ĐÔNG HÀ
33 năm đổi mới trong Văn học Thừa Thiên Huế
Nhà thơ Đông Hà - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế - với tham luận "Văn học Huế - Một quãng đường nhìn lại" - Ảnh: Quỳnh Chi - vannghehue
Mỗi vùng đất có một đặc trưng văn hóa riêng để từ đó khẳng định tên tuổi bằng những dấu ấn mang tính cách khác biệt của vùng miền. Những vùng đất khác có thể đặt tên tuổi dưới những con số phát triển của các lĩnh vực kinh tế, chính trị nhưng riêng Thừa Thiên Huế, để chứng minh cho sự tồn tại và phát triển của mình, lại không thể thiếu diện mạo của văn chương góp phần. Xét trong tất cả mọi mặt, Thừa Thiên Huế luôn có chỗ dành cho văn hóa nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng.
Văn học trong mỗi giai đoạn có một đội ngũ với vai trò và sứ mệnh riêng của nó. Với bài viết này, tôi chỉ giới hạn biên độ khảo sát từ cột mốc năm 1989 đến giai đoạn hiện nay. Sở dĩ tôi chọn cột mốc này bởi trước đó, toàn bộ sáng tác của lực lượng những người cầm bút được rải đều trong ba tỉnh Bình Trị Thiên, như vậy diện mạo văn học giai đoạn này mang gương mặt chung của ba tỉnh hành chính thời đó. Phải đến năm 1989, với những người ở lại, sống và sáng tác trên chính mảnh đất này đã đưa lại cho văn học Thừa Thiên Huế một đặc trưng riêng. Vì vậy, nếu nhìn ở góc độ thời gian hiện nay, có những tác giả không còn trẻ nữa. Nhưng đặt vào góc nhìn từ năm 1989, sau thời kỳ lập tỉnh, thì họ là những cây viết sung sức của thời đại đó.
Với giai đoạn từ 1989 cho đến nay, dựa vào đội ngũ sáng tác hiện nay, tôi tạm thời chia văn học Thừa Thiên Huế làm hai chặng. Sự phân chia này không dựa vào số lượng tác phẩm của mỗi cá nhân mà chủ yếu dựa vào tuổi nghề cũng như độ kết tinh tác phẩm mà mỗi nhà văn đạt được.
Chặng thứ nhất, từ năm 1989 - 2000
Ở chặng này, có thể nói văn học Thừa Thiên Huế đã hội tụ được một đội ngũ sáng tác mạnh so với nền văn học chung của cả nước. Được thừa kế một đội ngũ khá hùng hậu đi ra từ cuộc chiến, những gương mặt sáng tác lúc này đang là những tên tuổi trên văn đàn cả nước. Những cái tên như: Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Tô Nhuận Vỹ… đã giúp lịch sử văn học Thừa Thiên Huế trở nên sang trọng và có chỗ đứng bền vững trên văn đàn cả nước.
Bên cạnh những tên tuổi đã chuyển đi theo sự chuyển biến của lịch sử, một loạt những tên tuổi tiếp theo đã bắt đầu định hình rõ rệt bằng tác phẩm của mình. Bức tranh văn học Thừa Thiên Huế lúc này có thêm những gương mặt mới đầy nội lực như Trần Thùy Mai, Ngô Minh, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Hà, Mai Văn Hoan, Hà Khánh Linh, Vĩnh Nguyên, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo… Đây là những nhà văn đã sống và gắn bó với Huế từ sau thời kỳ đổi mới cho đến hết những năm cuối thế kỷ XX. Thực ra, với những tác giả này không phải đến lúc này họ mới cầm bút. Trước đó, các nhà văn này đã có tác phẩm đăng rải rác trên các tạp chí, các báo trên cả nước. Thậm chí có nhiều người đã xuất bản tác phẩm in chung và riêng đồng thời cũng đã đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, nói một cách chính xác, với đội ngũ cầm bút này thì đến giai đoạn này họ mới thực sự phát tiết hết tài năng sáng tác văn chương của mình. Tác phẩm ra đời thường xuyên hơn, gây được nhiều tiếng vang hơn, được khẳng định tên tuổi qua nhiều giải thưởng danh giá hơn.
Như vậy có thể nói, nhìn vào diện mạo văn học Thừa Thiên Huế chặng này người ta có thể thấy xuất hiện đầy đủ các thể loại với độ kết tinh khá cao. Về thơ, bạn đọc cả nước đã biết tên tuổi của Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Bằng, Nguyễn Khắc Thạch, Ngô Minh, Lê Thị Mây, Vĩnh Nguyên, Hồ Thế Hà, Nguyễn Thiền Nghi, Nguyên Quân, Nguyễn Văn Phương, Ngàn Thương, Đỗ Văn Khoái… Tuy không chú ý cách tân về mặt nghệ thuật nhưng các nhà thơ đã giới thiệu cho bạn bè cả nước biết được chất thơ riêng của đất kinh đô một thuở vẫn còn hằn in trong tính cách Huế. Về văn xuôi, ở mảng tiểu thuyết chúng ta có Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ, Hà Khánh Linh, Phạm Ngọc Túy… đã xông xáo vào những lĩnh vực khó của các đề tài trong cuộc sống của con người xã hội chủ nghĩa mới, giúp người đọc hình dung về một đất Huế đài các thơ mộng nhưng anh dũng kiên cường trong chiến đấu cũng như sản xuất. Mảng truyện ngắn có thể kể đến tên tuổi Trần Thùy Mai. Với chất giọng đặc trưng riêng của Huế, chị đã đưa Huế đi khắp mọi miền trong những trang viết để bè bạn cả nước và khắp năm châu hình dung được những nét yêu kiều của mảnh đất cố đô nhưng tươi mới của đời sống hiện đại. Về mảng ký, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn tiếp tục gánh vác sứ mệnh của mình. Bên cạnh đó có những tên tuổi mới khiến người đọc chú ý đó là Xuân Hoàng và Văn Cầm Hải. Sử dụng giọng điệu của tùy bút để vẽ nên kinh thành Huế là một trong những thành công của Xuân Hoàng. Trong khi đó, Văn Cầm Hải với 1 tập thơ cùng 2 tập ký được sáng tác trong thời kỳ anh sống và làm việc tại Huế, đã vượt qua biên giới của không gian vật lý để đưa thơ và cả thể ký ra đến với bạn đọc cả nước, góp phần tạo nên một dấu ấn văn học Huế trên bản đồ văn học đương đại Việt Nam.
Nhìn chung, bắt đầu từ cột mốc 1989 - 2000, một loạt những nhà văn đã từng xuất hiện trước đây giờ đã khẳng định tên tuổi của mình, làm nên một diện mạo văn học Thừa Thiên Huế trong quãng thời gian đó.
Chặng thứ hai, từ 2000 - nay
Cũng như chặng thứ nhất, ở chặng thứ hai này, lực lượng sáng tác kỳ thực cũng đã bắt đầu cầm bút từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Phần lớn, họ là những người đã từng sáng tác trong quãng thời gian khá xa trước đó, phần còn lại bắt đầu cầm bút từ những câu lạc bộ sáng tác của các tổ chức đoàn hội thanh niên như câu lạc bộ văn học Nhà văn hóa thành phố hoặc của các tờ tạp chí dành cho lứa tuổi mới lớn trong cả nước lúc bấy giờ như Mực Tím, Hoa Học Trò, Áo Trắng… Tuy nhiên, từ việc yêu thích văn chương và tập tành cầm bút đến việc lựa chọn trở thành nhà văn là cả một quá trình. Nên ở đây tôi chọn cột mốc 2000 nhằm lọc được một đội ngũ cầm bút thực sự với độ tinh lắng cao.
Nhìn một cách khái quát, những người viết trong chặng đường này đa số tuổi đời còn khá trẻ. Phần lớn là những người được lớn lên và trưởng thành sau thời kỳ hậu chiến nên cái nhìn về cuộc sống đã bắt đầu thoát ra khỏi những mất mát đau thương của chiến tranh. Tác phẩm của họ thường đề cập đến những vấn đề của cuộc sống đương đại. Không còn ám ảnh day dứt những vấn đề của cuộc chiến, họ tập trung vào việc phản ánh sự chuyển biến của đời sống tâm lý con người trong cuộc sống đời thường.
Về thơ, chặng này người đọc đã bắt gặp những tên tuổi quen thuộc từ thời áo trắng đến với tư cách là một người cầm bút thực sự. Có thể kể đến như Phạm Nguyên Tường, Lê Tấn Quỳnh, Đông Hà, Hải Trung, Hạ Nguyên, Lê Vĩnh Thái, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Tuất, Châu Thu Hà, Lưu Ly, Bạch Diệp, Nguyễn Hoàng Anh Thư… Những đề tài xoáy sâu vào nỗi đau, tình yêu và thân phận hay thế sự đời thường đều được các nhà thơ đưa vào thơ như một nhu cầu tự thân tất yếu. Con mắt thơ Huế chặng này không chỉ đơn thuần khai thác vẻ đẹp trầm tích cổ kính muôn đời của Huế nữa mà gồ ghề trần trụi hơn. Thơ Huế thực sự đã thoát ra vẻ êm đềm như nó vốn có trước kia. Các nhà thơ trẻ Huế đã từng được ghi nhận trong các cuộc thi thơ được tổ chức hằng năm hoặc định kỳ ở các tờ báo, tạp chí.
Về văn xuôi, bên cạnh những tên tuổi ngày càng khẳng định một cách chắc chắn như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hồng Nhu, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ, Hà Khánh Linh, Trần Thùy Mai… một lực lượng viết trẻ xuất hiện khá đậm nét. Đó là Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang… Những tác giả này xuất hiện khá đều đặn trên các tạp chí, tờ báo văn nghệ tên tuổi như Văn Nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, Sông Hương và được người đọc đánh giá cao với nhiều giải thưởng ghi nhận.
Nếu thơ xuất hiện nhiều trong bức tranh văn nghệ của văn học Thừa Thiên Huế thì văn xuôi cũng đang bước đi những bước chậm rãi mà đầy chắc chắn. Nói như vậy bởi vì khi nhìn vào lực lượng sáng tác trẻ ở Thừa Thiên Huế hiện nay, tôi nhận thấy hầu hết các nhà thơ đều đang công tác ở các lĩnh vực khác nhau ít dính dáng đến văn chương chữ nghĩa thì hầu hết các nhà văn đều đang tập trung vào lĩnh vực công việc gần với nghề sáng tác của mình. Đó là một ưu thế để họ có thể thuận lợi hơn khi tập trung thời gian vào việc đầu tư cho tác phẩm.
Có thể nói, với một vùng đất giàu truyền thống thi ca nhạc họa, văn học Thừa Thiên Huế mỗi thời đại đều đã và đang khẳng định tên tuổi của mình trên văn đàn cả nước. Mỗi thế hệ có một vai trò lịch sử khác nhau, thế hệ các nhà văn nhà thơ đi trước đã hoàn thành sứ mệnh với bức tranh văn học tỉnh nhà. Thế hệ tiếp theo bây giờ vẫn đang nỗ lực để đi tiếp con đường đang có và khai phá thêm những cung đường mới mẻ như một khám phá kỳ thú trên hành trình của nghệ thuật. Với tính cách trầm tĩnh của con người cố đô, tôi nghĩ rằng sẽ đến một lúc nào đó, văn học Thừa Thiên Huế bật khởi đột ngột như một bất ngờ chứ không ầm ĩ khua khoắng như một số cách thể hiện của các nhà văn vùng miền khác hiện nay đang làm.
Đ.H
(SHSDB33/06-2019)
TÔ HỮU QUỴ
Nhìn những bọt nước lớn nhỏ bám vào nhau lững thững trôi theo vệ đường, tôi nhớ có ai đã nói với tôi mỗi khi trời mưa, bọt nước không vỡ nhanh mà cứ bồng bềnh trên mặt như thế là cơn mưa sẽ kéo dài thật lâu.
TRẦN ĐỨC CƯỜNG(*)
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi. Đất nước thu về một mối.
VÕ THỊ XUÂN HÀ
Đêm qua có một chàng trai nhắn cho tôi: “Có khi em không phải người phàm thật em ạ”.
(Xin phép anh cho tôi nói ra điều này vì độc giả yêu quý).
HÀ LÂM KỲ
Tháng 5 năm 1996, nhân gặp nhà thơ Tố Hữu ở Hội Nhà văn, tôi rụt rè nói với ông rằng có cuốn băng về câu chuyện giữa nhà thơ và Bác Hồ. Ông vui vẻ nhận lời nghe lại.
BÙI KIM CHI
Chút hương chiều bảng lảng. Xôn xao lá me gọi hồn con gái. Mây vội vàng đuổi nắng. Bàng bạc sắc lam pha hồng. Trời nhẹ tênh đưa mây xuống thấp.
HOÀNG THỊ NHƯ HUY
Sáng nay bầu trời âm u màu xám xịt như muốn sụp đổ với những cơn mưa liên tục xối xả, báo hiệu con nước sắp vượt bờ sông Hương.
NGUYỄN BÙI VỢI
MAI VĂN HOAN
Bình Trị Thiên trước đây và Thừa Thiên Huế bây giờ vốn nổi tiếng là nơi có nhiều học sinh giỏi. Các lớp chuyên tỉnh đã được thành lập hơn 12 năm nay.
LTS: Sáng ngày 8/11/2018, tại Huế đã diễn ra Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Chí Diểu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức.
YẾN LAN
Hồi ký
Sau một chuyến đi dài vào mảnh đất tận miền Tây Tổ Quốc, tôi trở về quê, lòng chưa ráo nỗi nhớ đường, nhớ sá, thì trời đã chớm sang thu.
TRẦN QUANG MIỄN
Có lẽ, cho đến bây giờ bạn bè, người quen biết vẫn thường gọi tôi:
- Ê Thành Cát Tư Hãn!
Vai diễn đó đã thực sự tạo sự khác biệt giữa tôi và bạn bè cùng trang lứa lớp Đệ Tam ban C trường Quốc Học.
TRỌNG NGUYỄN
Nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha kể: “Tết năm 1966, một bà cụ từ bên Lại Bằng (huyện Hương Trà) lặn lội qua Phong Sơn (huyện Phong Điền) thuộc vùng giải phóng để xem chiếu bóng.
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
(Trích đoạn tuồng lịch sử)
LTS: Từ thành công của Cách mạng Tháng Tám đến thành công của “Tuần Lễ Vàng” năm 1945, lịch sử Việt Nam đã chứng minh rõ về sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách mạng và khối đại đoàn kết dân tộc trong thực tiễn. Những dấu mốc ấy đã để lại bài học lớn lao đầy ý nghĩa về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.
NGUYỄN THÁI SƠN
Trong suốt quá trình lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm, xem báo chí như một thứ vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước và cũng là diễn đàn xã hội rộng lớn của nhân dân.
Kỷ Niệm Ngày Thương Binh Liệt Sỹ 27/7
BÙI XUÂN HÒA
Ghi chép
ĐẶNG NHẬT MINH
Anh Trần Đăng Nghi trên tôi 7 tuổi, thuộc thế hệ các dì các cậu tôi ở Huế. Tôi biết anh qua dì tôi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Toản và ông anh họ tôi là kỹ sư Lê Đình Cát, những người bạn chí thân của anh từ thuở cắp sách đi học ở Huế cho đến khi đã về già.
TÔ NHUẬN VỸ
Có những nội dung, định hướng trên tạp chí bây giờ đã bình thường, nhưng vào thời gian cách nay hai ba chục năm là quá chừng rối rắm, phức tạp. Như Hòa hợp trong văn chương, văn hóa.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Nhận thư Tòa soạn “Sông Hương” nhắc viết bài cho số kỷ niệm 35 năm Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, lời đáp là một “tự vấn”: Không biết viết cái chi đây?
PHẠM XUÂN PHỤNG
Một buổi sáng tháng 7 năm 1994, tại Văn phòng Đảng ủy Bệnh viên Trung ương Huế, tôi tiếp một nhân viên văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật (nay là Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế).