Bản trường ca “Huyệt lửa chôn chung” và “món nợ” không chỉ riêng của nhà văn Phùng Quán

16:22 04/02/2009
TRUNG SƠN(Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Phùng Quán)I. Hơn mười năm trước - mùa hè 1992, một cuộc “khai quật” ở Huế đã làm chấn động dư luận. Trong lúc đào hố móng xây dựng một căn nhà tại trụ sở Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Thừa Thiên Huế, người ta đã phát hiện một ngôi mộ tập thể gồm 17 bộ hài cốt, một số vũ khí, đạn và 3 kỷ vật còn ghi rõ tên hiệu, đơn vị Vệ quốc đoàn hồi năm 1946.

Trang di cảo của Phùng Quán

Căn cứ vào các hiện vật này và vị trí khu mộ nằm trong vùng xảy ra trận đánh khốc liệt vào nhà hàng Sáp-phăng-giông(1) năm xưa, các cựu chiến binh ở Huế trong một cuộc hội thảo đã khẳng định đó là hài cốt của trung đội “Tiếp phòng quân”(2) hy sinh vào thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng 8, khi nền Độc lập của Tổ quốc ta đang như ngàn cân treo sợi tóc.
Về trận đánh này, trung tướng Trần Quý Hai, trong hồi ký “Những ngày khói lửa” (NXB Thuận Hoá, 1984) đã viết: “... Ta giết được một số, nhưng khi rút đến gần nhà mật thám Xô-nhi thì bị quân địch chặn đánh. Quân ta đánh trả lại kịch liệt. Đến khi hết sạch đạn, ta mới chịu phá hết súng rồi hy sinh...”  Một số nhà báo, căn cứ vào kết luận cuộc “Hội thảo” và tìm gặp nhân chứng, trong các bài viết sau vụ “khai quật” thì cho rằng đồng đội của 17 liệt sĩ đã chôn các anh, nhưng sau đó họ cũng hy sinh luôn nên không còn ai biết chuyện này nữa! Tuy nhiên, nhờ vụ “khai quật”, 3 liệt sĩ - sau gần nửa thế kỷ nằm sâu dưới tầng đất vắng lạnh hương khói đã được “trở về” trong vòng tay người thân; và nhờ đó, một phần chân dung của những chiến sĩ “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” một thời hào hùng và bi tráng đã được tái hiện. Đó là trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Giao (thường gọi là Ngọc), nguyên là chiến sĩ trong đoàn quân Nam tiến, có biệt danh “Người-yêu-nước-khổng-lồ” vì tầm vóc đặc biệt cao lớn của anh; là chính trị viên Vĩnh Tập, chắt nội của vua Hiệp Hoà - người thanh niên hoàng tộc sớm tham gia cách mạng, nổi tiếng đến mức mỗi khi có cuộc họp, ông Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu, hai cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở Huế thời đó, thường đưa mắt nhìn cử toạ tìm hỏi: “Vĩnh Tập ở đâu?”...; là Phùng Huấn, bác họ của nhà văn Phùng Quán, khi mặt trận Huế bùng nổ, anh hoãn ngày cưới, xung phong gia nhập Vệ quốc đoàn... Những điều trên, một số báo đã đăng, nhưng tưởng cũng nên nhắc lại vắn tắt và để bạn đọc dễ theo dõi câu chuyện tiếp theo.

II. Một ngày đầu tháng 7 năm 2003, anh N.H.T. nguyên là một cán bộ lãnh đạo Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Thừa Thiên Huế đưa cho tôi bản thảo dày gần ba chục trang của nhà văn Phùng Quán mà anh vừa tìm thấy. Tập bản thảo có tên “Bản hùng ca bị mối xông và 17 bộ hài cốt” với lời ghi “Tặng thế hệ trẻ lớp sau của thế hệ VQĐ”. Ông viết bản thảo này tại căn nhà bên Hồ Tây vào ngày 14 tháng 8 năm Nhâm Thân, trước hết, để “đính chính” một chi tiết mà vài tờ báo đã viết quanh trận đánh khốc liệt năm xưa. “... Tôi chỉ là một người lính già thất học, mù tịt về mọi khoản khoa học,  nhưng tôi cả quyết rằng trung đội vệ quốc đoàn này không phải do đồng đội của họ chôn. Vì một lẽ đơn giản là những người lính chúng tôi ngày đó không bao giờ chôn cất đồng đội của mình cùng với vũ khí. “Súng là vợ, đạn là con” là đạo lý chiến trận của chúng tôi ngày đó. Không ai đem chôn “vợ con” cùng với người lính chết trận. Có một nhà thơ đã từng viết: “Chết còn trao súng đạn cho nhau”. Vậy thì ai chôn?...”

29 trang di cảo của nhà văn Phùng Quán không chỉ nhằm trả lời câu hỏi ấy. Ông đã kể lại trận đánh khá chi tiết và việc ông đã hơn một lần mất ăn mất ngủ với quyết tâm dựng lại sự tích anh hùng ấy bằng tác phẩm văn học.
Khi trận đánh ấy diễn ra, Phùng Quán là đội viên Đội Thiếu niên trinh sát của mặt trận Huế mà sự tích anh hùng của những “Ga-vơ-rốt Việt Nam” này đã được ông miêu tả trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Tuổi thơ dữ dội”; Phùng Quán đã tận mắt chứng kiến trận đánh với mối quan tâm đặc biệt vì liệt sĩ Phùng Huấn vừa được tìm thấy là ông bác của Phùng Quán và trước đó không lâu, chính những người anh hùng sắp hiến trọn thân mình cho Tổ quốc đã cứu Phùng Quán và Bồng-da-rắn thoát chết, khi hai “chú nhóc” muốn tin tức truyền được nhanh, mạo hiểm đi đường tắt trái với lệnh chỉ huy, lọt vào tầm ngắm của súng máy địch, do đó đã làm lộ kế hoạch đánh miễu Đại Càng...

“... Với riêng tôi, trong suốt cuộc đời làm văn của mình, có vài ba đề tài ám ảnh tôi không phút nào nguôi. Nó giống món nợ “bát cơm Phiếu mẫu”(3), không trả được, chết không nhắm mắt... Câu chuyện về trung đội cảm tử quân anh Ngọc, về bác Phùng Huấn tôi... bị giặc thiêu cháy thành tro bụi trong “Huyệt lửa chôn chung”, là một đề tài như vậy đối với đời văn của tôi...”
Chính vì thế mà nhà văn Phùng Quán đã khởi thảo bản hùng ca “Huyệt lửa chôn chung”. Bản hùng ca gồm 10 chương, khoảng nghìn câu thơ với một Khai từ và một Hậu từ. Tác phẩm hoàn thành, nhưng hồi đó chưa ai nhận in cho ông, nên bản thảo bị mối xông. Ông đã kể lại:
“... Nghìn câu thơ nay tôi không còn nhớ nữa (ba mươi năm có lẽ rồi còn gì!), nhưng cốt truyện, đoan Khai từ và lác đác dăm câu thơ khắc hoạ ý tưởng chính, tôi vẫn còn nhớ như in... Đất nước ta đâu chừng ấy nghĩa trang / Đâu chừng ấy nấm mồ liệt sĩ / Hãy đi từ Ải Nam quan / Thẳng đến tận Hàng Dương Côn Đảo / Nhặt lên từng hòn đất nếm xem / Có hòn nào không hăng nồng vị máu? Đó là đoạn Khai từ của thiên hùng ca “Huyệt lửa chôn chung”...”
Có một bài thơ với tiêu đề “Hôn” đã đã đăng trên báo nhiều lần, được ông Hữu Ngọc dịch ra tiếng Pháp (Le Baiser) in trong tuyển tập “Văn học Việt Nam”, chính là một đoạn trích trong thiên hùng ca viết về liệt sĩ Phùng Huấn:
“... Em ơi rất có thể / Anh chết giữa chiến trường / Đôi môi tươi đạn xé / Chưa bao giờ được hôn! /Nhưng dù chết em ơi / Yêu em anh không thể / Hôn em bằng đôi môi / Của một người nô lệ!”

Nghìn câu thơ nay không còn, nên ông chỉ có thể thuật lại vắn tắt những diễn biến chính. Trận “cảm tử” vào nhà hàng Sáp-phăng-giông không kết quả vì lưới lửa phòng thủ của giặc quá dày đặc. Ba giờ sáng, trung đội anh Ngọc vừa rút đến ngôi lầu cạnh nhà tên trùm mật thám Sô-nhi thì bị bọn địch vây chặt, trong khi các đơn vị khác quanh khu vực đã rút hết. Trời hừng sáng, tiếng súng vang lên dồn dập dưới tầng 1 ngôi lầu 2 tầng. Mười giờ sáng, tiếng súng bắt đầu vang dội ở tầng trên ngôi lầu. Như thế, hẳn là bọn địch đã chiếm được tầng dưới, các chiến sĩ ta phải rút lên tầng trên cố thủ. đạn súng máy các cỡ, rồi đạn các loại súng cầu vồng xối xả nhắm vào tầng lầu... Đến ba giờ rưỡi chiều, tiếng súng chống trả vẫn tiếp tục vang lên trong tầng lầu. Như vậy là các anh còn đứng vững. Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu truyền lệnh khắp mặt trận: Các đơn vị sẵn sàng xuất kích lúc mặt trời lặn. Nhưng bọn giặc dã man đã đưa hai xe cứu hoả chở đầy xăng phun như tắm cả ngôi lầu, rồi tiếng loa cực lớn vang lên: “Chúng mày hãy hàng đi! Ném tất cả vũ khí xuống sân!... Không hàng, tất cả sẽ bị thiêu ra tro!...” Thay cho câu trả lời là tiếng súng đồng loạt vang lên từ tầng lầu và sau những tràng đạn lửa của địch bắn vào, ngọn lửa xăng vàng khé bùng lên, ngày một lan rộng, bốc cao phủ kín ngôi nhà. Rồi bất ngờ, cả ngôi lầu phủ lửa bỗng sụm xuống trong tiếng nổ rung chuyển cả mặt trận. Thế là các anh đã cho nổ hai khối mìn mang theo chưa kịp dùng khi tấn công nhà hàng Sáp-phăng-giông, biến vị trí cố thủ thành nấm huyệt chôn chung...

Dù được chứng kiến, đoạn kết cục trận đánh chỉ là tưởng tượng của nhà thơ trong bản hùng ca. Sự thật ra sao, tưởng là vĩnh viễn không có câu trả lời vì ai cũng nghĩ rằng tất cả đã cháy thành tro bụi! Nhà văn Phùng Quán nhớ lại:
“... Hơn ba mươi năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ được, đoạn kết thúc cuộc đọ sức bi hùng này tôi miêu tả trọn hai chương, theo thể thơ cổ phong và tất cả đều vần trắc. Đó là 2 chương thơ đã hành hạ tôi đến khốn khổ. Tôi gạch xoá nát các trang giấy, xé bỏ rồi viết lại không biết bao nhiêu lần...Tôi viết trong nỗi phiền muộn cay đắng về sự bất lực của mình. Một đề tài như thế này vào tay một nhà thơ khác, chắc họ đã viết thành một thiên I-li-át... Thế mà vào tay mình, nó biến thành một bản diễn ca tầm thường kể chuyện người thật việc thật... Con gái tôi lên chín, học sinh lớp 3, trong lúc đi kiếm giấy loại để nhóm bếp đã phát hiện thiên hùng ca “Huyệt lửa chôn chung” bị mối xông nát bét... Con gái tôi nhặt lên, reo to: “Bố ơi, mảnh này còn đọc được bố ạ...” Rồi nó đọc to với giọng trong trẻo ngân nga như kiểu đọc bài tập đọc ở lớp 3 của nó: Đất ơi!...Con nguyện yêu Người với tất cả máu xương / Với tất cả cuộc đời con 18 tuổi... Con vui sao khi nghĩ tới gương mặt Người trong tương lai... Rửa sạch hết lửa, máu và bùn... Tươi vui chói lọi... Người sẽ hát cho những thế hệ mai sau nghe về thế giới ĐẠI ĐỒNG CỘNG SẢN... Mà thế hệ chúng tôi hôm nay không tiếc máu để sưả soạn cho lời ca...” Đây là đoạn thơ tôi tả cái chết của Vĩnh Tập - người chính trị viên trung đội, đảng viên Cộng sản độc nhất của đơn vị cảm tử quân...”

Tác giả chưa thoả mãn và bản hùng ca mãi mãi chỉ là ký ức của Phùng Quán, nên “món nợ bát cơm Phiếu Mẫu” vẫn dằn vặt, hành hạ ông hết năm này qua năm khác. Cho đến sau ngày đất nước thống nhất, một lần nữa, ông trở lại với đề tài “năm xưa” bằng thể văn xuôi.
“... Tôi phải vật lộn với nó đến gần kiệt sức. Viết rồi xoá, xoá rồi viết, dàn đi xếp lại, đảo ngược đảo xuôi...Cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành được “cuốn sách nợ đời” (tôi gọi nó như vậy), cảm thấy vừa ý vì đã viết hết sức mình. Nhưng rồi tôi bắt đầu hoang mang: Liệu người đọc có tin câu chuyện tôi kể là có thật không?...”
Quả nhiên, khi ông đọc cho một số bạn văn nghe (“phần lớn họ đều ít tuổi hơn tôi... tác phẩm của họ từng gây nên nhiều cuộc tranh luận trên văn đàn...”), có người đã bảo: “Thế hệ các anh đa số không làm văn mà làm công tác tuyên truyền...”; một bạn khác nói cụ thể hơn: “Một cá nhân anh hùng thà chịu chết cháy không hạ vũ khí hàng giặc, điều đó có thể xảy ra. Nhưng cả mấy chục con người cùng quyết định như vậy là bịa đặt”. Sau những lời bình phẩm ấy, nhà văn đau đớn thú nhận:

“... Tôi viết với niềm tin không gì lay chuyển nổi, tôi không hề minh hoạ, tôi kể lại sự thật. Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi! Thật ra, một nhà văn có tài việc có thể thuyết phục được người đọc tin những điều  họ viết, ngay cả khi không có bằng chứng trong tay. Tôi vừa bất tài lại vừa không có bằng chứng, các bạn không tin tôi là phải lắm...”
Trong một phút giận thân và với lòng tự trọng của một nhà văn có lương tâm, ông đã không để cuốn sách “bán thành phẩm” ấy ra đời. Và “món nợ bát cơm Phiếu mẫu” vẫn chưa trả được. “... Thi thoảng bất chợt nhớ đến, tôi vẫn thấy cổ họng mình đắng nghét nỗi niềm...”

III. Thế rồi 17 bộ hài cốt được phát hiện. Đọc các bài báo tường thuật sự việc, nhà văn Phùng Quán thốt lên: “... Bây giờ thì tôi không những chỉ có một nắm tro mà có những 17 bộ hài cốt để chứng minh câu chuyện tôi kể là có thật; một tập thể anh hùng hào kiệt thà bị thiêu cháy, quyết không hàng giặc là có thật; người chiến sĩ cộng sản từ bỏ giai cấp mình (Vĩnh Tập), xả thân vì lý tưởng thế giới Đại đồng cộng sản là có thật!...”
Chỉ tiếc là nhà văn Phùng Quán cho đến lúc qua đời vẫn chưa trả được “món nợ bát cơm Phiếu mẫu”. Thế mới biết từ một sự thật anh hùng đến một tác phẩm văn học thể hiện sự thật anh hùng có sức lay động lòng người nhiều khi là cả một thử thách không vượt qua nổi. Vậy nên những người cầm bút mãi vẫn còn mắc nợ trước sự hy sinh lớn lao của nhân dân mình trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Mà suy cho cùng, món nợ ấy không chỉ của nhà văn Phùng Quán và các bạn đồng nghiệp của ông. Mỗi chúng ta, bằng việc làm hàng ngày, bằng cuộc chiến đấu chống lại “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân” như lời Hồ Chủ tịch đã nói từ nửa thế kỷ trước, bảo vệ những giá trị văn hoá đạo đức mà cả dân tộc ta đã hun đúc, gìn giữ với biết bao xương máu, hẳn là cách trả “món nợ” ấy một cách hiệu quả nhất, xứng đáng nhất.
      N.K.P
     (Dựa theo Di cảo đã dẫn của nhà văn Phùng Quán)
(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 



------------------------
(1) Nay là khu nhà đối diện với Đài Truyền hình Huế, ở góc đường Hà Nội-Lý Thường Kiệt.
(2) Đơn vị đặc nhiệm, chỉ tuyển chọn những chiến sĩ có trình độ khả năng giao tiếp đối với Pháp trong giai đoạn sau Hiệp định Sơ bộ 6-3.
(3) Thời nhà Hán, thuở hàn vi, Hàn Tín được bà Phiếu Mẫu cho một bát cơm; sau này khi trở thành tể t
ưng, ông đã mang đến nghìn lượng vàng để tạ ơn.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐẶNG SĨ THIỆNThời bao cấp, ăn còn đói mà thơ lại hay. Sang thời nay ăn thừa thãi thì người ta lại không quan tâm đến thơ, thậm chí quay lưng lại với thơ (lời Bằng Việt).

  • TRẦN THỊ TRƯỜNGBước chân vào cái ngõ 45 Phan Bội Châu gặp mùi bánh trứng nướng thơm phức bao trùm, ngỡ ngàng: “Ông Trần Đình Hiến còn là một chủ lò bánh?”. Nhưng: - Không phải đâu. Khu nhà này hầu hết là mấy anh em ruột chúng tôi sinh sống. Lò bánh này của một chú, còn các người khác mỗi người một nghề. Các em tôi đều chịu khó. Vâng, bây giờ ai chẳng lấy chịu khó làm đầu...

  • Chính Bùi Hiển dẫn lời bạn ông nói rằng văn ông đi từ hướng ngoại đến hướng nội, hàm ý chín dần, mỗi ngày mỗi gần hơn với cốt lõi văn chương. Tôi không thấy như vậy.

  • NGÔ MINHSau hai cuộc hành trình vất vả hơn 2600 cây số đi về Đại hội Nhà văn khu vực miền Trung ở Nha Trang giữa tháng 3, rồi Đại hội Nhà Văn Việt Nam VII, bắt đầu từ 22/4 đến 10 giờ rưỡi đêm 27/4 tôi mới về tới nhà mình ở Huế, ngồi trước máy vi tính viết những dòng  buồn vui lẫn lộn.

  • THANH THẢO                           6 năm nay, kể từ cái đêm thơ nhạc kỷ niệm 40 năm đường 559 do nhà thơ Phạm Tiến Duật dẫn chương trình, trong đêm ấy Tế Hanh vì quá xúc động khi nhớ lại chuyến đi qua Trường Sơn của mình đầu năm 1974, ông đã bị xuất huyết não. 6 năm ấy, không thể có một cuộc phỏng vấn hay “gặp gỡ” nào được thực hiện với Tế Hanh, đơn giản vì ông không nói được. Tôi nghĩ, 6 năm nay, Tế Hanh chỉ còn trò chuyện với dòng sông của mình, dòng sông của đời mình, trong im lặng. Vì thế, những cuộc trò chuyện tôi kể sau đây đều thuộc về thời gian trước khi Tế Hanh lâm trọng bệnh.

  • LTS: Kể từ khi xuất hiện với bạn đọc qua bài bút ký đầu tiên có tên là Gọi nắng và chùm thơ Đời chị trên tạp chí Sông Hương lúc tuổi đời mới hai mươi, gần 10 năm qua, Văn Cầm Hải là một “hiện tượng văn học” của nhiều cuộc tranh luận vì phong cách lập ngôn mới lạ của mình. Bước vào mùa xuân mới, đúng vào ngày sinh nhật 20/1/2005 của mình, Văn Cầm Hải đã chính thức trở thành một trong những nhà văn trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Vốn là người kín tiếng đến mức “lập dị” nhưng nhân dịp xuân vui này, nhà văn Văn Cầm Hải đã “bật mí” nhiều điều, từ A đến Z trong cuộc sống của anh  với Sông Hương.

  • Sáng ngày 24-2-2005 tại trụ sở 26 Lê Lợi - Huế, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ tưởng niệm nhà thơ Huy Cận. Nhiều cơ quan, ban ngành tỉnh, thành phố Huế và anh chị em văn nghệ sĩ đã tới dự. Sông Hương trân trọng giới thiệu “điếu văn” do nhà thơ Võ Quê đọc trong lễ tưởng niệm.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ(Tưởng nhớ nhà thơ Lương An)Năm 1984, sau khi cùng anh chị em văn nghệ đón di hài nhà thơ Vĩnh Mai về Huế, nhà thơ Lương An - người đồng hương, người bạn thơ gần gũi với Vĩnh Mai đã viết bài "Đón anh về lại Huế thơ": Anh về lại Huế hôm nay / Huế đang mưa bỗng tạnh ngày nắng xuân...

  • HỒ SĨ HIỆPBa Kim, tên thật là Lý Nghiêu Đường, tự Thị Cam, sinh năm 1904, người Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Ông viết văn rất sớm, nổi tiếng trên văn đàn từ thời "ngũ tứ vận động" (1919) và hoạt động văn học sôi nổi từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước, tên tuổi ngang hàng với các nhà văn Mao Thuẫn, Tào Ngu và Lão Xá.

  • XUÂN TÙNG          Chòi trống im lìm, khách ngẩn ngơ          Bình khô, rượu cạn, điếu chăng tơ          Bao giờ điếu lại reo êm ái          Nhà rộn tiếng cười, ấm giọng thơ...

  • TRẦN THỊ LINH CHIXuất thân gia đình quan lại, học giỏi nhưng lại không chịu theo đuổi đến nơi đến chốn để khoa bảng đề tên, tiến bước công danh hầu nối nghiệp nhà, cha tôi bỏ dở chương trình tú tài sau khi đậu thành chung, làm một công chức kiếm sống qua ngày, dành hết cuộc đời cho văn học. Năng khiếu phê bình của ông đã biểu hiện ngay từ thời còn đi học.

  • PHAN TRUNG THÀNHTháng giêng năm 2003, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu lần thứ I, theo sáng kiến thành lập “Ngày thơ Việt Nam” của Hội Nhà văn Việt Nam.

  • BẢO CƯỜNGLTS: Trên 40 năm ngâm thơ và đệm sáo cho thơ từ ra Bắc, từ trong nước ra nước ngoài, Bảo Cường hiện là một nghệ sỹ lão luyện trong nghề. Bài viết dưới đây, như chính tác giả nói: “Với lòng thiết tha mong mỏi bộ môn ngâm thơ và đệm sáo cho thơ ngày một phát triển, để mọi người và nhất là giới trẻ yêu thơ có cơ hội tìm hiểu đào sâu về hai bộ môn này.”

  • TRẦN NINH HỒLTS: Trần Ninh Hồ tên thật là Trần Hữu Hỷ. Lính Đông Bộ 1971 - 1976, 1977 - Trưởng ban Văn thơ báo Văn Nghệ. Nguyên chủ nhiệm Bảo tàng Văn học Việt …Bình quân cứ độ dăm năm, nhà thơ Trần Ninh Hồ lại có một "đợt" xuất bản thơ. Anh là cây bút sung sức trong suốt mấy thập niên vừa qua của nền thơ hiện đại Việt Nam, từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cho suốt đến những ngày hôm nay...Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Trần Ninh Hồ trong một cách nhìn riêng biệt.

  • INRASARACác hội thảo bàn về nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tạo văn học đã lôi kéo không ít nhà văn tham gia bàn cãi sôi nổi. Là tín hiệu đáng mừng: văn học Việt đang tự ý thức, tự phản tỉnh (self consciousness).

  • TRẦN ĐÌNH SỬThực tế nghèo nàn về thành tựu khoa học xã hội và nhân văn của chúng ta có thể tìm thấy nguyên nhân trong lối tư duy độc tôn một thời ở lĩnh vực học thuật. Cội nguồn sâu xa của lối tư duy ấy đang nằm trong di chứng của thời kì chiến tranh kéo dài ba mươi năm và cuộc đấu tranh ý thức hệ tàn khốc.

  • NGUYỄN THANH MỪNGKhái niệm nhà văn làm báo chắc không phải là chuyện lạ, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Cánh cửa mở ra cho nhà văn tung hoành trên “sân cỏ” báo chí không đơn thuần là chuyện “cơm áo không đùa...” mà vì nơi đây, nhà văn thể hiện mình ở nhiều góc độ khác nhau, hiểu từ hai phía, nhu cầu biểu lộ tâm trạng của họ và nhu cầu của đời sống đất nước và nhân dân đòi hỏi ở họ.

  • TRƯỜNG NHÂNLTS: Cũng như cuộc đời, văn nghệ có biết bao buồn vui. Nhà văn cũng là người, cho nên có lúc cũng dở khóc dở cười bởi những chuyện ngoài văn chương. “Vạch túi cho người xem... bia” là câu chuyện hậu kì để bạn đọc chia sẻ với chuyện bếp núc làng văn.

  • NGUYÊN ANMột nhà văn đồng hương cao niên hỏi tôi:- Sao bây giờ ta mới quen nhau nhỉ?Tôi chưa kịp trả lời, ông đã nói tiếp:- Thôi, từ nay nhé!

  • THANH THẢOLTS: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã về Huế. Có thể nói đấy là một sự kiện - một sự kiện trang nghiêm lặng lẽ.Là người có căn lành, cuộc trở về của ông dường như mãn vẹn. Ông đã trở về với nơi xuất phát, trở về với “ngôi nhà có ngọn lửa ấm”, trở về với tư cách một công dân thi sĩ.Sông Hương có nhã ý “cập nhật” ông từ đầu nhưng qua dò ướm, biết ông chưa muốn, Sông Hương đành để các báo bạn “post” trước.Mặc dầu “truy cập” sau nhưng Sông Hương với ông, với người Tổng Biên tập đầu tiên - Tổng Biên tập sáng lập hẳn còn nhiều duyên nợ, dài dài...