Vua cờ

16:16 04/09/2008
A THÀNH L.T.S: "Vua cờ" (Kỳ vương) được đăng lần đầu trên tạp chí "Thượng hải văn học" năm 1984. Vừa xuất hiện, "Vua cờ" đã chấn động văn đàn, liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng "Trung thiên tiểu thuyết ưu tú" ở cấp tỉnh và trung ương ở Trung Quốc. Tác giả A Thành tên thật là Chung A Thành sinh năm 1949 ở Tứ Xuyên. Đây là tác phẩm đầu tay của ông. Do khuôn khổ tờ báo, chúng tôi không thể in trọn tác phẩm nổi tiếng này khoảng gần 100 trang sách. Dưới đây là chương IV, chương cuối cùng của "Vua cờ".

Tóm tắt những chương đầu như sau:
"Vương Nhất Sinh là con nhà nghèo, mê đánh cờ tướng từ nhỏ, do một lần phải cùng mẹ kiếm tiền nuôi sống gia đình bằng công việc đóng sách, hướng dẫn đánh cờ cho nhà in. Sau đó tình cờ anh làm bạn với một ông già thu gom rác và trở thành đồ đệ của ông già cao thủ cờ này. Sinh càng ngày càng nổi tiếng về cờ, đánh rất giỏi cả "cờ mù", không cần bàn cờ, quân cờ gì cả, lại có thể một mình đánh với cả 2, 3 người, cả đám đông... Trong "Cách mạng văn hóa", ông vua cờ Vương Nhất Sinh này phải đi lao động cải tạo ở một nông trường miền núi xa. Tại đây, anh đã có một cuộc đấu có một không hai, một phong thái kỳ lạ chưa từng có trên đời... Vương Nhất Sinh có một bộ cờ không chữ (vô tự kỳ) luôn mang theo bên mình. Đó là bộ cờ do người mẹ khốn khổ của anh để lại cho anh lúc lìa đời, bộ cờ mà bà mẹ nghèo đã nhặt nhạnh, thu gom từ bàn chải đánh răng của người ta vất đi, đẽo gọt, mài dũa lại, bóng loáng nhưng vì không biết chữ, bà đã không thể khắc vào..."
Quý bạn đọc sẽ tự mình rút ra cái khoảnh khắc thăng hoa của một linh hồn bình dị, ý nghĩa huyền diệu của triết học và độ trầm tích văn hóa của Trung Hoa...
TCSH.
...
Sáng hôm sau chúng tôi tỉnh dậy, người bị bám đầy đất, lấy nước gột qua, rồi hẹn chàng họa sĩ đi ăn ngoài phố. Chàng họa sĩ đang tìm cách từ chối thì Cước Noãn đến, dáng vẻ rất vui mừng. Vương Nhất Sinh nói với nó:
- Tớ không tham gia thi đấu nữa đâu.
Mọi người ngẩn ra, Cước Noãn hỏi:
- Làm sao lại không tham gia? Trên tỉnh có mấy người về thị sát nữa.
Vương Nhất Sinh nói:
- Không tham gia là không tham gia.
Tôi nói lại ý của Vương Nhất Sinh, Cước Noãn than thở:
- Ông bí thư là người có văn hóa, rất thích những thứ đó. Cờ mặc dù là của gia truyền, nhưng quả thực tớ không chịu nổi cái khổ ở nông trường này, tớ chỉ muốn có một nơi sạch sẽ để sống, không phải chịu cái bẩn thỉu của mỗi ngày nữa. Cờ không thể thay cơm, dùng nó để mở một số quan hệ mới có giá trị. Nhà tớ cũng không phải thật khởi sắc, nhưng sẽ không trách mắng tớ.
Chàng họa sĩ vòng hai tay trước ngực nhìn trời rồi nói:
- Nghê Bân(1), không thể trách cậu được. Cậu không có yêu cầu gì cao. Tớ hai năm nay, cũng thường ngớ ngẩn, sống quá cụ thể, quá rõ ràng. May mà tớ còn biết vẽ. Cái gì có thể giải buồn? Chỉ có... ầy..!
Vương Nhất Sinh rất ngạc nhiên nhìn chàng họa sĩ, từ từ quay mặt nói với Cước Noãn:
- Nghê Bân, cảm ơn cậu. Lần này sau khi chọn ra cao thủ, tớ đăng môn thi đấu với họ, tớ không tham gia cuộc thi lần này nữa.
Cước Noãn bỗng nhiên rất vui mừng, vỗ tay nói:
- Như thế thì, thì, tớ sẽ đi với bí thư, tổ chức một cuộc đấu hữu nghị. Nếu cậu giành được quán quân lần này, chắc chắn là quán quân thực sự. Còn thua thì cũng không ảnh hưởng đến danh tiếng.
Vương Nhất Sinh trầm ngâm một lúc, nói:
- Cậu đừng nói gì với ông bí thư đó nữa, tớ sẽ tìm họ đấu tài. Nếu không sẽ đấu với ba người đầu bảng.
Chúng tôi cũng không biết nên nói thêm điều gì, liền đi xem thi đấu các môn, cũng rất vui vẻ. Vương Nhất Sinh chỉ chui vào chỗ đánh cờ, xem các trận hay. Ngày thứ ba chọn ra được ba người đầu bảng. Sau đó là phát phần thưởng và biểu diễn văn nghệ, cả hội trường ồn ào náo nhiệt, không nghe được ai giành được giải gì.
Cước Noãn để chúng tôi đứng đợi ở hội trường, một lát sau dẫn hai người đến, đều mặc áo vận động viên. Cước Noãn giới thiệu, thì ra là hai người giành được giải hai và giải ba về cờ tướng. Cước Noãn nói:
- Vị này là Vương Nhất Sinh nước cờ rất cừ, rất muốn chơi với hai vị cao thủ một ván, đây là cơ hội để mọi người học hỏi lẫn nhau.
Hai người đó nhìn Vương Nhất Sinh rồi hỏi:
- Thế sao lại không tham gia thi đấu, chúng tôi ở đây đã quá lâu rồi, cần phải về ngay.
Vương Nhất Sinh nói:
- Tôi sẽ không làm mất thời gian của các vị, nên đấu với cả hai một lúc.
Họ nhìn nhau, bỗng nhiên ngộ ra, hỏi:
- Cờ mù?
Vương Nhất Sinh gật đầu. Hai người đó lập tức thay đổi thái độ, cười và nói:
- Chúng tôi chưa chơi qua cờ mù.
Vương Nhất Sinh nói:
- Không sao, các anh nhìn bàn cờ mà đánh. Nào, chúng ta tìm một nơi để đánh.
Không biết sao mà tin tức lọt ra, người của các huyện ở trong hội trường đều nói là có một chàng trai của một nông trường không tham gia thi đấu, không phục, yêu cầu thi cùng một lúc với á quân và tam quân, hàng trăm người vây quanh chúng tôi chen chúc để xem, chúng tôi cảm thấy rằng phải có trách nhiệm, liền đứng bên cạnh Vương Nhất Sinh. Vương Nhất Sinh cúi đầu nói với hai người đó.
- Đi đi, đi đi, chói mắt quá.
Có một người bỗng chen vào nói:
- Ai cần đấu cờ? Là anh phải không? Cụ của chúng tôi lần này là quán quân, nghe nói anh không phục tài, cho tôi đến mời anh.
Vương Nhất Sinh chậm rãi nói:
- Không cần, cụ muốn đấu thì đến đây, tôi đấu cùng một lúc với ba người.
Mọi người xôn xao, ùn ùn kéo về kỳ trường. Trên phố, hàng trăm người tụ lại thành nhóm. Người đi đường trông thấy liền hỏi có chuyện gì xẩy ra, đánh nhau à? Đến khi hiểu ra liền đi theo. Đi được nửa đường, có đến hàng ngàn người tụ tập. Những người khách và người bán hàng cũng đứng dậy xem. Xe khách đường dài chạy đến đây cũng bị tắc lại, hành khách đều thò đầu ra cửa xem, chỉ trông thấy đầu người chen nhau nhấp nhô, bụi bay vù trời. Một thằng khùng nằm ngay giữa phố, ê a hát, có người kéo nó ra bên đường, thằng khùng dựa vào tường hát tiếp. Bốn năm con chó chạy qua chạy lại, tưởng người ta dẫn đi săn sói, sủa oăng oẳng.
Đến kỳ trường, có đến hàng ngàn người vây quanh. Biểu ngữ của kỳ trường đã bị kéo xuống từ lâu. Có một người đi ra trông thấy nhiều người đến thế tái mặt đi. Cước Noãn chạy đến chào ông ta, ông ta nhìn đám đông gật đầu liên tục, một lúc sau mới biết là mượn hội trường thi đấu. Vội vàng mở cửa nói:
- Được, được.
Thấy đám đông đều muốn vào xem vội mở cửa nhanh hơn. Mấy người chúng tôi lập tức chạy đến gác cổng cho Cước Noãn, Vương Nhất Sinh và hai người được giải vào. Lúc đó một người đi lại nói với chúng tôi:
- Cao thủ một lúc muốn đấu với ba người, thêm tôi, chắc không ngại, thêm tôi nữa.
- Thêm tôi nữa...
Người xem lại ồn ào, lại có người đòi tham gia nữa. Tôi không biết làm sao, đành phải đi vào hỏi Vương Nhất Sinh. Vương Nhất Sinh cắn môi rồi nói:
- Hai ông thấy thế nào?
Hai người đó vội vàng nói đồng ý. Tôi ra cửa đếm, kể cả quán quân, đối thủ tất cả là mười người. Cước Noãn nói:
- Số mười không may mắn, chín thì được.
Quán quân không thấy đến, có người đến báo rằng, đã là cờ mù thì ông ta không cần đến, chỉ lệnh cho người truyền nước cờ. Vương Nhất Sinh suy nghĩ một lúc rồi nói, thế cũng được. Chín người ở trong hội trường. Một bàn cờ ngoài tường không đủ dùng, thế là có người tìm đến 9 tờ giấy trắng, vẽ trước từng ô. Lại có người dùng giấy trắng cắt mấy trăm con cờ vuông dùng màu đen và đỏ để viết.
Người mỗi lúc một đông, người đến sau cố gắng chen lên trước, chen không nổi liền bám người khác nghe ngóng, tưởng là cáo thị giết người. Các bà mẹ ôm con cũng vây thành một nhóm. Cũng có nhiều người để xe đạp sát nhau, đứng lên yên xe vươn cổ xem, người xem chen chúc nhau kéo nhau cùng ngã cả chùm, kêu thét lên. Bọn trẻ con chui ra chui vào, bị người lớn đẩy ra. Hàng ngàn người hò hét cả phố ồn ào như sấm.
Vương Nhất Sinh ngồi vào chiếc ghế giữa hội trường, tay đặt lên đùi, đôi mắt nhìn mơ hồ, đầu và mặt dính đầy đất, giống như tử tù mà người xem đang suy đoán. Tôi bật cười rồi đi lại phủi đất cho nó. Nó nắm chặt tay tôi, tôi cảm nhận được rằng nó hơi run, Vương Nhất Sinh nói nhỏ:
- To chuyện rồi. Các cậu xem, hễ có động tĩnh cùng nhau chạy trốn.
Tôi nói:
- Không sao, chỉ cần cậu thắng, mọi việc trở nên đơn giản. Dũng cảm lên! Thế nào? Có chắc chắn không? Chín người thì ba người đứng đầu đã ở đây rồi.
Vương Nhất Sinh trầm ngâm một chút nói:
- Sợ giang hồ chứ không sợ Triều đình. Tớ đã xem qua nước cờ của những người tham gia thi đấu đợt này, nhưng không biết sáu người còn lại có tỏ ra là oan gia hay không. Túi sách cậu cầm lấy, bất kể chuyện gì, cũng không được làm mất. Trong túi sách này có...
Vương Nhất Sinh nhìn tôi:
-... Cờ không chữ của mẹ tớ để lại.
Khuôn mặt gầy ốm của nó vừa khô vừa bẩn, sống mũi cũng đen sì, tóc dựng đứng lên, hai mắt đen đến mức khiếp sợ. Tôi biết nó liều rồi, trong lòng tôi đau nhói, chỉ nói "Bảo trọng" rồi đi ra. Một mình nó ngồi trống vắng giữa hội trường, không nhìn ai, lạnh lùng như thép.
Cuộc đấu cờ bắt đầu. Hàng ngàn người đều im lặng. Chỉ có người tự nguyện phục vụ lúc vội vàng lúc khoan thai dùng lời nói để truyền nước cờ, phía ngoài người tự nguyện phục vụ di chuyển con cờ. Gió thổi mạnh làm cho tám tờ giấy kêu phần phật, con cờ lay qua lay về, người ở mấy chục hàng trước ngồi xuống, ngước đầu xem, người phía sau cũng vươn vai ngẩng đầu xem, sau đó không có ai động tĩnh gì nữa, dường như đang bị những nước cờ hút mất hồn. Trong lòng tôi bỗng dấy lên một cảm giác kỳ lạ. Những cuốn sách đã đọc nay có xưa có, như đang lần lượt hiện lên. Đến những người bình sinh tôi bội phục như Hạng Vũ, Lưu Bang đều đang ngẩn ra, đến cả những cái xác đen đủi của sĩ tốt cũng đứng dậy, di động. Một người tiều phu vác búa hát nghêu ngao. Lại bỗng nhiên mơ hồ cảm thấy mẹ của Vương Nhất Sinh dùng hai bàn tay yếu ớt đính từng trang sách.
Tôi bất giác thò tay vào túi sách của Vương Nhất Sinh, lôi cái túi nhỏ bằng vải, mở ra xem. Đó là một túi nhỏ màu xanh đã cũ, phía ngoài thêu hình con giơi đường chỉ rất tinh tế, tôi lấy một con cờ ra xem thì quả thực rất nhỏ, dưới ánh nắng mặt trời trông nó trong suốt như đôi mắt. Tôi nắm chặt trong tay.
Mặt trời đã khuất núi, nên mát mẻ hơn. Mọi người vẫn đang xem, nhưng lại bắt đầu bàn tán. Phía trong truyền ra nước cờ của Vương Nhất Sinh, người bên trong bỗng ồn ào lên. Có mấy người chuyên đi xe để truyền nước cờ cho quán quân đang ở nhà, người xem không nể nang gì, cười rộ lên.
Tôi lại bước vào, nhìn thấy dáng vẻ vui mừng của Cước Noãn, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn, hỏi:
- Thế nào rồi, tớ không hiểu cờ.
Cước Noãn gãi đầu nói:
- Hay lắm! hay lắm! Thế trận này tớ chưa thấy bao giờ, cậu thử nghĩ xem, chín người tập trung đấu với một mình nó. "Chín cuộc xoay tròn, trận chiến bánh xa quay"(2). Tớ phải viết thư cho bố tớ nhờ ông ấy gửi cho nó quyển sách đánh cờ.
Lúc đó hai người từ bên bàn cờ của mình đứng bật dậy, cúi đầu lạy Vương Nhất Sinh nói:
- Xin chịu thua(3)
Xoa tay đi ra. Vương Nhất Sinh gật đầu, liếc qua vị trí của họ. Tư thế của Vương Nhất Sinh không thay đổi, vẫn là hai tay ôm đầu gối, mắt nhìn ngang dường như nhìn vào nơi nào đó rất xa, lại dường như nhìn chằm chằm vào một nơi nào đó rất gần, đôi vai gầy gò khoác chiếc áo rộng thùng thình, đất vẫn phủi chưa sạch, chỗ này một đám, chỗ kia một đám. Yết hầu lâu lâu mới nhúc nhích một chút. Tôi lần đầu tiên thừa nhận cờ tướng cũng là thể thao và giống như chạy maratông, còn gấp đôi chạy maratông. Tôi hồi còn ở trường, có tham gia chạy đường dài, sau khi chạy tám trăm mét, quả thật rất mệt, nhưng qua một độ nhất định, thì giống như không chạy theo sự điều khiển của mình nữa mà giống như máy bay không người lái. Nhưng chơi cờ tướng thì từ đầu đến cuối luôn ở trong trạng thái minh mẫn, vây bắt đối thủ, dồn đến chỗ bí không thể sơ hở một chút. Tôi bỗng lo lắng cho sức khoẻ của Vương Nhất Sinh. Mấy hôm nay, chúng tôi vì tiền bạc eo hẹp, không dám ăn, tối về lại ngủ muộn, ai ngờ có tình huống này xảy ra. Trông thấy Vương Nhất Sinh bình tĩnh ngồi đằng kia, tôi lo lắng thay cho nó, chắc nguy mất! Chúng tôi lên núi vác gỗ, hai người một cây, bất kể là đường bằng hay đường rừng, khe hay suối cũng phải cắn răng chịu đựng, chết đến nơi cũng không được thả tay. Nếu một trong hai người chịu đựng không nổi ngã xuống bản thân bị thương đã đành mà người kia cũng bị gỗ đè phun máu. Nhưng mà lần này một mình Vương Nhất Sinh phải qua đèo lội suối, chúng tôi không giúp gì được. Tôi mang ít nước nguội, nhẹ nhàng tiến gần, nó giật mình, mắt sắc như lưỡi dao, nhìn một lúc sau mới nhận ra tôi. Tôi mỉm cười, chỉ vào bát nước, nó giơ tay lấy bát nước thì có người báo nước cờ. Nó giơ cao bát nước, hồi báo nước cờ của mình rồi từ từ kề bát nước sát miệng. Lúc đó người khác lại báo nước cờ, nó kề miệng vào bát nước, hồi báo nước cờ, rồi mới nuốt "ực" một tiếng, to đến mức đáng sợ, trong mắt có ngấn lệ. Nó đưa bát, mắt nhìn tôi chằm chằm, dường như muốn nói một điều gì đó. Nước bọt chảy xuống khoé miệng làm trôi đất bám từ hàm đến cổ, hình thành một cái rãnh. Tôi lại bê nước đến cho nó, nó giơ tay ra hiệu bảo tôi hãy trở về đi.
Tôi đi ra, trời đã tối. Có những người dân ở trên núi đang đốt bó đuốc bằng cành thông, có người thì dùng đèn pin, sáng cả dãy, có lẽ là các cơ quan trong khu này hết giờ làm việc, người càng đông hơn, chó cũng ngồi trong đám người xem, nhìn người ta đang di chuyển nước cờ không biết có hiểu gì không, thấy ánh mắt buồn buồn, giống như đang lo lắng. Mấy thanh niên trí thức của mấy đội khác, đều bị người ta bao quanh hỏi dò. Một chốc lại nói: "Vương Nhất Sinh", "kỳ ngốc" (4), "Chàng thanh niên trí thức", "Cờ là cờ của Đạo gia" cứ nói qua nói lại trong đám những người xem. Tôi hơi lẩm cẩm, vốn định chạy đến nói chen vào, nhưng tôi đã kịp nén lại, thôi tùy họ bàn tán vậy, tôi mừng khấp khởi: chỉ còn lại ba cuộc cờ.
Bỗng nhiên vang lên tiếng la hét. Tôi quay đầu xem, thì ra chỉ còn lại ván cuối cùng, vừa đúng là ván với quán quân. Trên bàn cờ chỉ còn lại mấy quân cờ. Con cờ đen của Vương Nhất Sinh xa xa gần gần đứng vững trong ô cờ của đối phương. Phía sau con "tướng" đang đứng sừng sững, con "sĩ" kề bên, giống như đế vương đang nói chuyện với vệ sĩ, đợi đoàn quân đắc thắng hồi triều, lại giống như có người đang đứng lặng lẽ hầu rượu, đốt cây nến đỏ lên, có người thong thả nắn phím đàn đợi có người quỳ xuống báo tin thắng trận, chuông trống cùng vang lên. Bụng tôi cũng sôi réo, chân mỏi nhừ, liền tìm một chỗ ngồi xuống, ngẩng đầu nhìn cuộc săn cuối cùng, lo sợ có điều gì bất trắc.
Con đỏ lâu rồi không lay động, người xem không còn nhẫn nại được nữa, nhao nhao xem người truyền nước cờ đã đến chưa, tiếng chuông kính coong vang lên. Bỗng nhiên người xem nháo nhác cả lên, vội vàng tránh đường. Chỉ thấy một ông già, da đầu nhẵn bóng, có người dìu, từ từ đi đến, miệng lẩm bẩm. Cụ nhìn thật kỹ vào tám trang giấy ghi tám thế cờ tàn. Người xem kháo nhau rằng, đây là quán quân của khu lần này, là hậu duệ của một đạo sĩ, lần này xuống núi chơi cờ, không nghĩ đến chuyện đoạt giải. Cụ già bình luận về cuộc đấu cờ lần này cụ chỉ than thở là kỳ đạo đã suy. Cụ nhẹ nhàng vén áo lên, phủi bụi, ngẩng đầu, nhờ người dìu vào nơi đấu cờ. Người xem chen lấn nhau, tôi vội vàng bước vào cửa, đi theo cụ già. Chỉ thấy cụ đi tới cửa, đứng lặng rồi đi vào.
Vương Nhất Sinh ngồi cô đơn chính giữa căn phòng, giương mắt nhìn chúng tôi, hai tay đặt trên đầu gối, sừng sững như cây cột sắt, tựa hồ không nghe, tựa hồ không thấy gì hết. Ngọn đèn trên cao chiếu xuống khuôn mặt nó, đôi mắt sâu thẳm đen nhánh như cúi nhìn thế giới bao la, mênh mông vũ trụ.
Mọi người lặng im, không một tiếng động. Bên ngoài đã báo tin từ lâu, trước mắt lại là một linh hồn gầy đen đang ngồi tĩnh lặng. Đám đông nín thở.
Hồi lâu, cụ già ho lên một tiếng, âm hưởng rất vang, dội khắp kỳ trường. Vương Nhất Sinh bỗng thu tầm mắt, phát hiện ra đám đông, khẽ cựa mình nhưng không nhúc nhích nổi. Cụ già đẩy người dìu mình ra, lê chân về trước mấy bước rồi đứng im, hai bàn tay úp vào nhau để trước ngực xoa xoa, nói một cách rành rọt:
- Hậu sinh, già này sức yếu không thể tự mình đi vào trận đấu, mới nhờ người báo nước cờ, thật không phải. Cháu mới ngần ấy tuổi đã đạt đến chốn cao diệu của đạo cờ, dung hợp được đạo gia với thiền học, thần cơ diệu toán, mới ra quân đã có thế, ra quân sau mà chế thắng được đối thủ, khí quán âm dương, nho tướng xưa nay cũng chỉ như thế thôi. Già này may mắn được thử sức với con, quả là vinh hạnh, đạo cờ của Trung Hoa tương lai sẽ không bị mai một, già xin được cùng con kết bạn vong niên, ván cờ này của lão đánh được đến đây; coi như là trận giao hữu; không biết con có bằng lòng cho lão thủ hòa gọi là giữ cho lão chút thể diện?
Vương Nhất Sinh lại cựa mình nhưng không thể nhúc nhích được. Tôi và Cước Noãn vội vàng chạy đến xốc nách dìu nó đứng dậy. Đôi chân nó vẫn giữ tư thế ngồi, không duỗi ra được, lơ lửng giữa khoảng không. Tôi cũng cảm thấy tay mình bủn rủn, liền ra hiệu cho Cước Noãn đặt Vương Nhất Sinh ngồi xuống, rồi véo vào hai chân nó. Mọi người chen vào, cụ già lắc đầu than thở. Cước Noãn lấy tay phải dồn hết sức véo vào người, vào mặt, vào cổ Vương Nhất Sinh. Một lúc sau người nó mềm ra, tựa vào tay chúng tôi, yết hầu nhúc nhích, từ từ mở miệng ra, mấp máy, nói không ra tiếng, hồi lâu mới ầm ừ thốt ra:
- Hòa vậy...
Cụ già cảm động nói:
- Đêm nay hay là con nghỉ ở nhà với già này? Dưỡng sức vài hôm, rồi chúng ta bàn về cờ?
Vương Nhất Sinh lắc đầu, nhẹ nhàng nói: "Không đâu, cháu còn có bạn, cùng lên đây, thôi để tụi cháu nghỉ với nhau. Nào tụi mình về cung văn hóa, ở đó còn có người bạn nữa". Chàng họa sĩ lẫn trong đám người xem hét to lên:
- Về thôi, về chỗ tớ, tớ đã chuẩn bị bữa ăn rồi, tất cả cùng đi nào. Quả thật không đơn giản chút nào.
Người xem từ từ đưa chúng tôi đi ra, một vòng đuốc chiếu sáng rực. Dân vùng núi và người ở khu vực này lớp lớp vây quanh, chăm chăm nhìn phong thái của Kỳ Vương, gật đầu thán phục.
Tôi dìu Vương Nhất Sinh đi từ từ, ánh đuốc, ánh đèn chiếu mãi theo chúng tôi. Hồi còn nhỏ tôi đã từng xem qua bức tranh: "Dạ tuần" của họa sĩ Rembơrăng người Hà Lan, giờ cảm giác như đúng cái cảnh này.
Bước vào cung văn hóa đến phòng chàng họa sĩ, mặc dù đã có người khuyên người xem di tản bớt nhưng ngoài cửa sổ vẫn đứng đầy người, chàng họa sĩ hoảng hốt phải lấy một số bức tranh cất đi.
Người xem dần dần về hết, Vương Nhất Sinh còn có cảm giác tê mỏi. Tôi bỗng nhớ ra trong tay trái của mình còn cầm con cờ đó, liền ngả tay cho Vương Nhất Sinh xem. Vương Nhất Sinh ngẩn ngơ nhìn như không nhận ra, nhưng cổ họng bỗng "hộc" lên một tiếng, nhổ ra một chút đờm, nước mắt trào ra, rồi khóc òa lên:  "Mẹ, con trai hôm nay... mẹ..." chúng tôi xót xa, quét dọn nền nhà, bê nước uống đến, an ủi nó. Vương Nhất Sinh đã khóc được nên dần dần hồi tỉnh lại, rồi cùng ăn cơm với chúng tôi. Chàng họa sĩ say mềm nên cũng chẳng để ý đến chúng tôi, một mình ngả lưng xuống giường gỗ ngủ lăn. Người thọ điện dẫn chúng tôi, Cước Noãn cùng đến sân khấu hội trường ngủ.
Trời tối đen, xòe tay không thấy ngón. Vương Nhất Sinh đã ngủ say như chết. Tôi dường như vẫn nghe thấy tiếng hò reo bên tai, trước mắt như thấy những bó đuốc sáng rực, người dân núi vai vác gỗ đi trong rừng, hát í ới. Tôi mỉm cười, nghĩ: không trải qua cuộc sống dân dã thì làm sao biết được những thú vị này? Gia phá nhân vong, ngày ngày vác cuốc, cuộc sống lại thực sự là ở đó, quen rồi lại cảm thấy là hạnh là phúc. Từ khi có loài người, ý thức ăn mặc vẫn là cái gốc, thế là ngày nào cũng lao lực vì nó. Nhưng bị trói chặt trong đó thì không còn giống người nữa. Dần dần cảm thấy mệt mỏi, rồi kéo phông sân khấu đắp, ngủ thiếp đi.
(Tuyển từ "Kỳ Vương" nhà xuất bản Tác gia - 1985)
NGUYỄN THỊ BÍCH HẢI – VÕ THỊ MAI HOA dịch
(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)

----------------------------
(1) Một tên khác của Cước Noãn, tên thật.
(2) Nguyên văn: "Cửu cục liên hoàn, xa luân đại chiến"
(3) Nguyên văn: " Cam bái hạ phong"
(4) "Kỳ ngốc": nghĩa là người say cờ

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • SORBON (Tajikistan)Sorbon sinh năm 1940 tại làng Amondar  trong một gia đình nông dân  thuộc  tập đoàn sản  xuất nông nghiệp. Năm 1963 ông tốt nghiệp Đại học Lenin của Tajikistan với bằng tiến sĩ ngôn ngữ học. Các tác phẩm của Sorbon xuất hiện lần đầu vào năm 1965. Tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của ông “Không phải tất cả đã được nói ra” xuất bản năm 1969. Nhiều truyện ngắn của ông mau chóng được thu thập lại, trong đó có truyện “Ngày đầu tiên đến trường” nói về một phụ nữ Tajikistan  trong Thế chiến thứ Hai, “Sự phòng thủ của đá” và “Người du mục” nói về sự thiết lập chính quyền Xô Viết tại ngôi làng ven sông Zeravshan, và “Áo khoác đồ sộ” nói về một cậu bé bị mất cha trong chiến tranh. Sorbon là nhà văn có tiếng tăm lớn của nền văn xuôi Tajikistan ở thập niên bảy mươi. Truyện ngắn “Người đánh bẫy chim” được viết năm 1974.

  • MISHIMA YUKIO (Nhật Bản)Nhà văn Nhật Bản Mishima Yukio (1925 - 1970) bắt đầu in các tác phẩm của mình từ những năm 20 tuổi. Ông được tặng nhiều giải thưởng văn học và ba lần được đề cử vào giải Nobel văn chương.

  • PAUXTÔPXKIChúng ta yêu mến thứ ánh sáng bảo hiểm của những ngọn hải đăng nhưng ít khi nhìn thẳng vào nó. Thường chỉ có những người bảo vệ và các tay lái tàu dán mắt vào hải đăng để kiểm tra bí mật độ loé sáng của nó. Bởi vì tất cả hải đăng trên biển đều nháy và nhấp nhánh khác nhau, theo những tín hiệu đó, người ta có thể biết được hải đăng nào và con tàu đang ở đâu.

  • SLAWOMIR MROZEK (Ba Lan)(Lê Bá Thự dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan)

  • ALPHONSE DAUDETSự kiện phản ánh trong truyện xảy ra năm 1871, thời kỳ chiến tranh Pháp - Phổ, khi quân đội Phổ (Đức) đã chiếm đóng và sáp nhập hai tỉnh Alsace và Lorraine của Pháp vào lãnh thổ Đức.

  • DOMINIQUE DE VILLEPINTác giả Dominique de Villepin, sinh năm 1953, đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, là người phát ngôn cho chính sách hòa bình đối lập với đường lối chiến tranh Bush-Blair trong vụ tập kích Irak đầu năm 2003. Nơi đầu sóng ngọn gió của bang giao quốc tế, ông đã đồng thời cho xuất bản một khảo luận về Thơ, Ngợi ca những Người Cướp Lửa, tượng trưng cho Người Làm Thơ, qua hình ảnh mượn của Arthur Rimbaud, lấy từ huyền thoại Prométhée.

  • MARK TWAINTwain, Mark, (Samuel Langhorne Clemens), nhà văn Mỹ, (1835-1910). Sinh tại Florida, bang Missouri. Là con thứ tư trong một gia đình thương nhân nghèo. Chưa đầy 12 tuổi, Clemens đã phải thôi học để học nghề sắp chữ in, rồi làm đủ nghề. Năm 1853, bị thôi thúc bởi ý muốn tìm hiểu thế giới, lên đường đi nhiều nơi, làm thợ in công nhật ở St. Louis, New York và Philadelphia. Đến sông Mississipi, hành trình dự kiến đi Brazil bị đình lại vì Clemens lại mơ ước trở thành hoa tiêu trên sông.

  • HARUKI MURAKAMI (Nhật Bản)Chàng và nàng đang đi trên một con đường. Dọc bãi tha ma. Lúc nửa đêm. Sương mờ vây phủ. Họ tuyệt nhiên không định đi ở nơi chốn này vào lúc này. Nhưng vì các nguyên do khác nhau họ đã buộc phải đi. Họ bước vội vàng, nắm chặt tay nhau.

  • GRAHAM GREENE (Anh)Có tám người đàn ông Nhật đang ăn bữa tối ở nhà hàng cá nổi tiếng Bentley's. Họ chỉ trao đổi với nhau dăm ba câu bằng thứ tiếng mẹ đẻ khó hiểu của họ, nhưng luôn có nụ cười nhã nhặn và thường mỗi câu lại kèm một cử chỉ cúi đầu lịch thiệp. Tất cả tám người, trừ có một, đều đeo kính. Thỉnh thoảng cô gái xinh đẹp ngồi phía cửa sổ lại đưa một cái nhìn lướt qua họ, nhưng xem ra chuyện của cô ta quá quan trọng, khiến cô ta không thể thực sự chú ý tới bất kỳ ai trên đời ngoài chính mình và người ngồi cùng bàn.

  • VICTORIA CHIE (ÚC)Cảm giác xấu hổ như kẻ đang làm điều mờ ám, Anne Peterson đặt bút run run ghi tên mình vào phần trống trong bản tự giới thiệu của văn phòng môi giới hôn nhân. Chẳng lẽ lại đến nông nổi này sao? 49 tuổi, trông còn rất trẻ, duyên dáng, đầy sức sống, thành đạt, vật chất đầy đủ, đã ly dị, thế mà phải nhờ môi giới kiếm cho một tấm chồng. Mà anh ta là ai, cũng là một kẻ nào đấy tìm đến đây với những dòng tự giới thiệu cứng nhắc. Thôi, đành vậy chứ biết sao, chỉ vì quá yêu con gái Cindy mà Anne đã phải chịu đựng nỗi trống trải cô đơn ròng rã suốt bao năm trời.

  • NGÔ KIM LƯƠNG (Trung Quốc)"Nếu còn gặp người, nhất định phải nói", Trần Tĩnh đang nghĩ, ngước mắt lên nhìn ánh đèn vàng vọt trong ngõ nhỏ. Đêm khuya rồi, khắp nơi là hình ảnh kỳ quái của một màn đêm đen kịt. "Ai cha! Chiếc xe đạp xui xẻo này!" - Cô đẩy chiếc xe, không biết phải nói thế nào.Sau lưng vang lên một hồi chuông xe đạp, Trần Tĩnh "ai cha" một tiếng, chàng trai cưỡi xe đạp đã lướt vèo qua rồi.

  • S.MROZEKCó một lần tôi đi du lịch.Vì không có tàu trực tiếp đến nơi tôi cần tới nên tôi phải xuống một ga dọc đường để chuyển sang tàu khác.Hôm đó là một buổi tối. Mãi sáng hôm sau con tàu tiếp theo tôi sẽ phải đi mới đến.Tôi rời nhà ga, vào thị trấn để kiếm nơi ở trọ.

  • JOYCE BEGG (Úc)Bà Firbank trở thành hàng xóm của chúng tôi đã lâu, dễ đến sáu bảy năm nay, nhưng thật sự trong chúng tôi chẳng ai dám khẳng định mình biết rõ về người đàn bà này. Xung quanh bà ta lúc nào cũng bao phủ một bầu không khí bí hiểm, ma quái, ngay cả toà dinh thự cổ của bà ta cũng gợi cho người ta cái vẻ rờn rợn, lạnh lẽo giống như nơi trú ẩn của những linh hồn cõi âm.

  • KRISHNAN VARMAKrishnan Varma sinh ở Kerala, Ấn Độ. Ông viết bằng hai thứ tiếng Anh và Malayalam. Trong nhiều tác phẩm của mình, ông chia sẻ sự quan sát đối với cuộc sống của lớp người cùng khổ trên đất nước ông.

  • ARTURO VIVANTELời giới thiệu: Nhà văn Arturo Vivante sinh năm 1923 ở Rome, tốt nghiệp cử nhân đại học McGill, Canada, 1945, tốt nghiệp y khoa đại học Rome, 1949. Ông hành nghề bác sĩ toàn khoa, đồng thời sinh hoạt và nghiên cứu về văn chương ở một số trường đại học Mỹ. Vivante là nhà văn rất nổi tiếng với các truyện cực ngắn và các giai thoại.

  • KÔNXTANTIN PAUXTÔPXKI Mùa Thu. Những hạt sương mai tháng Chín lạnh giá, mọng nước rơi tung tóe từ những tán lá trên cao xuống và bắn cả vào người tôi. Sương từ các nhành cây nhỏ giọt xuống mặt nước sông đen thẫm, tạo thành những vòng tròn và chậm rãi lan ra xung quanh.

  • LTS: Mario Bendetti sinh tại Paso de los Toros (Tacuarembó ) ngày 14 tháng 9 năm 1920. Ông theo học tại trường tiểu học tiếng Đức ở Montevideo và trường trung học Miranda, đã từng làm nhiều nghề như nhân viên bán hàng, tốc kí, kế toán, viên chức nhà nước và phóng viên. Từ năm 1938 đến 1941 ông sống chủ yếu ở Buenos Aires . Năm 1945, khi trở về Montevideo, ông viết bài cho tuần báo nổi tiếng Marcha, qua đó trở thành phóng viên bên cạnh Carlos Quijano và rồi trở thành một thành viên trong ê-kíp của ông này cho tới tận năm 1974 khi tuần báo ngừng xuất bản.Năm 1973, vì lí do chính trị, ông phải rời bỏ tổ quốc,bắt đầu cuộc sống lưu vong kéo dài mười hai năm ở những quốc gia: Ác-hen-ti- na và Tây Ban Nha. Quãng thời gian này đã để lại những dấu ấn vô cùng sâu sắc trong cuộc đời ông cũng như trong văn nghiệp.

  • YUKIO MISHIMA (Nhật Bản)YUKIO MISHIMA tên thật là HIRAOKA KIMITAKE (1925-1970). Sinh tại Tokyo.Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Tokyo . Nhà văn, kịch tác gia, đạo diễn sân khấu và điện ảnh, diễn viên.Năm 16 tuổi đã xuất bản truyện vừa lãng mạn Khu rừng nở hoa. Tiểu thuyết Lời thú tội của chiếc mặt nạ ra năm 1949 đã khẳng định tên tuổi của nhà văn trẻ tài năng và trở thành tác phẩm được đánh giá là kinh điển của nền văn học Nhật Bản.

  • KOMASHU SAKIO (Nhật Bản)Sinh 28/1/1931 tại Osaka (Nhật Bản). Nhà văn chuyên viết truyện khoa học giả tưởng nổi tiếng của Nhật Bản.Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kyoto , chuyên ngành Văn học Italia.Từ năm 1957 là phóng viên Đài Phát thanh Osaka và viết cho một số các báo. Năm 1961 chiến thắng trong cuộc thi truyện ngắn giả tưởng xuất sắc do tạp chí "SF Magasines" tổ chức.Tác phẩm của Komatsu đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.

  • S. MROZEK (Ba Lan)Có lần tôi bắt gặp một con chó ác bụng đang rượt đuổi một con mèo. Bởi tôi là người yêu động vật nên tôi bèn vớ ngay một cục đá to sụ quẳng vào con chó khiến nó ngã lăn quay, nằm đứ đừ một hồi lâu. Chú mèo nhỏ không nhà, con vật bé xíu nom mệt phờ râu. Không chút do dự - tôi cho nó nương nhờ. Đây quả là một con mèo đẹp mã, lông mịn màng, mắt long lanh. Tôi đem nhốt nó vào trong nhà, đoạn bỏ đi chơi bời trác táng.