Những tượng đài thiêng liêng trong lòng dân Quảng Điền
NGUYỄN QUANG HÀ
Bút ký
Ảnh: internet
Cách đúng một tuần trước khi nổ súng phát hỏa tấn công trong chiến dịch Mậu Thân, lãnh đạo quân khu Trị Thiên về gặp du kích xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền bàn với anh em:
- Để làm cho tư tưởng quân địch tan tác trước khi ta tấn công, cần có một cuộc binh vận bất ngờ, đó là việc phất cờ giải phóng giữa đất Cố đô. Chúng ta chỉ cần 2 người thôi, một người cầm cờ và một người cầm biểu chương. Dĩ nhiên cuộc ra quân bất ngờ này đầy nguy hiểm, rất dễ hy sinh. Ai dám xung phong đi nào?
Bí thư Huyện ủy cũng có ý kiến với anh em:
- Việc làm chưa từng có này trên đất Huế, chắc chắn sẽ gây một tiếng vang lớn. Dân sẽ bình luận: chỉ có kẻ trên thế thắng mới dám làm như thế. Với binh lính Ngụy thì coi đây là một đòn chí tử. Người lãnh nhiệm vụ đặc biệt này có thể hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc nhưng cũng có thể bị bắn chết giữa đường. Thanh niên chúng ta ai dám nhận trọng trách này?
Hai mươi tư du kích ngồi đó thì có tất cả hai mươi tư cánh tay giơ lên, không một ai tỏ ra ngần ngại. Tất cả có chung một câu trả lời:
- Chúng tôi quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Ai cũng hiểu đây là một nhiệm vụ quang vinh.
Kết quả, hai người được lãnh đạo chọn cho cuộc ra quân quyết liệt này. Đó là anh Hà Lề và anh Nguyễn Xuân.
Hà Lề có cha đi tập kết, ông đã trở lại chiến đấu trên quê hương và đã hy sinh, mẹ hiện đang là cơ sở thủy chung của cách mạng trên đất Quảng Thái này. Còn Nguyễn Xuân cũng có cha đi tập kết. Các em anh cũng đã thoát ly tham gia kháng chiến. Du kích không làm lễ truy điệu cho hai anh mà làm một bữa cơm chia tay trước buổi các anh lên đường.
Ngày Lề và Xuân lên đường là ngay sáng ngày hôm sau 25 tháng 12 năm 1967, đó là ngày lễ Noel; ngày hai bên đã cam kết ngừng bắn để đảm bảo bình yên cho đồng bào Thiên Chúa giáo đi dự lễ.
Hai anh mặc quần áo giải phóng, lưng thắt dây da to bản, đầu đội mũ tai bèo. Đúng 7 giờ sáng ngày 25/12, lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng ở giữa tung bay ngay từ đất Quảng Lợi. Bên cạnh lá cờ là bức bích chương rộng màu xanh da trời, chữ trắng: “Xin hãy hòa bình cho đất nước chúng tôi”. Xuân và Lề không hề mang theo một tấc sắt làm vũ khí. Trong tay các anh lúc này chỉ có lá thư của chính quyền cách mạng gửi tỉnh trưởng Phạm Văn Khoa. Hai anh không được trực tiếp đọc lá thư có trong tay, chỉ được các anh nói lại nội dung bức thư ấy là: Nhân dân chúng ta rất đau khổ vì chiến tranh. Xin hãy ngưng súng, hai bên gặp gỡ nhau để bàn về hòa bình cho dân tộc. Tuy nhiên cả Xuân và Lề đều biết rằng lá thư chỉ là một cái cớ để cho cờ mặt trận tung bay giữa thành phố Huế. Lá cờ bay giữa lòng địch nhắc nhở với dân rằng mặt trận là chính nghĩa và chính nghĩa thì nhất định sẽ chiến thắng.
Lá cờ và bích chương của Lề và Xuân phấp phới bay tới đâu nhân dân đổ ra hai bên đường đứng xem và mừng rỡ. Ngày ngừng bắn không có lệnh thì không dám bắn. Chúng nhìn theo lá cờ một cách ngỡ ngàng. Cứ vậy, lá cờ hiên ngang đi đến tận cổng quận Quảng Điền. Lính trong quận chạy ra, đề nghị Xuân và Lề hạ cờ xuống, gấp cờ lại.
Anh Xuân và anh Lề trả lời ngay:
- Chúng tôi nhận nhiệm vụ vác băng cờ này. Băng cờ là tiếng nói đòi hòa bình của đồng bào cả nước, cả của các anh nữa, các anh cũng mong được sống trong hòa bình chứ? Chúng tôi có thư của Mặt Trận gửi ông tỉnh trưởng đây. Yêu cầu cho chúng tôi gặp ông quận trưởng.
Lời nói đúng ý, hợp tình nên lá cờ không bị cuộn lại. Lính gác vào báo cáo với quận trưởng. Quận trưởng Quảng Điền đồng ý cho vào. Xuân trao thư của chính quyền cách mạng gửi ông tỉnh trưởng Phạm Văn Khoa; không phải thư cho mình, quận trưởng không dám bóc. Ông điện lên Huế gặp tỉnh trưởng, tỉnh trưởng đồng ý đưa hai chiến sĩ cách mạng lên Huế.
Quận trưởng Quảng Điền phải cho xe Jeep chở Xuân và Lề đi. Ngồi trên xe hai chiến sĩ giải phóng quân cầm lá cờ bay phấp phới và dương cao bích chương trên tay. Chiếc xe Jeep lăn từ từ trên đất Cố đô. Dân phố hai bên đường đổ ra nhìn theo, ríu rít vẫy tay theo lá cờ.
Cờ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng tung bay giữa ban ngày trên đất Cố đô, quả là một việc làm có một từ xưa đến nay. Chỉ riêng việc đó thôi, nhân dân Huế đã hiểu thế chiến thắng của cách mạng đến đâu rồi.
Chiếc xe Jeep vào thẳng dinh tỉnh trưởng trên đường Lê Lợi, con đường khang trang nhất Huế. Tỉnh trưởng nhận thư và đón tiếp hai anh. Xuân thưa:
- Thay mặt nhân dân đau khổ vì chiến tranh, chúng tôi chỉ yêu cầu hai bên gặp nhau để bàn bạc, thương lượng cho đất nước mau được thống nhất, mau được hòa bình.
Tỉnh trưởng tiếp nước các anh đúng thủ tục của một tỉnh trưởng đón khách. Ông nói:
- Điều các ông đề nghị chúng tôi sẽ bàn bạc và sẽ tính chuyện sau với Mặt Trận.
Tỉnh trưởng nhận thư, đọc thư, tiếp khách đúng thủ tục xong, hai bên tạm biệt nhau. Tỉnh trưởng lệnh cho xe Jeep chở hai chiến sĩ cách mạng trở lại quận Quảng Điền.
Lại một lần nữa lá cờ nửa đỏ nửa xanh bay phấp phới suốt chiều dài hơn hai chục cây số từ Huế về lại quận Quảng Điền.
Đến Quảng Điền, Xuân và Lề xuống xe, gửi lời chào quận trưởng và lại vác cờ đi trên con đường cũ trở lại xã Quảng Thái, nơi các anh xuất phát. Nhưng Xuân và Lề cảnh giác, về đến An Gia, các anh bỏ đường cũ, quấn cờ, gập bích chương tựa vào bóng cây xanh làm vật che khuất, băng tắt qua trảng cát trở về đến địa điểm xuất phát một cách an toàn.
Thật may, cảnh sát Quảng Điền đã tung quân mai phục ở An Gia. Lệnh là thấy các anh được quyền nổ súng tiêu diệt ngay. Chúng đã không hoàn thành nhiệm vụ này.
Quân khu Trị Thiên và tỉnh Thừa Thiên khen Quảng Điền đã mưu trí, dũng cảm thực hiện một cuộc binh vận rất xuất sắc.
Lời khen ấy rất có giá trị vì quân khu đang lặng lẽ chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân chỉ sau đó một tuần lễ mà thôi.
Tin bộ đội giải phóng vác cờ xanh đỏ đi giữa đất Cố đô không đưa lên đài, lên báo, nhưng từ người nọ truyền tai người kia như một làn sóng ào ạt. Bà con bảo vậy là sắp hòa bình rồi, Mỹ sắp về nước rồi. Hòa bình ăn cháo cũng cam. Cha mẹ lính Cộng hòa khát khao hòa bình tác động nhanh nhất tới con cái mình. Anh em binh lính cũng chỉ chờ mong mau được về với vợ con.
Phát huy thắng lợi binh vận, Quảng Điền đang tính toán thời cơ để tấn công binh vận lần thứ hai. Thời cơ đã tới, đó là dịp Tết nguyên đán 1968. Lần này vùng hoạt động ngắn hơn. Ý định muốn nổ tung trong huyện của mình thôi. Hai mũi trung tâm muốn nhắm tới là Trung đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa ở cây số 17 và quận Quảng Điền. Một cuộc tuyển chọn nhân tố dũng cảm kiên cường ở các đơn vị xã được tiến hành khẩn trương.
Bốn người được chọn lựa là: Hoàng Kim Thắng. Một thanh niên học trên Huế về. Anh đẹp trai, hát hay và luôn luôn là người can trường. Dương Thị Tho, một nữ du kích tháo vát, chị là Chủ tịch Hội Phụ nữ Phong Hiền. Hai người tiếp theo là Hoàng Kim Cuộc, hiện anh là trưởng công an thôn Cao Ban và anh Nguyễn Quốc Tròn, một du kích mẫu mực làng Niêm Phò xứng đáng là thế hệ đàn em người đồng thôn Nguyễn Chí Thanh.
Đêm chia tay, Dương Thị Tho về chào mẹ. Mẹ cầm tay chị nén dòng nước mắt: “Em con đã hy sinh. Con hãy trả thù cho em con. Nếu có chết cũng luôn nhớ là mình đã làm được một việc vì dân, vì nước con ạ”.
Cuộc và Tròn đi mũi Tứ Hạ. Đúng sáng mồng một Tết xuất phát. Các anh, chị đi không hề mang vũ khí. Chỉ có lá cờ nửa xanh nửa đỏ và sao vàng ở giữa trong tay và băng bích chương đòi hòa bình. Cuộc và Tròn từ xã Quảng Phú ra bến đò Hạ Lang. Chị cơ sở chở đò cho hai anh. Nhìn hai đứa em trẻ trung quá, chị nói: “Chị sợ các em hy sinh quá. Trẻ thế này mà hy sinh, chỉ nghĩ thế, chị đã đau lòng biết bao”. Nguyễn Quốc Tròn trả lời: “Được hy sinh cho quê hương, đất nước là một điều quang vinh chị ạ”. Chị nhìn hai người lên bờ, phăm phăm cầm cờ đi về phía cây số 17. Các anh đến trụ sở Trung đoàn 3 do trung tá Trương Như Thọ làm trung đoàn trưởng. Nguyễn Đình Cuộc nói với tên lính gác:
- Cho chúng tôi gặp trung tá Trương Như Thọ đưa lá thư này của mặt trận.
Thấy cờ giải phóng, bọn lính trong căn cứ chạy ra, chúng nói như ra lệnh:
- Hạ cờ xuống, quấn cờ, quấn băng rôn lại.
Nguyễn Quốc Tròn trả lời;
- Lá cờ của chúng tôi là yêu chính nghĩa, yêu hòa bình. Các anh có yêu chính nghĩa yêu hòa bình không mà bắt chúng tôi cuốn lại?
Mấy tên lính chạy vào báo cáo cho trung tá Thọ. Lát sau họ chạy ra bảo:
- Hãy để cờ và băng qua một bên, trung tá mời các anh vào.
Tròn và Cuộc dựng cờ, băng rôn vào ngay bên bót gác. Các anh vào được Thọ mời nước, tiếp chuyện đúng nửa giờ đồng hồ. Thọ nhận thư và hứa sẽ trả lời. Tròn và Cuộc ra về. Chị cơ sở vẫn đứng cắm sào đợi các anh ở bến. Nhưng lúc ấy trên bến đã có ba tên cảnh sát của quận Quảng Điền do tên Thành cầm đầu. Thành nhìn hai anh bằng con mắt thù hận. Tròn và Cuộc bước lên đò. Con đò vừa rời bến thì bọn Thành nổ súng. Tròn và Cuộc ngã ngay trên mặt đò. Chị lái đò òa khóc. Bọn Thành chuồn ngay không nói một lời. Chị lái đò đưa đò qua sông. Vừa chèo vừa hô hoán. Bà con Quảng Phú ra ôm hai anh lên bờ.
Một cụ già ôm Cuộc nấc lên:
- Chỉ muốn hai chữ bình yên thôi mà phải đổ máu. Trời ơi là trời.
Hoàng Kim Thắng và Dương Thị Thọ từ Phong Điền, cầm cờ băng và thư ra đồn Lai Xá. Đồn Lai Xá có một trung đội lính Cộng hòa. Đứng trước đồn, Hoàng Kim Thắng la to:
- Không được cản trở chúng tôi, hãy để chúng tôi lên quận đưa thư cho ông quận trưởng.
Lính Lai Xá gọi điện lên quận Quảng Điền, quận cho xe về đón hai người. Nhưng đến quận, thay vì quận trưởng tiếp anh chị, thì bọn cảnh sát đã chặn anh chị lại, chúng liền giơ roi quất vào hai người. Hoàng Kim Thắng nói:
- Chúng tôi không hề có vũ khí trong tay, chúng tôi đến đây để bàn hòa bình cho nhân dân Quảng Điền, các anh đánh chúng tôi là vô nhân đạo.
Bọn cảnh sát không ngừng tay. Đánh cho hai người tả tơi, chúng kéo Thắng và Thọ ra cồn mồ ngay trước cổng quận và bắn chết hai người ngay tại đó.
Chuyến ra đi của Cuộc, Tròn, Thắng, Thọ không mỹ mãn, nhưng các anh chị cũng đã gây được tiếng vang. Thêm một lần nữa, nhân dân thấy bọn tay sai của Mỹ tàn bạo đến nhường nào:
Anh em lính Cộng hòa bảo nhau:
- Chúng ta cậy vũ khí được trang bị tận răng mà nỡ hành hung người ta không hề có một tấc sắt trong tay, liệu lúc chúng ta thất thế, lúc ấy đừng có trách họ ác. Một người lính thở dài:
- Ôi! Khát vọng hòa bình!
Chỉ hơn 10 giờ đồng hồ sau khi Cuộc, Tròn, Thắng, Thọ bị giết thì tiếng súng mở màn cho chiến dịch Mậu Thân bùng nổ dữ dội. Sau loạt đại bác dội vào sân bay Phú Bài, ở tất cả 6 huyện và thành phố Huế của Thừa Thiên đều nổ súng nhất loạt tấn công vào tất cả các căn cứ kẻ thù. Các cuộc xuống đường đấu tranh chính trị của sinh viên trên đất Huế và những cuộc binh vận đầy sáng tạo đã đóng góp hết sức có hiệu quả cho tiếng súng mở đầu chiến dịch. Chỉ sau một đêm, quân giải phóng đã làm chủ Huế và làm chủ tất cả các căn cứ địch trong 6 huyện ngoại thành. Nếu hồn vía lính ngụy không suy vi, không tan tác làm sao giành được chiến thắng dễ dàng làm vậy.
Điểm lại các dữ kiện binh vận trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ suốt từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau, không có nơi nào đánh trực tiếp vào tâm can lính ngụy như ở Quảng Điền. Duy nhất Quảng Điền dám tay không cầm cờ, cầm thư, cầm khẩu hiệu áp sát vào tận cơ quan đầu não của kẻ thù.
Hình ảnh những người chiến sĩ mặc áo quần giải phóng, đội mũ tai bèo, hiên ngang vác cờ nửa xanh nửa đỏ vào vùng địch chiếm trong tay không hề có một tấc sắt, chỉ có tấm lòng đòi hòa bình, đòi thống nhất, dù hình ảnh ấy chưa được một họa sĩ, một nhà điêu khắc nào tạo hình, song hình ảnh đó đã là, đang là và mãi mãi là pho tượng đài kiêu hãnh trong lòng nhân dân huyện Quảng Điền.
Tố Hữu viết: “Có những phút làm nên lịch sử. Có những phút hóa thành bất tử”. Những người du kích cầm cờ kia, dù họ chưa được phong tặng danh hiệu anh hùng, dẫu họ rất xứng đáng với danh hiệu ấy, song họ đã bất tử, đã đi vào lịch sử của thời chống Mỹ trên đất Thừa Thiên Huế này.
Thiết nghĩ bất cứ lúc nào họ được phong tặng danh hiệu anh hùng đều xứng đáng cả.
Xin nói thêm về Nguyễn Xuân, Hà Lề. Hà Lề đã hy sinh trong cuộc chống càn năm 1969 và Nguyễn Xuân bị lật hầm cùng hai đồng đội của mình, anh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Cha và các em của hai anh đều đã hy sinh anh dũng cho cuộc kháng chiến. Bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ Nguyễn Xuân và bà Phan Thị Ngùy, mẹ Hà Lề, đều đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Về Quảng Điền bây giờ sẽ được những người dân ở đây kể về Xuân, về Lề, về Cuộc, về Tròn, về Thắng, về Tho như những chuyện đang còn nóng hổi của ngày hôm nay, đủ hiểu nhân dân Quảng Điền tự hào về những người con của mình biết bao nhiêu.
N.Q.H
(TCSH347/01-2018)
VŨ SỰ
Ngày xưa, chuyện “chồng già vợ trẻ” cũng là chuyện thường tình. Xứ Huế đầu thế kỷ 20, cũng có những chuyện thường tình như thế. Nhưng trong những chuyện thường tình ấy, cũng có vài chuyện “không thường tình”, ngẫm lại cũng vui.
TÔ HỮU QUỴ
Nhìn những bọt nước lớn nhỏ bám vào nhau lững thững trôi theo vệ đường, tôi nhớ có ai đã nói với tôi mỗi khi trời mưa, bọt nước không vỡ nhanh mà cứ bồng bềnh trên mặt như thế là cơn mưa sẽ kéo dài thật lâu.
TRẦN ĐỨC CƯỜNG(*)
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi. Đất nước thu về một mối.
VÕ THỊ XUÂN HÀ
Đêm qua có một chàng trai nhắn cho tôi: “Có khi em không phải người phàm thật em ạ”.
(Xin phép anh cho tôi nói ra điều này vì độc giả yêu quý).
HÀ LÂM KỲ
Tháng 5 năm 1996, nhân gặp nhà thơ Tố Hữu ở Hội Nhà văn, tôi rụt rè nói với ông rằng có cuốn băng về câu chuyện giữa nhà thơ và Bác Hồ. Ông vui vẻ nhận lời nghe lại.
BÙI KIM CHI
Chút hương chiều bảng lảng. Xôn xao lá me gọi hồn con gái. Mây vội vàng đuổi nắng. Bàng bạc sắc lam pha hồng. Trời nhẹ tênh đưa mây xuống thấp.
HOÀNG THỊ NHƯ HUY
Sáng nay bầu trời âm u màu xám xịt như muốn sụp đổ với những cơn mưa liên tục xối xả, báo hiệu con nước sắp vượt bờ sông Hương.
NGUYỄN BÙI VỢI
MAI VĂN HOAN
Bình Trị Thiên trước đây và Thừa Thiên Huế bây giờ vốn nổi tiếng là nơi có nhiều học sinh giỏi. Các lớp chuyên tỉnh đã được thành lập hơn 12 năm nay.
LTS: Sáng ngày 8/11/2018, tại Huế đã diễn ra Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Chí Diểu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức.
YẾN LAN
Hồi ký
Sau một chuyến đi dài vào mảnh đất tận miền Tây Tổ Quốc, tôi trở về quê, lòng chưa ráo nỗi nhớ đường, nhớ sá, thì trời đã chớm sang thu.
TRẦN QUANG MIỄN
Có lẽ, cho đến bây giờ bạn bè, người quen biết vẫn thường gọi tôi:
- Ê Thành Cát Tư Hãn!
Vai diễn đó đã thực sự tạo sự khác biệt giữa tôi và bạn bè cùng trang lứa lớp Đệ Tam ban C trường Quốc Học.
TRỌNG NGUYỄN
Nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha kể: “Tết năm 1966, một bà cụ từ bên Lại Bằng (huyện Hương Trà) lặn lội qua Phong Sơn (huyện Phong Điền) thuộc vùng giải phóng để xem chiếu bóng.
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
(Trích đoạn tuồng lịch sử)
LTS: Từ thành công của Cách mạng Tháng Tám đến thành công của “Tuần Lễ Vàng” năm 1945, lịch sử Việt Nam đã chứng minh rõ về sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách mạng và khối đại đoàn kết dân tộc trong thực tiễn. Những dấu mốc ấy đã để lại bài học lớn lao đầy ý nghĩa về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.
NGUYỄN THÁI SƠN
Trong suốt quá trình lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm, xem báo chí như một thứ vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước và cũng là diễn đàn xã hội rộng lớn của nhân dân.
Kỷ Niệm Ngày Thương Binh Liệt Sỹ 27/7
BÙI XUÂN HÒA
Ghi chép
ĐẶNG NHẬT MINH
Anh Trần Đăng Nghi trên tôi 7 tuổi, thuộc thế hệ các dì các cậu tôi ở Huế. Tôi biết anh qua dì tôi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Toản và ông anh họ tôi là kỹ sư Lê Đình Cát, những người bạn chí thân của anh từ thuở cắp sách đi học ở Huế cho đến khi đã về già.
TÔ NHUẬN VỸ
Có những nội dung, định hướng trên tạp chí bây giờ đã bình thường, nhưng vào thời gian cách nay hai ba chục năm là quá chừng rối rắm, phức tạp. Như Hòa hợp trong văn chương, văn hóa.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Nhận thư Tòa soạn “Sông Hương” nhắc viết bài cho số kỷ niệm 35 năm Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, lời đáp là một “tự vấn”: Không biết viết cái chi đây?