Lai lịch một bức tranh

09:04 20/08/2008
ĐẶNG NHẬT MINHĐầu xuân Nhâm Ngọ nhân dự khai mạc phòng tranh của một người bạn hoạ sỹ, tôi tình cờ được gặp bác Lương Xuân Nhị. Bác cho biết năm 1943 khi sang Nhật trưng bầy triển lãm tranh bác có gặp cha tôi là bác sỹ Đặng Văn Ngữ đang du học tại đấy. Bác còn giữ một số ảnh chụp với cha tôi và hẹn tôi đến nhà để biếu lại cho gia đình làm kỷ niệm.

Cha tôi hy sinh cách đây đã 35 năm, nhưng những gì có liên quan đến cuộc đời của ông quả thực chúng tôi trong gia đình cũng chưa biết hết, nhất là giai đoạn 7 năm nghiên cứu khoa học tại Nhật. Bởi vậy tôi không khỏi háo hức khi đến thăm bác Nhị tại nhà riêng ở số nhà 29 phố Cửa Nam, mong được nghe bác kể đôi điều về cha tôi trong những lần gặp gỡ ở Tokyo cách đây đã 59 năm. Bác Nhị thân mật tiếp tôi trong phòng khách đơn sơ, trên tường treo những bức tranh ghi dấu các thời kỳ khác nhau trong cuộc đời sáng tác của mình. Tôi nhận ra Hà Nội với chiếc tầu điện màu đỏ ven Bờ Hồ như một kỷ niệm khó phai, rồi cửa Thượng Tứ ở thành phố Huế quê hương tôi, những cảnh làng quê thân thuộc, vài bức ký hoạ vẽ tại Algerie... và một bức tranh sơn dầu với cảnh núi Phú Sỹ được vẽ trong chuyến đi Nhật của bác. Trước hết tôi tò mò muốn biết lý do của chuyến đi ngày ấy. Bác Nhị cho biết chuyến đi triển lãm tranh này do Hội Bunka Sinkokai của Nhật tổ chức. Trước đó họ đã tổ chức 2 cuộc triển lãm tranh của các hoạ sỹ Nhật tại Hà Nội. Hoạ sỹ nổi tiếng Nhật Bản Fujita cũng đã từng đến thăm bác tại căn nhà này. Đoàn hoạ sỹ được mời sang Nhật ngày ấy có 3 hoạ sỹ Việt Nam là Lương Xuân Nhị, Nam Sơn, Nguyễn Văn Tỵ và một hoạ sỹ người Pháp sống ở Sài Gòn tên là Bâte. Ba hoạ sỹ Việt đáp tầu hoả vào Sài Gòn nhưng Bâte không thèm ra ga đón họ. Trong cuộc gặp mặt hôm sau ở Toà Công sứ Nhật Bâte viện cớ bị mệt. Vì thái độ khiếm nhã, coi thường các đồng nghiệp bản xứ nên ông ta bị Toà Công sứ Nhật gạt tên ra khỏi danh sách đi Nhật. Vậy là đoàn chỉ còn lại 3 hoạ sỹ Việt nam. Đó là vào tháng 7 năm 1943 khi chiến tranh giữa Nhật và Mỹ đã bắt đầu. Sợ đi đường biển không an toàn các hoạ sỹ được gửi đi nhờ trên các máy bay quân sự để sang Tokyo . Bác Nhị kể: Tokyo hồi đó vẫn còn yên tĩnh lắm và cuộc triển lãm được tiến hành rất tốt đẹp. Một trong những ấn tượng sâu sắc còn giữ lại trong ký ức của bác là những lần gặp gỡ với cha tôi cùng các du học sinh Việt tại Nhật. Họ không đông, có chừng hơn mươi người. Bác Nhị cho tôi xem những bức ảnh đen trắng tuy đã ngả vàng nhưng còn rất rõ nét. Tôi cảm động nhận ra vóc dáng thư sinh của cha tôi trong bộ complet mầu trắng ngồi cạnh bác Nhị và các bạn bè. Bác kể: Ông Ngữ thường đến thăm rồi đưa chúng tôi đi tham quan các danh lam thắng cảnh ở Tokyo . Một lần leo lên quả đồi trong công viên Uênô, ông nói đùa với tôi: Nhị trèo lên Núi Nùng.
Nhưng có một chuyện mà đến bây giờ bác Nhị mới nói cho tôi biết, trước đây bác chưa kể với ai bao giờ. Bác lật cuốn album đã sờn gáy chỉ cho tôi xem những tấm ảnh chụp lại những bức tranh mà bác đã vẽ trong thời gian ở Nhật. Bác chỉ vào một tấm chụp một bức tranh sơn dầu rồi nói với tôi: Đây! Chính bức tranh này là bức tranh mà ông Ngữ thích nhất. Bức tranh vẽ một vườn hoa, xa xa phía chiều sâu thấp thoáng một mái nhà gỗ kiến trúc kiểu Nhật. Vì xem qua ảnh đen trắng nên tôi không rõ được mầu sắc của tranh, nhưng hẳn là rất đẹp. Bác Nhị kể tiếp: Ông Ngữ ngỏ ý muốn mua bức tranh để gửi về tặng gia đình ở Huế. Tôi biết tiền học bổng của ông không nhiều nên nói: Nếu ông thích tôi có thể biếu ông. Nhưng ông cứ đòi trả tiền. Tôi nhớ ông đưa tôi 30 yên Nhật, không biết 30 yên ngày đó giá trị là bao nhiêu. Và rồi ông nhờ tôi đem bức tranh đó về Hà Nội trao cho một người bạn bác sỹ để chuyển về cho gia đình ông ở Huế. Bác chỉ tiếp vào những tấm ảnh khác nói: bức này đang nằm ở Hàn Quốc, bức này đang nằm ở Hongkong v.v... còn bức tranh mà cha anh mua thì tôi đem về.
Ngồi nghe bác Nhị kể lại những kỷ niệm xưa, tay lần dở những bức ảnh trong cuốn album cũ tôi có cảm tưởng như cha tôi đang có mặt trong gian phòng này. Tôi muốn bác Nhị kể thật nhiều, thật nhiều nữa về những ngày gặp cha tôi ở Nhật. Tôi gạn hỏi: Bác còn kỷ niệm gì nữa về cha cháu không? Trầm ngâm giây lát bác kể tiếp: Sau một tháng ở Nhật, trưng bầy triển lãm xong, chúng tôi đáp tầu hoả rời Tokyo về Osaka để lên tầu thuỷ về nước. Cha anh cùng các bạn đã ra sân ga và đã hát một bài hát Việt nam để tiễn đưa chúng tôi. Tôi không nhớ bài hát đó là bài hát gì. Chỉ nhớ rằng những người Nhật có mặt trên sân ga đều hết sức ngạc nhiên, còn chúng tôi thì cảm động vô cùng.
Trở về Hà Nội, bác Nhị đã làm đúng lời hứa với cha tôi: trao lại bức tranh trên cho người bác sỹ, bạn của cha tôi, để ông chuyển về Huế cho gia đình tôi. Nhưng gia đình chúng tôi ở Huế đã không bao giờ nhận được bức tranh đó. Bác Nhị kể tiếp: Sau ngày hoà bình lập lại ở Miền Bắc, có lần gặp ông Ngữ tôi có hỏi về chuyện bức tranh. Ông chỉ cười lắc đầu. Bác sỹ Q. người mà cha tôi nhờ chuyển bức tranh về Huế cho gia đình, đã không làm việc đó. Khi đất nước chia cắt 2 miền ông đã di cư vào , từ bỏ nghề bác sỹ, chuyển sang làm chính trị. Ông đã chết không lâu sau ngày giải phóng Miền . Nhưng tôi thật bất ngờ khi nghe bác Nhị kể tiếp: Bức tranh ấy hiện nằm trong Viện Bảo tàng Mỹ thuật. Tôi cũng không biết bằng cách nào mà nó lại có ở đó. Mấy năm trước tôi còn thấy nó được trưng bầy. Chuyện này hôm nay tôi mới nói với anh lần đầu vì nó có liên quan đến cha anh. Tôi muốn nói để anh biết rằng: Bức tranh tôi vẽ ở Nhật, hiện nằm trong Bảo tàng Mỹ thuật đó là bức tranh của cha anh.
Nghe đến đây lòng tôi dấy lên một niềm vui: thì ra bức tranh mà cha tôi yêu thích, muốn gửi về tặng gia đình cách đây 59 năm vẫn còn đó. Một ngày nào đó anh em chúng tôi có thể đến viện Bảo tàng Mỹ thuật để xem như nhớ về một kỷ niệm của cha mình. Bác Nhị trầm ngâm giây lát rồi nói: Tôi chắc ông bác sỹ kia thích bức tranh ấy quá nên đã giữ lại, rồi trước khi đi bán lại cho một ai đó ở Hà Nội. Không biết bức tranh đã qua tay bao nhiêu người trước khi Bảo tàng Mỹ thuật mua được. Bấy lâu nay tôi không công bố chuyện này vì không biết người đã bán cho Bảo tàng Mỹ thuật là ai. Tôi nói với bác: Bác ạ. Cũng chẳng cần biết làm gì. Điều quan trọng là bức tranh đó vẫn còn ở Việt Nam, không bị thất lạc. Thế là mừng rồi. Bác Nhị đồng tình với tôi: Thật vậy, nếu ngày ấy ông Ngữ không mua để gửi về cho gia đình thì có lẽ bây giờ nó đang nằm đâu đó ở nước ngoài.
Tôi nắm chặt tay người hoạ sỹ già đã trò chuyện với tôi trong buổi sáng mùa xuân này để nói với ông trước khi chia tay: Cám ơn bác đã kể cho cháu nghe một chuyện thật cảm động về cha cháu, về tình cảm của cha cháu đối với gia đình trong những ngày sống xa quê hương. Thì ra trong con người suốt đời say mê khoa học như cha cháu còn có một trái tim hết sức nhậy cảm trước cái đẹp. Bác Nhị gật đầu nói: Những nhà khoa học lớn đều có một trái tim như vậy. Bác tiễn tôi ra tận cửa. Ở tuổi 89 ông vẫn minh mẫn, hoạt bát lạ thường. Cha tôi nếu còn sống cũng bằng tuổi bác bây giờ, nhưng ông đã ra đi khi chưa đến tuổi 60 trong một trận bom B52 của Mỹ ở chiến trường Trị Thiên- Huế năm 1967. Ông không bao giờ biết được đoạn kết của câu chuyện có liên quan đến bức tranh mà mình yêu thích. Cả mẹ tôi nữa, cũng không bao giờ được nhìn thấy món quà tặng của chồng mình. Bà đã qua đời trên chiến khu Việt Bắc năm 1954. Dầu sao bức tranh vẫn còn đó như một kỷ niệm về cha tôi. Nó đang được lưu giữ như một tài sản chung cho tất cả mọi người.
Hà Nội, tháng 2 năm 2002
Đ.N.M
(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • BẠCH DIỆP

    "Có lẽ đau khổ lại tốt cho con người. Nhà nghệ sĩ có thể làm gì nếu anh ta hạnh phúc? Anh ta liệu có muốn làm bất cứ điều gì không? Nghệ thuật, rốt cuộc chính là chống lại sự khắc nghiệt của cuộc đời".

  • ĐINH CƯỜNG

    Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh

     

  • PHAN THANH BÌNH

    Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, từ Âu châu đến Á châu đã ghi nhận nhiều hoàng đế từng cầm bút vẽ, nặn tượng và không ít bảo tàng mỹ thuật ở các quốc gia có lưu giữ những tác phẩm mỹ thuật mà tác giả là những vị vua danh tiếng.

  • KHẢ HÂN

    Là một trong những họa sĩ chủ soái của trường phái Ấn tượng nổi tiếng với phong cách làm việc ngoài trời một cách nhất quán, Monet đã để lại rất nhiều bức vẽ đầy ấn tượng về băng, tuyết và sương giá.

  • LINH PHƯƠNG

    Một lần nữa có thể thấy rằng, mỹ thuật Huế trong dòng chảy của mình, không ồn ào mà lại âm thầm trong việc theo đuổi những tiếng gọi nghệ thuật thuộc nhiều kiểu dạng ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau để có được hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất.

  • PHƯỢNG LÂM

    Họa sĩ Léopold Franckowiak, đến nay ông đã có bảy năm sống ở Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam là nơi gợi cảm hứng sáng tác mạnh mẽ nhất với ông trong thời điểm này.

  • TRẦN DUY MINH

    Trong hội họa, mùa thu là mùa quyến rũ với các họa sĩ, bởi mùa thu là mùa của thi tính, của cái đẹp và cũng là mùa của nỗi buồn. Mùa thu là mùa của sự úa tàn, của những phôi pha, của những gì kết thúc nhưng đó cũng là thời điểm để khởi đầu cho một hành trình mới của sự vật.

  • LÝ HỮU NGUYÊN

    Nguyễn Trọng Khôi là họa sĩ song hành cả hiện thực và trừu tượng.

  • VŨ LINH

    Từ khởi thủy của nghệ thuật tạo hình, động vật đã là một đề tài được lựa chọn. Những hình vẽ sơ khai nhất được tìm thấy trong các hang động, những hình thù khắc trên đá, trên xương động vật, trên các dụng cụ bằng đồng...

  • TRẦN DIỄM THY

    Trong nghệ thuật tạo hình trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hình tượng trẻ con luôn được xem như là một nguồn mạch của sáng tạo nghệ thuật.

  • LÊ TRIỀU HẢI

    Nếu như nghệ thuật hiện đại có những cách thức đi ngược chiều với quan niệm nghệ thuật là sự mô phỏng của Plato và Aristotle, thì ngày nay, trào lưu nghệ thuật cực thực lại hướng tới mô phỏng ngoại giới một cách tinh vi, nếu không muốn nói là đẩy tới cực đoan nhất có thể trong việc mô phỏng vật thể.

  • NGUYỄN THỊ HÒA

    Huế những năm đầu thế kỷ XX, Nhà nước phong kiến triều Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có chính sách văn hóa hướng tới nhiều khía cạnh của đời sống xã hội như văn chương nghệ thuật, giáo dục, giao lưu, tiếp xúc văn hóa, bảo tồn di sản… nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa nghệ thuật của cộng đồng, với sự xuất hiện trào lưu học thuật tân tiến của châu Âu, mỹ thuật được giao lưu biểu hiện qua các hoạt động và sáng tác nghệ thuật.

  • ĐẶNG TRIỆU VĂN

    Như tên gọi của nó, trào lưu tối giản trong nghệ thuật hướng tới tiết chế mọi yếu tố cấu nên tác phẩm nghệ thuật.

  • NGUYỄN HOÀNG VY

    Từ khi Phân tâm học của Freud ra đời, người ta mới có thể lý giải được phần nào nguyên do xui khiến người nghệ sĩ lao vào sáng tạo nghệ thuật, có một sức mạnh to lớn từ vô thức khiến người nghệ sĩ mộng mơ, đó là sức mạnh bất khả từ chối.

  • VŨ LINH

    Với hội họa Việt Nam, sơn mài là chất liệu không xa lạ. Những tên tuổi lớn từng thành công trên chất liệu sơn mài phải kể đến như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Đỗ Cung, Phan Kế An, Nguyễn Tư Nghiêm...

  • TRÚC LÂM

    Trong văn hóa nhân loại, lợn như là một biểu tượng phổ quát. Lợn được xem là tổ phụ sáng lập một trong bốn đẳng cấp trong xã hội Meslanesie. Nữ thần trời và mẹ vĩnh cửu của các tinh tú ở Ai Cập cổ đại lại thường được tạo hình trên các bùa đeo với những họa tiết của lợn nái đang cho đàn con bú.

  • VŨ PHƯƠNG

    Trong dòng nghệ thuật biểu ý, dựa trên ngôn ngữ biểu hiện ở Huế, thì Trương Thế Linh nổi lên như một hiện tượng tiêu biểu.

  • KHẢ HÂN

    Francesco Clemente sinh năm 1952, ở Naples, Italy. Ông xuất hiện vào thời điểm khi mà Thế chiến II vẫn còn là một ký ức dai dẳng khắc sâu thành những vết nứt trong tâm thức sáng tạo của cộng đồng nghệ sĩ ở dải đất ven vùng biển Địa Trung Hải này.

  • TRẦN PHƯƠNG ĐÔNG

    Lê Kinh Tài là một trong những nghệ sĩ đương đại rất thành công ở Việt Nam hiện nay. Sự thành công được minh chứng không chỉ ở số lượng tác phẩm lớn, những tìm tòi nghệ thuật không mệt mỏi mà cả ở giá tranh của ông trên thị trường quốc tế.