Một chút màu xanh

09:25 21/03/2008
Anh chị dọn về đây từ hồi mới cưới nhau. Căn phòng xinh xinh, quét vôi xanh nhạt, trang nhã và sạch sẽ.

Một chút màu xanh - Phụ bản Bửu Chỉ

Trên vách, chị treo chiếc gương soi hình trái tim, viền ruy-băng hồng thắt thành nơ - đó là quà kỷ niệm cưới của hai người. Trên đầu tủ đặt chiếc giỏ tre đan, bên trong thường cắm một bó cúc tím nho nhỏ, hoặc hoa bươm bướm vàng. Vào những ngày trọng đại của hai vợ chồng - sinh nhật chị chẳng hạn - anh còn đi kiếm cả hồng nhung, và cái tổ ấm cỏn con như sáng hẳn lên, xinh tươi, ấm cúng.
Bây giờ, chiếc giỏ tre đan vẫn ở đấy. Nhưng những bông hoa không còn. Quanh đây chẳng ai trồng hoa hoét gì, phải đạp xe hai ba cây số mới tìm được một chùm cúc hay tử vi, mà cũng chỉ nửa buổi là tàn ngay trong sức nóng hun đốt của bốn bức vách, dưới nắng trời tháng sáu. Trong tấm ảnh ở đầu giường, chị vẫn mỉm cười duyên dáng với đôi mắt lấp lánh, nhưng lắm lúc từ lớp học trở về, anh gặp vợ ngồi xổm trên nền nhà, mặt dính nhọ, loay hoay sửa bếp dầu. Có hôm chị đội nón, lúi húi thổi cái bếp củi ngoài hiên, nước mắt chị ràn rụa vì khói, và chị gắt lên cả với anh:
- Này, ở đâu mà trưa nửa ngày mới lò dò về đây… chẻ cho người ta ít củi khô nhanh lên!
Anh im, vào nhà, thay áo vội vàng rồi lấy rựa ra sân, lẳng lặng làm nhiệm vụ.
Buổi trưa trôi qua, cơm nóng, canh nóng, căn phòng cũng nóng. Sao trời nắng như đổ lửa thế này nhỉ? Cơm nuốt chẳng muốn trôi. Anh đề nghị:
- Này, mai em làm bún xáo ăn đi. Ăn cơm chán quá.
- Chà! Chị ngắt lời. Anh thì chỉ được cái… ăn cho sướng vào để rồi treo niêu đấy hẳn… Nói phiền lắm!
- Thì anh nói thế, không ưng thì thôi, có gì mà phiền! Anh bực mình, cố dịu giọng.
Chị nghe giọng anh hơi bực bội thì nhận ra ngay lỗi của mình nhưng vẫn không chịu thua:
- Anh bao giờ cũng thế, nhiều chuyện lắm chứ không phải chỉ chuyện này đâu?
- …
Anh định cãi, nhưng rồi lại im lặng.
Chẳng hiểu sao hồi này chị hay cáu gắt thế nhỉ. Anh thấy vợ uể oải, phờ phạc ra. Vì lo lắng cho gia đình, hay vì chưa quen với nơi ở mới? Căn phòng hơi tù túng, thiếu thoáng khí. Lúc nghĩ tới điều đó, anh thương vợ, nhưng khi phải chịu đựng những câu cáu bẳn ngang phè phè của cô anh không thể không nhăn mặt khó chịu, muốn đạp hết cho rảnh. Còn chị, mỗi lần cằn nhằn với chồng xong, chị ngồi yên, mơ hồ thấy buồn: chị thấy mình đâm ra xấu tính, nhăn nhó như bà già, chị ngượng với chồng và … Thật bực mình, chẳng hiểu tại sao.
Đêm đến, trời vẫn nóng hâm hấp. Cái nóng râm ran như còn tích tụ trong từng viên ngói trên mái nhà. Hai vợ chồng xoay lưng vào nhau mà ngủ. Lát sau chị tỉnh giấc, quay lại. Dưới ánh đèn chong, anh nằm ngoẹo đầu, một dòng nước bọt chảy xuống gối. Với tay, chị lấy chiếc khăn ở đầu giường lau nhè nhẹ cho chồng.
Anh cựa mình, ngáp dài ngái ngủ rồi quờ quạng nắm lấy tay vợ. Tay chị nóng hâm hấp như da gà. Bất giác, chị thở dài, bảo chồng:
- Mình phải cố tậu cái quạt máy, anh ạ. Nóng quá chịu không nổi.
Anh “ừ” rồi nửa mê nửa tỉnh, quàng tay lên vai chị. Chị mỉm cười… Đêm yên ắng lạ lùng. Một con thằn lằn ở đâu đó chợt tắc lưỡi trong bóng tối.
Phải có một chiếc quạt, cả hai anh chị đều đồng ý như thế. Còn phải chuẩn bị để lỡ ra thai nghén, sinh đẻ nữa chứ. Đến lúc sinh con, ai mà nằm mãi cả ngày trong cái hộp này nổi.
Quạt chưa có nhưng anh đã kiếm gỗ đóng một cái ghế nhỏ, sơn trắng muốt, để dành cho nó. Từ khi vừa bắn tin, đã có bao nhiêu người giới thiệu quạt cũ muốn bán lại, còn hai vợ chồng thì tích cực để dành tiền và tích cực đi xem. Nhưng hai tháng trôi qua, vẫn chưa kiếm được cái nào vừa ý. Cái thì thực tốt, mới tinh, nõn nà, có lồng bảo hộ, có “tuốc năng” hẳn hoi mới mua từ Nga về, nhưng giá tiền đắt quá. Cái thì vừa giá, lại vừa tươm tất, nhưng phải xài điện 220 mới được, mà ở đây khu tập thể lại dùng điện 110. Quanh đi, quẩn lại, hai anh chị quyết định gửi mua một cái quạt Hà Nội. Có mấy trăm thôi mà vừa gọn, vừa bền, chạy khỏe.
- Phải đấy anh ạ, ta chỉ cần cho không khí nó thoáng một chút. Dùng quạt lớn thì tốt đấy nhưng phung phí cả tiền, mình còn sắm lắm thứ nữa.
Chị bảo anh như thế. Anh cười:
- Thì hẳn thế… Nhưng mua quạt mậu dịch thì chờ mãi cửa hàng mới bán, mà ở nhà thì thêm mỗi ngày là mỗi ngày hết chịu nổi.
- Thì mình cũng đã chịu đựng bao nhiêu ngày rồi, làm cái gì mà như chết đến nơi thế.
Anh cười làm lành:
- Thôi thì tùy cô… Ăn thua ở cô đấy miễn là cô giữ được tiền đến khi người ta bán cho.
- Chà, đừng có lo cho em, lo cho anh đấy. Thuốc lá nhiều vào!
Anh “hừm” một tiếng, nửa cáu, nửa đùa. Anh là tay hút nghiện, hồi trước hôm nào không có thuốc thì nhức đầu, chóng mặt. Từ ngày cưới nhau, chị kèm riết không cho hút, đến khi bắt đầu tích lũy tiền để sắm thứ nọ, thứ kia thì lịnh cấm càng ngặt nghèo hơn. Anh biết ơn vợ đã kiềm chế được mình, nhưng mỗi lần nghe những lời đay đá của cô nàng, anh cứ muốn cãi lại.
Trời càng lúc càng nắng gắt. Hai vợ chồng sống với nhau qua mùa hè dưới mái ngói râm ran. Dường như họ gặp nhau ở đây để ngủ và ăn cơm, còn thì suốt ngày chị chạy về nhà mẹ, anh lên ngồi thư viện. Kiếm một chỗ mát mà làm việc, chứ giam mình ở đây mà chết thiêu à? Thường thường buổi trưa, chị về sớm, nấu cơm, chùi nhà. Ban đầu thì phân công mỗi người phụ trách mỗi ngày; nhưng dần dà do phân công tự nhiên và do sự vụng về của anh, việc hậu cần lại về cả chị. Anh lại có tính đãng trí, hay về trễ. Nhiều hôm chị dọn cơm ăn xong đi nghỉ rồi, anh mới mò về lục bát chén. Những lần như thế, anh lặng lẽ ăn xong, rửa dọn lấy, rồi đến ngồi ở mép giường; biết vợ chỉ vờ ngủ để nén giận, anh chỉ ghé lưng nằm ở mép chiếu, thiếp đi. Khí trời bức bối làm anh mệt nhừ, uể oải.
Cũng có lúc anh đưa tay nắm tay vợ tức thì bị hất ra tàn nhẫn. Nước mắt chị ứa ra, tủi thân:
- Có bữa cơm nhà, anh cũng quên!
- Nào anh cố ý về trễ đâu… Ngồi ở thư viện, đang đọc sách thì thằng Sơn rủ đi uống ly cà phê đá. Ngồi ở câu lạc bộ thể thao, gió thổi mát quá, hứng chí nói đôi ba câu chuyện rồi quên…
- Thì đúng là quên!
Chị vừa nói vừa khóc thút thít, khóc nhỏ nhỏ chứ không dám nấc to vì sợ hai phòng bên nghe tiếng. Thế là mất luôn giấc ngủ trưa… Đến khi ngoài cổng cơ quan đã có tiếng kẻng báo hiệu giờ làm việc, chị uể oải ngáp dài, úp mặt vào ngực anh:
- Anh ạ, em chỉ mong cho xong cái mùa hè chết tiệt này cho rảnh.
- Ừ, thì anh cũng chỉ mong thế!
Rồi mùa hè chết tiệt ấy trôi qua. Mùa đông đến. Trời lạnh, mưa nhiều nhưng dù sao cái rét vẫn dễ chịu cho những cặp vợ chồng mới cưới hơn. Vào khoảng tháng 11, cửa hàng có về một loạt quạt máy, nhưng đúng dịp ấy anh phải về Quy Nhơn thăm ông cụ ốm nặng. Chị phải chuẩn bị tiền cho anh về nhà, thêm nữa trời đang rét thì nhu cầu quạt cũng chưa cấp bách lắm, vay mượn làm gì cho phiền ra.
Mùa xuân. Những con én thỉnh thoảng bay về làm tổ dưới mái ngói đỏ. Rồi hết mùa, chim bay đi. Lại những đêm nóng râm ran, lại tiếng thằn lằn chắt lưỡi trên đầu tường. Lại mỗi lần từ lớp học về, anh gặp vợ quần xắn móng lợn, tóc túm một túm sau gáy, hí hoáy ngồi thổi lửa ngoài sân nắng.
Chiếc ruy băng hồng lồng quanh khung kính trái tim nay đã bị bụi đóng, bẩn quá nên chị rút ra và định thay bằng sợi khác nhưng tất bật những việc gì rồi chị cũng quên đi. Chiếc giỏ tre xinh xinh cũng mốc và gãy nan rồi anh đã cho nó vào bếp. Thời gian qua cái gì chẳng hư, chẳng cũ.
Âu đó cũng là quy luật bình thường!
Chỉ có một vật y nguyên như cũ: chiếc ghế nõn nà ngày nào anh đóng để dành cho chiếc quạt tương lai. Nó vẫn đứng đó trống trải và kiên nhẫn.
Những cơn giận hờn trẻ con đã qua dần. Bây giờ sau mỗi lần gây gổ, chị không còn khóc thút thít rồi áp má xuống lồng ngực nhớp nháp mồ hôi của anh nữa. Chị ra vẻ ta đây, nín thinh, khinh khỉnh. Cái im lặng ngột ngạt như trời trước cơn giông. Chuyện đó cũng trở thành bình thường, bình thường đến nỗi nhiều khi anh cũng không buồn để ý xem chị giận gì.
Câu chuyện chỉ trở thành bất bình thường vào một buổi trưa, khi chị từ hàng thịt trở về với giỏ giò sườn lủng lẳng trước ghi đông. Anh còn lo sửa cái bếp dầu - cái bếp dầu quỷ quái, cứ không chịu bắt lửa cho! Đang loay hoay thì anh nghe vợ la thất thanh:
- Trời ơi, giờ này mà anh còn sửa bếp dầu! Sao không bắc bếp củi cho rồi làm thế này đời nào mới có cơm.
- Thì thong thả nào, muốn củi thì có củi, làm gì mà như chết tới nơi!
- Tôi cũng sắp chết đói đây, anh tưởng sắp hàng từ năm giờ sáng đến giờ này còn khỏe lắm chắc? Biết thế anh đi mua cho rảnh, để tôi nấu nướng cho xong. Cứ giành ở nhà, bây giờ đổ vạ ra đấy!
- Này, vừa vừa chứ, thấy người ta nhịn lại cứ làm tới…
Anh càu nhàu, ngước lên nhìn vợ thấy chị phờ phạc, tóc bơ phờ vì gió, nước da rám nắng, trông thật nản. Chị cũng nhìn anh: dường như trong mắt anh có một thoáng gì gớm ghiếc, bất mãn, đố kỵ; chị nhớ ra là mình đã tàn phai đi so với ngày mới về đây… và chị cay xè hai mắt. Tự nhiên, chị thốt ra những lời cay độc:
- Thôi, không cần! Anh bây giờ còn xem tôi ra gì, để thời giờ, tâm tư mà o bế cô này, cô nọ, chứ tôi là cái gì!
- Ơ cái cô này hay nhỉ? Anh quắc mắt. Cô nói cô này cô nọ là nói quạnh nói khóe những chuyện gì đây? Đừng có hàm hồ, ăn nói vô căn vô cớ…
Trong óc chị hiện ra những hình bóng đàn bà đâu đâu đã đi qua đời anh từ cái thuở xa xăm xa tít nào. Cơn đồng bóng chợt nổi lên, chị vùng vằng ném giỏ thịt xuống đất.
Không may cho chị. Chị có định ném vào anh cho cam? Nhưng đúng lúc đó, anh đang ngồi xổm trên nền nhà chợt đứng vụt dậy, hứng trọn cả giỏ sườn, mở, thịt làm hoen cả chiếc áo trắng. Trời, tai vách mạch rừng, ở khu tập thể này làm gì dấu được ai một ly. Chỉ mấy hôm sau, cô Diệu ở bếp ăn đã đi kháo với tổ cấp dưỡng:
- Này, cái nhà chị Loan ở nhà D1 trông vậy mà đáo để lắm cơ. Đổ cả rổ thịt lên đầu chồng… cái ông Tuấn cũng tốt nhịn thật!
- Thực hả cô; đầu đuôi ra sao? Mấy cô gái trẻ đang nhặt rau ngẩng lên, hiếu kỳ. Thế là cả tuần sau cả khu tập thể đều hay. Ông Nghĩa khét tiếng sợ vợ, cũng lắc đầu bảo bạn:
- Thằng Tuấn dở. Cãi cọ thế nào mà để vợ đổ ụp cả rổ lòng heo nhoe nhoét lên đầu. Vợ tôi mà thế thì thôi, bãi!
Cả hai người cười ngất khi tưởng tượng ra hình ảnh Tuấn với những mảnh tim, gan, phèo, phổi  bê bết trên đầu, trên tóc.
Trong khi mọi người cười đùa, thì chị cụp mặt xuống. Chị ngượng. Chị không dám nhìn ai nữa. Chị thương chồng, ngượng với chồng, rồi phát tức lên với chồng. Chị không bao giờ nhìn anh bằng con mắt như xưa nữa!
Bây giờ thì chị ngồi đây, trước chiếc va ly đã sửa soạn xong. Đêm qua, anh đã lẳng lặng xếp hết áo quần, vật dụng vào đó, trong lúc chị nằm dài trên giường, lơ đãng xem mấy hình hoạt họa trong tờ tạp chí tiếng Nga. Ngày mai anh sẽ lên đường chuyển công tác vào Quy Nhơn. Từ khi anh viết đơn cho đến khi được chấp thuận chuyển, chị không hé răng can thiệp một lời nào. Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, nhìn nhau đã thấy hết tốt, hết đẹp thì còn đeo đẳng nhau làm chi nữa? Mấy hôm nay bạn bè đến tạm biệt anh, kẻ thì rủ đi nhậu người gửi thức này, thức nọ. Anh tiếp bạn bè vui vẻ, bình tĩnh, lúc hứng chuyện lên anh cười ha hả vô tư. Nghe tiếng, cười, chị thấy se se lòng… Nhưng rồi chị gạt đi, cứng rắn nghĩ thầm “mình chỉ được cái tình cảm vớ vẩn, hão huyền! Y làm gì mặc xác y chứ!”
Chiếc va ly nằm đây. Lần đầu tiên trong đời, anh tự xếp hành trang, không cần nhờ đến chị. Vĩnh viễn anh không cần đến chị nữa. Hơn một năm nay, chị để ý thấy mỗi lần đi công tác xa về, sắc mặt anh hồng hào tươi tỉnh hẳn lên. Rõ ràng căn phòng này chỉ còn là một cái nhà giam ngột ngạt đối với anh. Căn phòng này, cuộc sống này, và chị…
Hôm nay, trước mặt chị, chiếc ghế đẩu trắng xinh xinh vẫn còn đó, trống trơn, lạc lỏng như một giấc mơ không thành. Chị nhếch mép cười: bao nhiêu năm qua, tiền tiêu phí vào những việc đâu đâu mà vẫn không sắm nổi chiếc quạt máy. Không, không phải chỉ là chuyện chiếc quạt, mà còn là ý muốn thiết tha tạo điều kiện để sống hạnh phúc với nhau. Chẳng biết nếu những mùa hè đừng nóng nực, bữa cơm ngon ngọt hơn, hay có thêm chiếc quạt máy, thì cái gia đình nhỏ này sẽ ra sao? Chà, thôi hơi đâu mà nghĩ vớ, nghĩ vẩn nữa, chuyện gì đã qua, cho nó trôi qua, tiếc nuối làm gì?
Tiếng động ở cửa làm chị sực tỉnh. Anh bước vào, cùng với một người bạn. “A, anh Sơn!”
- Sơn đấy. Ngày mai tôi đi, anh ấy rủ đi ăn tối cho vui.
Anh bảo vợ, vừa nói vừa liếc nhìn vẻ mặt chị.
- Ừ, thì đi. (Trong bụng chị thầm nghĩ: vô tình vô nghĩa đến thế thì thôi, còn có hôm cuối cùng, cũng bỏ đi ăn nơi khác!) Đi cho vui chứ còn có một hôm nay, anh em chưa chào hết. Mua được vé tàu chưa?
- Rồi. Phờ cả người, vào ngồi chơi tí đã Sơn. Ngồi một lát cho khỏe rồi lại đi, chứ ở đây nóng lắm.
Sơn bước vào ngồi cạnh bàn, uống nước, nhìn quanh:
- Chỗ này đã lấy gì làm nóng. Chung quanh thoáng, có đâu như bên nhà mình bị cả dãy buynh đinh chắn ngang thành ra cả ngày không được tí gió nào.
Chị lắc đầu, pha thêm nước vào bình trà:
- Anh cứ thử ở đây ít hôm, rồi biết mùi cái mái ngói với bốn bức vách này.
- À, đó là lỗi tại hai ông bà chứ. Đây nóng là tại xáp nắng. Trồng ít cây xanh hay hoa leo là nó mát ngay chứ gì.
Chị đưa mắt nhìn anh, và bắt gặp mắt anh nhìn chị. Thực đơn giản. Nhưng lâu lắm rồi, anh chị chẳng nhớ ra điều đó.
 “Này nhé, trước sân kia, trồng vài cây vũ sữa hay trứng gà gì đấy thì tha hồ mà mát, lại có chỗ mắc võng. Vài năm là có bóng râm ngay thôi. Không thì xuống nhà mình, bứng lên vài mụt hoa giấy…”
Chị lại nhìn anh, và vẫn gặp mắt anh nhìn chị. Một phút trôi qua, anh nhìn đi nơi khác. Sau một thoáng xao xuyến, họ lại trở về với vẻ lạnh lẽo mọi ngày.
Chị cúi đầu, im lặng, rồi khe khẽ bảo:
- Có lẽ bây giờ mà trồng thì muộn mất rồi, anh Sơn ạ. Vô ích.
Sáng hôm sau anh đi. Chị cũng tiễn anh tới sân ga.
Khi còi tàu rít lên và những khung cửa sổ dần dần dang xa khỏi tầm mắt, chị trở về, nằm dài trên chiếc giường nhỏ. Một cảm giác lạ lùng dâng lên trong tim chị, không rõ là buồn hay vui, trống trải hay là thanh thản. Căn phòng bây giờ như khác đi. Lúc trước, chị thấy nó chật chội, tù túng, còn bây giờ thì rộng và nhạt nhẽo. Hơi nóng râm ran vẫn quyện lấy bầu không khí nho nhỏ giữa bốn bức tường xây và mái ngói.
Ôi, cái nóng, cái nóng vẫn đeo đẳng chị từ lúc về đây cho tới lúc chia lìa.
Vươn vai, chị kẹp lại tóc, bước ra hiên. Trong khu tập thể, mọi người đã về, ai nấy lo sửa soạn bữa cơm, tiếng cười đùa vang lên, huyên náo. Với tay lấy chiếc gáo, chị múc nước định rửa mặt cho đỡ nóng.
Chợt chị dừng lại.
Trước hiên, chẳng biết ai đã giăng mấy sợi dây thép mỏng mảnh từ mái nhà xuống tận thềm. Mấy mụt hoa giấy yếu đuối, xanh xanh đang dựa vào đầu giây, ẻo lả. Ai đó đã trồng ở đây một hàng cây non từ sớm tinh mơ…
Ngẩng lên, chị thấy một mảnh giấy gấp tư giắt ở cái mắc áo mưa trước cửa.
Hồi hộp, chị mở bức thư:
 “Loan,
Có lẽ đã xa lắm rồi, cái thời mà người ta có thể sống không cần chút tiện nghi nhỏ nào. Nhưng bây giờ anh mới sực nhớ ra, điều quan trọng không phải là mình không có chiếc quạt máy. Điều quan trọng là mình đã nghĩ đến nhau quá ít… Anh cũng nghĩ như em, bây giờ mà làm một cái gì thì đã quá muộn. Nhưng có lẽ, muộn còn hơn không.
Anh đi, hy vọng giữa chúng mình vẫn còn một cái gì đó tươi xanh, và mong có bóng mát cho em trong cuộc sống - chút bóng mát đủ cho mình có thể nhìn vào mắt nhau… nếu một ngày kia anh còn trở lại…”
 “Không, không…” Chị run lên. Nước mắt ràn rụa trên hai má, chị thấy mơ hồ quanh mình hình ảnh căn phòng ngày nào, nho nhỏ, sạch sẽ. Chiếc gương soi thắt nơ trên vách, chiếc giỏ tre xinh xinh đầy hoa. Rồi chị tưởng chừng bên tai tiếng còi tàu rít lên, và những khung cửa sổ dần dần dang xa, dang xa…
TRẦN THÙY MAI
(nguồn: TCSH số1-06.1983)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐOÀN LÊ               Tặng anh tôi Anh làm khoa học, tôi là diễn viên nhà hát. Riêng điều đó đã không hợp nhau. Nhưng tuổi trẻ không chịu nghĩ chín chắn, chúng tôi cứ yêu nhau bất chấp mọi giông bão ở cả hai phía gia đình.

  • NGUYỄN NGỌC LỢITối đó bản Phiệt có buổi liên hoan văn nghệ. Cơm chiều xong Tản đưa tôi vào đó chơi. Chúng tôi đang chuẩn bị đi thì một cô đang dẹp đám cuốc xẻng trong góc lán nói vọng ra. Anh Tản mà đưa anh ấy đi thì có mà... Anh ấy đẹp trai, gái bản theo hết, mất phần đấy... Tản cười, cho theo bớt chứ một mình tôi... mệt lắm.

  • LÊ NGUYÊN NGỮTrong bối cảnh rạt rào gió bấc và nắng trải vàng như mật bên ngoài báo hiệu Tết sắp vê, con ngựa cũng đứng dạng bốn chân như lắng nghe câu chuyện đầy hoài niệm mà Tư Gồng bắt đầu kể tôi nghe. Giản dị vì đây là câu chuyện về chính nó, Tư Gồng trước kia đã lần khân hẹn khất với tôi chờ đến Tết Con Ngựa. Mà lúc này thì đã là cuối tháng chạp rồi.

  • NGUYỄN QUANG LẬPChiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đen gọng vàng.

  • ĐỖ KIM CUÔNG1... Cho đến lúc sực tỉnh, tôi mới nhận ra con đường ra cánh đồng tôm và những vườn dừa dưới chân núi Đồng Bò.

  • HỒNG NHU Xóm phố nằm trên một khu đất trước đây là một dẫy đồi nghe nói vốn là nơi mồ mả dày đặc, phần lớn là mồ vô chủ không biết từ bao đời nay; và cũng chẳng biết nơi nào có nơi nào không, bởi vì gần như tất cả mồ mả ở đó đều đã bị thời gian mưa gió bào mòn, chẳng còn nấm ngôi gì cả.

  • TRẦN HẠ THÁP1*Gã nằm xuống thoải mái. Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay. Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp... Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã. Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.

  • THÁI KIM LAN"Làm sao biết từng nỗi đời riêngĐể yêu thương yêu cho nồng nàn”                              Trịnh Công Sơn

  • THÁI KIM LAN(tiếp theo)

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNGLGT: Cuộc sống cứ lao về phía trước, song những tâm hồn đa cảm thì lại hay ngoảnh nhìn về phía sau. Nước nhảy lên bờ là ánh nhìn về những ngày đã qua giữa một vùng quê bình yên của “đêm trước đổi mới”. Một bức tranh quê sống động, dung dị song ngổn ngang những cảnh đời, những cảnh tình mà chúng ta không được phép quên, bởi tư duy đổi mới của đất nước hãy còn tiếp diễn...

  • VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.

  • I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.

  • Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...

  • Năm 1966 thầy Phan Linh dạy Toán lớp 7A tại trường cấp II xã Phúc Giang. Đó là năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt. Máy bay Mỹ cứ nhằm những tụ điểm đông người thả bom. Học sinh đến trường phải đội mũ rơm. Để tránh bom đạn trường Phúc Giang phải sơ tán về các làng, các xóm học tạm. Lớp 7A của Phan Linh sơ tán về làng Mai.

  • Gió từ đại dương lồng lộng thổi qua cửa sông, qua bãi cát trắng xoá rồi vỗ đập vào những tàu lá dài ngoằng của loài dừa nước, oà vỡ những thanh âm xạc xào.

  • Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.

  • Chúng tôi tìm được địa điểm chốt quân khá lý tưởng. Đấy là chiếc hang đá ở lưng triền núi; hang cao rộng vừa lõm sâu vào vách núi. Cửa hang được chắn bởi tảng đá khổng lồ, rất kiên cố; dù máy bay Mỹ có phát hiện thấy cửa hang mà phóng rốc két, đánh bom tấn thì người ở trong hang vẫn chẳng hề gì! B52 có rải thảm bom thì lại càng không ăn thua.

  • Sau khi dọn bàn ghế xong, bà Lan chọn chiếc bàn kê sát ngoài cửa ngồi trang điểm. Từ ngày mở quán, bà đâm ra có thói quen ngồi trang điểm như thế, vừa tiện việc mời chào khách, vừa có đủ ánh sáng đầu ngày.

  • Chiếc váy của Tuyl Cleng va quệt không ngớt vào mấy vạt cỏ hai bên vệ đường. Những chỉ hoa văn ở riềm váy trông như hai cánh tay chạy như bay xuống đồi. Cuốn vở học trên tay cô nhịp nhàng lên xuống như chiếc quạt diễn viên múa. Mùa xuân sắp đến, trời đất như rộng rinh thêm. Những con chim trao trảo, chèo bẻo, ta li eo... cũng hót vang bên rặng rừng, vui lây theo nỗi vui của Tuyl Cleng.

  • Ven Hồ Gươm ở phía lề đường bên phải, cách chân tượng vua Lê Thái Tổ ước ngoài trăm mét, luôn có một bồ đoàn. Bồ đoàn là chừng dăm tấm thảm Tầu rải sàn nhập lậu từ các tỉnh phía Bắc được các gia đình Hà Nội trung lưu ưa dùng.