TRẦN VĂN KHÊ
Hồi ký
Có những bài thơ không bao giờ được in ra thành tập.
Có những bài thơ chỉ còn ghi lại trong trí nhớ của tác giả và của đôi người may mắn đã được đọc qua một đôi lần.
Cổng trường Petrus Ký thập niên 1950 với câu đối nêu quan điểm giáo dục của trường lúc ấy: “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt (phải); Tây Âu khoa học yếu minh tâm (trái)” - Ảnh tư liệu (TTO)
Nếu chỉ là những bài thơ tầm thường thì cứ để mặc chúng nó bị chìm trong quên lãng.
Nhưng thật ra, có những bài thơ rất hay, nếu được dịp ra mắt người đọc, thì cũng có thể đánh dấu một thời đại, hay ít ra cũng đem chút tươi mát cho người đời.
Đôi khi trà dư tửu hậu, tôi đọc lại cho bạn bè nghe mấy bài, mà theo ý tôi không kém gì những bài "thơ mới" của Xuân Diệu và Huy Cận thời đó, ai cũng ngạc nhiên và hỏi tôi làm sao có được những bài thơ ấy.
Làm sao? Những vần thơ đẹp đó chỉ còn trong trí nhớ của tôi và có lẽ của vài người bạn tôi, cựu học sinh trường Trung học Trương Vĩnh Ký, không chép ra, thì ít lâu, khi chúng tôi trở về với cát bụi, những bài thơ ấy sẽ không còn ai nhắc đến nữa.
Mà chép ra, liệu tác giả mấy bài thơ ấy có bằng lòng chăng? Vì vậy, mặc dầu ngày nay, tình cờ tôi đã gặp được tác giả tại Hà Nội cách đây khoảng 10 năm, biết rõ tác giả là ai, tôi cũng không đề tên tác giả, mà chỉ nhắc tới một nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế).
***
Trên sân cỏ, phía nội trú của trường Trung học Trương Vĩnh Ký, mỗi buổi chiều sau 6 giờ, các lớp học đã tan, học sinh tụ năm tụ bảy ngồi nói chuyện khào, hay ôn bài học. Có nhóm đánh cờ tướng, nhóm đàn mandoline những bản của Tino Rossi thường hát. Học sinh "đệ tứ" năm 1938, bu xung quanh anh T.V.Đ., vì anh mới nhận được "tin nhạn" từ Huế gởi vào.
Anh Đ. là người chấp bút để trả lời thư của một nữ sinh trường Đồng Khánh, khi nhận được một bài thơ là anh phải "đáp lễ" một bài thơ. Nhưng thưởng thức thơ thì không phải một mình anh mà gần cả chục cậu.
- Mau đi Đ. ơi! Đọc gì lâu quá vậy? Có thơ không? Miệng cười mà không đọc thì cũng như không.
- Mấy cha nóng quá sao được. Thơ hay phải đọc chầm chậm chớ.
- Thì đọc lớn lên cho mọi người được nghe đi!
- Thơ như vầy, thì chết thiên hạ hết. Anh Đ. vừa nói vừa lắc đầu.
- Có chết thì cho chết mau đi!...
- Trời ơi! Tả trăng như vầy làm sao chịu nổi?
Mọi người đều im lặng. Nín thở. Anh Đ. thong thả đọc từng câu:
TRĂNG
Trăng đẹp quá! Trăng ơi! và nhiều quá
Vàng mênh mông chảy tận bến bờ êm
Và trên sông dệt muôn sợi tơ mềm
Và rót tận trong hồn tôi. Sáng quá!
Tôi run rẩy ghé hôn Trăng nơi sóng
Trăng say sưa và ngọt tựa môi chàng
Và trong mơ tôi ghen với sông vàng
Vì tôi giận Trăng cho sông nhiều quá.
Tôi năn nỉ van Trăng đừng đi nữa
Bên lòng tôi ở mãi như mơ êm
Chìm đi đâu? Và sao lại phải chìm?
Đừng Trăng nhỉ! Ở bên tôi mãi mãi!
Tôi vẫn biết đêm mai Trăng sẽ đợi
Nhưng chắc đâu còn nửa ánh trăng nầy.
Và tôi đâu còn ở giữa niềm ngây
Nên tôi thấy Trăng chìm tôi sợ quá!
Trích trong tập "Lòng Anh, Lòng Em"(1938)
Mọi người xuýt xoa, lắc đầu. "Hết chỗ nói! Nghe như thơ Xuân Diệu". Lúc ấy là thời kỳ tập "Thơ, Thơ..." của Xuân Diệu mới ra đời... Cô nữ sinh trường Đồng Khánh năm ấy mới vừa được 17 tuổi đầu và có lẽ mới "làm quen" với thơ Xuân Diệu. Nhưng ý thơ lạ, mới và bạo đối với một thiếu nữ đất Thần Kinh. Lời thơ mát, ngọt, dịu dàng, và đầy nhạc! Mới, thơ rất mới lúc bấy giờ!
Từ hôm ấy, các cậu học sinh đệ tứ "Trường Ông Ký" đợi thư, tuy gởi riêng cho anh Đ. mà ai cũng trông, cũng chờ. Và lần lượt suốt năm học, nhiều bài thơ khác, đem đến cho tuổi trẻ chúng tôi một chút gì dìu dịu, là lạ, khoan khoái trong tâm hồn sau khi đọc những bài thơ của cô nữ sinh trường Đồng Khánh, như gặp luồng gió mát, trong một buổi trưa hè.
Chúng tôi đúng thật là "ghiền" thơ của cô nữ sinh trường Đồng Khánh, xứ Thần Kinh rồi! Riêng tôi, thì nhờ có trí nhớ tốt, nên sau khi nghe xong, đọc đi đọc lại vài lần là tôi thuộc lòng, và từ đó đến bây giờ, tuy đã quên đi một ít, cũng vẫn còn nhớ mấy bài.
Bài "Trăng" vừa rồi là của "lòng Em". Nhưng cũng có nhiều bài nói lên "lòng Anh". Như bài "E ngại" là một.
E NGẠI
Tôi muốn nói, muốn cùng em kể hết
Những nỗi niềm u ẩn trong tim tôi
Bao phen rồi, tôi vẫn muốn hở môi
Tôi muốn nói, nhưng tôi còn e ngại
Em xa quá tuy gần tôi bên cạnh!
Tôi rụt rè sau quả quyết bao phen
Lúc bên em tôi lo sợ ngập ngừng
Tôi tự biết không bao giờ được nói!
Tôi muốn kể những lời say ân ái
Những niềm yêu còn ước đợi mong chờ
Những nắng vàng tươi đẹp lắng trong mơ
Chưa mở miệng đã rối lòng e ngại
Ta sẽ nói, trăm lần tôi tự bảo
Nhưng trăm lần tôi đã để hôm sau
Mà hôm sau, nghĩa là chẳng khi nào
Và sẽ nói, chỉ lời an ủi hão!
- Nghe có hơi hướng Sonnet d'Arvers quá đi!
"Toujours à ses côtés et pourtant solitaire!"
- Anh chàng nào si tình mà nhát dữ vậy?
- Thôi, nói thì giỏi, chớ gặp cuộc rồi chắc "bồ" có dám tỏ tình không?
Anh chàng thư sinh trong thơ của cô nữ sinh trường Đồng Khánh Huế chẳng những rụt rè mà lại còn kiên tâm, nhẫn nại ít ai bằng. Anh đã chờ, anh đã đợi mà còn hứa sẽ đợi mãi đợi hoài!
ĐỢI
Anh đợi em, tháng ngày trôi lần lựa
Chiều nay qua, anh buồn quá em ơi?
Nắng phai rồi, làn sương xám sắp rơi
Vùng mây trắng ven trời không trôi nữa.
Từng đoàn tang, chim bay nhau về tổ
Hoàng hôn đen xuống chậm trong cành êm
Chuông chùa xa đưa lả lướt trong đêm
Buồn rũ rượi như nghẹn ngào lệ khổ!
Em đã hứa, một chiều em sẽ đến
Đã xa rồi, đã xa lắm, đã xa khơi!
Chiều nay anh còn thấy miệng em cười
Và đôi mắt say sưa như lời hẹn
Từ buổi ấy đã bao chiều anh đợi
Anh vẫn trông, anh vẫn nghĩ luôn rằng
Chắc chiều nay em có chuyện trở ngăn
Em chưa đến, nhưng rồi em sẽ đến!
Mỗi trưa qua, vườn cau cao vươn bóng
Gió hiu hiu chậm lướt trên đồng xa
Tim băn khoăn, rạo rực, thiết tha
Chờ, chờ mãi đến khi hoàng hôn xuống.
Em không đến? Hay không bao giờ đến?
Anh đợi em, đã bao tháng năm rồi
Đã bao chiều! Đã lâu lắm, em ơi!
Em có biết nỗi lòng anh thương mến?
Em sẽ đến. Một ngày em sẽ đến.
Chưa hôm nay, em sẽ đến ngày mai
Nếu mai không đợi mãi đợi hoài
Vì anh biết, một ngày em sẽ đến!.
Thế rồi chẳng biết em có đến, và chàng có dám tỏ nỗi lòng hay chăng? Chắc là có vì một hôm, anh Đ. nhận được bài thơ "Ly biệt" và từ đó cũng vắng thư của cô nữ sinh trường Đồng Khánh Huế.
LY BIỆT
Sáng hôm ấy, một trời sương phủ lạnh
Chàng giã tôi, lên tỉnh, phút chia phôi
Nắm tay nhau đôi mắt lệ ngậm ngùi
Tôi thấy trước cả những ngày cô quạnh.
Cơn biệt ly, nhìn đường xa bỗng chạnh
Quảng đời qua! Ôi! Chỉ giấc mơ tàn!
Cánh tương lai, mờ mịt tựa thời gian!
Còn hiện tại! Toàn sương mù, giá lạnh!
Chàng buông bàn tay em, mạnh dạn:
Xe đến rồi, em ở lại anh đi
Nước non xa, em chớ đợi buổi về
Ngày trở lại, biết bao giờ mà ước hẹn?
Lòng tê tái, nhìn tàu phi như ngựa
Nhìn đường dài, khuất dạng đám trong sương
Nẻo xa xa em ngoảnh lại bên đường
Còn tưởng thấy tựa gốc tùng chàng đứng dựa!
Đi là hết! Não nùng, ôi! Ly biệt!
Một bước xa là một mảnh lòng rơi!
Nở để tàn, sống để tìm cõi chết!
Khóc than chi? Đấy số phận Hoa, Người!
Tôi chỉ còn nhớ được nguyên vẹn mấy bài thơ đó. Ghi lại để các bạn đặt lại những bài thơ ấy trong thời điểm năm 1938, nhớ lại cô gái Huế, nữ sinh trường Đồng Khánh, tuổi vừa 17, mà đã gặp mối tình ngang trái, và đã nói lên được những e ngại, đợi chờ, tả được những phút phải chia tay mà chấp nhận rằng đó là số phận của con người bằng những câu thơ tuyệt đẹp!
Tiếc là tôi không nhớ trọn vẹn những bài khác, trong đó cô nữ sinh Đồng Khánh dùng nhiều từ rất lạ, như:
Tôi dương đôi mắt chụp muôn màu
Mắt của cô như ống kính của máy ảnh, chụp được muôn màu! Hay là:
Chiều êm lặng. Mây trôi từng mảnh trắng
Gió ngập ngừng đứng lại giữa không gian!
Gió đứng lại giữa không gian! Như trong bài "Đợi" có câu:
Hoàng hôn đen xuống chậm trong cành êm
Cô có gửi cho anh Đ. một tấm ảnh. Cô không đẹp lộng lẫy. Nhưng có đôi mắt rất to, rất sáng! Rõ ràng là mắt để chụp muôn màu!
Anh Đ. chẳng biết còn nhớ những bài nào khác chăng? Tôi có dịp nói chuyện qua điện thoại với anh, lúc tôi đang dạy học tại Honolulu. Hình như Anh không nhớ bài nào khác hơn những bài tôi vừa ghi lại trên đây mà tôi có ghi âm vào trong một "ca-xết" để nhờ con gái của anh gởi từ Honolulu đến California cho Anh.
Theo lẽ, bài này phải để anh Đ. viết lại. Nhưng thời gian qua, sợ e trí nhớ của tôi có ngày kém đi, mà anh Đ. chẳng biết có thì giờ ghi lại những bài nào anh còn nhớ hay chăng? Viết bài nầy hôm nay, cũng như đốt lại lò hương, nhắc lại chuyện cũ của những cựu học sinh trường Trương Vĩnh Ký, để các bạn "Mua vui cũng được một vài trống canh"
Mùa Xuân năm Canh Ngọ, Paris (Pháp)
T.V.K
(TCSH43/06-1990)
______________
T.B. Tôi có gặp lại tại Hà Nội năm 1979 cô nữ sinh trường Đồng Khánh năm xưa. Lúc ấy, chị đã có chồng, có con, và không còn đôi mắt to và sáng như thời còn trẻ. Khi đoán được chị là tác giả của những bài thơ tôi còn nhớ, tôi đọc mấy câu, chị ngạc nhiên và hỏi: "Tại sao anh lại thuộc những câu thơ ấy?" Tôi nhắc lại thời còn là học sinh trường Trương Vĩnh Ký. Chị nhớ lại dĩ vãng và mỉm cười. "Hơn 40 năm mà anh còn nhớ những câu thơ ấy à?" Tôi hỏi chị chớ tập "Lòng Anh, Lòng Em" có được in ra bao giờ chưa? Chị lắc đầu.
Hỏi chị chớ sau những bài thơ đó, chị có sáng tác thơ nào khác nữa không! Chị lắc đầu, nét mặt buồn buồn. Tôi để yên cho.
"Quãng đời qua" của chị chìm trong "giấc mơ tàn".
Hơn 20 năm trước, (1957), một hôm, nhớ tập thơ "Lòng Anh, Lòng Em" của cô gái Huế năm 1938, tôi có sáng tác một bài hát cũng đề tựa là "Lòng Anh, Lòng Em", mà cũng là mấy câu thơ. Sẵn dịp, ghi lại cho các bạn có cả thơ, nhạc liên quan đến kỷ niệm của những cựu học sinh trường Trương Vĩnh Ký và các nữ sinh trường Đồng Khánh Huế.
TRẦN HUYỀN ÂN
Tôi thường hay nghĩ về tết gắn liền với hình ảnh của mạ tôi - người thường kể cho tôi nghe câu chuyện tết bằng câu mở đầu: “Hồi nớ, tết là...”.
Kinh tặng, hương hồn nghệ sĩ Châu Thành
“Những con hổ xám đường 14” là biệt danh mà nguyên Thành đội trưởng Huế Thân Trọng Một dùng để tôn vinh một Trung đội bộ đội địa phương Quận 4 miền Tây Thừa Thiên do A Lơn chỉ huy.
Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm, kết thúc bằng Điện Biên Phủ lẫy lừng, chờ tổng tuyển cử sau Hiệp định Genève hai năm mòn mỏi, quân dân ta còn phải trường kỳ kháng Mỹ dài mấy mươi năm.
LÊ XUÂN VIỆT
Sau ngày miền Nam giải phóng (Xuân 1975) tôi chuyển công tác từ Đại học tổng hợp Hà Nội vào Huế. Ở thành phố đẹp và thơ, đầy mơ mộng này rất hợp ngành văn mà tôi say mê và theo đuổi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.
PHẠM HỮU THU Nếu không nghe những nhận xét, dù kiệm lời của những vị cựu lãnh đạo địa phương và không trực tiếp kiểm chứng, thú thật là tôi không thể viết về con người này, một con người không chỉ dũng cảm trong chiến đấu mà còn giàu lòng nhân ái đối với đối phương và tận tâm vì nghĩa tình đồng đội. Người đó là ông Lê Hữu Tòng, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Hương Thủy!
Hồng Thế vừa làm thơ vừa cày ruộng ở quê. Cách đây mấy năm, anh có con bò già không cày được nữa, phải bán đi để mua bò mới.
TẤN HOÀI
bút ký
Nhà văn Graham Grin có một quyển tiểu thuyết "MỘT NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG".
NHẤT LÂM
Bút ký
NGUYỄN PHÚC ƯNG ÂN
Hồi ký
Tôi tỉnh giấc. Ngoảnh sang bên cạnh thấy các bạn đã ngồi dậy. Nằm yên trong bóng đêm, tôi thử tính xem mình đang còn cách Huế mấy cây số.
HỮU THU - CHIẾN HỮU
Ghi chép
Cuối năm ngoái, huyện Hương Trà tổ chức khánh thành hồ chứa nước Khe Rưng.
THANH THANH
Thật bất ngờ đọc lại một năm thơ Sông Hương dưới trăng rằm mười bốn chạp rồi ngơ ngẩn bấm đốt tay.
HÀ KHÁNH LINH - NGUYỄN KHẮC PHÊ
Chuẩn bị ra số kỷ niệm 10 năm giải phóng, Tòa soạn Tạp chí Sông Hương đã có kế hoạch phỏng vấn đồng chí Vũ Thắng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, nhưng chương trình làm việc trong tuần của đồng chí văn phòng đã xếp quá chật.
PHẠM HUY LIỆU
Hồi ký
Đầu tháng 9/1968 tôi điều trị ở Bệnh viện Binh trạm 34, tỉnh Saravane, Nam Lào. Viện nằm trong thung lũng. Xung quanh nhiều núi cao rừng già nên cũng ít bị máy bay Mỹ quấy nhiễu.
DƯƠNG PHƯỚC THU
Bắt sáu tên giặc Pháp nhảy dù xuống huyện Phong Điền.
Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thắng lợi, chiều cùng ngày, tại Sân vận động Bảo Long (về sau đổi gọi là Sân vận động Tự Do), trước hàng vạn đồng bào dự mít tinh, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên được thành lập và ra mắt, do nhà giáo Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Tôi tỉnh giấc khi trời còn tối, nhưng không sao ngủ được nữa. Không phải vì tiếng động của những guồng máy quay, tiếng những vành thép nghiền vỡ vụn đá và cờ-lanh-ke.
TRẦN SỬ kể
HOÀNG NHÂN ghi
Chiến tranh du kích ở huyện Hương Thủy trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra với nhiều hình thức chiến đấu đầy tính chất sáng tạo của toàn dân.
NGÔ MINH
Đối với anh em làm thơ, viết văn ở ba tỉnh Bình - Trị - Thiên trong nhiều chục năm qua, nhà thơ Hải Bằng là người không thể quên!
HỒNG NHU
Tôi biết anh, đọc anh từ trong kháng chiến chống Pháp, nhưng mỗi người một đơn vị công tác, mãi đến năm 1972 mới gặp nhau. Đó là một ngày mùa hè, bấy giờ Đông Hà vừa mới được giải phóng.