PHAN QUANG
Hồi ký
Vua Hàm Nghi ghé làng tôi. Vua nghỉ lại ở nhà tôi. Điều đó xảy ra một trăm năm về trước. Và nhà ấy là nhà của ông nội tôi.
Ảnh: internet
Thế nhưng tôi vẫn giữ câu đạo ngữ(1) "giật gân" ấy để mở đầu bài viết về một mẩu ký ức, nó là niềm tự hào của tuổi thơ và cũng là một nỗi canh cánh vẫn cộm lên nơi lòng tôi trong gần suốt cuộc đời sống xa quê hương.
Cha tôi có ngôi nhà nhỏ trên bờ sông Nhùng, ở vào khoảng nửa chặng đường dài chừng mươi ki lô mét trên con đường thiên lý từ thị xã Quảng Trị cũ vào lỵ sở phủ Hải Lăng (thôn Diên Sanh, nay thuộc xã Hải Thọ, huyện Triệu Hải).
Cha tôi thường kể: vườn mình xưa kia rộng lắm: nó trải từ bờ sông ra đến gần sát đường quan, cách đường có một dải ruộng rộc. Vì cảnh nhà sa sút, khoảnh vườn phải chia bốn xẻ ba, còn lại có thế này.
Cha lại kể: nhà mình xưa kia giàu lắm. Những ngày nắng mới, bà nội xếp bạc nén ra nong phơi, trắng lòa cả sân.
Cả đời tôi cho đến bây giờ chưa từng trông thấy nén bạc bao giờ, cho nên hồi ấy tôi càng không chút băn khoăn: tại sao bạc lại phải đem phơi. Tuổi ấu thơ mường tượng nén bạc chắc hẳn như phong bánh khảo để dành, gặp trời nồm phải đưa ra hong cho khỏi mốc.
Vì sao nhà mình nghèo đi? Tôi hỏi.
Cha thì thầm: Vì vua đến rồi vua đi. Bất kỳ nhà ai, hễ vua ghé rồi vua ra đi thì nhà đó sẽ sa sút.
Vua nào vậy? Trẻ thơ bao giờ cũng tò mò.
Cha ghé sát vào tai tôi; tiếng thì thầm càng nhỏ hơn:
- Đức Hàm Nghi.
Hai tiếng Hàm Nghi đâu có ý nghĩa gì nhiều đối với chú bé là tôi. Nhưng do thái độ trang trọng bí ẩn của cha, mặc dù còn rất nhỏ, tôi vẫn nhớ kỹ tên đức vua ấy cho đến ngày lớn khôn.
Những chi tiết khác chung quanh việc vua ghé nhà hấp dẫn tôi hơn. Nào là cả bức vườn rất rộng - một vườn cau - nằm đầy lính tráng. Nào là hai thớt tượng, không đưa được vào trong vườn, phải để ngoài đường cái, chỗ gần quán mụ Thập Giụ bây giờ. (Tên một người đàn bà góa mở quán nước cạnh đường quan).
- Đức vua đi hia, đội mũ dát ngọc và mặc áo thêu rồng chứ?
Cha tôi lắc đầu:
- Nào có ai được phép ngó mặt vua!
Cha tôi sinh năm 1880. Lúc vua Hàm Nghi bỏ kinh thành Huế ra Quảng Bình (tháng 5 năm Ất Dậu 1885 - theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim) cha tôi đã lên sáu, chắc hẳn đã đủ trí khôn để ghi vào ký ức nhiều điều nghe thấy lúc bấy giờ.
Cha tôi còn kể: Trong làng có một số người yêu nước lần ấy theo vua Hàm Nghi ra đi kháng chiến và không bao giờ trở về.
Cha ông lý Bản là một. Nhà ông lý cách nhà tôi có một lối đi, nối đường quan đến bờ sông, nó là cái ngõ dùng chung cho mấy gia đình trong xóm.
Tôi có được mấy lần theo cha sang ăn kỵ bên nhà hàng xóm. Cha tôi nói nhỏ với tôi trước khi đi: "Hôm nay không đúng là ngày kỵ thật đâu. Không ai biết "ổong" mất ngày nào. Con cháu chỉ lấy ngày ông bỏ làng cùng với vua ra đi để làm ngày giỗ, coi như ngày ông mất vậy thôi".
Lớn lên đi học, khi đã biết vua Hàm Nghi là ai, tôi hỏi cha tôi: Tại sao vua Hàm Nghi ghé nhà mình?
- Tại ông nội làm quan trong triều.
Và cha tôi bắc ghế, mở lấy hòm sắc treo tận đòn tay bên trên bàn thờ xuống cho tôi xem: Trong hòm sắc sơn son trang trí hình rồng ấp mây thếp vàng, có nhiều tờ sắc bằng giấy gió khổ rộng in nền hoa văn vàng nhạt. Chữ nho viết chân phương. Tôi không đọc được nhiều nhưng cũng phân biệt được các niên hiệu: nhiều hơn cả là các sắc phong thời Tự Đức, cũng có tờ niên hiệu Thành Thái. Màu giấy, màu mực nho và son khuôn ấn những sắc này mới hơn những tờ kia.
Cha tôi giảng giải: ông nội đỗ cử nhân, là người khoa bảng đầu tiên trong làng, có làm tri huyện huyện nhà (thời trước Hải Lăng là một huyện thuộc phủ Triệu Phong, đến thời Pháp mới nâng thành phủ). Sau vào Huế làm quan, có lúc tới chức Chưởng ấn. Nổi tiếng về tính cương trực. Ba lần bị giáng chức vì tội can vua, có lần bị đầy đi làm "lính sơn phòng" ở miền núi. Ba lần được phục chức, về kinh. Cha tôi được hàm ấm sinh cũng nhờ thừa hưởng chút lộc đó.
Những chi tiết trên đây chưa hẳn đã hoàn toàn chính xác. Vì ông nội tôi mất khi cha tôi - con út - còn ít tuổi. Gia đình khánh kiệt, cha tôi không được học hành nhiều như các bác tôi. Những điều nói trên chắc là nghe các bác kể lại (Ông tôi có hai vợ, một bà ở quê, một bà ở Huế. Có chín con: năm trai, bốn gái. Một người con gái là thân mẫu có trung tướng Cao Văn Khánh, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam).
Xã Hải Thượng quê tôi có truyền thống cách mạng và kháng chiến. Thời chống Pháp, cả làng tản cư. Mặc dù địch đóng bốt cầu Nhùng, các thôn vẫn có cơ sở đảng và chính quyền. Một trong những đường dây an toàn của cán bộ từ căn cứ vùng biển Triệu Phong - Hải Lăng lên chiến khu là đường đi qua thôn Thượng Xá. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hải Thượng là một trong mấy xã sớm được tuyên dương anh hùng ở khu Trị Thiên, và là quê của anh hùng vũ trang giải phóng Phan Thanh Chung, của chiến sĩ đấu tranh chính trị Phan Thị Cam...
Những ngày sống ở miền Bắc, tôi hằng nhớ về làng quê với biết bao trìu mến và tự hào. Chuyện vua Hàm Nghi ghé nhà là một chi tiết xúc động. Tìm đọc sử liệu, thấy Trần Trọng Kim có viết: "...Xa giá đến Trường Thi vào nghỉ được một lát, thì Tôn Thất Thuyết lại giục lên đường, nói rằng quân Pháp đã sắp đuổi tới. Tối ngày 23 (tháng 5 năm Ất Dậu), xa giá vào nghỉ nhà một người bá hộ, sáng ngày 24 ra đi, đến tối mới tới thành Quảng Trị. Quan tuần phủ Trương Quang Đản ra rước xa giá vào Hành cung và đặt quân lính để phòng giữ".
Tôi hằng phân vân: "Người bá hộ" ấy phải chăng là ông nội mình? Nhưng nhà tôi chỉ cách Hành cung ở Quảng Trị có năm cây số, làm sao đi cả một ngày, "đến tối mới tới nơi"?
***
... Bình Trị Thiên là dải đất đầy biến động và đổi thay sâu sắc khoảng hơn một trăm năm lại đây. Hồi nhỏ, tôi thích cuốn Tuy Lý Vương của Trần Thanh Mại kể về những biến cố trong triều, từ sự kiện pháo hạm Pháp nả đại bác vào Đà Nẵng cho đến cảnh "bốn tháng ba vua" đầy bi thảm.
Vì sao cuốn ký sự lịch sử ấy lại lấy tên một hoàng tử mang tước vương làm tựa đề? Trong lời tựa, Trần Thanh Mại phân trần (tôi nhớ đại ý): Vì cuộc đời, Tuy Lý (80 tuổi) trùng hợp với những biến động sâu sắc ở kinh đô. Nói về con người ấy chỉ là để viết về những sự kiện gói trong khoảng thời gian một đời người.
Tôi nghĩ: cuộc đời những nông dân ở những vùng như quê tôi hẳn còn chứng kiến nhiều sự kiện có tầm cỡ trọng đại hơn. Hồi ở lứa tuổi còn nhiều mộng tưởng về sự nghiệp văn chương, mỗi lần nghe kể về quê hương chiến đấu, về những con người bình thường mình từng quen biết thời tấm bé nay đang làm nên những chuyện phi thường, tôi vẫn nghĩ: giá có ai đó viết một bộ tiểu thuyết về cuộc đời của một nông dân như đời cha tôi chẳng hạn (cụ mất cuối năm 1974, thọ 95 tuổi), về một làng như làng tôi hoặc bao nhiêu làng khác ở dải đất miền Trung này, ắt sẽ có thể tạo nên một bức tranh hoành tráng, không gian không rộng lắm mà mang chiều sâu cả thế kỷ.
Tập I của bộ tiểu thuyết ấy sẽ mở đầu với cảnh xa giá một ông vua lánh giặc ghé nhà, nhốn nháo ngựa xe; trai làng theo vua ra đi; và kết thúc với những chương dội vang tiếng trống tổng khởi nghĩa. Tập II sẽ viết về cuộc kháng chiến chống Pháp của dân làng. Tập III, tập IV là Tết Mậu Thân, là đấu tranh chính trị, là thành cổ anh hùng, với những trường đoạn "mùa hè đò lửa", "đại lộ kinh hoàng" của lính ngụy... Dân làng trong lò lửa ấy. Những con cháu, bên nội, bên ngoại của những người như cha tôi chẳng hạn, có người chỉ huy quân giải phóng có người là chiến sĩ dân quân, có người tham gia các tiểu đoàn "Trâu điên", "Hổ xám" của Thiệu... (Sự thật là một trận bão lửa, một tiểu đoàn trưởng ngụy khét tiếng hung dữ, con trai một người chị họ của tôi, cùng với thiết giáp, cơ giới hùng hùng, hổ hổ hành quân "tái chiếm thành cổ"; đi ngang qua làng, viên tiểu đoàn trưởng ấy đã tạt vào bức vườn bị cày xới, xục các hầm tránh pháo, vừa đi vừa gọi: "Ôông ơi, ôông ơi, có ôông ở đây không? Cháu đây, cháu tìm ôông đây!... Ôông lên đi với cháu...")
Tập tiếp nữa sẽ viết về cảnh những người dân Hải Thượng từ miền Bắc, từ chiến khu, từ Sài Gòn, từ Tây Nguyên trở về, gặp nhau ngỡ ngàng vừa lạ vừa quen, có thương có giận, tụ hội ở con đường cái, nơi từng có cái quán nước của "mụ Thập Giụ", mà đâu đây đã từng buộc đôi voi của vua Hàm Nghi gần trăm năm về trước... (Ôi đáng yêu thay những mộng ước văn chương, càng đáng yêu vì nó sẽ không bao giờ là hiện thực).
Dù sao, việc những trai làng tôi theo vua Hàm Nghi ra đi là sự kiện có thật. Ngày giải phóng, tôi không gặp cha tôi để hỏi thêm về ông vua xuất bôn. (Cụ đã chờ con gần ba mươi năm và gần đến đích thì như một thân cây kiệt nhựa, không còn rán được nữa, cụ khô dần). Nhưng tôi đã gặp một người cháu, anh Lê Bân, con bà chị ruột, tốt nghiệp khoa sử Viện đại học Huế. Lê Bân cũng có biết chuyện vua Hàm Nghi ghé nhà: "Ôông ngoại kể, khi ôông mon men lên nhà trên, định nhìn trộm mặt vua thì bị lính canh cầm roi đuổi xuống dưới nhà..."
Vua Hàm Nghi ghé làng tôi!
Tôi dùng cái đầu đề "kích động" ấy đăng lên Sông Hương là còn muốn khơi gợi những người viết văn, những nhà làm sử Bình Trị Thiên quan tâm một chi tiết nghĩ cũng hay hay...
Huế, 1987
P.Q.
(SH37/05&06-89)
-------------
(1) Đạo ngữ: thuật ngữ báo chí, chỉ cách tóm gọn nội dung bài viết lên câu mở đầu.
Sau khi hoàn tất bản thảo tập thơ Độc Hành thì nhà thơ Hải Bằng cũng “độc hành” về chốn vĩnh hằng vào ngày 7 tháng 7 năm 1998.
CÁT LÂM
Bình đẳng giới, nữ quyền, những vấn đề tưởng như mới mẻ ở nước ta nhưng thực chất vấn đề này đã được luận bàn từ những năm đầu của thế kỷ XX.
NGUYỄN QUANG HÀ
Ghi chép
Trước, và ngay cả khi vừa giải phóng, vào lúc gần tối, nếu có một người khách nào đón đường gọi xe thồ, xe xích lô xin về làng Thế Lại, thì sẽ bị chủ xe lắc đầu ngay. Bởi chủ xe sợ một điều này: có đi mà không có về. Hoặc ít nhất là cũng về hai tay trắng.
NGUYỄN QUANG HÀ
Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Quảng Điền ở mãi dưới sâu, phải mượn địa bàn của xã Phong Sơn huyện Phong Điền làm chiến khu.
NGUYỄN QUANG HÀ
Ngoảnh đi ngoảnh lại, vừa mới đó, vậy mà đã 100 số Sông Hương trình làng.
PHẠM HỮU THU
Ghi chép
Ngót nửa thế kỷ trôi qua, từ những chàng trai, cô gái giờ họ đã là những ông, những bà.
NGUYỄN QUANG HÀ
Hồi ký
NGUYỄN QUANG HÀ
Năm 1947 có hai chiến sĩ được cử về công tác tại chiến khu Ba Lòng. Đó là Trần Quốc Tiến, quê Quảng Trị và Hải Bằng, quê Thừa Thiên.
BẠCH DIỆP
Bút ký
Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ hàng. Khi bọn trẻ cùng lứa đánh khăng tập trận, chạy băng vườn cải mụ Tép, vượt rào bứt dưa hấu nhà ông Phường, phá nát ụ rơm cậu Dưỡng, thì tôi vẫn ngồi yên nghe ngoại kể chuyện. Chỉ có trò họp chợ, chơi mua bán với các dì mới rứt tôi ra khỏi ngoại.
NGUYỄN QUANG HÀ
Hồi ký
Mùa mưa 1968 là mùa mưa nghiệt ngã nhất. Sau trận càn lớn chưa từng có lên miền tây Thừa Thiên, địch tiếp tục phong tỏa miền núi bằng biệt kích.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Ghi chép
Từ mùa xuân năm ấy đến nay vừa tròn 30 năm, chẳng phải vì con số tròn ba thập kỷ mà tôi nhắc lại chuyện cũ. Chỉ vì từ mùa xuân năm ấy, cuộc đời tôi có một bước ngoặt mới và nhờ có mùa xuân năm ấy, cuốn sách đầu tay của tôi đã ra đời.
HỒ THANH THOAN
Đã gần 34 năm nay chúng ta không còn nghe đến tên Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên nữa, chuyện đã trở về dĩ vãng của một thời vàng son.
CHÂU PHÙ
Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1881 - 1968) sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Huế, tinh thông Nho học và chữ Pháp. Cụ cùng Ưng Bình Thúc Giạ Thị thành lập Hương Bình thi xã và giữ vai trò phó soái của thi xã này.
LỆ HẰNG
Bút ký dự thi
"Bánh lọc em ơi! Bánh mới hấp xong, nóng hổi luôn nì, lấy giùm chị ít chục hí?”
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Mấy năm trước, trong dịp cùng lên thăm vườn An Hiên của bà Nguyễn Đình Chi, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã giới thiệu cho tôi biết cụ Sa Giang Đào Thái Hanh (thân phụ của bà Nguyễn Đình Chi, tức bà Đào Thị Xuân Yến) có tập thơ "Ái Châu danh thắng" (trong "Mộng Châu thi tập") được các danh nho đương thời đánh giá rất cao.
NGUYỄN QUANG HÀ
Bút ký
BẠCH DIỆP
Bút ký dự thi
Tôi uống chậm, từng ngụm nhỏ.
VIỆT HÙNG
Ký
Tuổi hai mươi tràn trề hoài bão lớn và tuổi hai mươi... Ở thời đại nào cũng được coi là lứa tuổi hồn nhiên trong sáng, ấp ủ bầu nhiệt huyết, khát khao làm được cái gì có ích cho đời.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Ghi chép
Trời bỗng nhiên mưa, những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa rét đậm. Với tôi, hình như mưa bao giờ cũng là cánh cửa mở cho những vũ khúc hoài niệm ùa về.
LỆ HẰNG
Bút ký dự thi
“Thấu Huế rồi.”