Những nét đẹp của một vị tướng

08:57 31/12/2013

QUANG VIÊN

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là vị tướng tài năng và đức độ. “Ông là một danh tướng, một nhà chính trị và nhà quân sự lỗi lạc” - Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thốt lên khi nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như vậy. Trong cuộc sống tình cảm gia đình, cũng như ứng xử với văn hóa văn nghệ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng hết sức chí tình, có những việc làm rất đáng khâm phục. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về ông rất hay: “Sáng trong như ngọc một con người”…

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người bước đầu tiên) thời còn trẻ

Hình tượng Nguyễn Chí Thanh trong thơ Tố Hữu

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò...”. Những câu thơ rất hay ấy, được viết trong tù, và người khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ Tố Hữu, không ai khác chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người cùng quê Quảng Thọ, Quảng Điền, bên dòng sông Bồ với ông.

Tố Hữu kể: “Trưa nào trong lao tù, cũng nghe anh (Thanh) hát những câu hò đồng quê man mác, như: “Hết mùa thóc rã rơm khô/Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm”... Tôi đã viết tặng anh bài thơ Nhớ đồng. Thỉnh thoảng nghe anh ngâm bài thơ ấy, tôi rất xúc động…”.

Năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ và Bộ Chính trị trực tiếp cử vào miền Nam chiến đấu. Nhà thơ Tố Hữu với tư cách một người bạn, đã có bài thơ “Tiễn đưa” đầy xúc động:

Đưa tiễn anh đi mấy dặm đường
Nặng tình đồng chí lại đồng hương
Đã hay đâu cũng say tiền tuyến

Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường...

Vì lý do bí mật, khi ấy nhà thơ chỉ ghi: “Tặng bạn thơ Th.”, nhưng những ai đọc, đều thầm hiểu “bạn thơ” đây là một người ra đi mang sứ mệnh non sông đất nước: “Đi đi non nước chờ anh đó.

Nhà thơ Tố Hữu ghi lại trong hồi ký: “Năm 1967, anh Nguyễn Chí Thanh trong Nam ra... Sau khi họp bàn xong, anh Thanh được lệnh trở lại miền Nam. Trước khi lên đường, anh ghé thăm tôi. Lúc ra về, anh bắt tay tôi: “Thôi, mai tao đi nhé”. Không ngờ tối hôm ấy anh qua đời, vì bị nhồi máu cơ tim. Cái chết của anh Thanh là một tổn thất lớn của Đảng ta, nhất là vào thời điểm quan trọng này. Tôi đã viếng anh bằng bài thơ “Một con người”:

Tưởng lại đưa anh ra chiến trường
Đường về, vó ngựa thẳng dây cương
Ngày mai… ai biết chiều nay phải
Vĩnh biệt anh nằm dưới bóng dương…


Khi đất nước giải phóng, nhà thơ Tố Hữu lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, khi trở về thăm lại quê hương, đi trên mỗi con đường nhà thơ không nguôi nhớ bạn:

Cơ chi anh sớm được về bên nội,
Hôn nỗi đau tan nát Phù Lai

Như quê bạn Niêm Phò trơ trụi,
Đạn bom cày cả nương sắn đồng khoai
                        (Bài thơ quê hương)

Nhà thơ Tố Hữu viết: “Anh Thanh là một cán bộ lãnh đạo, một tướng lĩnh rất xuất sắc, quả cảm, táo bạo, xông xáo, rất chân thành và giản dị. Với tôi, anh là người bạn luôn gần gũi, ngay từ những ngày đầu tôi bước vào hoạt động cách mạng. Tôi đã gửi gắm vào bài thơ cả nỗi niềm tiếc thương khâm phục:

Ôi sống như anh, sống trọn đời
Sáng trong như ngọc một con người
Thanh ơi, anh mất rồi chăng đấy

Cứ thấy như anh nở miệng cười...

Vâng, “sáng trong như ngọc một con người”, cách gọi ấy mà nhà thơ Tố Hữu dành cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thể hiện rất rõ hình ảnh một vị tướng tài năng, đầy bản lĩnh thao lược, đức độ, có thái độ trân trọng văn hóa dân tộc, trân trọng văn nghệ sĩ, sống tình cảm và đầy trí tuệ…

Nguyễn Chí Thanh, người chồng - người tình
 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bà Nguyễn Thị Cúc

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gặp bà Nguyễn Thị Cúc năm 1934, nhưng mãi đến năm 1946, họ mới thành hôn. Ông bận hoạt động cách mạng, và bà đã chờ ông 12 năm.

Có một câu chuyện cảm động thể hiện mối tình chồng vợ của Đại tướng. Một ngày của năm 1947, khi Thừa Thiên vỡ mặt trận, người ta thấy đôi vợ chồng trẻ mỗi người chạy dọc một bên bờ sông, vừa chạy vừa gọi tên nhau: “Thanh ơi!”, “Cúc ơi!”. Thì ra lúc đó, người vợ của Đại tướng là Nguyễn Thị Cúc nghe người ta nói chồng bị Pháp bắn chết rồi ném xác xuống sông. Còn Đại tướng thì nghe tin đồn là vợ qua sông bị pháo bắn chết trôi mất xác rồi. Họ chạy dọc sông Hương mà gọi tên nhau, khi nhìn thấy nhau, mừng quá, hai người lội ào ra ôm nhau giữa sông...

Câu chuyện đó được người con gái, cô Nguyễn Thanh Hà, kể lại sau hơn 60 năm vẫn với cảm xúc dâng trào.

Cuối năm 1963, sau khi đi họp Bộ Chính trị về, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh báo cho vợ biết Bác và Đảng sẽ cử ông vào miền Nam chiến đấu. Bà Cúc biết rõ đây là tâm nguyện từ lâu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trái tim người vợ buồn, song lại nghĩ: “Đã làm tướng thì lẽ đương nhiên phải ra trận”. Bà chỉ nghĩ thương lo sức khỏe của ông, bởi khi làm việc nhiều ông hay ôm ngực kêu khó thở. Lúc đó, bà Cúc mới đi chữa bệnh về. Bà không khỏe từ khi gia đình mất đứa con đầu lòng ở chiến khu Trị Thiên trong kháng chiến chống Pháp.

Tháng 9/1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chính thức vào Nam. Tại căn cứ của Trung ương Cục miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Bộ chỉ huy Miền thường xuyên theo dõi nắm bắt kịp thời mọi động thái mới của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Từ thực tế chiến đấu của quân và dân miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đi tìm lời giải cho câu hỏi: Làm thế nào để quân và dân miền Nam có thể đánh thắng được mấy chục vạn quân Mỹ?

Nhiệm vụ nặng nề là thế, công việc vất vả phức tạp là thế nhưng trong những bức thư gửi ra Bắc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều nói với vợ là: “Làm ăn khấm khá. Sức khỏe tốt. Đừng lo cho anh...”. (Vì nguyên tắc giữ bí mật nghiêm ngặt nên tên của hai vợ chồng cũng được đổi: Thanh là Nam và Thao, Cúc đổi thành Lý).

Trong bức thư gửi tháng 4/1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết:

Lý yêu mến. Vừa nhận được cả thư và ảnh của gia đình - Mừng lắm. Chắc Lý đã nghe anh bạn kể chuyện nhiều và rõ. Nghe nói Lý khỏe hơn trước nhiều, và nhìn trong ảnh thấy Lý có mập hơn trước, mừng lắm… Sức khỏe của anh vẫn tiếp tục tốt. Cách đây 1 tuần có cân, 58 cân. Tuy làm ăn lao động vất vả nhưng không đến nỗi như trước đây, cho nên vẫn có điều độ, chơi bời săn bắn chút ít, cho nên khỏe hơn trước nhiều về các mặt. Bà con làng nước ở đây nói chung sức khỏe là tốt, vui vẻ.

Gửi lời thăm ông bà ngoại. Ba có nhận được thư của Bé, Bé cố gắng học nhé. Hà thì khá, đừng chủ quan tự mãn. Tý có học cả văn hóa, cả nhạc cho khá. Cu Vịnh ngoan nhé!

Ba hôn các con, ba cố làm ăn khá để gửi tiền về nuôi các con. Các con phải lo học tập, lao động, tu dưỡng đạo đức cho ngoan. Thảo khỏe nhé. Thăm tất cả, chúc mạnh khỏe tất cả.

Anh sẽ nhớ lời Lý dặn. Mong Lý, các con, các ông bà mạnh khỏe.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra đi đột ngột vào ngày 6/7/1967, đêm trước ngày ông định trở lại chiến trường miền Nam. Trước đó mấy tháng, ông vừa từ chiến trường trở về Hà Nội…

Chỉ sau khi Ba mất, chúng tôi mới hiểu tình yêu Mẹ giành cho Ba như thế nào. Hơn 10 năm sau ngày đó, cho tới khi Mẹ cũng ra đi, Mẹ sống trong nỗi nhớ Ba không gì bù đắp nổi” - cô Nguyễn Thanh Hà nói.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và văn hóa văn nghệ

Báo điện tử Vietnamnet ngày 08/06/2007 đã đăng bài “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đêm quan họ đầy bão táp” do thi sĩ Hoàng Cầm viết. Tác giả bài thơ “Lá diêu bông” kể:

Hạ tuần tháng 5/1954. Ngay sau chiến thắng giòn giã Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Chính ủy Nguyễn Chí Thanh đứng ra tổ chức lễ hội “khao quân” đặc sắc. Lúc đó, Hoàng Cầm là Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, nhận được lệnh phải tổ chức biểu diễn văn nghệ cho khoảng 1000 người xem. Suy tính mãi, nhà thơ quyết định chọn 10 tiết mục, trong đó có tiết mục nói về tình yêu, và đưa vào một màn múa hát quan họ. Ba hồi trống ròn rã mở màn và bài hát mừng chiến thắng Điện Biên vang lên. Cả đoàn gần 100 người hát vang sấm động. “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở...” Các bài hát càng dồn dập thì khán giả cũng vỗ tay theo. Tiếp sau đó, hàng loạt tiết mục như “Hò kéo pháo”, “Quê em miền trung du”, “Trường ca sông Lô”. “Du kích sông Thao”... múa lượn - xòe, múa - nón - sạp làm tưng bừng cả đêm diễn.

Đến khi màn quan họ bắt đầu, nhìn thấy miệng cười tươi rói của người Tổng tư lệnh mới ngoài 40 tuổi, nhà thơ động viên tốp nữ quan họ phải hát thật bay bướm:

“Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay

Nhưng đến câu ca đỉnh điểm chót vót của tình yêu nam nữ trọn vẹn:

“Gió giục cái đêm đông trường
Nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai

Thì từ hàng thứ tư xuống đến vài ba hàng nữa, các vị sĩ quan trung đoàn đã quát tháo nặng nề phản đối đòi phải hạ màn.

Nhà thơ Hoàng Cầm giơ tay ra hiệu cho hậu đài hạ màn tức khắc. Nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã bước nhanh lên sân khấu, yêu cầu những sỹ quan ấy phải xem lại hành vi vừa rồi. Sau đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mời những người phản đối chiều hôm sau đến xem lại màn quan họ tại nhà riêng để sau đó thảo luận. Còn đêm văn nghệ thì vẫn tiếp tục.

Chiều hôm sau, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đứng đón văn công từ ngoài cổng và phát cho đoàn hơn chục cái quạt nan. Cử chỉ đó khiến nhà thơ Hoàng Cầm cảm phục: “Ông tướng này thật văn minh”.

Một lúc sau, gần trăm người có mặt, cả những người đêm qua chống đối hát quan họ. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói với cả đội quan họ:

- Đừng ngại gì nhá! Bình tĩnh, hát thật hay vào!

Tuân lệnh, các cặp liền anh liền chị bắt đầu diễn và diễn rất hay. Khán giả vỗ tay kéo dài. Sau đó, cuộc tranh luận bắt đầu. Nhà thơ Hoàng Cầm được chỉ định phát biểu. Nhà thơ kể về những quy định nghiêm ngặt giữa liền anh liền chị, và kết luận: Chúng ta được có mặt trên cõi đời này, chính là nhờ tình yêu nam nữ mà tạo hoá đã ban cho. Tiếng hát quan họ là nghệ thuật của yêu thương.

Người phản đối đêm qua sau đó đứng dậy xin lỗi, rằng từ nhỏ đã đi đánh trận, cứ liên miên trận mạc, rồi kiểm điểm, rồi tập luyện, rồi chỉnh huấn, chỉnh quân, chưa thấy một đoàn văn công nào hát những lời như thế bao giờ. Quy cách quân sự cứng nhắc cứ quen đi.

Cuộc thảo luận vẫn được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gợi ý tiếp tục. Có ý kiến cho rằng mới chiến thắng bước đầu, bộ đội vẫn phải chắc tay súng, không nên để những tình cảm lãng mạn làm lơi lỏng ý chí và tinh thần đánh giặc của quân dân. Nên vui với cái vốn cũ của dân tộc một chút thế thôi, còn diễn đại trà thì không nên.

Bất ngờ, Đại tướng hỏi đùa:

- Các ông ơi! Cứ giả dụ như tôi đang là học trò cấp 1. Vậy “em” xin các thầy chính uỷ giảng cho “em” Tổ quốc là gì ạ?

Nhiều tiếng cười lao xao, không khí trở nên chân tình, bỗng một người đứng dậy:

- Bộ đội thì hơn 80% là nông dân. Làng quan họ vừa rồi bắt nguồn từ nông dân tỉnh Bắc Ninh. Màn hát chỉ có hơn 20 phút mà tôi thấy cả một vùng quê cổ kính hiện lên. Đấy, màn quan họ vừa rồi là Tổ quốc đấy! Dân tộc ở trong ấy… hạnh phúc ở trong ấy. Yêu nhau mà được cởi áo cho nhau thì còn gì hạnh phúc bằng.

Có nhiều tiếng đồng tình:

- Đúng thế, Tổ quốc ta có quan họ thì đẹp biết chừng nào! Hát có hơn 20 phút giữa những sùng sục chiến đấu, giữa những tưng bừng chiến thắng thì tôi thấy nó đúng là viên kim cương xanh biếc xếp bên viên hồng ngọc. Chả hiểu các đồng chí nghĩ sao mà lại cho rằng nó làm nhụt ý chí chiến đấu.

- Những đơn vị chiến đấu đã thừa khói lửa, lúc xem văn công trên sân khấu lại cũng toàn cảnh bắn nhau, nghe hô “tiến lên! xung phong!” thì anh có ngấy lên không? Đêm qua chúng tôi phải cảm ơn đoàn văn công đã cho chúng tôi vài chục phút thanh cao đấy.

Cuối cùng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mới đứng hẳn lên: “Tôi nghĩ chúng ta tranh luận thế là rất thẳng thắn mà vẫn đầy tình đoàn kết. Các ông nhiều gân cốt quá, vô tình để trái tim sổng ra khỏi lồng ngực. Hay là mấy ông cố làm thế cho oai để ra cái điều ta là anh hùng, là khí phách? Có cô gái đẹp dịu hiền lướt qua trước mắt sao lại quay ngoắt đi? Ừ thì không mê mẩn cô ta, nhưng tại sao lại không nhìn, không thưởng thức cái nhan sắc mà trời phú cho cô ấy. Các ông sợ cái đẹp nó quyến rũ mình à? Nếu thế thì đâu phải là khí phách? Người có gan vẫn có thể kết bạn với một cô gái đẹp, miễn là mình giữ lòng mình không sa ngã thôi, chứ cớ sao lại xua đuổi cái đẹp màn quan họ này, khi mà nó có đủ 3 phẩm chất cơ bản của văn nghệ là chân, thiện, mỹ? Đó là cái vốn đã lâu năm của dân tộc. Cái vốn văn hoá của dân tộc, chỗ nào là thô kệch, là nhố nhăng, tôi chắc các cụ ta hàng trăm năm nay đã gạn nó đi hết rồi, chỉ còn lại sự trong sáng cao quý mà thôi. Cụ Nguyễn Du tả nàng Kiều tắm mà có thô tục đâu?”

Vỗ tay... nhiều người đứng cả lên vỗ tay. Nhà thơ Hoàng Cầm viết: “Lúc đó tôi thì chỉ muốn ôm hôn ngay vị tướng vừa đanh thép lại vừa hoa lá ấy. Và về sau, Hoàng Cầm lại viết: Nguyễn Chí Thanh lại là một vị thủ trưởng bản lĩnh, nhân hậu, thân thiện và hết sức “con người”. Ngày nghe tin ông Thanh mất, tôi đã khóc. Khóc dữ dội, khóc ghê lắm! Người như vậy mà mất sớm thì tiếc quá, tiếc cho gia đình, tiếc cho dân tộc”.

Q.V
(SDB11/12-13)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN THỊ TRƯỜNGBước chân vào cái ngõ 45 Phan Bội Châu gặp mùi bánh trứng nướng thơm phức bao trùm, ngỡ ngàng: “Ông Trần Đình Hiến còn là một chủ lò bánh?”. Nhưng: - Không phải đâu. Khu nhà này hầu hết là mấy anh em ruột chúng tôi sinh sống. Lò bánh này của một chú, còn các người khác mỗi người một nghề. Các em tôi đều chịu khó. Vâng, bây giờ ai chẳng lấy chịu khó làm đầu...

  • Chính Bùi Hiển dẫn lời bạn ông nói rằng văn ông đi từ hướng ngoại đến hướng nội, hàm ý chín dần, mỗi ngày mỗi gần hơn với cốt lõi văn chương. Tôi không thấy như vậy.

  • NGÔ MINHSau hai cuộc hành trình vất vả hơn 2600 cây số đi về Đại hội Nhà văn khu vực miền Trung ở Nha Trang giữa tháng 3, rồi Đại hội Nhà Văn Việt Nam VII, bắt đầu từ 22/4 đến 10 giờ rưỡi đêm 27/4 tôi mới về tới nhà mình ở Huế, ngồi trước máy vi tính viết những dòng  buồn vui lẫn lộn.

  • THANH THẢO                           6 năm nay, kể từ cái đêm thơ nhạc kỷ niệm 40 năm đường 559 do nhà thơ Phạm Tiến Duật dẫn chương trình, trong đêm ấy Tế Hanh vì quá xúc động khi nhớ lại chuyến đi qua Trường Sơn của mình đầu năm 1974, ông đã bị xuất huyết não. 6 năm ấy, không thể có một cuộc phỏng vấn hay “gặp gỡ” nào được thực hiện với Tế Hanh, đơn giản vì ông không nói được. Tôi nghĩ, 6 năm nay, Tế Hanh chỉ còn trò chuyện với dòng sông của mình, dòng sông của đời mình, trong im lặng. Vì thế, những cuộc trò chuyện tôi kể sau đây đều thuộc về thời gian trước khi Tế Hanh lâm trọng bệnh.

  • LTS: Kể từ khi xuất hiện với bạn đọc qua bài bút ký đầu tiên có tên là Gọi nắng và chùm thơ Đời chị trên tạp chí Sông Hương lúc tuổi đời mới hai mươi, gần 10 năm qua, Văn Cầm Hải là một “hiện tượng văn học” của nhiều cuộc tranh luận vì phong cách lập ngôn mới lạ của mình. Bước vào mùa xuân mới, đúng vào ngày sinh nhật 20/1/2005 của mình, Văn Cầm Hải đã chính thức trở thành một trong những nhà văn trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Vốn là người kín tiếng đến mức “lập dị” nhưng nhân dịp xuân vui này, nhà văn Văn Cầm Hải đã “bật mí” nhiều điều, từ A đến Z trong cuộc sống của anh  với Sông Hương.

  • Sáng ngày 24-2-2005 tại trụ sở 26 Lê Lợi - Huế, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ tưởng niệm nhà thơ Huy Cận. Nhiều cơ quan, ban ngành tỉnh, thành phố Huế và anh chị em văn nghệ sĩ đã tới dự. Sông Hương trân trọng giới thiệu “điếu văn” do nhà thơ Võ Quê đọc trong lễ tưởng niệm.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ(Tưởng nhớ nhà thơ Lương An)Năm 1984, sau khi cùng anh chị em văn nghệ đón di hài nhà thơ Vĩnh Mai về Huế, nhà thơ Lương An - người đồng hương, người bạn thơ gần gũi với Vĩnh Mai đã viết bài "Đón anh về lại Huế thơ": Anh về lại Huế hôm nay / Huế đang mưa bỗng tạnh ngày nắng xuân...

  • HỒ SĨ HIỆPBa Kim, tên thật là Lý Nghiêu Đường, tự Thị Cam, sinh năm 1904, người Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Ông viết văn rất sớm, nổi tiếng trên văn đàn từ thời "ngũ tứ vận động" (1919) và hoạt động văn học sôi nổi từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước, tên tuổi ngang hàng với các nhà văn Mao Thuẫn, Tào Ngu và Lão Xá.

  • TRUNG SƠN(Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Phùng Quán)I. Hơn mười năm trước - mùa hè 1992, một cuộc “khai quật” ở Huế đã làm chấn động dư luận. Trong lúc đào hố móng xây dựng một căn nhà tại trụ sở Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Thừa Thiên Huế, người ta đã phát hiện một ngôi mộ tập thể gồm 17 bộ hài cốt, một số vũ khí, đạn và 3 kỷ vật còn ghi rõ tên hiệu, đơn vị Vệ quốc đoàn hồi năm 1946.

  • XUÂN TÙNG          Chòi trống im lìm, khách ngẩn ngơ          Bình khô, rượu cạn, điếu chăng tơ          Bao giờ điếu lại reo êm ái          Nhà rộn tiếng cười, ấm giọng thơ...

  • TRẦN THỊ LINH CHIXuất thân gia đình quan lại, học giỏi nhưng lại không chịu theo đuổi đến nơi đến chốn để khoa bảng đề tên, tiến bước công danh hầu nối nghiệp nhà, cha tôi bỏ dở chương trình tú tài sau khi đậu thành chung, làm một công chức kiếm sống qua ngày, dành hết cuộc đời cho văn học. Năng khiếu phê bình của ông đã biểu hiện ngay từ thời còn đi học.

  • PHAN TRUNG THÀNHTháng giêng năm 2003, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu lần thứ I, theo sáng kiến thành lập “Ngày thơ Việt Nam” của Hội Nhà văn Việt Nam.

  • BẢO CƯỜNGLTS: Trên 40 năm ngâm thơ và đệm sáo cho thơ từ ra Bắc, từ trong nước ra nước ngoài, Bảo Cường hiện là một nghệ sỹ lão luyện trong nghề. Bài viết dưới đây, như chính tác giả nói: “Với lòng thiết tha mong mỏi bộ môn ngâm thơ và đệm sáo cho thơ ngày một phát triển, để mọi người và nhất là giới trẻ yêu thơ có cơ hội tìm hiểu đào sâu về hai bộ môn này.”

  • TRẦN NINH HỒLTS: Trần Ninh Hồ tên thật là Trần Hữu Hỷ. Lính Đông Bộ 1971 - 1976, 1977 - Trưởng ban Văn thơ báo Văn Nghệ. Nguyên chủ nhiệm Bảo tàng Văn học Việt …Bình quân cứ độ dăm năm, nhà thơ Trần Ninh Hồ lại có một "đợt" xuất bản thơ. Anh là cây bút sung sức trong suốt mấy thập niên vừa qua của nền thơ hiện đại Việt Nam, từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cho suốt đến những ngày hôm nay...Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Trần Ninh Hồ trong một cách nhìn riêng biệt.

  • INRASARACác hội thảo bàn về nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tạo văn học đã lôi kéo không ít nhà văn tham gia bàn cãi sôi nổi. Là tín hiệu đáng mừng: văn học Việt đang tự ý thức, tự phản tỉnh (self consciousness).

  • TRẦN ĐÌNH SỬThực tế nghèo nàn về thành tựu khoa học xã hội và nhân văn của chúng ta có thể tìm thấy nguyên nhân trong lối tư duy độc tôn một thời ở lĩnh vực học thuật. Cội nguồn sâu xa của lối tư duy ấy đang nằm trong di chứng của thời kì chiến tranh kéo dài ba mươi năm và cuộc đấu tranh ý thức hệ tàn khốc.

  • NGUYỄN THANH MỪNGKhái niệm nhà văn làm báo chắc không phải là chuyện lạ, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Cánh cửa mở ra cho nhà văn tung hoành trên “sân cỏ” báo chí không đơn thuần là chuyện “cơm áo không đùa...” mà vì nơi đây, nhà văn thể hiện mình ở nhiều góc độ khác nhau, hiểu từ hai phía, nhu cầu biểu lộ tâm trạng của họ và nhu cầu của đời sống đất nước và nhân dân đòi hỏi ở họ.

  • TRƯỜNG NHÂNLTS: Cũng như cuộc đời, văn nghệ có biết bao buồn vui. Nhà văn cũng là người, cho nên có lúc cũng dở khóc dở cười bởi những chuyện ngoài văn chương. “Vạch túi cho người xem... bia” là câu chuyện hậu kì để bạn đọc chia sẻ với chuyện bếp núc làng văn.

  • NGUYÊN ANMột nhà văn đồng hương cao niên hỏi tôi:- Sao bây giờ ta mới quen nhau nhỉ?Tôi chưa kịp trả lời, ông đã nói tiếp:- Thôi, từ nay nhé!

  • THANH THẢOLTS: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã về Huế. Có thể nói đấy là một sự kiện - một sự kiện trang nghiêm lặng lẽ.Là người có căn lành, cuộc trở về của ông dường như mãn vẹn. Ông đã trở về với nơi xuất phát, trở về với “ngôi nhà có ngọn lửa ấm”, trở về với tư cách một công dân thi sĩ.Sông Hương có nhã ý “cập nhật” ông từ đầu nhưng qua dò ướm, biết ông chưa muốn, Sông Hương đành để các báo bạn “post” trước.Mặc dầu “truy cập” sau nhưng Sông Hương với ông, với người Tổng Biên tập đầu tiên - Tổng Biên tập sáng lập hẳn còn nhiều duyên nợ, dài dài...