Người đàn bà và con mèo

08:15 12/07/2019

Eugene Marcel Prevost, nhà văn và là kịch tác gia người Pháp, sinh ngày 1/5/1862 tại Paris, mất ngày 8/4/1941 tại Vianne, thuộc khu hành chính Lot- et-Garonne. Năm 1909, ông được mời vào Hàn lâm viện Pháp. 

MARCEL PREVOST

"Vâng”, ông bạn già Tribourdeaux của chúng tôi, một con người văn hóa và là một triết gia, đó là sự kết hợp hiếm có ở những bác sĩ giải phẫu trong quân đội; nói: “vâng, điều siêu nhiên thì có ở khắp nơi, ở chung quanh chúng ta, vây quanh ta và ngấm vào ta. Nếu khoa học tìm kiếm nó, nó biến mất. Khả năng hiểu biết của chúng ta cũng giống như trường hợp tổ tiên chúng ta khai phá vài mẫu rừng, bất kỳ khi nào họ khai phá hết mức họ nghe những tiếng gừ gừ và thấy những đôi mắt lấp loáng ở mọi nơi chung quanh họ. Chính tôi đã có cảm giác đạt tới những giới hạn của điều không biết được nhiều lần trong đời, và vào một dịp đặc biệt”.

Một nàng trẻ tuổi có mặt ở đó ngắt lời ông:

“Thưa bác sĩ, ông đang muốn kể cho chúng tôi một câu chuyện. Xin bắt đầu đi”.

Viên bác sĩ cúi thấp đầu.

“Không, xin thưa thật tôi không phải là không lo lắng. Tôi càng ít kể câu chuyện này thì càng tốt. Vì nó làm người nghe bấn loạn, và cũng làm tôi bấn loạn. Tuy nhiên, nếu cô thích, thì chuyện như thế này:

“Năm 1863 tôi là một y sĩ trẻ làm việc ở Orlean. Thành phố thượng lưu ấy đầy những ngôi nhà cổ kiểu quý tộc, khó mà tìm được những căn hộ dành cho người độc thân, và, vì tôi thích có nhiều không khí và không gian thoáng đãng, tôi chọn chỗ ở của tôi ở tầng một của một tòa nhà lớn ở ngay rìa thành phố, gần Saint-Euverte. Đầu tiên nó được xây dựng để vừa làm một nơi chứa hàng vừa làm chỗ ở cho một nhà sản xuất thảm. Trong giai đoạn đó thì nhà sản xuất này thất bại, và tòa nhà lớn mà ông ta đã xây dựng, không được sửa chữa vì thiếu người thuê, đã được bán với giá rất rẻ với toàn bộ trang thiết bị của nó. Người mua hy vọng kiếm được lợi nhuận trong tương lai khi mua nó, vì thành phố đang phát triển ra hướng đó, và, thực tế là, tôi tin rằng hiện giờ tòa nhà đã được nằm trong quy hoạch của thành phố. Tuy nhiên, khi tôi thuê một chỗ ở đó, tòa nhà còn đơn độc ở ven một miền quê thoáng đãng, cuối một con đường ngoằn nghèo có vài ngôi nhà rải rác vào ban đêm tạo ra ấn tượng đó là một cái hàm đã rụng gần hết răng.

“Tôi thuê một nửa tầng một, là một phần tòa nhà gồm bốn phòng. Tôi lấy hai phòng mặt tiền để làm phòng ngủ và văn phòng, phòng thứ ba tôi để mấy cái tủ, kệ đựng quần áo, phòng cuối cùng thì bỏ trống. Chỗ này thành một nơi cư trú rất thoải mái đối với tôi, và tôi có một bao lơn rộng chạy suốt mặt tiền tòa nhà làm chỗ dạo bước, hay nói đúng hơn là một nửa bao lơn đó, vì tòa nhà được chia làm hai phần (xin lưu ý cẩn thận chỗ này) bằng một hàng rào song sắt, nhưng mà người ta có thể dễ dàng leo qua.

“Tôi sống ở đó chừng hai tháng thì vào một đêm tháng bảy trong khi trở về nhà, tôi ngạc nhiên thấy có ánh sáng nơi những cửa sổ của phần nhà bên kia, nơi mà tôi cứ nghĩ là không có người ở. Tác động của ánh sáng này là lạ lùng. Nó chiếu sáng với một ánh xanh nhạt, tuy vậy lại làm sáng rõ ràng nhiều phần của bao lơn, con đường bên dưới, và một ít diện tích kế cận.

“Tôi thầm nghĩ: “Aha! Mình có hàng xóm”.

“Thực sự ý nghĩ này không phải là hoàn toàn được tán thành, vì tôi đã từng khoái chí về sự cư ngụ độc nhất của tôi. Trước khi về phòng ngủ tôi lặng lẽ đi ra ngoài bao lơn, nhưng nguồn sáng ở ngoài đã tắt mất rồi. Vậy là tôi quay về phòng, ngồi đọc sách chừng một hay hai giờ đồng hồ. Thỉnh thoảng tôi dường như nghe được tiếng chân bước nhẹ, dù tôi đang ngồi trong bốn bức tường, nhưng sau khi đọc sách xong tôi đi ngủ, và chìm vào giấc ngủ khá nhanh.

Minh họa: Nhím


“Khoảng nửa đêm tôi chợt tỉnh giấc vì cảm giác lạ lùng là có gì đó đang đứng bên cạnh tôi. Tôi ngồi dậy trong giường, thắp một ngọn nến, và đây là những gì tôi thấy. Ở giữa phòng là một con mèo rất to đang nhìn tôi bằng đôi mắt sáng ánh lân tinh, lưng nó hơi cong lên. Đó là một con mèo giống Angora lớn, lông dài và đuôi phủ lông tơ, có một màu khác thường - chính xác là giống như màu lụa vàng mà người ta thấy trong những cái kén - vì vậy khi ánh sáng tỏa trên lớp lông của nó, con vật dường như làm bằng vàng.

“Nó chầm chậm bước về phía tôi bằng bốn chân mềm như nhung, dịu dàng cọ tấm thân dợn sóng của nó vào chân tôi. Tôi vói tay xoa xoa nó, nó chấp nhận sự ve vuốt của tôi, gừ gừ, rồi cuối cùng nhảy lên đầu gối của tôi. Lúc ấy tôi nhận ra nó là một con mèo cái, khá non tuổi, và dường như nó sẵn lòng để tôi vuốt ve nó bao lâu tùy ý. Nhưng sau rốt tôi đặt nó xuống nền phòng, dỗ nó ra khỏi phòng, nhưng nó phóng đi trốn giữa số đồ đạc trong phòng, tuy nhiên sau khi tôi thổi tắt nến, nó lại nhảy lên giường tôi. Ngái ngủ, tôi chẳng buồn đụng đến nó, mà chập chờn ngủ ngay, và sáng hôm sau khi tôi thức dậy trong ánh sáng ngày rạng rỡ tôi chẳng hề thấy chút dấu vết nào của con mèo.

“Thật sự bộ óc con người là một công cụ tinh vi, và dễ bị rối loạn. Trước khi tôi kể tiếp, quý vị hãy gom lại các dữ kiện mà tôi đã đề cập: một nguồn sáng được thấy và tắt ngấm ngay trong một phần nhà được cho là không có người ở; và một con mèo có màu lông lạ lùng, xuất hiện và biến mất theo một cách có phần bí ẩn. Cho đến đây thì không có gì lạ lùng lắm về chuyện đó phải không? Hay lắm. Bây giờ hãy tưởng tượng, rằng những sự kiện không quan trọng đó được lập đi lập lại ngày này sang ngày khác cũng y như vậy suốt một tuần lễ, và rồi, xin hãy tin tôi, chúng trở nên quan trọng đủ để gây ấn tượng với bộ óc của một người đàn ông đang sống một mình, và tạo ra nơi anh ta nỗi băn khoăn lo lắng như tôi nói lúc đầu câu chuyện, cũng như luôn luôn tạo ra sự lo âu khi người ta tiếp cận với điều chưa từng được biết. Bộ óc con người được cấu tạo để luôn luôn ứng dụng một cách vô thức cái nguyên tắc cần và đủ. Với mỗi loạt sự kiện giống nhau, nó đòi một nguyên nhân, một định luật, và một nỗi lo ngại mơ hồ chế ngự nó khi nó không thể đoán ra nguyên nhân và lần ra định luật này.

“Tôi không hèn nhát, nhưng tôi đã thường nghiên cứu về sự hiển lộ nỗi sợ hãi nơi những người khác, từ hình thức sợ hãi non nớt nhất nơi trẻ con cho đến tình huống bi kịch nhất nơi những người điên. Tôi biết rằng sự sợ hãi được nuôi dưỡng bởi những điều không minh bạch, nhưng khi người ta quyết định tìm hiểu nguyên nhân, nỗi sợ hãi này thường biến thành sự tò mò đơn giản.

“Vì thế tôi quyết định tìm cho ra sự thật. Tôi hỏi thăm người giao hàng cho tôi và thấy rằng anh ta chẳng biết gì về những người hàng xóm của tôi. Mỗi buổi sáng có một bà già đến dọn dẹp phần nhà bên đó, người giao hàng của tôi đã thử hỏi thăm bà ấy, nhưng hoặc là bà ấy điếc hoặc là bà ấy không muốn cung cấp cho anh ta thông tin gì, nên bà ta không hề hé răng nói một lời nào. Tuy nhiên, tôi có thể giải thích thỏa đáng điểm đầu tiên mà tôi đã thấy - đó là, sự biến mất đột ngột của nguồn sáng khi tôi vào nhà. Tôi đã thấy các ô cửa sổ kế bên cửa sổ nhà tôi chỉ được che màn vải đăng ten dài, và vì hai bao lơn liền kề, nên người hàng xóm của tôi, dù là nam hay nữ, rõ ràng là muốn ngăn chặn bất kỳ sự tò mò tọc mạch nào về phía tôi, và vì thế đã luôn luôn tắt đèn khi nghe tiếng tôi về. Để kiểm tra lại giả thiết này, tôi đã làm một thử nghiệm rất đơn giản mà hoàn toàn thành công. Một hôm tôi cho người đem đến cho tôi một bữa ăn nguội vào buổi trưa, và buổi chiều tôi không ra khỏi nhà. Khi trời tối, tôi chọn một chỗ ngồi gần cửa sổ. Rồi tôi thấy bao lơn sáng lên do ánh sáng chiếu qua các cửa sổ của nhà hàng xóm. Tôi lập tức lặng lẽ lẻn ra bao lơn, và nhẹ nhàng leo qua hàng rào sắt ngăn cách hai phần tòa nhà. Mặc dù tôi biết là tôi có thể gặp nguy hiểm, hoặc là té gãy cổ, hoặc là giáp mặt với một người đàn ông, tôi vẫn không cảm thấy lo ngại. Khi đến chỗ cửa sổ sáng đèn mà không gây ra một tiếng động nhỏ nào, tôi thấy cửa mở một phần. Màn cửa, đối với tôi là hoàn toàn trong suốt vì tôi ở phía tối của cửa sổ, lại làm tôi không thể bị nhìn thấy với bất kỳ ai nhìn về phía cửa sổ từ bên trong gian phòng.

“Tôi thấy một gian phòng lớn được trần thiết khá lịch sự, dù rõ ràng là nó không được sửa sang, và được chiếu sáng bởi một ngọn đèn treo trên trần. Ở cuối phòng là một chiếc ghế xô pha thấp trên đó có một người đàn bà ngồi mà tôi cho là vừa trẻ vừa đẹp. Mái tóc vàng buông lơi của nàng xõa xuống bờ vai. Nàng đang soi mình bằng chiếc gương cầm tay, tự chiêm ngưỡng mình, cánh tay đưa lên trên làn môi, và uốn quanh cơ thể mềm mại của nàng với một vẻ duyên dáng lạ lùng của loài mèo. Mỗi cử động của nàng làm cho mái tóc dài lay động như sóng dập dờn loang loáng.

“Khi tôi nhìn nàng tôi thừa nhận rằng tôi có cảm thấy đôi chút khó khăn, đặc biệt là khi bất ngờ đôi mắt của nàng đăm đăm nhìn tôi - đôi mắt lạ lùng, có màu xanh lân tinh ánh lên như lửa đèn. Tôi chắc chắn là tôi không bị nhìn thấy, vì ở phía tối của khung cửa sổ có treo màn. Đơn giản là vậy, nhưng tôi lại cảm thấy là tôi bị nhìn thấy. Cô gái, thực sự đã phát ra một tiếng kêu, rồi quay đi và vùi mặt vào mấy cái gối của ghế xô pha.

“Tôi băng qua cửa sổ tiến đến ghế xô pha, cúi mình trên khuôn mặt nàng đang che giấu. Khi tôi làm thế, tôi thực sự cảm thấy rất hối hận, tôi bắt đầu xin lỗi và trách cứ chính mình, gọi mình bằng đủ loại tên, và xin tha thứ về sự thiếu suy xét của tôi. Tôi nói rằng tôi đáng bị đuổi đi không được nhìn nàng, nhưng xin đừng đuổi tôi đi mà không có một lời tha thứ. Trong một hồi lâu tôi van vỉ như thế mà không thành công, nhưng cuối cùng nàng chầm chậm quay lại, và tôi thấy khuôn mặt khá trẻ của nàng dường như xao động với một nụ cười thoảng qua. Khi nàng nhìn tôi nàng thì thầm những lời lúc ấy tôi hoàn toàn không hiểu được.

“Chính là anh”, nàng kêu lên, “chính là anh”.

“Trong khi nàng nói và tôi nhìn nàng, tôi không biết phải trả lời thế nào vì tôi cứ miên man suy nghĩ: tôi đã thấy khuôn mặt này, cái nhìn này, phong thái này ở đâu? Nhưng rồi tôi cũng nói thành lời, và sau khi nói thêm vài lời xin lỗi về sự tò mò vô lối của tôi, tôi nhận được sự trả lời ngắn gọn nhưng không phản kháng, tôi rời nàng rút lui qua lối cửa sổ mà tôi đã vào để trở về phòng mình. Về đến phòng, tôi ngồi một hồi lâu bên cửa sổ trong bóng tối, bị mê hoặc bởi khuôn mặt mà tôi đã nhìn thấy, lòng lo lắng khác thường.

“Người phụ nữ này quá đẹp, quá dễ thương, sống gần tôi, nói với tôi “Chính là anh”, cứ như thể nàng đã quen tôi, nàng nói quá ít, trả lời mọi câu hỏi của tôi với sự lảng tránh, gợi lên trong tôi cảm giác sợ hãi. Nàng đã nói với tôi tên nàng - Linda - và chỉ có thế. Tôi cố gắng trong vô vọng quên đi đôi mắt xanh của nàng, mà trong bóng tối dường như chiếu về tôi, và quên ánh lấp lánh, như ánh lóe của tia lửa điện, sáng lên nơi mái tóc dài của nàng mỗi khi nàng mơn man nó trong tay. Cuối cùng tôi đi ngủ, nhưng vừa đặt đầu xuống gối thì tôi cảm thấy một cơ thể ở dưới chân tôi. Con mèo lại xuất hiện. Tôi cố xua nó đi, nhưng nó cứ quay lại, cho tới khi tôi mặc kệ sự hiện diện của nó. Và y như trước, tôi thiếp ngủ với người bạn lạ lùng này ở gần tôi. Nhưng giấc ngủ của tôi lần này không yên, bị phá vỡ bởi những cơn mơ chập chờn và lạ lùng.

“Quý vị đã bao giờ nghiệm thấy một loại ám ảnh tinh thần dần dần làm cho não bộ bị chế ngự bởi một ý tưởng lạ lùng độc nhất - một ý tưởng gần như điên khùng, cái ý tưởng mà lý trí và ý chí của quý vị muốn xóa đi, nhưng nó lại dần dần tự trộn lẫn với tư tưởng của quý vị, bám chặt vào trí óc của quý vị, và cứ phát triển mãi? Tôi đau đớn chịu đựng theo cách như vậy trong những ngày tiếp theo cuộc phiêu lưu lạ lùng của tôi. Không có gì mới xảy ra, nhưng vào buổi tối, khi ra ngoài bao lơn, tôi thấy Linda đứng bên phần nhà nàng bên kia hàng rào sắt. Chúng tôi trò chuyện một lúc trong ánh sáng lờ mờ, và như trước đó, tôi trở về phòng mình để chốc lát sau lại thấy con mèo vàng xuất hiện, nhảy lên giường tôi, làm một tổ ấm cho mình ở đó, và ở đó cho tới khi trời sáng. Bây giờ thì tôi biết con mèo đó thuộc về ai, vì Linda đã trả lời ngay tối hôm đó khi tôi nhắc về nó, “Ồ phải, con mèo của em, có phải nó giống như làm bằng vàng không?” Như tôi nói, không có gì mới xảy ra, tuy vậy một nỗi kinh hãi mơ hồ từng chút từng chút chế ngự tôi và tự phát triển trong trí tôi, mới đầu chỉ là một chút tưởng tượng ngớ ngẩn, và rồi trở thành một niềm tin ám ảnh thống lĩnh toàn bộ ý nghĩ của tôi, làm tôi thường xuyên nghĩ mình đã thấy được một chuyện mà trong đời thực hoàn toàn không thể nào thấy được”.

“Có gì đâu, cũng dễ đoán ra mà”, cô nàng trẻ tuổi đã lên tiếng ở đầu truyện nói chen vào.

“Linda và con mèo là một”.

Tribourdeaux mỉm cười.

“Tôi không dám quả quyết như thế”, ông nói, “ngay cả hồi đó. Nhưng tôi không thể phủ nhận rằng sự tưởng tượng lố bịch này ám ảnh tôi nhiều giờ khi tôi đang cố chợp mắt giữa cơn mất ngủ vì một não bộ quá hoạt động gây ra.

Vâng, có những lúc hai sinh thể có mắt xanh này, cử động uyển chuyển này, tóc và lông vàng, đối với tôi dường như hòa thành một, là hai sự hiển thị của một thực thể. Như tôi đã nói, tôi thường thấy Linda, nhưng bất chấp những nỗ lực của tôi để bắt gặp nàng bất ngờ, tôi chưa hề thấy cả hai cùng lúc. Tôi cố lý giải, tự thuyết phục mình rằng thực sự không có gì không thể giải thích trong tất cả chuyện này, và tôi tự chế nhạo mình vì sợ cả một người đàn bà lẫn một con mèo vô hại. Sự thật là sau khi lý luận, tôi thấy rằng tôi không sợ nhiều lắm về một con vật độc nhất hay một người đàn bà độc nhất, mà đúng hơn là sợ những gì tồn tại trong tưởng tượng của tôi và làm cho tôi sợ một điều gì đó vô hình - nỗi sợ về một sự hiển thị của chính tâm hồn tôi, sợ một ý tưởng mơ hồ, mà, thực sự là điều tệ hại nhất trong mọi nỗi sợ hãi.

“Tôi bắt đầu bị rối loạn thần kinh. Sau nhiều buổi tối dài tâm sự và rất trái với lệ thường cùng Linda, qua đó dần dần cảm xúc của tôi nhuốm màu tình yêu, tôi trải qua những ngày dài dằn vặt, như tâm trạng những người chớm điên phải trải qua. Dần dần một quyết tâm bắt đầu hình thành trong trí tôi, một nỗi ham muốn càng lúc càng thúc bách đòi hỏi một giải pháp cho sự nghi ngờ dằn vặt không dứt này. Và tôi càng quan tâm đến Linda, thì càng cảm thấy hoàn toàn cần thiết hoàn thành quyết tâm này. Tôi quyết định giết con mèo.

“Một buổi tối trước khi gặp Linda ngoài bao lơn, tôi lấy từ tủ thuốc của tôi một lọ glycerine và một chai nhỏ axit hydrocyanic cùng một que thủy tinh mà các nhà hóa học dùng để trộn những chất ăn mòn. Tối đó lần đầu tiên Linda cho phép tôi ve vuốt nàng. Tôi ôm nàng trong vòng tay và lướt tay tôi trên mái tóc dài của nàng, mái tóc có tiếng lách tách với nhiều tia lấp lánh dưới bàn tay ve vuốt của tôi. Ngay khi tôi trở lại phòng mình thì con mèo vàng, như lệ thường xuất hiện trước mặt tôi. Tôi gọi nó đến với tôi, nó cọ mình vào tôi với cái lưng uốn cong và cái đuôi vươn dài, gừ gừ thật dễ thương. Tôi cầm cái que thủy tinh trong tay, chấm đầu que vào glycerine, rồi chìa nó cho con mèo, con mèo liếm que bằng cái lưỡi dài và đỏ. Tôi làm như vậy ba bốn lần, nhưng sau đó tôi nhúng que vào a xít. Con mèo chẳng chút do dự dùng lưỡi liếm que. Ngay tức khắc con mèo trở nên cứng nhắc, và một lúc sau, cơn co giật uốn ván làm nó bật ba lần lên không, rồi rơi xuống sàn với một tiếng kêu thảm thiết - một tiếng kêu đích thực của con người. Nó đã chết.

“Với mồ hôi bắt đầu toát ra trên trán và với đôi bàn tay run run tôi quỳ sụp lên nền nhà bên cạnh xác mèo vẫn còn chưa lạnh. Đôi mắt đăm đăm một cái nhìn làm tôi điếng người vì kinh hoàng. Cái lưỡi đã hóa đen le ra giữa hàm răng, bốn chân co rút hiển lộ cơn đau đớn. Tôi lấy hết can đảm với nỗ lực dữ dội của ý chí, nắm lấy chân con vật và ra khỏi nhà. Vội vã đi xuống con đường vắng, tôi đi về phía bờ kè dọc sông Loire, và khi đến nơi, tôi ném gánh nặng của mình xuống sông. Tôi lang thang trong thành phố cho tới khi trời sáng, đi đâu tôi chẳng biết, và cứ thế cho tới khi bầu trời bắt đầu mờ xanh rồi hồng lên ánh bình minh tôi mới có đủ can đảm để trở về nhà. Khi tôi đặt tay lên cửa, tôi rùng mình. Tôi có nỗi sợ, như trong một truyện nổi tiếng của Poe, là thấy trong nhà vẫn còn sống con vật mà tôi mới làm cho chết. Nhưng không, gian phòng của tôi trống vắng. Tôi ngã mình mệt lã lên giường, và lần đầu tiên tôi ngủ với cảm giác hoàn toàn một mình, một giấc ngủ như của một con thú hay của một kẻ ám sát, cho tới khi đêm đến.

Có người lên tiếng, phá vỡ sự lặng im thin thít khi chúng tôi đang nghe.

“Tôi có thể đoán ra đoạn kết. Linda biến mất cùng lúc với con mèo”.

“Cô đoán đúng lắm”, Tribourdeaux trả lời, “Trong những chi tiết của câu chuyện này có một sự trùng hợp lạ lùng, vì thế cô có thể đoán khá chính xác mối quan hệ của họ. Phải, Linda biến mất. Người ta thấy trong căn hộ của cô ấy trang phục, đồ lanh, thậm chí cả đồ ngủ mà cô ấy đã mặc đêm đó, nhưng không có gì có thể cung cấp một chi tiết sơ lược nhất về lý lịch của cô ấy. Chủ tòa nhà đã cho người thuê căn hộ, “Cô Linda - ca sĩ thính phòng”, ông ta không biết gì hơn. Tôi được cảnh sát triệu tập. Vào đêm cô ấy biến mất có người đã thấy tôi lang thang với vẻ mất trí trong khu vực bờ sông. May thay là viên thẩm phán quen tôi, lại may thay ông ta là một người có trí thông minh không bình thường. Tôi kể riêng với ông ấy toàn bộ câu chuyện, y như tôi đang kể với quý vị. Ông ta hủy bỏ cuộc thẩm vấn, tuy nhiên tôi có thể nói là có rất ít người tránh được một phiên tòa hình sự với một lối thoát hẹp như của tôi.

Sau một hồi lâu sự im lặng của nhóm người nghe bùng vỡ. Cuối cùng một quý ông, muốn giải tỏa sự căng thẳng, kêu lên:

“Thôi nào, ông bác sĩ, hãy nói thực đây chỉ là chuyện tưởng tượng, rằng ông chỉ muốn làm cho quý bà quý cô ở đây mất ngủ”.

Tribourdeaux khó nhọc cúi mình, mặt ông không cười và hơi tái.

“Ngài có thể nghĩ vậy nếu muốn”, ông nói.

Võ Hoàng Minh dịch
(Nguồn: http://www.gutenberg.org/cache/epub/10577/pg10577.html)  
(SHSDB33/06-2019)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • OTTO STEIGER (THỤY SĨ)Ai cũng biết rằng cái tên Ruđenxơ tượng trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm, vậy mà nhân vật của chúng ta lại là một người nhút nhát. Có thể nói là từ lúc lọt lòng: mặc cho bác sĩ hầm hừ doạ nạt và bà đỡ cố công thúc đẩy, mãi ông chẳng chịu ra cho. Điều này để lại dấu vết trên diện mạo của ông. Khi rốt cuộc ông cũng được sinh ra và nhìn thấy thế gian buồn khổ này, trông ông xấu xí quá lắm, còn cái đầu thì rõ là chiếc bắp cải chứ không ngoa.

  • SLAWOMIR MROZEKSlawomir Mrozek sinh ngày 26 tháng 6 năm 1930, là nhà văn, kịch tác gia và hoạ sĩ tranh biếm hoạ nổi tiếng của Ba Lan. Năm 1953 tập truyện ngắn đầu tay của ông ra đời và bốn năm sau đó tập truyện Con voi được nhận giải thưởng của Tạp chí văn hoá.

  • ERNEST HEMINGWAYKhông ai có thể chỉ cho mọi người biết mình là thế nào rõ rệt hơn chính tôi làm việc đó. Không ai có thể giấu mình khỏi anh em đồng loại, bởi vì mỗi hành vi của con người, mỗi hành động của sáng tạo đều nói về tác giả của nó. Tôi kể hết cho mọi người biết mọi điều về tôi trong các cuốn sách của mình.

  • ANDRA NEYBURGA ()LGT: Nữ nhà văn Andra Neyburga sinh năm 1957. Tốt nghiệp Viện Hàn lâm Nghệ thuật Quốc gia Latvia, là người sáng lập tạp chí tiên phong của giới trẻ Latvia Mạch nguồn, chuyên viên tư vấn của Hội Nhà văn Latvia, phụ trách Hội tác giả trẻ (1987-1989). Tác phẩm của cô đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Châu Âu như Đức, Anh, Pháp, Nga...

  • ENYO IOGY TESHANSKY ()(Truyện cổ - có thể cho cả người lớn đọc)Mơ thường trái hẳn với thực, chẳng phải vậy sao? Trong mơ những mong ước thiêng liêng nhất của chúng ta đều được thực hiện. Khi ta mơ thấy được vàng ấy là khi trong đời ta không một xu dính túi. Nói gọn lại, tương tự như ví dụ này, bạn có thể dễ dàng hình dung tình hình chính trị và xã hội của Xứ Mơ là thế nào.

  • SLAWOMIR MROZEK (Ba Lan)Tôi ngồi trong quán cà phê, cũ, vắng, và đang uống cốc nước chè của mình, bỗng tôi thấy có một vật mà ta có thể gọi là người tí hon đang đi ngang qua mặt bàn.

  • Mẹ tôi làm nghề phù thủy. Bà có thể chế thứ thuốc nước để làm sáng mắt hay để làm nóng dạ con. Bà biết cách thụt rửa âm đạo để có con trai như ý muốn hay chế một liều thuốc độc để tẩy những đứa trẻ không được mong muốn sinh ra. Ngoại trừ những lúc cấp bách, bà tự hái thuốc và lấy những phần thân thể động vật, tôi không được phép giúp bà.

  • LGT: Tác giả có cách dẫn dắt truyện bất ngờ, lôi cuốn nhờ chọn lựa một chi tiết vừa là nhan đề hay: “Cánh cửa sổ mở”. Từ đó trộn lẫn thực tại với ảo giác qua lời “bịa như thật” với lôgích tưởng tượng tuyệt vời. Điểm đặc sắc là cách xây dựng cấu trúc nhân vật theo kiểu thôi miên nạn nhân bị suy nhược thần kinh của một cô gái tinh nghịch có trí tưởng tượng bịa chuyện lạ kỳ.Chính việc lựa chọn điểm nhìn trần thật bên trong của nhân vật Framton dọc suốt 2/3 truyện với sự ngây thơ dễ tin của anh tạo nên một kết thúc bất ngờ hài hước.                                        BỬU NAM giới thiệu

  • (tiếp theo phần 1)

  • Hanan Al Shaykh sinh ra trong một gia đình theo đạo Hồi ở Libăng. Bà lớn lên ở Beirut và sau đó học tại Cairo; là một phóng viên có tiếng ở Beirut và Cairo . Bà lấy chồng là một kỹ sư người Libăng theo đạo Thiên chúa giáo và có hai con. Từ năm 1982 do nội chiến nên họ chuyển tới sống ở London . Bà đã viết ba tiểu thuyết được hoan nghênh nồng nhiệt, Câu chuyện của Zahra, Những người đàn bà của cát và Myrrh. Truyện Myrrh đã được thời báo Publisher's Weekly chọn là một trong số 50 cuốn sách hay nhất năm 1992, và gần đây nhất bà xuất bản cuốn Những nữ học giả ở Beirut . Bà còn là tác giả của một số tập truyện ngắn.

  • - Coi nào, tạm biệt Jerry! Chăm sóc tốt bà chủ nhé. Phải vâng lời, đừng sủa bậy, đừng có hơi một tí là cáu nghe chưa. Tao sẽ báo cho mày khi nào tao về và mày phải chịu trách nhiệm cái nhà này khi tao vắng mặt đó.

  • Maisa thích những cái cây đó dù cô không biết chúng tên gì và cũng không tính xem chúng có bao nhiêu nữa. Các thân cây quyện vào nhau rồi lại tách ra, tán lá xoè xuống trải rộng trên mặt đất, những cái lá hình nón xào xạc trong cơn gió chiều.

  • LTS: Jhumpa Lahiri, sinh ở London trong một gia đình người Belgali (Ấn Độ), lớn lên ở đảo Rhode, hiện sống tại New York . Truyện “Người dịch bệnh” được rút từ tập truyện ngắn Interpreter of Maladies là tác phẩm đầu tay của cô, đã được giải Pulitzer 2000 cho thể loại truyện hư cấu, giải của báo New Yorker cho sách đầu tay hay nhất. Sông Hương xin trân trọng giới thiệu.

  • 1Anh trở về nhà dọc theo con phố của một thành phố nhỏ ở Czech, nơi anh đã mấy năm sống bình lặng, quen chịu những người hàng xóm hay chuyện và cảnh tục tằn đơn điệu tại công sở - anh bước đi không để ý gì xung quanh (như người ta đi trên con đường đã qua lại trăm lần) và suýt nữa thì ngang qua chị mà không biết.

  • “Chính anh đã cho em biết tình yêu là gì”.      Herman Hesse

  • Ở miền Nam Thái Bình Dương xa xôi kia có hai hòn đảo nằm cạnh nhau tên là Nurabandi và Kiniwata.

  • Một truyện ngắn của nhà văn Mỹ, đoạt giải Nobel đầu tiên của nền văn học này vào năm 1930, nhà văn Sinclair Lewis, với truyện “Ông trẻ Axelbrod vào Đại học” do dịch giả và nhà nghiên cứu văn học Phan Quang Định dịch. Các bạn sẽ thưởng thức tài năng viết truyện ngắn của nhà văn này, bên cạnh tài năng viết tiểu thuyết của ông.