Bụi Cây

09:46 22/05/2008
Maisa thích những cái cây đó dù cô không biết chúng tên gì và cũng không tính xem chúng có bao nhiêu nữa. Các thân cây quyện vào nhau rồi lại tách ra, tán lá xoè xuống trải rộng trên mặt đất, những cái lá hình nón xào xạc trong cơn gió chiều.

Vào mùa thu, khi những đợt gió ùa về, bụi cây trơ trụi vẫy vùng trong cái ẩm ướt của những cơn mưa thu. Nhưng khi tháng hai đến, cành cây dường như chuyển mình kêu rắc rắc trong tuyết lạnh như hứa hẹn sự hồi sinh sau giấc ngủ dài.
Vào những đêm hè khi đứa bé đã say giấc nồng, cô thường lắng nghe tiếng chim ca vang lên từ chỗ những cành cây rậm rạp, tiếng những chú chuột đồng đi ăn đêm đùa giỡn giữa những thân cây và cả tiếng rễ cây đâm mình vào sâu trong lòng đất. Khi nhắm mắt lại, cô vẫn mường tượng ra tiếng nhựa sống chuyển động dưới lớp vỏ cây. Cô run rẩy thấy mình vẫn bồi hồi khi nhớ lại kỷ niệm xưa.
Maisa vừa định rời bàn thì thấy một người đàn ông đứng dưới của sổ, ông có bộ ria mép quặp xuống, cái áo ấm da dường như quá chật với ông, còn đôi ủng thì lại quá cỡ. Ông cầm cái cưa máy với vẻ bồn chồn như thể đang cầm quả bom vậy.
Theo sau ông ta là một người đàn bà với làn da sạm nắng dù giờ chỉ mới cuối tháng năm, bà cầm cái cào chỉ trỏ lung tung. Nghểnh cổ lên, cô mới thấy điều gì đang xảy ra: đằng sau người đàn bà còn có bảy, tám người nữa, cả đàn ông lẫn đàn bà, đang đẩy xe kút kít, tay mang xuổng và một đám trẻ con hiếu kỳ.
Maisa nhận ra người láng giềng của cô và nhớ đến mẩu thông báo được đóng khung bằng những dấu chấm than trên bản tin ở hành lang “Lao động tập thể! Đề nghị mọi người tham gia!”.
Nhóm người dừng lại dưới cửa sổ nhà bếp của cô và đứng nhìn vào lùm cây. Maisa có thể nghe thấy tiếng tíc tắc của cái đồng hồ treo tường, tiếng ngáy của đứa bé vang lên từ vách bên kia. Cô mở hé cửa sổ, lắng nghe người đàn bà da sạm nắng nói: “Nào ta bắt đầu làm việc thôi.”
Người đàn bà vung vẩy cánh tay như cánh quạt trong máy sấy, còn người đàn ông thì múa cái cưa máy đến những nhánh cây thấp nhất và bắt đầu tỉa từ dưới lên, tách bỏ các thân cây nhỏ rồi tiến đến những cái cây kế đó. Ông làm một cách nhịp nhàng, không nghỉ mãi cho đến khi chặt hết những thứ vướng víu làm cho bụi cây trở nên quang đãng.
Miệng Maisa bật ra một nụ cười, tiếng cười vang lên từ thẳm sâu trong lồng ngực cô nhưng lại tắc nghẽn nơi cổ họng. Cô lật đật mở cửa sổ, chồm người ra:
“Này, mấy người làm gì thế?”
Giọng cô vang lên the thé, méo mó. Người đàn ông cầm cưa máy liếc nhìn lên, rồi những người khác. Có người còn nhăn nhó mặt mày trêu cô.
“Chúng tôi chỉ tỉa bớt cái đống này thôi mà.” Người đàn bà da bánh mật vừa rống lên vừa đá những nhánh cây sang một bên.
“Ai... ai cho phép mấy người...”
Có lần trong mơ, cô thấy ai đó trùm cái bao nhựa lên đầu cô, hơi thở cô bám rít vào da mặt. Khi tỉnh dậy, mặt cô đầm đìa mồ hôi. Giờ cũng vậy, gò má cô nóng bỏng, nhức nhối. Cơn đau nhói lên ở nơi xương sống.
“Chúng tôi cùng hội ý với nhau và quyết định đấy.”
Người đàn ông đeo kính bước lên trước, nói bằng giọng trầm tĩnh: “Bụi cây này bắt đầu mọc lan ra, trông không có thẩm mỹ tý nào cả. Chính cô cũng thấy đấy thôi. Chúng mọc san sát nhau làm cản trở sự sinh trưởng của các loài khác. Khoảng đất đằng kia không nhận được tý ánh sáng nào cả. Cái đống cây rối bù này đã hút hết các chất dinh dưỡng trong đất nên không có thứ gì khác mọc lên được”.
“Đi mà giữ lấy mấy cái hoa chết tiệt của ông đi.” - Maisa gào lên.
Bọn trẻ bụm miệng cười khúc khích.
“Im đi cho bọn này nhờ.” - Tiếng ai đó la lên.
“Đây là một quyết định dân chủ. Cô chỉ nên mở miệng khi được phép thôi.”
“Tại sao cô không tham gia với chúng tôi mà đứng đó lải nhải chứ?” - giọng người đàn bà đứng kế bên ông đeo kính. Tiếng trẻ nít vang lên: “Nếu bà không im đi, bọn tôi sẽ cắt hết chỗ còn lại cho mà xem.”
“Mẹ!” - thằng bé sợ hãi thét lên từ phòng nó.
Maisa vội rụt đầu lại, cô đóng cửa sổ và kéo màn.
“M...ẹ!”
Có sự hoảng hốt trong giọng thằng bé. Maisa đến bên nó, vuốt tóc dỗ dành nó, cô khe khẽ hát và xoa gáy cho nó mãi cho đến khi nhịp thở của nó trở lại đều đều.
“Con ngủ có say không, con yêu?” cô nói.
Mọi vật nhảy múa trước mắt cô, đầu cô bắt đầu nặng dần. Thằng bé đứng dậy, đi xuống nhà bếp rót nước uống ừng ực. Rồi nó ngồi lên ghế bành đòi xem nốt đoạn phim còn lại, cô nghĩ tại sao lại không chứ và bật video lên, con trai cô sẽ dán mắt vào bộ phim còn cô sẽ ngồi thêu bên nó.
Trên giường của con trai cô có một khung ảnh. Ảnh chụp lúc nó còn bé, nằm trần như nhộng trên giường, đầu đội mũ Giáng Sinh. Cha nó nằm bên nó, nịt lệch sang một bên, nhìn con trai trong nụ cười toe toét. Cô mặc bộ đầm xanh đứng trong góc bức ảnh mỉm cười nhìn thẳng về phía máy ảnh.
“Giáng Sinh tới chúng ta có thể đi gặp Ông Già Nô-en được rồi.” - cha thằng bé cười to, tung nó lên không.
Nhưng đã nhiều mùa đông trôi qua mà điều này vẫn chưa xảy ra.
Cô bỏ băng video vào máy rồi đi đến cánh cửa sổ và nhìn xuyên qua khe hở trên tấm màn. Dấu vết của buổi lao động đã được dọn sạch, ai đó vẫn còn đang cào các nhành cây. Bụi cây còn lại đang đong đưa trong gió. Giờ thì cô có thể phóng tầm mắt ra xa tít, nơi có con đường dài chạy qua. Cô nhìn mãi cho đến khi thấy mỏi mắt.
NGUYỄN THỊ HỒNG MINH dịch

SARI MALKAMKI (Phần Lan)
(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Dazai Osamu (1909 - 1948) tác gia kiệt xuất, đại diện cho “trường phái vô lại”, đó là một nhóm các nhà văn có khuynh hướng nổi loạn và tự hủy, trong nền văn học cận - hiện đại Nhật Bản. Phần lớn những tác phẩm của ông đều mang tính chất tự thuật với văn phong u mặc, diễn tả tâm trạng bế tắc trong thời kỳ hậu chiến và bi kịch cá nhân, đồng thời cũng dí dỏm, hài hước một cách cay đắng.

  • Han Kang được trao giải Nobel Văn học năm 2024 do có “văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt đối mặt với những tổn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của đời người”.


  • XERGÂY ĐÔVLATÔP

  • SHERWOOD ANDERSON

  • WILLIAM SOMERSET MAUGHAM

    William Somerset Maugham là tiểu thuyết gia người Anh. Ông sinh năm 1874 tại Paris, Pháp, và là con của một cố vấn pháp luật trong tòa đại sứ Anh tại Paris.

  • Okamoto Kanoko (1889 - 1939) nhà thơ Tanka và là nhà nghiên cứu Phật giáo. Sinh ra trong một gia đình giàu có tại Tokyo, sau khi tốt nghiệp trường nữ sinh Atomi, bà theo học nữ tác gia Yosano Akiko và đã công bố một số bài thơ Tanka.

  • Nhà văn Mỹ Sarah Orne Jewett sinh năm 1849 và mất năm 1909. Bà là nhà tiểu thuyết, nhà thơ và nhà văn viết truyện ngắn (Short Story Writer). Bang Maine là không gian chính trong tác phẩm của bà. Văn chương của bà sớm đề cập đến các vấn đề sinh thái và các vấn đề xã hội khác, có tính vùng miền.
                        Trần Ngọc Hồ Trường dịch và giới thiệu

  • C. J. MCCARTHY

    Cormac McCarthy là nhà văn người Mỹ, ông nổi tiếng với phong cách viết bạo liệt và u ám. McCarthy chuyên viết tiểu thuyết và được giới hàn lâm đánh giá cao ở ngay tiểu thuyết đầu tiên, The Orchard Keeper (1965), nhưng ông không thành công với độc giả đại chúng.


  • FERNANDO SORRENTINO

  • Jon Fosse là kịch gia đương đại, nổi danh với tặng thưởng Nobel văn chương 2023. Số lượng truyện ngắn đã xuất bản không nhiều, Jon Fosse vẫn ghi dấu với một phong cách độc đáo. Người em gái nhỏ (Søster) xuất bản năm 2000, bản dịch Anh ngữ in trong tập Scenes from a childhood (Damion Searls dịch) năm 2018.

  • JOSEPHIN JOHNSON
                       (Mỹ)

    Gnark ngồi trong buồng ngủ, mắt nhìn những tấm giấy phủ tường. Một cảm giác là lạ xâm chiếm lòng anh.

  • SRI DAORUANG

    Nhà văn Sri Daoruang tên thật là Wanna Sawasdsri, sinh năm 1943, quê quán ở Phitsanulok, Bắc Bangkok, Thái Lan. Bà là tác giả của tuyển tập Quỷ truyện Dân gian (Tales of the Demon Folk, 1984).

  • HENRI TROYAT

    LTS. Henri Troyat tên thật là Lev Tarassov sinh năm 1911 tại Moskva. Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp. Giải thưởng văn học đầu tiên với tác phẩm "Faux jours" (1935). Ông đã xuất bản trên 20 tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn. Những tác phẩm được dư luận đặc biệt chú ý như bộ ba tiểu thuyết "Tant que la terre durera" (1947), "Le sac et la cendre" (1948) và "Etrangers sur la terre" (1950) hoặc như "La lumière des Justes"... Ông còn viết cả kịch bản văn học. Truyện ngắn "Cơn choáng" (Le vertige) lấy từ tập "La Fosse Commune" xuất bản năm 1986.

  • Yamakawa Masao (1930 - 1965), tên thật là Yamakawa Yoshimi, ông sinh ở Tokyo, tốt nghiệp Đại học tư thục Keo (khoa Pháp văn). Yamakawa Masao từng làm biên tập cho Tạp chí văn học Mita Bungaku. Sau đó ông viết và công bố các truyện ngắn như: Cái chết mỗi ngày, Năm ấy, Công viên ven biển… với phong cách tinh tế, miêu tả sự phi lý của cái chết và tuổi trẻ thời kỳ hậu chiến. Ông qua đời năm 34 tuổi do tai nạn giao thông.

  • Nhà văn Ấn Độ (người Hindi), Krishna Baldev Vaid sinh năm 1927. Ông học đại học tại Punjab và Harvard; dạy học tại nhiều trường đại học ở Ấn Độ và Mỹ. Ông viết tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn, phê bình và dịch thuật văn học. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Nga, Nhật và các tiếng khác ở Ấn Độ.

  • HÁCH XUYÊN THỨ LANG
                          (Nhật)

    Phải dấu việc này không cho anh ấy biết. Lãng Tử nghĩ vậy và nắm chặt bao nhỏ trong tay, tần ngần rảo bước trên cầu. Đêm tối không người với dòng sông lặng lẽ trôi giữa một màn đen kịt, và rồi nó sẽ mang đi điều bí mật của ta.

  • DHUMKETU

    Dhumketu là bút danh của Gaurishankar Govardhauram, là nhà văn Ấn Độ (1892 - 1965), thường được xem như là một trong những người khai sáng loại hình truyện ngắn. Tác phẩm của ông thường có bút pháp gây xúc động, lãng mạn hoặc miêu tả đậm nét những cảm xúc của con người.