Festival Huế - Cuộc chơi quốc tế hoành tráng

15:06 12/08/2008
NGÔ MINHVào năm cuối cùng của thế kỷ XX, người Huế đã làm được một việc lớn: Mở rộng nghệ thuật ăn chơi của mình ra phạm vi thế giới! Đó là Festival Huế -2000, một cuộc chơi, một cuộc trình diễn văn hóa quốc tế hoành tráng và ấn tượng.

Có lẽ đây là nét văn hóa mới mẻ nhất của thành phố Di sản thế giới! Cuộc trình diễn đó kéo dài suốt 12 ngày đêm ngay ở trên mảnh đất khắt khe bão lũ Huế. Những ngày đầu tháng Tư năm 2000, chưa bao giờ Cố Đô rêu phong cổ kính, trăm năm trầm tư trong sương khói chuông chùa, lại bỗng tràn ngập âm thanh, âm nhạc, sắc màu và ánh sáng đến vậy! Cả thành phố thực sự sống trong những ngày lễ hội đam mê. Tôi đã đi bộ miên man trong đêm lễ hội nhìn người, ngắm đèn sao không chán mắt. Người Huế cũng như du khách ai cũng thức đến tận khuya để được “mục sở thị”, được tận hưởng những cuộc trình diễn nghệ thuật đặc sắc của các nghệ sĩ Pháp, Việt Nam. Đêm khai mạc Festival, một vạn rưỡi người đổ ra đường, háo hức kéo đến quảng trường Ngọ Môn. Đêm Huế dường như đang cựa mình hồi sinh, đất trời, thành quách như âm vang hơn, mới mẻ và lộng lẫy hơn. Người ta nắm tay nhau đi ra bờ sông, người ta chen nhau mua vé, rôm rả nói cuời. Dòng người như thác đổ vào Hoàng Cung mỗi buổi tối.

Tại sáu sân khấu chuyên nghiệp trong khuôn viên Đại Nội Huế ở sân Điện Cần Chánh, sân Điện Thái Hòa, Cung Diên Thọ, Vườn Cơ Hạ, Trường Đại học Nghệ Thuật Huế.v.v..mỗi suất diễn có tới 5.000 người vào xem. Có tới 41.000 du khách (6.000 người nước ngoài) đã đến Huế trong 12 ngày diễn ra Festival 2000. Rất nhiều cuộc chơi nghệ thuật lớn dân gian và bác học đã được trình diễn: chơi múa rối nước Huế, chơi Ca múa cung đình với cái tên Âm sắc Cung đình Huế do nghệ sĩ ưu tú La Cẩm Vân đạo diễn và chỉ huy, Chơi hát Quan họ Bắc Ninh, chơi thời trang áo dài hiện đại của nhà tạo mốt Minh Hạnh, chơi các vở kịch-xiếc, kịch câm hiện đại Pháp như các vở Vì người mà tôi làm vậy, Triton, Gia điệu thời gian. Trong không gian gọi là chương trình IN (chương trình có bán vé) đó còn có một cuộc chơi văn hóa nhớ đời: Đó là trình diễn Văn hóa ẩm thực Huế và Việt do đạo diễn Philippe Decoufle (Pháp) dàn dựng và chỉ huy. Cuộc chơi đó là những bữa dạ nhạc tiệc khổng lồ, với thực đơn 6 món ăn Huế, Sài Gòn trình diễn trên các loại hoa quả như bưởi, thơm, dừa, thanh trà, quýt.v.v.. do 32 đầu bếp tài giỏi chế biến và 124 nhân viên sec-via sành điệu ăn mặc trang phục Tây Nguyên hoặc thời trang Minh Hạnh phục vụ! Khách vừa thưởng thức món ăn vừa xem các diễn viên Pháp diễn xiếc, diễn viên Việt diễn tấu nhạc dân ca truyền thống dưới những ngọn đèn lồng với đủ loại màu sắc, hình dáng lung linh huyền ảo như trong cổ tích. Thật là nhất dạ đế vương! Hấp dẫn như thế nên dù giá vào dự dạ nhạc tiệc rất đắt (250.000 đồng/suất đối với người Việt và 50 USD đối với người nước ngoài), thế mà mỗi đêm phải phục vụ tới 624 suất tiệc! Thế mới biết ẩm thực Huế, miếng ngon xứ Huế lôi cuốn du khách bốn phương như thế nào! Người ta không ngờ rằng, không gian và họa tiết Hoàng Cung Huế lại hòa nhập tuyệt vời với không khí dạ nhạc tiệc, với trang phục Tây Nguyên đến vậy!

Dù tham gia chương trình 0FF (vòng ngoài, không bán vé), nhưng giới văn nghệ sĩ Huế đã chơi tới15 cuộc triển lãm nghệ thuật thư pháp, triển lãm mỹ thuật gồm 83 bức tranh đặc sắc của 60 họa sĩ Huế, triển lãm bộ sưu tập gốm sứ của nhà sưu tầm cổ vật Vương Hồng Sển, cổ vật cung đình, triển lãm ảnh nghệ thuật Huế, Chơi thả diều Huế, chơi Lễ hội Điện Hòn Chén, chơi đua thuyền trên sông Hương, rồi tổ chức cho du khách đi tham quan vườn rau xanh thành phố, tham quan các nhà vườn cổ - bài thơ đô thị Huế, rồi cuộc chơi “Hội chợ Festival” ở Thương Bạc. Tại khách sạn Morin, Century cũng tổ chức những đêm ẩm thực Huế đầy ấn tượng..v.v.. Đêm bế mạc Festival Huế - 2000, hàng vạn ngọn đèn hoa đăng đã được thắp trên sông Hương làm lung linh trời đất. Cả thành phố đổ ra bờ sông như đêm xem pháo hoa giao thừa Tết Nguyên Đán. Nhân dân cả nước hồi hộp theo dõi truyền hình trực tiếp. Đó là đêm lễ hội hoa đăng hoành tráng nhất chưa từng có ở Huế! Qua cuộc chơi quốc tế Festival Huế -2000, người Huế tâm đắc nhận ra nội lực mạnh mẽ của văn hóa xứ sở mình. Nội lực văn hóa đó đủ chiều sâu, chiều rộng để giao lưu cùng các nền văn hóa trên thế giới. Tất cả các cuộc chơi trí tuệ và tâm cảm có cội nguồn từ hệ ngũ sắc Huế, ẩm thực Huế, lễ hội dân gian Huế ấy đã làm cho Huế trở thành thành phố triển lãm, thành phố xanh, thành phố dạ tiệc, một thành phố đèn hoa, thành phố lễ hội!

Sau cuộc chơi thử nghiệm thành công năm Festival 2000, năm nay Huế lại trình diễn tiếp Festival -2002. Thủ tướng Chính phủ còn cho phép tỉnh TT.Huế xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt . Nghĩa là cứ định kỳ hai năm một lần cuộc chơi Festival quốc tế lại diễn ra ở Huế. Khi tôi viết những dòng này, cả thành phố Huế đang sôi động chuẩn bị cho Festival Huế - 2002 sẽ diễn ra 12 ngày vào đầu tháng 5-2002. Mọi người đang khẩn trương chỉnh trang đô thị, trang trí ánh sáng nghệ thuật trên Cầu Trường Tiền để phục vụ cuộc trình diễn Lễ hội hội áo dài Việt Nam với sự tham gia của 12 nhà tạo mẫu, 200 người mẫu thời trang vào đêm 8-5-2002. Lễ hội áo dài này sẽ được trình diễn lại ở Trường Hai Bà Trưng đêm 12-5. Giới văn nghệ sĩ Huế tham gia Festival với hàng chục cuộc triển lãm mỹ thuật, ảnh nghệ thuật, cổ vật, thư pháp, Hội chợ sách, các chương trình ca nhạc “Những tình khúc vượt qua năm tháng”.v.v..Từ đầu tháng 9-2001, Ban tổ chức Festival Huế đã đưa các trang Website về Festival lên mạng Internet để quảng bá ra toàn thế giới, phục hồi phố cổ Gia Hội, làm 9 sân khấu ở Đại Nội, 3 sân khấu ở Cung An Định cho chương trình IN, xây dựng phố đêm, phố ẩm thực .v.v..Cuộc chơi này không chỉ có Việt Nam và Pháp như lần trước mà quy mô hơn, hoành tráng và hiệu quả hơn hơn gồm 23 đoàn nghệ thuật của 10 quốc gia Âu- Á với hơn 800 diễn viên đến Huế. Việt Nam có chương trình múa hát cung đình, dân ca, dân vũ Huế, có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật nổi tiếng của Tây Nguyên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Bắc, thời trang áo dài Minh Hạnh..v...v..Tham gia cuộc chơi còn có các đoàn nghệ thuật cổ điển, hiện đại của Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonexia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Chương trình của Cộng hòa Pháp với hơn 100 diễn viên nhạc công tham gia gồm có Dạ nhạc tiệc của Royal de Luxe của đạo diễn nổi tiếng Jean Luc Couroult, nhạc vũ kịch (múa đương đại) của nghệ sĩ múa hàng đầu bà Régine Chopinot, nhạc thính phòng của Xavier Rizst. Nhà biên đạo múa Ea Sola sẽ dựng lại những hình ảnh truyền thống Việt qua vở Khúc tưởng niệm dựa trên nền những bài ca Huế. Cũng như Festival lần trước, lần này giới văn nghệ sĩ Huế cũng đã chuẩn bị nội dung cho trên 20 cuộc triển lãm nghệ thuật, hội thảo văn học phục vụ du khách. Không gian của cuộc chơi Festival Huế 2002 không chỉ diễn ra tại Huế mà ban ngày du khách đi tham quan theo tour du lịch “Con đường di sản thế giới” với Di sản thế giới Huế, Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, tour MDZ.v.v.. còn ban đêm sẽ xem biểu diễn nghệ thuật của các nước, dự dạ nhạc tiệc ở Đại Nội, Cung An Định. Nhất định Festival Huế- 2002 sẽ là cuộc chơi quốc tế hoành tráng hơn, hấp dẫn hơn!

Thành phố Festival là chân dung mới của Huế ở thế kỷ 21, thế kỷ hội nhập và phát triển. Danh hiệu sang trọng đó sẽ là động lực cho nghệ thuật ăn chơi Huế ngày càng Huế hơn, hiện đại hơn, hấp dẫn hơn, sẽ tạo ra cho Huế một sức bật mới về phát triển kinh tế và văn hóa. Cuộc chơi quốc tế đó cũng nói lên một điều hệ trọng: Huế là của mọi người yêu Huế, Huế là của toàn nhân loại! Huế đang biết tích tụ để lan tỏa. Huế sẽ không còn ngủ sớm, không còn rụt rè tỉnh lẻ. Nhưng Huế sẽ không còn là Huế nếu xa rời nguồn cội văn hóa của mình. Nguồn cội đó chính là vốn văn hóa nghệ thuật hấp dẫn mà tinh tế, sang trọng mà dân dã, di sản tinh thần cha ông bao đời để lại.
N.M

(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Festival Huế 2.000 đã được xem là sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam, là cú đột phá của ngành du lịch quốc gia trong chiến lược “Việt Nam, điểm đến năm 2.000” và lâu dài hơn là xây dựng Huế trở thành: Thành phố Festival của Việt Nam. Vì những mục tiêu đó, sau khi Festival bế mạc, dư luận của người dân Huế cũng như giới chuyên môn cho rằng cần phải có một cái nhìn khách quan, toàn diện làm cơ sở kế thừa cho các kỳ Festival về sau. Và không chỉ Huế mà nhiều nơi khác cũng cần qua cuộc thử sức này để rút kinh nghiệm.

  • LTS: Sau thành công Festival Huế 2000, đã có không ít người đồng cảm từ trong nước đến nước ngoài gửi thư về chia sẻ với Huế, Sông Hương xin trích đăng bức thư của tiến sĩ Cao Huy Thuần từ Paris gửi về.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌCĐêm trước ngày khai mạc Festival Huế 2000, tôi cùng một số bạn bè từ khắp nơi trong nước ngồi với nhau trong một quán bia nằm bên sông Hương.

  • Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc Hội Nông Đức Mạnh, nhân dịp đến thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 15/4/2000 tại khách sạn Morin, Chủ tịch Thượng Nghị viện nước Cộng hòa Pháp ông Christian Poncelet đã có cuộc gặp gỡ phóng viên các báo đang có mặt Festival Huế 2000.

  • YÊN CHÂUGiữa mùa xuân năm Canh Thìn này nhắc tới nhân dân Huế là người ta nhớ ngay trận đại hồng thủy cách đó mấy tháng vào tháng 11 năm 1999. Nước từ trên trời trút xuống. Nước từ thượng nguồn đổ về. Cuối băng nhà cửa xóm làng. Huế giống như một kinh thành bỏ ngỏ. Vô phương cứu chữa trước giặc nước.

  • NGỌC NHÃFestival Huế 2.000 chính là khúc dạo đầu, mở ra thời kỳ mang bước ngoặt thời đại ấy. Dưới cái nhìn khách quan của một khách du lịch mến Huế, hiểu Huế... vẫn có thể nhìn thấy khá rõ nét những lợi thế của Huế với sự kiện văn hóa lớn vừa qua.

  • Festival Huế 2000 là một cơ hội và cũng là một thách thức rất lớn, buộc chúng ta đi đến định hướng tìm cách khai thác cho được lợi thế nghệ thuật truyền thống Việt Nam và phải đặt nó vào trong khuôn khổ hợp tác nghệ thuật đương đại của Pháp. Bước vào đàm phán với Pháp chúng tôi đã biết chắc chắn phía Pháp sẽ đưa ra nghệ thuật đương đại. Vậy thì phía ta đưa ra Nghệ thuật truyền thống như một lợi thế so sánh.

  • NGUYỄN HUY HOÀNGCái ngòi nổ đốt lửa cháy bùng đêm hội là cuộc diễn hành tưng bừng, náo nhiệt của 5000 người cờ hoa rực rỡ, áo quần mang đủ màu sắc của 54 dân tộc từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, tượng trưng sự đoàn tụ của cả dân tộc về cố đô cùng đêm hội Festival.

  • Trong nhiều dịch vụ mà Công ty du lịch Hương Giang tổ chức nhân Festival Huế 2000, tôi nghe nói Tour nhà vườn Huế là ăn khách nhất. Khuyến khích tôi tiếp cận vấn đề này, chị Thu Hương - Phụ trách thị trường của Trung tâm lữ hành Hương Giang động viên: "Anh nên tìm đến các vườn do Trung tâm tụi em tổ chức thì hơn". Cầm tập gấp: "Nhà vườn Huế" vừa mới phát hành, tôi lần theo địa chỉ của 1 trong 6 vườn tiêu biểu.

  • Festival Huế 2000 có tiếng vang lớn. Một nhà báo nước ngoài nói: "Nếu quảng cáo cho Huế trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước và nước ngoài được như tuyên truyền cho Festival Huế vừa rồi, tốn khoảng 15 đến 20 triệu USD". Có thể nói: Festival Huế 2000 là rất thành công. Sau Festival, tạp chí Sông Hương có được tiếp xúc với ông Lê Viết Xê, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trưởng ban tổ chức Festival ông vui vẻ kể lại diễn biến Festival như những kỷ niệm khó quên. P.V.Tạp chí Sông Hương có ghi lại đầy đủ. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

  • LTS: Từ ngày 8/4 đến 19/4/2000, một lễ hội văn hóa nghệ thuật lớn sẽ diễn ra tại Huế. Âm sắc cung đình, Nhã nhạc Huế, Vũ khúc Việt Nam, Múa rối nước, thời trang, thả diều, các vở nhạc kịch của Pháp... sẽ hâm nóng cái không khí của Huế sau cơn đại hồng thủy. Đêm bế mạc, dòng sông Hương thơ mộng sẽ bừng sáng nhờ những chiếc đèn thả trên sông.