từ những lời nói thiết tha ân cần, đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng…
Có bao giờ bạn gặp một người xa lạ, mà người đó đủ sức nhấn bạn xuống vực thẳm cô đơn lòng mình rồi lại kéo bạn dậy sững sững đối diện cùng nỗi buồn của mình để nhận ra cái cô độc của mình đang phản tư cái tôi lộng lẫy riêng bạn nhận biết cho chính mình không? Trong hành trình đơn độc của mình, những lúc rơi xuống vực sâu, tôi lại được tiếng hát của loài liêu trai đưa tôi lên và quay lại cuộc đời, trong nỗi huy hoàng rực rỡ của những nỗi buồn kết tủa lại, để vui buồn với chính mình như một ân sủng trời trao, trong từng nốt nhạc, trong từng hạt thanh âm rơi xuống trái tim mình.
Và tôi nhận ra, âm nhạc Trịnh Công Sơn thường nói về niềm vui sau cái chết. Đó là niềm vui được trở về với Mẹ. Chữ Mẹ viết hoa đẹp nhất trong đời này mà tôi cứ đồ rằng, khi chạm đến chữ này, anh bao giờ cũng đã mỉm cười. Đề tài về tình yêu, thân phận và con người rộng lớn hiện diện trong nhạc của anh thật nhiều và bao khắp, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy tất cả những điều đó đều nằm trong sự phủ trùm của tâm tình Mẹ. Tôi vẫn thấy người Mẹ ấy đang ôm con, đang lau sạch những nát tan con mình mà vỗ về ôm vào lòng những yêu thương còn sót lại trên đời này riêng dành cho mẹ. Bao giờ, khi âm nhạc của anh đến những thanh âm này vang lên trong đêm thẳm, tôi lại nhớ về câu thơ trong lời đề từ một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Trần Nhã Thụy, “Có bao nhiêu nát tan/ Đội cả lên đầu mà Hát”. Và lúc này, niềm vui không phải chỉ là niềm vui, nỗi buồn không chỉ là nỗi buồn. Mà chính “buồn vui kia là một”, là xem như “phút đó tình cờ”.
Mà suy cho cùng đời này, có gì đến, đi, xuất hiện, biến mất, khởi tạo, rốt sau… đều không phải là sự “tình cờ” đâu!
Như một lời thơ tinh khôi anh đã từng viết đâu đó, để sau này muôn người hát lên: “Trăm năm ở đậu ngàn năm/ Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn/ Ơ hay là một vòng xinh/ Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời”. Trăm năm hay ngàn năm, buồn hay vui, hạnh phúc hay đau khổ… cũng chỉ trong một vòng xinh giữa nhân gian này. Và con người ấy, đã biết mình ở trọ, thì hai chữ lênh đênh giữa đời cũng là một quê hương neo đậu riêng trong trái tim tâm tưởng mình đó thôi. Để cho những người như tôi, dẫu tuổi đời vừa xanh hay tóc mình chớm bạc hoặc mai này mắt hiền ngóng núi, vẫn được sống trong những âm thanh thật hiền, thật buồn nhưng vẫn lộng lẫy yêu thương mà người nhạc sĩ tài hoa đẫm tình ấy đã để lại cho đời, cho mỗi ngày được đi về trên xanh lối vô ưu tấm lòng mình.
Dù chốn trọ ơ hờ này, thiên hạ đã tiếc thương người vắng bóng hai mươi năm.
Đ.H
(TCSH386/04-2021)
NGÔ THỊ Ý NHI
Ở Huế, có những buổi sáng cứ thích nằm nghe tiếng con nít rủ nhau đến trường ríu rít như chim. Bình yên đến lạ! Thành phố nhỏ bé, nhịp sống không vội vàng, những con đường hiền lành, êm ả trẻ con dễ dàng đi bộ.
Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019)
PHẠM THUẬN THÀNH
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Năm Nhâm Tý (1672), chúa Trịnh xua 180 ngàn quân vào Nam, có ý vượt sông Gianh đánh chúa Nguyễn. Trấn thủ Bố Chính là Nguyễn Triều Văn hoảng sợ chạy vô Kim Long cấp báo với Hiền Vương (tức chúa Nguyễn Phúc Tần).
TÔN THẤT BÌNH
BÙI KIM CHI
Ngày xưa, cách đây 60 năm, ở đường Duy Tân Huế từ cầu Trường Tiền đi xuống, qua khỏi Morin (cũ), đi một đoạn, có một địa điểm mang cái tên nghe là lạ Ngọ Phạn Điếm. Càng lạ và đặc biệt hơn nữa, Ngọ Phạn Điếm chỉ đón khách vào ăn một bữa trưa (demi-pension) trong ngày là học sinh của Trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế mà thôi.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Bút ký
KỶ NIỆM 20 NĂM CƠN LŨ LỊCH SỬ 1999
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
NGUYỄN DƯ
Ngày xưa thi đỗ tiến sĩ… sướng lắm!
Nghe đồn như vậy. Ít ra cũng được vua biết mặt chúa biết tên. Được cả làng, cả tổng đón rước về tận nhà. Chữ nghĩa gọi là rước tiến sĩ vinh quy bái tổ.
PHI TÂN
Hồi trước, khi làng xã tôi còn đoàn đội tập thể hay hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì đàn trâu ở làng cũng của hợp tác luôn. Trâu được các hộ xã viên nhận về nuôi để ăn chia công điểm. Nhà mô có nuôi trâu thì con cháu trong nhà phải nghỉ học sớm để chăn trâu hàng ngày.
HOÀNG THỊ NHƯ HUY
Ngày thơ ấu tôi đã bao lần ngủ ngon giấc trong lời ầu ơ của mẹ:
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm Ngày mất của Người (02/09)
HỒ NGỌC DIỆP
Kỷ Niệm 72 Năm Ngày Thương Binh - Liệt Sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019)
PHẠM HỮU THU
DƯƠNG PHƯỚC THU
Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại làng Hội An, nơi xưa kia thường gọi là Faifô (vì làng này ở gần cửa Đại An nên quen gọi Hải Phố mà ra thế) nay Hội An đã lên cấp là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam; quê nội Nguyễn Kim Thành ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
Dáng thế của đồi Hà Khê như một con linh thú vừa tách khỏi đất mẹ, rời tổ uống mấy ngụm nước bên bờ dòng Linh Giang. Quay đầu hướng về quê mẹ, đất tổ Trường Sơn như một lời từ biệt, lòng rộn buồn vui. Một nhát gươm chí mạng của thuật sĩ Cao Biền, thân thú mang nặng vết thương vẫn còn hằn sâu ở chân đồi.
ELENA PUCILLO TRUONG
(Viết cho những người bạn cầm phấn)
Kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6
NGUYỄN XUÂN HẢI
ĐÔNG HÀ
33 năm đổi mới trong Văn học Thừa Thiên Huế
NGUYỄN ĐỨC HÙNG
Một chiều cuối năm 2018, tôi nhận được tấm thiệp mời nhân dịp Lễ mừng tuổi chín mươi của nhà giáo Trần Thân Mỹ và kỷ niệm 65 năm ngày cưới của ông bà Trần Thân Mỹ và Dương Thị Kim Lan. Nếu tính từ mốc tôi được ông đặt bút ký vào hồ sơ chuyển ngành từ Quân đội về làm việc tại Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) thành phố Huế là tròn 35 năm, trong đó có 7 năm (1983 - 1990) tôi được làm việc trực tiếp với ông trước khi ông nghỉ hưu. Ông là vị thủ trưởng khả kính đầu tiên của tôi, là người đã giáo dục, đào tạo và có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi.
VŨ SỰ
Ngày xưa, chuyện “chồng già vợ trẻ” cũng là chuyện thường tình. Xứ Huế đầu thế kỷ 20, cũng có những chuyện thường tình như thế. Nhưng trong những chuyện thường tình ấy, cũng có vài chuyện “không thường tình”, ngẫm lại cũng vui.