Núi cựa

08:52 18/06/2019

LỮ MAI  

- Chú nói với mày một bí mật…
- Thím Dinh ngoại tình phải không? 

Minh họa: Phan Thanh Bình

Cuộc đối thoại của chú cháu tôi diễn ra chưa bao lâu thì chú qua đời. Bất ngờ, ráo khô, như thể một cơn gió trời độc địa đã cuốn chú đi, đã lau khóe mắt những người còn sống. Đám tang nhẹ nhõm hơn tôi tưởng. Toàn người là người, chủ yếu dân tứ xứ. Không khí bung biêng, váng vất. Bà nội tôi sau cơn ngất, nằm co phòng tối, mắt nhìn ngói âm dương, miệng lẩm nhẩm cầu kinh. Tôi vốc từng nắm đất rải lên nấm mồ, hệt hồi nhỏ vẫn rải cát xóa những gì chú vẽ. Lời chú, như vẫn thầm thĩ tinh nghịch bên tai tôi: “Tao nhớ hết trong đầu rồi, mày xóa phỏng ích gì?!”

Dòng họ nhà tôi, đời nào cũng có một người xem tử vi, gần nhất là chú. Chú hơn tôi vài tuổi, học trên vài lớp, cả thời đi học chẳng phát tiết gì đặc biệt. Dáng chú dong dỏng cao, da hơi trắng xanh, cặp lông mày rậm. Hồi nhỏ, khi lũ trẻ làng chúng tôi mải mê đánh chắt chơi chuyền, chơi khăng đánh đáo thì chú thui thủi góc riêng, vẽ que tre lên nền đất. Những nét cong nét thẳng chằng chịt, kí tự khác thường. Chẳng ai hiểu nổi, chú không giải thích gì thêm. Tôi thích nhất phá bĩnh chú. Tôi sẽ chạy chân trần ra bờ sông, vốc đầy vốc cát để xóa sơ đồ kì bí. Chú luôn có điệu ngước nhìn tôi, bông đùa, khinh khỉnh: “Tao nhớ hết trong đầu rồi, mày xóa phỏng ích gì?!” Ai nấy đều bảo tôi giống chú, từ dáng vẻ đủng đỉnh, kiêu bạc, chẳng coi ai ra gì. Có thể vì thế mà tôi thân với chú nhất nhà. Như hai người bạn. Chú cháu tôi luôn thấy chính mình mỗi khi soi bóng người kia.

*

Lại nói về thím Dinh, người đàn bà đẹp lẫy lừng. Thím bằng tuổi chú, mười tám đã nên duyên vợ chồng. Chú xem tử vi cho người đời từ bấy, thím cơm bưng nước rót chăm chồng, trông con. Ngày chú cưới vợ, tôi còn học cấp ba, lúi húi dọn rửa hết mâm bát này đến mâm bát khác bên bể nước.

“Cô dâu đẹp lắm nhá!” Xời, ai chứ thím Dinh cả làng lạ gì, cứ làm như lần đầu trông thấy. Thím người làng bên, bố mẹ mất sớm, từ nhỏ ở với chú dì, học chung trường chú cháu tôi. Mới cấp hai, thím đã cao vượt đám bạn hẳn cái đầu. Tóc thím không dài lắm, chỉ chớm vai, bồng bềnh, mái trước gợn sóng phô ra vầng trán cao rộng, sáng láng. Thím bỏ học nửa chừng, thầy cô tiếc mãi. Cứ đắn đo sao con bé thông minh hiền thục không cố gắng chút nữa để mai sau bằng bạn bằng bè. Đành rằng hoàn cảnh éo le, nhưng trường lớp nhà quê, đầy đứa khổ hơn chán vạn. Thím làm cô dâu, chẳng cần điểm trang vẫn đẹp lạ thường, vượt mọi đỉnh cao chuẩn mực. “Đẹp, mài ra mà ăn được à?”, tôi hờn mát khi mẹ không ngừng xuýt xoa khen thím dâu. Bên nội, bố tôi có bảy anh chị em, thím Dinh là dâu út. Người mà theo bà nội tôi từ hình tướng đến tính tình không chê đâu được. “Nhà này thừa mứa của ăn của để, dâu con đẹp người đẹp nết, thêm sang khắp xóm làng”, giọng bà nội thị uy khiến người người lạnh gáy.

Thì đấy, đẹp cho lắm vào nên mới ngoại tình. Đàn bà mũi cao, môi ướt, mắt lúng liếng, sinh đẻ vài ba bận vẫn ngời ngời, không ngoại tình mới lạ. Thím ngoại tình lúc nào, tinh tường như chú tôi còn chẳng tài nào biết thì ai bắt tận tay day tận mặt được. Ngày ba cữ, người đàn bà ấy vẫn cơm nước đều đặn, trà nước tiếp khách, lo chuyện học hành ăn uống vui chơi cho ba đứa con. Bà nội tôi mắc chứng khó ngủ, trằn trọc ngày này qua tháng nọ. Đêm đêm, thím ngồi cuối giường xoa rượu địa liền vào lòng chân lòng tay bà, thỉnh thoảng trông chừng kê lại cái gối mây bị lệch khỏi mái đầu bạc trắng. Bà tôi chỉ ngủ yên khi có thím cận kề. Vậy mà sau lễ cúng bốn chín ngày chú, thím biệt tích. Ba đứa con, toàn bộ tài sản, tiền bạc, trang sức, xe cộ… tịnh không mang theo gì. Điều đó càng khiến tôi tin, thím vì tư tình mà bỏ mặc gia đình, cốt nhục.

- Để xem cái nhà này, còn ai khen bà ấy đẹp người đẹp nết nữa không!

- Mày vừa vừa cái mồm, đừng tưởng chú út cưng mày nhất mà tao không cho ăn một gậy!

Bố sừng cộ với tôi vì lời cạnh khóe thím Dinh. Nhưng tôi biết, cả nhà, cả họ, cả làng, ai cũng nghĩ hệt mình. Chú mất năm ba mươi tám tuổi. Vào một chiều cuối hè. Như những lần đi chơi tennis về, chú đỗ ô tô đầu làng, đi bộ huýt sáo ngang qua nhà tôi mới về nhà mình. Thấy chú, thím bỗng lí nhí: “Mình ơi! nãy em vừa thấy núi cựa!”. Câu nói khiến chú giật thột, kinh hãi, chỉ tay thẳng mặt thím: “Cô rủa tôi chết để theo trai phải không?”

Chú mất chừng hai giờ đồng hồ sau đó. Trên chiếc võng mắc ngoài lầu hóng gió của căn biệt thự lọt thỏm giữa làng quê, tư thế nhàn hạ ung dung hệt mỗi chiều nằm đọc sách chờ thím đón ba đứa con đi học về sẽ cặm cụi nấu cơm.

Ngôi làng nhỏ của tôi lọt thỏm giữa núi đồi. Quả núi đầu làng tên gọi núi Cha, người làng qua đời sẽ chôn cất ở đó. Sau khi cải táng, từ núi Cha, hài cốt được chuyển về núi Ông Voi mạn cuối làng, cạnh dòng sông Mã. Có lần, vào buổi sáng tinh sương đúng đợt nghỉ hè, khi đang đi chơi với đám trẻ, cả chú và tôi đều sững sờ thấy núi Cha cựa mình. Chỉ chú cháu tôi nhìn thấy. Trưa ấy, làng có đến hai người chết. Một cụ ông ốm dầm dề nhiều ngày. Một thanh niên là cháu họ cụ lúc cùng thanh niên làng đi đẩy xe tang từ sân hợp tác xã về nhà, giữa đường xe chạm vào dây điện hở trần, tất cả bị điện giật, duy một người chết.

*

Tôi ngồi mé hiên, tay bấm hờ một nhánh cỏ dại, nguệch ngoạc vẽ hình thù vô nghĩa trên nền gạch. Đầu óc tôi không nghĩ được gì. Cũng chẳng khóc nổi. Đâu đó vẫn dáng vẻ khoan thai của chú quanh đây. Chú thích mặc bộ đồ trắng thẳng li, đầu đội mũ bê rê, chân xỏ giày tây bóng loáng. Chú xem tử vi từ năm mười tám tuổi, khách thập phương đổ về nghìn nghịt. Không chỉ cơ ngơi gia đình vững chãi mà họ nhà tôi được cả vùng kiêng nể. Của cải chất ngất đều do người đời tự nguyện biếu tặng. Chú từng nói, lẽ ra, đến đời con cháu, người được chọn để nắm giữ những tấm sơ đồ bản mệnh là tôi. Nhưng từ thẳm sâu, tôi đã khước từ trọng trách ấy.

Có lần, tôi đang ngồi mé hiên như thế, bà khách lạ rú lên: “Ối thầy ơi! lạy thầy, quả đúng lão chồng con cuỗm sạch tiền bạc theo con nặc nô ấy”. Giọng chú âm âm, kiêu hãnh: “Nhà người, không chỉ mất mát thế đâu…”. Lại vẫn giọng người đàn bà chua xót: “Lạy thầy! thầy phán giúp, con trai con có sống nổi không?” Thì ra, con trai nhà ấy đang điều trị sau tai nạn giao thông, tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Khoảnh khắc bà khách nước mắt giàn giụa, ngó vào nhà, tôi thấy thím Dinh đứng im như tượng phía bàn thờ, đôi tay gầy chắp lại thành kính, run run.

- Chú biết trước bà ấy sẽ thế, còn cưới xin làm gì?

- Ai tránh được số trời? Cái đấy mày phải rõ…

Chú nói, chú biết thím ngoại tình, chỉ bằng cảm giác. Hệt tôi. Tấm lưng muốt mềm suốt ngày lom khom dọn dẹp kia hẳn có đứa chạm vào rồi. Chú ngửi thấy mùi đàn ông lạ mỗi lần thím ngang qua. Chú nhận ra ánh mắt chòng chọc của những con đực găm vào môi, vào mắt vợ mình.

*

Tôi lên đường vào Nam, bởi hình ảnh sơ đồ ai đó vẽ vời trong giấc mơ. Giông giống bàn tay chú. Rằng thím Dinh đi đến một nơi như thế, với một người đàn ông như thế…

- Em điên rồi! Em điên hết lần này tới lần khác, anh bỏ qua. Giờ thì không thể!

Thịnh bỏ mặc tôi thu lu trong căn phòng trọ giữa phố xá ồn ào. Tôi không rơi giọng nước mắt nào cho cuộc tình ấy. Dường như, chuyện tôi đi tìm thím Dinh chỉ là cái cớ cho sự rời bỏ. Tôi qua tuổi ba mươi được dăm ba năm. Gia đình không ngừng điệp khúc “chồng con, ổn định”. Thịnh cũng tình trạng tương tự. Chúng tôi dạt vào nhau sau những cuộc né tránh. Anh dân công trình, thuê phòng trọ cho cả hai nhưng vài tháng ghé được một lần. Lắm hôm, ngày nghỉ, đang nằm dài trên giường, tôi vớ điện thoại gửi tin nhắn: “Sao anh còn không vào nhà đi!”. Tiếp đó nghe tiếng bước chân gấp gáp. Không phải Thịnh bước vào nhà, mà trốn chạy. Từ miền núi về, anh muốn tạo bất ngờ cho tôi, tôi lại cảm giác rất rõ Thịnh đang chơi trò ú tim quanh đây, ngốc nghếch như con nít. Thịnh luôn nói, cảm giác tôi đoán biết được mọi chuyện khiến anh không thoải mái, thậm chí sợ hãi ít nhiều. Mỗi lần thế, tôi hay nghĩ đến thím Dinh. Thím có phiền lòng, sợ hãi khi sống bên chú không? Giá thím cứ than vãn, phản kháng có khi lại tốt. Đằng này quanh năm suốt tháng thím chỉ lặng lẽ, thành kính chắp tay.

Tàu khởi hành giữa đêm. Ghế cạnh tôi, người đàn ông trẻ tuổi vừa ngồi. Lúc mới lên tàu, người ấy còn thò cổ ra mạn sân ga, gọi vọng xuống: “Chị Doanh, em đi nhá!”. Người phụ nữ bên dưới tay cắp túi xách, tay kia đưa lên vẫy vẫy. Tôi thoáng giật mình.

- Chị Doanh, xin hỏi trong toa ai tên Doanh?

- Tôi đây!

- Cậu Nhương gửi chị cái này…

Nhương là em họ tôi, nhân viên trên tàu. Về vai vế, Nhương gọi bố tôi là bác ruột, chú út là chú của tất cả chúng tôi. Đám tang chú, cậu chỉ xin nghỉ được vài hôm rồi lại mải miết trên những chuyến tàu. Tôi chìa tay nhận gói giấy báo nhỏ mềm âm ấm. Chẳng cần mở cũng biết là xôi khúc. Cậu em luôn nhớ sở thích của tôi dầu xa nhà đằng đẵng. Tôi không hề biết Nhương có đang trên chuyến tàu này không, ở toa đầu hay toa cuối? Gói xôi chắc hẳn được mua lúc tàu còn trong ga. Đang vẩn vơ, một giọng người chào hỏi: “Cô thật giống chị gái tôi”.

Tôi quen Du như thế. Trong mơ, tôi nghe anh ta gọi : “Doanh, dậy xem núi sắp cựa này”. Tôi mở choàng mắt, người đàn ông lạ đang dõi đăm đăm qua cửa toa tàu, bên ngoài mịt mùng cát trắng.

- Cô ngủ suốt gần hai ngày, thỉnh thoảng hé mắt nhìn cửa sổ rồi lại ngủ. Em họ cô nãy ghé toa, tôi tính gọi thì cậu ấy bảo cứ để cô ngủ.

- Ừ, bình thường tôi có bao giờ ngủ giấc dài thế đâu…

Tôi thấy mắt mình nhòa đi, những đồi cát cựa quậy, dịch chuyển đầy hư ảo dưới hàng phi lao khô rát. “Lạy thầy! thầy phán giúp, con trai con có sống nổi không?” Câu hỏi của bà khách ngày nào chợt vẳng bên tai tôi. Đêm ấy, cậu ta trút hơi thở cuối. Những tưởng mình đã chai sạn hoàn toàn trước những lời phán quyết sống- chết-mất-còn của chú trong căn nhà bung biêng hương khói. Thế mà chiều ấy tôi lạnh người trước khoảnh khắc bà ta nhìn chú tôi bằng ánh mắt cầu cứu, bằng con tim sẵn sàng khước từ những cái lắc đầu. Chú chỉ im lặng. Riêng thím Dinh, đuôi mắt khép chặt, thánh thót lệ dài.

- Này, ngoài kia sao lạ thế nhỉ?

- Tàu đang đi qua vùng bão cát, cát chất cao thành núi đồi. Từ núi đồi này chuyển sang núi đồi nọ. Cứ có gió là dịch chuyển. Là núi cựa. Cô thấy lạ chứ tôi quen rồi…

*

Thực ra, chị gái Du đã qua đời. Du nói, trên toa tàu hôm ấy, mỗi tôi nhìn thấy chị em họ vẫy chào nhau. Du để ý tới tôi sau cái giật mình nghe ai gọi trùng tên. Ngày Du còn là một cậu bé, hai chị em đã kẻ Bắc người Nam. Du chỉ kịp nấc lên “Chị Doanh, em đi nhá!”. Câu chào trẻ con. Câu chào không đơn giản. Là bởi sau đó, Du sống cùng bố, chị gái ở với mẹ. Cuộc ly hôn ráo hoảnh, chỉ trẻ con thương tổn ngập sâu. Du muốn biết, mẹ anh đang lưu lạc nơi đâu, chị anh được an táng phương nào sau lá thư cuối cùng nhòe nhoẹt nét chữ mẹ, thông báo chị Doanh đuối nước qua đời. Năm đôi lần về Bắc, anh qua ngõ cũ, lùng sục khắp thành phố chật chội, từ bà hàng nước đến ông xe ôm năm xưa vẫn nhớ Du, ấy vậy mà tung tích người nhà bặt tăm.

- Sao anh nghĩ tôi có thể tìm được mẹ và chị gái cho anh?

- Chỉ là cảm giác vậy thôi. Thật xin lỗi nếu điều đó phiền cô…

Du quả quyết, nếu tôi không tin, không giúp, tôi đi đâu anh ta sẽ theo đó. Anh giờ đã tạm rút khỏi vị trí điều hành, chỉ còn cổ phần lớn ở công ty vận tải đang ăn nên làm ra, có những người anh em kết nghĩa tin cậy như ruột thịt.

- Cô cứ sống trong căn hộ này, đi đâu có lái xe đưa đón, thêm yêu cầu gì mong cô gọi tôi. À, tôi gửi cô khoản phí, để tiện chi tiêu. Ở nơi xa lạ, điều ấy là cần thiết.

Lúc này, dáng dấp Du đúng vẻ doanh nhân thành đạt, khác hẳn hôm trên tàu. Tôi ngạc nhiên tại sao thay vì book vé máy bay hạng sang, Du lại nhảy tàu. Rồi chợt nghĩ, có lẽ vì nỗi ám ảnh sân ga. Lời Du nói trùng với điều chú tôi luôn trách móc, rằng lẽ ra tôi được chọn tiếp nối cái nghề xem tử vi nổi danh của dòng họ, thế mà lại khước từ. Sự xuất hiện của Du, tréo ngoe như có bàn tay vô hình sắp đặt. Như thể từ thế giới xa xôi kia, chú tôi cầm cọng cỏ vẫn vẽ vòng nguệch ngoạc, đặt trọn vào tay tôi định mệnh cuộc đời.

*

- Ngót tháng trời, chẳng chút manh mối hay cảm giác nào rõ rệt. Tôi gọi anh đến đây để trả lại tiền. Tôi về ngoài Bắc, còn nhiều công việc dở dang…

- Kìa cô Doanh, ngót tháng trời thấm đâu với mấy chục năm vô vọng. Tôi xin cô…

Du nhìn tôi, ánh mắt khẩn cầu.

- Anh nói, mẹ và chị anh trước đây ở lại ngoài Bắc, nhưng tôi cảm giác họ đã chuyển vào Nam và chị anh mất trong này…

- Bố con tôi chuyển nhà rất nhiều lần. Ông ấy lô đề cờ bạc, lấy hai bà vợ đều li dị cả. Bạn thân tôi cũng nói, có lẽ mẹ tôi sống thật gần gặn hai bố con mới gửi thư được cho tôi vào những giai đoạn quan trọng nhất, đau đớn nhất cuộc đời bà. Nên tôi hay nghĩ, biết đâu sau chuyến tàu của hai bố con tôi, là chuyến tàu của mẹ và chị Doanh. Ở đây, tôi không họ hàng thân thích, vẫn về lại ngoài kia kiếm tìm. Ít ra, nhìn phố quen, mặt quen, còn chút niềm an ủi.

Du trẻ hơn tôi năm tuổi, sống trong căn hộ cao cấp, đối diện tòa nhà anh đưa tôi đến ở. Tôi đến hôm trước, hôm sau bảo vệ, lễ tân đã nhẵn mặt.

- Cậu Du chưa bao giờ đưa ai về đây. Cậu ấy bảo, căn hộ rồi sẽ sang tên cho mẹ và chị gái. Chẳng hay, cô là chị cậu Du?

Cô tạp vụ khu nhà hay nhận dọn dẹp ngoài giờ trong căn hộ của Du bắt chuyện. Tôi không từ chối, chẳng xác nhận. Là ai cũng thế thôi. Tôi vào đây để tìm thím Dinh, để trả lời câu hỏi còn lửng lơ cho chú tôi nơi phương xa nhắm mắt.

Đêm ấy, lại thấy chú về. Vẫn dáng vẻ thong dong, kiêu bạc. Chú ngồi đối diện tôi, vắt chân chữ ngũ, ngậm xì gà. Lúc thiên hạ đến lạy lục van xin hay lúc nhà vắng vẻ, chú đều thảnh thơi như thế. Đời chú, chỉ niềm chờ đợi gần như duy nhất là ngóng tôi ở xa về. Chú không coi tôi là cháu gái. Chú chuyển điếu xì gà sang tôi như trao cho thằng bạn thân nào đó. Thím Dinh hoặc đứng bếp, hoặc chăm con. Có lần, trong nhà chỉ còn tôi và thím, thím bâng quơ: Ngày sau, Doanh yêu và lấy người trẻ lắm!

Câu nói găm vào đầu tôi như gai sắc. Tôi đem mách chú. Người đàn bà này thật chẳng vừa. Hẳn lòng tương tư trai trẻ. Chú trẻ, nhưng bằng sao đám thanh niên chưa vợ. Con trai cái ông chức sắc trong vùng toàn lấy cớ đến họp câu lạc bộ tennis với chú để lén nhìn thím Dinh. Hắn dán mắt vào tấm lưng nuột nà sau làn áo lanh xốp mềm gờn gợn nếp nhăn sợi vải. Thím như có mắt đằng gáy, biết hết và mặc kệ. Thím trêu ngươi đàn ông bằng nhan sắc ngời ngời.

*

- Thưa ông, chuyện chẳng phải đã vô phương cứu chữa. Nhà tôi nhắn ông thế này…

Nhiều lần, thím Dinh rảo bước theo chân khách. Hầu hết đó là những người đang gặp tai ương. Người đàn ông to cao vạm vỡ kia cũng thế. Gần hai mươi năm sống với vợ, mỏi mòn cầu tự mụn con. Cuối cùng, lúc mọi chuyện đúng theo ý muốn thì ca sinh nở không thuận, ông buộc phải lựa chọn một trong hai con người. Qua nỗi im ắng mướt mồ hôi, tiếng trẻ sơ sinh khóc oe oe vọng khắp hành lang bệnh viện. Người hộ lý mang con trao ông kèm bức thư vấy máu: “Tôi đã không mang lại cho mình hạnh phúc đủ đầy, tôi thật xin lỗi. Tôi biết mình sẽ chọn tôi. Nên bức thư này sẽ giúp con chúng ta ở lại với mình. Tôi không có gì ân hận. Xin các bác sĩ cứu con tôi, đứa bé không có tội và tôi có quyền định đoạt sự sống của con mình!”.

Đứa bé ấy lớn thành cậu bé mười lăm tuổi, rồi lâm trọng bệnh. Ông ta ôm đầu tuyệt vọng khi thấy chú tôi lắc đầu. Chú phẩy tay ra hiệu đi về mặc ông quỳ sụp xuống khẩn cầu: “Xin thầy xem lại…”.

Vài tháng sau lần thím chạy nói câu gì đó với theo ông khách, ông ta và đứa con trai tung tẩy đến nhà chú, lạy từ ngoài ngõ lạy vào. Chú tôi lại phẩy tay, nhẹ như cọng cỏ. Mắt thím nhắm hờ, lại tuôn dòng lệ, tay chắp run run. Có gì đâu mà xốn, chuyện ngày nào chẳng thấy. Chú chỉ ra cách cứu người, thiên hạ mang ơn, gì đâu mà run. “Thím mày hâm bỏ mẹ!”, câu nói của chú làm tôi bật cười, rơi điếu thuốc trên môi.

*

Du ghé thăm tôi, mang theo vài tấm áo dày. Cậu giải thích, đừng tưởng ở phương Nam không lạnh. Sau những trận mưa xối xả, khí trời hiu hiu. Dân trong này thấy bình thường, phong phanh áo cộc, người phương xa sẽ gai người, chóng mặt, cảm sốt như chơi. Quả đúng tôi đang chóng mặt. Không phải bởi thời tiết. Mà vì những giấc mơ. Đã vài tháng trôi qua, không một manh mối nào về thím Dinh. Ba đứa em họ tôi ở quê, cả nhà phân công đón đưa, chăm sóc, dỗ dành.

- Cô uống chút nước đi, sẽ tỉnh táo hơn… Chiều nay tôi rảnh việc, nếu cô đồng ý, ta dạo loanh quanh cho thoáng.

Chúng tôi nhìn mãi đám cỏ lau trắng rùng rình trong gió. Đây ngoại ô thành phố. Chỉ một thời gian ngắn nữa, đám cỏ dịu nhẹ kia sẽ được phạt đi, thay thế bằng nhà lầu, cao ốc, trung tâm thương mại sầm uất. Công ty vận tải của Du mở rộng sang cả lĩnh vực bất động sản. Khoảnh đất trước mặt chúng tôi thuộc dự án sắp khởi công. Mặt trời đằng Tây thẫm lại, đỏ ối, mờ nhòe. Du lại lái xe chở tôi men theo con đường nhỏ. Xẩm tối, muỗi vo ve loạn xạ, thiêu thân lao vào kính xe đen kịt. Càng lúc, càng vắng vẻ.

- Anh đưa tôi đi đâu thế này?

Du không đáp, thận trọng nhìn gương chiếu hậu. Lạnh người, tôi khoác thêm chiếc áo Du đưa hồi chiều. Xe lách vào xóm nhỏ, nghèo nàn bên dòng kênh đen ngòm vẩn mùi xú uế rồi đỗ xịch lại.

- Cô Doanh xuống xe đi!

Đám trẻ con lóc nhóc từ một căn nhà nào đó trong xóm liều túa ra, vây lấy anh. “Chú! Chú về!”, “A chú Du có người yêu tụi mày ơi!”… Thực lòng tôi thấy rất khó chịu. Chỉ muốn giằng chiếc chìa khóa ở tay Du, bấm mở xe để chui tọt vào đó, vừa tránh muỗi, vừa tránh người.

Trong căn nhà chật chội, trước mặt tôi là người phụ nữ tuổi đã cao, tóc lấm tấm bạc, tay bế một bé gái ngủ say sưa. Nhìn tôi, mắt bà hơi nheo lại, miệng nhoẻn cười ấm áp. Tôi đoán là bà đám trẻ con kia. Đại khái thế. Những cảnh này, ngoài Bắc cũng chẳng thiếu. Nghề nghiệp đưa tôi đến khắp mọi vùng miền, ở đâu cũng đầy rẫy éo le. Bọn trẻ được Du cho kẹo bánh kéo nhau ra ven dòng kênh cấu chí loạn xạ, đứa khóc đứa cười. Nhà còn đúng ba người, không kể đứa trẻ con say ngủ.

- Bác đã nghe Du kể nhiều về cháu. Cháu đúng như những gì bác nghĩ ngợi trong đầu…

- Mẹ, xin mẹ hãy về sống với con. Bọn trẻ, con sẽ lo liệu ổn thỏa…

Tôi bàng hoàng trước câu nói của Du. Du tìm được mẹ từ bao giờ? Sao tôi không hay biết? Người này có đúng là mẹ anh ta…

- Cái thằng, lại dỗi. Đã bảo bác ở mãi đây thôi, vào thành phố làm gì cho ngột ngạt. Cái Doanh ngày xưa đuối nước dưới dòng kênh kia. Chỉ vì thấy một đứa bé giống em mình mà chới với chạy theo đến trượt chân. Bọn trẻ con, đều giống nhau cả. Như mấy đứa bác nhận nuôi đây này. Chị em nó chia lìa sớm quá, chả trách…

Du đã ra ngoài, bước chân hút dần trong đêm. Tôi ngồi ngay gần mẹ anh trong căn nhà vài chục mét vuông phần lớn áo quần, bỉm sữa và sách vở trẻ con.

- Bác mơ mãi, thấy cái Doanh về báo mộng, sẽ có người đàn bà ngoài Bắc vào tìm chồng, hữu duyên giúp mẹ con gặp được nhau. Doanh bảo, bà ấy đẹp lắm mẹ ạ, khác người trần. Mẹ cứ nhớ thế mà nhận mặt.

- Buổi ấy, thằng Du ngồi y cháu lúc này. Nó theo đoàn từ thiện về xóm liều cấp thuốc men thực phẩm. Còn bà ấy, trời xui đất khiến thế nào dạo ngang qua đây, bác nào ở trong nhà thế này đâu, đang cuốc đất vườn gieo ít rau cho bọn trẻ. Bà ta đứng bên đường quở trách: Con trai nhà người, tìm mẹ bao năm, giờ duyên đưa đường nó về đây, sao còn không nhận mặt! Bác lạnh toát sống lưng mới quỳ sụp xuống, ngửa mặt lên trời mà gọi: Du ơi!

- Bác muốn khóc mà không khóc nổi. Đau đớn ngậm mãi vào trong. Tâm can buốt. Thằng Du cũng quỳ sụp xuống. Không bật ra mà khóc được.

*

- Tại sao anh tìm được mẹ, vẫn giữ tôi ở đây? Hay chỉ vì tôi giống chị gái anh?

- Nếu mọi chuyện đơn giản thế, chúng ta đã chẳng gặp nhau…

- Người đàn bà ấy lạ lùng lắm, Doanh ạ. Tôi nghĩ, họ không bói toán, phán đoán gì cả, chỉ là người thấu hiểu những giấc mơ.

- Thực lòng, tôi đã gặp Doanh từ rất nhiều năm về trước. Tôi biết mình sẽ gặp lại Doanh, trên một chuyến tàu.

- Tôi mơ thấy Doanh sống chung với người khác mà không định lấy làm chồng. Thấy cả dáng điệu đỏng đảnh hấp tấp của Doanh bước xuống cầu thang, nhiều lần bị ngã. Căn nhà trọ ấy rõ ràng trong đầu óc như tôi từng ở đó. Bà ấy nói, mọi giấc mơ đều có thật, vỡ từ mất mát vời xa…

- Bà ấy giúp tôi gọi những giấc mơ trở lại. Rằng muốn nhận ra Doanh, chỉ cần chờ cơ duyên tới, người trên chuyến tàu sẽ gọi tên Doanh, như tôi từng gọi một người ruột thịt.

*

Người đàn bà mẹ con Du thường nhắc tới sống cách xóm liều không xa, trong căn nhà nhỏ bé, xinh xắn, hai hàng hoa pháo đỏ rực từ cổng dẫn vào sân. Tôi đi bên Du, chập chờn như mộng.

Người sống đến xin hoa kẻ khuất
Kẻ khuất âm thầm thắp vệt bình minh…


Tiếng người rất quen. Nói mà nghe như hát. Toàn thân tôi đông cứng, mồ hôi vã ra, váy áo xúng xính dài chấm gót chân mà cảm giác nhẹ bẫng như lõa thể. Tôi đã lăn đùng ngả ngửa nếu Du không kịp đưa tay ra đỡ phía lưng. Là thím Dinh. Thím đang nghiêm cẩn chắp tay, mắt vương đôi giọt lệ.

Dân khắp vùng rỉ tai nhau, người đàn bà giỏi tử vi lưu lạc vào đây tìm chồng. Ông chồng tự phụ đến khi sắp chết vẫn cho rằng vợ mình theo trai, trốn mãi vào phương Nam nên tự vẽ sơ đồ tìm kiếm. Ông chết, phong thái vờ ung dung nhưng trong tay còn xiết chặt tấm bản đồ. Nếu không phải đứa cháu gái ông cưng chiều nhất chạm vào thì không ai gỡ nổi. Bốn chín ngày ông, bà vẫn thấy linh hồn chồng đeo đuổi mãi những hồ nghi, thù hận.

Trên bàn, thím Dinh rót đủ ba chén nước từ bao giờ, nguội ngắt. Thím vẫn mặc áo vải lanh nền nã, tóc ngang vai bồng bềnh, chào hỏi tôi như chưa từng xa cách: “Doanh dạo này hơi xanh đấy. Chớ có giảm cân làm đẹp theo các bà các cô! Thím khuyên được chú rồi, ngày mốt thím về với bà và các em…”

Tôi đưa mắt nhìn khắp căn nhà nhỏ, không đồ đạc gì ngoài những chậu hoa pháo đỏ và bức ảnh chân dung tự phụ của chú tôi. Lại nhớ, rất nhiều lần chú lạnh lùng lắc đầu, thiên hạ sụp xuống tuyệt vọng, thím là người kín đáo, rảo bước chạy theo. Lời nói của thím, mở đầu bằng câu “nhà tôi nhắn thế này” thay đổi hoàn toàn tình thế.

Chú ngồi giữa nhà, thần thái vô cảm, chưa thốt nổi lời nào cho những câu hỏi buồn đau của khách thập phương, thím Dinh đã nghiêm trang phía ban thờ, mắt nhỏ lệ vì bi kịch nhìn thấy trước. Là chú tôi cướp công thím hay thím tự lựa chọn làm cái bóng bao dung, phụng sự chồng. Có lẽ, vế sau mới công bằng với thím.

*

- Này Du, em thấy núi cựa!

- Anh cũng thấy thế. Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…

Chúng tôi bên nhau như vậy. Ở đời, có bao người đến với nhau vì tin những giấc mơ? Có bao người am tường tất cả vì hiểu những giấc mơ?

Tôi nhiều tuổi hơn Du, nhưng trong mắt Du tôi vẫn là đứa trẻ, cần được chiều chuộng, bao dung. Sau cuộc trở về, thím Dinh già đi trông thấy. Thiên hạ dè bỉu, đi mãi với trai lại nhục nhã trở về nhà. Bố tôi dùng uy quyền anh cả, sẵn sàng cho ai đó người nhà “một gậy” nếu buông lời cạnh khóe thím út. Ít lâu, căn phòng bà nội tôi lại sực mùi rượu địa liền mỗi đêm và những lời rủ rỉ của mẹ chồng, nàng dâu. Không ai minh oan cho thím. Mà thím cũng chẳng cần.

Có lần, ngồi mé hiên, giọng tôi đỏng đảnh: “Tính cháu cứ mưa nắng thất thường thế này, lại chả muốn vào Nam sống bên chồng, liệu Du có bỏ cháu không?” Thím thở dài: “Ai mà biết được! Tự nhìn nhau mà sống chứ. Đàn bà, có chồng nhìn vào chồng, có con nhìn vào con…” Rõ ràng giọng thím, mà như không phải. Điệu bộ ấy hệt bà nội và mẹ tôi… gần gặn, buồn thương, một lẽ rất đời!

Hà Nội, tháng 3/2019
L.M  
(TCSH363/05-2019)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.

  • HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...

  • HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.

  • PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.

  • THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.

  • PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.

  • PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.

  • HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.

  • BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.

  • DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết    (René Char)

  • ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.

  • NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.

  • NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.

  • NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.

  • NHẤT LÂM          Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.

  • NGUYỄN TRƯỜNG                           Nơi hầm tối là nơi sáng nhất          (Thơ Dương Hương Ly)

  • TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".

  • HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.

  • NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.

  • XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.