Phòng tranh Lê Bá Đảng

15:22 07/08/2009
ĐẶNG TIẾN Phòng tranh Lê Bá Đảng tại Paris, mùa thu 2003, gây nhiều mỹ cảm, mà nếu cần tóm tắt trong một chữ - một chữ thôi - thì sẽ là chữ thanh.

Triển Lãm Tranh Lê Bá Đảng - Ảnh: thotanhinhthuc.org

Từ thanh trong tiếng ta có nhiều nghĩa.

Nghĩa cơ bản là xanh, nhiều màu xanh, những màu xanh, xanh cây xanh cỏ xanh đồi, xanh rừng xanh núi, da trời cũng xanh, Nguyễn Bính có lần kê khai như vậy.

Khoảng hai mươi họa phẩm, mới sáng tác nhất loạt trong năm 2002, chứng tỏ tác giả tuổi ngoài tám mươi vẫn còn khối óc trẻ và bàn tay khỏe; nói chuyện với ông thì thấy người còn trẻ hơn tranh. Vẻ cường tráng ung dung của một Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Công Trứ, cái sung mãn tài hoa của Chagall, Picasso gì đấy, khiến người ta tự dưng tin tưởng vào cuộc sống. Tục ngữ “tài không đợi tuổi”, hiểu xuôi không hay bằng hiểu ngược.

Loạt tranh khổ lớn, chủ yếu màu xanh, nhiều màu xanh, những màu xanh, một loạt “đơn thanh” như là monochromie, xanh thẫm, xanh dương, xanh lam, xanh rêu, xanh của khói lam chiều, đá mòn rêu nhạt, sắc chàm trong màu gió (1). Kỹ thuật gọi là xanh cobalt, outre mer, indigo hay bleu de Huê chi chi đó, tôi không sành. Nét vẽ làm khuôn chung những bức tranh là hình mặt người chìm phẳng, giản lược, đầu trọc, mắt nhắm, hao hao giống Phật, hay thiền sư, hoặc khuôn mặt dân quê, một nhân ảnh mờ sương khói, để nhân diện hóa những uyển sắc màu xanh đơn điệu của họa phẩm. Một thủ thuật, một lối “chơi” của họa sư nhằm đưa nghệ thuật tiên tiến, chủ yếu là trừu tượng và vô hình dung về với nhân gian – và dân gian. Một lối xin lỗi nhẹ nhàng, kín đáo của Kẻ Trở Về, sau một thời gian xa cách, với những chuyến đi dài vào nghệ thuật và tư tưởng hiện đại. Một thứ Lãng Tử sau nhiều năm tháng ngao du cõi Đào Nguyên nay về lại nhà xưa, ngồi xuống bên thềm, nhìn qua những đọt cau già tìm trên trời có đám mây xanh. Nhưng không thấy mây xanh, vì trên đời không làm gì có mây xanh. Mây xanh chỉ là một hình tượng nghệ thuật.

Khi ta nói màu xanh đơn thanh trong tranh Lê Bá Đảng, là nói tắt để gợi ý. Thật sự chất liệu phong phú, trong một phân vuông, nhìn kỹ, ta sẽ thấy nhiều uyển sắc (variation) trên một nền giá trị (valeurs) tinh tế, qua phong cách điêu luyện và rung cảm tươi mát. Không phải màu xanh nhiều sắc độ nhưng thuần nhất, thường thấy ở tranh Thái Tuấn hay một số tranh Nguyễn Trung một thời, mà những mảng xanh đa sắc (camạeu), do ánh sáng chi phối, có khi được lắp ghép như khảm sành khảm sứ, hay trong mosạque. Lê Bá Đảng sành sử dụng hiệu năng của lăng kính, tạo giao thoa ánh sáng bất ngờ làm sống bức tranh. Trong loạt họa phẩm hao hao giống nhau, ánh sáng khác nhau gây nên nét khu biệt, khiến người xem không chán và buộc họ phải suy nghĩ.

Do đó, tranh ông cho dù đơn giản vẫn nhiều chất trí tuệ. Một nghệ thuật phi trường phái. Lê Bá Đảng không giống ai, mà cũng không ai giống được ông. Thậm chí, mình cũng nỏ giống mình. Vui chỗ ấy.

Nét mặt người nhắm mắt không phải ngủ, mà để trầm tư, nhìn vào nội giới.
Mắt mở là nhìn đời, mắt nhắm để ngộ đời đang nhìn mình.

Thanh còn trái với thô. Nhưng thô không hẳn là xấu: có cái đẹp thô sơ, như trong nghệ thuật dân gian, hay thô tháp trong nghệ thuật hiện đại. Thậm chí còn có cái đẹp thô bạo trong nhiều biểu hiện tạo hình. Những tranh Lê Bá Đảng kỳ này là đẹp thanh tao. Tôi nói thanh tao? Vô hình trung dùng một từ thông thường, không ngờ lại là một chữ gốc Hán, nguyên là điệu hát Thanh Miêu trong Kinh Thi và bài phú Ly Tao của Khuất Nguyên. Dùng một chữ “thanh tao” để mô tả tranh Lê Bá Đảng, mà tình cờ gặp cả hai ông Khổng Tử và Khuất Nguyên, thì quả là duyên số: viết văn, cũng như vẽ tranh, lắm lúc gặp may, ngáp phải chữ nghĩa hay ánh sáng.

Như vậy, thanh tao trong tranh Lê Bá Đảng là một quan niệm thẩm mỹ Á Đông sâu sắc, chứ không dừng lại ở nhận xét thường tình.

Nhưng theo tâm sự của họa sĩ, thì ông có dụng tâm tạo cảm giác thanh tịnh ở người xem, một khoảng yên lặng êm ả, như trong chữ “đêm thanh”. Thật vậy, tranh Lê Bá Đảng đã một thời ghềnh thác, đã một thời biển thẳm non cao, kỳ này yên ắng mặt hồ. Như một vũ trụ chao nghiêng, đang xanh thẳm đại dương chợt chuyển mình sang xanh lam hồ thủy. Thời gian ngưng đọng. Như con chim tra trả đang bay, tự nhiên ngưng cánh, in bóng trên nền trời.

Van Gogh có lần nói “dùng màu son và màu lục để diễn tả những đắm say”. Lê Bá Đảng dùng màu xanh lam để gợi lên niềm thanh thản.

Tranh ông triển lãm kỳ này, các cụ ngày xưa sẽ có người gọi là Lầu Tranh Ngưng Bích. Tôi rất ưa hai chữ Ngưng Bích.

Ngày nay người ta thường nói chuyện truyền thống và hiện đại, dân tộc và thế giới, như những giá trị đối lập cần phải kết hợp. Kỳ thật đây là một khẩu hiệu chính trị, có hiệu lực ở những công trình thủy lợi tập thể hơn là nơi địa hạt văn hóa. Người nghệ sĩ phút giây sáng tạo, không lưu tâm đến hai yếu tố kia; nếu trong con người họ có sẵn cái dân tộc và cái thế giới thì hai cái ấy sẽ hiển hiện lên khung vải; nếu họ chỉ có một trong hai điều, thì cũng cứ tự nhiên vẽ, tranh vẫn đẹp, một cách thanh thản; trường hợp trời không ban cho họ cả hai điều ấy, cũng không sao. Anh cứ vẽ: khi anh có tài, khi anh chân chính là anh và rung cảm chân thành với cái anh của chính anh, thì tranh vẫn đẹp, có khi tuyệt vời, dù rằng tranh khó bán, và các Nam Tào Bắc Đẩu tranh pháo không tìm ra được lời hươu tiếng vượn để ve vãn.

Vẽ, không phải là vẽ vời. Họa sĩ là người vẽ, không phải là kẻ vẽ vời. Vẽ vời là nghề của chàng phê bình, mà tôi cũng không tránh khỏi.

Nói rằng tranh Lê Bá Đảng hiện đại là chuyện đã đành, như phò mã tốt áo. Nói rằng là tranh dân tộc, sẽ có kẻ hồ nghi, vì nơi đây không có những “màu dân tộc sáng bừng lên giấy điệp” trong “tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong”  theo lời thơ Hoàng Cầm. Chất xanh phức tạp, điểm xuyết vài giọt đỏ, như mới vừa rớm máu, khác với những mộng đỏ hoe, sầu biêng biếc, mây trắng bay đầy trên nền trời Lưu Trọng Lư, một ngày thu xa vắng.

Nhưng chính Lưu trọng Lư, từ tháng 6/1934 tại Quy Nhơn, lại nói rằng những màu “dân tộc” kia là không hiện đại, trong khi yêu cầu chính của tranh Lê Bá Đảng là hiện đại.

Nhưng Lê Bá Đảng lại nói: tranh ông là niềm hoài niệm tuổi thơ. Màu xanh kia là nỗi nhung nhớ một nền trời. Ta nhìn lên, thấy trời xanh, biết đâu rằng bầu trời kia làm bằng muôn vạn màu xanh khác nhau. Tranh Lê Bá Đảng cũng vậy, khi màu lục lam ngả sang xanh tím, bức tranh trở thành sâu thẳm, u uẩn, huyền hoặc, như đưa ta vào một bình minh sơ nguyên của vũ trụ, thời tiền sử hay tiền kiếp.

Về màu sắc dân tộc, có người đã đề cập đến màu xanh trong nghệ thuật trang trí Pháp Lam ở Huế: “Màu sắc lục tím, sự tương phản không chói chang nhưng gây cảm giác trang nghiêm huyền bí (...) Sự tài tình hòa sắc tinh tế của các nghệ nhân với những cặp màu hài hòa êm dịu. Màu xanh ngọc lam, màu chủ đạo tạo đậm nhạt không gian trong sáng. Màu sắc khảm sành xứ Huế chứa đựng tính dân tộc thông qua đậm đà tính dân gian”(2).

Theo sử sách, kỹ thuật “gốm hoa lam” ở nước ta có từ thời Trần, cuối thế kỷ XIV.

Nhờ đó, đi giữa những họa phẩm hiện đại của Lê Bá Đảng, những tâm hồn quê kiểng như tôi, không thấy lạc lõng, mà còn hứng thú trong cảm giác “vừa lạ vừa thân”, thân tâm an lạc: an vì thân, lạc vì lạ, niềm vui lơ lửng trời xanh ngắt. Hân hoan như trong thế giới Bích Khê:

Lam nhung ô ! màu lưng chừng trời
Xanh nhung ô ! màu phơi nơi nơi

Nghệ thuật là cuộc hẹn hò tình ái giữa nhiều ngôn ngữ.
Màu lưng chừng trời của Bích Khê lại dan díu với một câu thơ Tế Hanh, 1959:

Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị
Sao lại Quảng Trị? Vì là quê hương Lê Bá Đảng.

Những ngôn ngữ hẹn hò, có rủ rê cả âm nhạc.
Thanh là màu, còn là tiếng, là thanh âm, thanh điệu.

Nhìn một bức tranh Lê Bá Đảng ta có thể nghe thấy cái gì đó. Hồi chuông chiều thảnh thót, tiếng suối mai róc rách, tiếng sáo diều biêng biếc, chim bâng khuâng đôi miếng lẫn trong cành...
Hội họa là màu sắc hóa thân thành tiếng hát.
Nhưng đừng quên: hét không phải là hát; ầm vang không phải là âm vang. Tranh Lê Bá Đảng vì đơn giản, tĩnh lược nên không vang ầm, nhưng vang âm.

Ai đó có nhận định rằng, vào cuối đời mình, họa sĩ Auguste Renoir mới tạo được âm vang cho họa phẩm, một nhạc tính thủy tinh (3). Tôi không biết ra sao, nhưng xem tranh Lê Bá Đảng kỳ này, tôi có nghe cái gì đó thánh thót trong những uyển sắc của màu xanh, đậm nhạt, chấm phá, đục trong, theo phối âm của ánh sáng, nhịp điệu của đường nét và sự điều tiết chất liệu. Nhưng có lẽ cường độ ngân vang trong tranh đến nhiều nhất từ ánh sáng và những tia sáng, luồng sáng. Ở cảm xúc mỹ thuật, có những ấn tượng chủ quan, không thể nào giải thích hết. Dường như Rimbaud có đặt tên màu sắc cho những nguyên âm, nay đã trở thành kinh điển, dù chỉ là chủ quan thôi.

Họa sĩ Lê Bá Đảng đặt tên cho phòng tranh là Thu Xanh – Bleus d’Automne(4) – có lẽ chỉ vì ông dùng màu xanh làm chủ sắc; nhưng ông mở thêm cho tôi một chân trời khác.

Trong dự tính, nếu phải dùng một chữ thôi để tóm lược mỹ cảm về phòng tranh, tôi sẽ dùng một chữ thanh, trong trường ngữ nghĩa thông dụng.
Nếu phải dùng đến hai chữ, thì sẽ là đạm thanh, mượn ở Nguyễn Du:

Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên

Nhưng nghe họa sĩ nói về nguồn hoài niệm và màu thu xanh, tôi chạnh nhớ đến hai chữ khác, là đan thanh mượn của Đinh Hùng:

Nước buồn cũng bởi mắt em xanh
Hồ biển rưng rưng biếc mấy thành
Em tự phương trời, thu gửi lại
Nụ cười thương nhớ, nét đan thanh.

Nghệ thuật là nơi kỳ ngộ bâng khuâng. Nước ngâm trong vắt.
Phòng tranh Ngưng Bích, đạm thanh và đan thanh.
Bên kia, còn nụ cười thương nhớ.

Paris, ngày 10-11-2003
Đ.T
(183/05-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • BẠCH DIỆP

    "Có lẽ đau khổ lại tốt cho con người. Nhà nghệ sĩ có thể làm gì nếu anh ta hạnh phúc? Anh ta liệu có muốn làm bất cứ điều gì không? Nghệ thuật, rốt cuộc chính là chống lại sự khắc nghiệt của cuộc đời".

  • ĐINH CƯỜNG

    Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh

     

  • PHAN THANH BÌNH

    Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, từ Âu châu đến Á châu đã ghi nhận nhiều hoàng đế từng cầm bút vẽ, nặn tượng và không ít bảo tàng mỹ thuật ở các quốc gia có lưu giữ những tác phẩm mỹ thuật mà tác giả là những vị vua danh tiếng.

  • KHẢ HÂN

    Là một trong những họa sĩ chủ soái của trường phái Ấn tượng nổi tiếng với phong cách làm việc ngoài trời một cách nhất quán, Monet đã để lại rất nhiều bức vẽ đầy ấn tượng về băng, tuyết và sương giá.

  • LINH PHƯƠNG

    Một lần nữa có thể thấy rằng, mỹ thuật Huế trong dòng chảy của mình, không ồn ào mà lại âm thầm trong việc theo đuổi những tiếng gọi nghệ thuật thuộc nhiều kiểu dạng ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau để có được hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất.

  • PHƯỢNG LÂM

    Họa sĩ Léopold Franckowiak, đến nay ông đã có bảy năm sống ở Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam là nơi gợi cảm hứng sáng tác mạnh mẽ nhất với ông trong thời điểm này.

  • TRẦN DUY MINH

    Trong hội họa, mùa thu là mùa quyến rũ với các họa sĩ, bởi mùa thu là mùa của thi tính, của cái đẹp và cũng là mùa của nỗi buồn. Mùa thu là mùa của sự úa tàn, của những phôi pha, của những gì kết thúc nhưng đó cũng là thời điểm để khởi đầu cho một hành trình mới của sự vật.

  • LÝ HỮU NGUYÊN

    Nguyễn Trọng Khôi là họa sĩ song hành cả hiện thực và trừu tượng.

  • VŨ LINH

    Từ khởi thủy của nghệ thuật tạo hình, động vật đã là một đề tài được lựa chọn. Những hình vẽ sơ khai nhất được tìm thấy trong các hang động, những hình thù khắc trên đá, trên xương động vật, trên các dụng cụ bằng đồng...

  • TRẦN DIỄM THY

    Trong nghệ thuật tạo hình trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hình tượng trẻ con luôn được xem như là một nguồn mạch của sáng tạo nghệ thuật.

  • LÊ TRIỀU HẢI

    Nếu như nghệ thuật hiện đại có những cách thức đi ngược chiều với quan niệm nghệ thuật là sự mô phỏng của Plato và Aristotle, thì ngày nay, trào lưu nghệ thuật cực thực lại hướng tới mô phỏng ngoại giới một cách tinh vi, nếu không muốn nói là đẩy tới cực đoan nhất có thể trong việc mô phỏng vật thể.

  • NGUYỄN THỊ HÒA

    Huế những năm đầu thế kỷ XX, Nhà nước phong kiến triều Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có chính sách văn hóa hướng tới nhiều khía cạnh của đời sống xã hội như văn chương nghệ thuật, giáo dục, giao lưu, tiếp xúc văn hóa, bảo tồn di sản… nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa nghệ thuật của cộng đồng, với sự xuất hiện trào lưu học thuật tân tiến của châu Âu, mỹ thuật được giao lưu biểu hiện qua các hoạt động và sáng tác nghệ thuật.

  • ĐẶNG TRIỆU VĂN

    Như tên gọi của nó, trào lưu tối giản trong nghệ thuật hướng tới tiết chế mọi yếu tố cấu nên tác phẩm nghệ thuật.

  • NGUYỄN HOÀNG VY

    Từ khi Phân tâm học của Freud ra đời, người ta mới có thể lý giải được phần nào nguyên do xui khiến người nghệ sĩ lao vào sáng tạo nghệ thuật, có một sức mạnh to lớn từ vô thức khiến người nghệ sĩ mộng mơ, đó là sức mạnh bất khả từ chối.

  • VŨ LINH

    Với hội họa Việt Nam, sơn mài là chất liệu không xa lạ. Những tên tuổi lớn từng thành công trên chất liệu sơn mài phải kể đến như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Đỗ Cung, Phan Kế An, Nguyễn Tư Nghiêm...

  • TRÚC LÂM

    Trong văn hóa nhân loại, lợn như là một biểu tượng phổ quát. Lợn được xem là tổ phụ sáng lập một trong bốn đẳng cấp trong xã hội Meslanesie. Nữ thần trời và mẹ vĩnh cửu của các tinh tú ở Ai Cập cổ đại lại thường được tạo hình trên các bùa đeo với những họa tiết của lợn nái đang cho đàn con bú.

  • VŨ PHƯƠNG

    Trong dòng nghệ thuật biểu ý, dựa trên ngôn ngữ biểu hiện ở Huế, thì Trương Thế Linh nổi lên như một hiện tượng tiêu biểu.

  • KHẢ HÂN

    Francesco Clemente sinh năm 1952, ở Naples, Italy. Ông xuất hiện vào thời điểm khi mà Thế chiến II vẫn còn là một ký ức dai dẳng khắc sâu thành những vết nứt trong tâm thức sáng tạo của cộng đồng nghệ sĩ ở dải đất ven vùng biển Địa Trung Hải này.

  • TRẦN PHƯƠNG ĐÔNG

    Lê Kinh Tài là một trong những nghệ sĩ đương đại rất thành công ở Việt Nam hiện nay. Sự thành công được minh chứng không chỉ ở số lượng tác phẩm lớn, những tìm tòi nghệ thuật không mệt mỏi mà cả ở giá tranh của ông trên thị trường quốc tế.