Vai trò “kép” của báo chí văn nghệ địa phương

09:39 28/07/2008
NGUYỄN KHẮC THẠCH(Tham luận đọc trong hội thảo)Cho đến đầu thế kỷ 21 này, chúng ta vẫn đang đứng trước nguy cơ tụt hậu về mặt kinh tế đã là điều đáng sợ nhưng cái đáng sợ hơn là nguy cơ vong bản về mặt văn hoá. Xu thế toàn cầu hoá đang xâm nhiễm và xâm thực vào đời sống chúng ta một cách ngọt ngào mà chua cay, dịu êm mà đẫm máu.

Nền văn minh tin học, văn minh kỷ trị có thể xoá nhoà mọi ranh giới giữa con người với con người, giữa con người với thế giới đồ vật. Khi con người đánh mất cái thuộc tính người, nghĩa là thuộc tính văn hoá thì xin lỗi, nó chỉ còn trần trụi là những con vượn hậu duệ mà thôi. Đó cũng sẽ là bi kịch cuối cùng của nhân loại!
Để tránh được bi kịch chung ấy và cũng như để giữ được nét riêng truyền thống phù hợp với tính thời đại, chúng ta chỉ còn một cách duy nhất là phải “Xây dựng một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” như nghị quyết của Đảng đã đề ra. Yếu tố văn hoá chính là chiếc mỏ neo đã níu giữ con thuyền dân tộc trước sóng gió ngàn năm của đại dương Bắc thuộc và cả những dòng thác thập tự chinh từ phương Tây ào tới hòng “khai hoá” chúng ta thành nô dịch. Xét về mặt lịch sử, đặc trưng của văn hoá Việt vẫn là văn hoá làng. Mỗi vùng, mỗi miền đều kiến thủ một “nết đất” riêng. Nó luôn tồn tại trong sự biến thiên của lịch sử cũng như sự giao lưu của đời sống. Các tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật, tạp chí văn nghệ địa phương là một hình thức mang tính tựu trung quy nạp những “nội hàm phụ cận” văn hoá làng ở cấp tỉnh. Như vậy, Văn nghệ địa phương hiện diện không chỉ vì sứ mệnh chính trị của nó mà sâu xa hơn còn vì nhu cầu duy trì và phát triển văn hoá. Khi mỗi tờ văn nghệ địa phương “trừu xuất” được đầy đủ những đặc trưng của vùng thì nó sẽ góp phần làm giàu, làm đa dạng bản sắc dân tộc. Văn hoá là cái hồn, là gương mặt của đất nước. Chúng ta không thể đem bóng đá hoặc siêu thị hay đem vũ khí ra khoe với thế giới. Văn hoá mà cái cốt lõi, cái trung tâm của nó là văn học nghệ thuật. Xét về phương diện này, ít nhất chúng ta cũng có một Truyện Kiều làm sáng giá tâm hồn người Việt trước lâu đài văn minh nhân loại.
Tờ văn nghệ địa phương nào cũng vậy, ngoài chức năng “ngôn luận”, nó còn phải làm nhiệm vụ phát hiện bồi dưỡng những cây bút trẻ, những tài năng tương lai cho đất nước, chưa có người tài thì đừng hy vọng gì những tác phẩm ngang tầm này nọ. Người có tài càng thêm bao nhiêu thì “biên độ bức xạ” của nó đối với nền văn hoá càng lớn bấy nhiêu. Việc đầu tư cho các tờ văn nghệ địa phương hiện nay nói chung là chưa có phần bồi dưỡng đào tạo đó. Xa xưa, một thương gia “buôn vua” như Lã bất Vi còn nuôi nổi 3000 kẻ sĩ để làm ra cuốn sách Lã Thị Xuân Thu lưu lại cho hậu thế. Kinh tế phát triển như thời nay, chẳng lẽ mỗi tỉnh chúng ta lại thua một Lã Bất Vi, không nuôi đủ một tờ báo văn nghệ với chi phí chưa bằng lương một giám đốc liên doanh?! Chúng ta đều biết rằng, những hành vi mang chiều kích nghệ thuật của loài vật cũng chỉ có thể có khi nó đã “dư thừa” một năng lượng sống. Con chim chỉ hót khi đã no diều, con công chỉ múa khi không phải kiếm ăn, con nai chỉ nhởn nhơ khi không bị săn đuổi. Cũng vậy, con người chỉ sáng tạo được khi họ không bị câu thúc bởi cơm áo. Đời sống của những người lao động sáng tạo nghệ thuật ở ta hiện nay đang bấp bênh, đang bị lôi cuốn vào guồng máy thị trường, nơi thực dụng đè lên mơ mộng. Những người làm báo văn nghệ ở các địa phương mức thu nhập thấp thua đồng nghiệp làm ở báo tỉnh Đảng bộ hoặc Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh. Các Toà soạn phải tùng tiệm để lo lương, lo tiền in, lo nhuận bút và lo ra báo một cách lấy lệ. Thật khó mà làm cho tờ báo vượt ra khỏi hệ lụy “lực bất tòng tâm”. Nó không được tồn tại như một thực thể cấu thành nền văn hoá dân tộc.
Dù sao thì mỗi tờ báo chúng ta cũng đã được cấp kinh phí ở mức độ khác nhau, nhiều thì như cái thuyền để chèo, ít thì như cái phao để bơi. Điều quan trọng là chúng ta cần khẳng định sự có mặt của mình trong đời sống xã hội bằng những phẩm cách riêng. Vấn đề này, 6 tạp chí Bắc miền Trung hàng năm đều có giao lưu, trao đổi và nhận thấy rằng, nếu một tờ văn nghệ không có bản sắc hoặc sắc thái riêng thì nó chẳng khác gì một chủ thể sáng tạo không có cá tính, không có giọng điệu của chính mình. Bản sắc địa phương của mỗi tờ báo có được là điều tự nhiên, không cần cố gắng, nó phụ thuộc vào “bộ lọc” của Ban biên tập mà chủ yếu là “độ thẩm” của người chủ bút, tức Tổng biên tập. Do vậy, việc tuyển chọn đội ngũ những người làm báo văn nghệ này - một tờ báo có đặc thù riêng trong làng báo chí - Cũng dễ bị bất cập. Ở đây, họ là những nhà báo đã đành nhưng đồng thời cũng phải là những nhà văn. Chúng ta chưa có trường lớp nào đào tạo ra một người vừa là nhà báo vừa là nhà văn cả.
Sau khốn khó về kinh phí thì các tờ báo văn nghệ địa phương hiện nay đều rơi vào tình trạng khốn quẫn về nhân sự. Một thế hệ nối tiếp có năng khiếu, có khả năng kế cận thì họ lại đi tìm việc khác, làm báo khác, từ bỏ sự rẻ rúng, bèo bọt của môi sinh văn nghệ. Tạp chí Sông Hương trước đây có hàng chục nhà văn sáng giá trong Toà soạn nhưng rồi theo năm tháng, họ nghỉ dần, đi dần, nay nhìn lại không còn tên tuổi nào đáng kể nữa. Nhà văn có đẳng cấp chuyên môn chịu làm công việc quản lý lại càng hiếm hoi. Nó tạo ra một khoảng trống ảo tượng gây ngộ nhận cho những người cơ hội, háo danh, sính lập thân bằng con đường văn chương. Trên thực tế, đã có những người “điếc không sợ súng” nhưng được tổ chức “bảo kê”, họ vẫn nghiễm nhiên là “lãnh tụ” văn nghệ địa phương. Có địa phương còn tuỳ tiện điều động cán bộ tuyên huấn, cán bộ ngoại đạo “sang đoạt” các chức vụ “chăn dắt” văn nghệ. Người ta quan niệm đã là cán bộ tuyên huấn thì làm gì cũng được, kể cả làm chủ tịch Hội nhà báo, chủ tịch Hội Văn nghệ mà không cần là hội viên một hội nào cả. Không hội viên mà làm chủ tịch Hội vậy thì không đảng viên có làm bí thư Đảng được không? Chắc chắn là không! Chỉ có Văn nghệ mới bị coi thường đến vậy. Thời đất nước bước vào nền kinh tế tri thức, nghĩa là ở hạ tầng cơ sở cũng đã được tri thức hoá mà trên thượng tầng còn “tư duy” theo lối nông dân. Nếu cứ tiếp tục theo đà này thì một số tờ báo văn nghệ địa phương có nguy cơ hoặc bị chính trị hoá hoặc bị nông dân hoá. Rốt cục là những tờ báo như thế sẽ làm tổn thương thị hiếu người đọc, làm tầm thường hoá bản sắc văn hoá dân tộc.
Các địa phương vốn tỉnh lẻ, tù mù, ứng xử theo “lệ làng” nhưng trung ương thì phải sáng suốt, phải điều hành theo phép nước. Bộ văn hoá cùng các cơ quan hữu quan trung ương cần qui định cụ thể điều kiện và tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với những người trực tiếp làm quản lý báo chí văn nghệ địa phương. Những qui định ấy không chỉ bằng các văn bản hành chính mà phải đưa vào bộ luật (luật báo chí). Mặt khác, chính nhà nước phải mở trường lớp đào tạo đội ngũ ấy.
Một tồn tại khác cũng cần phải nêu luôn là báo chí văn nghệ ở địa phương lâu nay chưa được hoạch định về mặt tổ chức, định vị về mặt thứ bậc. Có nơi xếp ngang với báo Đảng bộ tỉnh, có nơi lại thấp hơn một bậc. Có tổng biên tập ngang cấp giám đốc sở, có tổng biên tập ngang cấp trưởng phòng. Tạp chí Sông Hương chúng tôi có may mắn là từ đời tổng biên tập đầu tiên, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm rồi qua các nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Nguyễn Quang Hà cho đến nay đều được đứng ngang hàng với cấp sở. Trong khi đó, bạn láng giềng là tạp chí Cửa Việt, thời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường làm sếp thì báo loại 3, đến thời nhà văn Cao Hạnh thay thế thì nó tụt xuống hạng 4. Lại còn có một số báo chưa tách khỏi Hội, do chủ tịch kiêm tổng biên tập, muốn hay không thì họ cũng mang tiếng là “tham quyền cố vị” hoặc “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trước khi nhà nước bổ nhiệm, có tổng biên tập phải qua bầu cử ở Đại hội văn nghệ địa phương, có tổng biên tập chỉ cử mà không bầu. Chưa hết, tuy chỉ trình lên xin ý kiến của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương và Bộ Văn hoá thông tin nhưng tổng biên tập địa phương thì phải kèm theo ba dấu đỏ sở tại, 2 tròn, 1 vuông của Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, Sở Văn hoá và Hội Văn nghệ, còn báo ngành Trung ương thì chỉ có một dấu đỏ của cơ quan chủ quản mà thôi. Không riêng chuyện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, ngay cả việc làm thẻ hành nghề cho nhà báo, các “cửa quyền” ở địa phương nhiều khi cũng gây không ít trở ngại, phiền hà cho cơ quan báo chí văn nghệ v.v...
Tất cả những “trật tự” đó, dường như đều được thao tác theo “cảm hứng” của các nhà chức trách chứ chưa theo một nguyên tắc nào, một cơ sở khoa học nào. Thiết nghĩ, đã đến lúc phải thống nhất lại, chấn chỉnh lại sự hỗn tắc đó trong hệ thống báo chí văn nghệ địa phương theo cơ chế “một cửa” như tinh thần nghị quyết 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 7 và Nghị quyết 38/ CP của chính phủ về việc cải cách hành chính.
Có thể nói, báo chí văn nghệ địa phương có một “vai trò kép” vừa là phương tiện chính trị vừa là mục đích văn hoá, vừa làm đặc sắc văn hoá các vùng, miền, vừa làm đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Bởi vậy, Đảng và chính quyền các địa phương cần đổi mới cách nhìn và đối xử với nó một cách công bằng hơn, độ lượng hơn.
N.K.T
(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Vậy mà, đã hơn 50 năm, từ những năm tháng trẻ tuổi… Huế, ngày ấy đã xa. Đã là kỷ niệm. Đã mất đi nhưng vẫn không ngừng sinh nở. Như những câu thơ, một thời…

  • Việt Đức - Võ Quê - Phạm Xuân Phụng - Nguyễn Thiền Nghi - Nguyễn Văn Vũ - Lê Phùng - Thùy Phương - Trần Băng Khuê

  • Trại sáng tác văn học với chủ đề “Vinh Xuân - Mùa biển gọi” do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND xã Vinh Xuân tổ chức, diễn ra trong thời gian từ ngày 3/5 đến ngày 10/5/2024, gồm 14 nhà văn, nhà thơ và 1 nhạc sĩ khách mời, đã cho ra đời 58 tác phẩm.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    Ngày 18/9/1945, tại số 43 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Thuận Hóa, Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên - tiền thân của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ngày nay được thành lập.

  • CHU SƠN

    Cuối năm 1963 tôi từ Hội An ra Huế để nhận lại tập thơ Quê Nhà và giấy phép xuất bản tại nha thông tin Trung Việt.

  • TRẦN DZẠ LỮ

    Gần một đời người làm thơ, sống giữa Sài Gòn với bao nhiêu thăng trầm dâu bể, có những ngày đói rách, lang thang. Bạn bè thì nhiều, có kẻ nhớ người quên sống khắp cùng đất nước, nơi đâu cũng để lại trong tôi ít nhiều kỷ niệm.

  • (SHO) Những người tôi gặp ở Huế trẻ hay già thường ngưỡng mộ anh là Thầy, một vị Thầy của môn âm nhạc, của tiếng, của lời, thân hay sơ mỗi người đều như chịu ít nhiều ân huệ của anh.  Nhưng thoạt mơ hồ tôi hiểu danh hiệu ấy khác hơn khi được ngồi với anh, bên bàn cơm, khi vui ca, khi đi dạo, khi nghe anh hát, khi thấy anh ngồi yên giữa bạn bè, anh hiện ra là vị Thầy bên trên âm nhạc... 

  • Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng GS-TS Trần Văn Khê đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 2 giờ 55 phút ngày 24.6. Ông thọ 94 tuổi.

  • LTS: Ngày 17-7-1988 nhà thơ THANH TỊNH đã qua đời tại Hà Nội sau một cơn bệnh nặng, thọ 77 tuổi. Tưởng niệm nhà thơ, người anh người đồng nghiệp đáng kính của anh em văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của anh Hoàng Trung Thông và đoạn trích trong Điếu văn đọc tại lễ tưởng niệm nhà thơ tại trụ sở Hội văn nghệ B.T.T ngày 19-7-1988.

  • DƯƠNG THỊ NHỤN

    Tôi biết nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua chị Dung là hàng xóm cũ của tôi những năm 90 của thế kỉ trước. Chị Dung là cháu ruột lại gần nhà ông ở phố Điện Biên Phủ nên rất thân thiết với ông. Tôi chỉ nghe chuyện và đọc truyện của nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua chị Dung.

  • LGT: Thúc Tề và Trần Kim Xuyến là hai nhà báo có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Một vấn đề đặt ra là: trong hai nhà báo liệt sĩ nói trên, ai mới đúng là “Nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam?”. Nhiều ý kiến công nhận nhà báo Trần Kim Xuyến là nhà báo liệt sĩ đầu tiên, trong khi các tư liệu lại cho chúng ta thấy Thúc Tề mới đúng là nhà báo liệt sĩ đầu tiên.

  • TÔ NHUẬN VỸ

    Trong số bạn bè thân tình của tôi, Ngô Minh rất “lạ”. Lạ đầu tiên là… nhỏ thó. Người thấp bé, tròn vo, tròn vo từ mấy chục năm ni luôn, chừ lại suốt ngày (e cả suốt đêm) ngồi máy tính viết bài.

  • Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như: Nhằm thẳng quân thù mà bắnThuyền trưởngRừng xưa xanh lá ;Kiếp chóNhững người rách việc; Chuyện kể năm 2000... đã qua đời vào lúc 6 giờ sáng ngày 18.12. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông bước vào sáng tác văn chương từ năm 20 tuổi và đã có một bút lực dồi dào để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị.

  • Nguyễn Hữu Đang sinh năm 1913 , quê  làng Trà Vi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia Hội Sinh viên thị xã Thái Bình thuộc Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và bị Pháp bắt vào cuối năm 1930 và bị giam hai tháng rưỡi tại thị xã Thái Bình.

  • Thi sĩ Kiên Giang là tác giả những bài thơ nổi tiếng Hoa trắng thôi cài lên áo tím, Tiền và lá, Ngủ bên chân mẹ… Ông cũng là soạn giả của những vở cải lương quen thuộc như Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, Lưu Bình - Dương Lễ, Trương Chi - Mỵ Nương và hàng trăm bản vọng cổ. Như người bạn văn tâm giao Sơn Nam và thi sĩ đàn anh Nguyễn Bính, Kiên Giang cả một đời phiêu bạt sống rày đây mai đó, cho đến khi trái tim đột ngột ngừng đập”...

  • Ở tuổi 89, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - tác giả của ca khúc nổi tiếng "Dư âm" sống nghèo túng, bệnh tật và cô đơn trong căn nhà nhỏ giữa lòng Sài Gòn.

  • NGÔ ĐÌNH HẢI

    Nhà văn Trần Áng Sơn sinh ngày 12/7/1937 tại Hải Phòng, lớn lên ở Huế, trưởng thành ở Sài Gòn, mất ngày: 18/5/ 2014.

  • QUANG VIÊN

    Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là vị tướng tài năng và đức độ. “Ông là một danh tướng, một nhà chính trị và nhà quân sự lỗi lạc” - Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thốt lên khi nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như vậy. Trong cuộc sống tình cảm gia đình, cũng như ứng xử với văn hóa văn nghệ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng hết sức chí tình, có những việc làm rất đáng khâm phục. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về ông rất hay: “Sáng trong như ngọc một con người”…