Nhạc sĩ Phạm Tuyên - những ca khúc hay về Đảng và nhân dân

14:49 03/04/2020


THANH TÙNG

Tác giả đến thăm nhạc sĩ Phạm Tuyên nhâp dịp ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh

1. Hơn 60 năm trên con đường âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn có những tác phẩm đồng hành cùng lịch sử. Ông nổi tiếng với khá nhiều ca khúc thuộc nhiều đề tài, và viết cho nhiều lứa tuổi. Những ca khúc viết cho thiếu nhi, những bài đồng dao của Phạm Tuyên không chỉ có trẻ thơ mà người lớn cũng say sưa hát như: Cô và mẹ, Cả tuần đều ngoan, Trường của cháu đây là trường mầm non, Cánh én tuổi thơ, Tiến lên đoàn viên…

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác rất nhanh, trong đó có những ca khúc đánh dấu một thời điểm lịch sử, một thời khắc thiêng liêng, một sự kiện trọng đại, một chiến dịch. Thời kỳ không quân Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, Phạm Tuyên có khá nhiều ca khúc vừa hùng tráng, vừa trữ tình. Lên Quảng Ninh, ông viết Bài ca người thợ mỏ Những vì sao ca đêm. Vào tuyến lửa khu Bốn ông viết Quảng Bình chiến thắng, Bám biển quê hương, Đêm Cha Lo. Vào Trường Sơn huyền thoại ông có bài Yêu biết mấy những con đường. Trước đó về làng Hà Xá, Hà Tây, nơi có phong trào thanh niên “luyện sức thật dẻo dai” chờ ngày nhập ngũ ông viết Chiếc gậy Trường Sơn, một ca khúc thúc giục hàng triệu thanh niên miền Bắc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Vào Thanh Hóa, đến Hàm Rồng ông viết Bài ca tuổi trẻ Nam Ngạn anh hùng. Hướng về miền Nam anh dũng kiên cường ông viết Những cánh chim Hồng Gấm, Tiếng hát những đêm không ngủ. Hòa cùng nhịp đập với phong trào âm nhạc chống chiến tranh ở Mỹ ông viết Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, v.v.

Bài Từ làng Sen, nhạc sĩ Phạm Tuyên viết ngay sau khi Bác vừa đi xa; Như có Bác trong ngày đại thắng, viết trước khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hai ngày; Gửi nắng cho em, viết “khi hai miền cùng vào một vụ chiêm… Cùng vào mùa một ngày vui thống nhất…”; Con kênh ta đào, viết khi “Ngay trên công trường ta đã mến yêu nhau”... Ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do được ông sáng tác ngay trong đêm đầu tiên của ngày xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, đêm 17/2/1979 (thường được gọi bằng cái tên không chính thức là Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới). Vì thế có thể nói rằng các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên là một biên niên sử bằng âm nhạc. Hay nói như nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha thì ông là “Người đồng hành cùng lịch sử dân tộc”. Trong một bài viết, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Cuộc đời Phạm Tuyên là một pho tiểu thuyết bề bộn với rất nhiều cung bậc”.

Những ca khúc viết về Đảng là những mốc son trên con đường âm nhạc của Phạm Tuyên. Ông được đánh giá là một trong những người viết Đảng ca hay nhất với 3 bài từng được bầu chọn vào “tốp 10” là: Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, Đảng đã cho ta cả mùa xuân, Màu cờ tôi yêu. Cả ba ca khúc đều giàu chất chính luận nhưng giai điệu lại rất nhẹ nhàng, ca từ bình dị, chân thành, dễ thuộc lời, dễ hát.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh ngày 2/1/1930. Tuổi ông cùng với tuổi Đảng. Từ tuổi thanh xuân ông đã say sưa ca ngợi Đảng và để lại những ca khúc hay nhất về Đảng. Ngay những ngày đầu hòa bình ở miền Bắc, bài Đảng đã cho ta một mùa xuân của Phạm Tuyên đã đi vào cuộc sống rất tự nhiên và hồn hậu. Hồi lên chiến khu Việt Bắc ông được giác ngộ về Đảng nhờ một số sách báo tiếng Pháp viết về chủ nghĩa cộng sản. Những ca khúc viết về Đảng của ông về sau là sự giải mã kiến thức, là sự giác ngộ lý tưởng cộng sản từ những cuốn sách đã đọc trong thời gian này. Từ câu “Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại”, của nhà văn chiến sĩ cộng sản Pháp Paul Vaillant - Couturier, Phạm Tuyên đã cảm hứng ra một giai điệu ấm áp, trữ tình: Đảng đã cho ta một mùa xuân. Đó là một mùa xuân đầy khát vọng, một mùa xuân lâng lâng xao xuyến giữa đất trời hòa vào nhịp sống của thời đại. Đảng đã cho ta một mùa xuân, con đường đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kì đó chính là đi tới một mùa xuân của dân tộc.

Được tiếp cận bài thơ “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” của Aragon bằng tiếng Pháp, Phạm Tuyên rất thích. Năm 1959, khi đọc bản tiếng Việt bài thơ do nhà thơ Tố Hữu dịch thì cảm xúc trong ông dâng trào và thăng hoa để hoàn thành ca khúc Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng. Với giai điệu tha thiết, tình cảm tin yêu, bài hát đã đến với rộng rãi quần chúng trong cả nước. Nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự: “Khi phổ nhạc bài thơ này, tôi thích nhất câu: Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà..., thể hiện sâu đậm tinh thần dân tộc của Đảng”. Từ đó Phạm Tuyên có một khúc tự sự đầy suy tư từ những câu thơ Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng với nhịp điệu gần giống như Quốc tế ca, trải dài một niềm tin: Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Trước như tuổi xanh tôi nào biết được/ Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/ Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông… Từ đấy lòng tôi sướng vui đau khổ/ Và tình yêu, căm giận hóa lời ca.

Hai bài có cảm hứng từ hai phía trữ tình và anh hùng ca nhưng đều nảy ra một căp phạm trù cho và nhận - khiến cho hai bài này như một cặp bài trùng trong các ca khúc ngợi ca về Đảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Sau ngày giải phóng, ông gặp nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi biết ông là tác giả bài Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, Phạm Trọng Cầu nhận xét: “Đây là một bài ca chính luận nhưng rất lạ là giai điệu lại rất nhẹ nhàng và duyên dáng”. Cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Tuyên viết Màu cờ tôi yêu, một kỷ niệm với Diệp Minh Tuyền. Đầu thập niên 1980, có lần ông nghe Diệp Minh Tuyền giãi bày: bây giờ viết về Đảng khó thật. Phạm Tuyên bảo đúng là khó nhưng không thể không viết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Sau đó, trên một chuyến bay Diệp Minh Tuyền đưa cho Phạm Tuyên một bài thơ. Ông đọc thấy hay, trong đó có câu khi phổ nhạc ông cứ nhấn đi nhấn lại ý của tác giả: “Suốt đời lòng dặn giữ lời/ Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau…”.

Màu cờ tôi yêu, Đảng đã cho ta cả một mùa xuân Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng trở thành cỗ xe tam mã bằng nhịp điệu âm thanh đưa nhiều thế hệ đến với lý tưởng cao đẹp. Cảm hứng về Đảng là nguồn sáng tạo phong phú của rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có các nhạc sĩ. Rất nhiều nhạc sĩ có ca khúc ca ngợi Đảng, nhưng để có được một giọng ca ngợi Đảng vừa sâu sắc vừa chân thành, vừa mượt mà và đầy ấn tượng như Phạm Tuyên thì không phải là nhiều. Ca từ, giai điệu các ca khúc của Phạm Tuyên rất mộc mạc, chân thành, tạo ra sự gần gũi giữa Đảng và dân, dễ thuộc lời, dễ hát. Sự cộng hưởng giữa người nghệ sĩ và quần chúng tạo ra sức sống lâu bền của ca khúc.

2. Sinh thời, có mấy ai thấu hiểu được tấm lòng trung với nước của học giả Phạm Quỳnh. Vì cụ thể hiện tấm lòng yêu nước theo cách của mình: Tiếng là nước, có tiếng mới có nước, có Quốc văn mới có Quốc gia. Tiếng ta còn nước ta còn. Cụ Phạm là người nhọc nhằn với chữ Trung.

Đến Phạm Tuyên, con trai áp út của cụ, lại vì chữ Trung mà đã từng bị mang tiếng là… bất hiếu. Ấy là vì có những người móc máy từ những ca khúc bất hủ của ông về đất nước, về Bác Hồ, về Đảng. Suốt cuộc đời đi theo Đảng, không lúc nào ông buông bỏ niềm tin là góc khuất lịch sử của gia tộc, của cụ thân sinh sẽ được lịch sử làm sáng tỏ. Có thể nói ông là người vẹn toàn với chữ Trung nhưng rất nhọc nhằn về chữ Hiếu.

Có những người dấn thân trong một bối cảnh lịch sử phức tạp, đầy biến động và đầy thử thách. Bản thân họ cũng gặp những mâu thuẩn, bế tắc không thể giải quyết nổi dẫn đến những ứng xử đầy tính nghịch lý bởi ranh giới giữa cái đúng và cái sai không rõ ràng. Phạm Quỳnh là một nhân vật điển hình, nổi bật lên trong lịch sử văn học Việt Nam thời kỳ cận - hiện đại, nhưng lại gây nên nhiều tranh luận với những ý kiến khác nhau. Gần đây, nhiều tác phẩm với hàng nghìn trang sách của cụ Thượng Chi đã được in lại; nhiều bài viết nhận dạng lại chân dung nhân vật Phạm Quỳnh đã được đăng tải trên các tờ tạp chí, các tờ báo có số lượng phát hành lớn là một tín hiệu rất đáng mừng. Cụ Thượng Chi đã trở lại vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học Việt Nam và trong tình cảm của đông đảo độc giả. Trong tiến trình đổi mới, đất nước ngày càng dân chủ, công bằng, văn minh, đã có một cách nhìn khác về những nhân vật từng bị đối xử không thấu tình đạt lý. Mỗi lần vào Huế thăm mộ cụ thân sinh, nhạc sĩ Phạm Tuyên thường bày tỏ niềm vui và niềm tin về sự cởi mở của giới nghiên cứu trong việc nhìn nhận đánh giá lại các nhân vật lịch sử. Ông rất mong muốn được chứng kiến một sự giải tỏa về cụ thân sinh và gia đình mình.

Có những lúc gặp câu hỏi khó, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn cười và dẫn lời của tỷ phú Bill Gates: “Cuộc sống vốn không công bằng, phải tìm cách thích nghi và vượt lên nó”. Đúng như thế, cuộc sống vốn không công bằng với gia đình Phạm Tuyên nhưng ông đã hòa nhập, thích nghi để vượt qua mọi trở ngại, vượt lên chính mình. Ông có người em ruột tốt nghiệp đại học Văn Khoa, ở miền Nam không tránh khỏi đi lính. Sau này anh em gặp nhau ở Mỹ, chú em nói: “Cây gậy Trường Sơn của anh văng đến đâu là em phải chạy khỏi chỗ đấy…). Lần đầu Phạm Tuyên qua Mỹ, nhiều người nể trọng nhưng cư dân mạng bên ấy lắm kẻ chửi ông ra rả, cho ông là đứa con bất hiếu. Ông chỉ cười, không tranh luận, khi về đến nhà mở mạng lại thấy có người viết: Phạm Tuyên là người con rất có hiếu.

Ông thường nói cuộc đời nhiều khi cũng gặp trắc trở nhưng bản thân tôi lại may mắn được gặp nhiều người tốt. Ví dụ: Sau khi tốt nghiệp Trường Lục quân về làm Đại đội trưởng Trường Thiếu sinh quân ông được Hiệu trưởng là Lê Chiêu giới thiệu vào Đảng. Sau này gặp lại ông Lê Chiêu, nhạc sĩ Phạm Tuyên hỏi, việc anh giới thiệu một người có lý lịch như tôi vào Đảng thì có gặp phiền phức gì cho bản thân hay không? Ông Lê Chiêu bảo, cũng có chút ít thôi nhưng không sao; ai hỏi thì mình bảo Tuyên là người tốt, cần được kết nạp, mà nếu có là con quan Thượng thư thì chắc phải là con của bà ba, bà tư, tức là thuộc thành phần không bóc lột... Lúc đó đâu có ai biết rằng Phạm Tuyên là con của bà cả, và quan Thượng thư đầu triều như cụ Phạm Quỳnh lại chỉ có duy nhất một vợ.  

Những ca khúc viết về Đảng chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Tuyên, là những mốc son trên con đường sáng tác nghệ thuật của ông. Với những ca khúc kể trên, Phạm Tuyên được đánh giá là một trong những người viết Đảng ca hay nhất, là nhạc sĩ thành công nhất khi viết về đề tài ca ngợi Đảng.

T.T
(TCSH373/03-2020)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)

  • Nhạc và lời: NGUYỄN VĂN VŨ

  • TÔN THẤT BÌNH

    Nếu dân ca là suối nguồn cảm hứng của nhân dân lao động trong cuộc sống thì hò là phương thế thể hiện tâm tình tràn đầy xúc cảm một cách trung thực nhất.

  • VĂN CAO
           Hồi ký

    Sau triển lãm Duy nhất 1944 (Salon Unique), tôi về ở một căn gác hẹp đầu phố Nguyễn Thượng Hiền.

  • TÂM HẰNG NGUYỄN ĐẮC XUÂN  

    Tin từ Làng Mai Pháp quốc cho biết: Đêm giao thừa Thầy nói về Phạm Duy cho khoảng 70 cháu sinh viên Việt Nam về thăm Làng. Bài giảng này cũng là một loại hommage(1) cho Phạm Duy. Có thể nghe lại trên mạng chỗ Pháp Thoại online của Thầy vào ngày 30 Tết vừa rồi.

  • Trưa ngày 27/01/2013, cây đại thụ của làng nhạc - Nhạc sĩ Phạm Duy – đã qua đời, hưởng thọ 93 tuổi. Nhạc sĩ Phạm Duy có số lượng tác phẩm âm nhạc đồ sộ, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Khi còn sống, nhạc sĩ Phạm Duy cũng thường xuyên cộng tác với Tạp chí Sông Hương. Chúng tôi xin đăng lại bài viết cuối cùng của nhạc sĩ đã gởi cho tòa soạn trước khi mất và đã được đăng trên Sông Hương số Tết Quý Tỵ 2013, như một nén hương tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa.

  • “Đời là những cơn mưa vô thường/ Trói chân em bên đường/ Nước dâng cao chân tường/ Đường xa chân ướt phơi nắng dầm sương”...

  • NGUYỄN TẤN TÔN NỮ Ý NHI

    Trong ý niệm của nhiều người từ hạng trí thức cao cho đến bình dân, ngoại trừ dân nghiên cứu dân tộc nhạc học, hát xẩm là một thể loại âm nhạc có xuất thân thấp kém, luôn gắn liền với hình ảnh của người khiếm thị và cây đàn nhị từ góc phố, sân đình hay bãi chợ. Nhắc đến hát xẩm, đa phần người ta liên tưởng ngay đến những ca từ mộc mạc, dung dị và lắm khi dung tục.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN 

    Đêm giới thiệu Trường ca Hàn Mặc Tử, tại Học viện Âm nhạc Huế thầy Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa chúng ta đi từ cõi thực mộng mơ trải qua những đau đớn, vật lộn với cơn đau đến ngất lịm và cuối cùng nương tựa vào niềm tin tâm linh để hiện hữu.

  • TRƯƠNG ĐÌNH NGỘ

    Thượng thanh khí tiết ra nguồn tinh khí
    Xa xôi đời trăng mọc nước Huyền Vi
    Đây Miên Trường, đây Vĩnh Cữu tề phi
    Cao cao vượt hai hàng bóng vía


  • (Bản dịch của Trương Đình Ngộ)

  • NGUYỄN THỤY KHA

    Có thể nhận ra sự giao hòa giữa nhiều chiều cảm xúc trong quá trình thai nghén bài hát "Thiên Thai". Song có lẽ cái lớn nhất, cái bao trùm, cái gốc để tỏa ra sự tràn trề giai điệu của bài hát này chính là sự phản ảnh có thực của một dòng sông nào đó.

  • ĐẶNG TIẾN “Bộ môn” Thơ đang lùi bước trong xã hội hiện đại. Đời sống đô thị nhanh bước theo nhịp tiến hóa của công nghiệp, đẩy lùi biên độ của thơ: kỹ thuật hiện đại cung cấp cho quần chúng - nhất là thanh niên - những phương tiện giải trí và truyền thông hấp dẫn và nhanh chóng hơn những bài bản vần vè trước đây - dù sao cũng gắn liền với nếp sống nông thôn.

  • NGUYỄN HOÀN Nhân kỷ niệm 10 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cõi thiên thu 1/4 (2001-2011), Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuốn sách “Thư tình gửi một người” tập hợp hơn 300 trang thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi Ngô Vũ Dao Ánh, người tình có ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu bền trong cảm hứng sáng tạo âm nhạc của nhạc sĩ.

  • DƯƠNG BÍCH HÀDân tộc Tà Ôi, cũng như các dân tộc cư trú dọc Trường Sơn, âm nhạc là một bộ phận thiết yếu trong đời sống văn hóa của họ, nó không chỉ mang chức năng giải trí đơn thuần mà gắn liền với tín ngưỡng, với đời sống tâm linh, là phương tiện để tiếp xúc với thần linh.

  • NGUYỄN THỊ HỒNG SANHNgười ta gọi Trịnh Công Sơn là “sứ giả tình yêu”, “người tình của mọi thế hệ”, nhưng có lẽ chức danh “con người thi ca” mà nhạc sĩ Văn Cao yêu mến dành tặng cho ông là phù hợp hơn cả.

  • TrẦn thỊ AnCho đến nay, ca trù vẫn là một thể loại văn chương âm nhạc rất xa lạ với đông đảo đại chúng. Trong ấn tượng chung, ca trù là một sinh hoạt âm nhạc trước hết gắn với lễ lạt của các ông hoang bà chúa hay các miếu đền, sau nữa là thú ăn chơi ở dinh quan, thậm chí trở nên sa đọa và trụy lạc nơi ca quán.

  • NGUYỄN THỤY KHATừ sau "Đề cương văn hóa" của Đảng ra đời năm 1943 sáu chữ "Dân tộc - khoa học - đại chúng" đã trở thành tâm niệm của những chiến sĩ cách mạng làm công tác văn hóa. Song ngay cả khi Cách mạng tháng Tám thành công, rồi cả dân tộc bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến thì cho đến trước chiến dịch Điện Biên, chữ "Dân tộc' trong "Đề cương văn hóa" vẫn chỉ được các nghệ sĩ khai thác ở những vốn cổ của người Kinh, trong đó có nghệ thuật âm nhạc.

  • NGUYỄN THỤY KHATrong hai đêm 2 và 3.06.2004 tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội đã diễn ra chương trình hoà nhạc của Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của Giáo sư - Nhạc trưởng người Anh Colin Metters - Cố vấn âm nhạc và nhạc trưởng hợp tác chính của Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam trong dự án 5 năm nhằm củng cố và phát triển dàn nhạc lên ngang tầm quốc tế.

  • VĂN THAO... Tôi tập tễnh bước một leo lên cầu thang ngôi nhà số 108 phố Yết Kiêu vào một ngày giáp tết năm 1976. Đã sang tiết xuân, trời nắng nhẹ mà vẫn lạnh. Tiếng đàn dương cầm vọng ra. Một điệu vans. Giai điệu của bản nhạc mượt mà, lấp lánh như những hạt nắng xao động trên vòm cây. Một giai điệu mà tôi chưa nghe bao giờ.

  • MẶC HY    Hồi kýThế là tôi và Lê Lự, mấy đêm nay, lại được nằm chỏng khoèo trên mấy tấm ván nóc chuồng trâu nhà mẹ An tại Khe Giữa để đón một cái Tết thứ hai ở chiến khu Ba Lòng.