Hoàng Văn Hoè - Nhà thơ xuất sắc trong triều Nguyễn

09:50 24/03/2009
DUY PHITriều Nguyễn có nhiều nhà thơ lớn. Có một tác giả thơ xuất sắc thời ấy, song trên một trăm năm qua còn ít người biết đến, đó là Hoàng Văn Hoè (1848-?).Ông hiệu Cổ Lâm, quê gốc làng Phù Lưu, Tiên Sơn, Bắc Ninh, vốn thông minh từ nhỏ, bảy tuổi đã đọc Hán thư, có tài thơ văn, ông đỗ tiến sĩ năm Tự Đức thứ 33 (1880), năm sau lại đậu khoa Yêm bác - chuyên về văn chương. Ông làm quan đến Thị độc, sau ra làm tri phủ Kiến Xương, Thái Bình.Cuộc đời của Hoàng Văn Hoè là một bài ca đầy bi tráng.

Thời ấy, sau khi đã chiếm sáu tỉnh kỳ, thực dân Pháp thực hiện mưu đồ vết dầu loang từng bước mở rộng đất đai xâm chiếm. Trung kỳ và Bắc kỳ nước ta tuy còn trong tay nhà Nguyễn nhưng không được độc lập hoàn toàn.
Năm 1873, pháp cho quân đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất. Nguyễn Tri Phương-người từng làm Thượng thư bộ Binh, kỳ kinh lược xứ, Bắc kỳ tổng thống quân vụ được trao trọng trách giữ thành Hà Nội... Lúc đó, Hoàng Văn Hoè vừa đậu cử nhân được ba năm. Ông đã tự nguyện ứng nghĩa, mộ quân phối hợp bảo vệ thành, đánh giặc. Trong một bài viết bằng chữ Hán, ông có ghi rõ sự kiện này: Khi tôi tòng quân, thường đóng binh ở Sóc Sơn (Dư tòng quân thời, thường trú binh Sóc Sơn). Chiếm được thành nhưng quân giặc đã phải rút.

Năm 1882, đại tá Pháp Hăng ri Rive (Henri Rivière) đem quân ra đánh thành Hà Nội lần thứ hai và xâm chiếm sang các vùng lân cận. Lúc này, Hoàng Văn Hoè mới giành học vị Tiến sĩ được hai năm, đang làm tri phủ Kiến Xương, Thái Bình. Trước cảnh nước mất nhà tan, ông đã khảng khái nạp ấn tín trả triều đình. Ông đã liên kết ngay với các thủ lĩnh Nguyễn Cao, Nguyễn Thiện Thuật... xây dựng được một phòng tuyến khá kiên cố từ Đình Bảng chạy dài xuống giáp đê sông Đuống để chống giặc. Hoàng Văn Hoè thường xuyên có mặt trên tuyến phòng thủ trực tiếp chỉ huy, chiến đấu và động viên binh sĩ.

Trong những năm 1884-1885, triều đình Huế chia làm hai phái rõ rệt: chủ chiến và chủ hoà. Biết Hoàng Văn Hoè là một sĩ phu yêu nước xuất sắc của xứ Bắc, Nguyên soái Tổng tiết chế quân vụ Đại thần Tôn Thất Thuyết thừa lệnh vua Hàm Nghi đã triệu ông về kinh, giao chức Sử quán tu biên, thực chất là để tăng cường tướng lĩnh cho phái chủ chiến. Hoàng Văn Hoè đã trực tiếp tham gia cuộc chính biến đêm 22 rạng ngày 23 tháng Năm năm Ất Dậu. Đêm ấy dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Thuyết, quân Nam triều với 450 khẩu thần công đại bác và hàng vạn tay súng trường, cung kiếm đã bất ngờ tiến công vào quân Pháp ở đồn Mang Cá và bên toà Khâm sứ làm cho quan giặc tổn thất nặng nề và vô cùng khiếp sợ. Cuộc chiến đó bị thất bại. Vua Hàm Nghi và đoàn ngự giá phải rút khỏi kinh thành, lánh về Tân Sở- Quảng Trị, mở ra một thời kỳ Cần Vương cả nước sôi sục đánh giặc cứu nước.

Sau cuộc chiến đó không ai biết gì thêm về Hoàng Văn Hoè. Người ta cho rằng, ông đã hy sinh ngay trong đêm kinh thành khói lửa!
Hoàng Văn Hoè- biệt hiệu Hạc Nhân là con trai thứ mười một của Ngự sử Hoàng Công Định. Đến thời kinh thành tạm yên, ông Hoàng Huy Đạm là anh ruột thứ tám của ông Hoè do vào kinh tìm mộ em mà thu thập được tập thơ Hạc Nhân tùng ngôn. Mấy người trong gia tộc lại sưu tầm thêm thơ văn của ông Hoè viêt ở quê trước đây, đóng thành sách trong đó có 319 bài thơ chữ Hán. Ông Hoàng Thụy Liên- em ruột ông Hoè, con thứ mười hai của Ngự sử Hoàng Công Định đã viết Tựa. Trong lời đầu sách viết cách nay chừng một trăm năm, có đoạn:
Năm Ất Dậu niên hiệu Hàm Nghi, kinh thành có sự biến, anh cam lòng liều chết cứu nạn nước, hết lòng trung vì quốc sự, thực không hổ thẹn với nếp nhà hiếu nghĩa...

Một số bậc túc nho đã đọc Hạc Nhân tùng ngôn đều khen ngợi thơ hay nhưng cực kỳ khó dịch, vì chữ viết lại như rồng bay phượng múa, đời nay không mấy người đọc thông hiểu đầy đủ. Trong mấy chục năm qua, Hạc Nhân tùng ngôn mới được Chu Thiên dịch 4 bài. Do vậy, Hoàng Văn Hoè mới được giới thiệu đôi ba dòng trong các tập sách: Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục, Hợp tuyển thơ văn Việt (1858-1920) tập IV quyển Một, của nhóm Lê Thước...
Mãi gần đây, năm 2003 với sự cố gắng của nhóm biên dịch: Duy Phi-Lê Xuân Hãng-Tống Đức Nhuận phối hợp với nhà văn Thuý Toàn (hậu duệ của Hoàng Văn Hòe) cùng Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây mới xuất bản được tập sách Thơ chữ Hán Hoàng Văn Hoè (85 bài).
Tác giả Hạc Nhân tùng ngôn rất có ý thức chăm chút cho thơ, ông quan niệm:

Nhất chi bút hội thiên sơn ý
Bán cú thi hàm vạn cổ tình.
                        (Đạo trung thứ...)
Mỗi nhành bút hội được ý nghìn núi non
Nửa câu thơ chứa cả tình muôn thuở


Trong tập, có nhiều bài ca ngợi quê hương đất nước: Đề ở miếu Cổ Loa, Lên núi Phật Tích, Sông Hương đêm trên thuyền... Bài thơ Đến vườn Dược Sơn (Hữu Dược sơn viên) ca ngợi Trần Hưng Đạo, bộc lộ nét hào khí:

Lâu đài lịch lạc viên lâm cố
Nhạn táo hoành thu phong cảnh mộ
Kim nhân hốt ức Bạch Đằng công
Phủ ngưỡng bồi hồi ỷ giang thụ
Đại vương khởi duy huân liệt cao
Trung hiếu nhất sinh chân quốc trụ
Nộ lạt bất dung ngỗ nghịch nhi
Thử tâm tự túc dĩ thiên cổ.


Lâu đài trong vườn rừng cũ trải bao biến đổi
Tiếng nhạn kêu ngang gió chiều thu
Người nay bỗng nhớ chiến công Bạch Đằng
Bồi hồi tựa cây bên sông mà ngưỡng vọng
Chỉ có Đại vương là người công cao hơn cả
Một đời trung hiếu trụ cột của đất nước
Người từng giận, không dung sự ngỗ nghịch của con trẻ
Tấm lòng ấy đủ để lưu ngàn đời sau.


Để hiểu bài thơ này cần có mấy chú thích:
-Dược sơn viên, vườn trồng cây thuốc trên núi bên đền Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) nơi ở của Trần Hưng Đạo cho đến cuối đời.
-Trong trận đại thắng trên sông Bạch Đằng (4/1228) các tướng giặc như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp... đều bị bắt sống. Quân ta thu đựơc trên 400 chiếc thuyền giặc...
-Đại vương tức Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300). Năm 1984 tại Luân Đôn trong một phiên họp với các nhà bác học và quân sự thế giới do Hoàng gia Anh chủ trì đã công bố danh sách 10 Đại nguyên soái quân sự của thế giới trong đó có Trần Hưng Đạo. Trần Liễu (sinh ra Trần Quốc Tuấn) thù hận với Trần Cảnh (sinh ra Trần Quang Khải), vì theo sự thu xếp của Trần Thủ Độ:Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu-anh ruột. Trần Liễu từng đem quân làm loạn... Sau này, Trần Quốc Tảng (con của Trần Quốc Tuấn) có ý kích cha để cướp ngôi của chi thứ. Trần Quốc Tuấn nổi giận rút gươm toan chém Tảng, nhờ nhiều người van xin cho ông mới thôi, nhưng nói: “Từ nay cho đến khi ta nhắm mắt, ta sẽ không nhìn mặt thằng nghịch tử phản thần này nữa”. Trần Quốc Tuấn chủ động hoà hiếu với Trần Quang Khải, tạo sự thống nhất ý chí của toàn bộ vương triều Trần.

Trong Hạc Nhân tùng ngôn có nhiều vần thơ nói lên nỗi đau trước cảnh quê hương bị lũ giặc đốt phá tàn sát, chúng truy lùng bắn giết những người yêu nước như diễn trò săn hổ báo:

Tứ hải thập niên bất giải binh
Thiên thôn vạn lạc sinh kinh kỷ
Quần đạo tương tuỳ kịch hổ lang
Biên đình lưu huyết thành hà thuỷ
                                    (Cảm tập đồ)
Mười năm bốn bể còn binh lửa
Vạn xóm ngàn thôn lút cỏ lau
Bầy cướp đua nhau săn hổ báo
Bên thành như suối máu tuôn trào

Trong bài Tiễn Hộ bộ Biện lý Lê Hương Giang về triều, ông viết cho bạn mà như viết cho chính mình, lý tưởng của ông là sống sao cho trọn hai chữ trung hiếu:

Hồ thỉ sơ tâm viễn đại kỳ
Tối tô trung hiếu lưỡng kiêm chi
Chí lớn từ xưa với kiếm cung
Đôi niềm trung hiếu vẫn song song

Bài Tĩnh Gia tảo phát (Ở Tĩnh Gia đi sớm) có câu:
Tối hỉ sơ dương hậu
Thiên phân nhất vọng bình.
Mừng lắm sơ dương chiếu
Hung khí ắt tan nhanh.

Không dám dịch ngay sơ dương là mặt trời mới mọc. Theo Kinh dịch thì sơ dương  là một hào dương đã xuất hiện, ở thế đi lên đẩy dần các hào âm trên nó. Ý thơ của Hoàng Văn Hoè rất sâu rộng.
Trong Hạc Nhân tùng ngôn có nhiều bài viết về Huế: An Định chu thứ (Trên thuyền về An Định), Hương kiều (Cầu sông Hương), Xuân giao (Ngày xuân tế giao)... Qua bài Lưỡng nang cẩm cú (Hai túi những câu thơ hay), ta nhớ lại tục chơi Thả thơ của người Huế xưa. Bài Tân Tỵ nguyên nhật triều hồi kỷ sự  (ngày mồng một Tết Tân Tỵ- 1881 về triều ghi lại) là những nét chân phác về một buổi tế mồng một Tết của vua trên đất sông Hương núi Ngự. Hương giang dạ phiếm chu (Sông Hương đêm trên thuyền) cho ta hiểu được đôi chút về những khát vọng lớn lao của tác giả. Đêm trên dòng Hương sao trời lấp lánh, ông buông cần câu cá, khi nhấc cần lên ngỡ câu được cả sao Ngưu, sao Đẩu:

Tinh thần ba diện sam si kiến
Ngộ bả trường can điếu Đẩu, Ngưu.
Trăng sao trên mặt sóng bồng bềnh lên xuống
Ngỡ nhấc cần, câu được cả sao Đẩu, sao Ngưu

Thơ chữ Hán xưa, có nhiều tác giả còn phải chạy theo vần theo ý. Vượt qua được sự gò bó, thơ Hoàng Văn Hoè diễn đạt được cả những cảm xúc phức hợp. Bài thơ tứ tuyệt Giang quán khiển ứng -VII có nhiều nét mới lạ:

Sổ khúc lan tường xuân thuỷ thâm
Thổ âm Thái bán tạp Nông âm
Khấu huyền ngã dục ca tường hoạ
Liêu hoạ dương hoa cách ngạn âm.

Mái chèo khoẻ, chèo thuyền lượn theo nước sông xuân sâu thẳm.
Nghe (thuyền bên) những tiếng địa phương
                                    nửa là tiếng Thái nửa tiếng Nùng
Gõ thuyền ta ca, mong có tiếng ai đó vọng lại
Chỉ có hoa dương liễu hoạ lại ở phía nam sông
.

Tác giả ca, muốn có ai đối đáp như hát quan họ, như hát ví nhưng chỉ có đám dương liễu phía nam sông: rung lên, lả tả hoa rụng.
Có nhiều câu thơ diễn đạt cả năng lực quan sát tinh tế, sinh động:
-Tùng trúc tứ vi bình tháp ảnh
Lâu đài nhất thốc đảo ba tâm
                                    (Đăng Phật Tích sơn)
Thông trúc bốn bề, hình tháp trên mặt đất ngả dài
Lâu đài một cõi, bóng in ngược dưới đáy nước.

-Sơn như khuynh thạch tương điền hải
Triều dục truy nhân cấp thượng sa
                                                (Lý Hoà hải ngạn)
Núi như nghiêng đá cùng nhau lấp biển
Sóng triều muốn duổi theo
                        người chạy gấp trên bãi cát.

Hạc Nhân tùng ngôn
lại có những câu thơ rất hàm súc:
Lục ỷ hữu nha, huyền tự thán
Trung thư vô thiệt quản năng ngôn
                                    (Thứ vận phục đồng niên...)
Vải the lụa biếc dù tốt đẹp vẫn phải nhờ đến
            người rao hàng, riêng dây đàn tự nói được
Cuốn sách không có lưỡi,
                        vậy mà có khả năng tâm sự.

Có những câu thơ mới đọc nghe lạnh vắng, nhưng ngẫm cho cùng, đó là nỗi niềm trăn trở vì nhân thế, là một nét chân dung của tác giả:
Vạn lý cô vân tuỳ độc điểu
Bách niên hoàng quyển thoại thanh đăng
                                    (Thư quán mạn đề)
Vạn dặm một cánh chim bay hoài
                                trong đám mây lẻ
Trăm năm quyển sách vàng
                        trò chuyện với ngọn đèn xanh
.
Thơ thời ấy, sau Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, cùng với Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Thông còn có Hoàng Văn Hoè...
Là một tấm gương lớn về tinh thần dám xả thân vì nước, với Hạc Nhân tùng ngôn, Hoàng Văn Hoè còn là một trong số các nhà thơ xuất sắc của thế kỷ XIX.
D.P
(198/08-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • PHẠM THỊ ANH NGA

    Giới văn học nghệ thuật trong Nam ngoài Bắc cũng như những người từng là học trò của ông thường nói với nhau, tưởng như đùa nhưng lại rất thật, rằng đến Huế mà chưa ghé thăm ông thì coi như là chưa đến Huế, gì thì gì vẫn cứ... thiếu.

  • LÊ HUỲNH LÂM

    Văn chương như một món ăn tinh thần cho mọi người. Đối với những người đam mê, các tác phẩm văn chương như hơi thở, như máu thịt. Ngoài việc là món ăn tinh thần, văn chương như những con đường vươn ra dẫn dắt để nối kết, giao thoa giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa vùng miền văn hóa này với vùng miền văn hóa khác.

  • LÊ VĂN LÂN

    Trong phong trào đô thị Huế, từ phong trào hòa bình 1954 - 1955, phong trào Phật giáo ở Huế những năm 1963 - 1964 đến phong trào li khai ở Huế 1966, có một nhân vật khi nhắc đến hầu như ai cũng biết - đó là bác sĩ Lê Khắc Quyến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nguyên Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế.

  • ĐỖ MINH ĐIỀN

    Ngày 01/10/2012, một tin vui không chỉ dành riêng cho Huế khi bộ Cửu vị thần công là 1 trong 30 hiện vật/nhóm hiện vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam.

  • NGUYỄN MINH VỸ
                    Hồi ký

    Thú thật với các bạn Tạp chí Sông Hương và những ai cùng quê là trước Cách mạng Tháng 8-1945 tôi có phần nào "mặc cảm" vì cái gốc Thừa Thiên của mình.

  • LƯƠNG AN

    Vào đầu nửa sau thế kỷ 19, tại Phú Xuân (tức Huế bây giờ), giữa lúc tiếng tăm hai anh em Miên Thẩm và Miên Trinh đang lừng lẫy, một sự kiện bỗng thu hút sự chú ý của giới thơ kinh thành: sự xuất hiện gần như đồng thời của Tam Khanh(1), ba nhà thơ nữ người hoàng tộc, trong đó, Thúc Khanh được ca ngợi nhiều hơn cả.

  • (SHO) Tiến sĩ Lê văn Hảo quê ở Huế, con trai ông Lê Văn Tập - một đại phú gia ở miền Trung, du học Pháp (1953), đỗ Tiến sĩ Đệ Tam cấp ngành Dân tộc học (1961) tại Đại học Sorbonne, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (Centre national de la recherche scientifique) một thời gian rồi về nước (1965) giảng dạy Dân tộc học và Văn minh Việt Nam tại các Đại học Văn khòa Huế, Đại học Văn khoa Sài Gòn.

  • Có một người phụ nữ xứ Huế sinh sống và giảng dạy tại CHLB Đức nhưng luôn dành tình trang trọng chiếc áo dài Việt Nam. Bà là TS triết học Thái Kim Lan, với bà, áo dài làm nên một phần bản sắc vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.

  • NGUYỄN HỒNG TRÂN

    Như chúng ta đã biết qua sách sử, cựu Hoàng đế Bảo Đại có 2 người vợ được hôn thú chính thức. Đó là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng hậu) và bà người Pháp là Monique Marie Eugene Baudot.

  • LÊ VĂN LÂN

    Những thập niên cuối thế kỷ XX, có một nhân vật lúc ẩn lúc hiện như rồng trong mây, như kình ngư giữa đại dương, có mặt ở các thời điểm lịch sử, có tác động đến phong trào giải phóng dân tộc ở Thừa Thiên Huế nói chung và phong trào đô thị Huế nói riêng.

  • PHAN THUẬN AN

    "Hôm nay, Ngài trở về trong lòng đất mẹ thân yêu, trở về giữa tất cả đồng bào con Hồng cháu Lạc, trở về bên núi Ngự, sông Hương...
    "Chúng ta thành kính cầu cho nhà vua đời đời yên nghỉ.
    "Lòng yêu nước của nhà vua còn sáng mãi với sử xanh".

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    LTS: Thời Pháp thuộc cũng như thời tạm chiếm, những “thượng khách” đến du lịch Huế thường được bà công chúa Lương Linh (con gái thứ 19 của vua Thành Thái và là em út của vua Duy Tân) hướng dẫn.

  • LÊ TIẾN DŨNG 

    Một ngày cuối thu tháng Mười năm 1965 tôi nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam một tin quan trọng: Hội Văn nghệ Giải phóng công bố Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu.

  • ĐOÀN XANH 

    Nhà thơ, nhà báo Thúc Tề bị Pháp thủ tiêu khi mới 30 tuổi. Gần 50 năm sau, bí mật được phát lộ, Nhà nước đã truy tặng ông danh hiệu Liệt sĩ với bằng Tổ quốc ghi công.

  • Ở tuổi 75, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vẫn miệt mài bên chiếc máy tính để làm việc mỗi ngày. Ông luôn mang theo bên người một chiếc máy ghi âm, loại dùng bằng băng cassette, ông có thói quen ghi lại bất cứ buổi làm việc nào với các phóng viên báo, đài... Đón tôi trong con hẻm nhỏ dẫn vào ngôi nhà ở một quận gần trung tâm Sài Gòn, ông đội chiếc mũ kiểu Huế và những tiếng “răng, ni, nớ” rất Huế của ông mang lại cho tôi sự gần gũi để bắt đầu buổi trò chuyện.
                        Nhà văn ÁNH HƯỜNG (thực hiện)

  • Ngày 9/6/2014, nhà báo Nguyễn Khoa Bội Lan đã vĩnh biệt chúng ta, hưởng thượng thượng thọ 105 tuổi

  • Tôi lặng lẽ đi tìm về nhà "O Thương trống” mà trong lòng có cảm giác như một  đứa con đi xa lâu ngày trở về với mẹ để được nghe mẹ kể chuyện đời, chuyện nghề.

  • Có lẽ cho đến nay, ông Lê Văn Kinh là nghệ nhân làng nghề truyền thống lập nhiều kỷ lục nhất VN. Ông đã lập kỷ lục về bộ tranh thêu bài thơ "Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư bằng 14 thứ tiếng. Tiếp đó là bộ Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật. Đầu tháng 5-2014 vừa qua, ông tiếp tục xác lập kỷ lục thứ ba, đó là thêu tay hai bài thơ "Tẩu lộ” và "Hoàng hôn”  -  hai bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • VÕ SƠN TRUNG

    Con người đó, là nhà văn, nhà văn hóa, nhà từ điển học Đào Đăng Vỹ cực kỳ nổi tiếng ở Huế từ những năm 1940. Ông sinh ngày 1 tháng 2 năm 1908 tại Huế, có tài liệu nói ông mất ngày 7/4/1987 tại California - Mỹ(1).

  • Cật tre được lựa từ rừng già, xung quanh lồng được chạm trổ tuồng tích như một bức tranh hoàn hảo… Những chiếc lồng chim như một tác phẩm nghệ thuật ấy có giá cả chục triệu đồng.