Một chút màu xanh

09:25 21/03/2008
Anh chị dọn về đây từ hồi mới cưới nhau. Căn phòng xinh xinh, quét vôi xanh nhạt, trang nhã và sạch sẽ.

Một chút màu xanh - Phụ bản Bửu Chỉ

Trên vách, chị treo chiếc gương soi hình trái tim, viền ruy-băng hồng thắt thành nơ - đó là quà kỷ niệm cưới của hai người. Trên đầu tủ đặt chiếc giỏ tre đan, bên trong thường cắm một bó cúc tím nho nhỏ, hoặc hoa bươm bướm vàng. Vào những ngày trọng đại của hai vợ chồng - sinh nhật chị chẳng hạn - anh còn đi kiếm cả hồng nhung, và cái tổ ấm cỏn con như sáng hẳn lên, xinh tươi, ấm cúng.
Bây giờ, chiếc giỏ tre đan vẫn ở đấy. Nhưng những bông hoa không còn. Quanh đây chẳng ai trồng hoa hoét gì, phải đạp xe hai ba cây số mới tìm được một chùm cúc hay tử vi, mà cũng chỉ nửa buổi là tàn ngay trong sức nóng hun đốt của bốn bức vách, dưới nắng trời tháng sáu. Trong tấm ảnh ở đầu giường, chị vẫn mỉm cười duyên dáng với đôi mắt lấp lánh, nhưng lắm lúc từ lớp học trở về, anh gặp vợ ngồi xổm trên nền nhà, mặt dính nhọ, loay hoay sửa bếp dầu. Có hôm chị đội nón, lúi húi thổi cái bếp củi ngoài hiên, nước mắt chị ràn rụa vì khói, và chị gắt lên cả với anh:
- Này, ở đâu mà trưa nửa ngày mới lò dò về đây… chẻ cho người ta ít củi khô nhanh lên!
Anh im, vào nhà, thay áo vội vàng rồi lấy rựa ra sân, lẳng lặng làm nhiệm vụ.
Buổi trưa trôi qua, cơm nóng, canh nóng, căn phòng cũng nóng. Sao trời nắng như đổ lửa thế này nhỉ? Cơm nuốt chẳng muốn trôi. Anh đề nghị:
- Này, mai em làm bún xáo ăn đi. Ăn cơm chán quá.
- Chà! Chị ngắt lời. Anh thì chỉ được cái… ăn cho sướng vào để rồi treo niêu đấy hẳn… Nói phiền lắm!
- Thì anh nói thế, không ưng thì thôi, có gì mà phiền! Anh bực mình, cố dịu giọng.
Chị nghe giọng anh hơi bực bội thì nhận ra ngay lỗi của mình nhưng vẫn không chịu thua:
- Anh bao giờ cũng thế, nhiều chuyện lắm chứ không phải chỉ chuyện này đâu?
- …
Anh định cãi, nhưng rồi lại im lặng.
Chẳng hiểu sao hồi này chị hay cáu gắt thế nhỉ. Anh thấy vợ uể oải, phờ phạc ra. Vì lo lắng cho gia đình, hay vì chưa quen với nơi ở mới? Căn phòng hơi tù túng, thiếu thoáng khí. Lúc nghĩ tới điều đó, anh thương vợ, nhưng khi phải chịu đựng những câu cáu bẳn ngang phè phè của cô anh không thể không nhăn mặt khó chịu, muốn đạp hết cho rảnh. Còn chị, mỗi lần cằn nhằn với chồng xong, chị ngồi yên, mơ hồ thấy buồn: chị thấy mình đâm ra xấu tính, nhăn nhó như bà già, chị ngượng với chồng và … Thật bực mình, chẳng hiểu tại sao.
Đêm đến, trời vẫn nóng hâm hấp. Cái nóng râm ran như còn tích tụ trong từng viên ngói trên mái nhà. Hai vợ chồng xoay lưng vào nhau mà ngủ. Lát sau chị tỉnh giấc, quay lại. Dưới ánh đèn chong, anh nằm ngoẹo đầu, một dòng nước bọt chảy xuống gối. Với tay, chị lấy chiếc khăn ở đầu giường lau nhè nhẹ cho chồng.
Anh cựa mình, ngáp dài ngái ngủ rồi quờ quạng nắm lấy tay vợ. Tay chị nóng hâm hấp như da gà. Bất giác, chị thở dài, bảo chồng:
- Mình phải cố tậu cái quạt máy, anh ạ. Nóng quá chịu không nổi.
Anh “ừ” rồi nửa mê nửa tỉnh, quàng tay lên vai chị. Chị mỉm cười… Đêm yên ắng lạ lùng. Một con thằn lằn ở đâu đó chợt tắc lưỡi trong bóng tối.
Phải có một chiếc quạt, cả hai anh chị đều đồng ý như thế. Còn phải chuẩn bị để lỡ ra thai nghén, sinh đẻ nữa chứ. Đến lúc sinh con, ai mà nằm mãi cả ngày trong cái hộp này nổi.
Quạt chưa có nhưng anh đã kiếm gỗ đóng một cái ghế nhỏ, sơn trắng muốt, để dành cho nó. Từ khi vừa bắn tin, đã có bao nhiêu người giới thiệu quạt cũ muốn bán lại, còn hai vợ chồng thì tích cực để dành tiền và tích cực đi xem. Nhưng hai tháng trôi qua, vẫn chưa kiếm được cái nào vừa ý. Cái thì thực tốt, mới tinh, nõn nà, có lồng bảo hộ, có “tuốc năng” hẳn hoi mới mua từ Nga về, nhưng giá tiền đắt quá. Cái thì vừa giá, lại vừa tươm tất, nhưng phải xài điện 220 mới được, mà ở đây khu tập thể lại dùng điện 110. Quanh đi, quẩn lại, hai anh chị quyết định gửi mua một cái quạt Hà Nội. Có mấy trăm thôi mà vừa gọn, vừa bền, chạy khỏe.
- Phải đấy anh ạ, ta chỉ cần cho không khí nó thoáng một chút. Dùng quạt lớn thì tốt đấy nhưng phung phí cả tiền, mình còn sắm lắm thứ nữa.
Chị bảo anh như thế. Anh cười:
- Thì hẳn thế… Nhưng mua quạt mậu dịch thì chờ mãi cửa hàng mới bán, mà ở nhà thì thêm mỗi ngày là mỗi ngày hết chịu nổi.
- Thì mình cũng đã chịu đựng bao nhiêu ngày rồi, làm cái gì mà như chết đến nơi thế.
Anh cười làm lành:
- Thôi thì tùy cô… Ăn thua ở cô đấy miễn là cô giữ được tiền đến khi người ta bán cho.
- Chà, đừng có lo cho em, lo cho anh đấy. Thuốc lá nhiều vào!
Anh “hừm” một tiếng, nửa cáu, nửa đùa. Anh là tay hút nghiện, hồi trước hôm nào không có thuốc thì nhức đầu, chóng mặt. Từ ngày cưới nhau, chị kèm riết không cho hút, đến khi bắt đầu tích lũy tiền để sắm thứ nọ, thứ kia thì lịnh cấm càng ngặt nghèo hơn. Anh biết ơn vợ đã kiềm chế được mình, nhưng mỗi lần nghe những lời đay đá của cô nàng, anh cứ muốn cãi lại.
Trời càng lúc càng nắng gắt. Hai vợ chồng sống với nhau qua mùa hè dưới mái ngói râm ran. Dường như họ gặp nhau ở đây để ngủ và ăn cơm, còn thì suốt ngày chị chạy về nhà mẹ, anh lên ngồi thư viện. Kiếm một chỗ mát mà làm việc, chứ giam mình ở đây mà chết thiêu à? Thường thường buổi trưa, chị về sớm, nấu cơm, chùi nhà. Ban đầu thì phân công mỗi người phụ trách mỗi ngày; nhưng dần dà do phân công tự nhiên và do sự vụng về của anh, việc hậu cần lại về cả chị. Anh lại có tính đãng trí, hay về trễ. Nhiều hôm chị dọn cơm ăn xong đi nghỉ rồi, anh mới mò về lục bát chén. Những lần như thế, anh lặng lẽ ăn xong, rửa dọn lấy, rồi đến ngồi ở mép giường; biết vợ chỉ vờ ngủ để nén giận, anh chỉ ghé lưng nằm ở mép chiếu, thiếp đi. Khí trời bức bối làm anh mệt nhừ, uể oải.
Cũng có lúc anh đưa tay nắm tay vợ tức thì bị hất ra tàn nhẫn. Nước mắt chị ứa ra, tủi thân:
- Có bữa cơm nhà, anh cũng quên!
- Nào anh cố ý về trễ đâu… Ngồi ở thư viện, đang đọc sách thì thằng Sơn rủ đi uống ly cà phê đá. Ngồi ở câu lạc bộ thể thao, gió thổi mát quá, hứng chí nói đôi ba câu chuyện rồi quên…
- Thì đúng là quên!
Chị vừa nói vừa khóc thút thít, khóc nhỏ nhỏ chứ không dám nấc to vì sợ hai phòng bên nghe tiếng. Thế là mất luôn giấc ngủ trưa… Đến khi ngoài cổng cơ quan đã có tiếng kẻng báo hiệu giờ làm việc, chị uể oải ngáp dài, úp mặt vào ngực anh:
- Anh ạ, em chỉ mong cho xong cái mùa hè chết tiệt này cho rảnh.
- Ừ, thì anh cũng chỉ mong thế!
Rồi mùa hè chết tiệt ấy trôi qua. Mùa đông đến. Trời lạnh, mưa nhiều nhưng dù sao cái rét vẫn dễ chịu cho những cặp vợ chồng mới cưới hơn. Vào khoảng tháng 11, cửa hàng có về một loạt quạt máy, nhưng đúng dịp ấy anh phải về Quy Nhơn thăm ông cụ ốm nặng. Chị phải chuẩn bị tiền cho anh về nhà, thêm nữa trời đang rét thì nhu cầu quạt cũng chưa cấp bách lắm, vay mượn làm gì cho phiền ra.
Mùa xuân. Những con én thỉnh thoảng bay về làm tổ dưới mái ngói đỏ. Rồi hết mùa, chim bay đi. Lại những đêm nóng râm ran, lại tiếng thằn lằn chắt lưỡi trên đầu tường. Lại mỗi lần từ lớp học về, anh gặp vợ quần xắn móng lợn, tóc túm một túm sau gáy, hí hoáy ngồi thổi lửa ngoài sân nắng.
Chiếc ruy băng hồng lồng quanh khung kính trái tim nay đã bị bụi đóng, bẩn quá nên chị rút ra và định thay bằng sợi khác nhưng tất bật những việc gì rồi chị cũng quên đi. Chiếc giỏ tre xinh xinh cũng mốc và gãy nan rồi anh đã cho nó vào bếp. Thời gian qua cái gì chẳng hư, chẳng cũ.
Âu đó cũng là quy luật bình thường!
Chỉ có một vật y nguyên như cũ: chiếc ghế nõn nà ngày nào anh đóng để dành cho chiếc quạt tương lai. Nó vẫn đứng đó trống trải và kiên nhẫn.
Những cơn giận hờn trẻ con đã qua dần. Bây giờ sau mỗi lần gây gổ, chị không còn khóc thút thít rồi áp má xuống lồng ngực nhớp nháp mồ hôi của anh nữa. Chị ra vẻ ta đây, nín thinh, khinh khỉnh. Cái im lặng ngột ngạt như trời trước cơn giông. Chuyện đó cũng trở thành bình thường, bình thường đến nỗi nhiều khi anh cũng không buồn để ý xem chị giận gì.
Câu chuyện chỉ trở thành bất bình thường vào một buổi trưa, khi chị từ hàng thịt trở về với giỏ giò sườn lủng lẳng trước ghi đông. Anh còn lo sửa cái bếp dầu - cái bếp dầu quỷ quái, cứ không chịu bắt lửa cho! Đang loay hoay thì anh nghe vợ la thất thanh:
- Trời ơi, giờ này mà anh còn sửa bếp dầu! Sao không bắc bếp củi cho rồi làm thế này đời nào mới có cơm.
- Thì thong thả nào, muốn củi thì có củi, làm gì mà như chết tới nơi!
- Tôi cũng sắp chết đói đây, anh tưởng sắp hàng từ năm giờ sáng đến giờ này còn khỏe lắm chắc? Biết thế anh đi mua cho rảnh, để tôi nấu nướng cho xong. Cứ giành ở nhà, bây giờ đổ vạ ra đấy!
- Này, vừa vừa chứ, thấy người ta nhịn lại cứ làm tới…
Anh càu nhàu, ngước lên nhìn vợ thấy chị phờ phạc, tóc bơ phờ vì gió, nước da rám nắng, trông thật nản. Chị cũng nhìn anh: dường như trong mắt anh có một thoáng gì gớm ghiếc, bất mãn, đố kỵ; chị nhớ ra là mình đã tàn phai đi so với ngày mới về đây… và chị cay xè hai mắt. Tự nhiên, chị thốt ra những lời cay độc:
- Thôi, không cần! Anh bây giờ còn xem tôi ra gì, để thời giờ, tâm tư mà o bế cô này, cô nọ, chứ tôi là cái gì!
- Ơ cái cô này hay nhỉ? Anh quắc mắt. Cô nói cô này cô nọ là nói quạnh nói khóe những chuyện gì đây? Đừng có hàm hồ, ăn nói vô căn vô cớ…
Trong óc chị hiện ra những hình bóng đàn bà đâu đâu đã đi qua đời anh từ cái thuở xa xăm xa tít nào. Cơn đồng bóng chợt nổi lên, chị vùng vằng ném giỏ thịt xuống đất.
Không may cho chị. Chị có định ném vào anh cho cam? Nhưng đúng lúc đó, anh đang ngồi xổm trên nền nhà chợt đứng vụt dậy, hứng trọn cả giỏ sườn, mở, thịt làm hoen cả chiếc áo trắng. Trời, tai vách mạch rừng, ở khu tập thể này làm gì dấu được ai một ly. Chỉ mấy hôm sau, cô Diệu ở bếp ăn đã đi kháo với tổ cấp dưỡng:
- Này, cái nhà chị Loan ở nhà D1 trông vậy mà đáo để lắm cơ. Đổ cả rổ thịt lên đầu chồng… cái ông Tuấn cũng tốt nhịn thật!
- Thực hả cô; đầu đuôi ra sao? Mấy cô gái trẻ đang nhặt rau ngẩng lên, hiếu kỳ. Thế là cả tuần sau cả khu tập thể đều hay. Ông Nghĩa khét tiếng sợ vợ, cũng lắc đầu bảo bạn:
- Thằng Tuấn dở. Cãi cọ thế nào mà để vợ đổ ụp cả rổ lòng heo nhoe nhoét lên đầu. Vợ tôi mà thế thì thôi, bãi!
Cả hai người cười ngất khi tưởng tượng ra hình ảnh Tuấn với những mảnh tim, gan, phèo, phổi  bê bết trên đầu, trên tóc.
Trong khi mọi người cười đùa, thì chị cụp mặt xuống. Chị ngượng. Chị không dám nhìn ai nữa. Chị thương chồng, ngượng với chồng, rồi phát tức lên với chồng. Chị không bao giờ nhìn anh bằng con mắt như xưa nữa!
Bây giờ thì chị ngồi đây, trước chiếc va ly đã sửa soạn xong. Đêm qua, anh đã lẳng lặng xếp hết áo quần, vật dụng vào đó, trong lúc chị nằm dài trên giường, lơ đãng xem mấy hình hoạt họa trong tờ tạp chí tiếng Nga. Ngày mai anh sẽ lên đường chuyển công tác vào Quy Nhơn. Từ khi anh viết đơn cho đến khi được chấp thuận chuyển, chị không hé răng can thiệp một lời nào. Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, nhìn nhau đã thấy hết tốt, hết đẹp thì còn đeo đẳng nhau làm chi nữa? Mấy hôm nay bạn bè đến tạm biệt anh, kẻ thì rủ đi nhậu người gửi thức này, thức nọ. Anh tiếp bạn bè vui vẻ, bình tĩnh, lúc hứng chuyện lên anh cười ha hả vô tư. Nghe tiếng, cười, chị thấy se se lòng… Nhưng rồi chị gạt đi, cứng rắn nghĩ thầm “mình chỉ được cái tình cảm vớ vẩn, hão huyền! Y làm gì mặc xác y chứ!”
Chiếc va ly nằm đây. Lần đầu tiên trong đời, anh tự xếp hành trang, không cần nhờ đến chị. Vĩnh viễn anh không cần đến chị nữa. Hơn một năm nay, chị để ý thấy mỗi lần đi công tác xa về, sắc mặt anh hồng hào tươi tỉnh hẳn lên. Rõ ràng căn phòng này chỉ còn là một cái nhà giam ngột ngạt đối với anh. Căn phòng này, cuộc sống này, và chị…
Hôm nay, trước mặt chị, chiếc ghế đẩu trắng xinh xinh vẫn còn đó, trống trơn, lạc lỏng như một giấc mơ không thành. Chị nhếch mép cười: bao nhiêu năm qua, tiền tiêu phí vào những việc đâu đâu mà vẫn không sắm nổi chiếc quạt máy. Không, không phải chỉ là chuyện chiếc quạt, mà còn là ý muốn thiết tha tạo điều kiện để sống hạnh phúc với nhau. Chẳng biết nếu những mùa hè đừng nóng nực, bữa cơm ngon ngọt hơn, hay có thêm chiếc quạt máy, thì cái gia đình nhỏ này sẽ ra sao? Chà, thôi hơi đâu mà nghĩ vớ, nghĩ vẩn nữa, chuyện gì đã qua, cho nó trôi qua, tiếc nuối làm gì?
Tiếng động ở cửa làm chị sực tỉnh. Anh bước vào, cùng với một người bạn. “A, anh Sơn!”
- Sơn đấy. Ngày mai tôi đi, anh ấy rủ đi ăn tối cho vui.
Anh bảo vợ, vừa nói vừa liếc nhìn vẻ mặt chị.
- Ừ, thì đi. (Trong bụng chị thầm nghĩ: vô tình vô nghĩa đến thế thì thôi, còn có hôm cuối cùng, cũng bỏ đi ăn nơi khác!) Đi cho vui chứ còn có một hôm nay, anh em chưa chào hết. Mua được vé tàu chưa?
- Rồi. Phờ cả người, vào ngồi chơi tí đã Sơn. Ngồi một lát cho khỏe rồi lại đi, chứ ở đây nóng lắm.
Sơn bước vào ngồi cạnh bàn, uống nước, nhìn quanh:
- Chỗ này đã lấy gì làm nóng. Chung quanh thoáng, có đâu như bên nhà mình bị cả dãy buynh đinh chắn ngang thành ra cả ngày không được tí gió nào.
Chị lắc đầu, pha thêm nước vào bình trà:
- Anh cứ thử ở đây ít hôm, rồi biết mùi cái mái ngói với bốn bức vách này.
- À, đó là lỗi tại hai ông bà chứ. Đây nóng là tại xáp nắng. Trồng ít cây xanh hay hoa leo là nó mát ngay chứ gì.
Chị đưa mắt nhìn anh, và bắt gặp mắt anh nhìn chị. Thực đơn giản. Nhưng lâu lắm rồi, anh chị chẳng nhớ ra điều đó.
 “Này nhé, trước sân kia, trồng vài cây vũ sữa hay trứng gà gì đấy thì tha hồ mà mát, lại có chỗ mắc võng. Vài năm là có bóng râm ngay thôi. Không thì xuống nhà mình, bứng lên vài mụt hoa giấy…”
Chị lại nhìn anh, và vẫn gặp mắt anh nhìn chị. Một phút trôi qua, anh nhìn đi nơi khác. Sau một thoáng xao xuyến, họ lại trở về với vẻ lạnh lẽo mọi ngày.
Chị cúi đầu, im lặng, rồi khe khẽ bảo:
- Có lẽ bây giờ mà trồng thì muộn mất rồi, anh Sơn ạ. Vô ích.
Sáng hôm sau anh đi. Chị cũng tiễn anh tới sân ga.
Khi còi tàu rít lên và những khung cửa sổ dần dần dang xa khỏi tầm mắt, chị trở về, nằm dài trên chiếc giường nhỏ. Một cảm giác lạ lùng dâng lên trong tim chị, không rõ là buồn hay vui, trống trải hay là thanh thản. Căn phòng bây giờ như khác đi. Lúc trước, chị thấy nó chật chội, tù túng, còn bây giờ thì rộng và nhạt nhẽo. Hơi nóng râm ran vẫn quyện lấy bầu không khí nho nhỏ giữa bốn bức tường xây và mái ngói.
Ôi, cái nóng, cái nóng vẫn đeo đẳng chị từ lúc về đây cho tới lúc chia lìa.
Vươn vai, chị kẹp lại tóc, bước ra hiên. Trong khu tập thể, mọi người đã về, ai nấy lo sửa soạn bữa cơm, tiếng cười đùa vang lên, huyên náo. Với tay lấy chiếc gáo, chị múc nước định rửa mặt cho đỡ nóng.
Chợt chị dừng lại.
Trước hiên, chẳng biết ai đã giăng mấy sợi dây thép mỏng mảnh từ mái nhà xuống tận thềm. Mấy mụt hoa giấy yếu đuối, xanh xanh đang dựa vào đầu giây, ẻo lả. Ai đó đã trồng ở đây một hàng cây non từ sớm tinh mơ…
Ngẩng lên, chị thấy một mảnh giấy gấp tư giắt ở cái mắc áo mưa trước cửa.
Hồi hộp, chị mở bức thư:
 “Loan,
Có lẽ đã xa lắm rồi, cái thời mà người ta có thể sống không cần chút tiện nghi nhỏ nào. Nhưng bây giờ anh mới sực nhớ ra, điều quan trọng không phải là mình không có chiếc quạt máy. Điều quan trọng là mình đã nghĩ đến nhau quá ít… Anh cũng nghĩ như em, bây giờ mà làm một cái gì thì đã quá muộn. Nhưng có lẽ, muộn còn hơn không.
Anh đi, hy vọng giữa chúng mình vẫn còn một cái gì đó tươi xanh, và mong có bóng mát cho em trong cuộc sống - chút bóng mát đủ cho mình có thể nhìn vào mắt nhau… nếu một ngày kia anh còn trở lại…”
 “Không, không…” Chị run lên. Nước mắt ràn rụa trên hai má, chị thấy mơ hồ quanh mình hình ảnh căn phòng ngày nào, nho nhỏ, sạch sẽ. Chiếc gương soi thắt nơ trên vách, chiếc giỏ tre xinh xinh đầy hoa. Rồi chị tưởng chừng bên tai tiếng còi tàu rít lên, và những khung cửa sổ dần dần dang xa, dang xa…
TRẦN THÙY MAI
(nguồn: TCSH số1-06.1983)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỖ KIM CUÔNGNhiều năm trôi qua tôi đã trở thành người đàn ông đứng tuổi. Có một mái ấm gia đình, vợ con hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghĩ về nàng, một người đàn bà chỉ kịp quen trên chuyến đò từ Huế ra Phong Điền, chia tay nàng để nhiều năm sau, tôi mới được gặp lại nàng trong một hoàn cảnh khác, tôi vẫn giữ nguyên một cảm giác hết sức lạ lùng. Một ý nghĩa luôn ám ảnh tôi khá kỳ quặc rằng: Tôi đã bị nàng hiểu lầm, là một chàng lính giải phóng “hám gái, dại khờ”... Bởi vì sau vụ việc ấy, chính tôi cũng rủa thầm mình là ngu ngốc.

  • NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.

  • HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...

  • HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.

  • PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.

  • THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.

  • PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.

  • PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.

  • HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.

  • BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.

  • DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết    (René Char)

  • ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.

  • NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.

  • NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.

  • NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.

  • NHẤT LÂM          Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.

  • NGUYỄN TRƯỜNG                           Nơi hầm tối là nơi sáng nhất          (Thơ Dương Hương Ly)

  • TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".

  • HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.

  • NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.