Bác Hồ với điện ảnh Việt Nam

09:06 18/10/2018

TRỌNG NGUYỄN

Nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha kể: “Tết năm 1966, một bà cụ từ bên Lại Bằng (huyện Hương Trà) lặn lội qua Phong Sơn (huyện Phong Điền) thuộc vùng giải phóng để xem chiếu bóng.

Bác Hồ với các đạo diễn, quay phim, diễn viên... tại Xưởng phim Hà Nội - Hãng phim truyện Việt Nam năm 1963

Khi trên màn ảnh xuất hiện những chiếc mô tô hai bánh đang phóng như bay, bà cụ nói với người ngồi cạnh:

- Bộ đội mình béo tốt rứa đó mà lính nói ngoài Bắc đói, có họ vô đây cho họ coi để họ hết nói bậy. - Rồi bà mẹ quay sang tôi, hỏi: - Không biết hôm ni có chiếu ảnh Cụ Hồ không anh? Tui già rồi sợ ngày giải phóng không được thấy Cụ, khi chiều anh bộ đội nói tối ni coi sẽ thấy Cụ, tôi mới nói thằng cháu dắt đi coi anh ạ.

Bà mẹ vừa nói thế thì hình ảnh Hồ Chủ tịch nhanh nhẹn bước vào Đại hội “thể thao quốc phòng” hiện trên màn ảnh. Bác đang tươi cười chào các đại biểu. Vừa thấy hình ảnh Bác, cả khối người xao động hẳn lên, tiếng vỗ tay lại rào rào vang lên.

- Bác Hồ! Bác Hồ! Hoan hô Bác Hồ!

- Bác ở mô chỉ cho mệ với cháu?

- Đó! Bác mặc áo ka-ki, chân đi dép cao su, tóc bạc trắng. Bác đang đi đó tề, thấy rõ chưa mệ?

- A! Thấy rồi cháu ạ, ôi, Cụ còn mạnh lắm. Cụ khỏe lắm. Cụ giơ tay chào bà con. Cụ chào cả mệ nữa.


Gần 12 giờ khuya, buổi chiếu bóng tan, bà mẹ được cháu dắt qua đò vượt sông Bồ về làng mình. Sáng hôm sau cụ nói với các bà xung quanh:

Tui có chết cũng thỏa. Tui đã được gặp Cụ Hồ rồi”(1)

Hình ảnh Bác Hồ trong nghệ thuật điện ảnh đã đi vào tâm thức nhiều thế hệ Việt Nam với nhiều tình cảm tốt đẹp như thế. Từ trước đến nay, phim tài liệu thời sự Việt Nam đã ghi lại được nhiều hình ảnh của Bác. Qua những thước phim đó, đồng bào ở bất cứ đâu cũng đều luôn được nhìn thấy Bác; học phong cách, đạo đức, sự giản dị của vị cha già dân tộc.

Những thước phim đầu tiên quay được về Bác Hồ của điện ảnh Việt Nam, đáng chú ý có hình ảnh Bác đọc “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2/9 ở Ba Đình; những thước phim do những nhà quay phim Việt Kiều ở Pháp quay năm 1946, lúc Bác nhân danh vị Chủ tịch đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sang thăm nước Pháp; những thước phim quay được về Bác lúc gian khổ trong kháng chiến… và những thước phim cuối cùng quay được về Bác trong bộ phim màu “Bác Hồ với thiếu nhi”, nhân dịp các cháu Trường Âm nhạc Việt Nam vinh dự vào biểu diễn cho Bác xem nhân 1/6/1969.

Phim tài liệu Việt Nam còn lưu trữ nhiều tư liệu về các hoạt động của Hồ Chủ tịch, những hình ảnh của Bác ở Việt Bắc những năm chống Pháp, chống Mỹ: Bác trên mình ngựa ung dung vượt suối; ngồi trên mô đá đưa ống nhòm quan sát mặt trận; Bác đọc sách bên khung cửa nhà sàn, xách bình nước tưới cây; Bác quàng tay cùng các chiến sĩ miền Nam dưới bóng cây trong Phủ Chủ tịch; đang âu yếm ôm một cháu nhỏ vào lòng… Không chỉ là người khơi nguồn để nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam ra đời, Người còn truyền cảm hứng đến nhiều bộ phim sau này. Nhiều bộ phim sau này đã được sản xuất lấy đề tài từ cuộc đời, con người Hồ Chủ tịch, có thể kể đến như: Hẹn gặp lại Sài Gòn, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Hà Nội mùa đông năm 46…

Trong phim tư liệu cũng có nhiều hình ảnh nhân dân Việt Nam vui mừng đón Bác, có cả những người mẹ già, em bé vẫy tay chào Bác bên bụi tre đường làng. Bác đến thăm hải quân, anh bộ đội hải quân trong khoang lái mắt rạng ngời hạnh phúc khi được Bác cầm chiếc mũ của anh đội lên đầu - chiếc mũ có hai dải lụa bay phần phật trong gió… Con sông, dòng suối, mái rạ, bờ tre, cánh đồng, nhà máy, công xưởng, trường học…; hình ảnh non nước Việt Nam trong những thước phim ấy như càng diễm lệ hơn khi có Bác. Những hình ảnh của Bác đều mang đến sức mạnh cảm hóa tự nhiên thấm sâu vào lòng mọi người.

Sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh Việt Nam được Hồ Chủ tịch ký ngày 15/3/1953, trước chiến thắng Điện Biên Phủ không lâu. Kháng chiến chưa thành công mà điện ảnh Việt Nam đã ra đời, cho thấy Bác Hồ đã quan tâm đến nền điện ảnh non trẻ của Việt Nam từ rất sớm. Bác cũng tạo điều kiện cho các nhà làm phim có được những thước phim tốt nhất. Năm 1960, Bác đến thăm Xưởng phim Thời sự - Tài liệu, Bác đến bất ngờ không báo trước khiến các nhà làm phim sửng sốt và cảm động. Bác đi thăm khắp nơi, vào cả phòng in tráng phim. Các đạo diễn nước ngoài nghe kể chuyện này, đã reo lên thích thú, kinh ngạc: “Chủ tịch một nước mà đi tận vào phòng tối xem làm phim? Hạnh phúc thay những người làm công tác điện ảnh Việt Nam!”

Những nhà làm phim cũng có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Bác. Năm 1951, nhà quay phim Lê Minh Hiền từ Nam Bộ ra chiến khu Việt Bắc mang theo một máy quay nhỏ và số lượng phim cũng rất hạn chế. Ông được Bác đồng ý cho quay hình ảnh Bác giữa rừng tre “sàn mây vách gió”, nơi Bác sống và làm việc. Có những lần, đạo diễn Lê Minh Hiền xin Bác mặc áo ka-ki để quay một số cảnh cần thiết, nhưng Bác nói: “Không cần đâu, Bác thế nào các chú cứ thế mà quay”. Nhờ vậy, đạo diễn Lê Minh Hiền may mắn quay được những thước phim rất chân thật về một số cảnh sinh hoạt của Bác; như quay được những cảnh Bác dậy sớm tập thể dục, những buổi ra suối ngồi câu cá, rào vườn trong giờ tăng gia sản xuất, đánh bóng chuyền cùng mọi người trong giờ nghỉ… Trong thực tế, hình ảnh Bác Hồ với bộ quần áo nâu bình thường đã trở thành quen thuộc, gần gũi trên phim ảnh Việt Nam.

Năm 1960, khi làm phim “Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, các nhà làm phim đã được Bác tạo điều kiện hết sức để làm việc. Thiếu ánh sáng để quay, Bác đồng ý cho dỡ hẳn một phần mái nhà. Tại một cuộc họp trong rừng, Bác cho phép mang máy quay phim đến. Bác còn gợi ý cho cả chỗ đặt máy và lúc nào thì bấm máy để có những thước phim tạo hình đẹp nhất... Và có lần hiếm hoi, chiều theo ý chuyên môn, Bác đã miễn cưỡng mặc thêm áo ka-ki đứng trước ống kính...

Không chỉ đối với các nhà làm phim Việt, các nhà làm phim trên thế giới cũng được Bác quan tâm và họ cũng hết sức vinh dự được làm phim về Bác. Một nhà quay phim Nhật Bản được Bác đồng ý để ông quay phim. Cả đêm trước đó ông không ngủ, thao thức chờ đến sáng. Bác tiếp nhà quay phim trong buổi sáng ngoài vườn, trời mát mà ông cứ chã mồ hôi vì hồi hộp, bởi lo sợ phim không tốt. Đến khi tráng phim quá đạt yêu cầu, ông mừng, nói với đồng nghiệp Việt Nam: “Đây là những giờ phút cảm động và vinh dự nhất trong đời làm phim của chúng tôi, vì được Bác là một lãnh tụ vĩ đại tiếp thật chí tình. Ước mơ của chúng tôi đã toại nguyện”...

Bác cũng có những lần nêu ý kiến bày tỏ quan điểm làm phim. Có lần Bác góp ý với các đạo diễn: “Phim của các chú tốt, có nhiều phim hay. Nhưng có phim còn nhanh, đồng bào xem không hiểu. Làm phim cho đồng bào xem mà đồng bào chưa hiểu, chưa thấy bổ ích thì không thể gọi là tốt và hay”. Những năm tháng ấy, đồng bào, nhất là đồng bào vùng núi cao tiếp xúc với ngôn ngữ điện ảnh còn ít, những căn dặn của Bác Hồ là hết sức cần thiết, thể hiện sự quan tâm rất mực của lãnh tụ.

Bác quan tâm đến mọi người, vậy mà riêng mình, Bác vẫn giữ một cuộc sống giản dị, đến mức đơn sơ. Đạo diễn Quang Huy kể những ngày làm phim về Bác, có hôm ê kíp làm phim xin phép được vào thăm chỗ Bác ở. Nhân lúc Bác còn làm việc ở phòng ngoài, ông bước vào phòng riêng và...: “Cảm nghĩ của chúng tôi lúc đó thật là sững sốt và ngoài sức tưởng tượng, mặc dù đã biết Bác sống rất bình dị. Một căn phòng nhỏ bày biện thật đơn sơ: một chiếc giường gỗ trải chiếc chiếu con mộc mạc, đầu giường một cái gối vải xếp ngay ngắn. Dưới gầm có một đôi guốc đã cũ. Góc phòng một chiếc tủ nhỏ xinh xinh; ở trong, một bên treo hai bộ áo quần ka-ki thường thấy Bác vẫn mặc. Một bên, tuy có ba ngăn nhưng chẳng ngăn nào đầy. Một cái va li nhỏ, một cái chăn dạ, và dưới cùng là hai đôi giày. Vẻn vẹn chỉ có thế mà rất gọn gàng, ngăn nắp. Chúng tôi hết sức xúc động khi ghi những hình ảnh đó”...(2)

Tấm gương tinh thần tận tụy hy sinh phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân suốt đời chẳng quản, và đạo đức cần kiệm liêm chính cao đẹp của Bác đã bao trùm lên tất cả.

T.N
(SHSDB30/09-2018)


.......................................
Chú thích:
(1) “Một ngày nhớ bao ngày xưa ấy”, Ngô Kha, Nxb. Thuận Hóa, 2014.
(2) “Muôn vàn tình thương yêu” (Nxb. Văn Hóa, Nhiều tác giả, Hà Nội, 7/1975, trang 27).  




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TRẦN HUYỀN ÂN

  • Tôi thường hay nghĩ về tết gắn liền với hình ảnh của mạ tôi - người thường kể cho tôi nghe câu chuyện tết bằng câu mở đầu: “Hồi nớ, tết là...”.

  • Kinh tặng, hương hồn nghệ sĩ Châu Thành

  • “Những con hổ xám đường 14” là biệt danh mà nguyên Thành đội trưởng Huế Thân Trọng Một dùng để tôn vinh một Trung đội bộ đội địa phương Quận 4 miền Tây Thừa Thiên do A Lơn chỉ huy.

  • Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm, kết thúc bằng Điện Biên Phủ lẫy lừng, chờ tổng tuyển cử sau Hiệp định Genève hai năm mòn mỏi, quân dân ta còn phải trường kỳ kháng Mỹ dài mấy mươi năm.

  • LÊ XUÂN VIỆT 

    Sau ngày miền Nam giải phóng (Xuân 1975) tôi chuyển công tác từ Đại học tổng hợp Hà Nội vào Huế. Ở thành phố đẹp và thơ, đầy mơ mộng này rất hợp ngành văn mà tôi say mê và theo đuổi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.

  • PHẠM HỮU THU Nếu không nghe những nhận xét, dù kiệm lời của những vị cựu lãnh đạo địa phương và không trực tiếp kiểm chứng, thú thật là tôi không thể viết về con người này, một con người không chỉ dũng cảm trong chiến đấu mà còn giàu lòng nhân ái đối với đối phương và tận tâm vì nghĩa tình đồng đội. Người đó là ông Lê Hữu Tòng, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Hương Thủy!


  • Hồng Thế vừa làm thơ vừa cày ruộng ở quê. Cách đây mấy năm, anh có con bò già không cày được nữa, phải bán đi để mua bò mới.

  • TẤN HOÀI        
         bút ký

    Nhà văn Graham Grin có một quyển tiểu thuyết "MỘT NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG".

  • NHẤT LÂM

          Bút ký 

  • NGUYỄN PHÚC ƯNG ÂN
                           Hi ký

    Tôi tỉnh giấc. Ngoảnh sang bên cạnh thấy các bạn đã ngồi dậy. Nằm yên trong bóng đêm, tôi thử tính xem mình đang còn cách Huế mấy cây số.

  • HỮU THU - CHIẾN HỮU
                       Ghi chép

    Cuối năm ngoái, huyện Hương Trà tổ chức khánh thành hồ chứa nước Khe Rưng.

  • THANH THANH

    Thật bất ngờ đọc lại một năm thơ Sông Hương dưới trăng rằm mười bốn chạp rồi ngơ ngẩn bấm đốt tay.

  • HÀ KHÁNH LINH - NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Chuẩn bị ra số kỷ niệm 10 năm giải phóng, Tòa soạn Tạp chí Sông Hương đã có kế hoạch phỏng vấn đồng chí Vũ Thắng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, nhưng chương trình làm việc trong tuần của đồng chí văn phòng đã xếp quá chật.

  • PHẠM HUY LIỆU
                     Hồi ký

    Đầu tháng 9/1968 tôi điều trị ở Bệnh viện Binh trạm 34, tỉnh Saravane, Nam Lào. Viện nằm trong thung lũng. Xung quanh nhiều núi cao rừng già nên cũng ít bị máy bay Mỹ quấy nhiễu.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    Bắt sáu tên giặc Pháp nhảy dù xuống huyện Phong Điền.
    Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thắng lợi, chiều cùng ngày, tại Sân vận động Bảo Long (về sau đổi gọi là Sân vận động Tự Do), trước hàng vạn đồng bào dự mít tinh, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên được thành lập và ra mắt, do nhà giáo Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Tôi tỉnh giấc khi trời còn tối, nhưng không sao ngủ được nữa. Không phải vì tiếng động của những guồng máy quay, tiếng những vành thép nghiền vỡ vụn đá và cờ-lanh-ke.

  • TRẦN SỬ kể
    HOÀNG NHÂN ghi

    Chiến tranh du kích ở huyện Hương Thủy trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra với nhiều hình thức chiến đấu đầy tính chất sáng tạo của toàn dân.

  • NGÔ MINH

    Đối với anh em làm thơ, viết văn ở ba tỉnh Bình - Trị - Thiên trong nhiều chục năm qua, nhà thơ Hải Bằng là người không thể quên! 

  • HỒNG NHU

    Tôi biết anh, đọc anh từ trong kháng chiến chống Pháp, nhưng mỗi người một đơn vị công tác, mãi đến năm 1972 mới gặp nhau. Đó là một ngày mùa hè, bấy giờ Đông Hà vừa mới được giải phóng.