Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020)
PHONG LÊ
Ảnh: Internet
30 năm đã qua, tính từ 30 tháng Tư năm 1975 đến 2005 là năm hai cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc(1) và Đặng Thùy Trâm ra đời(2), cùng trước đó là 30 năm trong chiến tranh (1945 - 1975), chúng ta đã có một nền văn học viết về chiến tranh của một đội ngũ người viết - dẫu chuyên hoặc không chuyên, đều có chung một tâm nguyện là viết sao cho vừa chân thực, vừa có đóng góp tích cực cho cuộc chiến đấu đòi hỏi tận cùng những nỗ lực và hy sinh của toàn dân tộc. Và với hai cuốn nhật ký này, chúng ta lại có dịp thử nghiệm lại tính chân thực của nền văn học ấy; một thử nghiệm cho thấy độ tin cậy cao nhất về những gì đã được viết; và cả độ tin cậy về sự đón nhận, sự bàn luận và đánh giá của các thế hệ đến sau khi chiến tranh đã lùi vào lịch sử.
Đây là hai cuốn nhật ký người viết chỉ viết cho riêng mình, và giá có một mong mỏi xa xôi nếu mình còn sống, hoặc nếu cuốn nhật ký còn lưu giữ được thì cũng chỉ là cho người thân của mình. Như vậy có nghĩa là nó đã được viết với sự trung thực tuyệt đối với bản thân, và tuyệt không bị chi phối bởi bất cứ áp lực nào khác - áp lực của sự in ra, sự phổ biến để có một lượng người đọc nào đấy ngoài bản thân mình. Cả hai, Thạc và Thùy - nhân vật chính trong hai cuốn nhật ký đương nhiên là không có chủ định làm văn; và trong khi viết, họ cũng không nghĩ là sẽ có một ai đó, ngoài người thân đọc mình. Đây là mấy dòng trong trang cuối nhật ký Nguyễn Văn Thạc: “Ngày mai, ngày kia… Phải để lại tất cả ở đằng sau. Tôi không thể để cho ai đọc những dòng suy nghĩ này. Trừ khi tôi không còn sống mà gìn giữ nữa”. Vậy đây là một tấm gương soi trung thành tuyệt đối của chỉ một người. Thế nhưng khi hai cuốn nhật ký đã trở thành cuốn sách cho công chúng, cho sự đọc của cả nước, thì những gì được ghi trong đó bỗng trở thành tấm gương trung thực cho cả một thời, của cả một thế hệ.
Với Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc, đó là tấm gương soi tâm hồn của một thế hệ dấn thân, không ngại gian khổ, hy sinh. Một thế hệ tìm được sự thể hiện khát vọng và mơ ước của mình trong những vần thơ lửa cháy của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Trần ĐăngKhoa… Và tình yêu (lúc nào mà chẳng thế!) nó là sợi giây, là mạng lưới bền chặt gắn anh với hậu phương, qua đó, làm nổi lên màu sắc trữ tình và chất lãng mạn của một thời, không thể thiếu, như một điều cần thiết của cuộc sống để cho con người có thể đi vào chiến trường và đối mặt với cái chết.
Bấy giờ là những năm sau Mậu Thân 1968 và chiến trường Quảng Trị đang nóng rẫy trong một cuộc đối đầu quyết liệt giữa địch và ta. Cuốn nhật ký đã được gửi ra Hà Nội từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh); và chàng trai Nguyễn Văn Thạc đã không còn thời gian và hoàn cảnh để ghi tiếp, sau những dòng này: “Kẻ thù không cho tôi ở lại. Phải đi. Tôi sẽ gửi về cuốn nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn nhật ký thân yêu của đời lính.
Ừ, nếu như tôi không trở lại? Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.
(...)
Kính chào Hậu phương - Chào gia đình và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi. Nhất định có ngày trở về Thủ đô yêu quý của lòng tôi”.
Ngày ghi và địa chỉ dòng cuối nhật ký là 3-6-1972 - Ngã Ba Đồng Lộc. Trước mặt anh tân binh Hà Nội lúc này là mùa hè đỏ lửa của Quảng Trị…
Khi Thạc viết trong nhật ký: “Liệu mình có thể làm được gì cho văn học chống Mỹ hay không? Biết bắt đầu từ đâu, và đi theo con đường nào? Làm sao có được một bàn tay dẫn dắt của người đi trước?”; tôi rất tin là nền văn học Việt Nam chống Mỹ đã mất đi một cây bút kế tiếp hoặc ở bên cạnh Phạm Tiến Duật, Ca Lê Hiến, Bế Kiến Quốc, Hoàng Nhuận Cầm…
Và chắc chắn trong thế hệ những người vào chiến trường có không ít những người như Nguyễn Văn Thạc...
Với Nhật ký Đặng Thùy Trâm - đó là chân dung một con người có đủ tầm vóc một anh hùng trong lực hấp dẫn tuyệt vời của nó - ở lý tưởng sống, ở các quan hệ sống, và ở một thế giới tâm hồn tôi cho là chưa có một hình tượng nào trong văn học viết về chiến tranh của ta đạt được. Và cái đẹp ở chị, cái cao thượng ở chị, cái tuyệt vời ở chị là cái thực 100%, cho đến tận ngày chị hy sinh. Và sau khi chị hy sinh, sau khoảng lặng 30 năm, cho đến khi cuốn nhật ký được in ra, chị lại vẫn sống tiếp một cuộc sống thiêng liêng trong lòng bao nhiêu người sống. Nếu nói đến tính chân thực trong sự sống lan tỏa và vĩnh cửu của nó - đó là hình ảnh Đặng Thùy Trâm trong nhật ký. Nếu có một con người trong trọn vẹn của cái Đẹp vừa là trần gian, vừa như huyền thoại; vừa khát khao tìm đến người thân và đồng chí như một điểm tựa, vừa lại là điểm tựa vững chãi cho bao người; vừa kiên cường mạnh mẽ như một hiệp sĩ, lại vừa mềm mại, tinh tế như một nhành hoa, trong những cảm nhận về thơ, văn, nhạc, họa… thì đó là Đặng Thùy Trâm. Con người ấy, ở tuổi ngoài 25, với những gì chị để lại qua nhật ký, đã làm vinh quang cho Đảng khi chị nói đến cái nguyệnvọng luôn luôn bị cản trở mà không sớm được kết nạp - trong một lá thư gửi về gia đình: “Ai đâu có thể vì tiền tài, danh vọng mà ra đi, còn con, ngoài Đảng chắc không ai có thể làm con xa với gia đình!” Và cũng qua nhật ký của chị, ta hiểu Đảng có một sức hút thiêng liêng. Chị cũng làm vinh quang cho nhà trường xã hội chủ nghĩa, nơi đã cho chị một khát vọng cống hiến để vào chiến trường; và một tri thức cùng tay nghề để phụ trách một bệnh viện huyện, trong 3 năm - nơi phải chịu những khó khăn và hy sinh nhiều nhất, so với bất cứ ai, ở bất cứ vị thế hoặc vị trí nào nơi chiến trường. Chị cũng đã góp phần tôn vinh những câu thơ của Bác Hồ, của Tố Hữu và nhiều người viết khác vốn đã hòa được vào bầu khí quyển một thời của dân tộc. Chị cũng đã tôn vinh chính cái chất gọi là “tts” (tiểu tư sản) mà một thời rất dài bị kỳ thị; và chính chị, cũng như Nguyễn Văn Thạc, từng là nạn nhân, nó là những giây phút chị mở Đài để được gội trong các giai điệu nhạc cổ điển; được ngắm trăng trong yên ắng tuyệt đối của bệnh viện vừa sau một trận càn; được trở về với kỷ niệm hậu phương, trong đó có một tình yêu chị muốn quên đi nhưng không sao quên được; được mơ về Hà Nội - một thời tuổi trẻ... Và nhất là được tự do trong một nỗi cô đơn, và buồn - những nỗi buồn làm thanh sạch và tôn cao con người. Để từ đó ta hiểu vì sao mà những “nỗi buồn chiến tranh” đã trở thành một nhu cầu tự nhiên và cần thiết ở con người, trong và sau khi chiến tranh đã kết thúc, dẫu với bất cứ khoảng cách nào của thời gian.
Bởi, cớ sao lại không thể buồn? Đây là một đoạn nhật ký: “Thêm một tuổi đời, vậy là cái tuổi ba mươi đâu còn xa nữa. Vài năm nữa thôi mình sẽ trở thành một chị cán bộ già dặn, đứng đắn. Nghĩ đến đó mình thoáng thấy buồn. Tuổi xuân của mình đã qua đi trong lửa khói, chiến tranh đã cướp mất hạnh phúc trong tình yêu và tuổi trẻ. Ai lại không tha thiết với mùa xuân, ai lại không muốn cái sáng ngời trong đôi mắt và trên đôi môi căng mọng khi cuộc đời còn ở tuổi hai mươi? Nhưng… tuổi hai mươi của thời đại này đã phải dẹp lại nhiều ước mơ hạnh phúc mà lẽ ra họ phải có”.
Với Nhật ký Đặng Thùy Trâm buồn choán nhiều trang lắm. Ngay vào đầu nhật ký đã thấy buồn. Không phải vì gian khổ và hiểm nguy, trong đối mặt với nhiệm vụ rất nặng và với kẻ thù lúc nào cũng rình rập; với pháo bầy, rốc két, trực thăng… Không phải vì cái im vắng của núi rừng, và lầm lội của mưa lũ. Cũng không phải chỉ vì xa quê hương Hà Nội, xa người thân. Cũng không phải chỉ vì một mối tình sau 8 năm trắc trở. Mà còn là vì quan hệ giữa con người - những người tốt và không tốt, hoặc quá xấu; những ganh tỵ và ghen ghét, những hẹp hòi và đố kỵ đối với cách sống, cách nghĩ được gọi là… tiểu tư sản. Cũng có nghĩa là do một đời sống nội tâm quá phong phú và quá nhạy cảm ở Thùy. Cuộc sống nơi chiến trường ở Thùy cố nhiên có nhiều niềm vui trong kết quả công việc, trong tình thương yêu của đồng bào, đồng đội, nhưng niềm vui ít khi trọn vẹn. Vào Đảng, trong nhật ký 27-9-1968 là một ngày vui, nhưng “sao nhỏ quá so với ý nghĩa của ngày vui. Vì sao vậy hở Thùy? Phải chăng như hôm nào Thùy đã nói: như một đứa con khát sữa mẹ khóc đã mệt rồi, miếngsữa nuốt vào không còn nguyên hương vị thơm ngon và cái thú vị của nó”. Biết bao đồng đội đã dành cho Thùy những tình cảm thân thương nhất. Nhưng trong mọi mối quan hệ đó vẫn cứ để lại cho Thùy không ít dằn vặt, băn khoăn, bởi Thùy luôn luôn đòi hỏi ở nó rất cao, luôn luôn Thùy đặt nó trong một soi xét rất nhiều chiều, nơi một cuộc sống thử thách con người nghiệt ngã nhất.
Buồn gắn với nhớ thương; vì Thùy khao khát sống tận cùng với người; và cũng đòi hỏi người sống tận cùng với mình; nhưng đó là điều không dễ lúc nào cũng đáp ứng được - do hoàn cảnh. Buồn còn gắn với cô đơn. Những trang trải trên mặt giấy cho thấy con người này luôn phải chống chọi với bản thân, thầm lặng mà quyết liệt. Nhật ký 22-7-69: “Chiều mưa xa nhà. Buồn nhớ mênh mông dày nặng như màn mưa đang che phủ quanh chân trời (…) thực ra không phải vì mưa đang rơi, không phải vì nếp nhà tranh không đủ che mưa với cảnh nhà cô đơn hiu quạnh này làm mình cảm thấy buồn, mà từ mấy bữa nay về sống ở đồng bằng, mình thấy cô đơn kỳ lạ. Những buổi sáng mặt trời lên trên mặt biển, những buổi chiều hoàng hôn trên cánh đồng xa và những đêm trăng rực rỡ trên bờ cát trắng, tất cả đều là cảnh đẹp nhưng mà nào có thấy vui”.
Con người trong phận sự làm người, sao cho xứng đáng với chất người - đó là khao khát, là ao ước xuyên suốt nhật ký Đặng Thùy Trâm. Cho đến trang cuối, trước lúc hy sinh, ở Thùy vẫn là sự kết đọng một khao khát cháy lòng để vượt thoát cô đơn: “Không, mình không còn thơ dại nữa, mình đã lớn, đã dày dạn trong gian khổ, nhưng lúc này đây sao mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra là một bàn tay của một người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt”.
*
Ba mươi năm sau chiến tranh đủ cho mọi ký ức trở nên xa vời. Thế mà với hai cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm xuất bản năm 2005 lại có một dịp cho ta trở lại một thời đạn bom, tận cùng hy sinh, tận cùng gian khổ, nhưng cũng tận cùng đằm thắm tình đời và tình người. Phải gồm cả hai phía đó mới đạt được vẻ chân thực của chính nó, mà thêm một lần nữa, Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm đã là chứng nhân, là phát ngôn có sức tin cậy cao nhất.
Và vẫn tình đời, tình người đang sống tiếp cuộc sống 30 năm sau của nó. Sống trong một lưu luyến không dứt, và bỗng cuộn trào vào tháng 5/2005, khi hai cuốn nhật ký lần lượt đến với bạn đọc, với mỗi cuốn trên dưới 400.000 bản được ấn hành. Đó là cơ hội cho sự huy động và hội tụ ký ức của biết bao lớp bạn bè, đồng đội thân quen; bao người thân trong gia đình; bao địa chỉ là đất ở hoặc đất ghé qua, trên hành trình Hà Nội vào chiến trường. Và của cả một thế hệ thanh niên ở tuổi 20 đang hào hứng tìm đọc hai cuốn nhật ký để tìm đến, hoặc củng cố lại niềm tin về sức mạnh của tuổi trẻ, trong một thử thách mới của đất nước, chẳng kém trong chiến tranh: thử thách của thời bình.
Cũng là một dịp cho thấy để có hiện thực hôm nay, dân tộc đã đi qua bao mất mát không có gì bù đắp được. Bởi cả hai, ngẫu nhiên mà có, để cho ta soi vào sự sống tuyệt đẹp ở hai con người. Nhưng còn biết bao người, hàng vạn, hàng triệu người khác đã ngã xuống mà không có gì để lại, cũng trong những tư thế không kém nhẹ nhàng như Thạc, không kém anh hùng như Thùy Trâm. Để trở thành vô danh - một vô danh vĩ đại! Cũng như Thạc và Thùy đã trở nên vô danh 30 năm. Còn họ là vô danh vĩnh viễn.
Luận đề này thật xót xa, nhưng không thể không nói đến: Chiến tranh đã cướp đi của dân tộc những con người ưu tú nhất. Như Nguyễn Văn Thạc. Như Đặng Thùy Trâm.
Cùng với hai cuốn nhật ký ta lại có một cơ hội suy tôn chức năng và giá trị của văn chương, qua đóng góp của hai tên tuổi mới, không “chuyên nghiệp”, chỉ ngẫu nhiên ghé qua, mà mở ra biết bao chân trời cho sự nhận thức cuộc sống trong chiều sâu thăm thẳm của nó, và cho sự rung động kết nối giữa con người với con người, không phải chỉ trong giới hạn một quốc gia mà là tất cả những người khác màu da, khác chủng tộc; không phải chỉ sau 30 năm trong khoảng lặng mà rồi sẽ tỏa sáng sự sống bất diệt của nó, cho lâu dài và vĩnh viễn.
Tháng Ba - 2020
P.L
(TCSH374/04-2020)
--------------
1.Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc; Nxb. Thanh niên; 2005.
2. Nhật ký Đặng Thùy Trâm; Nxb.Hội Nhà văn; 2005.
TRẦN BẢO ĐỊNH
Thương nhớ chú Tư Sâm.
Phải nói ngay rằng, hồi trai trẻ, tôi không thích giới văn chương, chỉ thích giới văn nghệ. Chẳng hiểu vì sao?
BÙI KIM CHI
Thời thiếu nữ của tôi gắn liền với Thành nội. Nơi này tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi yêu Thành nội. Thành nội đã đi vào cuộc đời tôi với nhiều sắc màu.
THANH TÙNG
Kinh đô Huế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, bầu trời u ám của xã hội phong kiến Việt Nam lúc mãn chiều xế bóng đã phát ra tín hiệu của một vì sao NGUYỄN TẤT THÀNH.
LÊ HUY MẬU
Anh Điềm, bấy giờ còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW, nhưng đã sắp nghỉ. Anh ra thăm Côn Đảo. Trong đoàn tháp tùng anh ra Côn Đảo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu có tôi.
PHẠM HỮU THU
1.
Cuối năm 1989, tôi cùng Trần Phá Nhạc ghé 47 C Duy Tân, Quận 3 - TP. HCM thăm anh Trịnh Công Sơn.
LGT: Hiện không nhiều tài liệu miêu tả miêu tả về đời sống, sinh hoạt văn hóa, xã hội của Huế vào thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước. Bản dịch dưới đây là trích đoạn từ cuốn nhật kí Adieu Saigon, Au revoir Hanoi (Chào Hà Nội, tạm biệt Sài Gòn - Nhật ký kì nghỉ năm 1943) của Claudie Beaucarnot.
DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ
Hồi Ký
Ba mươi tháng tư. Tôi đang dùng bữa tối cùng gia đình thì chợt nghe tivi thông báo ông Thanh Nghị chết.
PHƯỚC VĨNH
Hình ảnh Hồ Chủ tịch là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với nhiều nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.
BỬU Ý
Đinh Cường đã vĩnh biệt tất cả chúng ta! Một nghệ sĩ trong cái ý nghĩa toàn diện, cao đẹp nhất, một nghệ sĩ làm lan tỏa nghệ thuật ra chung quanh mình cho gia đình, cho bạn bè, cho cả đời sống, khiến anh trở thành tâm điểm cho những cuộc gặp mặt, những buổi hội hè.
PHAN NGỌC MINH
1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp…
PHAN NGỌC MINH
1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp…
VÕ SƠN TRUNG
Trong gần một thế kỷ qua, bạn đọc Việt Nam đã tiếp cận khá nhiều tác phẩm của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, trong đó có hàng chục tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói, tiểu luận, và thậm chí cả hồi ký của thi hào…
Lần đầu nói chuyện trực tiếp với họa sĩ Đinh Cường tại xe cà phê Tôn trước nhà thờ Tôn Nhân Phủ ở Thành Nội, tôi: “Thưa thầy!” Anh khoát tay: “Úi dà, bày đặt. Chỗ bạn bè anh em với nhau cả, thầy bà chi nghe đỗ mệt!”
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Thật vui mừng và xúc động khi cầm trên tay tập sách Rừng hát của cố nhạc sĩ Trương Minh Phương do gia đình tặng. Tuyển tập dày 1.328 trang, chia làm 4 phần, tập hợp những sáng tác, nghiên cứu văn học nghệ thuật trong cuộc đời của nhạc sĩ.
VÕ TRIỀU SƠN
Ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ra mắt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cuộc kiến thiết đất nước được bắt đầu, trong đó có văn hóa.
VÕ TRIỀU SƠN
Ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ra mắt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cuộc kiến thiết đất nước được bắt đầu, trong đó có văn hóa. Những ngày tháng đầu tiên của các hoạt động văn hóa nghệ thuật dưới chính thể Việt Nam mới diễn ra thật sôi nổi. Sau đây là lược thuật một số hoạt động trong mùa đông 1945, cách đây tròn 70 năm.
LỮ QUỲNH
"Vì tôi là người Huế và đã một thời tuổi trẻ nặng nợ với sông Hương suốt những mùa hè nóng bức ngủ đò nên tôi nhìn sông Hương luôn luôn với đôi mắt của người bạn.
Sáng ngày 27-11-2015 tôi đến nghĩa trang Père Lachaise để tiễn anh đến nơi yên nghỉ cuối cùng, sau khi hỏa táng, anh sẽ nằm trong ngôi mộ gia đình, đây cũng là nơi nhạc sĩ Chopin yên giấc ngàn thu nhưng trái tim thì trở về quê hương Ba Lan. Nguyễn Thiên Đạo cũng thế anh nằm ở Paris nhưng trái tim và tâm hồn anh từ lúc sống đến lúc chết luôn luôn hướng về Việt Nam.
HOÀI MỤC
Vừa giải phóng xong ba tôi đưa cả gia đình từ thành phố về quê. Cuộc sống vất vả nhưng quá nhiều cái mới lạ nên đầu óc con nít của tôi khi mô cũng thấy háo hức.
NGUYỄN KHẮC VIỆN
Trích hồi ký
- 75 rồi đấy, ông ơi! Viết hồi ký đi. Chuối chín cây rụng lúc nào không biết đấy!