CHÚT “DUYÊN NỢ” VỚI VỊ “TƯỚNG TRƯỜNG SƠN”

08:33 19/05/2019
Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019)

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Đã nhắc đến đường Trường Sơn, có lẽ hầu như ai cũng nghĩ đến Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nhất là khi vị tư lệnh các lực lượng chiến đấu trên con đường huyền thoại này trong những năm chiến tranh ác liệt vừa ra đi ngay giữa lúc các hoạt động tiến tới kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn đang diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị quân đội…

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên kiểm tra tuyến đường Hồ Chí Minh tại khu vực Tuy Đức (Đắc Nông). Cùng đi có Đại tá Trần Văn Phúc - Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 (bên phải) ngày 9/5/1998 - Ảnh: baovanhoa

Với riêng tôi, tuy ít khi gần gũi, nhưng lại có chút “duyên nợ” với vị “Tướng Trường Sơn”. Nói vậy, vì cách đây 7 năm, khi anh bạn kỹ thuật từng chung tay xây dựng đường 12A lên đèo Mụ Giạ năm xưa  là Trần Văn Phúc đưa tặng tôi cuốn hồi ký “Trọn một con  đường” của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên vừa xuất bản, Phúc bảo: “Hay tôi và ông  đến thăm ông Đồng Sĩ Nguyên đi!...” Phúc quê Thái  Bình,  hồi  còn  là bạn  kỹ thuật,  thuộc  lớp  đàn  em,  năm 1965, trong khi tôi ở lại bám trụ đường 12A thì  Phúc ra Bắc, tưởng là tránh được tuyến lửa, nhưng  rồi anh chuyển sang công binh, đi sâu vào Trường  Sơn  phía  nam,  lên  chức  to;  tuy  vậy,  ngày  gặp  lại  vẫn lái xe hon-đa rủ tôi đi thăm những chiến binh  xưa, như đại tá- nhà văn Nguyễn Việt Phương từng  là Chính ủy Binh trạm 12, tác giả của cả chục cuốn  sách  về  đường  Trường  Sơn…  Thật  tiếc,  hôm  Phúc  rủ tôi đến thăm ông Đồng Sĩ Nguyên, vì đã lỡ mua  vé về Huế, tôi hẹn Phúc lần sau. Không ngờ, thế là  chẳng có“lần sau” nào nữa! 

Phúc  có  thể  rủ tôi  cùng  đến  thăm Trung  tướng  Đồng  Sĩ Nguyên  vì anh  là  đại  tá,  từng  là  Phó tư  lệnh Binh đoàn 12, đã nhiều lần làm việc với Trung  tướng Đồng Sĩ Nguyên. Mặt khác, anh biết tôi mặc  dù chung “một con đường” với Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhưng do hoạt động thuộc các đơn vị dân  sự,  nên ít  có dịp  gặp  gỡ ông  “Tướng  Trường  Sơn”  nổi tiếng. Vậy mà thật tiếc…

Với tướng Đồng Sĩ Nguyên, tôi không chỉ mang  món  nợ bỏ lỡ lần  đến  thăm  ông  mà  vì chưa  bao  giờ  nghĩ tới  việc  tặng  ông  các  tác  phẩm  viết  về  đường Trường Sơn của mình. Bởi ngại mang tiếng  “thấy  người  sang  bắt  quàng  làm  họ”  và  cũng  do  nếp nghĩ có lẽ của không ít người: lãnh đạo cấp to  như  ông,  hơi  đâu  đọc  sách…  Thì  ra  ông  quan  tâm  đến cả từng bài báo tôi viết, coi trọng ý kiến của cả những  người  không  có “mấy gờ-ram”  trọng  lượng  trên chính trường và văn giới như tôi! Bây giờ hiểu  ra thì đã muộn…  

Nguyên  do  là  khi  tập  hồi  ký đầu  tiên  của  ông  (“Đường Xuyên Trường Sơn” - Nxb. Quân đội nhân  dân in 5/1999) xuất bản trong dịp kỷ niệm 40 năm  mở đường Trường  Sơn,  tôi  là  một  trong  số người  viết bài giới thiệu đầu tiên. Trong bài đó có đoạn:  

“…Mặc dầu trong mấy lời “Cùng bạn đọc” đầu sách, vị tư lệnh đã khiêm tốn viết: “...mọi sự kiện lớn - nhỏ trên tuyến chi viện chiến lược diễn ra với tốc độ dồn dập, đan xen, liên quan đến nhiều đơn vị, nhiều người. Nhưng sự kiện, nhân vật mà tôi biết đến, nhớ được lại quá nhỏ nhoi so với những việc không biết, không nhớ...”, nhưng với cương vị chỉ huy suốt cả thời kỳ dài quan trọng nhất (1966 - 1975) trên tuyến Trường Sơn, lại là vị chỉ huy từng nổi tiếng xông xáo, bám sát hiện trường, trọng điểm, nên tác giả không chỉ tái hiện được đầy đủ những ý đồ chiến lược, những chiến dịch lớn, những hoạt động ở tầm vĩ mô của một mặt trận đặc biệt kéo dài hàng chục năm trời, xuyên qua địa bàn 20 tỉnh đông và tây Trường Sơn, quân số lúc cao điểm lên tới gần 120.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, văn nghệ sĩ; mà còn diễn tả được bầu không khí hào hùng và bi tráng trên mỗi cung đường với nhiều chi tiết sống động, nên cuốn sách có sức hấp dẫn và truyền cảm mạnh mẽ…

…Những trang viết về cuộc đời riêng vị tư lệnh tuy ít ỏi nhưng thật cảm động. Người đọc khó quên cảnh những đứa con nơi sơ tán vui mừng được gặp bố, lần ông ghé thăm mẹ già ở quê, đám cưới tổ chức gấp cho cậu con trai là chiến sĩ lái máy bay chiến đấu trước ngày ông vào chiến dịch mới...”.

Công trạng cũng như chuyện về Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên thì sách báo đã nói rất nhiều, tôi chỉ xin kể thêm là mặc dù về chức vị, tôi và Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên xa cách… - diễn đạt theo “ngôn ngữ Trường Sơn” là một trời một vực (lúc tôi còn là một kỹ thuật viên không có chức tước gì, suốt ngày đêm xuôi ngược trên chặng đường đầy những hố bom, luôn lo lắng bị khiển trách để tắc đường thì Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã ở đỉnh cao quyền lực trên đường Trường Sơn) nhưng khi tôi mạnh dạn “góp ý” cuốn sách nên bổ sung đôi điều, ông không tự ái đã đành mà còn lịch sự ngỏ lời cảm ơn.

Một chuyện thật nhỏ trong sự nghiệp lớn của một vị tướng, vậy mà ông không quên. Thú thật là bản thân tôi đã quên. Không ngờ, gần một chục năm sau, tôi bỗng nhận được điện thoại của ông. Đó là khi báo “Văn nghệ” ngày 1/11/2008 đăng bài “Làm gì để chặn tư bản man rợ?” của tôi trong mục “Tiếng nói nhà văn” rồi được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng như một bài xã luận của cơ quan truyền thông quan trọng này, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên gọi điện cho tôi tỏ ý hoan nghênh và nói đại ý: “Nếu có thế lực nào gây sức ép thì chúng tôi sẽ lên tiếng ủng hộ cậu…”. Thì ra, mặc dù xa cách cả về chức vị và nơi cư trú, ông vẫn lặng lẽ dõi theo công việc của một cây bút mọc lên từ các trọng điểm Trường Sơn năm xưa…

Cũng là một chuyện nhỏ, nhưng theo tôi đã thể hiện những vẻ đẹp phẩm cách, đức độ rất cần thiết trong cuộc cuộc xây dựng xã hội mới hôm nay. Đó là sự khiêm tốn, chung thủy và ý chí chiến đấu không phai mờ, ngay cả khi đã già, trước những điều hư hỏng, mờ ám trong cuộc sống hôm nay. Nhân đây cũng xin nhắc, ông Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong số ít người đầu tiên tố cáo việc cho nước ngoài thuê khai thác những khu rừng hiểm yếu, có thể nguy hại đến an ninh quốc gia…  
 

Cuốn hồi ký “Trọn một con đường” của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên

Trần Văn Phúc đưa tặng tôi cuốn hồi ký “Trọn một con đường” của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên dày 700 trang khổ lớn là vì thế. Cuốn sách do đại tá Nguyễn Duy Tường thể hiện, thực ra là gồm 2 cuốn trước, được bổ sung, gia công thêm, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 2012, nhân mừng Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên lên tuổi thượng- thượng-thọ 90. Trong lần xuất bản này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết những lời rất tốt đẹp về Đồng Sĩ Nguyên:

“Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ… Đồng chí là một cán bộ đảng viên mẫu mực có phẩm chất trong sáng, sống trung thực, đoàn kết khiêm tốn, giản dị… Đối với tôi, tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết, gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến.”

Những “dòng chữ vàng” này làm chúng ta càng thêm nhớ tiếc vị “Tướng Trường Sơn” vừa ra đi để được “gặp lại” hàng vạn đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến trường kỳ bảo vệ tuyến đường đã trở thành huyền thoại đang yên nghỉ trên nhiều Nghĩa trang ở khắp các vùng đất nước…

N.K.P  
(SHSDB33/06-2019)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TRẦN PHƯƠNG TRÀ

    Cuối năm 1961, tôi rời Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao về làm biên tập viên chương trình Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình này nằm trong Phòng Văn học do nhà văn Trọng Hứa làm Trưởng phòng.

  • KIMO

    Mười Cents, một đồng xu nhỏ nhất, mỏng nhất được gọi là “dime” và đồng xu nầy được đúc với chất liệu 90 phần trăm bạc và 10 phần trăm đồng như đồng xu năm cents và 25 cents nhưng lại khác với đồng xu một cent.

  • HƯỚNG TỚI 70 NĂM THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ

    TÔ NHUẬN VỸ

  • HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ

    NGUYỄN KHẮC PHÊ

  • KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ

    NGÔ KHA

    LTS: Dưới đây là một ghi chép của cố nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha về những ngày đầu đoàn quân giải phóng về thành Huế dịp 26/3/1975. Rất ngắn gọn, song đoạn ghi chép đã gợi lại cho chúng ta không khí sôi nổi, nô nức những ngày đầu.

  • Lời nói đầu: Mỗi khi về nhà ở Quỳnh Mai, tôi luôn hình dung thấy Cha tôi đang ngồi đâu đó quanh bàn làm việc của mình. Trong một lần về nhà gần đây, sau khi thắp hương cho Cha, chờ hương tàn bèn mang máy đánh chữ, là vật hết sức gần gũi đã gắn bó với Cha tôi cho tới khi mất, để lau chùi, làm vệ sinh.

  • Những năm 1973-1976, đến Paris  tôi bắt đầu công việc sinh viên, vừa làm vừa học là ký tên và đánh số giùm tranh litho cho  Họa sĩ Lê Bá Đảng.

  • SƠN TÙNG  

    Một ngày giáp Tết Canh Dần - tháng 2/1950, gặp dịp đi qua làng Sen, tôi ghé vào thăm nơi đã lưu lại những kỷ niệm tuổi thơ của Người.

  • L.T.S: Vương Đình Quang nguyên là thư ký tòa soạn báo "Tiếng Dân" do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ biên, vừa là thư ký riêng của nhà yêu nước Phan Bội Châu, chuyên giúp Phan Bội Châu hoàn chỉnh những văn bản tiếng Việt trong mười lăm năm cuối đời sống và sáng tác tại Huế. Bài này trích từ "Hồi ký về cụ Phan và cụ Huỳnh" do chính tác giả viết tại quê hương Nam Đàn Nghệ Tĩnh khi tác giả vừa tròn 80 tuổi (1987).

  • NGUYỄN NGUYÊN

    Tháng 6-1966, ở Sài Gòn, giữa cái rừng báo chí mấy chục tờ báo hằng ngày, báo tháng, báo tuần, bỗng mọc thêm một từ bán nguyệt san: Tin Văn.

  • Cứ vào những ngày cuối năm, khi làm báo tết, trong câu chuyện cà phê sáng, làng báo Sài Gòn hay nhắc đến họa sĩ Choé, tác giả những bức tranh biếm - hí họa từng không thể thiếu trên khắp các mặt báo. Có thể nói, cùng với nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Bùi Giáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Ớt - Huỳnh Bá Thành, danh ca Út Trà Ôn, danh hài Văn Hường,… họa sĩ tuổi Mùi - Choé là một trong những “quái kiệt” của Sài Gòn.


  • (Lược thuật những hoạt động nhân kỷ niệm 5 năm Sông Hương)

  • (Bài phát biểu của nhà văn Tô Nhuận Vỹ - Nguyên Tổng biên tập tạp chí Sông Hương trong lễ kỷ niệm 5 năm)

  •  (SHO). Huế đầu đông. Mưa lâm thâm,dai dẳng. Mưa kéo theo các cơn lạnh se lòng. Cái lạnh không đậm đà như miền Bắc không đột ngột như miền Nam, nó âm thầm âm thầm đủ để làm xao xuyến  nổi lòng người xa quê... Ngồi một mình trong phòng trọ, con chợt nhớ, một mùa mưa, xa rồi...

  • (SHO). Mùa mưa cứ thế đến, những nỗi nhớ trong tôi lại từng cái từng cái ùa về, thổi qua và tôi chợt nhận ra trong lúc ngây ngốc tôi đã bỏ quên nhiều thứ như vây; bỏ quên những người thân yêu trong nỗi nhớ của tôi, ở trong kỉ niệm đã qua và giờ tôi nhớ ra cảm giác hạnh phúc, vui vẻ khi ở bên họ, để từ đó tôi quý trọng hơn nữa những giây phút bên cạnh những người mà tôi yêu thương.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    Sau một thời gian bị bệnh hiểm nghèo, ca sĩ Hà Thanh đã qua đời vào lúc 19 giờ 30 ngày 1 tháng 1 năm 2014 (giờ Boston) tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

  • ĐẶNG VĂN NGỮ
                    Hồi ký

    Cha tôi lúc còn nhỏ tự học chữ nho có tiếng là giỏi, nhưng đến tuổi đi thi thì thực dân Pháp đã bãi bỏ các kỳ thi chữ nho.

  • TÔ NHUẬN VỸ

    Lớp sinh viên chúng tôi tốt nghiệp Khoa Văn - Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, đúng vào thời điểm Mỹ đánh phá miền Bắc và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kêu gọi con em miền Nam đang ở miền Bắc hãy trở về chiến đấu cho quê hương.

  • Giải phóng quân Huế với phong trào Nam tiến 

    PHẠM HỮU THU

  • Sau ba năm đi giang hồ Trung Quốc. Nguyễn Du trở về, ở tại Thăng Long từ cuối năm 1790 cho đến năm 1794. Đó là ba năm «Chữ tình chốc đã ba năm vẹn», lưu lại trong Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương.