VĂN GIÁ
(Đọc Vũ điệu không vần - Tứ khúc và những tiểu luận khác của Khế Iêm, NXB Văn học, 2011)
Ảnh: internet
Lâu nay tôi là người trân trọng mọi cách tân nghệ thuật, với điều kiện những cách tân đó phải mang tính cách trí thức: có học, chân thành, mang tính đối thoại và vì sự tiến bộ. Bản chất của sáng tạo là cách tân. Sáng tạo, theo nghĩa không phải là sáng tác (mỗi khi sáng tác, vị tất đã có sáng tạo), mà cần được hiểu là nỗ lực vượt thoát khỏi mô hình cũ đã đông cứng, đóng băng nhằm thiết tạo mô hình mới, khác trước. Trên tinh thần ấy, tôi thật sự rất mừng khi đọc cuốn sách nói trên của nhà thơ Khế Iêm, một người mà chúng tôi mỗi khi nhắc đến ông đều nói vui với nhau rằng đó là “Ông - Tân - Hình - Thức”. Khi đọc vào công trình này, tuy không hẳn dễ đọc, nhưng đọc xong, có thể nói, cuốn sách khiến tôi nghĩ ngợi nhiều. Tôi tin là bất cứ ai thực sự quan tâm đến việc đổi mới thơ ca, hẳn cũng sẽ phải bận tâm bận trí cùng với những điều mà tác giả đề cập đến.
Có thể nói, với toàn bộ tập tiểu luận này, Khế Iêm đã tập trung thiết lập, kiến tạo, tường giải, truyền bá nồng nhiệt về một thể thơ mà ông gọi là Tân Hình Thức (dĩ nhiên ông mượn danh tính này từ Mỹ với một ghi chú cần thiết). Nếu ai theo dõi trên các diễn đàn văn học, nhất là trên mạng, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Khế Iêm đã lên tiếng thuyết trình về loại thơ này, và vẫn liên tục, bền bỉ từ đó đến giờ. Không chỉ thuyết trình, ông còn sáng tác, dịch thuật, kêu gọi những cây bút thơ đồng điệu cùng sáng tác và công bố các tác phẩm thơ Tân Hình Thức(1). Một hoạt động tổng thể, đồng bộ. Từ lý thuyết đến thực hành, từ đơn lẻ đến tập hợp nhóm, từ ngoài nước đến trong nước, từ cộng đồng Việt đến cộng đồng nói tiếng Anh. Biên độ hoạt động của Khế Iêm là đáng nể. Lòng đam mê, sự nhiệt thành của ông khiến ông mang dáng dấp như một nhà truyền giáo - truyền giáo nghệ thuật, cụ thể là truyền giáo thơ Tân Hình Thức.
Lần theo đường dây lập luận và diễn giải của Khế Iêm, có thể hình dung ở cấp độ khái quát nhất về thơ Tân Hình Thức với những điểm cơ bản dưới đây:
1. Tác giả đã thiết lập một kiểu thơ được định danh là Tân Hình thức. Nó được kiến tạo bởi 4 điểm cơ bản nhất thuộc về thi pháp: vắt dòng, kỹ thuật lặp lại, tính truyện và ngôn ngữ đời thường (tr.256)(2).
2. Theo đó, thể thơ Tân Hình Thức vẫn đặc biệt coi trọng nhịp điệu của ngôn từ (yếu tố được xem là thuộc tính của thơ), nhưng là nhịp điệu của ngôn ngữ đời thường, là ngữ điệu tự nhiên của cách nói thông thường (tr.107); một thể thơ để đọc chứ không để ngâm/ru/hát. Vì thế, thể thơ này chủ trương không vần, quyết liệt từ chối vần.
3. Thể thơ Tân Hình Thức tái lập mô hình các thể thơ truyền thống nhưng chỉ thể hiện ở số chữ/ âm tiết trên mỗi dòng thơ như thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, hoặc 6/8. Tuy nhiên nó cũng có một biến thể nhỏ: nếu sắp các dòng thơ đủ và đều đặn số âm tiết từ đầu đến cuối như quy ước thì dòng cuối cùng của bài thơ sẽ xảy ra hai khả năng - hoặc vừa đủ số âm tiết như đã định, hoặc bị thiếu âm tiết; trong trường hợp dòng kết bị thiếu âm tiết cũng không ảnh hưởng đến toàn bài.
4. Như vậy, tác giả Khế Iêm đã công khai chủ trương tiếp nhận từ hai nguồn: thơ Mỹ và thơ Việt. Nguồn thứ nhất, xuất phát từ thơ Tân Hình Thức Mỹ bằng tiếng Anh. Nguồn thứ hai, xuất phát từ thơ Việt cả truyền thống lẫn hiện đại. Hay nói cách khác, trên cơ sở làm chủ những tri thức ngôn ngữ và thơ ca chắc chắn, Khế Iêm đã phát hiện có sự tương đồng giữa nhịp điệu/ sự vận động của nhịp điệu trong thơ tiếng Anh và tiếng Việt. Cho nên, ông đã đề xuất một hướng thơ tổng hợp, hòa phối, kết tinh từ hai nguồn này. Ông cũng thống nhất cho rằng thơ không có nhịp điệu nghĩa là phá hủy bản chất thơ, sẽ thành văn xuôi, hoặc bị văn xuôi hóa (khác với thơ văn xuôi)(3). Có điều, mỗi một thể thơ sẽ kiến tạo một thứ nhịp điệu khác; và với thơ Tân Hình Thức, cũng có một kiểu kiến tạo nhịp điệu riêng theo cách của nó.
5. Một câu hỏi nữa có thể đặt ra từ phía người đọc: 4 điểm nêu trên thuộc về thi pháp của thơ Tân Hình Thức cũng đã được thơ truyền thống tiếng Anh, tiếng Việt sử dụng cả rồi; vậy thì đâu là chỗ mới của loại thơ này? Câu trả lời là ở chỗ: thơ bao giờ cũng thuộc về văn cảnh văn hóa cụ thể của mỗi thời đại cụ thể. Cùng là vắt dòng, lặp lại, tính truyện và ngôn ngữ đời thường, nhưng xưa khác, nay khác. Vả lại, mỗi kỹ thuật nói trên trước đây nằm riêng lẻ, rời rạc ở mỗi thể thơ khác nhau (trong mỗi nhà thơ khác nhau thuộc mỗi nền thơ khác nhau), nay cùng một lúc, tổng lực, hòa phối trong một thể thơ duy nhất mang tên Tân Hình Thức. Nhờ vậy, trên thực tế, thơ Tân Hình Thức không đoạn tuyệt với các thể thơ truyền thống, mà vẫn sử dụng vóc dáng của thể thơ truyền thống, và vẫn phát huy được tất cả tiềm năng ngôn ngữ tiếng Việt. Những thi phẩm có chất lượng nghệ thuật sẽ giải quyết được sự hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, tính dân tộc và quốc tế.
Như vậy, nhìn lại, có thể thấy rằng, để có được một chủ trương về Thơ Tân Hình Thức như Khế Iêm đã làm, tác giả của nó đã có một quá trình nghiên cứu rất cơ bản về hai nền thơ tiếng Anh và tiếng Việt trên nhiều cấp độ: lịch sử thơ, tác giả thơ, tác phẩm thơ, các vấn đề có tính lý thuyết thuộc bản thể thơ, văn hóa và liên văn hóa. Nếu không có nghiên cứu kỹ lưỡng, không thể thiết lập được mô hình mới với điều kiện tiên quyết là khác trước, và với một niềm tin là sẽ đóng góp vào việc làm giầu cho nghệ thuật dân tộc như vậy.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: triển vọng của thơ Tân Hình Thức Việt sẽ như thế nào? Riêng điểm này, tôi không dám đoan quyết điều gì cả. Mà ngay cả bản thân Khế Iêm, theo tôi cảm nhận, dường như cũng không hẳn đã sắt đá trong niềm tin chắc thắng. Mà thắng để làm gì? Trong nghệ thuật, có lẽ không nên đặt ra chuyện thắng thua. Điều quan trọng là tạo ra được một lối đi, một triển vọng trong những lối đi và triển vọng khác. Điều này phù hợp với tinh thần hậu hiện đại. Được sinh ra trong trào lưu hậu hiện đại, Thơ Tân Hình Thức Việt do Khế Iêm khởi xướng cũng đã công khai chối từ và tránh xa thái độ độc tôn, duy nhất, không để mình rơi vào cái bẫy của những “trung tâm”, “đại tự sự” như tinh thần hậu hiện đại chủ trương. Một lý thuyết thành công là một lý thuyết được bảo hiểm bởi các thực hành nghệ thuật. Riêng tôi, khi đọc thơ Tân Hình Thức Việt, thỉnh thoảng bắt gặp một số bài cũng thấy thú vị, vâng, rất thú vị. Nó đem đến một cảm giác thật khác khi đọc thơ thông thường. Nó đòi hỏi người đọc phải đọc theo cái cách bao quát của thị giác, nó khiến ta ngừng nghỉ không theo chỗ hết của dòng thơ mà là chỗ hết của một ý thơ (hoặc một phần mảnh chữ tương hợp với ý), nó bắt ta khi đọc xong phải lần trở lại từ đầu để tái tạo câu chuyện mà bài thơ đề cập; trong khi đó, nó vẫn có cái hình thể toàn bài theo thơ truyền thống… Nó đồng nghĩa với LẠ MÀ QUEN. Không có gì mâu thuẫn ở chỗ này. Lạ thì rõ rồi, nhưng quen vì kiểu thơ này vẫn nằm trong địa hạt thơ chủ về nghĩa, chứ không chủ về chữ như một số tìm kiếm khác(4). Tuy nhiên vẫn phải thừa nhận rằng, kể từ khi được Khế Iêm khởi xướng cho đến nay chừng 20 năm, thơ Tân Hình Thức đã thực sự có những cộng hưởng nhất định. Tôi chia sẻ với điều mà ông đã từng tâm sự (trong một tiểu luận viết năm 2010): “Nhắc lại - 10 năm, thơ Tân Hình thức Việt đã có những thành quả đáng chú ý. Thật ra, không có thể thơ nào dở, chỉ có sự thực hành chưa tới (…). Chúng tôi tin rằng, chừng nào còn những nhà thơ có nhu cầu thay đổi và giao tiếp với thế giới bên ngoài, tìm kiếm người đọc từ các nền văn hóa và ngôn ngữ khác, thì thể thơ Không Vần sẽ còn là phương tiện hiệu quả và cần thiết” (tr.272).
Tân Hình Thức Việt là một loại thơ đặc biệt chú trọng tới phương diện kỹ thuật làm thơ. Nếu ai muốn đi theo con đường này, dứt khoát phải học. Ở các thể thơ khác như đang thấy, có chút năng khiếu là có thể tập tọng làm được ít nhiều; nhưng với thơ Tân Hình Thức, chỉ có năng khiếu không thôi là bó tay. Cho nên, thơ Tân Hình Thức kén chọn người làm, cũng như nó kén chọn người đọc vậy.
Khế Iêm trước hết là một nhà thơ. Nhưng những gì được thể hiện qua các công trình nghiên cứu về thơ, đã xác nhận thêm tư cách nhà lý luận về thơ ở ông.
Tôi muốn nói thêm, một người sống xa quê, lại mang thân phận di cư, suốt mấy chục năm ròng cứ trăn trở, miệt mài với việc cách tân thơ Việt, mang một hoài bão mong sao thơ Việt khiến các nền văn hóa khác trên thế giới thừa nhận và đón đợi, đó phải là người yêu văn hóa Việt, yêu thơ Việt và tiếng mẹ đẻ đến nhường nào.
Hà Nội ngày 10.3.2012
V.G
(SH280/6-12)
...................................................
(1) Có thể nhận thấy Khế Iêm đã bắt đầu thể nghiệm thơ Tân Hình Thức từ tập thơ “Dấu quê” (Văn Mới, 1996). Riêng phần tiểu luận về thơ Tân Hình thức, ông đã công bố trong tập “Tân Hình thức - Tứ khúc và những tiểu luận khác” (Văn Mới, 2003). Cũng chính từ tập này, ông đã bổ sung, phát triển thành tập tiểu luận “Vũ điệu không vần - Tứ khúc và những tiểu luận khác”, Nxb Văn học, 2011. Năm 2010, ông đã biên soạn và công bố ở trong nước tập “Thơ kể- Tuyển tập thơ Tân hình thức”, ấn bản song ngữ (nhiều tác giả), Nxb Lao động.
(2) Các trích dẫn được in nghiêng và đánh số trang trong bài đều được trích từ công trình kể trên của tác giả Khế Iêm.
(3) Trong một bức thư của ông Khế Iêm gửi cho tôi, nhân việc hay tin GS. Hoàng Ngọc Hiến qua đời, nhớ lại lần gặp GS. Hoàng Ngọc Hiến ở Mỹ, ông viết: “Tôi còn nhớ anh (Hoàng Ngọc Hiến - VG) nói: “Thơ khó nhất là tạo ra được tiết tấu, mà các anh gọi là nhịp điệu”. Tôi vẫn nhớ tới bây giờ, và lúc đó, tôi nghĩ, chỉ một câu đơn giản thế thôi là biết anh hiểu thơ hơn ai hết”.
(4) Trong những tìm kiếm cách tân thơ Việt mấy chục năm qua, có một chủ trương được khởi lên từ nhà thơ Trần Dần, và cùng với ông là một số nhà thơ khác, họ đã tiến hành sáng tạo một loại thơ chủ về chữ: “thơ dòng chữ” (Trần Dần), “bóng chữ” (Lê Đạt), “thi pháp âm bồi” (Dương Tường). Loại thơ này muốn đối lập với loại thơ chủ về nghĩa, bị các ông coi là thứ thơ theo kiểu truyền thống “Thi dĩ ngôn chí”. Trần Dần đã từng tuyên bố: “Làm thơ là làm tiếng Việt” (dẫn theo Hoàng Hưng, “Ngoảnh lại 15 năm…- Nhìn lại “cái khác lạ” trong thơ Việt Nam sau “đổi mới”).
Hường Thanh - Thiền Đăng - Nguyễn Thói Đời - Biển Bắc - Nguyễn Lãm Thắng - Đinh Thị Như Thúy - Nguyễn Văn Vũ - Xuân Thủy - Cao Quảng Văn - Đỗ Thư - Phan Như - Hồ Đăng Thanh Ngọc
HẠ NGUYÊN
Thơ Tân hình thức (THT) Việt xuất hiện từ năm 2000 ở Mỹ, sau đó được một số nhà thơ ở Việt Nam tiếp tục phát triển.
(Đọc như Tân hình thức Việt)
Thơ không thể dịch vì không thể dịch âm thanh và nhạc tính ngôn ngữ, trừ khi thay đổi cách làm thơ như thơ Tân hình thức (THT) Việt.
KHẾ IÊM
Nhà thơ Khế Iêm vừa gửi đến một tiểu luận liên quan đến phương pháp nghiên cứu mới: áp dụng kết quả phân tích cơ chế hoạt động của não bộ vào tiến trình sáng tạo văn học. Bắt đầu từ số báo này, Sông Hương sẽ đăng nhiều kỳ tiểu luận quan trọng này để bạn đọc tham khảo. Xin trân trọng giới thiệu.
Lịch sử Thơ Tân hình thức (THT) Việt bắt đầu từ khoảng năm 2000, nhà thơ Khế Iêm làm bài thơ “Tân hình thức và câu chuyện kể” đồng thời viết một tiểu luận giải thích cách đọc thể loại thơ mới này.
Nguyễn Đại Giang
Tựa đề: "Thơ Tân Hình Thức"
Thơ Tân Hình Thức: Biển Bắc
Nhạc: Hà Nguyên Du
LTS: Đến nay, thơ Tân Hình Thức đã xuất hiện trong dòng chảy văn học Việt Nam trên mười năm. Thơ Tân Hình Thức đã thật sự trở thành một trào lưu mới mẻ như là một cách tân thơ Việt đương đại (Tạp chí sông Hương đã giới thiệu một chuyên đề về thơ Tân Hình Thức vào tháng 6/2012, tiếp đó, báo Nghệ Thuật Mới cũng đã dành chuyên trang để giới thiệu rộng rãi thơ Tân Hình Thức vào tháng 9/2012). Không chỉ dừng lại ở đó, các họa sỹ và các nhạc sỹ cũng đã vào cuộc.
Nhà bình luận thơ Angela Saunders cho rằng, “... Những âm thanh trôi chảy trong một ngôn ngữ bản địa đều có nét đặc thù về mặt ngôn ngữ và không dễ dàng để dịch sang một ngôn ngữ khác. Một bài thơ được sắp đặt theo những giai điệu và âm điệu trong một ngôn ngữ bản địa, khi được dịch sang ngôn ngữ khác, sẽ mất đi sức quyến rũ của nó về mặt thẩm mỹ.”
MARK JARMAN & DAVID MASON
Cách mạng, như nhà phê bình Monroe Spears nhận xét, vốn được nuôi dưỡng từ trong cốt tủy của cá tính Hoa Kỳ. Cá tính đó đã hiển hiện đặc thù trong thi ca Hoa Kỳ hiện đại.
Nguyễn Hoạt - Huỳnh Lê Nhật Tấn - Thiền Đăng - Nguyễn Hoài Phương - Nguyễn Tất Độ - Trần Vũ Liên Tâm - Đoàn Minh Hải - Lý Đợi - Hà Duy Phương - Huy Hùng - Lê Hưng Tiến - Đài Sử
NHÃ THUYÊN
Hẳn nhiên, những nhà thơ thấu thị, những thi sĩ kiêu ngạo, những kẻ khổ hạnh mang khối u thơ ca trong mình; những con sói cô độc, những kẻ nhất quyết không chịu tin vào đám đông... có lí do riêng cho lựa chọn của mình, những lí do như là tiếng gọi của số phận để từ chối mọi phong trào, mọi trường phái, mọi cuộc cách mạng.
Nguyễn Thị Khánh Minh - Trầm Phục Khắc - Đặng Xuân Hường - Hồ Đăng Thanh Ngọc - Nguyên Quân - Trần Phương Kỳ - Biển Bắc - Gyảng Anh Iên - Bỉm - Nguyễn Tuệ - Inrasara
ALEXANDER KOTOWSKE
Trong khoảng vô số giờ phút thú vị tôi chúi mũi vào một tập thơ hoặc văn, có những lúc tôi ngẩng đầu khỏi cuốn sách hoặc ngước mắt khỏi dòng chảy nhịp nhàng của bài thơ, và tự đặt một câu hỏi mà nó đòi được giải đáp: điều gì đã buộc tôi tiếp tục; điều gì hiện hữu bên trong bài thơ khiến đôi mắt khát khao của tôi dán chặt vào những dòng dưỡng chất, năm này qua năm khác?
LTS: Thơ Tân Hình Thức định hình hơn mười năm qua, được ghi nhận “xứng đáng là một trường phái” ... Với kỳ vọng của Tân Hình Thức sẽ đưa thơ Việt đến thật gần với đời sống, gia nhập những hoạt động chung của thế giới thi ca các ngôn ngữ khác, bởi thể thơ này có những đặc tính thuận lợi cho việc chuyển ngữ.