Hòa hợp trong văn chương, văn hóa

09:40 15/06/2018

TÔ NHUẬN VỸ

Có những nội dung, định hướng trên tạp chí bây giờ đã bình thường, nhưng vào thời gian cách nay hai ba chục năm là quá chừng rối rắm, phức tạp. Như Hòa hợp trong văn chương, văn hóa.

Nhà văn Hoàng Khởi Phong và nhà văn Tô Nhuận Vỹ

Có một thực tế không thể chối cãi sau 30/4/1975: nhiều văn nghệ sĩ, nhà văn hóa miền Nam bỏ ra nước ngoài. Và, tự nhiên hình thành hai mảng văn chương, văn hóa “bên này” và “bên kia”. Có chuyện… lạ: thời kỳ Tạp chí Sông Hương (TCSH) mới ra đời, ở cả hai phía, có nhiều suy nghĩ RẤT GIỐNG NHAU: của ta thì chỉ có tốt và tốt hơn nữa và của địch thì chỉ có xấu hơn nữa!

Nhưng, TCSH tin rằng, ở cả hai “phía”, có những tác giả không đồng tình với tư duy “nổ bom” đó. Chúng tôi đã “gặp” những người bạn như Thụy Khuê. Chị đã viết: “…Ở khía cạnh này, văn học hải ngoại có những nét bảo thủ giống văn học chính thống trong nước: Ta đọc ta thôi. Người Việt hải ngoại không đọc hay không thích đọc những tác phẩm trong nước, nhất là những tác phẩm trong đó, người viết sử dụng những cấm kỵ như Mỹ, ngụy… hoặc có ý chê bai, miệt thị quân đội miền Nam… hoặc xưng tụng Bác, Đảng… Đó là bệnh chứng (syndrome) của chiến tranh, của lịch sử, khó có thể vượt qua. Mai Thảo, Túy Hồng tuyên bố: không đọc “họ”. Thế thì sao họ có thể đọc “ta”? Và họ và ta đều là người Việt. Chỉ khi nào người Việt vượt lên trên lịch sử, chịu khó đọc “nhau”… Đọc trong tinh thần đứng trên hệ lụy lịch sử, với tâm thức bình thản, gạn đục, khơi trong, tìm hiểu những hận thù, mê chấp của một thế hệ chiến tranh, giam cầm, tù hãm trong những cắt đứt giữa đất, đoạn giao giữa người. Đòi hỏi một nền văn học Việt Nam toàn diện thế kỷ XX thông qua các giai đoạn chiến tranh, trước tiên là thực hiện việc “đọc nhau”. Chấp nhận sự thái quá của nhau và như một tất yếu lịch sử và từ đó tìm ra chân giá trị của văn học và tư tưởng - nếu có - của mỗi tác giả của một thế kỷ mà lịch sử hung hãn đã dày xéo tác phẩm, ngộ độc văn chương” (Thụy Khuê - Thử tìm một lối tiếp cận…).

Chúng tôi cho rằng, nếu là văn chương, văn hóa thực sự vì con người, vì sự hưng thịnh của một đất nước Việt Nam đầy kiêu hãnh, thì sẽ có tiếng nói chung, sẽ ngồi lại đầm ấm với nhau. Và TCSH đã đúng khi đưa bàn tay Hòa hợp ra và đã lần lần có sự bắt tay của không ít người tâm huyết ở cả hai “phía”, như Thụy Khuê. Nhưng cũng phải nói ngay rằng, để duy trì sự đồng tâm này, TCSH đã không ít lần bị chụp những cái mũ… sắt nặng nề.

Nhiều năm sau khi được Nhà xuất bản Lê Trần, California xuất bản, tôi mới có cuốn TRĂM HOA VẪN NỞ TRÊN QUÊ HƯƠNG, dày gần 800 trang khổ lớn. Với tôi, đây là một tập hợp tư liệu văn học quý của văn chương, văn hóa Việt Nam, tuy có đủ nóng lạnh của cả “hai phía”. Trong tập sách đồ sộ này, rất nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu cho thái độ dấn thân, tự tin dấn thân của TCSH: Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Trần Dần, Hoàng Cầm, Trần Độ, Nguyễn Đình Thi, Lại Nguyên Ân, Lữ Phương, Phạm Xuân Nguyên, Trần Vàng Sao… Tập thể đông đảo người sưu tập, biên tập, viết bài… của tập sách này đã nhiệt tâm cổ vũ, hoan nghênh các tác giả mà TCSH tôn trọng đó, đã đủ nói rằng, Hòa hợp là có thực, một khi thần cốt sau này, khi lớp trẻ sung sức và mạnh mẽ như Hồ Đăng Thanh Ngọc chèo lái Sông Hương đã cùng Nguyễn Đức Tùng (Canada) khởi xướng đăng loạt bài về Văn học miền Nam trước đây và cùng nhóm thơ Tân Hình thức của Khế Iêm đẩy mạnh hoạt động theo hướng này thì TCSH đã tiến một bước dài với định hướng này. Tôi nhớ lại Doãn Quốc Sĩ đã trả lời Nguyễn Mạnh Trinh trên Hợp lưu 35 khi được hỏi “trong văn chương anh có nghĩ có biên giới giữa người cầm bút Việt Nam ở trong nước và ở hải ngoại? Hoặc giữa người ở miền Nam và ở miền Bắc?”:

- Văn chương Việt Nam là văn chương Việt Nam! Đơn thuần vậy thôi! Những người Việt miền Bắc, người Việt miền Nam, người Việt quốc nội, người Việt hải ngoại phản ảnh những gì xảy ra qua lăng kính cá tính văn chương của từng người. Cả nền văn chương Việt Nam nói chung do đó mà có được sắc thái lung linh phong phú. Tôi hiểu biên giới trong câu trên là như vậy.

Cũng không khác quan niệm của chúng tôi. Tôi nhớ đến Trần Vũ. Sau khi gởi cho tôi đọc truyện Giáo sĩ sâu sắc và độc đáo của mình, từ Paris anh gửi tiếp cho tôi truyện vừa Miền vĩnh phúc của Vũ Quỳnh Hương (ở San Jose, Hoa Kỳ). Vũ viết “Để anh hiểu thêm về văn học di dân. Chính những tác giả sống ngay trong xã hội Hoa Kỳ mới có thể viết được như thế”.

Vũ Quỳnh Hương vẽ lên mặt trái của xã hội Hoa Kỳ mà trong đó giá trị gia đình truyền thống bị phá vỡ một cách thê thảm. Tác phẩm viết về những người già sống những ngày cuối đời ở một viện dưỡng lão thật cô đơn, khắc khoải vì khao khát một chút hơi thở của người thân. Tôi xúc động khi đọc truyện này và thấy ngay ở Việt Nam đã xuất hiện không ít kẻ lắm tiền hoặc chạy theo đồng tiền mà bỏ bê con cái phải nuôi nấng, cha mẹ già phải phụng thờ và chúng tôi cũng đang chuẩn bị cảnh báo về tình trạng này. Qua nhiều lần liên hệ, chúng tôi đã gặp nhau nơi tấm lòng nhà văn với số phận con người, tôi viết lời giới thiệu và đăng Miền vĩnh phúc trên TCSH số Xuân 2007. Sau khi nhận được tờ tạp chí đăng nguyên văn truyện của mình, Vũ Quỳnh Hương gửi thư cho tôi:

“…Tôi cầm tờ báo trên tay với một sự ngạc nhiên dễ chịu. Lần trước tôi về Việt Nam (cũng khá lâu rồi) chỉ thấy báo in đẹp là những tờ báo in hình tài tử màu mè, không thấy một tờ báo văn học đứng đắn nào đẹp từ hình thức đến nội dung như Sông Hương bây giờ. Có lẽ nhiều năm qua tình hình báo chí cả nước có tiến triển, hay vì Huế là cái nôi của văn học miền Nam nên mới cưu mang sinh sản ra một tờ báo bề thế như Sông Hương?” (Thư ngày 30/5/2007).

Tôi không thể không nói tới Hoàng Khởi Phong.
 

Từ trái qua: nhà văn Trương Hồng Sơn, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, bác sĩ Tôn Thất Chiểu; Wasington DC

Tôi đã qua lại Cali nhiều lần nhưng ở lại lâu và “la cà” với anh em văn nghệ, báo chí người Việt thì mãi đến giữa năm 2005. Nguyễn Bá Chung gởi một bức ảnh tôi tham gia một Hội thảo do William Joiner Center tổ chức để anh em ở Cali “nhận mặt”, bởi tên tuổi nhiều anh chị em bên đó tôi đã biết, cũng như tên tôi “chẳng xa lạ gì với bển”, như Chung nói, nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau. Khi đợi nhận vali ở gần cửa ra sân bay, tôi đã thấy một nhóm anh em chỉ chỉ trỏ trỏ vô hướng tôi. Tôi đoán nhóm anh em bạn Chung ra đón. Lúc tôi đẩy vali ra thì một anh râu chỏm mạnh mẽ bước về phía tôi. Khi đến gần, anh chàng với bước đi chắc nịch, tự tin đó đã hỏi bằng giọng oang oang:

- Ông có phải là Tô Nhuận Vỹ không?

- Hoàng Khởi Phong, đúng không? - Tôi cũng đoán ngay.

- Tôi thắng thầu rồi! - Phong vui vẻ la lớn trước sự ngạc nhiên của tôi - Nghĩa là, mấy anh em đều muốn kéo ông về nhà, nhưng tôi thắng, ông về nhà tôi! - Vừa nói, Phong vừa kéo vali cho tôi ra xe của anh.

Trên đường về nhà, tôi nhắc lại chuyện khi đạo diễn Trần Văn Thủy ở lại nhà Phong đã có mấy nhóm kéo tới biểu tình phản đối Phong chứa chấp cộng sản Hà Nội qua. Phong nói ngay, giọng có vẻ xẵng:

- Tôi không chơi trò ý thức hệ. Tôi chơi với người tốt, người đáng chơi thôi.

- Vậy anh đã biết chi về tôi mà…

Phong cắt ngang lời tôi:

- Ông đã làm Tổng Biên tập Sông Hương thì ông không phải là một thằng hèn. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là những gì ông đã làm để cứu đứa con gái khi bị tai nạn khủng khiếp vừa qua, ở đây nhiều người đã nghe. Với tôi, hai điều đó là đủ!

Các họa sĩ: Đinh Cường, Nguyễn Đình Thuần (ở Mỹ), bà Séphani (Pháp) cùng anh em văn nghệ sĩ ở Huế ở Gác Trịnh, 11/2013


Tôi hơi ngẩn ra. Hai điều… đúng là quá đủ để hiểu về tôi. Kiểu ăn nói không màu mè, tác phong hơi bặm trợn, nhưng rõ ra một tấm lòng bộc trực, nhạy bén. Lần đó Phong đã đọc cho tôi nghe nhiều bài thơ tâm đắc. Hoàng Khởi Phong đã có nhiều thơ trước 75. Đã có nhiều bút ký, truyện ngắn, hồi ký, tiểu thuyết sau 75 và đang gấp rút hoàn thành trường thiên tiểu thuyết Người trăm năm cũ. Đa dạng như cuộc đời trầm luân của anh: từng là Đại úy Quân cảnh, giám thị trại giam, thợ cơ khí, người bán xăng, nhà báo… Nhiều trang viết của anh khá dữ dội và dữ tợn. Đó là văn xuôi. Còn thơ, da diết và trải lòng. Anh dữ dội mà bao dung, nhân ái. Bao nhiêu năm xa quê mà hồn vía vẫn ở một làng quê Hải Dương, nơi anh ra đời. Tôi đọc thơ Hoàng Khởi Phong từ trước 75, trong những ngày xe tăng Mỹ cày nát vùng cát Phú Vang và đêm sững sờ nhìn những đám cháy loang lổ lưng chừng trời vùng Tây Huế bị napal. Những bài thơ in roneo vì không được cấp giấy phép xuất bản, chỉ gửi biếu bạn bè, tập Phục hồi quyền chức làm người mà một người bạn giáo chức Huế cho tôi mượn. Mấy chục năm qua, một bài thơ lạ lùng trong tập ấy cứ đeo lấy trí nhớ của tôi mãi, bài Ghềnh thác cho cha. Số phận truân chuyên, bi hùng của đất nước đã nhập vào từng làng xóm, từng gia đình, từng con người để thử thách, để giằng xé, để chia nát… nhưng hơi thở của nòi giống, lòng hiếu nghĩa với đức sinh thành và cái tâm đối với con người vẫn nguyên vẹn, dù trong xót xa cay đắng. Theo yêu cầu của tôi, Phong hai lần đọc cho tôi nghe bài thơ, lần sau chậm hơn lần trước. Hoàng Khởi Phong kể rằng, anh là đứa học hành không ra gì nhất, sống văng mạng nhất trong những người con nên khiến cha anh thất vọng nhất. Nhưng trong một lần về phép ngắn, anh đã đọc bài thơ này cho cha nghe trước giờ quay lại mặt trận. Cha đã sững sờ nhìn anh. Từ đó anh là đứa con mà ông thương yêu, chờ đón nhất nhà. Cha mệt rồi sao không ngơi nghỉ/ Cha già rồi sao còn gội nắng mưa/ Con nhìn cha không nói được gì/ Khi quá khứ cha viết bằng tủi nhục/ Có phải cha đã dùng vũ khí thô sơ/ Gậy tầm vông chui luồn ngõ hẹp/ Tự vệ Thành không giữ nổi Thăng long/ Cha đã bỏ theo kháng chiến mùa thu bừng ngọn lửa/ Cha đã kể con nghe/ Về ba lô vá mộng sông hồ/ Về anh lính biên khu mơ về đồng nội/ Cuộc đời cha trôi trên dòng sông/ Có nhiều ghềnh thác/ Cha nói rằng cha ghét lính viễn chinh/ Lính Lê dương bán rẻ tâm hồn/ Cha chiến đấu cho chúng con được niềm kiêu hãnh/ Sao cha đành bỏ lại chiến khu/ Sao cha về thành/ Để công lao dật dờ ra biển/ Sao cha thở dài khi con vặn hỏi/ Sao cha căm thù anh bộ đội áo nâu/ Cha cần tiền cho con ăn học/ Phải dằn lòng làm công chức héo hon/ Ngày hai buổi cha chịu quyền dưới đám thực dân/ Đêm nghe tiếng súng vọng từ xa cha trằn trọc/ Cha uống rượu hay ngâm thơ cổ/ Cha dạy chúng con phải giữ tin yêu/ Độc lập hòa bình phải có tình thương làm căn bản/ Bây giờ cha đã thật già/ Đã dẫn chúng con qua mạch nước đen/ Đã bỏ lại gia tài cha vun xới/ Bây giờ chúng con đã lớn/ Chúng con đi rồi ai phụng dưỡng cha/ Nắng miền Nam đổ lửa/ Mưa miền Nam tả tơi/ Cha đã về hưu đi làm tư chức/ Tháng tháng mươi ngàn nuôi mẹ nuôi em/ Con không biết phải nói gì/ Khi buổi sáng thấy cha dong xe ra ngõ/ Áo trên người đeo chiếc thẻ ra vô/ Sở của cha toàn người lạ mặt/ Toàn người già toàn phụ nữ tanh ôi/ Phục sức hở hang làm cha choáng váng/ Nói nói cười cười làm nước mắt cha rơi/ Bây giờ cha ở nhà còm cõi/ Các em con rồi sẽ lớn khôn/ Sẽ theo gót cha khinh bỉ lũ viễn chinh/ Lũ mang quân phục mà vô tổ quốc/ Lũ không đất đai nên giày xéo quê người/ Chúng con đem xương máu đắp/ Nâng gót chân cha trở về nhàn hạ/ Cha cha ơi/ Đã tham gia kháng chiến mùa thu/ Đã làm công chức nuốt niềm tủi nhục/ Đã làm tư chức chịu đắng chịu cay/ Cha đã già xin giữ gìn nước mắt/ Sẽ có một chiều cha sẽ khóc măng/ Khi nhận chiếc đính bài con thường đeo nơi cổ/ Để hôm nay con nhìn cha lòng buồn tức tưởi/ Cha cha ơi/ Cha già rồi sao không ngơi nghỉ/ Cha già rồi sao còn gội nắng mưa.

Tôi tha thiết đề nghị Hoàng Khởi Phong cho giới thiệu bài thơ trên Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam và chính tôi sẽ viết lời giới thiệu. Tôi “kích” Phong: ông có dám cho đăng mà không sợ cộng đồng “thịt” không. Phong vặc lại “Ông đánh giá tôi xoàng vậy à? Nhưng không được thêm, bớt, chữa của tôi dù chỉ một cái dấu phẩy (,)”.

Bài thơ đã được Tổng Biên tập Hữu Thỉnh giữ đúng lời hứa không thay đổi dù chỉ là một dấu phẩy và nói với tôi qua điện thoại “Bài thơ xúc động quá!”.

Tôi kể hơi dài dòng mấy trường hợp cụ thể như Thụy Khuê, Vũ Quỳnh Hương, Hoàng Khởi Phong… trong nhiều nhà văn, nhà văn hóa “hải ngoại” mà tôi đã tiếp xúc một hoặc nhiều lần để khẳng định điều đã nêu ở đầu bài: nếu là văn chương, văn hóa đích thực thì sẽ gặp nhau, sẽ nhất tâm.

Huế tháng 4/2018
T.N.V
(TCSH352&SDB29/06-2018)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • BỬU Ý    

    Ngược dòng thời gian, nhẩm tính lại, tôi gặp Nguyễn Đức Sơn lần đầu tiên lúc nào? Chắc hẳn là dịp tôi làm thư ký tòa soạn cho tạp chí Mai.

  • Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020)   

    MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN

  • PHI TÂN

    Làng Đại Lộc quê tôi cách biển không xa, nhưng người làng tôi không một ai biết đi biển đánh cá. Nghề đi biển là của những người đàn ông làng biển.

  • LÊ QUỐC HÁN

    Huy Cận (31/5/1919 - 19/2/2005) là một trong những nhà thơ xuất sắc trong phong trào Thơ Mới (1939 - 1945). Nhiều nhà phê bình xếp ông cùng với Xuân Diệu, Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử vào hàng “tứ bất tử” trong thi ca Việt Nam của thời kỳ này.

  • BÙI KIM CHI

    Tôi rời trường xưa, Đại học Sư phạm Huế chạm ngưỡng 50 năm. Bàng hoàng. Xao xuyến. Thuở vàng son của những tháng năm cũ vẫn lặng lẽ theo tôi, giao cảm tuyệt vời.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Sáu chục năm trước, tôi chỉ là người hoạt động văn nghệ “tay trái”, vì “tay phải” còn lo làm công ăn lương. Sau khi rời ngành giao thông 1974 cho đến lúc về hưu năm 1999, thì làm văn nghệ cả hai tay!

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    Theo báo Quyết Chiến, Cơ quan Thành bộ Việt Minh Thuận Hóa, về sau là của Việt Minh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên), do nhà báo Vĩnh Mai (bí danh và cũng là bút danh của Nguyễn Hoàng) làm chủ bút; các nhà báo Nguyễn Đức Phiên, Vĩnh Hòa, Nguyễn Cửu Kiếm kế nhau làm quản lý và trị sự.

  • TRẦN NGUYÊN HÀO

    Bác Hồ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, là người sáng lập và linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên trong lịch sử báo chí ở nước ta và trên thế giới.

  • Kỷ Niệm 130 Năm Ngày Sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020)  


    VÕ VÂN ĐÌNH

  • PHẠM XUÂN PHỤNG  

    Về quê mẹ là về quê nội của mạ mình, tức là làng Tân Xuân Lai thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Còn “Quê Mẹ” là nhan đề một bài thơ của Tố Hữu viết về quê hương mình (cả quê nội lẫn quê ngoại), mà địa danh đại diện trong bài là Huế: “Huế ơi! Quê mẹ của ta ơi!”

  • Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020)

    PHONG LÊ

  • ĐÔNG HÀ  

    Người ta mỗi ngày thường hay nhìn tới để đi, nhưng cũng nhiều lúc, chọn cho mình một góc riêng tư, lại thường nhớ về những nỗi nhớ.

  • XUÂN CỬU

    Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế

  • BÙI HIỂN

    Giữa năm 1949, lúc ấy tôi đang là ủy viên kiểm tra sở thông tin tuyên truyền liên khu IV, ông Hải Triều gợi ý tôi nên đi công tác một chuyến vào vùng tạm chiếm Bình Trị Thiên.

  • LÊ QUANG THÁI

    Nhà thơ Nguyễn Khoa Vy (1881-1968) ở làng An Cựu, phủ Thừa Thiên, bút hiệu Thảo Am, đã sáng tác bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú theo hạn mỗi câu có tên một con thú.

  • ĐỖ QUÝ DÂN   

    Có lẽ tất cả những ai lớn lên ở Việt Nam đều biết đến nước mắm. Và đây chỉ là một câu chuyện. Một câu chuyện có chút liên quan đến nước mắm. Câu chuyện này cũng liên quan đến một người đàn bà được hoặc bị người ta gán cho cái tên Nước Mắm, hoặc Mắm, nếu người ta lười, chỉ muốn dùng một chữ để cho tiện gọi tên.

  • HỒ NGỌC DIỆP     

    Rất nhiều nhà viết sử, làm văn ao ước một lần được Bác Hồ tiết lộ một chút đời tư, nhưng may mắn đó chỉ thuộc về một người, đó là cố Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn Sơn Tùng.

  • CHÍ QUANG  

    Tết Nguyên đán là ngày lễ hội lớn nhất trong năm của toàn dân tộc. Những nghi lễ, tập tục ngày Tết biểu hiện đậm nét văn hóa Việt Nam, chứa đựng tổng thể văn hóa tâm linh, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa nghệ thuật trong đời sống.