Ở cõi nào Hải Bằng vẫn là thi sĩ

09:43 07/07/2023

HỒNG NHU

Tôi biết anh, đọc anh từ trong kháng chiến chống Pháp, nhưng mỗi người một đơn vị công tác, mãi đến năm 1972 mới gặp nhau. Đó là một ngày mùa hè, bấy giờ Đông Hà vừa mới được giải phóng.

Cố nhà thơ Hải Bằng và nhà thơ Hồng Nhu tại Hội văn học nghệ thuật Huế thập niên 90 - Ảnh: tư liệu

Tôi từ Vinh vào Quảng Bình chờ đoàn công tác Hà Nội vào để cùng đi Đông Hà. Tôi tìm đến nơi Hội Văn nghệ và Ty Văn hóa sơ tán tại một xóm nhỏ ven đồi cách Đồng Hới chừng mươi cây số.

Đang giữa trưa nắng nóng, Hải Bằng đánh quần đùi may ô lom khom, chăm chú làm cái gì đó ở chỗ vại nước nhà dân, nơi anh tá túc. Trần Nhật Thu bước vào, gọi to:

- Anh Hải Bằng ơi! Hồng Nhu mới ngoài kia vào ghé thăm anh đây này!

Hải Bằng ngẩng lên nhìn chúng tôi, “ồ” một tiếng rất vui vẻ. Cái tay tôi đưa ra để bắt tay anh bị hẫng bởi vì ngay lập tức anh im lặng, hơi nhíu trán quay đi, nhìn ngó đâu đó xung quanh ao, vườn của nhà chú. Tôi vội hỏi để chữa ngượng:

- Anh đang tưới cây đó à? Cây gì lạ vậy anh?

- À... à đó là thạch hộc loại chuyên mọc trên đá, mình mới kiếm được. Này, về chỗ Trần Nhật Thu nghỉ nghe, chờ mình chút!

Nói xong anh vớ chiếc cần câu dựng ở góc hè, quay lưng đi thẳng.

Chúng tôi trở lại nơi lán của Hội, ngồi nói chuyện được một chốc thì Hải Bằng xuất hiện. Mặt mày rạng rỡ, anh đưa cần câu lên. Đầu dây cần là một chú cá tràu to dễ đến bằng cổ tay. Anh gỡ con cá, quăng cho vợ Trần Nhật Thu:

- Rứa là có cái để thết Hồng Nhu, thôi tau về cái đã!

Nói xong, lại quay lưng đi thẳng. Trần Nhật Thu xòe ra cười, giải thích:

- Hóa ra bố nghĩ cách làm sao để câu cho được cá tràu mẹ giữa trưa và câu ở chỗ nào!

Nhưng rồi soong cá tràu kho nước tuyệt ngon ấy tôi không được ăn. Chả là khoảng nửa chiều Mỹ Dạ ở Hà Nội vào, kéo theo một đoàn văn nghệ sĩ đi chiến trường ghé lại: Trọng Loan, Bùi Bình Thi, Hồng Diệu v.v... Mỹ Dạ lo xa, sợ ở nhà bếp cơ quan hết gạo, trên đường về đã mua sẵn một túi bánh ướt. Sẵn có cá kho, thế là chúng tôi “ưu tiên" người đi chiến trường cái đã! Chúng tôi dọn ra. Đang đói bụng, lại phải nhanh để lên đường gấp cho kịp, chỉ xoẹt một cái, rổ bánh và soong cá kho đã sạch nhẵn.

Khách đi rồi, Hải Bằng trở lại thì mọi chuyện đã xong xuôi. Trong lúc chúng tôi cười vui, thì anh nghiêm mặt, chặc lưỡi xuýt xoa mãi, tiếc cho “bữa tiệc” anh dành cho tôi bị hỏng ăn!

...Lại nhớ hồi tôi mới trở về công tác tại Hội Văn nghệ tỉnh nhà. Nhìn cái cảnh cả “bầu đoàn thê tử” nhếch nhác của tôi, ngoài một đống sách vở ra chẳng có cái gì cả, anh ngẫm nghĩ rồi nói:

- Đi qua nhà mình, mình cho cái ni!

Lúc bấy giờ gia đình anh ở tại căn phòng tập thể của Công ty phát hành sách, chật chội và tối tăm. Anh lụi cụi leo lên gác lửng, lôi từ trong đống đồ đạc linh tinh ra một cái bàn và hai cái ghế xếp nhỏ, hất hàm:

- Chở về có cái mà ngồi. Bọn mình thì việc trước hết là viết, nghèo khổ đến đâu cũng viết, trời sập cũng viết, phải không?

Tôi chỉ còn biết đứng lặng nhìn anh mà nước mắt lưng tròng...

Cái bàn và hai cái ghế nhỏ ấy chính là nơi mà tôi đã ngồi viết suốt mấy năm ở tại gian hầm của 26 Lê Lợi...

Thế đấy, Hải Bằng là thế! Nhiều người trong giới văn nghệ chúng ta thường khó chịu với cái tính hay chỉ tay vỗ mặt của anh mỗi khi anh không đồng ý cái gì và với ai, nhưng ít người chú ý đến cái khía cạnh dịu dàng, tình nghĩa và nhân ái của anh, người thi sĩ đặc Huế này.

Trong cuộc sống thường ngày, Hải Bằng có vẻ căng cứng, thẳng thừng, nghĩ sao nói vậy, chẳng sợ ai, dù người đó là quan to chức trọng thế nào đi nữa. Nhưng thật ra, anh lại hay mềm lòng, mềm yếu là đằng khác; anh sợ bất cứ ai, bất cứ cái gì. Sợ vợ sợ con sợ người lớn đã đành, anh còn sợ cả con nít, trẻ con cũng bắt nạt được anh...!

Anh viết nhiều, người vốn yếu ốm như con mắm lẹp nhưng viết thì khỏe như voi, ít ai bì kịp. Có ngày anh “sản xuất” tới chục bài thơ, và nói cho công bằng là bài nào cũng đọc được, không có bài dở. Không phải người làm thơ nào cũng được như vậy! Có một lần anh rỉ tai tôi làm tôi vô cùng ngạc nhiên vô cùng sửng sốt: “Mình sợ lắm Hồng Nhu ơi! Sợ nên phải viết không ngừng, viết liên tục. Sợ nhất là chính thơ mình nó “chửi bới” mình!”.

Tôi lặng nhìn anh, chẳng hiểu ẩn ý của anh là gì. Mãi sau này tôi mới rõ. Cái sợ của anh là sợ ngòi bút mình viết không ra, viết không hay; sợ bạn bè vì sợ mình mà không dám chê; rồi sợ cả cho những ai vốn là người sáng tác mà không còn muốn sáng tác nữa! Anh kể: “Mình làm được bài thơ nào đều đưa cho bà Chiến (vợ anh) đọc, đó là người độc giả đầu tiên. Trăm lần như một, bà ta đều im lặng, chẳng khen mà cũng chẳng chê. Mình buồn lắm, chẳng biết làm sao để bà ấy mở miệng. Mình bèn nghĩ ra một cách. Mình đạp xe đi, chiều đạp về nói với bà Chiến: “Này, có bài thơ Phùng Quán mới làm gửi vào tặng anh đây, Chiến đọc thử coi!” Bà Chiến đọc xong, khen: “Hay quá! Thơ người ta làm như thế chứ!” Mình vỗ đùi, reo lên: “A, hay rồi đó nghe! Không phải của ông Quán mô. Của anh đó. Của Hải Bằng ta mới làm đó!” Bà Chiến trố mắt hỏi: “Của anh à?”. Rồi quay lưng đi xuống bếp, gióng với lại một câu: “Bây chừ thì không “hay” nữa!”

Kể xong, anh cười hể hả: “Rứa là được, thơ mình rứa là không tồi!”

...Người thi sĩ ngây thơ, hồn nhiên đó giờ đây đã vĩnh viễn ra đi ở cái tuổi bảy mươi. Căn bệnh ngặt nghèo mà anh đã chiến thắng nó suốt hơn 15 năm qua, giờ đã quật ngã anh. Hơn một tháng nằm bệnh viện, lúc mê lúc tỉnh; có lúc anh đã hồi phục, tưởng như Thần Chết một lần nữa phải khuất phục anh, “được anh tặng cho một tập thơ mang về âm phủ đọc rồi!” - nói vui như một bạn văn nghệ nào đó đã nói.

Mà đúng, cho đến hơi thở cuối cùng, anh vẫn làm thơ, làm ngay trên giường cấp cứu, trong một phút tỉnh lại. Đó là bài thơ ba câu viết trong ngày 2/7/98, năm ngày trước khi anh mất.

“Tôi thở bằng hai bờ sinh nhật sông Hương.
 Hôm nay tôi sẽ chuyển lại hơi thở mình
                    cho Mẹ tôi chưa sinh tôi ngày ấy.
 Cám ơn con đò sẽ chở tim tôi về từng bến mới”.

Bài thơ tuyệt mệnh chăng? có lẽ chưa đúng. Bài thơ như một tuyên ngôn tiếp tục sống. Trong đời thơ anh, Hải Bằng làm đủ loại: thơ tự do, thơ lục bát, thơ văn xuôi, thơ bốn câu, thơ hai câu... Nhưng thơ ba câu thì bài cuối cùng này là duy nhất.

Không biết vì sao tôi cứ tin rằng Hải Bằng giờ đây tuy đã vào cõi khác nhưng vẫn đam mê cái nòi thi sĩ, vẫn tiếp tục tìm tòi sáng tạo, cho ra đời một loại thơ mới của anh: thơ ba câu!

Có điều giờ đây ở cõi đời này, chúng ta không được đọc thơ anh nữa. Chẳng sao cả, những độc giả khác ở cái cõi vĩnh hằng kia, sẽ được đọc.

Người ở cõi nào cũng là người. Thơ ở cõi nào cũng là thơ. Và anh - Hải Bằng, ở cõi nào anh vẫn là thi sĩ...

H.N
(TCSH114/08-1998)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TRẦN THỊ KIÊN TRINH

    Mùa hè năm nay tôi có dịp trở lại Sài Gòn. Thành phố với bao đổi thay nhưng tôi chưa kịp nhận thấy hết bởi thời gian tôi lưu lại Sài Gòn quá ngắn ngủi.

  • HOÀNG HƯƠNG TRANG

    Cũng lạ cho cái xứ Huế của tôi, cái chi cũng khác hơn thiên hạ. Nắng thì nắng cháy da phỏng trán, mưa thì mưa thúi đất thúi đai, dầm dề không dứt. Vài ba năm lại một trận lụt, trận bão to đùng.

  • BÙI KIM CHI

    “Tháng 7 nước nhảy lên bờ”. Mà lên bờ thiệt. Mưa. Mưa. Mưa… kéo dài lê thê. Lúc đầu nhỏ sau lớn dần. Nặng hạt. Xối xả. Cây cối trong vườn ngả nghiêng theo mưa và gió. Cây Lựu trước sân nhà tôi tơi tả. Trời tối dần. Mưa càng lúc càng to. Ào ào như thác đổ. Mưa suốt đêm. Sấm đất cuốn vào mưa. Ầm ầm. Ào ào. Âm thanh rộn rã…

  • Khi những giọt mưa ngâu tháng bảy bất ngờ trở về, làm xao động cả bầu trời mệt mỏi đang chìm lặng trong lòng sông Hương, Huế bỗng rùng mình chợt tỉnh cơn mê mùa hạ. Đó cũng là thời khắc mùa Vu lan đang về trên đất trời cố đô.

  • Hồi còn học ở Trường Đại học Sư phạm Huế, tôi có hai người bạn, hợp thành một nhóm, thường uống rượu với nhau khi vui cũng như khi buồn.

  • LTS: Tác giả của câu chuyện dưới đây, sinh ra và lớn lên ở làng quê Triều Sơn Nam, xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Anh sinh ra trong sự oan nghiệt khủng khiếp của cuộc sống khi buổi sáng mẹ anh quằn quại nghe tin đau xé mất chồng, buổi chiều mẹ đón nhận tiếng khóc chào đời của anh.

  • NGUYỄN LỆ BA

    Gia phả họ Nguyễn Quang ghi chép, tổ tiên chúng tôi là những người đã ra đi từ đất Huế. Thuở dong buồm về phương Nam đi tìm đất mới, những lưu dân đầu tiên đến dựng làng lập ấp trên vùng sông nước quê tôi chỉ vỏn vẹn vài dòng họ với đôi ba chục con người.

  • BÙI KIM CHI

    Đã có một lần tôi được trở về thăm Huế vào một mùa trăng. Cảnh vật thiên nhiên trời ban riêng cho Huế làm Huế duyên dáng và đẹp lạ lùng vào những đêm trăng. Trăng Huế vì thế mà có nét đẹp rất riêng, là lạ, duyên dáng, lộng lẫy và quyến rũ trong phong cảnh vừa thơ, vừa duyên và lãng mạn của trời đất Huế về đêm.

  • NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VỊ PHÁP THIÊU THÂN

    NGUYỄN BỘI NHIÊN

  • Một nam sinh như tôi lại học trường nữ trung học Đồng Khánh (trường THPT Hai Bà Trưng hiện nay), có thể một số người cho đó là chuyện lạ đời. Nhưng đấy lại là sự thật 100%! Tuy tôi chỉ học ở trường Đồng Khánh một năm lớp năm bậc tiểu học (bây giờ là lớp 1) vào khoảng những năm cuối thập kỷ 40 đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Nhưng không hiểu tại sao tôi lại còn nhớ nhiều những kỷ niệm về năm học đầu đời ấy mãi tới tận bây giờ.

  • TRIỆU BÔN
             Hồi ký

    Mùa mưa năm 1968 ở mặt trận đường Chín - Khe Sanh, trung đoàn 246 chúng tôi được gọi đùa là trung đoàn hai bốn đói. Ngày ngày chúng tôi sống bằng ba nguồn chính: thịt thú rừng, rau môn thục, và đỗ xanh.

  • NGUYỄN MẠNH QUÝ

    Có lẽ bởi một nỗi niềm đau đáu về quê hương, nơi mình được sinh ra và chắt chiu nuôi dưỡng trong từng hạt cát, từng trận mưa dầm dề thúi trời thúi đất hay nắng lửa trên cồn khô cát cháy, mà những con người ở đây sẵn mang một tấm lòng lồng lộng gió trời trải đi khắp muôn phương...

  • BÙI KIM CHI

    Tôi đang đứng ở đây. Bến xe đò Đông Ba của thế kỷ trước. Bùi ngùi. Xúc động. Bến xe đã không còn. Thật buồn khi nơi này đã vắng bóng những chiếc xe đò dân dã, thân thương thuở ấy cùng những tà áo trắng học trò dung dị với giọng Huế trong trẻo ơi ới gọi nhau lên xe kẻo trễ giờ học.

  • NGUYỄN VĂN UÔNG
                         Tùy bút

    Tuổi càng cao càng có nhiều nỗi nhớ vu vơ. Tôi đang trong tình trạng đó. Nhớ cồn cào đến xao xuyến là mỗi dịp xuân về: Nhớ Tết quê tôi. Nhớ tuổi thơ tôi và nhiều nỗi nhớ khác nữa.

  • HOÀNG HƯƠNG TRANG

    Thuở nhỏ, tôi thường trốn ngủ trưa đi nghe hát vè. Ở Huế lúc ấy gọi là nói vè, như theo tôi phải gọi là hát vè thì đúng hơn, bởi người hát có bài có bản, có giai điệu, trầm bổng, có cả nhạc cụ.

  • HỒ XUÂN MÃN
    (Nguyên UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế)

    Năm 1973, để chuẩn bị cho ký kết hiệp định Paris, Khu ủy và Quân khu Trị Thiên - Huế chủ trương tổ chức các lực lượng (bao gồm cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) tổ chức đánh chiếm các căn cứ và phân chi khu địch để giành đất, nắm dân, cắm cờ giành quyền làm chủ.

  • TRẦN THỊ NHƯ MÂN

    Tôi sinh ra trong gia đình quan lại, đã mấy đời làm quan với triều đình Huế(1). Khi tôi lớn lên thì chế độ cai trị của thực dân Pháp đã bước vào giai đoạn ổn định sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Chiếc ngai vàng của nhà Nguyễn từ nay trở đi chắc không còn phải chịu những cơn sóng gió đáng kể chi nữa.

  • HUY CẬN - XUÂN DIỆU
          Trích "Hồi ký song đôi"

    Tháng 8 năm 1928 cậu tôi được lệnh của Sở học chính Trung kỳ đổi về Huế làm hiệu trường trường tiểu học Queignec ở phố Đông Ba.

  • LÊ QUANG KẾT
             Bông hồng dâng mẹ 

    Vua Tự Đức - ông vua tại vị gặp cơn biến động trong lịch sử dân tộc, sinh thời nhà vua đã tán dương công ơn mẹ: “Nuôi ta là mẹ, dạy ta cũng là mẹ: Mẹ là Thầy vậy. Sinh ra ta là mẹ, hiểu ta cũng là mẹ: Mẹ là Trời vậy”.

  • TRẦN HOÀN
                Hồi ký

    Năm 1941 thi vào trường Quốc Học, tôi đỗ vào loại khá nhưng chưa đủ mức để được cấp học bổng toàn phần.