Hiện tượng “chảy máu chất xám” hiện nay trong đội ngũ trí thức ở Thừa Thiên Huế

10:39 26/10/2009
Trí thức là những người mà lao động hàng ngày của họ là lao động trí óc, sản phẩm của họ làm ra là những sản phẩm trí tuệ, nhưng sản phẩm ấy phải là những sản phẩm có ích cho xã hội...

Có thể cho rằng, trí thức là tầng lớp tinh hoa của xã hội, đó là tầng lớp mang tính đặc thù xã hội khá cao, độc lập tương đối, có đầy đủ học vấn chuyên môn để phục vụ cho lao động trí óc phức tạp. Trí thức còn phải là những người có mặt trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi khu vực lãnh thổ và phải gắn bó khăng khít với tất cả các giai cấp, các tầng lớp khác trong xã hội.
Thừa Thiên Huế với trung tâm là Huế, trước đây từng là trung tâm chính trị- kinh tế- văn hóa của Việt Nam, và ngày nay được xác định là trung tâm văn hóa- du lịch của cả nước. Từ xa xưa, Huế được coi là mảnh đất hiếu học, là nơi bồi dưỡng, đào tạo rất nhiều nhân tài cho đất nước. Truyền thống ấy vẫn được lưu giữ và phát triển cho đến ngày nay. Hiện tại, toàn tỉnh có trên 500 trường học từ mầm non đến bậc trung học, cao đẳng, dạy nghề, có 11 bệnh viện, trong đó bệnh viện Trung ương Huế đang phấn đấu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung; có Đại học Huế hiện đang là trung tâm đào tạo, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực. Với trên 50 chuyên ngành đào tạo cử nhân, cao học ở 5 trường đại học, một khoa trực thuộc và Trung tâm nghiên cứu khoa học, Đại học Huế đang là nguồn bổ sung dồi dào cho đội ngũ trí thức không những với Thừa Thiên Huế mà cả với miền Trung và Tây Nguyên.

Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 17. 000 người có trình độ từ Đại học trở lên. Cứ 1.000 người dân có khoảng 16 người tốt nghiệp đại học. Đây là tỉ lệ khá cao so với cả nước (cử nước là 10/ 1.000). Số trí thức có trình độ từ thạc sỹ trở lên là 470 người, chiếm 2, 7% tổng số trí thức đang làm việc ở các lĩnh vực (tỷ lệ này của cả nước là 1%).

Đội ngũ trí thức có học hàm, học vị cao tập trung chủ yếu ở các trường đại học, bệnh viện TW Huế, trong hệ thống ngành giáo dục, sau đó mới đến một số lĩnh vực kinh tế. Riêng ở Đại học Huế có 406 người có trình độ trên đại học (chiếm 86%), gồm 128 tiến sỹ, phó tiến sỹ (trong đó có 30 người là giáo sư, phó giáo sư). Đội ngũ trí thức này được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: một số được đào tạo từ miền Nam trước 1975, một số khác được đào tạo từ miền Bắc hoặc một số nước xã hội chủ nghĩa cũng trước 1975, còn lại số đông được đào tạo sau ngày đất nước thống nhất (1975), trong đó gồm đào tạo tại Huế, đào tạo ở một số trung tâm lớn trong nước và nước ngoài.

Về cơ cấu và phân bố, tuy trí thức Thừa Thiên Huế có mặt ở nhiều ngành khoa học, trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị văn hóa- xã hội..., song tập trung chủ yếu ở các ngành giáo dục đào tạo, y tế, khoa học xã hội nhân văn, văn hóa nghệ thuật. Về tính không đồng đều này, trước tiên phải căn cứ vào môi trường văn hóa, giáo dục của địa phương, căn cứ vào tính đặc thù của vùng đất văn hóa. Thế mạnh ở đây là văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch. Nhiều ngành kinh tế chưa phát triển, do đó chưa thu hút được số đông trí thức vào hoạt động kinh tế. Một số ngành mũi nhọn của tỉnh như công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, thủy sản... còn thiếu những chuyên gia giỏi, đặc biệt là chuyên gia am hiểu công nghệ cao. Trí thức trên đại học cơ cấu chưa đồng đều ở các ngành. Nhiều lãnh vực chuyên môn còn quá ít trí thức có học hàm, học vị cao. Hiện nay có hơn 80% trí thức nằm trong biên chế Nhà nước, tập trung chủ yếu ở thành phố Huế, các thị trấn, trung tâm huyện lị. Trí thức ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn rất mỏng. Tình trạng này do các nguyên nhân: Kinh tế, văn hóa ở nông thôn, miền núi chưa phát triển, trí thức trẻ ngại đi xa, ngại khó khăn gian khổ, chính sách để thu hút trí thức trẻ về các vùng này chưa thỏa đáng.

Nhìn chung lực lượng trí thức ở Thừa Thiên Huế khá đông, khá dồi dào, song phân bố không đều và thiếu những chuyên gia giỏi đầu đàn, cho nên xét về mặt tổng thể thì chưa gọi là mạnh được.

Về hiện tượng “chảy máu chất xám” nói chung, chúng ta có thể xét từ một số hiện tượng cấu thành: Thứ nhất là sự di chuyển chất xám khỏi Thừa Thiên Huế theo dạng cơ học, có nghĩa một số trí thức ra đi từ Huế, hiện đang làm việc ở những địa phương khác hoặc những tổ chức kinh tế xã hội không đóng góp trực tiếp cho sự phát triển Thừa Thiên Huế. Thứ hai là hiện tượng lãng phí chất xám, bao gồm: chất xám thừa chưa sử dụng hết, chất xám không được sử dụng và hiện tượng chất xám đáng lý phục vụ cho lĩnh vực này thì lại sử dụng cho lĩnh vực khác. Ta có thể nói cụ thể hơn là, chất xám chưa sử dụng hết và chất xám không được sử dụng thường vẫn có hiện tượng chảy ra ngoài, ví dụ: một số trí thức đang làm việc ở Thừa Thiên Huế, nhưng do điều kiện kinh tế xã hội của địa phương bị hạn chế, nên chưa phát huy được hoặc chưa phát huy hết năng lực sở trường, từ đó chất xám được sử dụng cho nơi khác bằng các hợp đồng nghiên cứu khoa học với nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Còn hiện tượng lãng phí do sử dụng không đúng chuyên môn đào tạo cũng không phải là ít.

Thông thường, theo qui luật tự nhiên, chất xám chảy về những trung tâm đang có điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội. Ở những nơi đó có mức sống, mức thu nhập cao hơn những vùng khác, có điều kiện để phát huy tài năng hơn. Nếu chỉ xét ngay trong tỉnh, chúng ta đã thấy có hiện tượng chất xám chảy về khu vực trung tâm, chảy về một số ngành nghề có thế mạnh. Như đã phân tích ở phần trên, hầu hết số trí thức trong tỉnh đều tập trung ở thành phố Huế và các huyện lỵ, tập trung ở một số ngành nghề như giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa. Từ đó mà, nhiều sinh viên vốn ra đi từ các huyện, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, lại tìm cách ở lại thành phố, hoặc một số trí thức, cán bộ quản lý có năng lực từ huyện được rút lên tỉnh, thậm chí họ tự xoay sở để xin về trung tâm, âu cũng là điều bình thường. Bên cạnh đó, một số sinh viên được đào tạo chuyên môn này, nhưng ra làm việc ở lãnh vực chuyên môn khác có thu nhập cao hơn, một số cán bộ chuyển từ ngành này sang ngành khác, cũng bởi vì có những ngành có chế độ ưu đãi đặc biệt hơn nhiều ngành khác.

Nếu xét trong cả nước thì hiện nay chất xám chủ yếu vẫn chảy về hai trung tâm lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Có quan điểm cho rằng, “ chảy” đi đâu thì chảy, miễn là vẫn chảy trong nước, và cứ để cho quy luật tự nhiên đào thải, đến lúc bão hòa nó sẽ “ chảy” ngược (!?) Nếu giữ quan điểm như vậy, và chúng ta không sớm có chính sách điều chỉnh, thì sự chênh lệch giữa các khu trung tâm với các vùng phụ cận sẽ ngày càng lớn, khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi ngày càng xa. Điều ấy đã và đang xảy ra ngay trong tỉnh. Từ đó, chiến lược đô thị hóa nông thôn, mà mở đầu là công nghiệp hóa nông thôn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, nhiều người đang cảm thấy lo lắng và sốt ruột, khi hàng năm có khoảng 1. 500 sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học thuộc đại học Huế, song số ở lại Thừa Thiên Huế làm việc thì không bao nhiêu. Điều đáng nói là có nhiều cử nhân giỏi đã nhanh chân lên đường vào Nam kiếm sống, trong số họ cũng không ít người muốn ở lại Huế nhưng không kiếm được việc làm. Bên cạnh đó, phải kể đến một số sinh viên giỏi, ra đi từ Huế, đến học tập, tu nghiệp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc ở nước ngoài, nhưng đã không hẹn ngày trở về Huế. Nếu chỉ đơn thuần là sự di chuyển chất xám giữa vùng này với vùng khác thì vẫn còn cảm thấy nhẹ, đằng này, có nhiều trí thức trẻ được đạo tạo tại Huế, hoặc đào tạo ở những nơi khác, nhưng vốn ra đi từ Huế, hiện đang làm việc cho một số công ty liên doanh của nước ngoài. Đến đây, mới thật sự thấm thía, chúng ta bị thua thiệt và mất mát. Đành rằng, tại các công ty liên doanh ấy, xét về mặt vĩ mô chúng ta đang có lợi. Nhưng cái lợi chắc gì bù được cái thua thiệt. Chúng ta tốn rất nhiều công sức trong nhiều năm để đào tạo nên những trí thức, nhưng chỉ phải bỏ ra vài ba trăm đôla mỗi tháng cho một người, họ đã sử dụng phần “ tinh” của chúng ta mà không cần phải đào tạo, hoặc chỉ cần đào tạo thêm trong thời gian rất ngắn. Số tiền ấy, với người Việt Nam là lớn, song với họ chỉ là những nhân công rẻ mạt. Từ đó, vấn đề được đặt ra là, phải chăng chúng ta đang sử dụng không hết chất xám. Giữa đào tạo và sử dụng chưa cân đối.

Bây giờ nói về việc tuyển dụng. Từ năm 1990 đến 1994, trung bình mỗi năm toàn tỉnh tuyển dụng khoảng 120 công chức có trình độ đại học và từ 1995 đến 1998 con số ấy là khoảng 220 người mỗi năm, trong đó đông nhất là ngành giáo dục. Như vậy, đi đôi với sự phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội thì nhu cầu sử dụng trí thức tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, phải khẳng định, chúng ta chưa thể sử dụng hết số trí thức mới được đào tạo. Mặc dù chưa nắm được con số chính xác song, số sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng chưa tìm được việc làm ở Huế cũng không phải là ít.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, ở một số lãnh vực, ngành nghề, đã có những trí thức là cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, cán bộ làm chuyên môn, nghiệp vụ về kinh tế, kỹ thuật, cán bộ làm công tác quản lý, một số là các văn nghệ sỹ... đã ra đi khỏi Huế, mà chủ yếu là tiến về phía Nam (kể cả làm việc cho công ty nước ngoài). Chỉ tính từ năm 1990 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 20 công chức có trình độ từ đại học trở lên đã đi khỏi Thừa Thiên Huế. So với tổng thể thì số này không nhiều và mặc dù họ chưa phải là những chuyên gia, những nhà kỹ thuật đầu đàn, song trong số họ, có những người thực sự có tiếng tăm. Bên cạnh đó phải kể đến, trong số trí thức vẫn ở lại làm việc ở Thừa Thiên Huế, có một số do điều kiện chưa phát huy được năng lực, sở trường tại chỗ nên vẫn đi ký kết các hợp đồng nghiên cứu khoa học với nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Cũng trong khoảng thời gian này ở Đại học Huế, có một số phó tiến sỹ sau khi hoàn thành việc học tập, nghiên cứu ở Hà Nội hoặc ở nước ngoài về cũng đã tìm đường đi khỏi Huế. Tính từ năm 1990 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 4 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu đã di chuyển khỏi các trường đại học thuộc Đại học Huế. Con số này là rất nhỏ, song đa số họ là những người giỏi, được nhiều nơi chào mời.

Việc bố trí, sử dụng trí thức không đúng chuyên môn được đào tạo, tuy không phải là phổ biến nhưng cũng không ít trường hợp đã xảy ra. Qua khảo sát 300 trí thức ở mọi lĩnh vực thì có 39 người trả lời, công việc hiện tại chưa phù hợp với chuyên môn (chiếm 13 %)

Tác động tiêu cực của hiện tượng chảy máu chất xám đối với quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở Thừa Thiên Huế:

Việc một số trí thức giỏi rời khỏi Thừa Thiên Huế để đi làm việc nơi khác là một thiệt thòi cho địa phương, đồng thời nó gây tâm lý bất an cho những người ở lại.

Việc tuyển dụng và sử dụng trí thức không đúng chuyên môn được đào tạo vừa gây hiện tượng lãng phí chất xám, đồng thời số trí thức ấy không phát huy được sở trường của mình mà phải làm việc trái nghề sẽ tạo nên sự trì trệ trong bộ máy Nhà nước.

Chất xám sử dụng không hết hoặc không đúng đã là sự lãng phí, chất xám chảy ra ngoài không theo dạng cơ học cũng là sự thiệt thòi cho địa phương, song chất xám phân bố không đồng đều, thiếu hợp lý giữa các ngành, giữa các khu vực, gây nên sự thừa, thiếu giả tạo sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của nền kinh tế.

Việc mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng, việc đặt ra những tiêu chuẩn tuyển dụng rườm rà đã sinh ra hiện tượng, để kiếm được việc làm, sinh viên phải học nhiều nghề nhưng không giỏi nghề nào. Phải chăng đã đến lúc, hiện tượng chạy theo số lượng bằng cấp đã trở nên phổ biến, nó đang bị mất dần quan niệm “ nhất nghệ tinh”, điều này rất ảnh hưởng đến chất lượng công tác, đồng thời nó có tác động ngược đến chất lượng đào tạo.

Nguyên nhân:

Nguyên nhân về điều kiện địa lý, kinh tế- văn hóa- xã hội:
Nhìn chung, người tài phải có đất dụng võ thì mới ngời sáng được. Thừa Thiên Huế cũng mang một số đặc điểm giống các tỉnh miền Trung khác, đó là điều kiện tự nhiên không thuận lợi như đất canh tác bị hạn chế, diện tích vùng gò đồi, vùng cát nội đồng ven biển chiếm tỷ lệ khá cao trong diện tích đất đai (riêng vùng biển và đầm phá đã chiếm 13 % diện tích). Đất canh tác đã ít lại cằn cỗi, bên cạnh đó, điều kiện khí hậu, thời tiết hoàn toàn bất lợi cho việc phát triển kinh tế như thiên tai, bão lụt thường xuyên, hầu như năm nào cũng có. Mùa đông mưa dầm kéo dài, mùa hè ảnh hưởng gió Tây Nam khô, nóng, nhiệt độ không khí lên cao, ruộng đồng thường bị hạn hán. Đặc biệt hạ tầng cơ sở chưa phát triển, đường sá giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH- HĐH, còn nhiều cách trở giữa đồng bằng với các huyện miền núi, với vùng đầm phá ven biển. Vì nằm ở khoảng giữa đất nước, nên Thừa Thiên Huế cách xa hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, điều này cũng gây hạn chế cho việc phát triển, nhất là trong giao lưu kinh tế, văn hóa... Từ đó để thấy rằng, Thừa Thiên Huế chưa phải là nơi hấp dẫn để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Với những khó khăn như vậy nên xét về mặt “thiên thời, địa lợi” thì phải nói, Thừa Thiên Huế “mưa không thuận, gió không hòa, đất không lành”. Cho nên, tình trạng nghèo, túng thiếu đang còn nhiều, nền kinh tế chậm phát triển, nhất là công nghiệp địa phương, việc làm ít, thu nhập thấp đang còn là phổ biến. Từ đó, làn sóng chuyển cư của người miền Trung chứ chẳng riêng Thừa Thiên Huế vào miền Nam đã có từ rất nhiều năm nay, chứ không phải mới một số năm gần đây.

Từ những khắc nghiệt do thiên nhiên không ưu đãi nên để bù lại, người miền Trung luôn tỏ ra cần cù, hiếu học, chịu thương, chịu khó, và hơn xứ nào hết, họ rất mong có sự đổi đời. Cho nên, nhiều người Huế sẵn sàng rời quê hương ra đi, nguyên nhân chính cũng là mong sớm cải thiện được cuộc sống.

Điều kiện kinh tế chậm phát triển thì khả năng tận dụng năng lực của người giỏi cũng bị hạn chế. Việc người tài rời khỏi Thừa Thiên Huế vào miền Nam tìm một cuộc sống dễ chịu hơn, với mức thu nhập kinh tế cao hơn nhiều lần, âu đó cũng là quy luật hoàn toàn tự nhiên trong việc di chuyển chất xám. Còn nói đến chính sách “ chiêu hiền đãi sỹ” thì, với điều kiện kinh tế như thế, cũng chỉ đáp ứng được một phần nào đó, thường là khó thỏa mãn với những người giỏi.

Ngoài những nguyên nhân khách quan như đã nêu trên, hiện tượng “ chảy máu chất xám” còn xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan như: sử dụng chưa đúng, chưa hết năng lực của một số người giỏi, cơ chế tuyển dụng còn nhiều bất hợp lý, cơ chế hoạt động còn thiếu đồng bộ ở nhiều nơi, sự phối hợp giữa đào tạo với nhu cầu tuyển dụng chưa cân đối, đào tạo chưa sát với yêu cầu phát triển ngành nghề của địa phương, chính sách ưu đãi chưa thỏa đáng.

Cuối cùng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là kinh tế xã hội chậm phát triển, chưa ngang tầm với sự nghiệp văn hóa, giáo dục nên đã dẫn đến tình trạng sử dụng không hết chất xám, chất xám thừa ở một số lĩnh vực này nhưng lại thiếu ở một số lĩnh vực khác, thừa ở trung tâm nhưng lại thiếu ở vùng phụ cận, do ở đó, chúng ta chưa có chính sách hợp lý nhằm thu hút người giỏi, hoặc chưa kịp thời định hướng kế hoạch đào tạo.

Giải pháp nhằm hạn chế hiện tượng “ chảy máu chất xám”

Hiện nay, công tác đào tạo ngành nghề đang phát triển mạnh, đa dạng và phong phú, song việc tuyển dụng và sử dụng số trí thức trẻ của chúng ta còn gặp nhiều lúng túng, cũng do các mặt kinh tế, văn hóa- xã hội chưa đáp ứng kịp thời với sự phát triển đa dạng của đào tạo.

Đối với cấp ủy đảng nên sớm có sự định hướng, đối với cấp chính quyền có thể nghiên cứu để thực hiện từ một số biện pháp cụ thể như sau:

Xuất phát từ cơ cấu kinh tế của tỉnh là: công nghiệp- du lịch-, dịch vụ- nông nghiệp và cũng từ các mũi nhọn kinh tế mà thu hút và phân bổ đội ngũ trí thức theo các hướng ưu tiên tuần tự.

Về công tác cán bộ: phải sớm có qui hoạch tổng thể trong toàn tỉnh và qui hoạch chi tiết từng lĩnh vực, từng ngành cụ thể để đề ra kế hoạch sử dụng, phân bổ đội ngũ trí thức, tuyển dụng và đào tạo lâu dài.

Hạn chế tính tự phát trong việc bổ sung, tuyển dụng cán bộ đối với nhiều ngành nghề hiện nay. Cần đề ra kế hoạch tương đối “ dài hơi” trong công tác cán bộ, ít nhất là trong 10 năm tới, mỗi năm chúng ta cần đào tạo lại, cần bổ sung thêm bao nhiêu trí thức trẻ trong từng ngành nghề cụ thể.

Về kế hoạch đào tạo: Xuất phát từ cơ cấu kinh tế của tỉnh và mũi nhọn kinh tế cần tập trung để ưu tiên hướng đào tạo. Hiện nay, Đại học Huế là nguồn bổ sung lớn cho đội ngũ trí thức của tỉnh, song mới chỉ tập trung chính ở các ngành khoa học cơ bản, y tế, giáo dục, nông nghiệp, nghệ thuật mà chưa có khoa học kỹ thuật. Từ đây phải có sự định hướng trong việc gửi đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật từ các trung tâm lớn để về phục vụ cho tỉnh.

Để đạt được hiệu quả cao trong việc thu hút chất xám, ngay từ bây giờ chúng ta phải chú ý đến số học sinh giỏi ở các trường phổ thông. Có định hướng nghề nghiệp cho các học sinh này, và có chính sách trong suốt quá trình học đại học của họ, làm sao khi ra trường, họ tình nguyện ở lại hoặc từ xa trở về Thừa Thiên Huế làm việc. Bên cạnh đó phải chú ý hạn chế việc đào tạo vừa thiếu vừa thừa. Chú ý ưu tiên đào tạo người tại chỗ cho 2 huyện miền núi.

Phân bổ đội ngũ trí thức: hạn chế việc đội ngũ trí thức tập trung qúa đông ở trung tâm, tập trung nhiều ở một số ngành nghề. Phải có chính sách kéo giãn ra, nhất là chính sách nhằm động viên trí thức trẻ về công tác ở các huyện, ví dụ chế độ ưu đãi về tiền lương, quy định thời hạn công tác, cơ chế đào tạo và tuyển dụng cũng được ưu tiên hơn những trí thức ở thành phố...

Nâng cao chất lượng tuyển dụng trí thức, tuyển dụng đúng ngành nghề chuyên môn.

Liên kết chặt chẽ với Đại học Huế trong hướng nghiên cứu các đề tài khoa học nhằm phục vụ cho tỉnh. Hạn chế hiện tượng chất xám tại chỗ nhưng vẫn chảy ra ngoài.

Cuối cùng là chính sách ưu đãi những trí thức giỏi, có uy tín thực thụ, có bề dày cống hiến, ưu đãi trí thức ở các ngành nghề mũi nhọn của tỉnh, trí thức ở những môi trường công tác khó khăn.

Đối với xã hội: Phải có trách nhiệm định hướng nghề nghiệp cho lớp trẻ sát với tình hình thực tế của địa phương, giáo dục, động viên lớp trẻ ý thức phục vụ quê hương.

Đối với bản thân trí thức: phải nhận rõ được vai trò, trách nhiệm phục vụ của mình trước xã hội, nhất là trách nhiệm đối với chuyên môn, nghề nghiệp được đào tạo.

Thừa Thiên Huế là trung tâm giáo dục - đào tạo nhưng chưa giữ được nhiều người tài ở lại phục vụ quê hương là một thiệt thòi. Nhưng với sự chuyển mình về mặt kinh tế- xã hội như hiện nay, hy vọng một tương lai không xa, Thừa Thiên Huế sẽ là nơi hội tụ nhiều bậc tài năng tâm huyết.

VIỆT HÙNG
(130/12-1999)



 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Thuở hàn vi, nhà sử học, nhà văn Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) “túi rỗng bếp lạnh”, “một đồng tiền cũng chẳng dính tay” có viết Bài văn trách ma nghèo tuyệt hay.

  • Được mệnh danh là nhà thờ lớn và đẹp nhất vùng Đông Bắc Việt Nam, nhà thờ Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã bị phá bỏ ngày 9/3/2017 để xây mới.

  • Thời gian qua, vấn đề dạy chữ Hán (tức mảng từ Việt Hán) trong nhà trường được báo chí đề cập nhiều lần và dư luận quan tâm.

  • Khi nhắc đến tranh chép hay công việc chép tranh, nhiều ý kiến khắt khe cho rằng, chính những bức tranh chép đã làm lũng đoạn thị trường hội họa và ảnh hưởng xấu đến nền mỹ thuật nước nhà.

  • Nhờ facebook, tôi mới biết ngày hôm qua là Ngày Hạnh phúc. Chợt bần thần nhớ lại những kỷ niệm về hạnh phúc, vào cái thời ở ta chưa có ngày nào được gọi là Ngày Hạnh phúc...

  • Chúng ta không im lặng, chúng ta phải lên tiếng trước những điều tồi tệ, vô nhân đạo, nhất là khi chúng liên quan đến những đứa trẻ ngây thơ chưa đủ nhận thức để tự bảo vệ mình. Nhưng...

  • Mạng xã hội đang ngày càng phổ biến trong đời sống và không chỉ là kênh kết nối chia sẻ, giao lưu giữa các cá nhân. Trên thực tế, mạng xã hội đang có những tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

  • Sức hút của “lễ hội hoa hồng” đang diễn ra ở Hà Nội có lẽ không ảnh hưởng đến những người làm văn nghệ. Họ đang quan tâm tới những thông tin xung quanh việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Hình như chưa đợt xét giải thưởng nào lại náo động như lần này.

  • Đó là những trăn trở của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc với Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch cùng giám đốc các bảo tàng trên địa bàn TP hôm 2.3.

  • Nhiều bức tường xám xịt, loang lổ nắng mưa trên các con hẻm, con đường Sài Gòn đang được các “họa sĩ đường phố” khoác lên những sắc màu mới.

  • Trong dịp tết vừa qua, tại TPHCM, sàn diễn cải lương khá heo hút. Ngoại trừ chương trình nghệ thuật Ba thế hệ về lại cội nguồn do NSƯT Kim Tử Long đứng ra thực hiện, có bán vé tại rạp Công Nhân vào ngày 6-2, cùng với vài buổi diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ở cơ sở thì không còn nơi nào tổ chức.

  • Nhiều tác giả cám cảnh người đọc đìu hiu ở các khu trưng bày tác phẩm trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 tại TP HCM.

  • GS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo - UBTƯMTTQ Việt Nam và TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đều cho rằng: "Lễ hội không có tội mà một bộ phận con người đã lợi dụng và làm hỏng nó đến mức này như một căn bệnh trầm kha khó chữa đã 15 năm nay".

  • Nhiều người trẻ cả tin, mê tín “cúng” tiền cho thầy bói để rồi lo âu, thấp thỏm...

  • VĨNH AN

    Trong bài viết trên báo Nhân dân số 2082, ngày 28/11/1959, ký tên Trần Lực, Bác Hồ đã phát động “Tết trồng cây”: “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này ít tốn kém mà lợi ích rất nhiều”.

  • Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày này gây sốt bởi di tích rêu phong được thay bằng màu xám trắng mới tinh. Mặc lời trấn an của những người có trách nhiệm, công chúng vẫn có quyền đặt câu hỏi.

  • “Tại sao trong lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển đô thị thì phần thua thiệt thường rơi về phía bảo tồn?”, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đặt câu hỏi trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học ngày 15 - 16.12 tại Hà Nội.

  • Thiết chế văn hóa đang hàng ngày, hàng giờ đồng hành với đời sống nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội. Có thể kể đến một số thiết chế văn hóa phổ biến ở đô thị nước ta như bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim…

  • Sự biến mất của Hanoi Cinémathèque, một địa chỉ xem phim nghệ thuật đã có lịch sử gần 15 năm giữa lòng thành phố, đặt ra câu hỏi về sự thân thiện và nhạy cảm với văn hóa của các chính sách phát triển đô thị.