Người quê tết quê

16:15 28/01/2022

NGUYỄN ĐẮC THÀNH

Tết ở quê, người làng luôn tự túc mọi thứ. Giản đơn, bình dị, không khoa trương, nhưng luôn đem lại một không khí rất khác, ấm cúng, sum vầy.

Những khóm vạn thọ của ba tôi mỗi dịp tết đến

Chuẩn bị cho tết, không thể thiếu hoa hòe. Ba tôi năm nào cũng tự tay trồng vài chậu vạn thọ, cúc, lay ơn. Với kiểu người truyền thống như ông, những loài hoa đó luôn luôn đại diện cho hình ảnh của tết. Mà thực sự, lúc nào tôi thấy một khóm vạn thọ bung hoa, y rằng thấy không khí tết. Nơi tôi ở, nhiều người vẫn thích tự trồng hoa cho tết. Không nhiều, chỉ một vài chậu. Nhưng, gì thì gì phải có vạn thọ. Một loài hoa mặc định cho tết. Thiếu nó thấy tết mất đi ít nhiều. Cũng có thể nó đã gắn bó với người dân quê với những cái tết trong nghèo khó, để đến giờ dù có nhiều sự lựa chọn cho việc chưng hoa ngày tết, người ta vẫn thích trồng nó mỗi dịp xuân đến.

Tầm tháng cuối 9 Âm lịch, mạ tôi đi chợ mua chục con vịt cỏ về nuôi. Bầy vịt nuôi đến tết là lớn; cũng là lúc thời gian kéo dần đến cuối năm, mạ lại làm đất chuẩn bị cho vườn rau. Với bà, tết không thể thiếu rau. “Thịt thà nhiều có ít rau vào ăn cho đỡ ngán”, mạ vẫn hay lý giải vậy. Bà làm đất kỹ lưỡng, rải phân chuồng đã hoai mục rồi gieo hạt xuống. Lấy rơm ủ ấm cho hạt dễ nảy mầm. Tầm một tuần, cải đã ăn được. Xà lách, thì bà nhổ tỉa trồng thêm ở đám đất khác. Cải cứ hết luống này lại gieo luống khác. Loại cải nào cho củ thì để lớn. Cải trồng nhiều ăn không hết lại đem làm dưa. Vườn rau ăn kéo dài đến tháng 3.

Ở quê, người ta luôn có một sự chuẩn bị như vậy. Họ luôn chủ động để không bị phụ thuộc quá nhiều vào chợ đò. Dân quê chỉ mua mỗi bánh kẹo, mứt, hạt dưa vào dịp tết. Còn lại chủ yếu tự cung tự cấp. Nhà tôi ít khi mổ heo ăn tết, năm nào cũng chia phần với nhà khác. “Một đùi là đủ ăn tết và ra Giêng”, mạ nói. Thịt heo chia về, bà làm cẩn thận. Cái để làm mâm cúng, cái ngâm nước mắm. Món thịt heo ngâm nước mắm ăn với rau cải, xà lách luôn cho cảm giác vừa miệng, không ngấy. Có thể tôi là một đứa con của làng nên những ý niệm về quê, về sự bình dị vẫn bám lấy. Tôi rất thích cái cách chuẩn bị tết của người quê, không cầu kỳ, bày vẽ nhưng nó đủ ấm cúng, đủ xôn xao, đủ không khí. Rau cải đã gieo lên xanh trước đó nửa tháng. Heo, gà vịt nuôi vừa kịp lớn. Nếp gói bánh, nấu xôi đã phơi khô, cất trữ từ vụ hè thu. Nhà nào có được buồng chuối, ít trái cây quanh nhà thì coi như tết toàn cây nhà lá vườn. Tết ở quê, toàn quà của vườn, của nhà nên rất đậm vị. Cái cách người dân san sẻ cho nhau những tàu lá chuối để gói bánh, dù không lớn nhưng nó mang lại một sự gần gũi, thân thương.

Khi thời gian dần trôi về cuối tháng 11 Âm lịch, bản tin dự báo thời tiết nắng ráo kéo dài, ba tôi lại nhắc nhở đi đào cát trắng về đãi, phơi khô để cuối năm còn thay bát hương gia tiên. Mấy thằng trong xóm lại rủ nhau ra rú cát cách đó không xa, đào sâu xuống lấy lớp sạch nhất rồi chở về. Cát đãi qua nhiều nước, đem phơi chừng hai nắng, trắng phau. Cát khô, đem bỏ bao cất ở góc nhà, đến tầm 25 tháng chạp ba tôi sẽ thay bát hương. “Cát cũ phải giữ lại chừng một nửa, không được đổ hết. Lớp cát mới đổ lên trên cho sạch hơn thôi”, ba vẫn thường dặn dò như vậy mỗi lần thay cát. Ba tôi bảo, đem đổ hết cát cũ thì không khác gì đổ đi bát hương. Ông nội tôi trước đây còn sống mỗi lần thay cát cũng vẫn thường căn dặn vậy.

Khi ba dọn ban thờ cũng là lúc mạ tôi đi quanh vườn cắt lá chuối chuẩn bị cho việc gói bánh. Lá chuối cắt xuống, phơi nắng tầm ba mươi phút là đủ để gói bánh. Năm nào lá phơi không được mạ tôi mới đốt rơm lên hơ. Mạ bảo: Làm như ri cho lá mềm lại, khi gói không bị bể. Lá chuối sau khi phơi tới, đem vào cắt bỏ tàu. Mạ chọn lá đẹp nhất để gói. Những miếng rách dùng để bịt hai đầu của đòn bánh tét. Tùy vào bánh gì để chia lá. Năm nào mạ tôi cũng gói bánh vào tối 27 tết. Với tôi, mạ là một chuyên gia gói bánh. Bà gói bánh rất tài và đặc biệt siêng. Mạ gói được tất cả các loại. Một năm khi có dịp kỵ giỗ, hay rằm nếu rảnh, mạ lại mua bột, ngâm nếp gói. Nhà tôi đông chị em, tài nghệ gói bánh của mạ tôi cũng truyền lại được cho các chị. Trước tết, chị và các cháu tập trung về, đêm ngồi quây quần gói bánh. Mấy chị phụ mạ gói, tôi ngồi buộc lạt. Bánh gói xong, sáng mạ dậy sớm, kê bếp rồi bắt nồi lên nấu. Nồi bánh được canh, chêm nước cẩn thận. Tầm 9 giờ tối hôm đó là có thể vớt bánh.

Những ngày trước Giao thừa, tiết trời lúc nào cũng đẹp, nắng nhẹ, trời se se lạnh. Những cung đường quê người qua kẻ lại. Tết bây giờ với tôi có thể không còn như hồi trước. Đôi lúc do tôi đã lớn, không còn mong áo mới, không đợi phong bao lì xì hay được nghỉ học như trước. Nhưng tôi vẫn thích cái không khí xôn xao, tất bật chuẩn bị của người quê. Thích cái cách mỗi sáng mùng một tết ra đường gặp nhau người ta đều chào: Chào chú/ bác/ anh/ chị/ cháu năm mới. Thích hình ảnh những đứa con đi làm ăn xa về quê đoàn tụ khi xuân đến. Hồi học xong đại học, tôi đi làm xa. Hai năm sống xa quê, có hai lần ngóng mong tết để về nhà. Đường về quê lúc nào cũng đẹp, nhưng những ngày cận tết đẹp đến nao lòng. Tôi vào Quảng Ngãi làm báo. Đó với đây thực ra cũng chẳng xa bao nhiêu. Ngồi xe Bắc - Nam tầm 5 tiếng đồng hồ là đến nơi. Nhưng, chừng đó cũng để những đứa con xa quê mong ngày về quê sum vầy khi tết đến. Trong năm tôi cũng có mấy bận bắt xe ra thăm nhà, nhưng cảm giác về quê đón tết vẫn có gì đó rất khác. Nôn nao. Rạo rực. Nó gây một sự háo hức như đứa con đi xa bao năm chưa được về nhà.

Trước phòng trọ tôi ở là một vườn mai. Cứ đến tháng cuối năm, khi chủ tỉa lá là mọi người ở xóm trọ biết rằng tết sắp đến. Vườn mai với tôi như chiếc đồng hồ để đo thời gian đầu - cuối năm. Ngày những búp mai nhú và hoa bắt đầu nở bói, cũng là lúc tôi khăn gói về quê đón tết. Chạy xe máy rong ruổi trên cung đường Quốc lộ 1A, có những đoạn tôi tìm rẽ vào các đường làng, đi như tìm một hương vị mới. Xe qua các làng xóm xứ người, ở đâu cũng đẹp, bình dị. Người làng cào rác, lá, phát quang đường xóm chuẩn bị đón tết. Những đống lá đốt khói bay lên, xộc vào mũi, mắt, cay cay, thơm thơm, đượm mùi khói quê nhà.

Tôi về làng khi ruộng đồng đã xong vụ, những tất bật của đồng áng được khép lại. Người làng thu dọn, chỉnh trang cho một cái tết sau một năm quần quật với đồng ruộng.



N.Đ.T   
(TCSH396/02-2022)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TRẦN THỊ KIÊN TRINH

    Mùa hè năm nay tôi có dịp trở lại Sài Gòn. Thành phố với bao đổi thay nhưng tôi chưa kịp nhận thấy hết bởi thời gian tôi lưu lại Sài Gòn quá ngắn ngủi.

  • HOÀNG HƯƠNG TRANG

    Cũng lạ cho cái xứ Huế của tôi, cái chi cũng khác hơn thiên hạ. Nắng thì nắng cháy da phỏng trán, mưa thì mưa thúi đất thúi đai, dầm dề không dứt. Vài ba năm lại một trận lụt, trận bão to đùng.

  • BÙI KIM CHI

    “Tháng 7 nước nhảy lên bờ”. Mà lên bờ thiệt. Mưa. Mưa. Mưa… kéo dài lê thê. Lúc đầu nhỏ sau lớn dần. Nặng hạt. Xối xả. Cây cối trong vườn ngả nghiêng theo mưa và gió. Cây Lựu trước sân nhà tôi tơi tả. Trời tối dần. Mưa càng lúc càng to. Ào ào như thác đổ. Mưa suốt đêm. Sấm đất cuốn vào mưa. Ầm ầm. Ào ào. Âm thanh rộn rã…

  • Khi những giọt mưa ngâu tháng bảy bất ngờ trở về, làm xao động cả bầu trời mệt mỏi đang chìm lặng trong lòng sông Hương, Huế bỗng rùng mình chợt tỉnh cơn mê mùa hạ. Đó cũng là thời khắc mùa Vu lan đang về trên đất trời cố đô.

  • Hồi còn học ở Trường Đại học Sư phạm Huế, tôi có hai người bạn, hợp thành một nhóm, thường uống rượu với nhau khi vui cũng như khi buồn.

  • LTS: Tác giả của câu chuyện dưới đây, sinh ra và lớn lên ở làng quê Triều Sơn Nam, xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Anh sinh ra trong sự oan nghiệt khủng khiếp của cuộc sống khi buổi sáng mẹ anh quằn quại nghe tin đau xé mất chồng, buổi chiều mẹ đón nhận tiếng khóc chào đời của anh.

  • NGUYỄN LỆ BA

    Gia phả họ Nguyễn Quang ghi chép, tổ tiên chúng tôi là những người đã ra đi từ đất Huế. Thuở dong buồm về phương Nam đi tìm đất mới, những lưu dân đầu tiên đến dựng làng lập ấp trên vùng sông nước quê tôi chỉ vỏn vẹn vài dòng họ với đôi ba chục con người.

  • BÙI KIM CHI

    Đã có một lần tôi được trở về thăm Huế vào một mùa trăng. Cảnh vật thiên nhiên trời ban riêng cho Huế làm Huế duyên dáng và đẹp lạ lùng vào những đêm trăng. Trăng Huế vì thế mà có nét đẹp rất riêng, là lạ, duyên dáng, lộng lẫy và quyến rũ trong phong cảnh vừa thơ, vừa duyên và lãng mạn của trời đất Huế về đêm.

  • NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VỊ PHÁP THIÊU THÂN

    NGUYỄN BỘI NHIÊN

  • Một nam sinh như tôi lại học trường nữ trung học Đồng Khánh (trường THPT Hai Bà Trưng hiện nay), có thể một số người cho đó là chuyện lạ đời. Nhưng đấy lại là sự thật 100%! Tuy tôi chỉ học ở trường Đồng Khánh một năm lớp năm bậc tiểu học (bây giờ là lớp 1) vào khoảng những năm cuối thập kỷ 40 đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Nhưng không hiểu tại sao tôi lại còn nhớ nhiều những kỷ niệm về năm học đầu đời ấy mãi tới tận bây giờ.

  • TRIỆU BÔN
             Hồi ký

    Mùa mưa năm 1968 ở mặt trận đường Chín - Khe Sanh, trung đoàn 246 chúng tôi được gọi đùa là trung đoàn hai bốn đói. Ngày ngày chúng tôi sống bằng ba nguồn chính: thịt thú rừng, rau môn thục, và đỗ xanh.

  • NGUYỄN MẠNH QUÝ

    Có lẽ bởi một nỗi niềm đau đáu về quê hương, nơi mình được sinh ra và chắt chiu nuôi dưỡng trong từng hạt cát, từng trận mưa dầm dề thúi trời thúi đất hay nắng lửa trên cồn khô cát cháy, mà những con người ở đây sẵn mang một tấm lòng lồng lộng gió trời trải đi khắp muôn phương...

  • BÙI KIM CHI

    Tôi đang đứng ở đây. Bến xe đò Đông Ba của thế kỷ trước. Bùi ngùi. Xúc động. Bến xe đã không còn. Thật buồn khi nơi này đã vắng bóng những chiếc xe đò dân dã, thân thương thuở ấy cùng những tà áo trắng học trò dung dị với giọng Huế trong trẻo ơi ới gọi nhau lên xe kẻo trễ giờ học.

  • NGUYỄN VĂN UÔNG
                         Tùy bút

    Tuổi càng cao càng có nhiều nỗi nhớ vu vơ. Tôi đang trong tình trạng đó. Nhớ cồn cào đến xao xuyến là mỗi dịp xuân về: Nhớ Tết quê tôi. Nhớ tuổi thơ tôi và nhiều nỗi nhớ khác nữa.

  • HOÀNG HƯƠNG TRANG

    Thuở nhỏ, tôi thường trốn ngủ trưa đi nghe hát vè. Ở Huế lúc ấy gọi là nói vè, như theo tôi phải gọi là hát vè thì đúng hơn, bởi người hát có bài có bản, có giai điệu, trầm bổng, có cả nhạc cụ.

  • HỒ XUÂN MÃN
    (Nguyên UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế)

    Năm 1973, để chuẩn bị cho ký kết hiệp định Paris, Khu ủy và Quân khu Trị Thiên - Huế chủ trương tổ chức các lực lượng (bao gồm cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) tổ chức đánh chiếm các căn cứ và phân chi khu địch để giành đất, nắm dân, cắm cờ giành quyền làm chủ.

  • TRẦN THỊ NHƯ MÂN

    Tôi sinh ra trong gia đình quan lại, đã mấy đời làm quan với triều đình Huế(1). Khi tôi lớn lên thì chế độ cai trị của thực dân Pháp đã bước vào giai đoạn ổn định sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Chiếc ngai vàng của nhà Nguyễn từ nay trở đi chắc không còn phải chịu những cơn sóng gió đáng kể chi nữa.

  • HUY CẬN - XUÂN DIỆU
          Trích "Hồi ký song đôi"

    Tháng 8 năm 1928 cậu tôi được lệnh của Sở học chính Trung kỳ đổi về Huế làm hiệu trường trường tiểu học Queignec ở phố Đông Ba.

  • LÊ QUANG KẾT
             Bông hồng dâng mẹ 

    Vua Tự Đức - ông vua tại vị gặp cơn biến động trong lịch sử dân tộc, sinh thời nhà vua đã tán dương công ơn mẹ: “Nuôi ta là mẹ, dạy ta cũng là mẹ: Mẹ là Thầy vậy. Sinh ra ta là mẹ, hiểu ta cũng là mẹ: Mẹ là Trời vậy”.

  • TRẦN HOÀN
                Hồi ký

    Năm 1941 thi vào trường Quốc Học, tôi đỗ vào loại khá nhưng chưa đủ mức để được cấp học bổng toàn phần.