Thơ Sông Hương 12-2018

20:09 31/12/2018

Phan Văn Chương - Lê Thành Văn - Vũ Dy - Đỗ Tấn Đạt - Huỳnh Thuý Kiều - Lê Cát Tường - Lê Viết Xuân

Tác phẩm "Tình quân dân" (sơn mài) của HS Nguyễn Đăng Sơn

PHAN VĂN CHƯƠNG

Trở lại làng Vây

Người lính già lần tìm vân tay mình trên tháp pháo
trên vòng quay ngót nghét mấy chục năm
nỗi đau
chưa thôi rỉ máu


người đàn bà Vân Kiều
cũng nhận ra vân tay mình trên tháp pháo
nhớ mỗi lần tiếp đạn
chạm ánh mắt
tìm
tọa độ


thai nghén giữa cuộc chiến
đứa trẻ lớn lên vít nòng pháo xuống đất


thiếu nữ mặc váy may bằng sợi gió
may từ nỗi nhớ vu vơ
tủm tỉm nhìn đồi non
trùng điệp
nhìn tháp pháo rực ngôi sao lửa
còn dấu vân tay người đàn ông


trời xanh
chưa từng xanh thế.




LÊ THÀNH VĂN

Những bức tường hoang liêu Tam Đảo

Những bức tường hoang liêu Tam Đảo
chiều từng chiều phai
tôi ngồi nghe
âm âm lời đá nói


Đá nói
về những ngôi biệt thự mờ sương
ơi đào nương ca nhịp phách đàn
ơi quan ba
ơi tướng lĩnh
ái ân giờ một cuộc mây tan


Những bức tường
rêu đã mờ xanh
trăng cổ thụ soi đêm về lạnh lẽo
đâu chén rượu xập xình
thơm làn hương tóc rối
ai bỏ thị thành về Tam Đảo du ca


Những bức tường
rồi thiên thu gió về với gió
phế hoang từ độ chiến chinh tàn
ôi nước mắt nào chờ nhau hội ngộ
cố tri biền biệt giấc mơ buồn


Những bức tường
tôi nằm mơ thăm thẳm ngực mình
một tiếng vọng hú lên khắc khoải
mai rồi nơi tôi về đây
đá lại nói điều gì cùng hậu thế
có ai còn nghe như tôi không
từng phiến chiều tàn phai úa rụng
khi những bức tường chìm dần vào bóng tối
lặng câm?




VŨ DY

Hàm ngôn mùa đông

ngang vầng trăng mùa hạn
về im như con ve mùa lạnh
nhìn khuya đỏ màu tường vi


ký ức là những tụng ca dẫn dụ người
rêu rao nỗi buồn sang trọng


chiều ngang qua nhòe nhoẹt từng mảng nâu buồn
mưa trên phiên khúc nổi chìm
trên vai ngôi nhà màu hồng trĩu nặng
mùa lá sắp đặt vô tình


Kỷ niệm sắc như dao
trên từng bậc đá chẻ
tháng ngày ẩm mốc
những hàm ngôn mùa đông
chắc gì người đã hiểu
bếp lửa hàng quán ngoài kia mưa hắt
chập chờn tháng ngày đã mất
ly rượu ấm ngồi tàn khuya
áo măng tô lật cao cổ
cứ ngỡ gọi về


người đi đêm nay
bóng vắt ngang bậc cửa
nghe một lần xướng tên




ĐỖ TẤN ĐẠT

Dòng sông cũ
và người gác cổng tình yêu


người gác cổng trời đã về
trước lúc hoàng hôn
bên dòng Ngân hà mây chiều sập xuống
tôi như con ngựa chứng quỵ xuống bóng em
ngày vỡ đôi Ô Thước
như mảnh trăng ghim đáy thuyền độc mộc
thủng tràn một biển cô đơn…
trong nỗi nhớ của sớm mai ồn như thác chảy
những bông bọt nước như tình yêu vô lượng
nở hết một lần đá gành cheo leo…
không còn dắt tay nhau về phía cỏ lau bạt ngàn
những đồi sim bắt đầu tím
trong một chiều gió về tái hợp sông xanh
đừng vuốt tóc trầm mây trắng
sao không hôn nhau lần nữa?
một lần hết thảy cho đi
trong ngôi nhà có bốn vách mùa đông
ai đốt lửa hạnh ngộ?
cháy cho nhau hết tàn tro này…
người gác cổng trời đã khóa cửa khu vườn trái cấm
trong một đêm trăng rơi
trên nóc nhà thờ
em chuông vàng cổ tịch
ngân vào tôi
câu kinh nửa mùa…




HUỲNH THUÝ KIỀU

Dư âm

Mùa lăn theo ngọn chướng
Sáng nay heo may đậu trên phím đàn
Gõ dư âm tiếng bầy chim tránh rét
Kẻ khuông nhạc buồn về phương Nam


Biển cuối trời nôn nao sóng
Em áo mỏng run bờ vai
Nhặt làn gió trên dư âm liếp cỏ


Em hứng nắng xanh mùa lũ
Nhuộm phù sa châu thổ lên nỗi buồn
Khâu ngàn vạn lá tràm U Minh
thành tấm áo ngày đông trốn bấc


Mùa đông nữa lại về
Niềm vui bò qua nụ cười
đẩy thời gian tận cùng phía vô thanh
Loạng choạng


Dư âm tuột khỏi lòng bàn tay
Nghe rõ tiếng mùa thở dài thậm thượt…




LÊ CÁT TƯỜNG

Có ai xưa ấy

Có ai xưa ấy cầm hương đợi
Chờ ta lưu lạc nước non về
Đời trăng như thể chưa từng khuyết
Mà khuyết giữa trời một mảnh khuya!


Đò ơi... Ai gọi mà hoang quá...
Bên kia bờ sóng bóng ai chờ
Sông trôi như thể chưa từng giạt
Chiều giạt phương này một mảnh xưa!




LÊ VIẾT XUÂN

Đêm Pleiku

Đêm như thực như mơ
Mấy bóng đèn khuya lúc tỏ lúc mờ
Ngoài hiên mưa rơi thánh thót
Mưa nói gì mà gió ngẩn ngơ


Chợt hiện về nỗi nhớ vu vơ
Đôi mắt em nhòe mưa đêm ấy
Tình ca Tây Nguyên em hát hay đến vậy
Ai đỏ mắt trông chờ mà tức tưởi mưa rơi..


Mưa bản nhạc không lời
Thấm vào tím đất ba gian khô khát
Điệp trùng rừng cà phê sây hạt
Hoa giã quỳ vàng rực những chiều hoang..


Thoảng như hơi thở mơ màng
Lắng vào tôi nỗi buồn da diết
Em ở nơi đâu giờ này có biết
Có một người thao thức, đếm mưa rơi.

                                                Pleiku, 24/7/2018

(TCSH358/12-2018)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ...Sao nhiều việc vẫn còn im lặng đáSức ỳ nào?Sao nhiều việc không bén nhanh như                                              cứu hoả...

  •                 Tặng Hoàng HưngCó thật ông đấy không?Vừa đi vừa đếm bướcNhững bước trầm trên trảng cátMột bước lên, lại một bước lùi về

  • ...Âm dương day trở cuộc sinh thànhMùa tinh tú phong phanh...

  • Nước cuộn xoáy chỗ sông tìm gặp biểnHãy còn nghe hương cỏ THẠCH XƯƠNG BỒ Nơi cuối sông nhớ về nguồn khắc khoảiSông hiền hòa nên được gọi sông THƠ...

  • Những đàn bà không chồngNhư những chiếc mâm cổLặng lẽ đầy rêu phong

  • Kêu sớm, kêu chiều, kêu cả hoàng hônKêu bồ đề xanh (*), kêu tượng đài trắngKêu buốt lá kim trên cây mọc thẳngTiếng kêu nhức nhức Trường Sơn.

  • ...dòng sông quê mang chuyện tình trôi mãisông ơi...

  • Lê Vĩnh Tài sinh tại thành phố Buôn Mê Thuột, hội viên Hội văn nghệ Đắc Lắc. Năm 1996 anh có mặt trong tập thơ “6 ô cửa sổ” cùng với 5 tác giá trẻ Đắc Lắc; Và là đại biểu chính thức dự Hội nghị những người viết trẻ toàn quốc lần thứ V (1998).Thơ Lê Vĩnh Tài đẹp và buồn, bảng lảng như một tiếng gõ cửa mơ hồ, để lại những ngấn sóng xao xuyến trong lòng bạn đọc.

  • Con đẻ của Khánh Hoà nhưng là con dâu của Huế. Lê Khánh Mai tốt nghiệp Thạc sĩ khoa học xã hội và nhân văn, hiện là Tổng biên tập tạp chí Nha Trang. Ngoài 4 tập thơ và 1 tiểu thuyết đã xuất bản, Lê Khánh Mai còn có nhiều thơ in trong các tuyển tập khác.Thơ Lê Khánh Mai lành mà gợi, róc rách giữa hai dòng truyền thống và hiện đại, dùng dằng giữa hai nẻo hiện thực với mộng mơ...

  • Sinh 1954 tại Nghi Lộc,  Nghệ An. Hiện là công nhân ngành in ở Huế. Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Tác phẩm đã xuất bản:- Lá thời gian- Tinh khôi- Chàng ca sĩ bình minh

  • Sinh ngày 29 - 05 - 1978 tại HuếNguyên quán: Đồng Hới - Quảng BìnhĐại biểu Hội nghị những người viết văn trẻ Việt Nam 2 lần V và VIHiện đang công tác tại Khoa Ngữ văn - ĐHSP HuếTác phẩm: Thơ “Khi em mười chín”- NXB Thuận Hoá 1998.

  • Tưởng chừng như dòng sông trôi chật hương                                                 bòng, hương bưởitưởng chừng như con đường quen, quen tựbao giờhình như tôi đã có lần tiền kiếpđêm thiên hà vỡ một ánh sao rơi

  • Có gì mà nhớ quêGặp sông nhìn đăm đắmThương bên lở bên bồiLo quê mùa nước lớn

  • Bãi cát nhàu muối mặnHoang dại một loài hoaAi đặt tên Cúc biểnMàu tím đỏ mượt mà

  • Em về với chị, quê xưaQuê em quê chị, bây giờ quê ai?Cách xa hút tháng năm dàiSao ngày trở lại lạnh gai cả người.

  • (Nhân lời kể của một người chơi chim)

  • Chị tôiphận gáiheo may về lơ lửng sáo diều ngânSông Bồ mười hai bếnbến nào nước đụcbến nào trong...

  • ...Không hề có chia ly, không cả lời giã từ, chỉ phương ấy trongvô vọng của em, chợt giây khắc này bừng chói...

  • Gương mặt thánh thiệnSáng và buồn

  • Sinh 1962 ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại học hàng hải tại Liên Xô (1986) và đã từng là thuyền trưởng Hải quân. Ngô Tự Lập đã xuất bản hơn chục đầu sách bao gồm thơ, truyện, tiểu luận và dịch thuật.Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt .