Triển lãm điêu khắc Thừa Thiên Huế còn đó những nghĩ suy...

15:54 28/01/2010
PHAN THANH BÌNH - ĐÌNH KHÁNHTriển lãm Điêu khắc Thừa Thiên Huế Lần thứ nhất đến nay đã kết thúc, những gì mà các tác giả trưng bày, thể hiện trước công chúng chắc sẽ còn đọng lại lâu dài trong tình cảm người xem, với những ấn tượng, cảm nhận toàn cảnh hoạt động sáng tạo điêu khắc của tỉnh nhà qua gần 60 tác phẩm của 29 tác giả, bao gồm tượng tròn phù điêu trang trí, tượng chân dung, phác thảo tượng đài... với các chất liệu đá, ciment, gỗ, thạch cao, đồng, chất liệu tổng hợp...

Để có được một triển lãm có tính qui mô về không gian- thời gian và kết cấu của tác phẩm, ban tổ chức với thành viên là Sở Văn hóa Thông tin, Hội VHNT, Ban Văn hóa Thành phố và Trường Đại học Nghệ thuật đã phối hợp chặt chẽ, linh hoạt trong tổ chức, trưng bày và góp kinh phí cho triển lãm. Giờ đây khi các tác phẩm đã được trở về với chủ thể sáng tạo, giữa sự bình yên nội tại nhưng vẫn không thiếu những suy tưởng ở mỗi tác giả và ở những người xem thật lòng đam mê và có trách nhiệm. Như một sự thôi thúc nội tâm, mọi người cũng cần nhìn lại về những cái hay, cái được của triển lãm và những điều cần phải đánh giá, suy nghĩ chín chắn về sáng tạo nghệ thuật, và thật đáng tiếc khi phải nói rằng bằng sự nhạy cảm của mình, chúng ta cũng thấy còn đó những điều băn khoăn, đôi chút chạnh lòng và cả một số nuối tiếc...

Công bằng mà nói triển lãm đã quy tụ được một số lượng lớn tác giả, tác phẩm tham gia triển lãm, đối với điêu khắc đó là những con số đáng kể, ngay cả hai trung tâm văn hóa lớn như Hà Nội- TP Hồ Chí Minh cũng luôn tồn tại sự chênh lệch khá xa giữa họa sĩ và điêu khắc gia. Nếu "quan liêu" một chút thì dường như cũng để thỏa mãn với những đóng góp về số lượng tác giả, tác phẩm, không gian trưng bày... Nhìn vào các con số người ngoài cuộc thấy cũng "nể" khi Huế có được một đội ngũ điêu khắc như vậy. Tuy nhiên nhìn thẳng vào hiện thực thì có những con số cũng phản ánh rõ hiện trạng hoạt động sáng tác điêu khắc là đáng lo ngại, bởi lẽ số tác giả tham dự đang sống làm việc ở Huế, làm nghề điêu khắc hoạt động trên bình điện điêu khắc thực sự là rất ít.

Ở Huế có không ít tác giả vừa là họa sĩ vừa là nhà điêu khắc, thông thường trở thành họa sĩ đã khó nhưng cũng có vài người tự học rồi vươn lên được, nhưng trong điêu khắc làm được điều đó là rất hiếm hoi và cũng khó mà theo kịp những người được đào tạo ở trường lớp.

Trước đây trong thời Nguyễn (giai đoạn TK XX) có Nguyễn Khoa Toàn vẽ chân dung, phong cách rất cổ điển và làm tượng Phật cũng rất đúng quy thức và có tính nghệ thuật cao, nay thì có Vĩnh Phối, Tuấn Dương, Phan Thế Bính... Hẳn nhiên không phải ai cũng "đều tay", tỏ ra rất bản lĩnh như họa sĩ Vĩnh Phối. Một mặt điều đó phản ánh năng lực, sở trường và đặc tính sáng tạo của các tác giả, mặt khác ít nhiều phản ánh cơ chế thị trường, nhu cầu xã hội đã thôi thúc nhiều họa sĩ làm tượng, nhà điêu khắc vẽ tranh, người lí luận cũng yêu thích sáng tác... Thỉnh thoảng ta vẫn nghe nói họa sĩ nào đó vừa có một "commang" điêu khắc vài trăm triệu, một nhà điêu khắc mới bán được tranh vài ngàn đô thì cũng là điều thường tình, nhất là ở Hà Nội- Nha Trang và TP Hồ Chí Minh.

Trước triển lãm có một số ý kiến về nét Huế, chất Huế làm sao phải được thể hiện qua triển lãm cho tốt. Điều đó là cần thiết nhưng cường điệu hóa đến mức cực đoan thì không nên. Còn nhớ trong một phản biện khoa học, một họa sĩ lão thành Huế đã lớn tiếng khẳng định rằng muốn nghiên cứu được Huế thì chỉ có những ai sinh ra lớn lên ở Huế thì mới làm tốt được. Điều này không chỉ không đúng khi nói đến văn học, hội họa mà lại càng sai hơn khi bước vào phòng trưng bày điêu khắc tại số 4- Hoàng Hoa Thám. Nhiều tác phẩm của tác giả không phải là người Huế trưng bày ở đây cho thấy tinh thần, cốt cách, diện mạo tâm hồn xứ Huế được thể hiện khá rõ qua hình khối, bố cục, cách xử lý, biểu hiện tác phẩm, sự lắng đọng, gửi gắm tình cảm, bày tỏ rất Huế thể hiện qua những tác phẩm mà nhiều khi không phải là đề tài Huế như các bức tượng của Võ Tấn Tánh, Nguyễn Mạnh Quân, Nguyễn Thành Vinh... vậy thì không hẳn người Huế mới làm tượng, vẽ tranh phản ánh sâu sắc Huế, và cũng chưa phải phẩm chất, chiều sâu Huế là cái gì đó kỳ bí, xa vời khó cảm nhận đối với các nghệ sĩ khác. Chắc những dịp sống ở Huế, tiếp cận Huế đã làm cho nhiều tác giả có những cảm nhận sâu sắc và thể hiện được điều đó trong tác phẩm của mình, cho dù có lúc chỉ là sự phảng phất, gợi tưởng hay chỉ là sự ám ảnh riêng tư về Huế mà thôi. Những năm gần đây, thể loại tượng chân dung chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong các triển lãm mỹ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng. Khuynh hướng tả thực lại càng ít hơn trước thủ pháp ẩn dụ, tượng trưng hay biểu hiện, ước lệ hóa. Tại triển lãm điêu khắc Thừa Thiên Huế lần thứ nhất có hai bức chân dung được công chúng yêu thích, đánh giá cao về mặt biểu hiện nghệ thuật. Trước hết là tượng "Chân dung nhà điêu khắc" của Vĩnh Phối (thạch cao cao 55cm), được thể hiện với tính đặc tả cao (sở trường của tác giả từ trường phái ý), khuôn mặt nhà điêu khắc (trong giới đều biết đó là nhà điêu khắc lão thành- giáo sư Phạm Gia Giang) được thể hiện sống động qua từng nét mặt, ánh mắt và dấu ấn tạo hình rung cảm của tác giả, người xem thấy rõ nét nhấn đến từng ngón tay sáng tạo của nghệ sĩ trên khuôn mặt nhân vật, tác giả truyền đến cho người xem cả sự ưu ái tình cảm của mình đối với nhân vật. Còn với tác giả trẻ Nguyễn Thanh Bình, bức "Chân dung Văn Cao" (thạch cao phủ sơn- cao 40 cm) lại là một tác phẩm vừa "giống" vừa phóng khoáng, trữ tình bởi sự chuyển đổi nhịp điệu hình khối, chất bề mặt, rất có tay nghề, tự tin và bài bản. Nhà điêu khắc chắc phải rất hiểu nhân vật của mình mới biểu hiện được thần sắc tinh tế, vừa suy tưởng sâu kín vừa thật gần gủi, dễ gần của nhân vật. Nguyễn Thanh Bình không câu nệ vào quy tắc hàn lâm, anh vượt lên, tự giới thiệu và khẳng định những khả năng sáng tạo của mình bằng lối bố cục "lạ mắt" mà rất phóng khoáng nghệ thuật.

Khuynh hướng tượng trưng, khám phá những góc cạnh khác nhau, những cảm nhận đa chiều về nhân vật cũng được nhiều tác giả bày tỏ. Tiêu biểu trong số này là tác phẩm "Ấn tượng Hàn Mạc Tử" của Nguyễn Mạnh Quân (gỗ- cao 120 cm) qua những khối bố cục đơn lặng, hình quằn quại với đặc trưng khối âm đầy ẩn dụ- liên tưởng thị giác như hé mở những tưởng tượng thi vị về ánh trăng, nỗi cô đơn, xót xa của nhân vật. Ngoài ra còn có thể kể thêm về các tác phẩm "Bà Huyện Thanh Quan" của Mai Văn (bê tông- cao 100 cm), "Nhà thơ Nguyễn Khuyến" của Đào Ngọc Phú (bê tông- cao 130 cm), "Người đàn bà qua chiến tranh" của Trần Anh (gỗ - cao 100cm), "Hai Bà Trưng" của Nguyễn Tuấn Dương (xi măng - cao 170 cm), "Em là du kích" của Lê Minh Kai (Thạch cao 100 cm), "Sức sống sông Đà" của Kim Liên (gỗ đồng 100x 120 cm)... cũng đạt được chiều sâu thẩm mỹ.

Sau những "choáng ngợp" về một không gian triển lãm điêu khắc, cũng có một số tác phẩm có phần còn đơn điệu, chơi vơi, có tìm tòi nhưng chưa đạt đến độ chín và tính thuyết phục, những khiếm khuyết về biểu đạt bố cục, biểu cảm của khối, tư tưởng, tình cảm của tác giả, nội dung phản ánh... Bức phù điêu "Tấm Cám" của Mai Văn quá là "chân phương" như một minh họa chuyện cổ tích, sự tham lam chi tiết của anh thể hiện rất rõ trong bố cục sắp xếp đầy tính tả kể, làm hạn chế đến "độ rung", tính biểu cảm nghệ thuật. Bức tượng chân dung của Phan Xuân Hòa vẫn còn vẻ "hồn nhiên", nặng về kĩ thuật chất liệu hơn là sự tập trung vào kết cấu khối và quan hệ không gian- bố cục. Một số tượng khắc rơi vào sự dễ dãi, dù thực lòng của tác giả có tìm đến cái mới, nhưng người ta vẫn nhận thấy sự thiếu hụt trong các tác phẩm "Vũ điệu", "Màu đen" của Nguyễn Tài Bửu Đường, "Chất độc màu da cam" của Đỗ Minh Tuấn. "Hai người" của Đàm Đăng Lại... Nhà điêu khắc Nguyễn Hiền khá ý tứ, khúc chiết, mở rộng ngôn ngữ điêu khắc trong kết cấu tương phản của tượng "ám ảnh của vỏ đạn" nhưng anh lại có vẻ đánh đố và khó hiểu khi treo một bức ảnh chụp bức tượng "Cái tổ" được sáng tác tại Hà Nội cùng với chân dung của mình được lồng kính; lẽ ra đây là điều " kiêng kỵ" khi mà duy nhất trong triển lãm có một bức ảnh tác giả như vậy, hơn nữa anh lại là một thành viên của BTC. Một số tác phẩm khác do cách trưng bày nhiều khi còn tủn mủn, chật chội nên cũng hạn chế đến tính biểu hiện của tác phẩm và sự cảm nhận của người xem.

Dẫu còn đó đôi chút suy tư, nhưng người nghệ sĩ cũng dễ bỏ qua tất cả để hướng đến những cái cao đẹp của sáng tạo nghệ thuật, vấn đề còn lại là cần phải quan tâm đến việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ những nhà điêu khắc của tỉnh nhà, tạo điều kiện cho họ hoạt động, sáng tác, có như vậy những gì họ làm được trong triển lãm điêu khắc lần thứ nhất mới được phát huy, có ý nghĩa đối với đời sống thẩm mỹ của nhân dân. Mặt khác, môi trường không gian thẩm mỹ đô thị Huế vẫn đang đặt ra những yêu cầu về xây dựng tượng đài, tượng trang trí công viên và nhiều khả năng khác trong tạo dựng cảnh quan, vẻ đẹp của một thành phố du lịch văn hóa. Và thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi giới sáng tác điêu khắc Thừa Thiên Huế sẽ có những đóng góp như thế nào để xây dựng quê hương giàu đẹp.

P.T.B - D.K
(120/02-99)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • BẠCH DIỆP

    "Có lẽ đau khổ lại tốt cho con người. Nhà nghệ sĩ có thể làm gì nếu anh ta hạnh phúc? Anh ta liệu có muốn làm bất cứ điều gì không? Nghệ thuật, rốt cuộc chính là chống lại sự khắc nghiệt của cuộc đời".

  • ĐINH CƯỜNG

    Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh

     

  • PHAN THANH BÌNH

    Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, từ Âu châu đến Á châu đã ghi nhận nhiều hoàng đế từng cầm bút vẽ, nặn tượng và không ít bảo tàng mỹ thuật ở các quốc gia có lưu giữ những tác phẩm mỹ thuật mà tác giả là những vị vua danh tiếng.

  • KHẢ HÂN

    Là một trong những họa sĩ chủ soái của trường phái Ấn tượng nổi tiếng với phong cách làm việc ngoài trời một cách nhất quán, Monet đã để lại rất nhiều bức vẽ đầy ấn tượng về băng, tuyết và sương giá.

  • LINH PHƯƠNG

    Một lần nữa có thể thấy rằng, mỹ thuật Huế trong dòng chảy của mình, không ồn ào mà lại âm thầm trong việc theo đuổi những tiếng gọi nghệ thuật thuộc nhiều kiểu dạng ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau để có được hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất.

  • PHƯỢNG LÂM

    Họa sĩ Léopold Franckowiak, đến nay ông đã có bảy năm sống ở Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam là nơi gợi cảm hứng sáng tác mạnh mẽ nhất với ông trong thời điểm này.

  • TRẦN DUY MINH

    Trong hội họa, mùa thu là mùa quyến rũ với các họa sĩ, bởi mùa thu là mùa của thi tính, của cái đẹp và cũng là mùa của nỗi buồn. Mùa thu là mùa của sự úa tàn, của những phôi pha, của những gì kết thúc nhưng đó cũng là thời điểm để khởi đầu cho một hành trình mới của sự vật.

  • LÝ HỮU NGUYÊN

    Nguyễn Trọng Khôi là họa sĩ song hành cả hiện thực và trừu tượng.

  • VŨ LINH

    Từ khởi thủy của nghệ thuật tạo hình, động vật đã là một đề tài được lựa chọn. Những hình vẽ sơ khai nhất được tìm thấy trong các hang động, những hình thù khắc trên đá, trên xương động vật, trên các dụng cụ bằng đồng...

  • TRẦN DIỄM THY

    Trong nghệ thuật tạo hình trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hình tượng trẻ con luôn được xem như là một nguồn mạch của sáng tạo nghệ thuật.

  • LÊ TRIỀU HẢI

    Nếu như nghệ thuật hiện đại có những cách thức đi ngược chiều với quan niệm nghệ thuật là sự mô phỏng của Plato và Aristotle, thì ngày nay, trào lưu nghệ thuật cực thực lại hướng tới mô phỏng ngoại giới một cách tinh vi, nếu không muốn nói là đẩy tới cực đoan nhất có thể trong việc mô phỏng vật thể.

  • NGUYỄN THỊ HÒA

    Huế những năm đầu thế kỷ XX, Nhà nước phong kiến triều Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có chính sách văn hóa hướng tới nhiều khía cạnh của đời sống xã hội như văn chương nghệ thuật, giáo dục, giao lưu, tiếp xúc văn hóa, bảo tồn di sản… nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa nghệ thuật của cộng đồng, với sự xuất hiện trào lưu học thuật tân tiến của châu Âu, mỹ thuật được giao lưu biểu hiện qua các hoạt động và sáng tác nghệ thuật.

  • ĐẶNG TRIỆU VĂN

    Như tên gọi của nó, trào lưu tối giản trong nghệ thuật hướng tới tiết chế mọi yếu tố cấu nên tác phẩm nghệ thuật.

  • NGUYỄN HOÀNG VY

    Từ khi Phân tâm học của Freud ra đời, người ta mới có thể lý giải được phần nào nguyên do xui khiến người nghệ sĩ lao vào sáng tạo nghệ thuật, có một sức mạnh to lớn từ vô thức khiến người nghệ sĩ mộng mơ, đó là sức mạnh bất khả từ chối.

  • VŨ LINH

    Với hội họa Việt Nam, sơn mài là chất liệu không xa lạ. Những tên tuổi lớn từng thành công trên chất liệu sơn mài phải kể đến như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Đỗ Cung, Phan Kế An, Nguyễn Tư Nghiêm...

  • TRÚC LÂM

    Trong văn hóa nhân loại, lợn như là một biểu tượng phổ quát. Lợn được xem là tổ phụ sáng lập một trong bốn đẳng cấp trong xã hội Meslanesie. Nữ thần trời và mẹ vĩnh cửu của các tinh tú ở Ai Cập cổ đại lại thường được tạo hình trên các bùa đeo với những họa tiết của lợn nái đang cho đàn con bú.

  • VŨ PHƯƠNG

    Trong dòng nghệ thuật biểu ý, dựa trên ngôn ngữ biểu hiện ở Huế, thì Trương Thế Linh nổi lên như một hiện tượng tiêu biểu.

  • KHẢ HÂN

    Francesco Clemente sinh năm 1952, ở Naples, Italy. Ông xuất hiện vào thời điểm khi mà Thế chiến II vẫn còn là một ký ức dai dẳng khắc sâu thành những vết nứt trong tâm thức sáng tạo của cộng đồng nghệ sĩ ở dải đất ven vùng biển Địa Trung Hải này.

  • TRẦN PHƯƠNG ĐÔNG

    Lê Kinh Tài là một trong những nghệ sĩ đương đại rất thành công ở Việt Nam hiện nay. Sự thành công được minh chứng không chỉ ở số lượng tác phẩm lớn, những tìm tòi nghệ thuật không mệt mỏi mà cả ở giá tranh của ông trên thị trường quốc tế.