BÙI KIM CHI
Tôi rời trường xưa, Đại học Sư phạm Huế chạm ngưỡng 50 năm. Bàng hoàng. Xao xuyến. Thuở vàng son của những tháng năm cũ vẫn lặng lẽ theo tôi, giao cảm tuyệt vời.
Ảnh: internet
Trường tôi được thành lập năm 1957 thuộc Viện Đại học Huế, đây là ngôi trường sư phạm đào tạo giáo sư trung học duy nhất cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nằm bên bờ sông Hương thơ mộng. Con sông “thơm” của Huế muôn đời vẫn thế, đẹp, nên thơ, hiền hòa rất đỗi lãng mạn. Phải chăng do ảnh hưởng nét duyên đặc biệt của sông Hương mà con gái sư phạm đẹp, duyên dáng, nền nã. Với tôi mà cũng có thể là với cả con trai Huế và không phải Huế ở Đại học Sư phạm cũng như các phân khoa khác của Viện Đại học đều có cùng cảm nhận như tôi… Phải nói, con gái sư phạm có nhiều anh “mê” vì “đẹp”. Nét đẹp đó vẫn còn vương vấn mãi trong lòng người sư phạm cho đến hôm nay, trên 60 năm. Này nhé, hãy nghe lời tự tình dễ thương của Phan Bùi Bảo Thy: “Trường sư phạm thuở nào em lúng liếng/ Tháng tư về nhặt lá rụng ngoài sân/ Anh một bận gửi chút tình tha thiết/ Để bây giờ vời vợi nỗi bâng khuâng”. Con gái đẹp thường dành cho con trai “nghễ” nhưng tôi, con gái, vẫn muốn “nhìn” con gái vì con gái trường tôi có nhiều nàng thơ đẹp quá. Mơ mơ, màng màng. Đằm thắm. Xúc cảm.
Đây, vườn hồng Sư phạm rạo rực bóng giai nhân. Thời gian vào khoảng năm 60, khoa Anh văn xuất hiện cô sinh viên xinh đẹp. Dáng người cao, mảnh khảnh, đằm thắm, thùy mị, trang nhã trong chiếc áo dài tơ non màu trắng sữa. Chị đẹp lắm. Nền nã, mềm mại, khiêm cung, kiêu sa. Làm nền cho nước da ngăm ngăm của chị là đôi mắt sâu, đen, vương nét buồn nghiêng với đôi mày lá liễu đậm nét. Giọng nói của chị nhỏ nhẹ, miệng xinh cùng nụ cười rất duyên. Chị là người đẹp, hoa khôi của trường tôi, Đại học Sư phạm. Sau này, chị là cô giáo Trần Thị Phương Lan, giáo sư Anh văn của trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế.
Ở khoa Pháp văn cũng có giai nhân. Một người đẹp của xóm Hạnh Hoa thôn (nay là đường Nguyễn Công Trứ). Dáng người nhỏ nhắn, linh hoạt; gương mặt sáng, nước da trắng hồng. Vẻ đẹp tự nhiên của chị đã réo hồn các anh cùng khóa và khác khóa. Xinh và duyên nhất trên gương mặt khả ái của chị vẫn là nụ cười hiền, có vẻ kín đáo nhưng rạng rỡ (một trong những nét đẹp rất riêng của chị) cùng đôi mắt biết cười và mái tóc cắt ngắn muôn thuở của chị. Duyên thật duyên khi mái tóc của chị rũ xuống, hờ hững che nghiêng nửa khuôn mặt đẹp của chị. “Nhìn em mái tóc che nghiêng mắt cười”. Một bạn thơ đã thì thầm ngưỡng mộ. Con trai cùng lớp có nhiều anh ái mộ chị nhưng lại để mất chị vào tay của một giáo sư Văn khoa, thầy Trần Như Uyên, thầy giáo của chúng tôi. Cùng các bạn tốt nghiệp ra trường, chị được bổ nhiệm về trường Đồng Khánh dạy Pháp văn, sau là Giám học và chị trở thành nữ Hiệu trưởng cuối cùng của trường Nữ Trung Học Đồng Khánh. Cô giáo của tôi - giáo sư Pháp văn Phan Thị Bích Đào.
Gần cuối đường Âm Hồn, sau là Nguyễn Hiệu và bây giờ là Lê Thánh Tôn, có nàng Tôn Nữ dáng yêu kiều, một trong những người đẹp của Đại học Sư phạm. Gương mặt chị đẹp, cân đối, hài hòa từ mắt, mũi, miệng. Miệng cười rất duyên. Đặc biệt đôi mắt màu hạt dẻ biết nói, biết cười nhấp nhánh dưới hàng mi dài cùng mái tóc màu nâu nâu nhìn “rất Tây” của chị đã làm cho bao anh sư phạm phải lắng lòng. Thuở ấy ở Sư phạm có nhiều anh để ý, thương thầm chị nhưng rồi chị trở thành người đẹp riêng của một kỷ sư công chánh từ Sài Gòn trở về Huế sau bao năm du học phương nam. Người đẹp Tôn Nữ Phương Chi sau này là giáo sư Triết học - cô giáo dạy Tâm lý học của tôi.
“Ngự Viên ngày ấy không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên”
(Nguyễn Bính)
Ngày ấy, có nàng Hoàng Thị nhà ở xóm Ngự Viên, sinh viên khoa Vạn vật. Nàng đẹp. Rất đẹp. Trong vườn hoa Sư Phạm, bóng hồng Thủy Tiên đã làm say lòng nhiều anh. Dáng cao, thân hình đẹp. Mắt đen tròn, mũi dọc dừa, miệng cười quyến rũ, rất duyên. Mặt trái xoan cùng những nét đẹp trên gương mặt của chị, đúng chuẩn là gương mặt đẹp của một thiếu nữ Huế đương thời xuân sắc. Con gái sư phạm vẫn thường “len lén” nhìn chị, ngưỡng mộ. Không những là người đẹp của Sư phạm, Thủy Tiên còn là một tay cầu lông nữ cừ khôi của Huế và của Sư Phạm, từng đoạt nhiều giải cao. Vô cùng ái mộ tài sắc của chị. Đã mấy chục năm qua, rời trường Sư phạm nhưng tên của chị Hoàng Thị Thủy Tiên vẫn còn trong lòng người Sư phạm. Huế ơi, Ngự Viên ngày xưa không còn thật nhưng còn tên xóm Ngự Viên và tên người đẹp Hoàng Thị ở xóm Ngự Viên thì mãi mãi vẫn còn trong lòng người Sư phạm và người Huế xưa…
Đây… một người đẹp của trường tôi nữa - hoa khôi Đại học Sư phạm Trần Thị Như Mai. Chị Như Mai là em gái cô Phương Lan, cô giáo của tôi ở Đồng Khánh. Ở đường Minh Mạng, sau là Võ Tánh, sát múi cầu Đông Ba không ai là không biết hai chị em gái Phương Lan và Như Mai xinh đẹp. “Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”. Như Mai là người đẹp của khoa Anh văn. Chị Mai có mái tóc đẹp rất hợp với gương mặt khả ái của chị. Điểm nhấn trên gương mặt chị là đôi mắt đen, sáng và rất trong cùng nụ cười duyên thật duyên với những “hạt” răng xinh cuốn hút người nhìn. Chị Mai đẹp. Quý phái. Trong khu vườn Sư phạm, bóng hồng nhẹ lướt, thế là các anh thả hồn bay nghiêng. Chị Mai đẹp. Đẹp quá. Tôi mê chị…
Ở phố cổ Hội An, có người con gái đẹp ra Huế trọ học và trở thành nàng thơ yểu điệu của khoa Việt Hán. Nàng thơ họ Nguyễn đẹp như tranh với mái tóc dài buông lơi, quyến rũ cùng gương mặt thanh tú. Xinh đẹp trong chiếc áo dài cổ kiềng màu khói hương cùng giọng đọc thơ mượt mà, lôi cuốn, nàng thơ đã nhẹ nhàng đưa hồn người là các cô nữ sinh Ban C của trường Đồng Khánh khi chị vào thực tập, nhanh chóng lạc vào cõi thơ xưa của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đến “ngẩn ngơ”… Nét đẹp mặn mà, ưa nhìn của nàng thơ họ Nguyễn - Nguyễn Thị Nguyệt đã làm cho các anh sư phạm lắng hồn “trầm tư trước em”. Đôi mắt em đẹp, cuốn hút và rất có hồn…
“Em mong manh như sương khói xây thành/ Đôi mắt như trời cuối đông lạnh giá/ Trời mùa xuân nắng vàng trên khóm lá/ Con én buồn thơ thẩn lượn quanh đây”. Nhà thơ Kim Tuấn như đã nói hộ lòng tôi khi tôi nhớ và nghĩ về cô bạn của tôi. Qua phố Trần Hưng Đạo, trong nhà sách Tân Hoa có người đẹp Tăng Bảo Nga. Chị Bảo Nga đẹp mong manh, đằm thắm, duyên dáng, hiền lành. Đôi mắt đen, tròn, trong veo như mắt nai trên gương mặt bầu bĩnh thơ ngây, đáng yêu. Mắt nai một thời lặng lẽ réo hồn nhiều anh Sư phạm và cả không phải Sư phạm. Bảo Nga là người đẹp của khoa Anh văn. Dịu dàng, kín đáo và rất ít nói. “Nga mắt nai” là cụm từ mà các anh chị giáo sư ở Nha Trang dành riêng cho Bảo Nga khi chị tập tễnh bước chân vào nghề sau khi tốt nghiệp. “Mi cong khẽ chớp mắt nai hững hờ”… Tăng Bảo Nga của một thời.
Ngày ấy, cách đây 47 năm, khoa Việt Hán có một cô sinh viên, nàng có mái tóc đep, thẳng, ngã ra, dài chấm vai; duyên dáng, dễ thương như mái tóc huyền thoại của nữ ca sĩ Francoise Hardy, thần tượng một thời của con trai, con gái Huế. Cô nàng là Nguyễn Thị Bạch Mai xinh đẹp. Nước da trắng hồng. Gương mặt ưa nhìn. Nụ cười tinh khôi. Nàng “mai trắng” dịu hiền như nắng lụa với vẻ đẹp dễ thương, thanh thoát, nhu mì của con gái nhà lành. Người đẹp “kín cổng cao tường” một thuở của trường Đại học Sư phạm có nhiều anh cùng lớp và cả lớp đàn anh vẫn thường “len lén” nhìn “Mai” ngưỡng mộ. Đây là nét đẹp Huế rất riêng của Bạch Mai. Một nhận xét tôi được nghe các anh thuộc các phân khoa khác của Viện Đại học, trong đó có các anh Y khoa “Bạch Mai có vóc dáng và đôi chân đẹp”. Đến nay, thời gian thuở ấy đã xa nhưng người đẹp Bạch Mai thì vẫn còn trong lòng người ái mộ.
“Em tan trường nghiêng nghiêng vành nón lá/ Buổi tan trường bóng nắng ngập đầy hoa”… (Thơ Nguyên Tánh). Hình ảnh đẹp của nàng Võ Thị đã nhẹ nhàng đổ vào tim ai… Liên Thi, nàng Tây Thi của lớp Việt Hán có nước da ngăm ngăm, mắt sâu đen, mi ngắn nhưng rất cong. Nét đẹp của Liên Thi thuần khiết, mềm mại với mái tóc dài xõa ngang lưng. Trông chị dịu dàng, đằm thắm. Mẫu gái Huế truyền thống. Xinh nhất trên gương mặt nàng là đôi mắt và nụ cười chúm chím rất duyên. Ngày ấy có một chàng trong Quãng ra Huế trọ học đã bị bóng hồng quyến rũ. Nàng thì ngây thơ không biết còn chàng thì bao ngày say sưa ngắm nàng trên đường… Xúc cảm, chàng lặng lẽ ngậm ngùi say tình với những vần thơ yêu của Nguyễn Trọng Tạo: “Có một chàng đơn độc/ Bước trên đường Không Tên/ Có một nàng Hạnh Phúc/ Ở số nhà Lãng quên” để… gửi gió cho mây ngàn bay. Ôi, nàng Võ Thị của lớp tôi.
Thấp thoáng sau ô kính của khoa Anh văn, trường Đại học Sư phạm là một nàng Tôn Nữ đẹp xuất thần. Một vẻ đẹp nền nã, quí phái. Đôi mắt to, đen, ươn ướt như hai hạt nhãn với hàng mi cong, đôi mày như vẽ. Trời cho chị đôi mắt đẹp nhưng buồn, cuốn hút hồn người. Người đẹp Phương Hạnh, bóng hồng khoa Anh văn một thời đã làm cho con trai Huế phải “long đong”. Ngẩn ngơ ngắm, ngẩn ngơ nhìn để rồi bâng khuâng. Nàng là bông hoa đẹp của vườn hoa xưa. Đẹp nhất với tôi thuở ấy là hình ảnh của chị trong chiếc áo dài lụa màu ngọc bích cùng chiếc nón bài thơ quai nhung đội lệch vành e ấp, kín đáo. “Gió cầu vướng áo nàng Tôn Nữ/ Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ”. Xin được mượn lời thơ của thi sĩ Đông Hồ để tặng riêng chị Tôn Nữ Phương Hạnh, một thời con trai Huế “mê như điếu đổ”.
Sư phạm trường tôi vẫn còn nhiều người đẹp. Tôi chưa nhớ được hết. Tuy nhiên, dáng đẹp, gương mặt đẹp với đôi mắt đẹp buồn man mác của con gái Sư phạm thì vẫn luôn luôn ẩn sâu trong hồn tôi với sự ngưỡng mộ và trân quý. Tôi đang đứng ở đây. Cổng trường Sư Phạm. Ký ức không gian, thời gian quẩn quanh. Khung trời lãng mạn trong sân trường rực nắng. Bóng hồng xưa rộn rã gọi nhau về. Trường tôi, Sư phạm có nhiều con gái đẹp. Mỗi người mỗi vẻ nhưng tất cả đều xinh. Một thoáng hồn tôi như ngây như say về một thời con gái mộng mị thuở sinh viên. Nắng mắc võng trên cao thả những dải lụa vàng ươm. Tôi nhẹ nhàng ôm nắng trong tay cười khúc khích. Ôi, con gái sư phạm - hàng mẫu vô giá!
B.K.C
(SHSDB37/06-2020)
50 năm ngày mất Giáo sư Đặng Văn Ngữ
ĐẶNG NHẬT MINH
Nhân 110 năm ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC (1907 - 2017)
TRẦN VIẾT NGẠC
NGUYỄN HOÀNG THẢO
Trước khi có chợ, bên ngoài cửa Ðông Ba (cửa Chánh Đông) dưới thời vua Gia Long có một cái chợ lớn mang tên “Qui Giả thị” - chợ của những người trở về.
NGUYỄN KỲ
Cuộc vận động tranh cử và “đấu tranh nghị trường” trong thời kỳ 1936 - 1939 do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo là một bộ phận đặc biệt trong cuộc đấu tranh vì quyền dân sinh dân chủ ở Việt Nam.
DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ
Thú thật với độc giả, một trong những điều vui thú nhất của tôi - cho tới nay tôi vẫn say mê - là sưu tầm khảo cứu về Phổ trạng (tức là lai lịch, nguồn gốc...) của các nhân vật lịch sử như Ngô Quyền, Nguyễn Xý, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Phạm Ngũ Lão, Phạm Sư Mạnh...
LÂM QUANG MINH
Tôi không có vinh dự như nhiều anh chị em cán bộ, dũng sĩ từ miền Nam ra Bắc công tác, học tập hay chữa bệnh, được trực tiếp gặp Bác Hồ, được Bác ân cần động viên dạy bảo, được cùng ngồi ăn cơm với Bác, được Bác chia bánh chia kẹo... như người cha, người ông đối với các con cháu đi xa về.
THANH HẢI
Hồi ký
Tháng 10 năm 1962, tôi được vinh dự đi trong đoàn đại biểu mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc. Lần đó một vinh dự lớn nhất của chúng tôi là được gặp Hồ Chủ Tịch.
Giáo sư Bửu Ý, tên đầy đủ là Nguyễn Phước Bửu Ý, sinh năm 1937 tại Huế. Ông vừa là nhà giáo, nhà văn, vừa là dịch giả của các tiểu thuyết nổi tiếng như Nhật kí của Anna Frank, Đứa con đi hoang trở về, Bọn làm bạc giả của André Gide, Con lừa và tôi của Juan Ramón Jiménez; Thư gửi con tin của Antoine de Saint-Exupéry… đăng trên các tạp chí Mai, Văn, Diễn đàn, Phố Văn (trước 1975).
I. Nhớ hơn bốn mươi năm về trước, vào khoảng đầu mùa đông năm 1974 - mùa dỡ củ dong riềng - tôi đi chợ Chũ (Lục Ngạn), mua được tập truyện Khúc sông. Trên lối mòn đường rừng, bước thấp bước cao, tôi vừa đi vừa tranh thủ đọc. Ngày ấy, tôi chỉ biết tên tác giả là Nguyễn Thiều Nam, nào có biết đẳng cấp của ông trong làng văn ra sao!
Sinh thời, cha tôi – họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, hầu như không bao giờ nhắc đến những năm học vẽ ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (MTĐD).
HỒ QUỐC HÙNG
(Thân mến tặng các bạn lớp Văn K9 - Đại học Tổng hợp Huế)
Ai cũng có kho ký ức riêng cho chính mình như một thứ tài sản vô hình. Ký ức lại có những vùng tối, vùng sáng và lúc nào đó bất chợt hiện lên, kết nối quá khứ với hiện tại, làm cho cuộc sống thêm ý vị.
TRẦN VĂN KHÊ
Hồi ký
Có những bài thơ không bao giờ được in ra thành tập.
Có những bài thơ chỉ còn ghi lại trong trí nhớ của tác giả và của đôi người may mắn đã được đọc qua một đôi lần.
Ngắm nhìn vẻ đẹp tinh khiết của cô nữ sinh Đồng Khánh dưới vành nón Huế, trong chiếc áo dài trắng tinh khôi, không ai nghĩ chỉ ít năm sau ngày chụp bức ảnh chân dung ấy, chị chính là nạn nhân của một chế độ lao tù tàn bạo và nghiệt ngã.
Trong quy hoạch một đô thị văn minh, vỉa hè là khoảng công cộng dành cho người đi bộ. Còn theo kiến trúc, vỉa hè là đường diềm, trang trí cho phố phường tạo ra sự hài hòa giữa đường và nhà mặt phố. Người Pháp đã làm những điều đó ở Hà Nội từ cuối thế kỷ 19.
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Hồi những năm 1950, làng Trúc Lâm quê tôi thuộc vùng du kích ven thành phố Huế.
QUẾ HƯƠNG
Ngày 15/7/2017 tới đây, ngôi trường hồng diễm lệ nằm cạnh trường Quốc Học, từng mang tên vị vua yểu mệnh Đồng Khánh chạm ngưỡng trăm năm.
THÁI KIM LAN
Trong những hình ảnh về ngày Tết mà tôi còn giữ được thời thơ ấu, thì Tết đối với tôi là Tết Bà, mà tôi gọi là Tết Mệ Nội chứ không phải Tết Mạ. Bởi vì mỗi khi Tết đến, cả đại gia đình chúng tôi đều kéo nhau lên nhà Từ đường “ăn Tết", có nghĩa quây quần chung quanh vị phu nhân trưởng tộc của dòng họ là bà nội tôi.
TRẦN VIẾT NGẠC
Báo Xuân xưa nay luôn là số báo đẹp nhất, phong phú nhất trong một năm. Bài vở số Xuân được tòa soạn đặt bài trước cho các cây bút thân quen, nổi tiếng từ mấy tháng trước.
NGUYÊN HƯƠNG
Trong đời, người ta ai cũng nên phải lòng một vùng đất. Cảm giác đó thật đặc biệt, giống như khi ta một mình đi đêm về sáng, bỗng gặp đóa hoa cô đơn thức sớm nở ngoài thềm, thấy thương.
BÙI KIM CHI
Tôi đã rất xúc động. Lòng rưng rưng bồi hồi khi tình cờ nghe được bài hát “Quê hương tuổi thơ tôi” của Từ Huy trong VCD họp mặt Đồng Hương Sịa lần đầu tiên ở Little Sài Gòn, Nam Cali…