Những kẻ ăn cỏ

15:30 07/04/2009
KRISHNAN VARMAKrishnan Varma sinh ở Kerala, Ấn Độ. Ông viết bằng hai thứ tiếng Anh và Malayalam. Trong nhiều tác phẩm của mình, ông chia sẻ sự quan sát đối với cuộc sống của lớp người cùng khổ trên đất nước ông.

Nhiều năm trước đây, có thời tôi làm gia sư cho một cậu bé có hình dạng như một quả cầu (giờ là một anh chàng có hình dạng như một quả cầu). Ngày kia, ông Ramaniklal Misrila, ông bố có hình dạng như một quả trứng của cậu ta hỏi tôi sống ở đâu. Tôi trả lời.
Ông Misrila nhìn vẻ hết sức đau đớn “Cái ống sao Ajit Babu? Anh nói là cái ống sao Ajit Babu?”
Bà vợ có dáng hình lập phương của ông gần như khóc: “Cái ống sao Ajit Babu? Làm sao anh sống được trong một cái ống?”

Đúng vậy thời kỳ ấy tôi sống trong một cái ống cùng với Swapna, vợ tôi. Đó là một cái ống dài và từ bên này qua bên kia độ ba bốn feet. Với hai miếng bao tải treo ở hai đầu, chúng tôi cảm thấy nó tiện lợi hơn bất cứ chỗ nào trước đó.

Chỗ ở đầu tiên là một con hẻm trên đại lộ Chiharanjan Avennue. Chúng tôi chân ướt chân ráo đến Calcutta từ đông Bengal1, nơi người theo đạo Hinđu và người theo đạo Hồi Giáo đang sát hại nhau. Con hẻm, gồm dân địa phương và những kẻ tị nạn như chúng tôi, chật chội đến mức nếu khuya bạn dậy đi vệ sinh không chắc bạn có thể tìm lại chỗ của mình. Một sáng trời lạnh nọ, tôi trở giấc thì thấy người phụ nữ bên cạnh tôi chẳng phải là Swapna ma thay vào đó là một nhúm xương chừng 5,60 hoặc 70 tuổi. Một chân tôi còn gác lên người bà ta. Tôi cay đắng xin lỗi. Suýt nữa bà ta đã móc mắt tôi. Rồi Swapna tới, phùng mang trợn mắt... Tôi sống sót nhưng mất một cái tai. Rồi một người đàn ông gồ ghề, chồng của người phụ nữ tới, tay quay tít một khúc cây trên đầu, miệng gầm gừ... Đó dù sao cũng làm tôi kinh động. Tôi chạy thoát.

Ngày hôm sau Swapna và tôi chuyển vào một toa hàng bỏ hoang tại một ga xép. Với chúng tôi, nguyên cả toa, một chỗ ở có các cửa có thể đóng, mở được, là nơi chúng tôi chẳng cần phải treo triết gì cả, ngoại trừ việc mất suốt cả giờ để đóng mở các cửa, nơi mọi sinh hoạt riêng tư của một người đàn ông và vợ có thể cần đến, nơi không phải sợ hãi bởi mỗi khi thức giấc thì trong cánh tay có một người hoàn toàn xa lạ. Đó là thiên đường. Tôi cảm thấy mình là Chúa.

Thế rồi một tối nọ chúng tôi tỉnh giấc thì thấy trời đất đang trốn chạy: chúng tôi bị móc vào một tàu chở hàng. Chẳng biết làm gì hơn ngoài việc chờ tàu dừng lại. Khi tàu dừng thì đã cách Calcutta nhiều dặm. Chúng tôi xuống và lên một chiếc tàu chở khách để quay trở lại và chiếm một toa hàng bỏ hoang khác. Đó không phải là lần duy nhất chúng tôi lên giường ngủ ở Calcutta và thức giấc ở một nơi khác. Tôi cảm thấy điều đó thật nhức nhối, gây cảm xúc thương tâm nhưng Swapna không cảm thấy như vậy.

Cô ấy muốn có một chỗ ở cố định, cô ấy khăng khăng đòi có dù không nói tại sao. Nếu tôi cứ một hai chất vấn thì cô ta khóc. Nếu tôi cố thuyết phục cô ấy thay đổi ý muốn và chỉ ra tất cả những tiện lợi khi sống trong một toa hàng - có 4 bức tường, có mái che và cửa, tuyệt nhiên không phải trả tiền và hoàn toàn tự do ái ân ban ngày hoặc ban đêm - cô ta vẫn sụt sùi. Nếu tôi làm lơ sự càu nhàu của cô ấy thì bữa ăn trễ nãi, cơm sống, món cari mặn chát, tôi cuối cùng chịu thua. Chúng ta sẽ chuyển đi, tôi nói, cho dù phải chiếm cái nhà nào đó bằng vũ lực, nhưng cô ấy không thể nói được với tôi lý do, dù vô lý là tại sao cô ấy không thích cái toa hàng?

Lần đầu tiên trong nhiều tuần lễ, Swapna cười, một nụ cười rất mơ hồ. Rồi chầm chậm, cô kéo vạt áo sari phủ lên đầu, mắt cụp xuống, quay mặt tránh tôi và run run thì thào, chỉ vừa đủ nghe rằng (ngừng một lát) không (ngừng lâu) muốn (ngừng rất lâu) đứa bé (nói bằng tốc độ phản lực) sẽ được sinh ra trên một con tàu đang chạy. Nói rồi cô lấy tay bụm mặt... Đó là đứa bé thứ tư. Một đứa chết vì bệnh bạch hầu trên đường trở về nhà (giờ đã không còn là nhà của chúng tôi nữa) ở Dacca; đứa thứ hai chết bởi kiệt sức trong chuyến đi bộ khó nhọc tới Calcutta. Đứa bé sắp ra đời sẽ là một bé trai? Tôi thấy không có chút nghi ngờ gì về điều đó. Nó sẽ là một bé trai: sẽ có ai đó chăm sóc chúng tôi lúc tuổi già, sẽ làm lễ tang khi chúng tôi mất, đột nhiên tôi hôn lên khuỷu tay Swapna bởi khuôn mặt đã bị hai tay cô ấy che bụm lại và thẳng thắn quở trách. Hôn, theo cô ấy, là cái kiểu cách của Tây phương, lại cũng chẳng lành mạnh, bởi chung qui nó là liếm và tất cả người Hinđu ngoan đạo nên kiêng cử.

Tôi không mất chút thời gian nào trong việc tìm kiếm một nơi thích hợp để cô ấy sinh nở. Cô ta cương quyết bác bỏ mọi đề xướng của tôi: ga xe lửa (có quá nhiều cư dân); một cái cầu ít người qua lại (cô ấy không phải là một cái diều để sống ở một chỗ quá cao so với mặt đất); một cái bồn nước bị rớt xuống đất và được bỏ trống (phải chăng tôi nghĩ cô ấy là một con ếch). Tôi nghĩ đến đề nghị vào sống trong trường tiểu học của thành phố nơi lúc ấy tôi đang dạy nhưng cảm thấy rất ngượng ngập. Không phải ông hiệu trưởng sẽ phản đối nếu chúng tôi chiếm một cái góc cuối ở hiên sau vì ông là người tốt bụng, là cha của bảy đứa con tất cả là gái; ông sẽ chẳng bao giờ gây lo lắng có những người đàn bà hoang toành đều đặn đến đẻ trong trường của mình. Nỗi lo sợ của tôi là: biết đâu Swapna chạy vào lớp nói, “Giữ đứa bé một chút, được không anh? Em đi vào nhà... xí”. Dù thế, tôi cũng rời bỏ trường học. trên đường đi đến gần ga Seakhah, chúng tôi tình cờ thấy một cái ống làm bằng bê tông bị bỏ lại trong lần sửa chữa cống ngầm trước đây. Thật khó tin là nó chưa bị chiếm dụng và chẳng cần tôi gợi ý cô ấy đã bò vào, đó là chuyện như thế nào mà chúng tôi đến sống trong cái ống.

“Không hợp lẽ”, ông Misrilal nói, “không hợp lẽ, bởi thầy giáo mà sống trong một cái ống” ông thở dài ngao ngán. “Sao không chuyển tới một trong các toà nhà của tôi Ajit Babu?”. Nhà mà tôi sắp đến ở, nếu tôi quan tâm đến, ông ta giải thích, là ở Entally, không xa chỗ cái ống; tôi sẽ không gặp khó khăn khi sống ở đó; đó là một cái toà nhà cũ và có một số thùng cũ đựng than làm nhựa đường bỏ không trên mái; tôi có thể ở trên mái nếu tôi xếp chồng các thùng lên nhau làm thành hai hàng và phủ một tấm vải dầu lên.

Chúng tôi sống trên mái nhà ấy từ đó. Nó không tồi như khi nghe nói về nó. Mái nhà bằng phẳng, không có đầu hồi và được xây bằng bê tông chứ không phải bằng tôn múi. Tiền thuê nhà thấp hơn nhiều so với những người thuê nhà khác ở phía dưới là Bijoy Babu, Akhanda Chatterjee và Sayar Sen. Chúng tôi có ánh sáng nhiều hơn, thoáng gió hơn họ. Lũ chuột và bọn gặm nhắm không gặm chúng tôi như chúng vẫn thường. Và con trai chúng tôi Prodeep, có phòng rộng hơn để chơi so với bọn trẻ ở dưới.

Prodeep giờ đây không ở cùng với chúng tôi, nó tham gia phong trào bí mật Naxalite2. chúng tôi nhớ nó khủng khiếp. Tuy vậy, cũng có cái bù lại, dù nhỏ thôi. Nếu có nó, chúng tôi phải mặc quần áo. Giờ thì không phải, đúng ra là không nhiều. Tôi chỉ mặc một cái khố và Swapna thì chỉ quấn một mảnh vải nhẹ rộng hơn để giữ cho số quần áo ít ỏi đã sờn rách của chúng tôi không bị sờn rách thêm. Tôi có thể tiết kiệm một ít từ tiền trợ cấp của mình để mua áo quần mới. Swapna thấy cái bộ dạng ăn mặc quá phong phanh và quá tính toán của tôi giữa thanh thiên bạch nhật như thế nên bối rối và cứ quay cái lưng về phía tôi. Như một con tinh tinh đang hờn dỗi, tôi bất bình nhìn cái mông của cô ấy và nói chẳng có cái gì của cô ấy là không bị tôi thấy. Nhưng cô ta cứng rắn, không chịu quay lưng lại. Tuy vậy, khi đêm xuống, cô ấy bớt cứng hơn vì cả hai chúng tôi đều bị quáng gà.

Khi chúng tôi đi ra ngoài - đi đến nhà xí công cộng, đi nhặt than vụn trên đường rầy xe lửa, đi hái rau - chúng tôi mặc quần áo. Rau cỏ bây giờ là thức ăn chính của chúng tôi: một mớ rau xanh nấu với ớt sống và muối, vài thìa cháo trắng lễnh loãng. Chúng tôi bắt đầu ăn rau khi giá gạo vọt tăng. Tôi rất muốn làm như anh Bijoy Babu ở phía dưới cái điều mà người ta tin là anh ấy đang thực hiện. Thuyết của anh ấy là nếu bạn giảm lượng gạo tiêu thụ đi 5 gram mỗi người, bạn sẽ không chỉ không nhận thấy rằng bạn đang ăn ít hơn mà sau một thời gian, bạn có thể sẽ chẳng cần ăn gì cả. Ngày nọ, tôi tình cờ nhận thấy rằng anh ấy đứng chẳng còn vững nữa. Thấy thế tôi dừng lai. Anh ấy còn có thể đi lại được dù là nghiêng nghiêng ngã ngã vì còn có hai chân nhưng tôi thì chỉ có một chân. Tôi mất một chân từ sau vụ té ngã từ mui xe điện. Ở Calcutta, xe điện luôn đông đúc và nếu bạn không thể vào được trong toa, bạn có thể leo lên mui. Người soát vé sẽ không cản bạn. Nếu anh ta cố cản, hành khách sẽ đánh anh ta, đốt xe điện và bất cứ xe cộ nào khác đậu ở xung quanh, cướp phá các cửa hàng gần đó, đập vỡ điện đường, cản trở lưu thông, tổ chức meeting kiến nghị, lên án chủ nghĩa đế quốc Anh, chủ nghĩa thực dân mới Mỹ, chính quyền trung ương, chủ nghĩa tư bản và cho nổ pháo ống. Tôi chẳng thấy làm tiếc chút nào về cái sự tật nguyền của mình bởi tôi chỉ cần mang một chiếc sandal và nhờ đó tiết kiệm được trong chuyện giày dép.

Như vậy nói tóm lại, cuộc đời chúng tôi đã trải qua nhiều bất trắc. Tất nhiên những biến thiên ấy không phải lúc nào cũng dễ chịu. Nhưng có hề chi? Chúng tôi thọ hơn những biến thiên. Và giờ đây, chúng tôi chẳng thấy sợ hãi hay lo âu. Chúng tôi có một cái nhà làm bằng những thùng nhựa đường. Chúng tôi mỗi ngày ăn hai bữa rau thịnh soạn. Chúng tôi chẳng cần mặc quần áo. Chúng tôi có một đứa con để làm cho cái lễ tang. Chúng tôi sống rất lặng lẽ bằng lòng nhìn cảnh đời đang trôi qua: xe điện đang bốc cháy, một gã đàn ông đang đấm một gã khác, một người phụ nữ đang vứt đứa bé con cô vào sọt rác.

TRẦN NGỌC BIAN dịch

(Dịch từ The International story” NXB Saint Martin′s press,
New york, 1994, t.167-170)

(199/09-05)

-------------------
1. Đông Bengal: chủ yếu theo Hồi Giáo, Đông Bengal trở thành Đông Pakistan năm 1947, rồi dành độc lập trở thành Bangladesh vào năm 1971.
2. Naxalite: Phong trào đặt mục tiêu thay đổi cấu trúc xã hội Ấn Độ bằng cách thay đổi đẳng cấp và tái phân phối đất đai trong tầng lớp nghèo nông thôn.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Dazai Osamu (1909 - 1948) tác gia kiệt xuất, đại diện cho “trường phái vô lại”, đó là một nhóm các nhà văn có khuynh hướng nổi loạn và tự hủy, trong nền văn học cận - hiện đại Nhật Bản. Phần lớn những tác phẩm của ông đều mang tính chất tự thuật với văn phong u mặc, diễn tả tâm trạng bế tắc trong thời kỳ hậu chiến và bi kịch cá nhân, đồng thời cũng dí dỏm, hài hước một cách cay đắng.

  • Han Kang được trao giải Nobel Văn học năm 2024 do có “văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt đối mặt với những tổn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của đời người”.


  • XERGÂY ĐÔVLATÔP

  • SHERWOOD ANDERSON

  • WILLIAM SOMERSET MAUGHAM

    William Somerset Maugham là tiểu thuyết gia người Anh. Ông sinh năm 1874 tại Paris, Pháp, và là con của một cố vấn pháp luật trong tòa đại sứ Anh tại Paris.

  • Okamoto Kanoko (1889 - 1939) nhà thơ Tanka và là nhà nghiên cứu Phật giáo. Sinh ra trong một gia đình giàu có tại Tokyo, sau khi tốt nghiệp trường nữ sinh Atomi, bà theo học nữ tác gia Yosano Akiko và đã công bố một số bài thơ Tanka.

  • Nhà văn Mỹ Sarah Orne Jewett sinh năm 1849 và mất năm 1909. Bà là nhà tiểu thuyết, nhà thơ và nhà văn viết truyện ngắn (Short Story Writer). Bang Maine là không gian chính trong tác phẩm của bà. Văn chương của bà sớm đề cập đến các vấn đề sinh thái và các vấn đề xã hội khác, có tính vùng miền.
                        Trần Ngọc Hồ Trường dịch và giới thiệu

  • C. J. MCCARTHY

    Cormac McCarthy là nhà văn người Mỹ, ông nổi tiếng với phong cách viết bạo liệt và u ám. McCarthy chuyên viết tiểu thuyết và được giới hàn lâm đánh giá cao ở ngay tiểu thuyết đầu tiên, The Orchard Keeper (1965), nhưng ông không thành công với độc giả đại chúng.


  • FERNANDO SORRENTINO

  • Jon Fosse là kịch gia đương đại, nổi danh với tặng thưởng Nobel văn chương 2023. Số lượng truyện ngắn đã xuất bản không nhiều, Jon Fosse vẫn ghi dấu với một phong cách độc đáo. Người em gái nhỏ (Søster) xuất bản năm 2000, bản dịch Anh ngữ in trong tập Scenes from a childhood (Damion Searls dịch) năm 2018.

  • JOSEPHIN JOHNSON
                       (Mỹ)

    Gnark ngồi trong buồng ngủ, mắt nhìn những tấm giấy phủ tường. Một cảm giác là lạ xâm chiếm lòng anh.

  • SRI DAORUANG

    Nhà văn Sri Daoruang tên thật là Wanna Sawasdsri, sinh năm 1943, quê quán ở Phitsanulok, Bắc Bangkok, Thái Lan. Bà là tác giả của tuyển tập Quỷ truyện Dân gian (Tales of the Demon Folk, 1984).

  • HENRI TROYAT

    LTS. Henri Troyat tên thật là Lev Tarassov sinh năm 1911 tại Moskva. Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp. Giải thưởng văn học đầu tiên với tác phẩm "Faux jours" (1935). Ông đã xuất bản trên 20 tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn. Những tác phẩm được dư luận đặc biệt chú ý như bộ ba tiểu thuyết "Tant que la terre durera" (1947), "Le sac et la cendre" (1948) và "Etrangers sur la terre" (1950) hoặc như "La lumière des Justes"... Ông còn viết cả kịch bản văn học. Truyện ngắn "Cơn choáng" (Le vertige) lấy từ tập "La Fosse Commune" xuất bản năm 1986.

  • Yamakawa Masao (1930 - 1965), tên thật là Yamakawa Yoshimi, ông sinh ở Tokyo, tốt nghiệp Đại học tư thục Keo (khoa Pháp văn). Yamakawa Masao từng làm biên tập cho Tạp chí văn học Mita Bungaku. Sau đó ông viết và công bố các truyện ngắn như: Cái chết mỗi ngày, Năm ấy, Công viên ven biển… với phong cách tinh tế, miêu tả sự phi lý của cái chết và tuổi trẻ thời kỳ hậu chiến. Ông qua đời năm 34 tuổi do tai nạn giao thông.

  • Nhà văn Ấn Độ (người Hindi), Krishna Baldev Vaid sinh năm 1927. Ông học đại học tại Punjab và Harvard; dạy học tại nhiều trường đại học ở Ấn Độ và Mỹ. Ông viết tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn, phê bình và dịch thuật văn học. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Nga, Nhật và các tiếng khác ở Ấn Độ.

  • HÁCH XUYÊN THỨ LANG
                          (Nhật)

    Phải dấu việc này không cho anh ấy biết. Lãng Tử nghĩ vậy và nắm chặt bao nhỏ trong tay, tần ngần rảo bước trên cầu. Đêm tối không người với dòng sông lặng lẽ trôi giữa một màn đen kịt, và rồi nó sẽ mang đi điều bí mật của ta.

  • DHUMKETU

    Dhumketu là bút danh của Gaurishankar Govardhauram, là nhà văn Ấn Độ (1892 - 1965), thường được xem như là một trong những người khai sáng loại hình truyện ngắn. Tác phẩm của ông thường có bút pháp gây xúc động, lãng mạn hoặc miêu tả đậm nét những cảm xúc của con người.