Mảnh vỡ thủy tinh

14:17 20/07/2018

LÊ MINH PHONG

Tôi thích tiếng vỡ của thủy tinh. Tôi không biết vì sao tiếng vỡ của thủy tinh lại mê hoặc tôi đến như vậy. Mê hoặc hơn cả những bản nhạc mà cha tôi thường nghe vào mỗi sáng.

Minh họa: Phạm Đại

Tôi thích tiếng vỡ của thủy tinh cũng như thích ngắm nghía những mảnh vỡ nhỏ li ti của nó. Tôi thấy trong hàng ngàn mảnh vỡ của thủy tinh có hàng ngàn khuôn mặt của tôi được thu vào trong mắt của chúng, trong thứ ánh sáng sắc lẹm và xanh biếc ấy.

“Suỵt.” Tôi đưa tay lên miệng rồi nhìn vào mặt mấy thằng nhóc. Tôi không biết những khuôn mặt của bọn nhóc khi được phản chiếu trong hàng ngàn mảnh vỡ của thủy tinh sẽ như thế nào. Mỗi khuôn tinh trong đêm tối. Cuối cùng, bọn nhóc cũng im lặng. Chúng tôi trườn qua bãi cỏ và nép sát vào bức tường. Bằng cách thức đó, chúng tôi tiến về phía cánh cửa. Một cánh cửa gỗ cũ kỹ được sơn màu xanh da trời. Cánh cửa mà có lần mẹ tôi, vì căm phẫn cha tôi bà đã ném một chiếc ly thủy tinh vào đó. Chiếc ly vỡ tan và tôi khoái chí lượm lặt những mảnh nhỏ thủy tinh văng ra vương vãi trên sàn nhà. Tôi còn nhớ, ngày ấy, khi cố gỡ những mảnh thủy tinh đang găm vào cánh cửa thì một ngón tay của tôi đã chảy máu. Tôi đã nhìn máu của tôi được thu và trong mắt của những mảnh thủy tinh. Ngày ấy, máu của tôi đẹp lạ thường.

Chúng tôi đang đứng sau cánh cửa trong khi người lớn đang chè chén ở trước sân. Tiếng người lớn cãi nhau huyên náo cả một góc trời. Chúng tôi chờ đợi một cuộc xô xát có thể xảy ra từ phía người lớn. Chúng tôi sẽ vui lắm nếu có nhiều chiếc ly thủy tinh bị vỡ trong những cuộc xô xát tơi bời. Cha tôi đang đi từng bàn chúc rượu với mọi người. Ông bắt đầu chếnh choáng. Nhìn bộ điệu của cha, tôi biết ông bắt đầu say. Những chiếc bánh mì có phết bơ lại tiếp tục được đưa lên từ phía nhà bếp. Tôi nhìn thấy chiếc ly thủy tinh sáng bóng trên tay cha tôi. Gương mặt cha tôi biến dạng thành một gương mặt khác hẳn được thu vào trên vành ly thủy tinh sóng sánh rượu.

Rồi có tiếng vỡ của thủy tinh. Tôi sung sướng muốn hét lên. Tiếng vỡ của thủy tinh vang ra từ phía trước sân. Tôi quýnh lên vui mừng vì đã nghe thấy tiếng thủy tinh vỡ. Và như thế nghĩa là đã có người say. “Vỡ đi, vỡ đi, thủy tinh ơi, vỡ đi…”. Tôi rít lên qua kẽ răng. Rồi bọn trẻ cũng rít lên như thế. “Vỡ đi nào, thủy tinh ơi”.

“Trân trọng...” Cha tôi đang nói. “Trân trọng... trân trọng… rất trân trọng…”. Nghe là biết cha tôi đang chếnh choáng. Mỗi khi bắt đầu say, ông thường thốt ra những lời có cánh và những lời có cánh của ông thường được bắt đầu bằng những cụm từ không rõ nghĩa. Bây giờ, chẳng ai nhận ra trong những lời có cánh tối nghĩa ấy của cha tôi đang chứa đựng vô vàn mảnh vỡ thủy tinh nhỏ li ti như cát biển khơi.

“Cởi giày ra.” Tôi nói với bọn trẻ. Rồi tôi tiến đến nắm lấy cánh cửa và nhẹ nhàng mở nó. Bên trong là một không gian tối tăm. “Cởi giày ra và theo tao.” Tôi nói và bọn nhóc làm theo tôi. Chúng tôi tiến vào một gian phòng kín như bưng và tối như mực. Gian phòng này và cả những gian phòng tối tăm bên cạnh, tôi đã bỏ hết tất cả mảnh vỡ thủy tinh mà tôi đã thu thập được trong mấy năm qua vào đó. Bọn nhóc lại mếu máo mỗi khi chúng giẫm phải mảnh vỡ thủy tinh, và khó khăn lắm tôi mới khiến chúng im mồm. Nhưng rồi bọn nhóc và kể cả tôi nữa cũng quen dần với việc để cho mảnh vỡ thủy tinh xuyên qua da thịt. Thậm chí, sau đó, chúng tôi cảm thấy thích thú khi được mảnh vỡ thủy tinh thi nhau xuyên vào bàn chân của mình. Vẫn với cái cách nằm bẹp xuống và di chuyển bằng cách trườn đi, chúng tôi tiến đến chiếc tủ của cha tôi. Trong lúc đó, ngoài sân, cha tôi vẫn tiếp tục nâng ly và cố nói ra những lời trịnh trọng. Những người khác cũng bắt đầu thể hiện phong cách trịnh trọng của mình, tuy nhiên mỗi người có một cách thức riêng biệt. “Trân trọng, rất trân trọng...”. Cha tôi nói. Trông ông đầy phấn khích. “Hát lên một bài nào.” Cha tôi nói và đám đông vỗ tay rồi la hét. Những tiếng vỡ của thủy tinh lại vang đi trong không gian và bánh mì được phết bơ cùng với nước xáo thịt gà không ngừng được đưa lên từ phía nhà bếp.

“Cha mày hát được không?” Một đứa trong bọn nhóc hỏi.

“Dĩ nhiên.” Tôi nói.

“Ông hát có hay như tiếng thủy tinh vỡ không?” Một đứa khác hỏi trong khi chúng tôi vẫn trườn dưới sàn nhà. Những mảnh vỡ của thủy tinh thích thú bởi mùi máu của chúng tôi và ngược lại, chúng tôi trở nên ghiền cảm giác mảnh vỡ thủy tinh đang gặm vào da thịt.

“Ông hát hay hơn tiếng thủy tinh vỡ. Tiếng hát của cha tao là hàng triệu mảnh thủy tinh.” Tôi nói và bắt đầu nghe hai đầu gối của mình nặng dần bởi có hàng vạn mảnh nhỏ thủy tinh đang găm vào dưới chân của tôi và cả trên hai khuỷu tay của tôi nữa.

“Tiếng hát và tiếng nói của cha tao là mảnh thủy tinh. Và mẹ tao luôn hãnh diện với điều đó. Ở ngoài chợ người ta thường cúi đầu trước mẹ tao mỗi khi bà bước vào hàng thịt với sự kiêu hãnh của mình. “Ông ấy có hàng tỉ mảnh thủy tinh trong những giấc mơ.” Mẹ tao luôn nói thế với mọi người trong khi tay bà đang nắn lên từng thớ thịt tươi rói trên sàn. Còn chúng mày thì câm cái mồm đi, còn không tiếng hát của cha tao sẽ găm vào mắt chúng mày đấy. Tôi nói và lắng nghe tiếng thoi thóp thở của bóng đêm trong không gian đặc quánh. Tôi cảm giác thủy tinh đang ánh lên những tia sáng xanh lét, thứ ánh sáng đó đang quấn vào tôi, quấn vào bọn trẻ và quấn vào cả bóng đêm vô tận.

Ngoài sân, cha vẫn bước đến từng bàn, bia trong ly của cha tràn cả ra ngoài. Sau khi đi được vài vòng thì cha quyết định thay bia bằng rượu. Đó chính là bản lĩnh của cha. Cha lảo đảo bước qua từng hàng ghế một. Cha đưa chiếc đùi gà lên miệng rồi cắn phập, hai hàm răng của cha lún sâu trong chiếc đùi gà, rồi cha phun miếng thịt gà xuống đất. Trong miếng thịt gà ấy có những mảnh thủy tinh nhỏ. Cha chĩa chiếc đùi gà lên trời rồi làm những bộ điệu giống như cha đang thuyết giảng một vấn đề tầm vóc cao cả nào đấy. Cha muốn mọi người nghĩ rằng cha đang thuyết giảng. Rồi đám đông cùng làm theo cha. Họ chĩa những chiếc đùi gà vào nhau và làm những bộ điệu của một nhà hùng biện. Lúc này là 20 giờ 30 phút.

Trăng sáng lờ nhờ.

Tôi trườn đến bên cái tủ của cha và chuẩn bị lôi ngăn kéo ra. Bọn nhóc hào hứng đến nỗi mắt chúng sáng như lân tinh trong đêm tối. Mắt chúng sáng đến nỗi không cần đèn chúng tôi vẫn nhìn thấy rõ ràng một chiếc tủ bằng gỗ đang chắn trước mặt chúng tôi. Dưới chiếc tủ là hàng đống nhỏ mảnh thủy tinh yêu dấu của tôi, tôi thèm khát có được hết thảy mảnh vỡ thủy tinh trên trái đất này.

“Nín thở đi.” Tôi nói. Tôi nói với bọn nhóc bằng sự hãnh diện của tôi. “Đây, chúng mày xem đi.” Tôi lôi ngăn kéo ra. Bọn nhóc ré lên khi tôi lôi ra từ trong ngăn kéo những miếng da có hình khuôn mặt. Những miếng da vàng và có cả những lỗ chân lông nhỏ tí. Mắt bọn trẻ càng sáng lên. “Đây chính là những khuôn mặt của cha tao. Những khuôn mặt thật đấy. Chính hiệu đấy.”

“Bằng da người chứ?” Lũ nhóc đồng thanh hỏi trong khi chúng đưa tay sờ lên những miếng da hình mặt người còn đẫm mùi mồ hôi của chính cha tôi. Phải nói rằng mùi mồ hôi của ông rất nặng.

“Thử đi.” Tôi nói.

Khoảng ba tiếng rưỡi đồng hồ sau đó chúng tôi chơi trò trốn tìm bằng cách dán những khuôn mặt của cha tôi lên mặt tất cả chúng tôi. Chúng tôi chơi trò đuổi bắt bằng cách trườn lên hàng tỉ mảnh vỡ thủy tinh dưới sàn nhà. Càng nhiều mảnh thủy tinh găm vào da thịt, chúng tôi càng lấy làm sung sướng. Và với chúng tôi, đứa nào có nhiều thủy tinh trên da thịt mình thì đứa ấy mới là người bản lĩnh. Trong khi đuổi bắt, đã có lúc tôi ôm chầm lấy chân của một thắng nhóc to con rồi khóc toáng lên để van xin vì lầm tưởng rằng cha tôi đang lùng sục chúng tôi trong đêm tối.

Giờ đây, trong đêm tối, trong những tia sáng xanh lét của thủy tinh có hàng chục khuôn mặt cha tôi. Tôi không thể biết đâu là khuôn mặt thật của ông bởi có lẽ điều đó cũng chẳng lấy gì làm quan trọng.

Trong khi đó ở ngoài sân, cha tôi và đám đông vẫn tranh nhau thuyết giảng những vấn đề hệ trọng. Cha đứng trên một chiếc bàn đầy vỏ bia và đống bát đĩa rồi nói: “Trân trọng...” Ông nói. “Trân trọng hết thảy mảnh vỡ thủy tinh trên đời...” Ông nói. Rồi lời nói của cha tôi biến thành những mảnh thủy tinh rơi xuống trên nền xi măng vương vãi thức ăn và chai lọ. Càng nhiều mảnh vỡ thủy tinh văng ra từ lời nói của mình, cha tôi lại càng hưng phấn. Ông nói với cái miệng méo xệch nhưng hết sức bài bản của ông. Rồi ông lại nói những lời có cánh, ông giẫm lên những mẫu bánh mì đẫm nước nằm vương vãi trên bàn. Mỗi khi như thế, cái vẻ chếnh choáng nhưng trịnh trọng của ông càng lộ rõ.

Rồi có một người đàn ông khác cũng đứng lên đi lại trên bàn như cha tôi. Người đàn ông ấy cũng đang chếnh choáng. Người đàn ông ấy cũng giống như cha tôi, ông ta có nhiều khuôn mặt và những lời nói của ông ta cũng biến thành những mảnh thủy tinh nhỏ. Và bây giờ thì tất cả mọi người đều đứng lên, họ hát và ngợi ca những mảnh vỡ thủy tinh, họ hát ngợi ca thủy tinh như ngợi ca hết thảy mọi điều vĩ đại trong cuộc đời này.

Sau đó tất cả bọn nhóc và tôi lẫn vào đám đông trước sân rồi cắn những chiếc đùi gà lăn lóc trên nền đất. Bọn nhóc đã biết cách thức để biến thành người khác và chúng cam đoan với tôi rằng cha mẹ chúng cũng có những cái tủ đựng những khuôn mặt bằng da như thế. Và một ngày nào đó chúng sẽ đeo những khuôn mặt của cha mẹ chúng để thực thi một vài âm mưu bí hiểm nào đó. Trông chúng vô cùng hoan hỉ.

“Làm thế quái nào mà mày có được nhiều mảnh vỡ thủy tinh như thế?” Bọn nhóc hỏi nhưng điều đó với tôi là điều bí mật. Mà bạn biết rồi đấy, mỗi khi nói ra thì mọi điều bí mật sẽ tan biến vào hư vô.

“Nhưng vấn đề là họ giấu chúng ở đâu.” Bọn nhóc băn khoăn về những khuôn mặt bằng da của bố mẹ chúng. Bọn nhóc lí nhí với nhau trong khi bố mẹ chúng đang gãi lên những khuôn mặt nhăn nhúm của mình dưới ánh trăng lờ nhờ lạnh lẽo.

Lúc ấy là vào những phút giây đầu tiên của ngày 06 tháng 09.

Trăng bắt đầu nhỏ máu vào trong những chiếc ly thủy tinh.

L.M.P  
(TCSH352&SDB29/06-2018)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHAN VĂN LỢI     (Tiếp theo Sông Hương số 254 tháng 4-2010)

  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGCâu chuyện tôi sắp kể đây, có thể nhiều người không tin. Nhưng không tin thì thôi tôi cũng chẳng ép. Bởi vì nó cũng khó tin như chuyện cổ tích.

  • TRẦN CHINH VŨTầu về đến ga vào lúc ba giờ sáng. Anh như người chợt tỉnh sau một giấc ngủ chập chờn. Suốt ba mươi tiếng đồng hồ ngồi ròng rã trên tàu, trong một khoảng không gian dài hẹp, cùng với mọi tiếng động ầm ĩ.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚKhông ai biết tung tích lão Ngư. Nghe đồn rằng: một sớm nọ, ông bõ già của nhà thờ xứ làng vạn chài ra mở cửa thì nghe tiếng trẻ con khóc oa oa từ chiếc thúng đặt ở bậc tam cấp lên xuống của nhà thờ.

  • NGUYỄN SANSinh cố kiềm chế tối đa để khỏi phải văng tục trước thái độ đầy xấc láo, ngạo mạn của ông Đi.

  • NGUYỄN THANH HIỆNNgày nay, mỗi lần nhắc đến hát bội, dân làng Lâm Thượng lại nhớ chuyện ông hương cống Duật, người soạn tuồng Cuộc hội quân ở bến Mạnh Tân, nổi tiếng một thời.

  • NHƯ BÌNHCây gạo cụt đầu làng chết câm bao năm. Thân cổ thụ xù xì hóa đá đứng lù lù trước cổng làng, lặng lẽ không đếm xỉa đến thời gian. Mùa xuân năm đó bỗng dưng bật trồi lên ba cái nhánh. Ba nhánh gạo đâm tõe lên trời rùng mình thản nhiên xòe ra những chấm lá xanh.

  • HOÀNG THÁI SƠNTổng Giám đốc Liên hiệp Xí nghiệp cao su Nam Mê Công xiết chặt tay Long:- Hẳn anh không ngờ có cuộc hội ngộ này?

  • KIM NHẤTĐám ma bà Gái thật là buồn! Ngoài một số bà con trong xóm nghèo cùng mấy đứa nhóc lượm nhôm nhựa với bà thì chẳng có ai là họ hàng thân thích.

  • NGUYỄN QUỐC ANHNgày ngày cuốc đất, gánh phân, cào cỏ. Ngày ngày đã diễn ra như thế, đơn điệu và buồn tẻ. Buổi tối, những đồi chè từ màu xanh chuyển sang màu xanh thẩm, những đêm đông thì đen đặc mông lung, vô tận.

  • HỒNG NHU1.Ngài thủy tổ khai canh dòng họ Âu ở Tường Niêm xuất thân là một người lính trong đạo quân Trung Nghĩa của Chúa Nguyễn Hoàng khi Chúa vào trấn thủ Thuận Quảng.

  • NGUYỄN VIỆT HÀCô đến và vẫn như mọi khi, anh đang vẽ. Trời xam xám mầu của gió mùa Đông Bắc những đợt vớt vát cuối.

  • PHAN VĂN LỢINhững ngày cuối năm 1970. Hướng chiến dịch của mùa khô mới đã được xác định. Địch sẽ huy động một lực lượng lớn các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ phối hợp với quân ngụy Lào, có sự chi viện tối đa hỏa lực pháo binh và không quân Mỹ để tiến hành một cuộc hành quân quy mô dọc đường Chín nhằm cắt đứt hành lang vận chuyển chiến lược của ta, sau đó sẽ nống ra đánh phá đường giao thông và các kho tàng hậu cần của tuyến đường Trường Sơn vùng Trung - Nam Lào.

  • THẠCH QUỲ1.Ở góc đường phố Lê Ngọa Triều có một quán rượu nép dưới bóng cây ngô đồng xum xuê như chiếc lọng xanh. Bên cạnh quán rượu là dãy hàng hoa. Hoa hồng, hoa cúc, hoa mi-mô-da cắm đầy trong các xô nhựa.

  • NGUYỄN NGỌC LỢIBóng chiều phủ xuống núi rừng một màu xám ảo mờ. Đã hết một ngày quần quật của đám phu đãi vàng. Lúc này trên xà lan đang diễn ra bữa cơm chiều. Đám phu ngồi bệt trên mảnh sàn nhớp nhúa, bưởng trưởng cách đó một đoạn có mâm có chiếu.

  • LÝ BIÊN CƯƠNGNgười đàn bà ấy sợ bóng tối, sợ đêm về.

  • NGUYỄN THIÊN VIỆTSau khi tốt ngiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà nội, tôi được phân làm biên tập viên của một tờ báo địa phương. Thế rồi khát vọng bay nhẩy và mong muốn kiếm ít vốn đã đưa tôi sang Liên Xô hợp tác lao động.

  • NGUYÊN QUÂNTheo chân những con người một thời bỏ chạy mất dép, giờ lũ lượt quay trở về với nhãn mác sang trọng Việt Kiều yêu nước và cùng lúc với sự khai mở cánh cửa hướng ra bên ngoài của nền kinh tế vốn rất cạn kiệt, trì trệ sau cuộc chiến tranh dai dẳng.

  • TÔN NỮ THANH TỊNHAnh nhìn đầu tiên của cô gái làm tôi xao xuyến. Đôi mắt long lanh, trên khuôn mặt trái xoan điểm nụ cười duyên, mái tóc đen mượt phủ ngang vai. Dáng nhẹ nhàng, thanh thoát trông như một nhành lan.

  • NGUYỄN HOÀNG ĐỨCA, không biết có phải cậu ta không, trông oách quá. Chợt cái thân hình mập ú xúng xính trong chiếc Veston ngoại lượn xoáy một vòng rất kiểu cách trên đôi giày bóng như quang dầu nơi khúc quặt góc hồ.