Lụt Huế

11:14 02/11/2009
LÊ HUỲNH LÂMNhìn con nước trôi lạnh lùng qua mọi ngõ ngách, màu nước buồn gợi lên trong ký ức tôi hình ảnh con hẻm dẫn vào xóm nhỏ ngoằn ngoèo cạnh dòng sông Hương thơ mộng. Những mái nhà lúp xúp, căn gác gỗ, những khuôn mặt ngơ ngác, xác xơ.

Nhọc nhằn ngày lũ. Ảnh: Duy Phong

Xóm nhỏ vào những ngày hạ, cơ hồ gió từ sông lùa vào, ba tôi gọi đó là gió nồm, gió nồm mang hơi nước của sông tưới mát cho giấc ngủ tuổi thơ, ngọn gió nồm đã tung đôi cánh ước mơ của những đứa trẻ xóm tôi. Hàng năm vào khoảng cuối mùa thu và đầu mùa đông, xóm nhỏ biến thành một thế giới tách biệt với phố, tha hồ mà đón lũ lụt, mỗi năm chừng mười trận lụt lớn nhỏ. Dù chỉ cách phố vài ba cây số nhưng do bị lũ lụt cô lập, xóm nhỏ đã biến thành một ốc đảo. Mùa lụt, những ngư dân nép vào xóm để tránh gió và dòng nước chảy xiết, những năm của thập niên tám mươi, những người ngư dân còn chở củi, cá, tôm để bán cho người dân trên đất liền, hoặc đổi lấy gạo trong những ngày lụt bão. Dạo này, đời sống văn minh nhập cư ồ ạt đã khiến không ít người mất nghề truyền thống của cha ông để lại. Nhắc lại những trận lụt đã để lại dấu ấn trong lòng người dân Cố đô và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: như bão năm Thìn, tức vào năm 1904, nghe truyền lại rằng, cơn bão năm đó đã làm gãy cột cờ ở Đại Nội, gãy cả cầu Trường Tiền (hồi đó vật liệu để làm cột cờ, cầu Trường Tiền có thể là bằng gỗ), rồi lụt năm 1953 cũng rất lớn để lại dư âm đến ngày nay, trận lụt năm 1975 dìm xứ Huế trong biển nước, rồi bão lụt năm 1985 đã biến Huế thành một bãi chiến trường và trận lụt thế kỷ năm 1999 đã gây ra bao tang thương cho người dân xứ Huế.

Học sinh thời nào cũng vậy, mỗi lần nghe lụt là rất mừng, vì được nghỉ học và còn thú vui đi lội lụt, trong những lúc vui chơi như vậy đã có nhiều điều thương tâm xảy ra. Với lũ trẻ xóm bờ sông thì ê chề khi bị ngập lụt, vì không đi đâu được cả, phải ngồi co ro trong những căn gác nhỏ, nhìn mưa mịt mù. Còn nhớ trận bão năm 1985, hôm đó bão đến ban đêm, tiếng gió rít, tiếng mái tôn bị gió giựt rầm rầm. Điện cúp, cả nhà hơn 10 người, mỗi người ngồi một góc trên căn gác gỗ dưới ánh đèn dầu hắt hiu. Qua ánh sáng mờ mờ, ánh mắt mọi người đều ánh lên một nỗi lo âu. Vì nước lụt chỉ cách căn gác gỗ hơn nửa mét, còn mái nhà như chực để bay khỏi bốn bức tường, ngoài trời thì mưa gió thét gào. Hôm đó, có người bạn anh rể tôi bất đắc dĩ bị kẹt lụt nên ở lại. May nhờ anh bạn đó, mà trong đêm mưa gió tôi và anh ta đã đưa những đồ dùng như: lò đất nấu củi rất nặng, khung giường sắt, bàn ghế,… để dằn mái nhà. Rồi vào trong nhà mỗi người một góc để rị mái nhà xuống. Gió từng cơn giật một phần mái nhà bay lên rồi rơi xuống ầm ầm. Nỗi khiếp sợ hiện rõ trên gương mặt mọi người. Tôi thắp ba cây hương ở bàn thờ Phật để mọi người lấy lại tinh thần, lúc này đức tin rất cần thiết. Mọi người hướng ánh mắt lên bàn thờ Phật Bà, ngoài trời gió vẫn lồng lộn, mưa thét gào và từng đợt sóng vỗ vào những cánh cửa tạo ra những âm thanh kinh hoàng. Chừng 3 giờ sáng, gió lặng. Mọi người mệt lả vì sợ hãi và mất ngủ.


Khi ánh sáng ban ngày soi tỏ mọi vật, tôi mở cửa căn gác và trèo lên trên mái nhà để nhìn mọi vật. Cảnh vật của một buổi sáng điêu tàn, hầu như mọi nhà quanh xóm đều bay mái, nhà tôi thật may mắn, nhưng nhìn trên mái nhà chỉ toàn là đồ dùng trong nhà, nào bàn ghế, lò đất, khung giường sắt và cả những cái thùng đựng đầy nước. Cả xóm không có người nào bị thương tích, nhưng theo thống kê sơ bộ cả tỉnh có hơn 500 người thiệt mạng.

Dời dân trong lũ. Ảnh: Nguyễn Văn Hạnh


Cả thành phố như vừa trải qua cuộc đại chiến, những vết chém trên thân thể cây cối, mọi thứ ngổn ngang, giây điện, điện thoại giăng khắp đường. Sau cơn bão mấy tháng thì có một cuộc đổi tiền để lại bao thiệt hại cho người dân. Mọi thứ rồi sẽ qua, dân ta chịu khổ nhiều rồi, khổ thêm cũng không sao cả! Từ khi xuất hiện cơn bão số tám năm 1985 thì trong ngôn ngữ xã giao của người dân Huế, có thêm cụm từ “cấp tám”, bão cấp tám, ăn cấp tám, chơi cấp tám,…

Sau cơn bão 1985, tiếp tục là những trận lụt hàng năm, nhưng trận lụt lịch sử năm 1999 đã để lại nỗi kinh hoàng trong tâm thức người dân Cố đô. Một đêm mùa đông, tôi lang thang khuya nên ở lại nhà người bạn trong Thành Nội, sáng sớm hai đứa thức dậy uống cà phê, trời không mưa, không gió, cảnh vật thật yên bình. Đài Phát thanh vẫn đọc bản tin như mọi khi, dù biết rằng không ai chú ý lắm. Không có thông tin nào về dự báo thời tiết. Các em vẫn đi đến trường, mọi người vẫn đến công sở. Từng giọt cà phê rơi trong tiết nhịp điềm tĩnh, tiếng nhạc uể oải phục vụ cho hai người khách. Ly cà phê chưa uống hết thì nước đã xuất hiện ngoài sân, rồi chỉ mười lăm phút sau là tràn vào sân, rồi dâng lên hiên nhà trong chốc lát. Tôi hoảng quá, gói mọi thứ lại trong chiếc áo mưa, chỉ một cái quần ngắn, cột áo mưa qua trước cổ và bắt đầu rời quán cà phê, ra đường Đinh Tiên Hoàng thì phải bơi rồi, nước ngoài cửa Thượng Tứ ùa vô rất mạnh, không tài nào ra được. Tôi nhớ nhà người bạn tên Lép ở trên thượng thành, bơi đến và được đón tiếp nồng nhiệt.

Việc đầu tiên là mượn điện thoại cố định để gọi về nhà, ba tôi dặn không được đi đâu hết, cả thành phố ngập nước rồi, ở yên đó. Lúc này nước đã dâng lên rất cao, lâu lâu tôi liên lạc về nhà hỏi tình hình, cho đến chiều toàn bộ thông tin liên lạc bị cắt đứt, đứng ngồi không yên, nửa đêm, cứ cách 10, 15 phút tôi cùng Lép đi ra ngoài, hai đứa đem theo máy lửa đi ra đường để xem nước, sờ tay xuống con hẻm lên thượng thành, thấy khô là mừng, có lần hai đứa cùng nhìn nhau sau khi sờ tay xuống mặt đường mà chạm vào nước, Lép nói “chết hết rồi”, tôi bước xuống vài bước nữa, bật lửa lập loè trong mưa, nước đã lên nửa con dốc rồi, tôi lo quá chạy vào nhà Lép nói không ra tiếng, cổ họng nghẹn đắng, tôi niệm Phật trong thâm tâm. Như một phản xạ, lúc nào cũng vậy, hễ lo âu, thấy cảnh thảm thương, nghe tin dữ là tự nhiên niệm Phật, có những lúc vui tột cùng hay quá sợ hãi tôi cũng niệm Phật, cũng như những người có tín ngưỡng khác thì họ cầu nguyện mọi lúc mọi nơi, còn những người không tín ngưỡng tôi không hình dung họ như thế nào khi gặp hoạn nạn, và anh em giang hồ thì hay chửi tục…

Nghe hai đứa xì xào, ba của Lép thức dậy, ông đi ra ngoài xem và nói “nước mưa chảy không kịp, làm chi mà nước lên tới đây”. Hai đứa thở phào nhẹ nhõm, nhưng tôi vẫn cứ lo. Sáng thật sớm, tôi đứng trên thượng thành, nhìn màu nước đục buồn lòng bồn chồn không biết gia đình như thế nào, trong đầu tôi hiện ra bao cảnh tượng, tôi muốn nhảy xuống bơi về nhà xem sao, nhưng Lép và ba của nó can ngăn. Sau đó, hai đứa đi dọc trên bờ thành để tìm thuê đò. Đến cửa Chánh Tây, hai đứa mua một ít bánh, mì tôm, thịt hộp thuê một chiếc ghe chở đi, ghe ghé nhà người bạn gái của Lép, người yêu của tôi cùng trên đường gửi ít bánh và mì tôm, rồi người chèo ghe đưa chúng tôi về Chi Lăng, nước vẫn ngập cả đường Chi Lăng, tôi gặp người em trai, hỏi thăm tình hình gia đình, gửi thức ăn cho gia đình, tất cả mọi người trong xóm tôi phải di tản lên trường Mai Khôi cũ. Hôm sau, nước rút, mọi người vẫn chưa hoàn hồn, tôi đưa hai đứa cháu tôi lên vùng cao, cả nhà tôi mặt ai cũng xác xơ.

Theo thống kê của tỉnh nhà, thì lần này tổn thất rất nặng nề, số người chết và mất tích tăng từng ngày.

Một tuần sau, hậu quả của lụt vẫn còn, thỉnh thoảng dọc trên những con đường, người ta vẫn để vài thi thể đợi thân nhân, những người không có thân nhân thì nhà chùa làm đám. Nghe đâu, trong những người xấu số đó có ông bạn già tôi tên Trần Văn Tập có bút danh Hoa Tưởng Dung, Vương Thánh Tử đã bị ngập nước khi ở trong trại tâm thần, nguyên nhân ông vào trại là do ông không có nơi cư ngụ và theo lời ông kể lại, khi bước vào trại thì một cán bộ hỏi ông thích ở đâu? Một dãy phòng là của những người tâm thần, một dãy khác là của những người nghiện ngập. Ông phân vân một hồi và chọn dãy tâm thần. Hình như thi thể ông được nhà chùa làm đám. Thông tin không rõ có chính xác không, vì chỉ nghe mọi người nói lại, nhưng dạo này trên các nẻo đường ở Huế, không thấy ông xuất hiện trên chiếc xe đạp móc rất nhiều bao ni lông, bên trong mỗi bao ni lông là những tác phẩm của ông. Hoa Tưởng Dung là bút danh hồi trước 1975, ông dịch một số truyện ngắn của Pháp, theo một tờ báo của Úc thì ông là một người rất giỏi về môn hình hoạ, làm nhanh hơn cả thầy giáo, sau này ông lang thang, làm rất nhiều thơ và thi hoá một số kinh sách.

Ở Huế, ngoài hai mùa mưa, nắng còn có thêm mùa bão lụt xuất hiện chủ yếu trong tháng 9, tháng 10 âm lịch đã làm cho bao nhiêu người dân cơ khổ. Ở nội đô nước đã hoành hành khiến bao gia đình điêu đứng, người dân sống ở làng xã vùng trũng ven sông, ven biển tan cửa nát nhà. Không biết xứ Huế có nợ nần chi với trời đất không, mà sao lại có câu “trời hành cơn lụt mỗi năm”. Lụt lội đến liên tục khiến người dân thấy được quy luật, cứ hết ngày 23 tháng 10 âm lịch thì xem như chấm dứt mùa lụt, và trong dân gian có câu “ông tha mà bà chẳng tha/ bà cho cái lụt hai ba tháng mười”. Mấy năm nay, thật kỳ lạ, chỉ trong tháng 8, tháng 9 lại có lụt bão lớn liên tiếp, hễ mưa là dòng sông Hương đang trong xanh bỗng đục ngầu và cả thành phố như ngập trong màu nước hiu quạnh. Đó là lời cảnh báo cho những nhà quản lý, nhà khoa học về hiện tượng biến đổi môi trường, tình trạng chặt phá núi rừng và những việc làm không thuận theo trời đất.

L.H.L
(249/11-09)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Cách đây đúng 10 năm, thảm họa Đại hồng thủy tháng 11.1999 đã gần như san phẳng vùng đất Thừa Thiên Huế. 385 người đã chết và mất tích, 94 người bị thương, 20.015 ngôi nhà bị đổ và nước cuốn trôi, 1.207 phòng học bị sập, đàn gia súc, gia cầm gần như chết sạch với con số triệu con, hoa màu vườn tược tan hoang, thậm chí nhiều làng mạc gần như xóa sổ... Tang thương dậy tiếng ngất trời ngày ấy...

  • NHÓM CTV SÔNG HƯƠNG                                   Ghi chép 10 năm sau cơn lũ lịch sử năm 1999, cơn bão số 9 (2009) (Ketsana) kèm theo một trận lũ lớn lại ập đến, xóa tan bao công sức, tiền của của Nhà nước và nhân dân gây dựng trong suốt những năm qua. Ghi chép của nhóm CTV Sông Hương tại những vùng lũ cho thấy người dân đang đối mặt với khốn khó trăm bề bởi thiên tai ngày một nghiêm trọng và phức tạp...

  • LTS: Dưới đây là một câu chuyện có thật diễn ra trong Đại hồng thuỷ Huế-1999 mà nhiều người có nghe đến. Hai thầy giáo và một bảo vệ trường đã cứu 57 em học trò nhỏ qua cơn nguy hiểm. Một trong số đó là nhà thơ Lê Vĩnh Thái, vừa mới chuyển công tác về Tạp chí Sông Hương năm 2009. Sau hành động dũng cảm ấy, thầy giáo Lê Vĩnh Thái đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen của Tỉnh Đoàn, Trung ương Đoàn, Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc Trẻ em Việt Nam, Bộ GD và ĐT, đặc biệt là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Anh đã giấu kín chuyện này nhiều năm, phải đến khi TCSH làm chuyên đề LỤT, điều đáng quý này mới được anh em làng văn phát hiện. Xin giới thiệu cùng bạn đọc những hồi ức của nhà thơ Lê Vĩnh Thái về những ngày đó. Câu chuyện được kể lại không màu mè, uyển ngữ, nhưng phía sau những câu chữ dung dị là những trái tim lấp lánh lòng nhân ái...

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌCÁC MỘNG

  • TRẦN KIÊM ĐOÀNKý ức tuổi thơ là một thung lũng xanh, mà nơi đó thời gian đã phủ lên từng phiến đá, gốc cây một lớp sương mù lãng đãng. Dù thực tế có gai góc đến đâu, nhưng khi nghĩ về kỷ niệm ấu thời, những người lớn - hiểu như là khách trần gian đang lần bước đến tuổi già - khi nào cũng thấy “ngày xưa đó” một cách rất êm đềm và dịu ngọt.

  • TRẦN HẠ THÁP                Tuỳ bútThường xuyên và dường như chưa bao giờ chấm dứt, Huế còn đó với biết bao nỗi lòng khi vào mùa nước nổi... Sống ở Huế qua thật nhiều năm tháng mới thấy đây không hẳn chỉ có thơ và mộng. Xứ miền luôn gợi tưởng một không gian đầy thanh thoát và dòng thời gian lững lờ, bất tận...“Một nửa sự thật vẫn chưa là chân lý”. Huế, ban tặng và mất mát.Hãnh diện cùng với xót xa. Ngợi ca bên cạnh nỗi niềm chưa bao giờ nói hết... Huế, kẻ dừng chân vui dựng sự nghiệp trăm năm. Người ôm bóng ra đi còn phiêu bạt mãi phương nào...

  • TRẦN HỮU LỤCCơn bão Ketsana - cơn bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền khúc ruột miền Trung. Bão mạnh cấp 12,13, có lúc mạnh cấp 14,15. Trên sóng truyền hình và trên mạng, nơi cơn bão “không chờ đợi” đi qua, đã gieo rắc tang thương, khốn cùng dưới bầu trời mưa lên đến 477mm. Mực nước sông Hương dâng cao mấp mé cầu Trường Tiền. Các trường học ngập chìm trong nước bạc. Đầm Cầu Hai nước dâng cao sắp cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn ven bờ ra biển. Khu du lịch Lăng Cô nằm bên vịnh đẹp của thế giới chìm ngập trong biển nước. Những cây xanh trên đường phố bật gốc ngổn ngang. Hoàng thành Cố đô bị mưa lũ vây hãm. Nhà dân nghèo nhiều vùng miền bị tốc mái, đổ sập… Không thể kể hết mất mát, tang tóc ở quê nhà.

  • Nguyên Quân - Võ Văn Hoa - Khaly Chàm - Khả Lôi Nguyễn Việt Vương - Lê Huy Hạnh - Hồ Đắc Thiếu Anh

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNGHằng năm con tôi vẫn mua vé hàng không giá rẻ cho ba mạ về quê. Không biết trùng hợp hay người ta đã lường trước là mùa này không ai thèm đi du lịch ở xứ sở năm nào cũng bão lụt nên bán vé còn rẻ hơn đi xe đò. Về Huế ở lại một ngày đêm. Trời quang mây tạnh. Cứ ngỡ trời còn thương vợ chồng mình. Được một ngày rong chơi những con đường Huế. Mùa thu se lạnh. Sông Hương nước hơi đục nhưng cũng còn khá thơ mộng.

  • TRẦN THÙY MAI          Truyện ngắnThắm ôm con, day trở trên cái chõng tre cũ. Trời vẫn mưa. Mấy năm rồi, vào Nam làm ăn, đã quên đi cái mưa dầm sũng trời, sũng đất này. Dưới chõng là nền của cái nhà đã sập. Năm ngoái, xã mới xây cho cái nhà tình thương, năm nay cơn bão đi qua, nhà sập tan chỉ còn lại cái nền xi măng nứt nẻ.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUYSáng nay bầu trời âm u màu xám xịt như muốn sụp đổ với những cơn mưa liên tục xối xả, báo hiệu con nước sắp vượt bờ dòng Hương.

  • ĐẶNG TIẾNTừ thượng tuần tháng mười dương lịch năm nay, cũng như năm 1999, nhiều trận lũ lụt nghiêm trọng nhất chưa từng thấy từ một thế kỷ nay đã đổ ập xuống miền Trung Việt Nam, đặc biệt đã tàn phá vùng Thừa Thiên-Huế. Nhiều tỉnh khác, cũng bị thiệt hại nặng nề về nhân mạng cũng như tài sản.