Lời hứa hoa cỏ may

14:36 10/01/2019

TRIỀU LA VỸ  

Giừng có chửa!
Bà giáo trề môi. Cả làng Vệ nhốn nháo.
Tôi hớt hải chạy ra trại Nòn tìm Giừng.

Minh họa: Tô Trần Bích Thúy

Nó đang ngồi đan gióng. Vừa đan, nó vừa tủm tỉm cười. Trời ơi, cái bụng đã lùm lùm thế kia, mày còn cười được sao hả Giừng?

Giừng sống một mình ngoài trại Nòn, dưới chân núi Vệ. Cha mẹ mất sớm. Ngày ngày Giừng đan giỏ giừng sàng thúng mủng mẹt gióng bằng tre rồi đem vào làng đổi gạo.

Giừng đẹp hồn nhiên như cây lúa Giao Chỉ vừa mới nhú đòng.

Giừng chửa hoang!

Đàn bà làng Vệ nghiến răng, bóng bà giáo khệnh khạng to đùng như bóng núi trước sân. Đàn ông làng Vệ im thin thít, bóng già làng nhỏ thó bé mọn run rẩy như bóng cau góc vườn.

Giừng bị cấm vào làng Vệ. Tội nghiệp nó. Giừng có chung chạ với thằng cha nào của làng Vệ này đâu. Không lẽ Giừng đã mang thai trăng?

Đêm nào em cũng mơ thấy trăng. Giừng vừa nói vừa cười hồn nhiên.

Trăng lừng lững như bóng núi Vệ, không u nghiêm dễ sợ như nhiều người vẫn tưởng. Giừng thích cuộn tròn trong lòng cái bóng hiền lành ấy, nghe thầm thì thầm thì từ ngàn cao những câu chuyện cổ.

Trăng ở Nòn kỳ lắm. Đi tới đâu cũng để lại dấu chân người. Giừng thường chạy theo trăng, ướm thử chân mình vào đấy và cười khúc khích.

Tôi đã thử rình theo Giừng mấy đêm trăng liền mà có thấy dấu chân nào đâu. Hay Giừng bị con ma nào ám?

Nhà tôi ở rìa làng Vệ, cũng chẳng xa trại Nòn mấy. Tôi hay ghé chơi trại Nòn xem Giừng đan gióng. Giừng khéo tay lắm. Mai mốt đứa nào ưng Giừng chắc là phúc bảy đời.

Mắt Giừng lúng liếng lá răm. Da Giừng trắng mịn. Mồ hôi của Giừng có mùi thơm là lạ quyến rũ. Tôi ngờ Giừng được thế là nhờ tắm trăng dưới ao tám vú.

Ao nằm sau trại Nòn, dưới chân núi Vệ, bao quanh bởi những núm đá kỳ dị hình vú đàn bà. Nước ao trong văn vắt. Cạnh ao, trên một tảng đá trải dài bằng phẳng như chiếc chiếu con là một dấu chân người khổng lồ. Ao thiêng lắm, nên cả làng không ai dám đến.

Một tối đánh liều tôi theo Giừng ra ao, tênh hênh ngâm mình dưới trăng. Sóng vỗ voàm voạp lạ lắm như tay ai đang mân mê vuốt ve vờn vọc từng núm đá hình vú đàn bà. Tôi nhìn đôi chũm cau chớm lớn đang hườm hự chả hê của Giừng và đôi bầu vú căng cứng mây mẩy của mình cứ run lên dài dại dưới trăng mà lòng dềnh lên một niềm đê mê khó tả và một nỗi sợ hãi mơ hồ.

Đó là lần duy nhất tôi tắm dưới ao thiêng. Sau lần đó, thi thoảng tôi mơ thấy mình bị bóng trăng đè ngữa xuống chiếu đá. Tôi giật mình thức giấc nghe tê tức trên hai bầu ngực, còn lòng thì cứ rộn rạo phập phồng.

Cạnh trại Nòn, sát chân núi Vệ có một vườn cà hoang lâu đời. Gốc cà to lắm. Lá cành rậm rì. Những trái cà mùi hăng nồng, to bằng bát ăn cơm, tròn lẳng lòn trước gió, trông ngồ ngộ kỳ kỳ.

Vườn cà này linh lắm. Những đêm trăng tròn dân làng Vệ thường nghe có tiếng chân người. Ai cũng sợ xanh mặt. Thần núi đấy. Họ thì thầm vào tai nhau. Đàn bà, con gái, trẻ nhỏ bị cấm ra đường vào những đêm như thế.

Nhưng con Giừng thích ngủ dưới gốc cà, giữa lõa lồ ánh trăng khuya.

Tôi không dám theo ngủ với Giừng. Tôi sợ. Nhưng cứ mỗi lần bất chợt bắt gặp mắt Giừng nhìn bâng quơ ra vườn cà rồi tủm tỉm cười một mình, tôi lại thấy người bứt rứt, rần rực, khó ở.

Hay Giừng đã mang thai núi Vệ?

Ngày lại ngày, bụng Giừng to dần trong những tiếng xì xào chì chiết của cả làng.

Giừng không cần gạo của làng Vệ. Giừng ăn cà hoang thay cơm.

Bụng Giừng càng lớn, Giừng càng phổng phao xinh đẹp.

Một đêm tối trời, Giừng chuyển dạ.

Một thằng bé bụ bẫm ra đời.

Tôi lăng xăng cắt rốn, làm tã bên bếp lửa hồng trại Nòn.

Mẹ tròn con vuông. Hú vía. Không biết, nếu không có tôi mẹ con Giừng sẽ ra sao.

Đặt tên thằng cu là gì chị Út?

Gióng. Tôi buột miệng.

Gióng, sao lại Gióng? Út sợ đặt tên khác làng Vệ bắt vạ à?

Vạ cái vú cô thì có. Tôi mắng yêu. Mai mốt thằng cu nhớn, cô không muốn nó nhớ nghề sinh nhai của ông bà và mẹ nó phỏng?

Tôi nói rồi quay mặt đi, tay lén chùi nước mắt. Mai này biết phận mình, con có tủi thân không, Gióng ơi?

Thằng Mẹt nhà tôi cười giòn tan. Gióng, Gióng… Giừng và Gióng. Mẹ Giừng. Em Gióng. Vui quá, vui quá…

Mới đó mà đã ba mùa rẫy.

Thằng Mẹt nhà tôi không thèm chơi diều nữa. Nó cất diều vào bồ thóc. Nó bảo chơi một mình chán lắm. Nhưng nó lại nằng nặc đòi tôi làm thêm một con diều tre nữa. Tự tay nó phết hồ, dán giấy và gắn cây sáo trúc lên thân.

Diều cho em Gióng chơi đó mẹ. Nó bảo diều của nó và em Gióng sẽ bay cao nhất, tiếng sáo trúc sẽ lảnh lót véo von nhất làng Vệ này.

Nó đưa diều cho Giừng giữ.

Mai mốt em Gióng biết đi, cô Giừng cho Mẹt dẫn em ra đồng thả diều nhé.

Ừ chơi ngoan. Nhưng anh Mẹt không được bắt nạt em Gióng đấy.

Nhất định thế rồi, cô hứa nhé.

Cô hứa.

Hứa lời hứa của hoa cỏ may ngoài đồng cỏ nhé cô. Ai hứa rồi nó sẽ bám hoài trên áo, bám vào cả giấc mơ luôn đấy. Thằng Mẹt vừa huyên thuyên vừa khúc khích cười.

Lời hứa hoa cỏ may, thề đấy, ông nỡm ạ. Giừng vừa mắng yêu vừa khúc khích cười theo.

Tôi nhìn ra đồng cỏ. Nắng đã nghiêng qua vai núi Vệ. Hoa cỏ may tím nôn nao một vạt đồng.

Nhưng thằng Mẹt đợi hoài mà em Gióng vẫn chưa chịu biết đi.

Năm ấy cả xứ mất mùa đói kém.

Giặc phương Bắc chực vào cướp.

Giặc mạnh và hung bạo vô cùng. Nghe đâu nó chỉ dùng súng nước bắn chơi mà quan quân ngoài biên ải đã phải cong đuôi chạy re, mặt xanh còn hơn đít nhái.

Một lũ ăn hại nhát chết. Vua bụm miệng chửi đổng một mình, rồi tức tốc cho loa đi khắp nơi cầu hiền tài.

Tôi đang chổng mông thổi lửa nồi cám lợn thì thằng Mẹt xồng xộc chạy vào. Nó đòi đi đánh giặc.

Mắt đang cay xè vì khói, nước mắt nước mũi tèm nhèm, nghe nó nói chưa hết câu tôi đã mắng té tát.

Mày là thằng con nít ranh, đi đái còn ướt đũng quần, nấu nồi cám lợn còn bị khê, ở đấy mà đòi giặc với giũ.

Nó nhìn mặt tôi chằm chằm, giọng như người lớn.

Mẹ nói mà nghe được à. Thằng giặc ỉ lớn hiếp nhỏ, đi tới đâu cũng cướp phá. Con không đi đánh, nó vào cướp hết làng, còn ruộng đâu mẹ trồng cà trồng lúa, còn đất đâu cho thằng Gióng thả trâu thả diều hả mẹ.

Tôi cắn nhẹ môi dưới. Mầy biết lớn rồi đó Mẹt.

Mẹt tám tuổi. Nội nó, cha nó ngày xưa mới lên mười đã đi lính cho vua. Cái xứ này giặc giã liên miên. Trẻ trâu trẻ nhớn đều mê đánh giặc. Hăng phết. Sống chết không màng. Ngực cứ đỏ như son. Chỉ tội đám đàn bà côi cút. Chỉ thương bọn con gái lỡ thì. Tôi chép miệng thở dài, giọng nghe chừng đã hết nẫu ruột vì xót con.

Xứ này đánh giặc có nòi rồi. Thôi con đi đi, đánh cho cừ vào, đừng làm hổ danh làng Vệ ta nhé.

Thằng Mẹt cười tít mắt, chạy lon ton ra sau nhà.

Con Giừng hớt hải từ đầu ngõ chạy vào, giọng đứt quãng.

Chị… Út ơi. Thằng… Gióng nhà em…nó…nó…

Nó bị làm sao. Tôi hoảng hốt.

Nó cười nói được rồi… Mừng quá Út ơi.

Mắt con Giừng đỏ hoe, nhưng cái miệng nó cười tươi lắm. Tội Giừng quá. Thằng Gióng ba năm nay nằm như khúc thịt thừa không nói không rằng. Suốt ngày nó nằm ngửa trên chiếu đá, mắt nhìn trừng trừng lên bầu trời cao. Tới bữa ăn, mẹ nó vạch áo đút ti vào miệng, nó bú một hơi rồi nằm lăn ra ngủ khì. Tôi thấy xót lòng lắm. Con Giừng gầy rạc xương. Chắc mầy tủi thân với cái của nợ này lắm phải không Giừng?

Đêm nào em cũng nằm mơ thấy Gióng to cao hùng dũng ngồi trên ngựa chiến, bay từ nóc nhà này sang nóc nhà khác. Xung quanh Gióng là các tướng nhà trời, ai cũng oai phong lẫm liệt. Giừng vừa nói vừa mơ màng nhìn theo những bông nắng đang nhảy nhót nghịch ngợm ngoài hiên.

Tôi nuốt cục nghẹn xuống ngực. Lạy các ông tướng nhà trời đừng làm khổ dân đen nữa!

Dân làng Vệ còn công kênh em trên vai, diễu khắp làng rất là thành kính nữa. Mắt Giừng sáng lấp lánh.

Cô sắp thành bà mẹ anh hùng rồi đấy. Tôi trề môi cố kéo giọng mình dài ra.

Con Giừng bất chợt nhìn sững tôi rồi ôm mặt khóc hu hu.

Em đếch cần là anh hùng, đếch cần làm mẹ tướng nhà trời. Em chỉ cần như chị Út, như bao bà mẹ tầm thường   khác thôi. Em cần Gióng. Em cần con em bình thường như bao trẻ trâu trẻ nhớn khác. Sao để thành ông này ông kia con phải sống vô hồn, bỏ cười bỏ khóc thế này Gióng ơi…

Tôi ôm Giừng vào lòng, nước mắt dàn dụa. Tôi không ngờ Giừng có nhiều trăn trở đớn đau làm vậy. Khốn nạn thân em.

Giờ thằng Gióng mới thực sự làm người.

Nhờ có giặc mà nó biết cười biết nói!

Vua đang làm một con ngựa sắt, một áo giáp sắt, một cái mũ sắt và một cây roi sắt để Gióng lên đường đánh giặc.

Đất nước đang nguy nan Gióng ơi. Ngày hội làng, bọn nó giành giựt nhau để được ngồi ghế cao chiếu rộng, xâu xé nhau để được ăn mâm cao cỗ đầy. Sao việc cứu nước cứu nhà trọng đại dường ấy phải cầu đến một đứa con nít lên ba, miệng còn hôi sữa?

Gióng vụt lớn.

Bao nhiêu nong cơm, bao nhiêu nong cà của làng Vệ, của tất cả làng Vệ, đều không làm Gióng đủ no. Gióng ăn khỏe quá. Gióng lớn nhanh quá. Thoắt cái mà Gióng đã là một thanh niên tuấn tú oai phong.

Ngựa sắt đem tới trại Nòn cũng vừa lúc giặc tràn vào cướp phá vùng núi Trâu. Gióng nhảy lên mình ngựa, vung roi sắt, thúc ngựa phi lên trước. Ngựa sắt hí vang trời, miệng hừng hực lửa. Thằng Mẹt nhà tôi ngồi sau lưng Gióng cũng vung chiếc cào tre lên cao, thật là dũng mãnh. Trai tráng khắp nơi ùn ùn chạy theo chân Gióng. Khí thế bừng bừng.

Giặc chết như ngả rạ. Tin thắng trận dồn dập. Tôi và Giừng ôm nhau khóc. Chúng tôi mừng tíu tít trong nỗi sợ hãi vô hình.

Giặc tan. Tôi và Giừng tất tả chạy khắp nơi tìm con. Đâu đâu cũng tan hoang. Đâu đâu cũng nghi ngút khói. Những con đường lở lói sình lầy đầy xác chết. Những lũy tre cháy vàng hườm nham nhở tả tơi dưới ánh chiều tà.

Dưới chân núi Sóc, bên gốc cây đa ngàn tuổi chúng tôi ôm chiếc áo của Mẹt và Gióng mà khóc không thành tiếng.

Chiếc áo chăn trâu thường ngày của thằng Mẹt nhà tôi chi chít vết đâm. Máu khô đóng thành vệt trên những chỗ rách nham nhở.

Cái áo lót bằng lụa mà làng Vệ đã may cho Gióng ngày lên đường đánh giặc rách toạt một mảng lớn ở bụng. Nơi này áo giáp sắt không kín, chúng tôi đã buộc thêm rơm vào. Máu chưa kịp khô còn đỏ thẫm trên vệt rách hình lá tre khô bay phần phật tả tơi trước gió.

Mẹt ơi, Gióng ơi. Các con đang ở đâu? Đi đâu mà không kịp một lời chào mẹ? Hay ngựa sắt đã đưa các con về trời?

Tôi và Giừng bất chợt nhìn nhau, rồi nhìn xuống tay mình. Trong lúc vội vã chạy tìm con, không hiểu sao tôi và Giừng ai cũng cầm theo một con diều tre phết giấy có gắn một cây sáo trúc trên thân.

Hai chiếc diều tre chấp chới bay trên đỉnh núi Sóc, nhỏ bé nhưng đầy kiêu hãnh trên nền trời đỏ rực một màu máu lúc hoàng hôn. Tiếng sáo vi vu trầm bổng. Mắt Giừng đỏ hoe. Mắt tôi cũng nhòe đi vì gió. Bất giác chúng tôi nghe có tiếng gọi từ trên cao. Kìa Mẹt và Gióng đang cười đùa hồn nhiên trên lưng những con diều tre. Trên tay mỗi đứa tím sững sờ một nhánh hoa cỏ may. Chúng ơi ới gọi, chúng vẫy tay với chúng tôi. Rồi biến mất vào vòm trời cao vút cùng với ngân nga tiếng sáo.

Mùa hạ, tháng tư.

Nắng giòn như má con gái vừa mới dậy thì.

Tôi về thăm đền Sóc lúc hội Gióng vừa tan. Nắng trưa tròn bóng cứ trổ đầy hoa tre trên từng bậc rêu. Bên thềm đền Mẫu, tôi ngạc nhiên khi gặp một người đàn bà xinh đẹp phúc hậu đang ngồi chải tóc. Rồi nhìn vào ánh mắt ngỡ ngàng xen lẫn háo hức của tôi bà rì rầm kể tôi nghe câu chuyện về nàng Giừng. Tôi ngồi thẫn thờ xúc động, quên cả chào người đàn bà kỳ lạ đang lặng lẽ khuất dần trên đường lên đền Thượng. Câu chuyện cứ ám ảnh tôi mãi. Đêm đó, bên bếp lửa bập bùng, tôi thuật lại câu chuyện nàng Giừng với một già làng Phù Đổng với mong muốn nhận được một sự cảm thông nhưng chỉ nhận từ bà một cái lắc đầu ngờ vực. Rồi bà nhìn tôi bằng ánh mắt hoang mang khó chịu. Cô không thấy tre đằng ngà đang cháy như lửa ngoài lũy làng kia sao. Bà nói như hét. Thật là nhảm nhí hoang đường.

T.L.V  
(TCSH358/12-2018)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.

  • HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...

  • HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.

  • PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.

  • THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.

  • PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.

  • PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.

  • HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.

  • BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.

  • DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết    (René Char)

  • ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.

  • NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.

  • NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.

  • NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.

  • NHẤT LÂM          Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.

  • NGUYỄN TRƯỜNG                           Nơi hầm tối là nơi sáng nhất          (Thơ Dương Hương Ly)

  • TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".

  • HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.

  • NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.

  • XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.