Thương những dòng sông mơ

14:34 09/03/2021

TRẦN KIÊM ĐOÀN  

Có hai dòng sông chia hai nửa cuộc đời của một người con xứ Huế là dòng sông Hương và American River.

Ảnh của NSNA Lê Đình Hoàng

Tôi xa Huế năm ba mươi bảy tuổi và bây giờ ngồi lại bên bờ sông America River ở tuổi bảy mươi lăm.

Nửa quãng đời trên quê hương, có hai dòng sông đã trở thành tâm cảnh trong tôi là sông Bồ thuở hoa niên và sông Hương tuổi thanh niên. Sông Bồ phát xuất từ Trường Sơn, giáp mặt với nhân gian ở làng Lại Bằng, trôi xuôi về biển nhưng khi đến làng tôi, sông uốn khúc đổi chiều cong như vòng tay trìu mến để dồn hết tinh túy phù sa cho Phe Kiền, nơi sản sinh quýt Hương Cần ngon nhất nước. Điệu nước sông Bồ thuở ấy bình lặng và trong xanh như mắt mèo nhưng năm mươi năm sau trở lại dòng sông xưa, tôi buồn đến nghẹn nói vì dòng sông đang hấp hối. Người ta đã ngày một ngày hai biến dòng sông thành ao nuôi cá; cộng với nạn phá rừng, vét cát đã làm cho nước sông đục ngầu và tanh tưởi.

Soi bóng lòng mình một thuở, dòng sông Hương mang giấc mơ tuổi trẻ lên đường và tình yêu Quốc Học - Đồng Khánh thuở đầu đời của tôi vẫn còn đó. Gần 40 năm xa Huế dòng sông còn lại lắng đọng trong lòng tôi vẫn là dòng sông Hương, dòng sông của tâm tình và suy tưởng. Tha hương bốn mươi năm với hơn sáu, bảy lần về thăm Huế, lần nào tôi cũng dáo dác nhìn hai bên bờ sông Hương. Lòng hồi hộp với nỗi ưu tư xem có biệt thự, lâu đài, thành quách… nào mới nổi lên chiếm ngự hai bên bờ hay chưa. May quá! Hương vẫn còn thơm… Lần nào tôi cũng được ngắm dòng sông tỏa nắng, đầy trăng hay nhuộm tràn mây tím. Hai bờ sông Hương vẫn còn nét thiên nhiên trong trẻo và tươi mát của thuở ngày xưa quê mẹ.

Thời gian cứ trôi không bến hẹn. Nhịp sống vật chất càng phát triển, nhu cầu tạo tác và đầu tư càng nhiều thì tham vọng xây dựng cơ sở kiến trúc tại những vị trí “vàng” như hai bên bờ sông Hương càng tăng. Nhưng sông Hương vẫn chưa bị cung hình dưới búa rìu xây dựng là một nét son thiên nhiên mát mắt và ấm lòng của Huế. Tuy không biết là ai nhưng dân Huế vẫn cảm ơn những người có thẩm quyền suốt gần nửa thế kỷ qua đã ngăn chặn được những tham vọng biến ảo dưới muôn vàn hình tướng kinh doanh xây cất nhà cửa hai bên bờ sông Hương.

Ra đi, tâm ảnh trong tôi có dòng sông Hương. Vì yêu dòng sông quê mẹ nên tôi gần gũi với dòng sông quê người. Dòng sông tha hương của tôi là dòng American River băng qua thành phố Sacramento. Đây là thành phố thủ phủ của bang California. Cũng cần ghi chú thêm rằng, nếu tách riêng thành một quốc gia thì California sẽ là một nước giàu xếp hạng thứ năm của thế giới nhưng thành phố thủ phủ Sacramento ở Mỹ (xây dựng năm 1850) cũng khiêm tốn như Huế (1802) trong khung cảnh cả nước Việt Nam.

Hơn ba mươi lăm năm sống ở thành phố này tôi cũng có sự hồi hộp đợi chờ những công trình xây dựng liên tục mọc lên hai bên bờ sông American. Nhưng cho đến thời điểm này, dòng American River cũng trong ngần và hai bên bờ soi bóng thiên nhiên như sông Hương bên kia nửa vòng trái đất.

Sự giàu sang và tham vọng thì xưa nay Đông cũng như Tây, nơi nào cũng giống nhau về động thái chiếm hữu và xâm lấn không tiếc thương của những đầu óc tính toán và xảo thuật quyền biến đặt cái lợi ích vật chất và tham vọng riêng lên trên môi trường thiên nhiên và quyền lợi chung của toàn xã hội.

Có dịp đi du lịch nhiều nơi, những thành phố lịch sử nổi tiếng về những công trình văn hóa và kiến trúc của thế giới ghi dấu ấn đậm nét nhất trong lòng tôi thường gắn liền với biểu tượng của một dòng sông. Tôi không tưởng tượng ra Huế sẽ như thế nào nếu thiếu vắng một dòng sông như sông Hương.

Người Huế trong nước cũng như người Huế tha hương đều có sự băn khoăn về hình ảnh một xứ Huế tương lai. Có chăng một thành phố Huế sẽ mất dạng hoàn toàn như thành phố anh em phía Bắc là Đông Hà và phía Nam là Đà Nẵng.

Tôi từng bị hụt hẫng đi tìm lại những dòng sông cũ khi trở lại quê nhà. Có nhiều thành phố lớn mang nặng tính lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam mà tôi đã đến thăm lần đầu, nhưng chỉ mới non 30 năm sau khi trở lại, thành phố ấy đã mất hẳn dáng xưa và hiện ra hình ảnh một thành phố khác mà tôi không còn nhận ra nữa. Mặc dầu sự phồn vinh và phát triển nhanh chóng của mỗi địa phương tỉnh thành có ai mà không quan tâm mơ ước; nhưng nếu phải đánh đổi cái cũ khiêm tốn, trung thực, xứng tầm để đổi lấy một cái to lớn, theo đuôi, sang cả hơn mà đánh mất nền móng truyền thống và khuôn mặt thật của chính mình thì thật là xót xa và nuối tiếc.

Về quê, được nghe qua thông tin báo chí và thân hữu đáng tin cậy về những dự án xây dựng Huế trong một tương lai gần, tôi cũng như nhiều người thương Huế không giấu được niềm băn khoăn và sự mơ ước về quê hương Thừa Thiên Huế trong tương lai sẽ đẹp đẽ, huy hoàng hơn nhưng khi về Huế hay nói về Huế thì có còn chăng Huế đó: Một xứ Huế hóa thân giữa hai nhu cầu thiết thân, một là cần đổi thay theo xu thế tất nhiên trên đường bay của thời đại mới và hai là làm sao giữ được Huế đã thành tâm ảnh trong lòng người ở lại và xa Huế.

Chiều nay, giữa tiết thu trong mùa đại dịch Covid-19, yêu cầu cách ly xã hội đã đưa tôi đến “bầu bạn” một mình bên dòng sông American River vắng vẻ. Con sông chảy giữa trung tâm thành phố như sông Hương. Chiếc cầu Tower Bridge bắc ngang qua dòng sông như cầu Trường Tiền. Sacramento cũng là một thành phố tương đối cổ kính và nhỏ nhắn như Huế. Lâu đài hai bên bờ sông cũng san sát mọc lên với tốc độ khá nhanh, nhưng những công trình xây dựng ở đây không có vẻ chiếm lĩnh bầu trời và không gian như những thành phố lớn khác của Hoa Kỳ. Chung một dòng sông với thành phố mới là thành phố Sacramento cũ. Nhà cửa và đường sá còn để nguyên dấu vết xây dựng từ năm 1850. Hầu hết vẫn được bảo tồn và duy trì với những nét cổ kính ngày xưa với mọi sinh hoạt hàng ngày với thành phố mới xung quanh mà vẫn hài hòa, thu hút. Thậm chí những con đường lót bằng gỗ hay gạch đá vẫn còn thô nhám dưới chân. Thời gian mất, những kiếp đời cũng lần lượt ra đi nhưng cái lai lịch của một thành phố cũng như lai lịch của một đời người vẫn không bị thời gian xóa nhòa mà quên lãng.

Tất nhiên sẽ không công bằng nếu đem những giá trị vật chất, chuyên môn và nhân sự của các nước giàu Âu Mỹ để so sánh hay áp đặt vào một hoàn cảnh cụ thể nào đó tương đối giới hạn và khiêm tốn như Huế mình. Tuy nhiên, với một hướng đi lâu dài và vươn tới, sẽ có lợi mà không mất mát gì cả, khi chúng ta tham khảo để học hỏi những điều hay đẹp của người để bổ sung vào những giới hạn của mình, hỗ trợ những công trình xây dựng tương lai của Huế hội đủ tính thời đại, nhân văn và truyền thống.

T.K.Đ   
(TCSH384/02-2021)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VÕ QUANG YẾN
    (Thân tặng tất cả các bạn yêu Huế)

    37 năm ra đi tưởng không hẹn ngày về. Thế mà rồi tôi cũng mua vé máy bay lên đường về thăm quê.

  • CAO HUY THUẦN

    Cách đây hơn một năm, tình cờ tôi gặp chị H. ở sân bay, đang cân hành lý để đi Mỹ. Chị bảo: Tôi qua Pháp nhân ngày giỗ đầu ông cụ tôi. Cả gia đình tụ họp đông đủ. Ông anh cả của tôi ở Pháp, tôi ở Mỹ qua, một cô em gái ở Đức, một cô em nữa ở tận Đan Mạch. Chúng tôi định lấy ngày kỵ ba tôi để mỗi năm một lần anh em gặp nhau.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG (Gặp gỡ với anh Lê Huy Cận, Tổng thư ký Hội “Người yêu Huế” ở Pháp)

  • Trên giải đất hình chữ S mà đáng lẽ chúng ta phải sống, có chỗ nào mà chúng ta không nhớ, không thương! Nhưng dĩ nhiên, có chỗ chúng ta thương nhiều hơn một chút. Đó có thể là chỗ mà chúng ta sinh ra, lớn lên. Chỗ mà chúng ta lưu lại nhiều kỷ niệm. Đó cũng có thể là chỗ mà vì một duyên cớ nào đấy thôi, ta bỗng thấy gắn bó suốt đời.

  • THÁI THU LAN Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Vua Hàm Nghi (1871 - 2011)

  • VÕ QUANG YẾNHữu duyên thiên lý năng tương ngộVô duyên đối diện bất tương phùng(*)                                                Phong dao

  • NGUYỄN PHAN QUẾ MAISân bay Huế, tối ngày 14/12/2010, một người đàn ông cao lớn tóc đang chuyển màu đăm đắm nhìn qua cửa kính. Ông đang cố gắng níu giữ hình ảnh của từng cành cây, ngọn cỏ, từng hơi thở mát lành của sông Hương vào trong trí nhớ của mình.

  • THANH TÙNGTốt nghiệp Cử nhân Văn khoa, dạy học một năm ở trường Đồng Khánh, Thái Kim Lan qua CHLB Đức học khóa đào tạo giáo sư Đức ngữ của Viện Goethe Munich, với học bổng của Viện trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD).

  • VÕ QUANG YẾNĐây không phải là lần đầu tiên có múa cung đình trên sân khấu Paris. Trước đây, chẳng hạn như đầu năm 2004, một đoàn ca múa của Nhà hát Nghệ thuật Cung đình thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã biểu diễn ở trụ sở Unesco trong buổi lễ trao tặng bằng công nhận 28 kiệt tác là di sản phi vật thể thế giới và truyền khẩu nhân loại, trước khi trình bày chúc Tết kiều bào Paris, Lyon, Marseille, Bruxelles.

  • HÂN QUY“Làm gì để có tiền giúp Huế mà tránh đi quyên”, đó là ý nghĩ cứ xoáy trong đầu óc mỗi anh chị em chúng tôi đã lâu và nhất là trong buổi tiếp xúc đầu tiên với bà Nguyễn Đình Chi ở nhà chị Song, trưa ngày thứ bảy 1-10-1983. Có một anh bạn gợi ý: “Tại sao chúng ta không nhân dịp có bà Chi đang còn ở đây để tổ chức một bữa cơm?”

  • HƯƠNG CẦN      (Chuyện ít ai biết trong làng âm nhạc)Nhạc sỹ, Giáo sư viện sỹ Lưu Hữu Phước (1921-1989) là tác giả của rất nhiều hành khúc nổi tiếng. Với tài năng của mình, từ bài hát này đến bài hát khác, ông đã góp phần nuôi dưỡng những phong trào cách mạng to lớn.

  • HÀ VĂN THỦYCó thể nói nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã tạo nên một hiện tượng thơ, nhiều tập thơ của bà được in với số lượng lớn, tác quyền bà thường nhận sách mà không nhận tiền, những nơi in thơ cho bà vẫn dành cho bà những niềm ưu ái. Công ty Văn Hóa Sáng Tạo Trí Việt (First News) in tiếp hai năm hai cuốn Hãy Cho Nhau - Nước Vẫn Xanh Dòng (2004 - 2005).

  • TRẦN HỮU LỤCKhởi đầu là nỗi nhớ Huế, tác giả Phan Thị Thu Quỳ viết về quê quán,thời niên thiếu như một cách giãi bày, chia sẻ. Những trang viết như sông Hương âm thầm chảy qua những ngõ ngách đời người, trong trẻo và cuốn hút.

  • TRẦN THỊ LINH CHITừ ngày theo chồng vào Nam, tính ra xa Huế hơn nửa thế kỷ, đất khách quê người, hiếm khi được nói hay nghe tiếng của quê hương một cách trọn vẹn. Ngay trong gia đình, đến đời cháu nội, cháu ngoại thì đã rặt tiếng miền Nam. May mắn bên mình còn có ông “Dôn”(*) người thường xuyên “gợi nhớ” qua câu nói đầu môi khi đối thoại: Mụ ơi!

  • TRẦN CÔNG TẤNNhững ngày làm báo, tôi đã biên tập mấy bài của cộng tác viên Võ Quang Yến từ Pháp gửi về. Tôi biết rõ ông là một nhà khoa học lớn, hàng chục năm liền làm Giám đốc ở Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp. Vài lần ông về làm việc giúp nước, chúng tôi đã gặp nhau.

  • TÔN NỮ NGỌC HOANhư một “kẻ bị lưu đày trên đảo xanh”, Hữu Vinh luôn hướng về quê nhà với trái tim của chàng trai 18 tuổi - tuổi của ngày rời xa người mẹ thân yêu, xa tiếng chuông chùa Thiên Mụ, xa con đường đến trường xuôi theo giòng Hương quen thuộc đến chân trời mới lạ để rồi bằn bặt 18 năm sau mới có cuộc đoàn viên rưng rưng nước mắt trên quê xưa.

  • TRUNG SƠNVậy là tôi không còn dịp để được thăm chị nữa rồi!Mấy năm trước, khi nhà văn Nhất Lâm, một người cháu của nhà thơ Vĩnh Mai, cho biết chị Phương Chi đã phải vào sống những năm cuối đời tại Trại Dưỡng lão ở Hà Đông, tôi đã phải thốt lên: “Trời! Sao lại thế?!...”

  • THÁI KIM LAN...“Cắt từng miếng da non nhìn xem, tôi vẫn vậy/ Chảy ròng ròng trong máu nước sông Hương”...Bỗng tôi thấy em cũng về lại đó.../ Tôi lại cùng em đi thăm chợ Tết/ Em nép mình sưởi ấm với vai tôi/ Đôi mắt, nụ cười, môi hồng rực rỡ/ Huế đây rồi nhờ có em tôi                         (“Hải đường say nắng”, Chỉ có anh mới nhận ra em)...

  • TRẦN KIÊM ĐOÀNThạch Hãn - Mồ hôi của đá chứ không phải mồ hôi đá. Tương truyền rằng, phía cực Tây Trường Sơn có ngọn núi Linh Sơn cao ngất, thường đổi màu từ cổ đồng lúc bình minh, đỏ thẫm giữa ban trưa và tím ngát vào ban chiều. Vào một buổi chiều thuở hồng hoang, có con chim Phượng Hoàng bay ngang núi tím. Núi quá cao khiến chim rủ cánh phải đổ xuống từ lưng trời làm vỡ một góc núi. Không hiểu suối khe, mồ hôi hay nước mắt của núi đã tuôn ra từ khe núi bị nứt tạo thành một dòng sông chảy miết về phía đồng bằng, tuôn ra biển. Dòng sông đó là dòng sông Thạch Hãn.

  • VÕ QUANG YẾN                Tiếng hát đâu mà nghe nhớ thương,                Mái nhì man mác nước sông Hương.                                                     Tố Hữu