Người đàn bà và con mèo

08:15 12/07/2019

Eugene Marcel Prevost, nhà văn và là kịch tác gia người Pháp, sinh ngày 1/5/1862 tại Paris, mất ngày 8/4/1941 tại Vianne, thuộc khu hành chính Lot- et-Garonne. Năm 1909, ông được mời vào Hàn lâm viện Pháp. 

MARCEL PREVOST

"Vâng”, ông bạn già Tribourdeaux của chúng tôi, một con người văn hóa và là một triết gia, đó là sự kết hợp hiếm có ở những bác sĩ giải phẫu trong quân đội; nói: “vâng, điều siêu nhiên thì có ở khắp nơi, ở chung quanh chúng ta, vây quanh ta và ngấm vào ta. Nếu khoa học tìm kiếm nó, nó biến mất. Khả năng hiểu biết của chúng ta cũng giống như trường hợp tổ tiên chúng ta khai phá vài mẫu rừng, bất kỳ khi nào họ khai phá hết mức họ nghe những tiếng gừ gừ và thấy những đôi mắt lấp loáng ở mọi nơi chung quanh họ. Chính tôi đã có cảm giác đạt tới những giới hạn của điều không biết được nhiều lần trong đời, và vào một dịp đặc biệt”.

Một nàng trẻ tuổi có mặt ở đó ngắt lời ông:

“Thưa bác sĩ, ông đang muốn kể cho chúng tôi một câu chuyện. Xin bắt đầu đi”.

Viên bác sĩ cúi thấp đầu.

“Không, xin thưa thật tôi không phải là không lo lắng. Tôi càng ít kể câu chuyện này thì càng tốt. Vì nó làm người nghe bấn loạn, và cũng làm tôi bấn loạn. Tuy nhiên, nếu cô thích, thì chuyện như thế này:

“Năm 1863 tôi là một y sĩ trẻ làm việc ở Orlean. Thành phố thượng lưu ấy đầy những ngôi nhà cổ kiểu quý tộc, khó mà tìm được những căn hộ dành cho người độc thân, và, vì tôi thích có nhiều không khí và không gian thoáng đãng, tôi chọn chỗ ở của tôi ở tầng một của một tòa nhà lớn ở ngay rìa thành phố, gần Saint-Euverte. Đầu tiên nó được xây dựng để vừa làm một nơi chứa hàng vừa làm chỗ ở cho một nhà sản xuất thảm. Trong giai đoạn đó thì nhà sản xuất này thất bại, và tòa nhà lớn mà ông ta đã xây dựng, không được sửa chữa vì thiếu người thuê, đã được bán với giá rất rẻ với toàn bộ trang thiết bị của nó. Người mua hy vọng kiếm được lợi nhuận trong tương lai khi mua nó, vì thành phố đang phát triển ra hướng đó, và, thực tế là, tôi tin rằng hiện giờ tòa nhà đã được nằm trong quy hoạch của thành phố. Tuy nhiên, khi tôi thuê một chỗ ở đó, tòa nhà còn đơn độc ở ven một miền quê thoáng đãng, cuối một con đường ngoằn nghèo có vài ngôi nhà rải rác vào ban đêm tạo ra ấn tượng đó là một cái hàm đã rụng gần hết răng.

“Tôi thuê một nửa tầng một, là một phần tòa nhà gồm bốn phòng. Tôi lấy hai phòng mặt tiền để làm phòng ngủ và văn phòng, phòng thứ ba tôi để mấy cái tủ, kệ đựng quần áo, phòng cuối cùng thì bỏ trống. Chỗ này thành một nơi cư trú rất thoải mái đối với tôi, và tôi có một bao lơn rộng chạy suốt mặt tiền tòa nhà làm chỗ dạo bước, hay nói đúng hơn là một nửa bao lơn đó, vì tòa nhà được chia làm hai phần (xin lưu ý cẩn thận chỗ này) bằng một hàng rào song sắt, nhưng mà người ta có thể dễ dàng leo qua.

“Tôi sống ở đó chừng hai tháng thì vào một đêm tháng bảy trong khi trở về nhà, tôi ngạc nhiên thấy có ánh sáng nơi những cửa sổ của phần nhà bên kia, nơi mà tôi cứ nghĩ là không có người ở. Tác động của ánh sáng này là lạ lùng. Nó chiếu sáng với một ánh xanh nhạt, tuy vậy lại làm sáng rõ ràng nhiều phần của bao lơn, con đường bên dưới, và một ít diện tích kế cận.

“Tôi thầm nghĩ: “Aha! Mình có hàng xóm”.

“Thực sự ý nghĩ này không phải là hoàn toàn được tán thành, vì tôi đã từng khoái chí về sự cư ngụ độc nhất của tôi. Trước khi về phòng ngủ tôi lặng lẽ đi ra ngoài bao lơn, nhưng nguồn sáng ở ngoài đã tắt mất rồi. Vậy là tôi quay về phòng, ngồi đọc sách chừng một hay hai giờ đồng hồ. Thỉnh thoảng tôi dường như nghe được tiếng chân bước nhẹ, dù tôi đang ngồi trong bốn bức tường, nhưng sau khi đọc sách xong tôi đi ngủ, và chìm vào giấc ngủ khá nhanh.

Minh họa: Nhím


“Khoảng nửa đêm tôi chợt tỉnh giấc vì cảm giác lạ lùng là có gì đó đang đứng bên cạnh tôi. Tôi ngồi dậy trong giường, thắp một ngọn nến, và đây là những gì tôi thấy. Ở giữa phòng là một con mèo rất to đang nhìn tôi bằng đôi mắt sáng ánh lân tinh, lưng nó hơi cong lên. Đó là một con mèo giống Angora lớn, lông dài và đuôi phủ lông tơ, có một màu khác thường - chính xác là giống như màu lụa vàng mà người ta thấy trong những cái kén - vì vậy khi ánh sáng tỏa trên lớp lông của nó, con vật dường như làm bằng vàng.

“Nó chầm chậm bước về phía tôi bằng bốn chân mềm như nhung, dịu dàng cọ tấm thân dợn sóng của nó vào chân tôi. Tôi vói tay xoa xoa nó, nó chấp nhận sự ve vuốt của tôi, gừ gừ, rồi cuối cùng nhảy lên đầu gối của tôi. Lúc ấy tôi nhận ra nó là một con mèo cái, khá non tuổi, và dường như nó sẵn lòng để tôi vuốt ve nó bao lâu tùy ý. Nhưng sau rốt tôi đặt nó xuống nền phòng, dỗ nó ra khỏi phòng, nhưng nó phóng đi trốn giữa số đồ đạc trong phòng, tuy nhiên sau khi tôi thổi tắt nến, nó lại nhảy lên giường tôi. Ngái ngủ, tôi chẳng buồn đụng đến nó, mà chập chờn ngủ ngay, và sáng hôm sau khi tôi thức dậy trong ánh sáng ngày rạng rỡ tôi chẳng hề thấy chút dấu vết nào của con mèo.

“Thật sự bộ óc con người là một công cụ tinh vi, và dễ bị rối loạn. Trước khi tôi kể tiếp, quý vị hãy gom lại các dữ kiện mà tôi đã đề cập: một nguồn sáng được thấy và tắt ngấm ngay trong một phần nhà được cho là không có người ở; và một con mèo có màu lông lạ lùng, xuất hiện và biến mất theo một cách có phần bí ẩn. Cho đến đây thì không có gì lạ lùng lắm về chuyện đó phải không? Hay lắm. Bây giờ hãy tưởng tượng, rằng những sự kiện không quan trọng đó được lập đi lập lại ngày này sang ngày khác cũng y như vậy suốt một tuần lễ, và rồi, xin hãy tin tôi, chúng trở nên quan trọng đủ để gây ấn tượng với bộ óc của một người đàn ông đang sống một mình, và tạo ra nơi anh ta nỗi băn khoăn lo lắng như tôi nói lúc đầu câu chuyện, cũng như luôn luôn tạo ra sự lo âu khi người ta tiếp cận với điều chưa từng được biết. Bộ óc con người được cấu tạo để luôn luôn ứng dụng một cách vô thức cái nguyên tắc cần và đủ. Với mỗi loạt sự kiện giống nhau, nó đòi một nguyên nhân, một định luật, và một nỗi lo ngại mơ hồ chế ngự nó khi nó không thể đoán ra nguyên nhân và lần ra định luật này.

“Tôi không hèn nhát, nhưng tôi đã thường nghiên cứu về sự hiển lộ nỗi sợ hãi nơi những người khác, từ hình thức sợ hãi non nớt nhất nơi trẻ con cho đến tình huống bi kịch nhất nơi những người điên. Tôi biết rằng sự sợ hãi được nuôi dưỡng bởi những điều không minh bạch, nhưng khi người ta quyết định tìm hiểu nguyên nhân, nỗi sợ hãi này thường biến thành sự tò mò đơn giản.

“Vì thế tôi quyết định tìm cho ra sự thật. Tôi hỏi thăm người giao hàng cho tôi và thấy rằng anh ta chẳng biết gì về những người hàng xóm của tôi. Mỗi buổi sáng có một bà già đến dọn dẹp phần nhà bên đó, người giao hàng của tôi đã thử hỏi thăm bà ấy, nhưng hoặc là bà ấy điếc hoặc là bà ấy không muốn cung cấp cho anh ta thông tin gì, nên bà ta không hề hé răng nói một lời nào. Tuy nhiên, tôi có thể giải thích thỏa đáng điểm đầu tiên mà tôi đã thấy - đó là, sự biến mất đột ngột của nguồn sáng khi tôi vào nhà. Tôi đã thấy các ô cửa sổ kế bên cửa sổ nhà tôi chỉ được che màn vải đăng ten dài, và vì hai bao lơn liền kề, nên người hàng xóm của tôi, dù là nam hay nữ, rõ ràng là muốn ngăn chặn bất kỳ sự tò mò tọc mạch nào về phía tôi, và vì thế đã luôn luôn tắt đèn khi nghe tiếng tôi về. Để kiểm tra lại giả thiết này, tôi đã làm một thử nghiệm rất đơn giản mà hoàn toàn thành công. Một hôm tôi cho người đem đến cho tôi một bữa ăn nguội vào buổi trưa, và buổi chiều tôi không ra khỏi nhà. Khi trời tối, tôi chọn một chỗ ngồi gần cửa sổ. Rồi tôi thấy bao lơn sáng lên do ánh sáng chiếu qua các cửa sổ của nhà hàng xóm. Tôi lập tức lặng lẽ lẻn ra bao lơn, và nhẹ nhàng leo qua hàng rào sắt ngăn cách hai phần tòa nhà. Mặc dù tôi biết là tôi có thể gặp nguy hiểm, hoặc là té gãy cổ, hoặc là giáp mặt với một người đàn ông, tôi vẫn không cảm thấy lo ngại. Khi đến chỗ cửa sổ sáng đèn mà không gây ra một tiếng động nhỏ nào, tôi thấy cửa mở một phần. Màn cửa, đối với tôi là hoàn toàn trong suốt vì tôi ở phía tối của cửa sổ, lại làm tôi không thể bị nhìn thấy với bất kỳ ai nhìn về phía cửa sổ từ bên trong gian phòng.

“Tôi thấy một gian phòng lớn được trần thiết khá lịch sự, dù rõ ràng là nó không được sửa sang, và được chiếu sáng bởi một ngọn đèn treo trên trần. Ở cuối phòng là một chiếc ghế xô pha thấp trên đó có một người đàn bà ngồi mà tôi cho là vừa trẻ vừa đẹp. Mái tóc vàng buông lơi của nàng xõa xuống bờ vai. Nàng đang soi mình bằng chiếc gương cầm tay, tự chiêm ngưỡng mình, cánh tay đưa lên trên làn môi, và uốn quanh cơ thể mềm mại của nàng với một vẻ duyên dáng lạ lùng của loài mèo. Mỗi cử động của nàng làm cho mái tóc dài lay động như sóng dập dờn loang loáng.

“Khi tôi nhìn nàng tôi thừa nhận rằng tôi có cảm thấy đôi chút khó khăn, đặc biệt là khi bất ngờ đôi mắt của nàng đăm đăm nhìn tôi - đôi mắt lạ lùng, có màu xanh lân tinh ánh lên như lửa đèn. Tôi chắc chắn là tôi không bị nhìn thấy, vì ở phía tối của khung cửa sổ có treo màn. Đơn giản là vậy, nhưng tôi lại cảm thấy là tôi bị nhìn thấy. Cô gái, thực sự đã phát ra một tiếng kêu, rồi quay đi và vùi mặt vào mấy cái gối của ghế xô pha.

“Tôi băng qua cửa sổ tiến đến ghế xô pha, cúi mình trên khuôn mặt nàng đang che giấu. Khi tôi làm thế, tôi thực sự cảm thấy rất hối hận, tôi bắt đầu xin lỗi và trách cứ chính mình, gọi mình bằng đủ loại tên, và xin tha thứ về sự thiếu suy xét của tôi. Tôi nói rằng tôi đáng bị đuổi đi không được nhìn nàng, nhưng xin đừng đuổi tôi đi mà không có một lời tha thứ. Trong một hồi lâu tôi van vỉ như thế mà không thành công, nhưng cuối cùng nàng chầm chậm quay lại, và tôi thấy khuôn mặt khá trẻ của nàng dường như xao động với một nụ cười thoảng qua. Khi nàng nhìn tôi nàng thì thầm những lời lúc ấy tôi hoàn toàn không hiểu được.

“Chính là anh”, nàng kêu lên, “chính là anh”.

“Trong khi nàng nói và tôi nhìn nàng, tôi không biết phải trả lời thế nào vì tôi cứ miên man suy nghĩ: tôi đã thấy khuôn mặt này, cái nhìn này, phong thái này ở đâu? Nhưng rồi tôi cũng nói thành lời, và sau khi nói thêm vài lời xin lỗi về sự tò mò vô lối của tôi, tôi nhận được sự trả lời ngắn gọn nhưng không phản kháng, tôi rời nàng rút lui qua lối cửa sổ mà tôi đã vào để trở về phòng mình. Về đến phòng, tôi ngồi một hồi lâu bên cửa sổ trong bóng tối, bị mê hoặc bởi khuôn mặt mà tôi đã nhìn thấy, lòng lo lắng khác thường.

“Người phụ nữ này quá đẹp, quá dễ thương, sống gần tôi, nói với tôi “Chính là anh”, cứ như thể nàng đã quen tôi, nàng nói quá ít, trả lời mọi câu hỏi của tôi với sự lảng tránh, gợi lên trong tôi cảm giác sợ hãi. Nàng đã nói với tôi tên nàng - Linda - và chỉ có thế. Tôi cố gắng trong vô vọng quên đi đôi mắt xanh của nàng, mà trong bóng tối dường như chiếu về tôi, và quên ánh lấp lánh, như ánh lóe của tia lửa điện, sáng lên nơi mái tóc dài của nàng mỗi khi nàng mơn man nó trong tay. Cuối cùng tôi đi ngủ, nhưng vừa đặt đầu xuống gối thì tôi cảm thấy một cơ thể ở dưới chân tôi. Con mèo lại xuất hiện. Tôi cố xua nó đi, nhưng nó cứ quay lại, cho tới khi tôi mặc kệ sự hiện diện của nó. Và y như trước, tôi thiếp ngủ với người bạn lạ lùng này ở gần tôi. Nhưng giấc ngủ của tôi lần này không yên, bị phá vỡ bởi những cơn mơ chập chờn và lạ lùng.

“Quý vị đã bao giờ nghiệm thấy một loại ám ảnh tinh thần dần dần làm cho não bộ bị chế ngự bởi một ý tưởng lạ lùng độc nhất - một ý tưởng gần như điên khùng, cái ý tưởng mà lý trí và ý chí của quý vị muốn xóa đi, nhưng nó lại dần dần tự trộn lẫn với tư tưởng của quý vị, bám chặt vào trí óc của quý vị, và cứ phát triển mãi? Tôi đau đớn chịu đựng theo cách như vậy trong những ngày tiếp theo cuộc phiêu lưu lạ lùng của tôi. Không có gì mới xảy ra, nhưng vào buổi tối, khi ra ngoài bao lơn, tôi thấy Linda đứng bên phần nhà nàng bên kia hàng rào sắt. Chúng tôi trò chuyện một lúc trong ánh sáng lờ mờ, và như trước đó, tôi trở về phòng mình để chốc lát sau lại thấy con mèo vàng xuất hiện, nhảy lên giường tôi, làm một tổ ấm cho mình ở đó, và ở đó cho tới khi trời sáng. Bây giờ thì tôi biết con mèo đó thuộc về ai, vì Linda đã trả lời ngay tối hôm đó khi tôi nhắc về nó, “Ồ phải, con mèo của em, có phải nó giống như làm bằng vàng không?” Như tôi nói, không có gì mới xảy ra, tuy vậy một nỗi kinh hãi mơ hồ từng chút từng chút chế ngự tôi và tự phát triển trong trí tôi, mới đầu chỉ là một chút tưởng tượng ngớ ngẩn, và rồi trở thành một niềm tin ám ảnh thống lĩnh toàn bộ ý nghĩ của tôi, làm tôi thường xuyên nghĩ mình đã thấy được một chuyện mà trong đời thực hoàn toàn không thể nào thấy được”.

“Có gì đâu, cũng dễ đoán ra mà”, cô nàng trẻ tuổi đã lên tiếng ở đầu truyện nói chen vào.

“Linda và con mèo là một”.

Tribourdeaux mỉm cười.

“Tôi không dám quả quyết như thế”, ông nói, “ngay cả hồi đó. Nhưng tôi không thể phủ nhận rằng sự tưởng tượng lố bịch này ám ảnh tôi nhiều giờ khi tôi đang cố chợp mắt giữa cơn mất ngủ vì một não bộ quá hoạt động gây ra.

Vâng, có những lúc hai sinh thể có mắt xanh này, cử động uyển chuyển này, tóc và lông vàng, đối với tôi dường như hòa thành một, là hai sự hiển thị của một thực thể. Như tôi đã nói, tôi thường thấy Linda, nhưng bất chấp những nỗ lực của tôi để bắt gặp nàng bất ngờ, tôi chưa hề thấy cả hai cùng lúc. Tôi cố lý giải, tự thuyết phục mình rằng thực sự không có gì không thể giải thích trong tất cả chuyện này, và tôi tự chế nhạo mình vì sợ cả một người đàn bà lẫn một con mèo vô hại. Sự thật là sau khi lý luận, tôi thấy rằng tôi không sợ nhiều lắm về một con vật độc nhất hay một người đàn bà độc nhất, mà đúng hơn là sợ những gì tồn tại trong tưởng tượng của tôi và làm cho tôi sợ một điều gì đó vô hình - nỗi sợ về một sự hiển thị của chính tâm hồn tôi, sợ một ý tưởng mơ hồ, mà, thực sự là điều tệ hại nhất trong mọi nỗi sợ hãi.

“Tôi bắt đầu bị rối loạn thần kinh. Sau nhiều buổi tối dài tâm sự và rất trái với lệ thường cùng Linda, qua đó dần dần cảm xúc của tôi nhuốm màu tình yêu, tôi trải qua những ngày dài dằn vặt, như tâm trạng những người chớm điên phải trải qua. Dần dần một quyết tâm bắt đầu hình thành trong trí tôi, một nỗi ham muốn càng lúc càng thúc bách đòi hỏi một giải pháp cho sự nghi ngờ dằn vặt không dứt này. Và tôi càng quan tâm đến Linda, thì càng cảm thấy hoàn toàn cần thiết hoàn thành quyết tâm này. Tôi quyết định giết con mèo.

“Một buổi tối trước khi gặp Linda ngoài bao lơn, tôi lấy từ tủ thuốc của tôi một lọ glycerine và một chai nhỏ axit hydrocyanic cùng một que thủy tinh mà các nhà hóa học dùng để trộn những chất ăn mòn. Tối đó lần đầu tiên Linda cho phép tôi ve vuốt nàng. Tôi ôm nàng trong vòng tay và lướt tay tôi trên mái tóc dài của nàng, mái tóc có tiếng lách tách với nhiều tia lấp lánh dưới bàn tay ve vuốt của tôi. Ngay khi tôi trở lại phòng mình thì con mèo vàng, như lệ thường xuất hiện trước mặt tôi. Tôi gọi nó đến với tôi, nó cọ mình vào tôi với cái lưng uốn cong và cái đuôi vươn dài, gừ gừ thật dễ thương. Tôi cầm cái que thủy tinh trong tay, chấm đầu que vào glycerine, rồi chìa nó cho con mèo, con mèo liếm que bằng cái lưỡi dài và đỏ. Tôi làm như vậy ba bốn lần, nhưng sau đó tôi nhúng que vào a xít. Con mèo chẳng chút do dự dùng lưỡi liếm que. Ngay tức khắc con mèo trở nên cứng nhắc, và một lúc sau, cơn co giật uốn ván làm nó bật ba lần lên không, rồi rơi xuống sàn với một tiếng kêu thảm thiết - một tiếng kêu đích thực của con người. Nó đã chết.

“Với mồ hôi bắt đầu toát ra trên trán và với đôi bàn tay run run tôi quỳ sụp lên nền nhà bên cạnh xác mèo vẫn còn chưa lạnh. Đôi mắt đăm đăm một cái nhìn làm tôi điếng người vì kinh hoàng. Cái lưỡi đã hóa đen le ra giữa hàm răng, bốn chân co rút hiển lộ cơn đau đớn. Tôi lấy hết can đảm với nỗ lực dữ dội của ý chí, nắm lấy chân con vật và ra khỏi nhà. Vội vã đi xuống con đường vắng, tôi đi về phía bờ kè dọc sông Loire, và khi đến nơi, tôi ném gánh nặng của mình xuống sông. Tôi lang thang trong thành phố cho tới khi trời sáng, đi đâu tôi chẳng biết, và cứ thế cho tới khi bầu trời bắt đầu mờ xanh rồi hồng lên ánh bình minh tôi mới có đủ can đảm để trở về nhà. Khi tôi đặt tay lên cửa, tôi rùng mình. Tôi có nỗi sợ, như trong một truyện nổi tiếng của Poe, là thấy trong nhà vẫn còn sống con vật mà tôi mới làm cho chết. Nhưng không, gian phòng của tôi trống vắng. Tôi ngã mình mệt lã lên giường, và lần đầu tiên tôi ngủ với cảm giác hoàn toàn một mình, một giấc ngủ như của một con thú hay của một kẻ ám sát, cho tới khi đêm đến.

Có người lên tiếng, phá vỡ sự lặng im thin thít khi chúng tôi đang nghe.

“Tôi có thể đoán ra đoạn kết. Linda biến mất cùng lúc với con mèo”.

“Cô đoán đúng lắm”, Tribourdeaux trả lời, “Trong những chi tiết của câu chuyện này có một sự trùng hợp lạ lùng, vì thế cô có thể đoán khá chính xác mối quan hệ của họ. Phải, Linda biến mất. Người ta thấy trong căn hộ của cô ấy trang phục, đồ lanh, thậm chí cả đồ ngủ mà cô ấy đã mặc đêm đó, nhưng không có gì có thể cung cấp một chi tiết sơ lược nhất về lý lịch của cô ấy. Chủ tòa nhà đã cho người thuê căn hộ, “Cô Linda - ca sĩ thính phòng”, ông ta không biết gì hơn. Tôi được cảnh sát triệu tập. Vào đêm cô ấy biến mất có người đã thấy tôi lang thang với vẻ mất trí trong khu vực bờ sông. May thay là viên thẩm phán quen tôi, lại may thay ông ta là một người có trí thông minh không bình thường. Tôi kể riêng với ông ấy toàn bộ câu chuyện, y như tôi đang kể với quý vị. Ông ta hủy bỏ cuộc thẩm vấn, tuy nhiên tôi có thể nói là có rất ít người tránh được một phiên tòa hình sự với một lối thoát hẹp như của tôi.

Sau một hồi lâu sự im lặng của nhóm người nghe bùng vỡ. Cuối cùng một quý ông, muốn giải tỏa sự căng thẳng, kêu lên:

“Thôi nào, ông bác sĩ, hãy nói thực đây chỉ là chuyện tưởng tượng, rằng ông chỉ muốn làm cho quý bà quý cô ở đây mất ngủ”.

Tribourdeaux khó nhọc cúi mình, mặt ông không cười và hơi tái.

“Ngài có thể nghĩ vậy nếu muốn”, ông nói.

Võ Hoàng Minh dịch
(Nguồn: http://www.gutenberg.org/cache/epub/10577/pg10577.html)  
(SHSDB33/06-2019)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • AZIt NêxinNgày xưa, nhà vua ở một nước nọ có một kho bạc. Nghe đồn rằng trong kho bạc của nhà vua cất giữ một báu vật vô giá duy nhất của nước đó. Mọi người đều tự hào về báu vật mà tổ tiên đã để lại cho họ. “Mặc dầu chúng ta chẳng có gì cả, nhưng tổ tiên đã để cho chúng ta giữ một vật quý”, họ thường tự hào như vậy mà quên đi cảnh túng thiếu của mình.

  • AZIT NÊXIN (1915 - 1995)Một con chó chạy xồng xộc vào tòa báo "Tin tức đô thành”.

  • Nhà văn Mỹ Carson Mc Cullers sinh 1917. Các tác phẩm chính của bà là: Trái tim là kẻ đi săn cô độc (1940), Thành viên của đám cưới (1946), Khúc ballad của quán cà phê buồn (1951), Ngọt như dưa chua và sạch như heo (1954)…

  • Kamala Das tên thật là Kamala Suraiyya, sinh ngày 31.3.1934 tại Punnayurkulam, quận Thrissur, thành phố Kerala, vùng tây nam Ấn Độ. Bà là nhà văn nữ nổi tiếng của Ấn Độ. Bà sáng tác truyện ngắn bằng tiếng Malayalam. Bà sáng tác thơ và tiểu thuyết ngắn bằng tiếng Anh. Bà chủ yếu nổi tiếng trong thể loại truyện ngắn. Trong sự nghiệp sáng tác, bà đã có nhiều giải thưởng văn học, trong số đó là: Asian Poetry Prize, Kent Award for English Writing from Asian Countries, Asan World Prize, Ezhuthachan Award và một số giải thưởng khác nữa. Ngày 31 tháng Năm, 2009, bà mất tại bệnh viện thành phố Pune, Ấn Độ, thọ 75 tuổi.

  • HERTA MULLERHerta Mueller vừa được trao giải Nobel văn học 2009 vì đã mô tả cảnh tượng mất quyền sở hữu bằng một lối thơ cô đọng và một lối văn thẳng thắn. Truyện ngắn này rút từ tập truyện Nadirs (1982) là tác phẩm đầu tay của bà.

  • SHERMAN ALEXIENgay sau khi mất việc ở văn phòng giao dịch của người Anh điêng, Victor mới biết cha anh đã qua đời vì một cơn đau tim ở Phoenix, Arizoan. Đã mấy năm nay Victor không gặp cha, anh chỉ nói chuyện với ông qua điện thoại một hay hai lần gì đó, nhưng đó là một căn bệnh di truyền, có thực và xảy ra đột ngột như xương bị gãy vậy.

  • KOMATSU SAKYOKomatsu Sakyo sinh tại Osaka (Nhật Bản) (28/1/1931). Nhà văn chuyên viết  truyện khoa học giả tưởng nổi tiếng của Nhật Bản. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kyoto, chuyên ngành Văn học Italia. Từ năm 1957 là phóng viên đài phát thanh Osaka và viết cho một số báo. Năm 1961 chiến thắng trong cuộc thi truyện ngắn giả tưởng xuất sắc do tạp chí “SF Magasines” tổ chức. Tác phẩm của Komatsu đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Có bốn tiểu thuyết đã được dựng thành phim.

  • FRANK R- STOCKTONCách đây năm năm, một sự kiện kì lạ đã xảy đến với tôi. Cái biến cố này làm thay đổi cả cuộc đời tôi, cho nên tôi quyết định viết lại nó. mong rằng nó sẽ là bài học bổ ích cho những người lâm vào tình cảnh giống tôi.

  • MIKHAIN SÔLÔKHỐP                Truyện ngắn Mùa xuân thanh bình đầu tiên đã về lại trên sông Đông sau những năm tháng chiến tranh. Vào cuối tháng Ba, những cơn gió ấm áp cũng đã thổi đến, và chỉ sau hai ngày tuyết cũng đã bắt đầu tan trên đôi bờ sông Đông. Khắp mọi ngả đường việc đi lại cũng vô cùng khó khăn.

  • KAHLIL GIBRANNguồn: A Treasury of Kahlil Gibran (Một kho tàng của Kahlil Gibran), Anthony Rizcallah Ferrris dịch từ tiếng Arập, Martin L. Wolf biên tập, Nxb Citadel Press, New York, HK, 1951.

  • ROBERT ZACKS (ANH)Nhân ngày quốc tế phụ nữ, tôi và anh tôi bàn nhau mua quà tặng mẹ. Đây là lần đầu tiên trong đời chúng tôi thực hiện điều này.

  • GUY DE MAUPASSANTÔng Marrande, người nổi tiếng và lỗi lạc nhất trong các bác sĩ tâm thần, đã mời ba đồng nghiệp cùng bốn nhà bác học nghiên cứu khoa học tự nhiên đến thăm và chứng kiến, trong vòng một giờ đồng hồ, một trong những bệnh nhân tại nhà điều trị do ông lãnh đạo.

  • GUY DE MAUPASSANTGia đình Creightons rất tự hào về cậu con trai của họ, Frank. Khi Frank học đại học xa nhà, họ rất nhớ anh ấy. Nhưng rồi anh ấy gửi thư về, và rồi cuối tuần họ lại được gặp nhau.

  • JAMAICA KINCAIDNhà văn hậu hiện đại Anh J. Kincaid sinh năm 1949. Mười sáu tuổi, bà đến New York làm quản gia và giữ trẻ. Bà tự học là chính. Tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của bà: “Giữa dòng sông” (1984) nhận được giải thưởng của viện hàn lâm Văn chương và Nghệ thuật Mỹ; còn các tiểu thuyết “Annie” (1985), “Lucky” (1990) được đánh giá cao.

  • SAM GREENLEE (MỸ)Sam Greenlee sinh tại Chicago, nổi tiếng với thể loại tiểu thuyết.Ông cũng đóng góp nhiều truyện ngắn, bài báo trong “Thế giới da màu” (Black World); và xem như là bộ phận không thể tách rời trong văn nghiệp, bởi ông là nhà văn da màu. Tuy nhiều truyện ngắn của ông vẫn được thể hiện theo lối truyền thống, nghĩa là vào cửa nào ra cửa ấy; nhưng cái cách mở rộng câu chuyện ở giữa truyện, bằng lối kể gần gũi nhiều kinh nghiệm; đã gây được sự thú vị. Đọc “Sonny không buồn” qua bản dịch, dĩ nhiên, khó thấy được cái hay trong lối kể, bởi nếp nghĩ và văn hoá rất khác nhau; nhiều từ-câu-đoạn không tìm được sự tương đương trong tiếng Việt. Cho nên đọc truyện này, chỉ có thể dừng lại ở mức, cùng theo dõi những diễn tiến bên ngoài cũng như sự tưởng tượng bên trong của Sonny về môn bóng rổ, cả hai như một và được kể cùng một lúc.

  • DƯƠNG UÝ NHIÊN (Trung Quốc)Tôi không thể thay đổi được thói quen gần gũi với cô ấy nên đành trốn chạy ra nước ngoài. Tôi đã gặp được em. Khi đăng tác phẩm “Không thể chia lìa” trên một tạp chí xa tít tắp và dùng bút danh, tôi cho rằng mình không một chút sơ hở. Tôi nhận tiền nhuận bút và mua hai chai rượu quý nồng độ cao trên đường trở về. Tôi muốn nói với em điều gì đó nhân kỷ niệm ngày cưới.

  • S. MROZEK (Ba Lan)Tại thủ đô của một vương quốc nọ có một viện bảo tàng, trong đó có khu trưng bày về nền nghệ thuật phương Đông. Trong vô số các hiện vật trưng bày tại khu này có nhiều báu vật cực hiếm, giá trị văn hoá và giá trị bằng tiền của chúng vô cùng lớn. Trong số các vật hiếm này có một báu vật đầu bảng, bởi đó là bản duy nhất thuộc loại đó và cũng là bản duy nhất trên toàn cầu. Vì là hiện vật cực hiếm nên giá trị văn hoá của nó là độc nhất vô nhị, còn giá trị bằng tiền thời không tính xuể.

  • WILLIAM SAROYAN (Mỹ)Cả thế giới muốn tôi làm một chầu hớt tóc. Cái đầu tôi thì quá bự cho thế giới. Quá nhiều tóc đen, thế giới nói thế. Mọi người đều nói, khi nào thì mày định đi làm một chầu hớt tóc vậy hả nhóc kia?

  • SOMERSET MAUGHAM (ANH)Trang trại nằm giữa thung lũng, giữa những mỏm đồi ở Sômôsetsi. Ngôi nhà xây bằng đá theo mốt cũ được bao bọc bởi những kho củi, sân nhốt súc vật và những công trình bằng gỗ khác. Thời điểm xây dựng được chạm trổ trên cổng bằng những chữ số cổ đẹp đẽ: 1673.

  • SORBON (Tajikistan)Sorbon sinh năm 1940 tại làng Amondar  trong một gia đình nông dân  thuộc  tập đoàn sản  xuất nông nghiệp. Năm 1963 ông tốt nghiệp Đại học Lenin của Tajikistan với bằng tiến sĩ ngôn ngữ học. Các tác phẩm của Sorbon xuất hiện lần đầu vào năm 1965. Tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của ông “Không phải tất cả đã được nói ra” xuất bản năm 1969. Nhiều truyện ngắn của ông mau chóng được thu thập lại, trong đó có truyện “Ngày đầu tiên đến trường” nói về một phụ nữ Tajikistan  trong Thế chiến thứ Hai, “Sự phòng thủ của đá” và “Người du mục” nói về sự thiết lập chính quyền Xô Viết tại ngôi làng ven sông Zeravshan, và “Áo khoác đồ sộ” nói về một cậu bé bị mất cha trong chiến tranh. Sorbon là nhà văn có tiếng tăm lớn của nền văn xuôi Tajikistan ở thập niên bảy mươi. Truyện ngắn “Người đánh bẫy chim” được viết năm 1974.