Miền Trung - Vẻ đẹp và tình người

16:18 28/03/2014

(SHO) Cứ hễ nhắc tới miền Trung, mỗi người Việt Nam có thể mường tượng ngay ra trong đầu những vùng đất của thiên tai triền miên. Miền đất, nơi mà từ tấm bé cho tới khi lìa đời dường như đều gắn với con chữ nghèo và sớm sương mưa nắng lận đận mưu sinh.

Hình 1: Biển Mỹ Khê với cát trắng, nắng vàng

Đã bao lần miền Trung oằn mình trong những cơn bão dữ cũng là từng ấy lần lặng chìm dưới dòng nước lũ khốc liệt. Đã bao đời cong mình chống chọi trước cái nắng khét lẹt, hanh rát của gió Lào cũng là bấy nhiêu năm nơi đây héo hon, trụi lùi. 

Cái vòng tròn của nhân sinh nơi dải đất này cứ mãi luẩn quẩn, nghiệt ngã là thế. Ấy vậy mà, ít người biết - “Mẹ thiên nhiên” dù có thường xuyên nổi cơn thịnh lộ với “đứa con” miền Trung thì cũng lại rất hào phóng khi ban tặng cho mảnh đất này nhiều cảnh sắc tươi đẹp nhất cả nước.

Có thể nói, từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh cho tới Khánh Hoà đều ẩn chứa trong mình vô vàn những danh lam thắng cảnh tuyệt mỹ, thiên nhiên kì thú làm xao lòng bao người dù chỉ một lần ghé thăm.

Thiên nhiên hút hồn trong sự khắc nghiệt

Trải dài trên 1.500 km bờ biển, miền Trung có vị trí địa lý rất lý tưởng: nằm trên trục giao thông quốc gia Bắc - Nam, gần các tuyến hàng hải, vận tải biển quốc tế. Đặc biệt, khu vực này là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) dài 1.450 km nối từ Myanmar qua Thái Lan và Lào. Do vậy, một trong những bức hoạ thiên nhiên tươi đẹp và cũng là lợi thế so sánh của miền Trung với những vùng miền khác, trước hết phải kể đến đó là - biển.

Những bãi biển miền Trung với phong cảnh hoang sơ, không khí trong lành luôn thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Nếu Sầm Sơn (Thanh Hoá) như một tấm lụa trắng khoác hờ trên vai người thiếu nữ; Cửa Lò (Nghệ An) lãng mạn như một bức tranh đẹp của tạo hóa với biển xanh, cát trắng, nắng vàng; Nhật Lệ (Quảng Bình) hiền hòa, êm dịu; biển Lăng Cô được mệnh danh “người đẹp làng chài” nằm cạnh bên đèo Hải Vân hữu tình cho đến Mỹ Khê (Đà Nẵng) là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, nổi tiếng với cát trắng mịn, sóng biển ôn hòa, nước ấm quanh năm thì Nha Trang lại hấp dẫn muôn người với bờ biển thoai thoải cùng hàng dừa thơ mộng bao quanh.

Thêm nữa, những Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Thuận An (Thừa Thiên Huế), Cửa Đại (Quảng Nam), Cà Ná (Ninh Thuận) hay Mũi Né (Bình Thuận) cho tới vịnh Văn Phong (Khánh Hoà) quanh năm tràn ngập ánh mặt trời và nước biển trong vắt màu ngọc bích... đều là những bãi tắm lý tưởng mà thiên nhiên đã tạc tạo nên ở eo đất này. 

Ngoài việc được thả mình trong những làn nước mát lành hay ngồi ngắm nhìn hoàng hôn đang xuống dần trên biển, du khách còn được tham gia vào nhiều hoạt động hấp dẫn khác như: câu cá, câu mực, lặn biển ngắm san hô, lái ca nô, nhảy dù, vui đùa cùng cá heo hay xem rùa đẻ trứng vào ban đêm... Ngoài ra, với nhiều khu nhà lộng lẫy cộng với những resort tiện nghi hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách sự thư thái và thoải mái nhất.  

Những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp, xanh tươi hay những ngọn núi cao “chọc trời” cũng là những điểm đến lý thú của dải đất nhỏ hẹp miền Trung.

Hẳn bạn sẽ phải kinh ngạc trước một Đèo Ngang dồn đuổi nhau từ Tây sang Đông chạy dài ra tận biển đã từng là biên giới tự nhiên của hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành. Dãy Trường Sơn hào hùng và kiên cường trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm của quân dân cụ Hồ đến nay vẫn hùng vĩ vươn mình trong mây trắng nắng vàng. Núi Bạch Mã ở độ cao gần 1.500m với nhiệt độ không bao giờ thấp hơn 4 độ C vào mùa đông và vượt quá 26 độ C vào mùa hè lại được coi là một trong những nơi nghỉ dưỡng có khí hậu dễ chịu nhất trên các vùng cao của khu vực Đông Dương. Tuyệt tác Ngũ Hành Sơn với 5 ngọn núi mọc lên giữa đồng bằng giáp biển lại giống như một bàn tay khổng lồ nâng đỡ vùng đất Đà Nẵng đang đà phát triển. Hoặc như Bà Nà – Núi Chúa với thời tiết bốn mùa trong một ngày đã và đang được “đánh thức” để trở thành điểm nghỉ dưỡng hàng đầu của Việt Nam; vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với hệ thống hang động huyền ảo cùng hàng trăm loài động thực vật quý hiếm đã được UNESCO công nhận… 

Hình 2: Núi Bà Nà sừng sững trên những tầng mây


Tiếp đến, đặc ân mà thiên nhiên ưu ái dành tặng cho eo đất miền Trung còn phải nhắc tới những con sông tươi đẹp chảy qua núi đồi hay vắt ngang giữa lòng thành phố.

Đâu thể có một dòng Hương thứ 2 với làn nước trong xanh biêng biếc, lững lờ những con thuyền ngược về đầu nguồn Vân Lâu mỗi đêm trăng thanh gió mát?! Dòng Nhật Lệ tức “sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời” lại là niềm tự hào của người dân Quảng Bình. Hay con sông Hàn diệm lệ nghiêng bóng bên những toà nhà cao tầng và ánh đèn lung linh của Đà Thành năng động. Con sông Mã nước chảy xiết như ngựa phi, rồi cả sông Son, Trà Khúc, Bến Hải, Thu Bồn… dù lớn hay nhỏ cũng đều như thể những khúc nhạc vừa lãng mạn, vừa phóng khoáng, vừa dữ dội… góp phần điểm tô cho những vùng đất nơi đây.  

Hình 3: Sông Son êm đềm bên những dãy núi đá vôi


Còn nữa, cũng đã có bao du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi tạo hoá đã dựng nên ở vùng đất này những kỳ quan thiên nhiên độc đáo như: suối cá thần Cẩm Lương (Thanh Hoá) – nơi cư ngụ của hàng trăm con cá giốc; phá Tam Giang bao la – là một trong những đầm nước lợ lớn nhất Đông Nam Á; ghềnh Đá Đĩa được hình thành từ đá bazan núi lửa như đã được một nghệ nhân nào đó tạc nên từ hàng triệu năm trước. Thêm vào đó, bán đảo Sơn Trà có đủ cả biển xanh, san hô lung linh và cánh rừng rậm rạp; mùi vị thơm cay dịu ngọt của củ tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) hay những đụn cát trắng xóa hoặc đỏ cam ở Mũi Né; đầm Ô Loan hòa quyện với mây trời Phú Yên v.v… tất cả, chắc hẳn sẽ khiến biết bao bước chân phải tìm về.

Hình 4: Phá Tam Giang mênh mông sóng nước


Khí chất kiên cường và hồn hậu mến khách 

Vẻ đẹp của miền Trung không chỉ ở phong cảnh mà còn nằm ở trong tính cách, khí phách của người dân ở đây. Một sự chất phác, dung dị mà ân cần, thơm thảo nhưng cũng lắm ngang tàng được thể hiện trong cách ứng xử, giao tiếp hàng ngày giữa người với người và với sự đối chọi lại tự nhiên.  

Có lẽ bởi, sinh ra trên dẻo đất nghèo khó, phải hứng chịu nhiều thiên tai nhất trong cả nước nên con người đất này dù có đi đâu về đâu, dù xuôi Nam ngược Bắc vẫn luôn biết vươn lên, vượt trên hết thảy những đau thương để tồn tại.

Cái khí chất ăn sóng, nói gió của những cư dân miền biển lại cũng góp vào sắc thái tiếng Việt cái mạnh mẽ, cái độ nồng như mang theo cả gió biển và cát nóng khiến người người nghe là phải nhơ nhớ.  

Hình 5: Và những con người vẫn cả đời chung lưng đấu cật với thiên tai


Bên cạnh đó, những câu hò Ví dặm, những điệu ca Huế, những bài Vè cá biển, Hò mái ngơi… dặt dìu êm ái cũng đã góp phần nuôi lớn tâm hồn bao thế hệ con dân miền Trung. Ở nơi đó, nghe tiếng dạ thưa của người đất Quảng đã thấy mến, nhớ về các nữ sinh xứ Huế với tà áo tím là thấy yêu, những ngư dân rắn rỏi trước biển khơi cho đến những con người đã ngã xuống năm xưa để bảo vệ quê hương thì chắc rằng, bất cứ ai cũng không khỏi bận lòng thương cảm?!     

Ngay trong mỗi tâm thức của người dân miền Trung xa xứ cũng vẫn luôn một lòng một dạ nhớ về đất Mẹ thương yêu. Có lẽ, chính ở những nơi mà cuộc sống lo toan bộn bề nhất lại là nơi cho những mầm yêu thương quê hương, tình yêu đất nước nở đóa hoa đẹp nhất.  

Vâng, miền Trung là vậy, con người miền Trung là vậy - cứ âm thầm chịu đựng bao khó khăn, bao đau khổ mà chưa một lần thống thiết kêu than, ngay cả cảnh sắc thiên nhiên cũng vẫn cứ đẹp đến nao lòng trong chính sự nghiệt ngã của khí hậu xứ này. Dường như niềm hạnh phúc của “con gánh đôi” là chỉ được thấy 2 đầu con gánh được tròn trịa, ấm no? Phải rồi. Bởi thế nên cả nước Việt vẫn luôn hướng về mảnh đất này với tên gọi trìu mến: “miền Trung ruột thịt” mà. 

Bài: Trường Xuân (tourconduongdisan.com)
Ảnh: Sưu tầm 









 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • THÁI VŨ

    Theo Đại Việt sử lược, nước Việt Nam ta xưa tên nước là Văn Lang, chính thức thành lập với các vua Hùng (696-682 trước TL), kinh đô đóng ở vùng tam giác sông Hồng, để thu phục các "bộ" vào các "bộ lạc" trên cả nước với một thể chế thống nhất.


  • HỮU THU - QUANG HÀ
               
                             Tùy bút

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Tôi đứng trên cầu Nam Đông nhìn ra bốn phía xung quanh, vẫn cảnh cũ người xưa.

  • HOÀNG PHƯỚC
          Bút ký dự thi

    Nội tổ của tôi ở đất Hiền Lương, một ngôi làng chuyên nông nhưng lại nổi tiếng với nghề rèn truyền thống của xứ Huế.

  • LÊ HÀ
        Bút ký dự thi

    Ka Lô, Sê Sáp là những bản miền núi thuộc huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào, tiếp giáp với hai xã biên giới huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

  • NGUYỄN THỊ VIỆT HƯƠNG - TRẦN HỮU SƠN  

    Truyền thông rất quan trọng trong việc quản lý vận hành phát triển xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày nay, các thôn bản miền núi đang đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới thì truyền thông càng có ý nghĩa quyết định trong việc làm chuyển biến nhận thức, hành vi của người dân.

  • NGUYỄN THẾ  

    Ô Lâu là con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nằm ở phía tây hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

  • PHƯỚC AN  

    Vịnh Lăng Cô thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vịnh biển có bờ biển cát trắng phẳng lì dài hơn 10km, diện tích 42km2, được bao bọc xung quanh phía tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ và phía đông là đại dương bao la xanh thẳm.

  • ĐỖ MINH ĐIỀN  

    Quảng Trị thường được nhắc nhớ nhiều bởi đây là mảnh đất khô cằn, nắng gió khắc nghiệt. Trong quá khứ, Quảng Trị là địa bàn quần tụ đông đảo các lớp cư dân bản địa, là nơi đứng chân lập nghiệp của rất nhiều thế hệ lưu dân Việt trên bước đường khẩn hoang lập làng.

  • VÕ VINH QUANG     

    LGT: 3 văn bia liên quan đến họ Nguyễn Cửu - Vân Dương ở Vĩnh Nam - Vĩnh Linh - Quảng Trị. Tư liệu này do viên Hộ bộ Hữu thị lang sung biện Nội Các sự vụ Nguyễn Cửu Trường - một danh hiền xuất chúng, làm quan trải 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (thuộc chi phái Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp) viết về ông nội (Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương), bà nội (Thái Thị Bảo/Bửu), cha (Ngũ trưởng Nguyễn Cửu Hoan).

  • LÊ ANH TUẤN    

    1. Tết truyền thống và lễ hội ăn mừng lúa mới trên dãy Trường Sơn

  • NGUYÊN HƯƠNG

    Khau Chang là một xã vùng cao thuộc huyện Bảo Lạc - tỉnh Cao Bằng, có đường giáp biên với Trung Quốc. Tình hình nhân chủng đa dạng cùng sự đặc sắc về văn hóa đã khiến Khau Chang trở thành nơi lưu giữ nhiều dấu ấn bản địa của Cao Bằng.

  • Cửa Lò (Nghệ An) được khai phá từ thế kỷ 15. Từ những làng chài nghèo ven biển, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất này đã trở thành đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước với những bãi tắm lý tưởng.

  • Những tòa nhà tráng lệ, trung tâm mua sắm sầm uất và các công trình đầy hứa hẹn tương lai… đã vẽ nên bức tranh về một thành phố vội vã chuyển mình. Nhưng còn có một Hà Nội dung dị, đời thường hơn. Chính những khía cạnh khác nhau ấy đã tạo nên nét riêng cho Hà Nội.

  • Ba Thắc cổ miếu ở Sóc Trăng là một cơ sở thờ tự của người Khmer Nam bộ. Nơi đây có nhiều huyền thoại linh thiêng được dân gian truyền miệng. Đặc biệt là những bộ xương người lộ thiên và chuyện kho báu dưới lòng đất.

  • VÕ TRIỀU SƠN

    Hải môn ca là bài thơ lục bát bằng chữ Nôm, khuyết danh, phiên trích trong sách “Thông quốc duyên cách hải chữ”, bản chép tay của Viện Khảo cổ Sài Gòn (số ký hiệu VĐ4, tờ 37a-39a).

  • TA DƯR TƯ

    Các dân tộc thiểu số anh em sống bên những dãy Trường Sơn hùng vĩ có rất nhiều nét văn hóa độc đáo và riêng biệt của từng dân tộc. Trong đó có nghệ thuật làm đẹp.

  • Ngày 25/1, tại Đền thờ Cao Lỗ, thôn Đại Trung, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức lễ khởi công gói thầu số 1 tu bổ, tôn tạo nhà Tiền tế, đền chính, nhà Tả vu, Hữu vu, miếu sơn thần, nghi môn, lầu hóa vàng và các hạng mục phụ trợ đền Cao Lỗ.