Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020)
PHONG LÊ
Ảnh: Internet
30 năm đã qua, tính từ 30 tháng Tư năm 1975 đến 2005 là năm hai cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc(1) và Đặng Thùy Trâm ra đời(2), cùng trước đó là 30 năm trong chiến tranh (1945 - 1975), chúng ta đã có một nền văn học viết về chiến tranh của một đội ngũ người viết - dẫu chuyên hoặc không chuyên, đều có chung một tâm nguyện là viết sao cho vừa chân thực, vừa có đóng góp tích cực cho cuộc chiến đấu đòi hỏi tận cùng những nỗ lực và hy sinh của toàn dân tộc. Và với hai cuốn nhật ký này, chúng ta lại có dịp thử nghiệm lại tính chân thực của nền văn học ấy; một thử nghiệm cho thấy độ tin cậy cao nhất về những gì đã được viết; và cả độ tin cậy về sự đón nhận, sự bàn luận và đánh giá của các thế hệ đến sau khi chiến tranh đã lùi vào lịch sử.
Đây là hai cuốn nhật ký người viết chỉ viết cho riêng mình, và giá có một mong mỏi xa xôi nếu mình còn sống, hoặc nếu cuốn nhật ký còn lưu giữ được thì cũng chỉ là cho người thân của mình. Như vậy có nghĩa là nó đã được viết với sự trung thực tuyệt đối với bản thân, và tuyệt không bị chi phối bởi bất cứ áp lực nào khác - áp lực của sự in ra, sự phổ biến để có một lượng người đọc nào đấy ngoài bản thân mình. Cả hai, Thạc và Thùy - nhân vật chính trong hai cuốn nhật ký đương nhiên là không có chủ định làm văn; và trong khi viết, họ cũng không nghĩ là sẽ có một ai đó, ngoài người thân đọc mình. Đây là mấy dòng trong trang cuối nhật ký Nguyễn Văn Thạc: “Ngày mai, ngày kia… Phải để lại tất cả ở đằng sau. Tôi không thể để cho ai đọc những dòng suy nghĩ này. Trừ khi tôi không còn sống mà gìn giữ nữa”. Vậy đây là một tấm gương soi trung thành tuyệt đối của chỉ một người. Thế nhưng khi hai cuốn nhật ký đã trở thành cuốn sách cho công chúng, cho sự đọc của cả nước, thì những gì được ghi trong đó bỗng trở thành tấm gương trung thực cho cả một thời, của cả một thế hệ.
Với Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc, đó là tấm gương soi tâm hồn của một thế hệ dấn thân, không ngại gian khổ, hy sinh. Một thế hệ tìm được sự thể hiện khát vọng và mơ ước của mình trong những vần thơ lửa cháy của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Trần ĐăngKhoa… Và tình yêu (lúc nào mà chẳng thế!) nó là sợi giây, là mạng lưới bền chặt gắn anh với hậu phương, qua đó, làm nổi lên màu sắc trữ tình và chất lãng mạn của một thời, không thể thiếu, như một điều cần thiết của cuộc sống để cho con người có thể đi vào chiến trường và đối mặt với cái chết.
Bấy giờ là những năm sau Mậu Thân 1968 và chiến trường Quảng Trị đang nóng rẫy trong một cuộc đối đầu quyết liệt giữa địch và ta. Cuốn nhật ký đã được gửi ra Hà Nội từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh); và chàng trai Nguyễn Văn Thạc đã không còn thời gian và hoàn cảnh để ghi tiếp, sau những dòng này: “Kẻ thù không cho tôi ở lại. Phải đi. Tôi sẽ gửi về cuốn nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn nhật ký thân yêu của đời lính.
Ừ, nếu như tôi không trở lại? Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.
(...)
Kính chào Hậu phương - Chào gia đình và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi. Nhất định có ngày trở về Thủ đô yêu quý của lòng tôi”.
Ngày ghi và địa chỉ dòng cuối nhật ký là 3-6-1972 - Ngã Ba Đồng Lộc. Trước mặt anh tân binh Hà Nội lúc này là mùa hè đỏ lửa của Quảng Trị…
Khi Thạc viết trong nhật ký: “Liệu mình có thể làm được gì cho văn học chống Mỹ hay không? Biết bắt đầu từ đâu, và đi theo con đường nào? Làm sao có được một bàn tay dẫn dắt của người đi trước?”; tôi rất tin là nền văn học Việt Nam chống Mỹ đã mất đi một cây bút kế tiếp hoặc ở bên cạnh Phạm Tiến Duật, Ca Lê Hiến, Bế Kiến Quốc, Hoàng Nhuận Cầm…
Và chắc chắn trong thế hệ những người vào chiến trường có không ít những người như Nguyễn Văn Thạc...
Với Nhật ký Đặng Thùy Trâm - đó là chân dung một con người có đủ tầm vóc một anh hùng trong lực hấp dẫn tuyệt vời của nó - ở lý tưởng sống, ở các quan hệ sống, và ở một thế giới tâm hồn tôi cho là chưa có một hình tượng nào trong văn học viết về chiến tranh của ta đạt được. Và cái đẹp ở chị, cái cao thượng ở chị, cái tuyệt vời ở chị là cái thực 100%, cho đến tận ngày chị hy sinh. Và sau khi chị hy sinh, sau khoảng lặng 30 năm, cho đến khi cuốn nhật ký được in ra, chị lại vẫn sống tiếp một cuộc sống thiêng liêng trong lòng bao nhiêu người sống. Nếu nói đến tính chân thực trong sự sống lan tỏa và vĩnh cửu của nó - đó là hình ảnh Đặng Thùy Trâm trong nhật ký. Nếu có một con người trong trọn vẹn của cái Đẹp vừa là trần gian, vừa như huyền thoại; vừa khát khao tìm đến người thân và đồng chí như một điểm tựa, vừa lại là điểm tựa vững chãi cho bao người; vừa kiên cường mạnh mẽ như một hiệp sĩ, lại vừa mềm mại, tinh tế như một nhành hoa, trong những cảm nhận về thơ, văn, nhạc, họa… thì đó là Đặng Thùy Trâm. Con người ấy, ở tuổi ngoài 25, với những gì chị để lại qua nhật ký, đã làm vinh quang cho Đảng khi chị nói đến cái nguyệnvọng luôn luôn bị cản trở mà không sớm được kết nạp - trong một lá thư gửi về gia đình: “Ai đâu có thể vì tiền tài, danh vọng mà ra đi, còn con, ngoài Đảng chắc không ai có thể làm con xa với gia đình!” Và cũng qua nhật ký của chị, ta hiểu Đảng có một sức hút thiêng liêng. Chị cũng làm vinh quang cho nhà trường xã hội chủ nghĩa, nơi đã cho chị một khát vọng cống hiến để vào chiến trường; và một tri thức cùng tay nghề để phụ trách một bệnh viện huyện, trong 3 năm - nơi phải chịu những khó khăn và hy sinh nhiều nhất, so với bất cứ ai, ở bất cứ vị thế hoặc vị trí nào nơi chiến trường. Chị cũng đã góp phần tôn vinh những câu thơ của Bác Hồ, của Tố Hữu và nhiều người viết khác vốn đã hòa được vào bầu khí quyển một thời của dân tộc. Chị cũng đã tôn vinh chính cái chất gọi là “tts” (tiểu tư sản) mà một thời rất dài bị kỳ thị; và chính chị, cũng như Nguyễn Văn Thạc, từng là nạn nhân, nó là những giây phút chị mở Đài để được gội trong các giai điệu nhạc cổ điển; được ngắm trăng trong yên ắng tuyệt đối của bệnh viện vừa sau một trận càn; được trở về với kỷ niệm hậu phương, trong đó có một tình yêu chị muốn quên đi nhưng không sao quên được; được mơ về Hà Nội - một thời tuổi trẻ... Và nhất là được tự do trong một nỗi cô đơn, và buồn - những nỗi buồn làm thanh sạch và tôn cao con người. Để từ đó ta hiểu vì sao mà những “nỗi buồn chiến tranh” đã trở thành một nhu cầu tự nhiên và cần thiết ở con người, trong và sau khi chiến tranh đã kết thúc, dẫu với bất cứ khoảng cách nào của thời gian.
Bởi, cớ sao lại không thể buồn? Đây là một đoạn nhật ký: “Thêm một tuổi đời, vậy là cái tuổi ba mươi đâu còn xa nữa. Vài năm nữa thôi mình sẽ trở thành một chị cán bộ già dặn, đứng đắn. Nghĩ đến đó mình thoáng thấy buồn. Tuổi xuân của mình đã qua đi trong lửa khói, chiến tranh đã cướp mất hạnh phúc trong tình yêu và tuổi trẻ. Ai lại không tha thiết với mùa xuân, ai lại không muốn cái sáng ngời trong đôi mắt và trên đôi môi căng mọng khi cuộc đời còn ở tuổi hai mươi? Nhưng… tuổi hai mươi của thời đại này đã phải dẹp lại nhiều ước mơ hạnh phúc mà lẽ ra họ phải có”.
Với Nhật ký Đặng Thùy Trâm buồn choán nhiều trang lắm. Ngay vào đầu nhật ký đã thấy buồn. Không phải vì gian khổ và hiểm nguy, trong đối mặt với nhiệm vụ rất nặng và với kẻ thù lúc nào cũng rình rập; với pháo bầy, rốc két, trực thăng… Không phải vì cái im vắng của núi rừng, và lầm lội của mưa lũ. Cũng không phải chỉ vì xa quê hương Hà Nội, xa người thân. Cũng không phải chỉ vì một mối tình sau 8 năm trắc trở. Mà còn là vì quan hệ giữa con người - những người tốt và không tốt, hoặc quá xấu; những ganh tỵ và ghen ghét, những hẹp hòi và đố kỵ đối với cách sống, cách nghĩ được gọi là… tiểu tư sản. Cũng có nghĩa là do một đời sống nội tâm quá phong phú và quá nhạy cảm ở Thùy. Cuộc sống nơi chiến trường ở Thùy cố nhiên có nhiều niềm vui trong kết quả công việc, trong tình thương yêu của đồng bào, đồng đội, nhưng niềm vui ít khi trọn vẹn. Vào Đảng, trong nhật ký 27-9-1968 là một ngày vui, nhưng “sao nhỏ quá so với ý nghĩa của ngày vui. Vì sao vậy hở Thùy? Phải chăng như hôm nào Thùy đã nói: như một đứa con khát sữa mẹ khóc đã mệt rồi, miếngsữa nuốt vào không còn nguyên hương vị thơm ngon và cái thú vị của nó”. Biết bao đồng đội đã dành cho Thùy những tình cảm thân thương nhất. Nhưng trong mọi mối quan hệ đó vẫn cứ để lại cho Thùy không ít dằn vặt, băn khoăn, bởi Thùy luôn luôn đòi hỏi ở nó rất cao, luôn luôn Thùy đặt nó trong một soi xét rất nhiều chiều, nơi một cuộc sống thử thách con người nghiệt ngã nhất.
Buồn gắn với nhớ thương; vì Thùy khao khát sống tận cùng với người; và cũng đòi hỏi người sống tận cùng với mình; nhưng đó là điều không dễ lúc nào cũng đáp ứng được - do hoàn cảnh. Buồn còn gắn với cô đơn. Những trang trải trên mặt giấy cho thấy con người này luôn phải chống chọi với bản thân, thầm lặng mà quyết liệt. Nhật ký 22-7-69: “Chiều mưa xa nhà. Buồn nhớ mênh mông dày nặng như màn mưa đang che phủ quanh chân trời (…) thực ra không phải vì mưa đang rơi, không phải vì nếp nhà tranh không đủ che mưa với cảnh nhà cô đơn hiu quạnh này làm mình cảm thấy buồn, mà từ mấy bữa nay về sống ở đồng bằng, mình thấy cô đơn kỳ lạ. Những buổi sáng mặt trời lên trên mặt biển, những buổi chiều hoàng hôn trên cánh đồng xa và những đêm trăng rực rỡ trên bờ cát trắng, tất cả đều là cảnh đẹp nhưng mà nào có thấy vui”.
Con người trong phận sự làm người, sao cho xứng đáng với chất người - đó là khao khát, là ao ước xuyên suốt nhật ký Đặng Thùy Trâm. Cho đến trang cuối, trước lúc hy sinh, ở Thùy vẫn là sự kết đọng một khao khát cháy lòng để vượt thoát cô đơn: “Không, mình không còn thơ dại nữa, mình đã lớn, đã dày dạn trong gian khổ, nhưng lúc này đây sao mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra là một bàn tay của một người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt”.
*
Ba mươi năm sau chiến tranh đủ cho mọi ký ức trở nên xa vời. Thế mà với hai cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm xuất bản năm 2005 lại có một dịp cho ta trở lại một thời đạn bom, tận cùng hy sinh, tận cùng gian khổ, nhưng cũng tận cùng đằm thắm tình đời và tình người. Phải gồm cả hai phía đó mới đạt được vẻ chân thực của chính nó, mà thêm một lần nữa, Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm đã là chứng nhân, là phát ngôn có sức tin cậy cao nhất.
Và vẫn tình đời, tình người đang sống tiếp cuộc sống 30 năm sau của nó. Sống trong một lưu luyến không dứt, và bỗng cuộn trào vào tháng 5/2005, khi hai cuốn nhật ký lần lượt đến với bạn đọc, với mỗi cuốn trên dưới 400.000 bản được ấn hành. Đó là cơ hội cho sự huy động và hội tụ ký ức của biết bao lớp bạn bè, đồng đội thân quen; bao người thân trong gia đình; bao địa chỉ là đất ở hoặc đất ghé qua, trên hành trình Hà Nội vào chiến trường. Và của cả một thế hệ thanh niên ở tuổi 20 đang hào hứng tìm đọc hai cuốn nhật ký để tìm đến, hoặc củng cố lại niềm tin về sức mạnh của tuổi trẻ, trong một thử thách mới của đất nước, chẳng kém trong chiến tranh: thử thách của thời bình.
Cũng là một dịp cho thấy để có hiện thực hôm nay, dân tộc đã đi qua bao mất mát không có gì bù đắp được. Bởi cả hai, ngẫu nhiên mà có, để cho ta soi vào sự sống tuyệt đẹp ở hai con người. Nhưng còn biết bao người, hàng vạn, hàng triệu người khác đã ngã xuống mà không có gì để lại, cũng trong những tư thế không kém nhẹ nhàng như Thạc, không kém anh hùng như Thùy Trâm. Để trở thành vô danh - một vô danh vĩ đại! Cũng như Thạc và Thùy đã trở nên vô danh 30 năm. Còn họ là vô danh vĩnh viễn.
Luận đề này thật xót xa, nhưng không thể không nói đến: Chiến tranh đã cướp đi của dân tộc những con người ưu tú nhất. Như Nguyễn Văn Thạc. Như Đặng Thùy Trâm.
Cùng với hai cuốn nhật ký ta lại có một cơ hội suy tôn chức năng và giá trị của văn chương, qua đóng góp của hai tên tuổi mới, không “chuyên nghiệp”, chỉ ngẫu nhiên ghé qua, mà mở ra biết bao chân trời cho sự nhận thức cuộc sống trong chiều sâu thăm thẳm của nó, và cho sự rung động kết nối giữa con người với con người, không phải chỉ trong giới hạn một quốc gia mà là tất cả những người khác màu da, khác chủng tộc; không phải chỉ sau 30 năm trong khoảng lặng mà rồi sẽ tỏa sáng sự sống bất diệt của nó, cho lâu dài và vĩnh viễn.
Tháng Ba - 2020
P.L
(TCSH374/04-2020)
--------------
1.Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc; Nxb. Thanh niên; 2005.
2. Nhật ký Đặng Thùy Trâm; Nxb.Hội Nhà văn; 2005.
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Cuối năm 1961, tôi rời Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao về làm biên tập viên chương trình Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình này nằm trong Phòng Văn học do nhà văn Trọng Hứa làm Trưởng phòng.
KIMO
Mười Cents, một đồng xu nhỏ nhất, mỏng nhất được gọi là “dime” và đồng xu nầy được đúc với chất liệu 90 phần trăm bạc và 10 phần trăm đồng như đồng xu năm cents và 25 cents nhưng lại khác với đồng xu một cent.
HƯỚNG TỚI 70 NĂM THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ
TÔ NHUẬN VỸ
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ
NGUYỄN KHẮC PHÊ
KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ
NGÔ KHA
LTS: Dưới đây là một ghi chép của cố nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha về những ngày đầu đoàn quân giải phóng về thành Huế dịp 26/3/1975. Rất ngắn gọn, song đoạn ghi chép đã gợi lại cho chúng ta không khí sôi nổi, nô nức những ngày đầu.
Lời nói đầu: Mỗi khi về nhà ở Quỳnh Mai, tôi luôn hình dung thấy Cha tôi đang ngồi đâu đó quanh bàn làm việc của mình. Trong một lần về nhà gần đây, sau khi thắp hương cho Cha, chờ hương tàn bèn mang máy đánh chữ, là vật hết sức gần gũi đã gắn bó với Cha tôi cho tới khi mất, để lau chùi, làm vệ sinh.
Những năm 1973-1976, đến Paris tôi bắt đầu công việc sinh viên, vừa làm vừa học là ký tên và đánh số giùm tranh litho cho Họa sĩ Lê Bá Đảng.
SƠN TÙNG
Một ngày giáp Tết Canh Dần - tháng 2/1950, gặp dịp đi qua làng Sen, tôi ghé vào thăm nơi đã lưu lại những kỷ niệm tuổi thơ của Người.
L.T.S: Vương Đình Quang nguyên là thư ký tòa soạn báo "Tiếng Dân" do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ biên, vừa là thư ký riêng của nhà yêu nước Phan Bội Châu, chuyên giúp Phan Bội Châu hoàn chỉnh những văn bản tiếng Việt trong mười lăm năm cuối đời sống và sáng tác tại Huế. Bài này trích từ "Hồi ký về cụ Phan và cụ Huỳnh" do chính tác giả viết tại quê hương Nam Đàn Nghệ Tĩnh khi tác giả vừa tròn 80 tuổi (1987).
NGUYỄN NGUYÊN
Tháng 6-1966, ở Sài Gòn, giữa cái rừng báo chí mấy chục tờ báo hằng ngày, báo tháng, báo tuần, bỗng mọc thêm một từ bán nguyệt san: Tin Văn.
Cứ vào những ngày cuối năm, khi làm báo tết, trong câu chuyện cà phê sáng, làng báo Sài Gòn hay nhắc đến họa sĩ Choé, tác giả những bức tranh biếm - hí họa từng không thể thiếu trên khắp các mặt báo. Có thể nói, cùng với nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Bùi Giáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Ớt - Huỳnh Bá Thành, danh ca Út Trà Ôn, danh hài Văn Hường,… họa sĩ tuổi Mùi - Choé là một trong những “quái kiệt” của Sài Gòn.
(Lược thuật những hoạt động nhân kỷ niệm 5 năm Sông Hương)
(Bài phát biểu của nhà văn Tô Nhuận Vỹ - Nguyên Tổng biên tập tạp chí Sông Hương trong lễ kỷ niệm 5 năm)
(SHO). Huế đầu đông. Mưa lâm thâm,dai dẳng. Mưa kéo theo các cơn lạnh se lòng. Cái lạnh không đậm đà như miền Bắc không đột ngột như miền Nam, nó âm thầm âm thầm đủ để làm xao xuyến nổi lòng người xa quê... Ngồi một mình trong phòng trọ, con chợt nhớ, một mùa mưa, xa rồi...
(SHO). Mùa mưa cứ thế đến, những nỗi nhớ trong tôi lại từng cái từng cái ùa về, thổi qua và tôi chợt nhận ra trong lúc ngây ngốc tôi đã bỏ quên nhiều thứ như vây; bỏ quên những người thân yêu trong nỗi nhớ của tôi, ở trong kỉ niệm đã qua và giờ tôi nhớ ra cảm giác hạnh phúc, vui vẻ khi ở bên họ, để từ đó tôi quý trọng hơn nữa những giây phút bên cạnh những người mà tôi yêu thương.
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Sau một thời gian bị bệnh hiểm nghèo, ca sĩ Hà Thanh đã qua đời vào lúc 19 giờ 30 ngày 1 tháng 1 năm 2014 (giờ Boston) tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ.
ĐẶNG VĂN NGỮ
Hồi ký
Cha tôi lúc còn nhỏ tự học chữ nho có tiếng là giỏi, nhưng đến tuổi đi thi thì thực dân Pháp đã bãi bỏ các kỳ thi chữ nho.
TÔ NHUẬN VỸ
Lớp sinh viên chúng tôi tốt nghiệp Khoa Văn - Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, đúng vào thời điểm Mỹ đánh phá miền Bắc và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kêu gọi con em miền Nam đang ở miền Bắc hãy trở về chiến đấu cho quê hương.
Giải phóng quân Huế với phong trào Nam tiến
PHẠM HỮU THU
Sau ba năm đi giang hồ Trung Quốc. Nguyễn Du trở về, ở tại Thăng Long từ cuối năm 1790 cho đến năm 1794. Đó là ba năm «Chữ tình chốc đã ba năm vẹn», lưu lại trong Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương.